Tác giả: Thích Chúc Hòa Học viên Cao học Khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM

Tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn mang nội dung tư tưởng Phật giáo được Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài trước tác theo thể loại văn học của dân tộc, cụ thể là thể loại truyện thơ Nôm lục bát. Khảo sát về thể loại ta thấy Thiền sư sử dụng truyện thơ Nôm lục bát thi thoảng kèm theo câu song thất, kệ, và các bài văn tế, hịch. Vì thế, trong chương này học viên sẽ trình bày thể loại, ngôn ngữ và nghệ thuật được biểu hiện trong tác phẩm.

1. Thể loại tác phẩm

1.1. Thơ Nôm lục bát

Thơ Nôm lục bát nghĩa là dùng chữ Nôm có kết hợp chữ Hán tạo thành, nghĩa đen của thơ lục bát là “sáu tám, vì theo thể này cứ lần lượt đặt một câu sáu chữ, lại đến một câu tám chữ, muốn đặt dài ngắn bao nhiêu cũng được, miễn là phải dừng lại ở cuối câu tám”[1]. Hình thức gieo vần là các chữ trong 1 cặp câu lục bát gieo thanh “bằng” (dấu: thanh ngang, huyền) tiếng 2-6-8; gieo thanh “trắc” (dấu: sắc, hỏi, ngã, nặng) vào tiếng thứ 4, đôi khi cũng có thể gieo vần tự do. Vần, hiệp vần ở tiếng thứ 6 của hai câu, tiếng thứ 8 của dòng bát với tiếng thứ 6 của dòng lục. Hài thanh đối xứng và luân phiên: B-T-B ở tiếng 2-4-6 trong câu thơ, đối lại với âm vực ở tiếng thứ 6 và thứ 8 trong dòng bát. Kết cấu hài thanh trong Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đúng theo qui luật như sau:

“Tiết vừa đông mãn xuân qua

Gió thanh phất phất khí hòa hây hây

Thiều quang hơi ấm xông vây

Vật người hớn hở cỏ cây tươi nhuần”

Thơ lục bát không giới hạn về số lượng câu thơ, trong nền văn học Việt Nam có nhiều thể loại trong đó truyện thơ Nôm lục bát là thể thơ của dân tộc như lục bát, song thất lục bát, ca dao, tục ngữ, dân ca, truyện dân gian v.v… thơ lục bát thuộc thể văn của ca dao. Ngoài ra, thể lục bát “chính thức câu 6 câu 8 kế tiếp nhau, hoặc lục bát biến thức (thỉnh thoảng có xen những câu dài hơn 6 hoặc 8 chữ”[2]. Thể loại truyện thơ Nôm lục bát xuất hiện nhiều tiêu biểu như tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên, truyện Kiều của Nguyễn Du v.v…  trong số đó đỉnh cao của nghệ thuật sáng tác thơ lục bát là Nguyễn Du.

1.2. Thơ, kệ

Thơ và kệ trong tác phẩm của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đều mang một triết lý cảm quan riêng, thể hiện triết lý Phật giáo. Như chúng ta đã biết, thơ bao gồm thơ song thất lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt, bát cú v.v… thể thơ này khá phổ biến ở Trung Quốc đến với nước ta cũng khá thịnh hành. Thì theo tác giả Đinh Gia Khánh: “Thể thơ lục bát và song thất lục bát vốn hình thành từ trước trong thơ ca dân gian, đã được nhiều tác giả sử dụng để viết truyện Nôm, diễn ca lịch sử và ngâm khúc”[3]. Ngoài ra, trong tác phẩm Văn học Phật giáo thời Lý – Trần tác giả Nguyễn Công Lý có định nghĩa kệ và thơ khá chi tiết như sau:

“Loại thứ nhất là kệ (kệ tụng, kệ tán, kệ ngộ giải), những bài kệ này trực tiếp trình bày giáo lý, tư tưởng nhà Phật bằng hình thức thơ ngắn gọn, cô đúc, chuyển tải những nội dung súc tích, những tư tưởng uyên áo của Thiền học, Phật học. Kệ cũng có khi là lời răn dạy đệ tử, hoặc lời trối trăn của các Thiền sư trước lúc thị tịch. Kệ này thường là những bài văn vần bốn câu hay tám câu với nhiệm vụ thâu tóm một cách cô đọng lời kinh bằng văn xuôi đã giảng thuyết ở phần trước.

Loại thứ hai là kệ được thi vị hóa. Có thể xem đây là loại thơ triết lý bởi lẽ về hình thức, các tác giả đã sử dụng thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn, với ngôn ngữ lung linh, đầy hình ảnh đẹp và gợi cảm, giàu chất thơ nhưng đằng sau cái vỏ hình thức ngôn ngữ ấy ẩn tàng triết lý nhiệm mầu của nhà Phật.

Loại thứ ba là thơ mang cảm hứng Thiền học. Đây là những bài thơ cảm xúc trữ tình nhưng nội dung có thể đề cập đến tâm, Phật, sinh, tử, Niết Bàn, chân như, sắc không, hư vô... Loại này chiếm một số lượng khá lớn trong kệ thơ Thiền, do các Thiền sư trước tác hoặc của vua chúa, quý tộc, quan lại, Nho sĩ viết về nhà chùa ít nhiều chịu ảnh hưởng và mang cảm hứng Thiền.

Loại thứ tư là thơ tức cảnh sinh tình, bộc lộ cảm xúc tâm trạng của Thiền sư đối với cái lung linh, mỹ lệ của ngoại cảnh thông qua cảm quan Thiền học”[4].

Dựa vào sự phân chia mạch lạc rõ ràng đó, tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư có sử dụng song thất xen lẫn vài đoạn là thơ trữ tình, thơ kệ triết lý như:

Thanh sơn kệ rằng:

“Phật với chúng sinh trước ngỡ xa

Đến nay mới tỏ ở một nhà

Bằng ai vô niệm thời mới thấy

Những chúng hữu tình kiếm chẳng ra

Đến chừng xét lại cho tột gốc

Vốn thời không Phật cũng không ta”

Hoặc đoạn thơ mang cảm hứng thiền nội dung đề cập đến việc sinh ly tử biệt

“Con thác mắc hùm sầu dưới gối

Chồng lìa tin nhạn lóng trong tai

Mang đông khó biết cơ khi tối

Thuở tối khôn tường việc bữa mai

Thuyền bách lênh đênh cam phận chịu

Tam tùng đạo cả dám đâu sai”

Nội dung những câu thơ trên của Thiền sư mục đích chính là “dĩ văn tải đạo” tức là dùng văn học làm phương tiện trợ giúp đời sống tinh thần qua những áng thơ Phật giáo toát lên vẻ đẹp tâm hồn, giúp cho người đọc cảm nhận được thế giới Phật giáo qua hình thức thơ ca.

