Cư sĩ Phúc Quang dịch và tổng hợp
Khi người Aryan chiếm lĩnh phần lớn khu vực sông Ấn, họ đem theo tới đó là tôn giáo của họ, bao gồm chủ yếu là các nghi lễ, hiến tế cho các vị thần mà họ coi là tối thượng, những thế lực điều khiển, làm chủ thiên nhiên, ví như thần Indra (Thần mưa và sấm), Agni (Thần lửa), Varuna (Thần biển cả),… Họ có những bài ngợi ca được truyền miệng từ đời này sang đời khác của người Aryan, sau đó được khắc tập hợp lại thành các tập Kinh Vệ Đà.
Phần I. Diễn tiến thời gian – Sự ra đời và tan rã của thể chế mới
1. Bối cảnh tổng quan
Khi lưu vực sông Ấn có sự sinh hoạt đời sống của nhiều chủng loài, giả thuyết “đồng hoá” của chủng loài Aryan với những chủng loài khác được diễn ra. Sự đồng hoá này mang theo 2 ý nghĩa:
- (1) Có thể là sự đồng hoá theo tiến trình thời gian một cách tự nhiên, loài người thời đồ đá như những loài thú hoang, di cư tới nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để tạo ra giá trị sống hơn cho sự chuyển giao mới về việc phát triển trí tuệ, cụ thể ở đây là sự phát triển trí tuệ về trồng trọt, chăn nuôi,…
- (2) Sự xâm lăng của chủng Aryan
-
Hai giả thuyết này, xét trên tiến trình thời gian thì hiển nhiên sẽ phải xảy ra, có thể vừa cả là sự đồng hoá đơn thuần, vừa là sự xâm lăng. Theo nhiều nhà sử học, thì cuộc xâm lăng của người Aryan chỉ là một giai đoạn của một trào lưu nam tiến cứ xuất hiện đều đều trong sự nối dài lịch sử tất yếu phải diễn ra, đó là một trào lưu chính trong lịch sử nhân loại, tạo nên nhiều nền văn minh rồi lại hủy diệt những nền văn minh đó, và được minh chứng là người Đức xâm lăng người La Mã, người Lombard xâm lăng người Ý và người Anh xâm chiếm khắp thế giới. Theo nhà sử học Will Durant thì thời nào cũng vậy, phương bắc có sự xuất hiện nhiều hơn về nhà lãnh tụ, danh tướng, phương nam lại có sự ra đời nhiều hơn về nghệ sĩ và các vị thánh.
2. Sự thiết lập “Mahajanapadas” và tan rã
Sau giai đoạn xâm lăng và đồng hoá chủng tộc, xã hội con người tại lưu vưu sông Ấn tiến tới giai đoạn tổ chức thiết lập các nhóm người, các khu vực, phân loại giai cấp, dẫn đến chế độ phân hoá và các hoạt động về khai thác, cày cấy sản xuất,…. Không riêng gì tại lưu vực sông Ấn, tiến trình này của thời gian như một lẽ tất yếu diễn ra ở phạm vi diện rộng, các nhóm người di cư đông hơn thì dẫn đến việc phân bổ trải dài khắp lưu vực sông, diện tích vẫn thế nhưng số lượng con người tăng lên buộc họ phải men dọc theo các nhánh sông để sinh tồn và đổ bộ nối dài thành phạm vi lưu vực sông Ấn – Hằng rộng lớn.
Dần dần quy tụ tạo thành các bộ lạc, có người đứng đầu; nhiều bộ lạc tụ họp thì lại xảy ra bất đồng quan điểm về quyết định, nên dẫn tới sự hình thành những tiểu quốc, khi chế độ “tiểu quốc” được sơ khai thì con người bắt đầu xuất hiện Vua – người cai trị.
Thời gian thúc đẩy con người phát triển thành những thể chế, khi sự lao động phát triển, thì của cải dư thừa, những giá trị mới về vật chất được thiết lập, dẫn tới nảy sinh lòng tham, và chế độ quân chủ, chế độ cộng hoà, chế độ giai cấp,… được hình thành là sự diễn tiến của thời gian, dòng phát triển lịch sử loài người, không riêng gì tại lưu vực sông Ấn – Hằng.
