Nếu nói đến lễ Phật thì hầu như ai cũng biết.
Động tác của lễ Phật rất đơn giản
*Bước 1:
- Đứng hoặc quỳ ngay ngắn trước bàn thờ hoặc tượng Phật:
- Đưa hai bàn tay từ hai bên chập lại làm một ở trước ngực.
*Bước 2:
- Từ tư thế một nhẹ nhàng đưa hai tay lên trán.
*Bước 3:
- Từ từ cúi dạp thân xuống.
- Ngửa hai bàn tay đặt sát đất rồi cúi đầu đặt trán lên hai lòng bàn tay.
Lễ Phật như vậy, có ý nghĩa:
*Bước 1:
- Tư thế đứng hoặc quỳ ngay thẳng nhắc ta sửa thân tâm cho ngay thẳng.
- Hai lòng bàn tay chắp lại bảo ta hãy buông bỏ cái tâm phân biệt (Nhị Nguyên) trở về với cái LÝ NHẤT NHƯ của nhà Phật, cũng chính là quay về với BẢN THỂ của ta (Phật tâm ta)
*Bước 2:
- Đưa hai tay đang chắp lên trán là dùng tâm Phật ấy mà cung kính đối với Phật. Vậy ngoài tượng Phật ra thì Phật “thật” ở đâu?
Phật là tính giác, là bản thể của vũ trụ, có khắp ở mười phương hư không và trong muôn loài; từ chim muông, cây cỏ, con trùng, cái kiến cho đến loại người và tất cả muôn vật. Vậy lễ Phật là kính Phật tức là bảo ta, phải cung kính muôn loài:
-Với con người thì dù là sang hay hèn, địa vị cao hay thấp, già hay trẻ, giầu hay nghèo, từ vua quan cho đến người cùng đinh, nghiện ngập, trộm cướp, ăn xin, ăn mày… ta đều phải cung kính, không được coi thường ai vì tuy hình tướng của họ có khác nhau nhưng bản thể của họ đều là Phật cả. Mà đã là người con Phật thì chắc đều biết: “tất cả những gì có hình tướng đều là hư vọng” do nhân duyên và nghiệp sinh không thể tin vào đó được.
- Với loại vật cũng vậy cũng phải có tâm từ bi, yêu thương nó, chăm sóc nó, bảo tồn nó, không được làm tổn thương hoặc sát hại chúng một cách vô cớ hay vì tham ăn tục uống, vì phô trương thanh thế, vì cầu lợi …
- Với các loài vô tình như cây cối và các đồ vật cũng vậy không được cẩu thả vô trách nhiệm gây tổn hại đến chúng mà phải chân quý, bảo vệ. Giữ gìn chăm sóc chúng.
*Bước 3:
- Thân và đầu cúi rạp xuống là bảo ta phải khiêm tốn lễ độ không được kiêu căng, ngã mạn và hạ thấp cái tôi xuống vì nó chính là nguyên nhân gây khổ đau cho ta và cũng chính là chúa tể của vô minh dẫn ta chìm đắm trong lục đạo luân hồi.
- Ngửa hai lòng bàn tay lên và cúi đầu sát hai tay là để đón nhận những tinh hoa của vũ trụ chuyển nó vào tâm thức của mình đẩy lùi các xấu ác, mang lại các phúc lành cho ta mà ta thường gọi là sự gia hộ của Phật và Bồ Tát.
Tóm lại: Lễ tức là kính, bái tức là phục. Nếu ai nhận được cái lý chân thật của việc lễ Phật đưa nó vào tâm thức, suốt ngày khiêm tốn lễ độ, không kiêu căng ngã mạn, hạ thấp cái tôi thấp xuống kính trọng muôn người, muôn loài, muôn vật đó mới là thực lễ Phật dù thân ta không sì sụp lễ tý nào nhưng ta vẫn thực lễ suốt ngày, mà có lễ như thế thì mới mong nhập TRÍ TUỆ PHẬT và mới mong thành Phật.
Còn nếu như hàng ngày ta lên chùa lễ Phật và lạy Phật một trăm linh tám lạy về thời gian cũng chỉ đạt được một trên hai mươi bốn giờ, còn hai mươi ba giờ thì ta làm gì. Đấy là chưa nói càng lễ nhiều càng thấy ta tài giỏi, tinh tấn hơn người, dương cao cái ngã cái tôi lên thì chính đã đi ngược với lời dạy của Phật.
Tác giả: Nguyễn Thị Điệp Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 1/2016
Bình luận (0)