1.3. Văn xuôi chữ Nôm

Văn xuôi là một bộ phận quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu trước nay nhận xét, tác phẩm văn xuôi chữ Nôm xuất hiện sớm nhất vào thế kỷ XV với bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh đây được xem là bản dịch thời kỳ đầu của nền dịch thuật Việt Nam, theo kiểu dịch đuổi nhưng không rõ tác giả. Khi nói đến văn xuôi chúng ta không thể không nhắc đến Thiền sư Minh Châu Hương Hải, bởi “nói đến văn xuôi tiếng việt, ta phải coi Minh Châu Hương Hải là người tiên phong, tối thiểu là trong lĩnh vực sở trường của ông, lĩnh vực tư tưởng Phật giáo và sử dụng tiếng nói của dân tộc”[5]. Những tác phẩm văn xuôi mà Thiền sư đã dịch như “Giải kim cương kinh lý nghĩa, Giải Di Đà kinh, Giải Tâm kinh ngũ chỉ” được viết vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, với cách vừa dịch vừa giải thích theo cách hiểu của riêng Thiền sư.

Văn xuôi xuất hiện trong Hứa Sử Truyện Vãn là hình thức văn tế và hịch, dùng thể văn xuôi này để thông báo, khuyên răn mọi người. Cho nên thể văn xuôi này thường ngắn gọn, hàm chứa đầy đủ nội dung muốn thông báo.

“Từng nghe! Trời cao đất thấp nên trời đất nguyên hai chữ thuần thành. Chúa khiến tôi vâng nghĩa chúa tôi vẹn một lòng trung tín. Như kinh rằng: Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ ghi hãy sờ sờ, suất thổ chi tân mạc phi vương thần chép còn rành rạnh. Kìa ngoại vật là loài ong kiến còn có chúa tôi, huống chi người vốn tính rất thiêng há không lớn bé và chúa mỗ quyền đương Trung hạ thiệt là thay trời xuống trị vạn dân. Bằng chúng ngươi phận ở biên phương dung cho thói đất nhờ yên một phai, lẽ thời tịch tịnh, chẳng khá nhiễu nhương. Năm xưa đà phạm giới xâm cương, mỗ vâng sắc hưng sư vấn tội, thời gã lại hàng, lỗi ấy đã dung, giao ước đoan ngôn, thường năm cống thuế, ấy là nghĩa quân thần”.

Trong tác phẩm, Thiền sư sử dụng thơ lục bát, đường luật, văn xuôi theo thể văn tế, hịch. Với nghệ thuật văn chương của dân tộc, lời thơ hài hòa mang phong cách dân gian dễ đi vào lòng người, góp phần làm phong phú cho nền văn học Phật giáo và văn học Việt Nam. Cách sử dụng thể loại thơ lục bát có xen lẫn các thể bài kệ, văn xuôi là tạo sự ngừng nghỉ, chuyển ý, nhấn mạnh tâm trạng của nhân vật chính. Tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài mang giá trị nhân văn, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ trong lòng người đọc. Trong suốt nội dung tác phẩm gồm 4486 câu thơ nhưng đôi khi có nhiều đoạn thơ cô đọng triết lý tu tập và giác ngộ người đọc hiểu được nội dung cốt truyện ứng dụng tu tập vào đời sống.

2. Ngôn ngữ nghệ thuật

Ngôn ngữ được sử dụng trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài chủ yếu là ngôn ngữ thiền học và ngôn ngữ bình dân (đại chúng) nhằm chuyển tải chất liệu cuộc sống phục vụ việc giáo hóa nhân dân mở ra lối đi mới nhằm hướng đến đời sống tâm linh Phật giáo một cách đúng đắn.

2.1. Văn tự Hán – Nôm và từ Nôm cổ

Nguyên bản tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật –Quang Đài được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trước đó, chữ Hán hình thành và phát triển từ lúc đất nước ta bị Bắc Thuộc, chữ Hán thuận lợi đi vào nếp sống văn hóa lưu lại một số trước tác, dịch thuật có nội dung Phật học và một số thơ văn mà các nhà nghiên cứu đã công bố “Đến thời độc lập tự chủ trải qua các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, và đến triều hậu Lê, Nguyễn thì chữ Hán chiếm lĩnh hầu hết các địa hạt văn học mặc dù đến thế kỷ XIII dân tộc ta mới có chữ Nôm xuất hiện chính thức trên văn đàn mà người tiên phong là Trần Nhân Tông”[6]. Ngôn ngữ là đại diện cho sự giàu mạnh và phát triển của một quốc gia, ngôn ngữ ấy phải phong phú và đa dạng trên nhiều phương diện khác nhau. Bởi vậy nếu chúng ta mãi dùng thuần chữ Hán không tạo ra ngôn ngữ riêng cho chính mình thì không thể diễn tả hết được những mong muốn bộc lộ suy tư tình cảm đến với mục đích truyền tải vì thứ ngôn ngữ tình cảm đó ngày một dồi dào và phát triển mà chữ Hán cứ đứng yên nếu có phát triển thì theo kiểu riêng chứ không liên quan gì đến trào lưu tiến bộ nào cả. “Bởi vậy, các danh sĩ nước ta bấy giờ, muốn diễn dịch được hết thứ tiếng phong phú ấy, vì sự cần dùng, tự bắt buộc phải tạo thêm chữ mới. Cách cấu tạo vẫn mượn mẫu tự Tàu làm gốc. Thứ chữ cấu tạo theo cách này được mệnh danh là “Chữ Nôm. Vào hai đời Mạc và Hậu Lê, tuy Nam Bắc phân tranh loạn lạc, nhưng văn Nôm cũng thịnh đạt”[7].