Tại lưu vực sông Ấn – Hằng, người Ấn – Aryan chia con người vào 4 đẳng cấp khác nhau căn cứ vào hình hài, nghề nghiệp của con người. Về sau, con cái luôn luôn thuộc về đẳng cấp của bố mẹ, dòng họ mình đã mang. Bốn đẳng cấp chính bao gồm có:
(1)Giai cấp thống trị (Bậc vua)
(2)Giai cấp của các vị tu sĩ
(3)Giai cấp thương nhân
(4)Giai cấp bần tiện (Làm thuê)
Cho tới khoảng những năm 1800 TCN, nền văn minh châu thổ sông Ấn bắt đầu lụi tàn. Không một ai, hay bằng chứng nào có thể xác định chính xác về mốc thời gian chi tiết và nguyên do đi đến của sự lụi tàn này. Tuy nhiên, với sự lụi tàn của nền văn minh sông Ấn, thì nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tin rằng một trong những nguyên nhân chính là do sự phát triển của dòng chảy nhân loại, khi con người, bộ tộc, vương quốc có lòng tham lớn hơn, sự đòi hỏi nhiều hơn về lãnh thổ và của cải dẫn tới sự thúc đẩy quá trình mới về thể chế, chiến tranh giữa các vương quốc diễn ra như một hình thức khiến cho những nền văn minh mới được hình thành để thay thế văn minh cũ không còn phù hợp. Điều đó có nghĩa là nền văn minh sông Ấn không mất đi một cách hoàn toàn, mà chỉ là sự thay đổi hình thức sang một nền văn minh mới phù hợp hơn với tiến trình thời gian, và chính là sự ra đời của “Mahajanapadas” (Maha - janapadas)
-
“Mahajanapadas” (Maha - janapadas) và sự tan rã
Mahājanapadas là 16 vương quốc và nước cộng hòa quý tộc tồn tại ở Ấn Độ cổ đại từ năm 600 đến năm 400 TCN (trước Công Nguyên), trong thời kỳ đô thị hóa thứ hai.
Giai đoạn năm 600 – 500 trước Công nguyên thường được coi là bước ngoặt lớn trong lịch sử Ấn Độ ban đầu. Trong thời kỳ này, những thành phố lớn đầu tiên của Ấn Độ kể từ khi nền văn minh Thung lũng Indus sụp đổ đã xuất hiện. Đây cũng là thời kỳ trỗi dậy của các phong trào "Sramana" (bao gồm Phật giáo và Kỳ Na giáo), thách thức sự chính thống tôn giáo của thời kỳ Vệ Đà.
Hai trong số các hình thức thuộc Mahājanapadas được cho là những nước có hình thức "Gaṇasaṅghas" (nước cộng hòa quý tộc), và những nước khác có hình thức quân chủ. Các văn bản Phật giáo cổ đại như "Anguttara Nikaya" thường xuyên đề cập đến 16 vương quốc và nước cộng hòa lớn đã phát triển, thịnh vượng trong một vành đai trải dài từ Gandhara ở phía tây bắc đến Anga ở phía đông đến Asmaka ở phía nam của tiểu lục địa Ấn Độ. Chúng bao gồm các phần của vùng Vindhyan, và tất cả đều phát triển trước khi Phật giáo xuất hiện ở Ấn Độ.
Thuật ngữ "Janapadas" trong cụm “Mahā - janapadas” có nghĩa đen là “Bàn đạp của nhân dân”. Thuật ngữ tiếng Phạn “Janapadas” là một thuật ngữ ghép bao gồm hai từ: “Jana” và “Pada”. “Jana” có nghĩa là "người dân" hoặc "thần dân", “Pada” có nghĩa là "bàn chân".
Trong các kinh Vệ Đà, thuật ngữ “Jana” dùng để chỉ một bộ tộc, những thành viên của bộ tộc này tin vào một tổ tiên chung. Người Jana do một vị vua đứng đầu. Hội đồng là một hội đồng chung của các thành viên Jana và có quyền bầu hoặc phế truất nhà vua. Bên cạnh đó, có một hội đồng nhỏ hơn gồm những trưởng lão thông thái, những người cố vấn cho nhà vua.
Người Jana ban đầu là những cộng đồng du mục, nhưng dần dần gắn liền với các vùng lãnh thổ cụ thể khi họ trở nên ít di chuyển hơn. Nhiều gia tộc khác nhau phát triển trong cộng đồng Jana, mỗi gia tộc có một thủ lĩnh riêng. Dần dần, nhu cầu phòng thủ và chiến tranh thúc đẩy các Jana thành lập các nhóm quân sự. Mô hình này cuối cùng đã phát triển thành việc thành lập các đơn vị chính trị được gọi là Janapadas.
Đối với các mốc thời gian khi nghiên cứu về giai đoạn này, các nhà sử học đều không thể chứng thực được các mốc thời gian chính xác của các thể chế mới, tuy nhiên, chúng ta có thể kết nối với những bằng chứng liên quan tới khảo cổ, văn học,… để hình dung tổng quan về các thời điểm diễn ra sự thay đổi về bối cảnh của xã hội.
