Bài và ảnh: Khánh Văn

https://tapchinghiencuuphathoc.vn/su-tich-den-bach-van-o-huong-son-ha-tinh-ky-1.html

LTS: Từ Tp.Hà Tĩnh đi theo quốc lộ 1A về phía Bắc khoảng 30km đến thị xã Hồng Lĩnh. Từ đây, rẽ trái đi về hướng Tây theo quốc lộ 8A khoảng 30km đến ngã ba Nầm rồi rẽ phải qua cầu treo Sơn Ninh, đi qua xã Sơn Hà đến xã Sơn Thịnh ta sẽ đến Di tích Quốc gia Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá ở xóm Thịnh Nam (nay là thôn Đức Thịnh, xã An Hoà Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn còn giữ được cho đến ngày nay. Trải qua thời gian và lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh cùng nhận thức chưa đúng về văn hóa tâm linh của một thời kỳ rất dài…Đến nay, Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá đã xuống cấp nghiêm trọng.

Đền Bạch Vân được xây dựng trên một gò đất cao gọi là Cồn Mai bên cạnh đường liên xã Sơn Hòa - Sơn Thịnh (cũ) cấu trúc theo kiểu chữ Tam gồm: Thượng điện, Trung điện, Hạ điện quay mặt về hướng Nam nhìn vào núi Thiên Nhẫn. Cổng chính của đền bố trí ở phía Tây Nam cạnh con đường quốc lộ 8C nhìn ra sông Ngàn Phố. Phía sau Thượng điện và Cồn Mai là Chùa Thịnh Xá gồm một ngôi nhà gỗ 3 gian và Gác chuông có kích thước gần vuông (5,6mx5,4m), nhưng quả chuông đến nay đã mất.

Tương truyền, ngày xưa cổng Đền Bạch Vân ngoảnh về hướng Đông Nam, nhưng bị “động dân làng sống không yên ổn”, nên phải mở lại cổng về phía Tây Nam nhìn ra sông Ngàn Phố. Ngoài ba tòa Thượng điện, Trung điện, Hạ điện, Đền Bạch Vân còn có một số công trình xây dựng sau này như nhà Cất đồ lễ, nhà Nghĩa thương để cất giữ lương thực với 7 gian nhà ngói do ông Nguyễn Khắc Niêm (người ở xã An Ấp, Hương Sơn, Hà Tĩnh), đỗ đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Hoàng giáp khoa Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái thứ 19 (1907) đứng ra vận động xây dựng vào đầu thế kỷ 20.

Nhà Thượng điện và Trung điện Đền Bạch Vân ở xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Nhà Hạ điện: Là công trình kiến trúc tiêu biểu, được đầu tư công phu về kỹ thuật và mỹ thuật có quy mô lớn nhất với chiều dài 8,6m, chiều rộng 5,7m; gian giữa rộng 2,6m, 2 gian hai bên rộng 2,2m, có 6 cột cái bằng gỗ mít đường kính 0,3m và 8 cột quân bằng gỗ mít đường kính 0,25m; bốn góc nhà có 4 cột trụ hiên mái xây bằng gạch kích thước 0,25x0,25m; nền Hạ điện lát bằng gạch đất nung kích thước 0,20x0,20m. Trong 3 gian nội thất, nghệ thuật trang trí tập trung vào gian giữa. Ở trên cùng trang trí mặt nguyệt với hình 9 con phượng hoàng đang bay chầu vào mặt nguyệt xen kẽ với đường nét chạm khắc tinh xảo, làm cho ta có cảm giác như chín tầng mây đang bay trên bầu trời vào cõi tiên mang màu sắc tâm linh huyền bí. Đáng lưu ý là trong số 9 con phượng hoàng chỉ có 8 con đầu chầu vào mặt nguyệt, còn 1 con ngoảnh đầu quay ra. Thể hiện quan niệm từ đời xưa của cha ông ta về con số 9 quần tụ trong tổng thể của sự trường tồn bền vững mãi. Ở phía dưới mặt nguyệt và 9 con phượng hoàng là bức hoành phi bằng gỗ sơn son thếp vàng đề 3 chữ Hán “Linh chi thần” (Thần rất thiêng) chạm nổi trên một tấm gỗ không có trang trí gì đặc biệt. Đây là bức hoành phi do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đản người làng Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tĩnh tặng. Ông Nguyễn Xuân Đản đậu Tiến sĩ khoa Bính Thìn, Khải Định năm thứ Nhất (1916) lúc 24 tuổi.