Chữ Nôm xuất phát từ sự tư duy đặc biệt ông cha ta vay mượn trên cơ sở thành tố, phương thức chữ Hán cấu tạo thành mục đích lưu trữ từ Việt và tiếng Việt: “Theo giới nghiên cứu thì chữ Nôm có thể đã xuất hiện từ thế kỷ VIII hoặ sớm hơn , nhưng trở nên thịnh hành từ thời Lý , Trần , khi được dùng để ghi nhữn sáng tác văn học bằng tiếng Việt”[8],  sự ra đời của chữ Nôm hình thành nên văn học chữ Nôm, là ngôn ngữ dân tộc nên khi ra đời gắn liền với những tác phẩm văn học có giá trị cao trong văn học trung đại,  tác phẩm chữ Nôm xuất hiện sớm như là Văn bia chùa Báo Ân đời Lý, đời Trần có Cư trần lạc đạo phú v.v… tạo nên một trào lưu sáng tác mới đầy sinh khí: “Sự xuất hiện của chữ Nôm đáng được coi như là một cái mốc lớn trên cơ đường tiến lên của lịch sử . Và kho tàng văn bản Nôm cũng như bản thân chữ Nôm được coi như là một gia tài văn hóa quý báu của dân tộc ta”[9]. Chữ Nôm xuất hiện có ý nghĩa đánh dấu bước ngoặt phát triển giai đoạn mới của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, nói lên sự ý thức tự cường tự lực và khẳng định vai trò vị trí của tiếng Việt “nhiều tác phẩm Phật giáo sáng tác bằng chữ Nôm hoặc dịch kinh điển Phật giáo viết bằng chữ Hán sang chữ Nôm nhằm hoằng dương Phật pháp để mọi người hiểu giáo lý nhà Phật và tạo nên văn học Phật giáo Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”[10]. Những thế kỷ sau đó trào lưu sáng tác văn học chữ Nôm ra đời và công tác phiên dịch với nhiều thể loại phong phú khác nhau lan rộng qua từng thời kì điển hình như: Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Nam Hải Quan Âm Phật sự tích ca của Thọ Tiên Diễn Khánh, Bạch Vân quốc ngữ thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nam Hải Quan Âm của Thiền sư Chân Nguyên, Sa di thập giới quốc âm của Như Trừng và một số tác giả về sau như trong đó có Thiền sư Toàn Nhật với tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn v.v ... Đinh Gia Khánh nhận xét: “Văn học chữ Nôm thời kỳ này có sự phát triển toàn diện về lượng cũng như về chất. So với văn học chữ Hán, văn học chữ Nôm có số lượng tác phẩm ít hơn, nhưng tỷ lệ số tác phẩm Nôm lại rất cao so với tỷ lệ đó trong thế kỷ XV. Nhiều tác phẩm đã mất, có thể là do binh hỏa, có thể là do điều kiện bảo quản chưa tốt, nhưng một phần lại do Nhà nước phong kiến đã có lúc chủ trương phá hoại. Khi phong trào sáng tác văn thơ Nôm sản sinh ra những tác phẩm tiến bộ, chứa đựng những quan điểm trái với quan điểm và đạo lý chính thống, thì nhà nước thẳng tay đàn áp”[11]. Chữ Nôm là vốn liếng có được từ nguồn trí tuệ của ông cha ta để lại bằng sự thông minh sáng tạo ấy dù trải qua bao nhiêu cuộc đàn áp tiếng nói đó đã tạo ra nền độc lập tự chủ, một sự kiện đánh dấu cột mốc thành công vẻ vang không những về sự tự do dân chủ mà còn ca ngợi chủ quyền thuộc địa, sự tự hào rất lớn đối với nhân dân ta.

- Nôm cổ nghĩa là chữ Nôm được sử dụng trong văn chương của dân tộc ta từ rất lâu, đến nay ít ai sử dụng đến trong văn viết nên gọi là Nôm cổ. Thật ra, khi nghiên cứu về những từ Nôm cổ sử dụng trong văn bản thời xa xưa các nhà nghiên cứu phần nào xác định được danh tính tác phẩm, tác giả xuất hiện vào niên đại nào, đôi khi đây cũng là mấu chốt tìm ra nguồn gốc xuất xứ của bản văn thông qua các từ mà tác giả biên soạn, trước tác lại đó là cái hay cái khéo mà ngày nay giới nghiên cứu học được. Qua đó, chúng ta cũng phần nào phân biệt được từ nào là Nôm cổ không phải là ngẫu nhiên mà có cả quá trình tìm tòi, chọn lọc. Trong tác phẩm  Hứa Sử Truyện Vãn có những từ Nôm cổ như: ? vào;和 hòa; 坤 khôn; 隊đòi; 濫之làm gì; 拯迡 chẳng chầy; ? rày; 崔 thôi; 咍hay; 坤khôn; 曳dái; 盧 lo; ? lòng; 羅là; 馬差 mựa sai; 懇懇khấn khấn; 庄容 chẳng dung; 急kíp; ? nay; 拯質chẳng chặt; 隊? đòi cơm; ?咹 cơm ăn; 空? không ngày; ??霜埋 chớp lòa sương mai; ?? coi mươi; 托冤?準幽都thác oan xuống chốn u đồ; ?坦 trời đất; 蜍柴 thờ thầy, mựa hề, v.v…

Với lối dùng từ Nôm cổ đặc thù như thế trong văn chương của dân tộc Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đã thành công nội dung cốt truyện về Hứa Sử Truyện Vãn  theo tư tưởng, quan niệm của dân tộc Việt. Điều này cho thấy sự nổ lực của Thiền sư trong quá trình thay đổi chủ nghĩa chống quân tôn, xây dựng nhân vật giữa tranh giới thiện và ác, mục đích khuyến hóa con người mở ra con đường tư tưởng mới để giúp nhân sinh thành tựu về tất cả lĩnh vực đem lại sự bình yên cho đất nước.

2.2. Ngôn ngữ Thiền học

Ngôn ngữ thiền học bắt nguồn từ sự thuyết pháp của chính đức thế tôn, trên nhiều hình thức ngôn ngữ thông qua các cơ sở chiều hướng tư duy, môi trường tâm lý, hay tùy theo phong tục tập quán khác nhau mà tạo nên những ngôn ngữ khác nhau để biểu đạt ý nghĩa ngôn ngữ nơi đó. Tôn chỉ của thiền là “không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật cho nên trong những tác phẩm văn học mà tác giả là Thiền sư hoặc chịu ảnh hưởng Thiền Phật thì nếu chúng ta chấp vào ngôn ngữ theo nghĩa thông thường thì khổng thể nào đạt đến thông điệp thật sự mà tác giả muốn gửi gắm. Nghĩa là loại ngôn ngữ này được nhìn nhận trong bản thể của chúng, thấu rõ thật tính của chúng. Nó cũng là một pháp bình đẳng với các pháp khác, thật tướng của các pháp không khác thật tướng của ngôn ngữ”[12].

Tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài sử dụng ngôn ngữ Thiền học. Ngôn ngữ Thiền học là “quá trình tư duy theo cách thức thiền định tác giả hành trì khi tiếp cận, đòi hỏi phải có sự suy niệm, dụng tâm thuật ngữ Phật học gọi là như lý tác ý. Nếu không như vậy, người học chẳng được gì ngoài niềm tin tôn giáo. Nếu chức năng như lý tác ý ở đây có công dụng soi sáng các hiện tượng, thì người tiếp nhận sẽ có cái nhìn đúng như thật về con người. Từ đó, người học đạo nỗ lực hành trì tư duy tu, tiếp cận cảnh giới Phật quốc mà các tác giả Thiền phái khát khao xây dựng nhằm mục đích hiện thực hóa cuộc đời, xả ly sự cấu uế của trần tục thay vào đó là thế giới an bình của tâm thức”[13]. Ngôn ngữ thiền ngữ học được Thiền sư sử dụng trong nội dung tác phẩm như các từ: tụng kinh (14 lần); sự lý (2 lần); liên hoa (2 lần); vãng sinh (1 lần); Di Đà (25 lần); thiền (20 lần); tự tính (1 lần); bất diệt bất sinh (1 lần); liên đài (1 lần); thọ ký (2 lần); thức tính (1 lần); chấp mê (2 lần); minh tâm kiến tính (2 lần); hư không (3 lần); siêu sinh (2 lần); tử sinh (4 lần); tinh chuyên (13 lần); Phật (264 lần); vô thường (13 lần); vô sinh (3 lần); pháp (41 lần) Như lai (10 lần); từ bi (23 lần); nhẫn nhục (1 lần); tham sân (3 lần); ngu si (10 lần); lân mẫn (1 lần); chúng sinh (1 lần), đạo mầu (6 lần); ngộ (7 lần); sắc không (1 lần); tây phương (20 lần); quang minh (6 lần); tịnh độ (4 lần); ba cõi (5 lần); bát nhã (2 lần); tâm (23 lần); hạnh (11 lần); tam bảo (6 lần); lễ bái (2 lần); Thích Ca (8 lần); giới (44 lần); qui y (45 lần); chân như (1 lần); bồ tát (4 lần); hộ pháp (3 lần); thế tôn (3 lần); la hán (14 lần); ta bà (4 lần); thanh tịnh (2 lần); thị phi (3 lần); bồ đề (3 lần); xuất gia (24 lần); tu hành (39 lần); duyên (56 lần); nhân quả (7 lần); niết bàn (1 lần); vô dư (1 lần); chứng (15 lần); chân tôn thượng thiền (1 lần); v.v... tác giả sử dụng loại hình ngôn ngữ này đều xuất phát từ nội tâm trong sáng thanh tịnh, vượt ra ngoài sự trói buộc ngữ nghĩa, thoát khỏi sự phân biệt với mục đích khai thông luồng trí thức vốn có của con người mà trước đó đã bị màng vô minh chắn ngang. Tác giả Thiền sư cũng dùng các câu hỏi, phép lặp từ để tạo tính hữu hiệu cho nội dung nghệ thuật. Mọi triết lý tôn giáo đều sử dụng các “thuật ngữ thiêng liêng để phân biệt với các thuật ngữ phàm tục và coi sự tỏ ngộ như là nguồn gốc tối thượng của mọi chân tri thức”[14]. Ngoài ra, từ ngữ của Thiền sư dùng cũng “lắm khi vượt ra khỏi mọi quy ước ý nghĩa thông thường, được mọi người chấp nhận, trở thành siêu ngôn ngữ. Thứ siêu ngôn ngữ này không thể dung tư duy lôgic thông thường hiểu được nó chính là phương tiện tháo đinh gỡ chốt khai thông suối nguồn trí tuệ hầu đạt đến triệt ngộ cho người đọc. Đây là mục đích cứu cánh của văn học thiền”[15]. Việc sử dụng ngôn ngữ thiền học là sự vay mượn tính chất thẩm mỹ của văn chương để biểu đạt cái “vô ngôn” chỉ cho sự “bất lập văn tự” của thiền tông. Bởi tôn chỉ của thiền là không văn tự chỉ khi chính người thực hành đạt đến chỗ yếu chỉ ấy mới tự mình thấu triệt hết được. Đối với những vị Thiền sư đã giác ngộ việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt là bất dĩ làm phương tiện nhằm chỉ dạy cho chúng sinh thoát cảnh trần tục. Khi sử dụng bất kỳ một ngôn ngữ thiền nào cần phải hết sức cẩn trọng, làm sao phù hợp với mọi căn cơ tầng lớp, vốn dĩ ngôn ngữ thiền cao siêu vượt ngoài khái niệm bình thường.

Như vậy các từ ngữ mang tính thiền học Phật giáo gắn liền với triết lý thiền đã được Thiền sư đưa vào tác phẩm không chỉ “chuyên chở được các giá trị nghệ thuật mà còn làm cho câu văn mang tính hàm súc, khơi gợi, truyền tải những giá trị tâm linh giúp  mọi người tiếp nhận được thông điệp của tác phẩm một cách dễ dàng, dù nó được diễn đạt bằng hình thức gì”[16]. Bên cạnh ngôn ngữ thiền học Thiền sư cũng sử dụng ngôn ngữ bình dân mục đích là chú trọng đến quần thể nhân dân để khi tiếp nhận sẽ dễ dàng nắm bắt và phát huy những giáo lý Phật học trong đời sống thường nhật.

2.3. Ngôn ngữ bình dân

Ngôn ngữ bình dân là những ngôn từ xuất phát từ những kinh nghiệm của người dân trong cuộc hàng ngày có tính chất giản dị, dễ hiểu từ ngữ không quá xa hoa. Tuy nhiên về mặt ngôn ngữ, “tất nhiên có sự khác biệt giữa hai loại ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học”[17]. Song nhìn chung, muốn đánh giá đúng về nghệ thuật của ngôn ngữ cần phải chú ý đến tính chất nội dung của chúng. Trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đã sử dụng ngôn ngữ bình dân như sau: bay (16 lần); mặc ai (4 lần); vua tôi (1 lần); rày (21 lần); chầy (8 lần; chửa (2 lần); dửng dưng (1 lần);  vả như (6 lần); ai ai (21 lần); bấy chầy (1 lần);  rần rần (6 lần); chẳng ngoa (1 lần); mênh mang (1 lần); mắng rằng (1 lần); ghê phen (4 lần); thong dong (7 lần); tới lui (3 lần); hãi hùng (2 lần); khốn thân (8 lần); lo (55 lần); chúng mày (1 lần); xiết chi (16 lần); lòng lo (1 lần); chớ hề (1 lần); phàm tục (2 lần); chẳng hề (3 lần); mần ri (6 lần); nhọc (6 lần); dãi dầu (1 lần); khấn (4 lần); chùa chiền (6 lần); chớ lơi (1 lần); chẳng ngờ (5 lần); ban trưa (3 lần); sãi vãi (1 lần); sư (15 lần);chi mô (2 lần); răn (15 lần); đêm ngày (24 lần); sắm lễ (2 lần); chầu chực (1 lần); chẳng nài (4 lần); quạnh hiu (2 lần); nương nhờ (1 lần); thác oan (3 lần); hôn mê (3 lần); đủ mùi (1 lần); mâm cỗ (1 lần); than ôi (1 lần); rạc rài (2 lần); ủ ê (3 lần); biết chi (3 lần); kẻo (8 lần);kêu la (2 lần); khôn (18 lần); bữa mai (1 lần); tôi (167 lần); linh hồn (4 lần); lần (9 lần); lửa (7 lần); sân rồng (4 lần); xiêu mê (2 lần); chẳng dám (8 lần); làm chi (3 lần); là bây ( 1 lần); khuâng khuâng (1 lần); tiền lời (3 lần), v.v… Việc sử dụng ngôn ngữ bình dân là sự kết hợp linh động giữa cuộc sống sinh động vào tác phẩm mang lại sự đặc trưng riêng biệt của tác phẩm.  Ngoài ra, còn phản ánh tình hình thực tế của xã hội thời lúc bấy giờ thông qua nội dung việc sử dụng các ngôn ngữ.