Theo bằng chứng văn học, và sự xuất hiện của thuật ngữ "Janapadas" được đề cập sớm nhất trong các văn bản "Brahmana Aitareya" và "Shatapatha" thì chúng ta có thể hình dung sự liên kết "Janapadas" phát triển mạnh mẽ rơi vào khoảng từ năm 1500 TCN đến năm 500 TCN, trong đó sự liên kết mạnh mẽ và to lớn nhất rơi vào giai đoạn từ năm 600 TCN – 500 TCN nên được gọi là “Mahājanapadas” (Từ “Mahā” có nghĩa là lớn, vĩ đại)
“Mahajanapadas” tạm coi là khái niệm nói tới 16 vương quốc và nước cộng hòa mạnh nhất lúc đó tại lưu vực trải trên đồng bằng Ấn – Hằng phì nhiêu, tuy nhiên có một số vương quốc nhỏ hơn trải khắp chiều dài và chiều rộng của Ấn Độ, nhưng không được nói đến quá nhiều.
Kinh Phật giáo "Anguttara Nikaya", ở một số chỗ, đưa ra danh sách mười sáu vương quốc được ghi nhận là lớn nhất lúc đó: Anga, Asmaka, Avanti, Chedi, Gandhara, Kasi, Kamboja, Kosala, Kuru, Magadha, Malla, Matsya (hoặc Maccha), Panchala, Surasena, Vajji, Vatsa (hoặc Vamsa). Một văn bản Phật giáo khác, Digha Nikaya, đề cập đến 12 Mahajanapada từ danh sách trên và bỏ qua 4 trong số đó (Assaka, Avanti, và Kamboja). "Chulla-Niddesa", một văn bản cổ khác của kinh điển Phật giáo, thêm Kalinga vào danh sách và thay thế Yona cho Gandhara, do đó liệt kê Kamboja và Yona là Mahajanapadas duy nhất từ Uttarapatha.
Vyākhyāprajñapti (hay Bhagavati Sutra), một kinh của đạo Kỳ Na, đưa ra một danh sách khác gồm 17 Mahajanapadas: Anga, Banga (Vanga), Magadha, Malaya, Malavaka, Accha, Vaccha, Kochcha, Padha, Ladha (Radh hoặc Lata), Bajji (Vajji), Moli (Malla), Kasi, Kosala, Avaha, Sambhuttara, Ruhma
Đây là đợt đô thị hóa lớn thứ hai ở Ấn Độ sau văn minh thung lũng Ấn Độ. Nhiều bộ tộc nhỏ hơn được nhắc đến trong các văn bản cổ xưa dường như đã có mặt khắp tiểu lục địa. Một vài vị vua này là cha truyền con nối, trong khi các thành phố khác bầu lên lãnh đạo của họ. Ngôn ngữ của tầng lớp có giáo dục vào thời điểm đó là tiếng Phạn, trong khi tiếng nói của đại đa số dân chúng ở phía bắc Ấn Độ được gọi là Prakrit (Ngôn ngữ Ấn – Aryan cổ).
Thể chế “Mahajanapadas” dần dần bị giải thể vào khoảng năm 500 TCN. Nguyên nhân của sự tan rã này được nhiều nhà sử học cho rằng có lẽ là do sự trỗi dậy của các thế lực đế quốc (như Magadha) ở Bắc Ấn Độ, do xâm chiếm lẫn nhau của các vương quốc để mở rộng bờ cõi, sát nhập các quốc vương nhỏ lại thành một vương quốc rộng lớn hơn, cũng như các cuộc xâm lược của nước ngoài (như của người Ba Tư và người Hy Lạp) ở Tây Bắc Nam Á. Và sau đó, 16 vương quốc đã giảm xuống còn 4 vương quốc là: Vatsa, Avanti, Kosala, Magadha.