Dưới bức hoành phi “Chi linh thần” còn một bức hoành phi sơn son thếp vàng đề 4 chữ Hán “Kỳ thịnh hy hồ” (Thịnh vượng vậy thay). Bên phải bức hoành phi có một dòng chữ Hán nhỏ “Long phi Thân Tý Đông” (tức là rồng bay vào năm Thân, ngày Tý, mùa Đông). Bức hoành phi này do Đại học sĩ Ngô Thì Nhậm viết tặng làng Thịnh Xá và Đền Bạch Vân nhân sự kiện ông cùng Vua Quang Trung ra Bắc Hà lần thứ 2 gặp La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vào cuối năm 1788, để hỏi về sách lược giữ nước đã ghé qua làng Thịnh Xá một ngày đêm.

Trên các thượng lương của vì kèo chính giữa, phía bên phải được chạm trổ tinh tế, luật đăng đối hài hoà với các đề tài dân gian như cá hoá rồng, cành mai, phượng hoàng và dơi ngậm hạt Ngọc; trên đỉnh thượng lương là mặt nguyệt. Vì kèo phía bên trái cũng được chạm trổ tinh tế, đăng đối, hài hoà bằng chạm khắc sắc nét với đề tài trang trí gồm cánh đào, phượng hoàng, lưỡng long chầu nguyệt. Trên đỉnh cột khắc dòng chữ Hán “Lưu tiên công phi”. Nhìn chung, gian giữa nhà Hạ điện kỹ thuật chán khắc rất uyển chuyển lúc đậm, lúc thoáng độc đáo và hấp dẫn, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên gỗ rất tinh xảo và hoàn hảo. Gian bên phải của nhà Hạ điện thể hiện một số đề tài trang trí mang vẻ quý phái sang trọng với cây tùng, lân hoá rồng, phía trên là voi và cây đàn thập lục thấp thoáng trong cung điện, trên nữa là ngai vàng, ở đỉnh nóc là hình ảnh nhà vua trên lưng phượng hoàng. Tóm lại, tất cả các hoa văn chạm trổ ở Hạ điện đều miêu tả cuộc sống chốn cung đình sang trọng và quyền uy. Gian bên trái Hạ điện cũng được chạm trổ các hình ảnh chim sẻ đang bay, cành trúc, phía trên là cảnh voi đi thi…rất đa dạng và phong Phú.

Nhà Trung Điện: Xây sát nhà Hạ điện có 3 gian và 4 vì kèo, mái lợp ngói âm dương, có kích thước dài 7m, rộng 6,1m, gian giữa rộng 2,6m, hai gian hai bên rộng 2,2m. Bốn góc nhà có 4 trụ gạch vuông kích thước 0,45mX0,45m; 8 cột cái và 8 cột quân bằng gỗ mít đường kính như nhau 0,25m. Nhà Hạ điện chạm trổ đơn giản không cầu kỳ hoa mỹ, hai đầu hồi xây tường bịt đốc, phía ngoài hai đầu đối trang trí hình hổ phù ngậm án thư. Phía dưới hai đầu hồi trang trí hình tròn bao quanh hình vuông thể hiện quan niệm của người xưa về trời tròn đất vuông. Trên các bờ chảy có các con lân trong tư thế bò xuống. Nội thất nhà Trung điện hiện còn giữ được là 3 bộ cổ kiệu đòn rồng sơn son thếp vàng, 1 lồng đình sơn son thếp vàng đặt ở gian giữa Trung điện, phía sau có bàn thờ và hai pho tượng ông Phỗng bằng gỗ mít trong tư thế dâng hương. Phía trên xà dọc treo một bức đại tự với 4 chữ Hán “Thượng đẳng linh thần” (Thần linh tối cao).

Nhà Thượng điện là một công trình kiến trúc được đầu tư nhiều công sức trong việc trang trí, chạm trổ nhưng quy mô nhỏ hơn và bố trí theo chiều dọc so với Trung điện, Hạ điện gồm 2 gian, 3 vì kèo chạm trổ hết sức công phu, tỷ mỷ, sơn son thếp vàng kỹ lưỡng, bốn phía thưng bằng gỗ rất chắc chắn. Nhà Thượng điện dài 6,9m, rộng 5,5m với hệ thống 12 cột gỗ mít đường kính bằng nhau 0,25m. Bên ngoài Thượng điện, ở phía sau có hàng cột hiên 4 cột, hai bên 2 cột xây bằng gạch đỏ đường kính 0,25m x 0,25m trát bằng vôi vữa, trang trí các đường gờ thanh thoát có tác dụng đỡ phần mái chắc chắn. Trên nóc Thượng điện, ở chính giữa trang trí hình mặt nguyệt, hai đầu có hai đầu đao; ở 4 góc mái cũng được trang trí 4 đầu đao, con nghê và đuôi rồng, trên bờ chảy trang trí con lân trong tư thế bò xuống. Bên ngoài phía trước Thượng điện đắp nổi hai ông quan tả, hữu trong tư thế đứng chống tay ngang hông, mặt hướng vào nhau, ông bên trái đầu đội mũ trùm kín tai, ông bên phải đầu đội mũ cánh chuồn, ở phần bụng trang trí hình đầu dơi chân đi hia.