Về nghệ thuật ngôn ngữ bình dân trong các tác phẩm vẫn đang còn trong sự quan tâm và nghiên cứu. Ngôn ngữ bình dân ấy, “tuy không theo phép tắc nhất định như văn chương bác học, nhưng cũng có nhiều áng hay đời đời do sự khẩu truyền mà lưu lại đến nay, rất phong phú; lại biểu lộ tính tình, phong tục của dân ta một cách chất phác, chân thực. Thật là một kho tài liệu quý hóa cho ta”[18]. Nghệ thuật ngôn ngữ bình dân được Thiền sư Toàn Nhật –  Quang Đài sử dụng để diễn đạt cốt truyện với lối dùng từ đa dạng và phong phú. Thiền sư không sử dụng từ ngữ hoa mỹ bóng bẫy, mà sử dụng các từ ngữ thường dùng trong giao tiếp, nhiều từ ngữ mang sắc thái biểu cảm, mang tính diễn tả, nhấn mạnh. Cách dùng từ như vậy làm cho câu thơ có vần điệu, dễ đi vào lòng người. Nhiều từ ngữ Phật học biến thể thành ngôn ngữ bình dân, dễ đọc dễ hiểu nhưng vẫn giữ nguyên giá trị tâm linh Phật giáo mang tính chất dân gian.

Có thể thấy tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài ngoài giá trị nội dung, tác phẩm còn thể hiện sự sáng tạo của văn học văn chương quốc âm (chữ Nôm) của nhân dân ta. Bên cạnh việc sử dụng ngôn từ, việc sử dụng điển cố, ẩn dụ, ngôn ngữ biểu trưng ước lệ vẫn sử dụng trong thơ Nôm rất phong phú.

3. Các thủ pháp nghệ thuật

3.1. Điển cố

Theo từ điển văn học giải thích về điển cố như sau: “điển cố là thuật ngữ của giới nghiên cứu nhằm mô tả một trong những đặc điểm nổi bật của văn học trung đại, nhất là văn học cổ trung đại phương Đông, trong phạm vi các nước chịu ảnh hưởng của văn học cổ và trung đại Trung Hoa. Do những nguyên nhân khác nhau, đã hình thành một tâm thế, một phong cách của những người làm văn: trong hành văn thường hay nhắc đến một sự tích xưa hoặc một vài câu thơ, câu văn cổ để diễn tả ý mình, nhưng đây không phải là lối trích dẫn nguyên văn mà là lối dùng lại vài chữ cốt gợi nhớ được đến tích cũ ấy, câu văn cổ ấy. Lối này được gọi chung là dùng điển cố, bao gồm cả phép dùng điển và phép lấy chữ”[19]. Theo Thích Phước Đạt cùng chung quan điểm “điển cố là những từ ngữ về chuyện xưa, tích củ, về tư tưởng hình tượng trong sách xưa được tác giả dùng làm phương tiện để diễn đạt ý tưởng một cách ngắn gọn, hàm súc. Điển cố bao gồm: 1. Từ hay nhóm từ được lấy ra từ những câu chuyện trong Kinh sử, truyện, các sách ngoại thư…về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh, những quan niệm trong cuộc sống. 2. Hay nhóm từ ý lời, từ câu thơ  hoặc bài thơ của người trước, hay được trích dẫn từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao cổ tích chuyện được lưu truyền hoặc đã nổi tiếng”[20]. Trong Hứa Sử Truyện Vãn Thiền sư dùng điển cố trong kinh điển của Nho - Phật - Đạo để nhắc đến người sáng lập ra các hệ tư tưởng, những thành tựu đó được các nhà nghiên cứu trân trọng và biết đến. Ngoài ra, khi dùng điển ý “sai khiến các tích cũ chuyện xưa cho thích dụng vào mạch văn của mình. Các điển gồm các tình tiết được chép trong sử sách kinh truyện, kể cả các tình tiết hoang đường hư cấu đã được viết ra trong tác phẩm nổi tiếng thời trước. Lấy chữ là mượn dùng lại một vài trong các áng văn thơ cổ vào câu văn của mình, gợi cho người đọc phải nhớ đến câu thơ, câu văn trong tác phẩm của người xưa”[21]. Trên phương diện nội dung, điển cố còn sử dụng phong cách vừa dụng vừa giảng điển một cách dễ hiểu dù chỉ nêu tên nhưng bắt buộc người nghe phải làm thao tác tra cứu mới hiểu nội dung tác giả muốn nhắc đến. Trong văn học Phật giáo đều sử dụng cả hai phương thức trên với mong muốn nhất định khi tìm hiểu về đạo Phật việc trước tiên là phải hiểu nội dung ý nghĩa mà tác giả Thiền sư muốn truyền tải. Điển cố văn học Phật giáo liên quan đến địa danh, nhân vật, kinh điển, thuật ngữ Phật học v.v… được các vị Thiền sư thời Trần sử dụng làm phương tiện diễn đạt ý tưởng một cách thuần thục và sáng tạo như: “giai đoạn thiền công án, thoại đầu, các thời điểm khai thị giáo pháp, địa điểm tổ chức pháp hội, v.v…” Do vậy, việc sử dụng điển cố là một loại hình thức nghệ thuật góp phần nâng cao tính hàm súc của ngôn ngữ.

Trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài có nhắc đến các điển cố Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo và các điển cố khác để làm sáng tỏ nội dung cần truyền tải đến với người đọc. Điển cố Phật giáo trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn đơn cử như:

“Kinh xưa truyền bảo chắc là không sai

Thích Ca Phật Tổ Như Lai

Tùy cơ thuyết pháp ra đời cứu dân”

- Thích Ca tên thật là Siddhartha Gautama con Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) và Hoàng Hậu Ma Ya (Māyādevī) vị giáo chủ của cõi ta bà. Tu hành và thành đạo cách đây khoảng 25 thế kỷ, với mục đích khai ngộ cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến  đưa chúng sinh thoát khỏi bờ mê.

“Đến lạy đức Phật Di Đà Như Lai

Phật liền thọ ký hòa hai

Cải hình tiên cốt lâu dài kim thân

Quang minh tướng hảo thanh tân

Phật phong phước đức thinh văn đôi người

Giáo chủ Di Đà Như Lai”

- Di Đà Như Lai chỉ cho danh hiệu của đức Phật A Di Đà thường được nhắc đến trong kinh điển của Phật giáo Đại thừa.

“Xà vương giết hại vua cha

Qui y niệm Phật đặng tha tội dầy”

- Xà vương tức A Xà Thế là vị vua nước Magadha, một vương quốc cổ ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Ông đã trị vì Magadha trong 8 năm cuối cùng tại thế của Phật Thích ca. Ông là người giết hại vua cha Tần-bà-sa-la và cùng Đề-bà-đạt-đa mưu hại Đức Phật nhưng bất thanh. Cuối cùng ông giác ngộ theo Phật phụng sự vì nhân sinh.

“Thanh nhàn tần hạnh Kỳ viên

Tây càn đạo chấn nam thiên thái hòa”

- Kỳ viên là thánh tích nơi Đức Phật trải qua nhiều mùa an cư nhất, gắn liền với vị đại thí chủ Cấp Cô Độc, vị đại thí chủ có lòng quảng đại đem vàng rải khắp mặt đất khiến thái tử Kỳ đà phát tâm cúng dường toàn bộ cây trong Lâm viên lý do này mà Tịnh xá có tên là Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên.

“Phật đà ẩn tích Linh Sơn

Thầy thay giáo huấn ví dường mẹ cha”

- Linh sơn hay còn gọi Linh Thứu sơn, Thứu phong, Linh nhạc. Núi nằm ở phía đông bắc thành Vương Xá nước Ma-kiệt-đà, trung Ấn Độ. Hình dáng núi giống như chim đại bàng và do núi này có nhiều giống chim ấy nên được gọi là Linh Thứu. Đức Phật từng giảng kinh Đại thừa tại núi này như Kinh Pháp Hoa, nên núi trở thành thắng địa của Phật giáo.

Điển tích điển cố Nho giáo điển hình như:

“Khổng tử là thánh đại thành

Còn mắc nhiều sĩ ẩn danh chê cười

Khen chê cũng mặc người đời

Việc ấy phó có Phật trời chứng minh

Con hãy học kẻ vô tinh

Nghe lời hủy báng làm thinh một bề”

- Khổng tử là người nước Lỗ đời Chu, tên là Khâu, tự là Trọng Ni, từng làm quan nước Lỗ, sau một thời chu du thiên hạ, trở về nước Lỗ, soạn lại Kinh Thi, Kinh Thư, định lại Kinh Lễ, phê bình giảng giải Kinh Dịch và soạn ra Kinh Xuân Thu, đồng thời mở trường dạy học, khai sáng Nho giáo.

“Sách rằng thủ hữu phụ nhân

Mừng này Chung Tử gặp đàn Bá Nha”

- Bá Nha Tử Kỳ tên người thời Xuân Thu, có tài đàn, chơi thân với Chung Tử Kì. Bá Nha đánh đàn, Tử Kì nghe đàn mà biết được lòng bạn. Đời gọi hai người là bạn tri âm.

“Con rằng cung kính ân cần

Vẹn niềm ngay thảo chưa từng lỗi chi

Cớ sao phái thầy thâu đi

Ta quyết gã thì ngôn hạnh thất chân”

- Ngôn hạnh ngôn là những lời nói nhã nhặn, những cử chỉ phù hợp, hạnh là đức tính dùng để chỉ đạo đức, lòng chung thủy được thể hiện qua các mối quan hệ với cha mẹ, con cái, vợ – chồng.

“Thiên văn phù thủy bóng chàng

Thầy bói địa lý y phương trong đời

Tướng sự giáo tập các người

Mấy nghề ở đời những việc nào hơn”

- Thiên văn chỉ cho các việc coi sao, giải hạn; bóng chàng chỉ cho những việc lên đồng lên bóng.

Ngoài ra còn có các điển cố khác như:

“Muốn chăng muốn thập điện vì

Ngọc Hoàng chúc tưởng Phật thì thương yêu”

- Ngọc Hoàng từ mà tín đồ Đạo giáo dùng để chỉ trời. Cũng gọi là Ngọc hoàng Thượng đế.

“Nay lâm cát nhật lương thần

Truyền trong tả hữu cung trần lễ nghi

Thái tử thừa mệnh long phi

Đều xưng vạn tuế đồng thì tam hô”

- Cát nhật lương thần chỉ cho ngày tốt giờ lành để làm một việc gì đó gọi là trọng đại thường người ta sẽ tính vào cát giờ lành.

“Thầm mừng Nguyệt Lão xe tơ

Tưởng rằng săn chặt ai ngờ lỏng lơi

Những mong kết tóc trọn đời

Nào hay làm dạ biến dời bỏ nhau”

- Nguyệt lão tức nguyệt hạ lão nhân, Ông lão ở dưới mặt trăng. Tục truyền là vị thần xem việc hôn nhân.

Các điển cố trong tác phẩm được Thiền sư đưa vào một cách khéo léo Thiền sư chú trọng vào giảng đạo chính là nhấn mạnh vào sự thuyết giáo. Những điển tích điển cổ được Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài sử dụng chuyển tải nội dung Thiền Phật giáo và Nho giáo một cách súc tích nhưng có tính biểu đạt cao trong văn chương giúp cho người đọc tiếp nhận các giá trị tư tưởng Phật học và giá trị nghệ thuật, văn học dân tộc trên nhiều khía cạnh thông qua các thông tin căn bản nhất của Phật giáo cũng như những nhân vật lịch sử trong Nho giáo. Các điển cố xuất hiện trong tác phẩm làm cho câu thơ thêm phần hấp dẫn và sinh động. Việc sử dụng điển cố “không chỉ là một biện pháp tu từ mà còn góp phần vào việc nâng cao khả năng biểu hiện tính chất hàm súc, cô đọng của ngôn ngữ văn học cũng như hình tượng nghệ thuật”[22].