Phần II. Góc nhìn chung về Tôn giáo cổ xưa nhất của Ấn Độ
1. Tôn giáo cổ người Ấn Độ
Theo nghiên cứu, người dân cổ đại Ấn Độ từ xa xưa đã hình thành một số tín ngưỡng về linh hồn, về vật tổ. Họ thờ vô số thần: thần đá, thần cây, thần gấu, thần cọp, thần sông, thần núi, thần tinh tú, thần rắn và cây bồ đề trong Phật giáo cũng chịu không ít tín ngưỡng của người dân Ấn Độ cổ đại, khi họ tôn sùng các cây cao bóng cả, những cây mang tính chất biểu tượng, cây thần. Một số biểu tượng đặc trưng như: Naga là rồng thần, Hanuman là thần khỉ, Nandi là bò mộng thần, Yaksha là cây thần, đa phần các thần thời tiền sử đó đều được lưu truyền lại, ngay cả thời điểm rực rỡ nhất của Phật giáo, và lưu truyền đến tận ngày nay để thờ. Trong quan niệm người dân cổ đại Ấn Độ có thần thiện mà cũng có thần ác (hay là Ác quỷ, ác quỷ có sức mạnh tương đương với các vị thần, tuy nhiên họ hành động ác mà thôi). Muốn khỏi bị các thần ác ám, hành hạ làm hóa điên, hóa đau thì phải tế lễ, hiến vật tế, thậm chí có một vài nhà sử học còn cho rằng vật tế lễ đôi khi còn có thể là con người. Về sau, khi người Aryan tới lưu vực sông Ấn, theo thời gian đồng hoá, xâm lăng người Ấn Độ cổ đại thì họ cũng mang tới thêm cả nền tôn giáo của họ, và sự giao thoa tôn giáo được diễn ra.
2. Tôn giáo của người Aryan
Người Aryan đi đến lưu vực sông Ấn và trong nét tư tưởng, họ cũng có những vị thần của mình. Khi người Aryan đồng hoá với người Ấn cổ đại, các chủng tộc nâng tư tưởng thờ thần, cúng thần để tránh bị ác quỷ ám lên 1 bậc nữa, thành việc thờ thần để được an lạc, và cao nhất là giải thoát. Họ bắt đầu hình thành các chú thuật, các nghi thức, tế lễ lớn hơn, do đó mà kinh "Atharva-veda" chép rất nhiều bài chú. Phải đọc thần chú để có con, để khỏi sẩy thai, để sống lâu, để khỏi bị tai nạn bệnh tật, để ngủ được, để diệt được hoặc để làm nản lòng kẻ thù,…
Các vị thần đầu tiên trong các kinh Vệ - đà là các sức mạnh thiên nhiên: trời, mặt trời, đất, lửa, ánh sáng, gió, nước và sinh thực khí. Thần Dayus (tương đương với thần Zeus của Hy Lạp và thần Jupiter của La Mã). Rồi người ta nhân cách hóa những vật đó mà cho có thi vị và tạo ra vô số thần: chẳng hạn như trời thành cha, đất thành mẹ, trời đất giao thoa với nhau, sinh ra mây mưa, nhờ mưa mà có thảo mộc. Chính mưa cũng là một vị thần: Parjanya, Agni là thần lửa, Vayu là thần gió, Rudra là thần gió độc gây ra các bệnh dịch, Indra là thần giông tố (mưa, sấm), Ushas là thần rạng đông, Sitha là thần luống cày, Suria, Mithra, hoặc Vichnou đều là thần mặt trời, Soma - một linh thảo có nước ngọt làm cho thần và người uống đều say, cũng là một vị thần nữa, thần vui tính làm cho con người hóa khoan dung, nhân từ, hiểu biết nhau, vui đời, có thể làm cho người trường sinh bất tử nữa. Theo sự nghiên cứu dòng thời gian, nhà sử học Will Durant cho rằng dân tộc nào cũng vậy, thi ca xuất hiện trước rồi mới tới văn xuôi, thi ca xuất hiện thì vật được nhân cách hóa.
Trong một thời gian, vị thần quan trọng nhất trong kinh Veda là Agni – thần lửa. Agni là ngọn lửa linh thiêng bốc lên như để cầu nguyện trời, là nguồn sống nóng hổi, là tinh thần của thế giới. Còn vị thần được sùng bái nhất thời đó là thần Indra, thần sấm và giông tố. Vì chính thần Indra ban những "vũ bão" cho dân Ấn-Aryan, những trận mưa mà họ còn quý hơn mặt trời nữa, họ coi Indra là vị thần tối thượng của họ. Khi ra trận, họ cầu nguyện thần sấm giúp họ và họ hình dung thần sấm có những nét một vị anh hùng khổng lồ, mỗi bữa ăn mấy trăm con bò mộng và uống cả mấy ao rượu.
Khi đọc các kinh Vệ - đà, ta được thấy trong các sách cổ đó các vị thần ra đời, lớn lên rồi cũng chết theo các tín ngưỡng, từ thuyết linh hồn thời ban sơ tới thần giáo có tính cách triết lí, từ các mê tín dị đoan trong kinh "Atharva-veda" tới “Nhất thần giáo” rất cao đẹp trong các bộ “Upanishad”. Khái niệm “Nhất thần giáo” có thể tạm hiểu tương đương với khái niệm “Đệ nhất nghĩa” trong Phật giáo, tức là giáo lý tối thượng, rời xa ngôn từ.