Phía trước Thượng điện mở hai cửa hai bên nách để ra vào. Cửa được làm theo kiểu thượng song hạ bản sơn son, các con tiện được tạo tác công phu, phía dưới chạm nổi hình con ngựa đầu rồng đang phi. Khung của được trang trí các họa tiết chạm nổi bằng dây leo thực vật. Ở giữa có cửa chính trang trí công phu sơn son kĩ càng, màu sắc sặc sỡ nhưng không dùng cho việc ra vào. Ở các góc vì kèo Thượng điện được chạm trổ công phu nhất là các đầu dư. Phía trước trên hai cột hiên được tạo tác bằng vật liệu gạch trát vôi vữa có câu đối:

“Sơn chi thời khí địa linh an sắc lĩnh thần tại Phụng tử huynh lưu khí tỏa thanh đồng phủ siêu hạng”.

Nghĩa là:

“Mảnh đất này linh thiêng, khí hậu trong lành an cư lập nghiệp Tình huynh đệ ghi ơn và được lưu truyền mãi mãi ngàn sau”.

Tâm điểm của kỹ thuật chạm khắc phải kể đến vì kèo ở chính giữa gian Thượng điện. Trên các thượng lương đều chạm trổ tinh tế hoa văn rồng chầu nhau miệng ngậm hạt ngọc.

Nội thất Thượng điện là bộ bàn thờ hoàn chỉnh với hai bộ long ngai, bài vị, bộ kiếm thờ bằng gỗ sơn son, hai bộ nghi trượng, lư hương bằng đá ngọc. Tất cả các đỉnh cột, xà ngang, đầu dư của Thượng điện đều sơn son thếp vàng tạo ra cảm giác linh thiêng, thuần khiết, làm tăng thêm ý nghĩa huyền bí, uy nghi của Đền Bạch Vân. Phía sau Thượng điện là cồn đất cao phủ cả phần nền của Thượng điện gọi là Cồn Mai. Cách Cồn Mai khoảng 20m về phía Tây là Gác chuông 2 tầng, 8 mái kiến trúc theo kiểu chồng diêm và Chùa Thịnh Xá dùng để thờ Phật và hành lễ. Kiến trúc Gác chuông và Chùa Thịnh Xá cũng được chạm trổ hoa văn tinh xảo về đề tài dân gian như rồng, phượng, dây leo thực vật. Nhìn chung Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá là một quần thể kiến trúc thể hiện sự kết hợp tài tình, khéo léo của các nghệ nhân xưa để tạo ra một công trình văn hóa tâm linh hoàn hảo về kỹ thuật và mỹ thuật. Là công trình lao động sáng tạo nghệ thuật của người Việt, là sự kết tinh giữa ý tưởng và sự thể hiện cụ thể một cách nhuần nhuyễn của các bậc tu nho làng Thịnh Xá trước đây với các nghệ nhân thợ mộc. Chỉ tiếc rằng, đến nay chúng ta chưa biết được chính xác các nghệ nhân đã tham gia xây dựng công trình này là người địa phương nào? Họ là các nghệ nhân ở làng mộc truyền thống Xa Lang (Hương Sơn), Thái Yên (Đức Thọ), Hà Tĩnh, hay là nguồi từ các địa phương khác?

Nhà Nghĩa thương trong Đền Bạch Vân ở xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Trong khuôn viên đền Bạch Vân còn có nhà nghĩa thương với quy mô 5 gian, 2 hồi, dài 12,5m, rộng 6,1m do Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đứng ra vận động nhân dân làng Thịnh Xá xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20. Nhà nghĩa thương có hệ thống cột cái và cột quân làm bằng gỗ lim đường kính 0.25m. Kích thước các gian không đều nhau, hai gian đầu hồi 1,2m; hai gian kích thước 2m; một gian 2,6m; một gian 1,8m và một gian 1,7m; Mái lợp ngói âm dương; nền lát gạch đất nung 0,20x0,20m; xung quanh nhà thưng bằng ván gỗ. Phía trước mở cửa ra vào ở hai gian, bên trong nhà có 3 gian được cấu trúc các rầm chạn lót ván, thưng xung quanh và mở một cửa dùng để cất giữ tài sản của dân làng. Trước đây nhà nghĩa thương được dùng vào việc tích trữ lương thực cứu đói cho dân làng Thịnh Xá, từ năm 1977 đến năm 1994, ngôi nhà này là trụ sở làm việc của UBND xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay được dùng làm hội quán của xóm Đức Thịnh.