3.2. Ngôn ngữ biểu tượng - ước lệ

Ngôn ngữ biểu tượng - ước lệ là “những thủ pháp được đức Phật thường sử dụng trong các thời thuyết giáo và ghi trong các bản kinh Đại thừa nhiều hơn là ở các bản kinh Nguyên thủy. Biểu tượng thường được hiểu là biểu tượng cho cái gì khác nó, chứ không phải là chính nó”[23], là đặc trưng của nghệ thuật kinh điển “Đại thừa Phật giáo nói chung và thiền tông nói riêng là ngôn ngữ biểu tượng”[24]. Bởi ngôn ngữ biểu tượng ấy mang đầy hình ảnh và sắc thái từ trong bản chất của nó. Tất cả vạn vật hữu tình trên thế gian không gì ngoài mục đích giác ngộ Phật tính,  nhìn thấu thật tướng nhằm nâng cao trí huệ và đạo đức bên con người. Nhưng cái khó ở đây là “cảnh giới tâm thức bên trong con người là cảnh giới vô tướng vi diệu, không có tướng trạng, màu sắc, hình dáng, cho nên những ngôn ngữ thông thường khó diển tả được. Tức là khó có thể dùng một cái có hình thức diễn tả một cái không hình thức; dùng một cái có giới hạn rõ ràng diễn tả một cái vô giới hạn một cách trọn vẹn được”[25].

Trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn của thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đã sử dụng từ ngôn từ biểu tượng - ước lệ như sau:

“Chúng sinh khế ngộ chân như

Nhất thiết tề chứng vô dư niết bàn”.

- Chân như là biểu tượng cho thể tính tuyệt đối cuối cùng của vạn sự. Chân như chỉ thể tính bất động, thường hằng, nằm ngoài mọi lí luận nhận thức. Chân như nhằm chỉ cái ngược lại của thế giới hiện tượng thuộc thân thuộc tâm. Tri kiến được Chân như tức là giác ngộ, vượt khỏi thế giới nhị nguyên, chứng được cái nhất thể của khách thể và chủ thể. Chân như đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân.

“Ai mà tín niệm tinh chuyên

Ao kia đã trổ hoa sen sắc vàng

Lâm chung Phật rước phóng quang

Cỗi rồi uế xác hồn sang kim đài”

- Hoa sen là biểu tượng chơ sự thanh khiết, trong sáng, ở đây ý chỉ cho người được về với cõi trang nghiêm tịnh độ tây phương.

“Viên minh thật tướng như như

Nương thuyền bát nhã thoắt đưa lên ngàn”

- Thuyền bát nhã biểu tượng cho trí tuệ, nhờ trí tuệ mới giải thoát khỏi khổ đau giống như chiếc thuyền đưa người qua bể khổ.

“Đức thầy ví tựa Thái sơn

Phong lưu tự tại nhờ ơn có thầy”

- Thái sơn biểu tượng cho ngọn núi nhân gian thường hay ca ngợi công ơn người thầy, người cha có công sinh thành dưỡng dục bằng hình ảnh núi Thái. Hiện nay núi Thái là một trong những di sản thế giới.

“Ao đầy sen nở đôi bông

Hoa đơm chín phẩm xe rung ba thừa

Mạn đà kết đóa trời mưa

Sắc phơi tươi tốt hương đưa thơm nồng”

- Mạn đà kết đóa biểu tượng cho điềm lành, mạn đà là một loài hoa quý mang lại điều lành, Thiền sư dùng hình ảnh của loài hoa này giải thích cho hiện tượng sắp xuất hiện là một điềm báo lành đến với nhân sinh.

“Hiu hiu gió dịu hương xông

Khánh khua nói pháp linh rung tiếng hòa

Kim ngân thất bảo sáng lòa

Kia đền Đại giác nọ tòa Như lai

Sáng ngời ngọc khuyết kim giai”

- Ngọc khuyết kim giai miêu tả chính điện, biểu tượng cho cánh cửa và bậc thềm sơn son thếp vàng.

“Tự nhiên hải yến hà thanh

Phong điều vũ thuận quốc thành điện an

Tứ di khể thủ qui hàng

Kỳ lân du uyển phượng hoàng lai nghi”

- Hải yến hà thanh chỉ cho hiện tượng con sông trong suốt, trạng thái yên lặng của biển cả, ý nói đất nước yên bình.

Nghệ thuật biểu tượng - ước lệ được tác giả sử dụng trong tác phẩm làm cho cốt truyện thơ lục bát Hứa Sử Truyện Vãn thêm phần đặc sắc, sáng tạo. Đây là một hiện tượng cho thấy khả năng tiếp biến các biểu tượng Phật giáo trở nên hữu hiệu nhất trong phong cách diễn đạt, tạo ấn tượng tốt đến với tâm trạng người đọc. Từ ý nghĩa cho đến biểu tượng ngôn ngữ “trở thành tính ước lệ để biểu thị điều gì đó mang  giá trị giải thoát tâm linh”[26] biện pháp này thường được sử dụng trong văn chương Phật giáo. Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài đã khéo léo chọn lọc những hình ảnh biểu tượng - ước lệ quen thuộc vào tác phẩm để diễn tả cốt truyện trên nhiều góc độ tiếp cận khác nhau với ý nghĩa mang lại cảm giác sắc xao đến với cảm nghĩ người đọc tạo lối đi nhẹ nhàng mang đậm sắc thái thể loại văn học, thể hiện nét độc đáo của Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài.

3.3. Ẩn Dụ

Ẩn dụ là hình thức nghệ thuật được sử dụng rất nhiều trong kinh điển Phật giáo giúp người nghe người đọc dễ tiếp nhận và thực hành. Theo từ điển văn học bộ mới thì ẩn dụ là “thuật ngữ chỉ một hiện tượng ngôn ngữ, đồng thời là một hiện tượng tư duy với cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Trong nghĩa hẹp, ẩn dụ là biện pháp tu từ (có trong mọi ngôn ngữ) chuyển đặc tính của đối tượng (sự vật hiện tượng) này cho đối tượng khác theo nguyên tắc có sự tương đồng hoặc tương phản về một mặt nào đó giữa chúng. Ẩn dụ nổi bật ở tính biểu cảm, mở ra những khả năng vô tận cho việc nhìn ra nét gần nhau của những sự vật hiện tượng  khác xa về nhau”[27]. Căn cứ vào khái niệm trên thì ẩn dụ là một hiện tượng ngôn ngữ tư duy, là biện pháp so sánh ngầm, dựa trên cơ sở liên tưởng. Trong kinh điển đức Phật thường dùng sử dụng thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ này chỉ cho cảnh giới giải thoát, sự khổ con đường diệt khổ, chân như thật tướng v.v… trong kinh đại thừa xuất hiện rất nhiều về thủ pháp ẩn dụ như hình ảnh chiếc thuyền, mặt trăng, thân tứ đại và tám ngọn lửa v.v… chính những hình ảnh ẩn dụ đó tạo tiền đề cho nền văn học thiền tông sau này. Các vị Thiền sư thường sử dụng phương thức ẩn dụ vào trong tác phẩm nhằm chỉ cho những cảnh giới giác ngộ giải thoát. Sau đây là những hình ảnh ẩn dụ điển hình được Thiền sư Toàn Nhật – Quang Đài sử dụng trong tác phẩm Hứa Sử Truyện Vãn:

“Xa vòng danh lợi tuyệt bài sắc thanh

Thân tâm tịch tĩnh hằng thanh

Ấy khó mà dễ đạo lành mau nên

Còn như ở chốn thị thành

Tuy dễ mà khó tu hành chẳng chơi”

- Tịch tĩnh ẩn dụ cho trạng thái an nhiên, lặng lẽ, không bị các dao động bởi một tác nhân nào bên ngoài quấy động, chỉ cho trạng thái ở bậc tối cao mới có thể có được.

“Có kẻ bỏ vào vạc dầu

Người thời lại ném núi dao xác dồi

Ngỡ là chết đi thời thôi

Phút đầu gió thổi sống ngồi như xưa”

- Gió thổi đây là sự ẩn ý về giây phút sát na, gió là hình ảnh thoáng có thoáng qua rất nhanh. Nhanh không thể diễn tả được, ở đây đang ví gió thổi là một cơn sát na rất ngắn ngủi cho sự sống con người.

“Phật như trăng tỏ trên trời

Muôn phương soi thấu đòi nơi sáng lòa

Giả như khe chiểu giang hà

Lặng thanh đầy nước đâu mà không trăng”

- Trăng là hình ảnh ẩn dụ cho ánh sáng trí tuệ, là chân lý sự thật, dù rằng bất kỳ nơi đâu trên thế gian cũng đều có chân lý và ánh sáng của sự sống ấy. Ánh trăng ấy không bị bóng tối mê hoặc mà ảnh hưởng, bởi đây là bản chất của nó.

“Canh năm vừa tới thiền quan

Kẻ thôi mộng điệp người quàng giấc hoa”

- Thiền quan chỉ cánh cửa thiền tức cánh cửa chùa, đến tới với cánh cửa chùa, mang ẩn dụ có sức tác động đến tâm thức người nghe hình ảnh ngôi chùa đang rộng mở.

“Hứa Sử nương gậy Kim cang

Vận thần thông đến âm cung tức thì”

- Hình tượng cây gậy kim cang ý nói Hứa Sử không nên nghi ngờ hay cố chấp mà phải noi theo lý mà thực hành.

“Hằng xem thủy nguyệt sơn vân

Một tính tròn sáng sáu trần sạch không”

- Thủy nguyệt - sơn vân cặp phạm trù so sánh ngầm ẩn dụ về đức hạnh năng lực trí tuệ vô biên của Phật.

Với thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ được Thiền sư sử dụng trong tác phẩm thể hiện tính biểu cảm, mở ra khả năng tiếp thu ý nghĩa câu thơ, là biện pháp hỗ trợ đắc lực thể hiện độc đáo về cái nhìn của Thiền sư. Thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ cũng thể hiện khả năng điêu luyện của Thiền sư trong việc sử dụng ngôn từ để truyền tải những giá trị nghệ thuật văn chương. Nhờ những giá trị ấy mà câu văn thêm phần uyển chuyển mang lại ý nghĩa đến với mọi đối tượng tiếp cận thêm phần thu hút.

Tác giả: Thích Chúc Hòa Học viên Cao học Khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM *** CHÚ THÍCH

[1] Dương Quảng Hàm (1969), Việt Nam Văn học sử yếu, Nxb Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu. tr. 81.

[2] Dương Quảng Hàm (1969), Việt Nam Văn học sử yếu, Nxb Bộ giáo dục, Trung tâm học liệu. tr. 12.

[3] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2010 ), Văn học Việt Nam thế kỷ X– nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb Giáo dục Việt Nam. Tr. 368.

[4] Nguyễn Công Lý (2003), Văn học Phật giáo Lý – Trần diện mạo và đặc điểm, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tr 123- 131.

[5] Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. Tr. 83.

[6] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức. tr. 234.

[7] Kiều Thanh Quế (2009), Cuộc tiến hóa Văn học Việt Nam tuyển tập khảo cứu phê bình, Nxb Thanh Niên. tr.331.

[8] Lại Nguyên Ân (2001), Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội. tr. 83.

[9] Nguyễn Công Lý (2003), Văn học Phật giáo Lý - Trần diện mạo và đặc điểm, Nxb Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh. Tr. 155.

[10] Nguyễn Công Lý-Đoàn Lê Giang (chủ biên) (2016), Văn học Phật giáo Viêt Nam: Thành tựu và định hướng nghiên cứu mới, Nxb Khoa học xã hội. tr. 251.

[11] Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (2010 ), Văn học Việt Nam thế kỷ X– nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb Giáo dục Việt Nam. Tr. 369.

[12] Thích Hạnh Tuệ (2018), Nghiên cứu về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.tr. 181.

[13] Thích  Phước Đạt (2013), Giá trị Văn học trong tác phẩm thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. tr. 247.

[14] Hạnh Viên dịch (2011), Tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Nxb Phương Đông. Tr. 15.

[15] Thích Hạnh Tuệ (2018), Nghiên cứu về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.tr. 183.

[16] Thích  Phước Đạt (2013), Giá trị Văn học trong tác phẩm thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. tr.252.

[17] Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, Nxb Giáo Dục. tr. 21.

[18] Dương Quảng Hàm (1969), Việt Nam Văn học sử yếu, Nxb Bộ giáo dục. tr. 8.

[19] Đỗ Đức Hiếu, Phùng Văn Tửu, Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2004), Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội. tr. 416.

[20] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức. tr. 253.

[21] Lại Nguyên Ân (2001), Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội. tr. 145.

[22] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức. tr. 254.

[23] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức. tr. 280.

[24] Thích Hạnh Tuệ (2018), Nghiên cứu về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. 189.

[25] Thích Hạnh Tuệ (2018), Nghiên cứu về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội. tr. 189.

[26] Thích Phước Đạt (2013), Giá trị văn học trong tác phẩm của thiền phái Trúc Lâm, Nxb Hồng Đức. tr. 281.

[27] Lại Nguyên Ân (2001), Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Đại Học Quốc Gia Hà Nội. tr. 70.