“Upanishad” được ghép từ chữ “Upa: gần”, chữ “shad: ngồi”, dịch theo nghĩa từ một cách cơ bản là “Ngồi gần thầy để được học đạo”, ngoài ra chúng ta hay bắt cặp cụm từ “Áo nghĩa thư” tức là kinh điển (thư) với ý nghĩa uyên áo.
Theo nhiều nguồn nghiên cứu, Upanishad được biên soạn vào cuối thời kỳ Vệ - đà (Thời kỳ Vệ - đà được cho là tồn tại từ khoảng năm 1600 TCN – năm 600 TCN), những bộ Upanishad có số lượng ước chừng khoảng 180 cuốn, được xem như là những loại văn bản thuộc hệ Thiên khải, hay còn có tên là Vedanta, tức là kết thúc, hoàn thiện cho các bản thánh kinh Vệ - đà. Đây là những bộ thánh điển rất quan trọng khi chúng diễn giải hầu hết các bộ Vệ - đà mang tính chất bí ẩn, nghĩa lý sâu xa.
Phần III. Ảnh hưởng triết lý của đạo Ấn Độ cổ tới con người nói chung và sự hình thành tư tưởng Phật giáo nói riêng
Khi đời sống của con người không được thoả mãn, đau khổ, bệnh tật, họ cho rằng mình không đáp ứng đủ mong ước của các vị thần, theo thời gian thì các vị thần cứ tăng lên, mỗi ngày mỗi đông. Bên cạnh đó, ở những tầng lớp giai cấp cao hơn, như các vị tu sĩ và vua. Các tầng lớp quý tộc thì quá sung sướng, đến một trạng thái mọi sự hưởng thụ của họ đều tới giới hạn và họ không còn cảm thấy hạnh phúc nữa, cuối cùng, người Ấn Độ tự hỏi “Vị” nào đã tạo ra thế giới. Lúc thì họ bảo thần Agni, lúc lại bảo thần Indra, hoặc thần Soma, thần Prajapati,...
Một bộ Upanishad về sau đã ghi chép nói tới tư tưởng một vị thần sinh ra muôn loài của người Ấn Độ cổ đại như sau:
[Thực ra vị đó không biết vui là gì hết, chỉ riêng vị đó là không vui, lẻ loi, thiếu một bạn đời. Vị thần đó to lớn bằng một người đàn ông và một người đàn bà ôm chặt lấy nhau. Vị thần đó làm cho thân thể mình rớt ra làm hai phần: một phần thành một người đàn ông và một phần thành một người đàn bà. Vì vậy mà cái bản ngã như chỉ có một nửa... Người đàn ông ân ái với người đàn bà, do đó mà có loài người. Rồi người đàn bà nghĩ: "Mình là một phần của anh ấy tách ra mà sao anh ấy dám ân ái với mình? Mình phải trốn đi mới được". Và người đàn bà thành con bò cái. Người đàn ông thành con bò mộng. Bò mộng và bò cái giao hợp với nhau mà sinh ra một bầy bò. Rồi nàng lại thành con ngựa cái, chàng thành con ngựa đực. Nàng thành con lừa cái, chàng thành con lừa đực. Do đó mà có loài súc vật có móng. Nàng thành con dê cái, chàng thành con dê đực. Cứ như vậy mà sinh ra vạn vật, cho tới loài kiến. Thần đó tự biết: "Ta thực đã tạo ra hết mọi thứ vì vạn vật tự ta mà ra". Do đó mà có muôn loài.]
Đoạn đó được giải thích đem tới những giá trị triết lý về ý niệm vạn vật chỉ là một, vạn vật và mọi hình thể chỉ do một hình thể trước kia chuyển qua, sở dĩ ta tưởng như hai chỉ vì đã có sự thay đổi bề ngoài. Triết lý căn bản trong các Upanishad là tất cả những bí mật của thế giới như: "Chúng ta sinh ra từ đâu? Chúng ta về đâu? Do lệnh của ai mà chúng tôi sống trên cõi đời này... Phải do thời gian, do thiên nhiên, do tất nhiên hay ngẫu nhiên, hay là các nguyên tố", hay do đấng mà người ta gọi là Purusha - tức Đấng Tối Cao?" Ấn Độ cổ đại có vô số những người không cầu giàu sang mà chỉ mong có người giải đáp những thắc mắc của họ.
Trong bộ Upanishad Maitri, chúng ta có thể thấy một ông vua từ bỏ ngôi quý, vô rừng sống đời khổ hạnh, luyện trí tuệ, cố gắng tìm hiểu bí mật của vũ trụ.