Nhà cất đồ lễ ở Đền Bạch Vân không biết được xây dựng năm nào? Ngôi nhà này cấu trúc có 3 gian, 2 hồi, tường xây bịt đốc. Hệ thống cột làm bằng gỗ lim với 3 cột cái, 1 cột quân, xung quanh xây tường bao. Mái lợp ngói âm dương, trên nóc mái không trang trí gì. Phía trước mở của ở gian giữa, hai gian hai bên mở hai cửa sổ. Nội thất trước đây có hệ thống ván thưng, nhưng đến nay ngôi nhà này không còn nữa, chỉ còn dấu tích xưa để lại.

Nằm về phía Bắc sau Đền Bạch Vân và Cồn Mai là Gác chuông và Chùa Thịnh Xá ra đời sau Đền Bạch Vân nhưng không rõ vào ngày tháng năm nào? Gác chuông được cấu trúc theo lối trùng diêm 2 tầng, 8 mái, lợp ngói âm dương có kích thước gần vuông (5,6x5,4m), cột làm bằng gỗ lim gồm 4 cột cái đường kính 0,25m, 4 cột quân đường kính 0,20m. Ở 4 góc, có 4 cột trụ vuông xây bằng gạch đỏ để đỡ phần mái tầng dưới. Ở các góc mái tầng dưới và tầng trên đều đắp các con kìm. Mặt trước gác chuông có các bậc cửa và cánh cửa. Trên đỉnh mái ở chính giữa có gắn hình mặt nguyệt, hai đầu có hai con kìm. Trên các kẻ đỡ ở phía trước có chạm trổ một số hoa văn như lá sen úp, rùa đội bàn cờ, hoa văn xoắn, mây. Trên xà ngang phía trước, chính giữa chạm đầu con dơi miệng ngậm hạt ngọc, hai bên là mây tạo cảm giác vừa gần gũi, vừa thanh cao cho công trình kiến trúc. Tầng trên của gác chuông là nơi treo chuông đồng nhưng đến nay chuông đồng đã mất không rõ thời gian nào!?

Gác chuông chùa Thịnh Xá ở xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Chùa Thịnh Xá ngoảng mặt về hướng Tây nhìn ra quốc lộ 8C và sông Ngàn Phố có 3 gian (gian giữa 3m, hai gian hai đầu 1,25m); Hai đầu hồi xây tường; phía sau thưng ván gỗ; Phía trước để trống không có cửa ra vào. Kích thước chùa dài 7,1m, rộng 5,9m; Hệ thống cột cái, cột quân, kèo kẻ, xà ngang, xà dọc được làm bằng gỗ mít; Mái lợp ngói âm dương, hệ thống đỡ mãi là các hoành tải rải đều rất chắc chắn. Kết cấu các vì kèo làm theo kiểu chồng rường giả thủ. Trên các thượng lương, xà dọc, kẻ ngồi, kẻ hiên đều chạm trổ rất công phu, nét chạm tinh tế. Đặc biệt, hai đầu dư ở gian giữa được chạm trổ cầu kỳ bằng kỹ thuật chạm lộng đề tài đầu rồng, miệng đỏ há to.

Chùa Thịnh Xá (Di tích Quốc gia) ở xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh

Do ảnh hưởng của việc bài trừ mê tín dị đoan và nhận thức chưa đúng về văn hoá tâm linh, suốt một thời gian dài từ thập niên 60 đến thập niên 90 của thế kỷ 20, Chùa Thịnh Xá không được dùng vào việc sinh hoạt tâm linh, mà trở thành nơi buộc trâu bò của một số gia đình ở xóm Thịnh Nam nên hư hỏng xuống cấp rất nghiêm trọng, các pho tượng phật không được gìn giữ đã mất hết. Năm 2004, được sự giúp đỡ của Hội đồng hương Sơn Thịnh ở Hà Nội, Chùa Thịnh Xá mới được khôi phục lại trên nền đất cũ. Nhưng do kinh phí có hạn nên Gác chuông mặc dù bị xệ mái, nhiều phần gỗ bị mục nát hư hỏng cần thay thế nhưng vẫn chưa được trung tu nâng cấp.

Hiện nay, nhiều hiện vật trong Đền Bạch Vân như ngựa gỗ, cổ kiệu, bàn thờ, hương án, bộ nghi trượng, cờ hiệu gồm 40 hiện vật trong đền đã hư hỏng, nếu không kịp thời phục chế, nâng cấp sẽ mất đi nguyên mẫu và mất đi giá trị di sản của Di tích Quốc gia này không bao giờ có thể làm lại được.

Bài và ảnh: Khánh Văn Còn nữa…