Sau ngàn ngày khổ hạnh, ông thấy một vị hiền triết "hiểu biết linh hồn" bước tới, và ông hỏi vị hiền triết rằng: "Ông biết linh hồn ra sao không, xin ông chỉ cho tôi". Vị hiền triết đó khuyên: "Lựa ý muốn khác đi". Nhưng nhà vua vẫn nằng nặc đòi biết về linh hồn, nhà vua nói lên cái ghê tởm của cuộc sống với giọng rất bi đát, nỗi sợ phải tái sinh nó lởn vởn trong tâm hồn dân tộc Ấn Độ: Trong cái thân thể phù du và nồng nặc mùi hôi này, gồm xương, da, thịt, bắp thịt, tuỷ, tinh dịch, máu, dãi, nhớt, nước mắt, nước bọt, phân, nước tiểu, hơi thối, mật, đâu là phần vui, đâu là phần ham muốn?
Trong cái cơ thể đau khổ vì ngàn nỗi này: ưu tư, tham vọng, vỡ mộng, sợ sệt, thất vọng, ghen tị, phải xa người yêu, phải gần người ghét, đói khát, già, chết, đau ốm, buồn bã... đâu là phần vui, đâu là phần ham muốn? Chúng ta thấy thế giới xung quanh tàn diệt như cỏ cây, hết tất cả đều sinh rồi tử... Chúng ta thấy biển cạn, núi sụp, thấy đất chìm dưới biển... Trong kiếp người, con người sống nhờ đất rồi lại trở về với đất thì còn gì là vui thích và ham muốn?
Triết lý khác trong bộ Upanishad có sự ảnh hưởng về sau này trong hệ thống tư tưởng Phật giáo được chép như sau:
"Không phải nhờ học mà hiểu được Atman (tức linh hồn thế giới), có thiên tài không đủ, học trong sách cũng không đủ... Một tu sĩ Bà La Môn phải từ bỏ sự học đi mà trở lại như một em bé... đừng chạy theo từ ngữ nữa, chỉ mỏi miệng vô ích thôi".
Như nhà triết học Spinoza sau này nói rằng sự tri giác tuyệt cao là sự tri giác trực tiếp, sự đốn ngộ, nhà triết học Bergson nói, nó là sự trực giác, cái "giác" tự thâm tâm sau khi đã tự ý hết sức khép kín cánh cửa của ngũ quan.
Đối với hệ thống kinh điển Vệ - đà, triết lý cho sự giác ngộ được cho là:
[Con người còn chìm đắm trong cái phù du, cái đặc thù thì không thể thấy được cái vĩnh cửu ở trong tâm. Muốn cảm thấy cái thực thể nội tâm đó thì trước hết phải tự gột sạch mọi hành động, mọi ý nghĩ xấu xa, mọi náo động của thể chất và tâm hồn đã. Muốn vậy phải nhịn ăn và chỉ uống nước thôi trong hai tuần lễ, như vậy tinh thần như được cái đói dẫn dắt tới cõi bình tĩnh, ngũ quan được trong sạch và hoàn toàn an ổn, tinh thần bình tĩnh rồi mới có thể tự cảm thấy nó và cảm thấy cái biển mênh mông của linh hồn mà nó chỉ là một phần tử, sau cùng cá nhân biến đi và cái Đơn nhất, cái Thực thể hiện lên. Vì nhìn vô nội tâm, con người minh triết không thấy cá nhân của mình - bởi lẽ cá nhân đó chỉ là một loạt những trạng thái ý thức nối tiếp nhau, chỉ là thân thể nhìn từ phía trong - mà thấy cái Atman - cái Ngã của mọi cái ngã, Linh hồn của mọi linh hồn, cái Tuyệt đối vô hình vô sắc nó bàng bạc xung quanh ta mỗi khi ta tự quên mình đi.]
Đây là giai đoạn thứ nhất trong bí ẩn giáo nghĩa đó: con người Ấn Độ cổ đại nhận thấy bản thể cái "ngã" của ta không phải là thể chất, không phải là tinh thần, cũng không phải là cái ngã cá nhân, nhưng là cái gì sâu thăm thẳm, vô hình vô thanh ở trong nội tâm ta, cái đó là Atman.
Giai đoạn thứ hai là Brahman, bản thể của thế giới không thể dụng chạm được (nghĩa là vô hình, vô sắc, vô thanh) nó xâm nhập tất cả, không có cá tính mà có trung tính, nó gồm hết tất cả là căn bản của tất cả, là cái "Thực thể của thực thể, nó là Linh hồn của mọi vật cũng như Atman là linh hồn của mọi linh hồn, nó là sức mạnh duy nhất vượt ra khỏi, vừa ở trên vừa ở dưới mọi sức mạnh và mọi vị thần.
Giai đoạn thứ ba quan trọng hơn cả: Atman và Brahman chỉ là một. Linh hồn (không có tính cách cá nhân) hoặc các sức mạnh ở trong đồng hoá với linh hồn của thế giới. Vượt ra ngoài tất cả các hình thức, vượt ra các giả tướng che phủ chân tướng, thì chính con người, và Thượng Đế - bản thể cùng vạn vật chỉ là một.
Một phân đoạn triết lý khác trong bộ Upanishad:
[Có thể dùng phép luyện tinh thần của các nhà tu hành khổ hạnh mà diệt được tất cả các tư dục, không còn là một phần tử của thế giới gồm các cá thể nữa mà hợp nhất với Linh hồn của vũ trụ trong niềm vui cực kì, như vậy là khỏi phải tái sinh. Nhà vua phục thuyết đó quá, bảo: "Thưa tôn sư, tôi xin dâng tôn sư cả thần dân Videha và chính thân tôi nữa, tôi xin làm nô lệ cho tôn sư". Trong cảnh giới đó không còn ý thức cá nhân, cá nhân đã nhập vào Thực thể, phần tử tạm thời tách ra đã hợp nhất lại với Toàn thể. "Sông đổ vào biển và mất cả tên, cả hình thể, nhà hiền triết cũng vậy, bỏ được cái tên và hình thể rồi, nhập vào Thượng Đế vượt lên trên tất cả".]
Thuyết đó đã làm thỏa mãn tinh thần triết lí Ấn Độ cổ đại, ảnh hưởng tới cả một nền tư tưởng rất lớn về sau một cách mạnh mẽ, thần học nhất nguyên luận đó đã chi phối tư tưởng Ấn Độ và cho tới ngày nay vẫn được chấp nhận, tôn sùng. Và ngay ở châu Âu, châu Mỹ, môn thần học đó đã được hàng triệu người theo, từ những phụ nữ cô độc, những thường nhân chán ngán, không muốn sống nữa, tới những triết gia như Schopenhauer, Emerson.
Và không thoát khỏi dòng chảy đó, Phật giáo cũng chịu tác động hình thành tư tưởng giáo lý từ những thuyết của các đạo giáo cổ, tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ ràng rằng: Sự tiếp nhận, ảnh hưởng khác với sự đồng hoá, sao chép. Phật giáo tiếp nhận, duy trì nền tảng giáo lý ở những điểm phù hợp với sự trực nhận của Đức Phật Thích Ca, nhưng không ngại vạch trần ra những điểm phi lý, thiếu căn cứ, mê tín của dân chúng cổ đại lúc bấy giờ; và hoàn thiện thành một hệ thống giáo lý toàn vẹn hơn.
Kinh điển Vệ - đà và Upanishad được xem như là gốc rễ hình thành ra hình thức Đạo Bà – la – môn. Tuy nhiên, theo nhiều ghi chép, và những nhận định của các nhà sử học, thì đạo Bà – la – môn sau này có sự giải thích, giải nghĩa và lưu truyền các bản kinh Vệ - đà không đúng nghĩa lý, lệch lạc và sai lầm. Đối với điều này, chúng ta không có gì phải bất ngờ, điều này là điều hoàn toàn hợp lý khi xét trên dòng chảy của thời gian. Một người thầy giỏi, không có nghĩa học sinh cũng sẽ thành thầy giỏi, Phật giáo ra đời, cho đến nay cũng hình thành không biết bao nhiêu cuộc tranh cãi cho rằng giáo phái của tông nào mới là tối thượng, dù cho thuở sơ khai Phật giáo không hề có tông phái. Đó là điều bình thường của tiến trình phát triển. Và theo một số nghiên cứu, thì nhiều nhà sử học cho rằng họ tìm thấy những tài liệu cổ ghi chép thể hiện rằng Đức Phật nói về đạo Vệ - đà cổ có những học thuyết đúng thật sự, chỉ do nhận thức sai lầm về mặt “chứng ngộ” điều đó mà thôi. Và chính Đức Phật là người tiếp thu nền đạo cổ, chứng ngộ sự giác ngộ và có sự nhận thấy những nét lệch lạc để hoàn thiện hệ thống giáo lý.
Theo sự nghiên về mặt thời gian, thì các bộ Upanishad được hình thành và hoàn thiện trong thời kỳ Đạo Phật đã xuất hiện, và đang trên đà lớn mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, hai giáo lý này có sự trao đổi và giao thoa với nhau, các ý kiến cho rằng Đạo Phật tiếp nhận Vệ - đà và cải tổ lại những giáo lý không thoả đáng, còn Upanishad thuộc Vệ - đà, vừa giải nghĩa lý thâm sâu, vừa hoàn thiện dựa trên yếu tố xã hội thay đổi.
Nhìn một cách tổng quan, chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng các giáo lý cũng chảy cùng dòng của thời gian, và khi hình thái của ngôn từ xuất hiện thì khó mà tránh khỏi việc giao thoa, tiếp nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, một vài giáo lý tương đồng của đôi bên, thì chúng ta hoàn toàn có thể hiểu ở khía cạnh nếu như là chân lý, thì dù ở hình thức đạo nào cũng sẽ giống nhau, vì chân lý chỉ có một, những phần khác nhau, dù nhiều hay ít thuộc về cách thức mà ý thức mỗi người có thể tiếp thu, ví như đồng một sự việc, không ai có cách nhìn nhận giống ai, dù cho sự việc thì chỉ là như vậy.
Cư sĩ Phúc Quang dịch và tổng hợp
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. ALMANACH những nền văn minh thế giới, Ban biên soạn: Cố Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, Giáo sư Đinh Ngọc Lân, Nhà sử học Hà Nội học, nhà giáo ưu tú Nguyễn Vinh Phúc, Bác sĩ Đức Thông, Ban dịch thuật: Thế Trường, Xuân Hoà, Hoạ sĩ Trương Thảo, Nguyễn Hoàng Điệp, cùng hơn 100 tác giả, cộng tác viên dịch thuật, NXB Văn hoá - Thông tin, 1996
2. Lịch sử văn minh Ấn Độ, tác giả: Will Durant, xuất bản năm 1971, dịch giả: Nguyễn Hiến Lê, NXB Hồng Đức, tái bản 2018
3. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tác giả: Prof.Ph.D. A. K. Warder, biên dịch: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phiên dịch Phật học, cố Hoà thượng Thích Thiện Chánh dịch, xuất bản năm 1970, NXB Hồng Đức, tái bản 2023
***
TÀI LIỆU DỊCH
1. The Hindu Equilibrium: India C.1500 B.C. - 2000 A.D. Oxford University Press. p. xxxviii. ISBN 978-0-19-927579-3, Lal, Deepak (2005).
2. "Second Urbanization in the Chronology of Indian History", International Journal of Academic Research and Development 3 (2) (March 2018), pp. 538–542 esp. 539, Vikas Nain.
3. Anguttara Nikaya I. p 213; IV. pp 252, 256, 261.
4. A History of Ancient and Early Medieval India: From the Stone Age to the 12th Century. Delhi: Pearson Education. pp. 260–4, Singh, Upinder (2008).
5. 16 Mahajanapadas - Sixteen Mahajanapadas, 16 Maha Janapadas India, Maha Janapada Ancient India. Iloveindia.com. Retrieved on 2013-07-12.
6. "Cultures and Societies of the Indus Tradition. In Historical Roots", in the Making of ‘the Aryan’, R. Thapar (ed.), pp. 21–49. New Delhi: National Book Trust, J.M. Kenoyer (2006).
7. India as Known to Panini: A Study of the Cultural Material in the Ashṭādhyāyī, 1963, p. 427
8. Vasudeva Sharana Agrawala - India; India in the Time of Patañjali, 1968, p 68, Dr B. N. Puri - India
9. Socio-economic and Political History of Eastern India, 1977, p. 9, Y. K Mishra - Bihar (India)
10. Tribes of Ancient India, 1977, p. 18 Mamata Choudhury - Ethnology
11. Tribal Coins of Ancient India, 2007, p xxiv Devendra Handa - Coins, Indic - 2007
12. The Journal of the Numismatic Society of India, 1972, p. 221 Numismatic Society of India - Numismatics
13. A History of Pāli Literature, 2000 Edition, p 648 B. C. Law
14. Some Ksatriya Tribes of Ancient India, 1924, pp 230-253, Dr B. C. Law.
15. Anguttara Nikaya: Vol I, p 213, Vol IV, pp 252, 256, 260 etc.
16. Raychaudhuri, Hemchandra (1972). Political History of Ancient India. Calcutta: University of Calcutta. p. 59
17. Digha Nikaya, Vol II, p 200.
18. Chulla-Niddesa (P.T.S.), p 37.
19. Lord Mahāvīra and his times, 1974, p 197, Dr Kailash Chand Jain; The History and Culture of the Indian People, 1968, p lxv, Dr Ramesh Chandra Majumdar, Bharatiya Vidya Bhavan, Bhāratīya Itihāsa Samiti; Problems of Ancient India, 2000, p. 7, K. D. Sethna.
20. Political History of Ancient India, 1996, p. 86; History & Culture of Indian People, Age of Imperial Unity, pp. 15–16
Bình luận (0)