Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp
Bắt đầu từ nền văn minh Ấn Độ cổ, chúng ta sẽ tìm hiểu một cách sơ khai về bối cảnh, sự góp phần cấu tạo của các tôn giáo - triết học Bà - la - môn, các khủng hoảng xã hội trầm trọng của tôn giáo, của trật tự cơ cấu xã hội.
Từ bối cảnh của tôn giáo truyền thống, Ấn Độ chứng kiến sự ra đời của những trường phái tư tưởng mới, chúng ta sẽ đi từ những điểm tạm coi là khởi nguồn một cách cơ bản và có sự hiểu biết khái quát tổng quan, bởi lý do về lịch sử lâu đời, những chứng cứ không hoàn toàn rõ ràng và xác thực, cho nên chúng ta sẽ không đi sâu vào khẳng định những chi tiết.
1. Văn minh sông Ấn
Theo từ nhiều nguồn thông tin về chứng cứ khảo cổ học, lịch sử Ấn Độ bắt đầu với thời kỳ Văn minh lưu vực sông Ấn Độ, hay còn gọi tắt là sông Ấn hoặc gọi là sông Indus, hình thành vào khoảng năm 3.300 TCN. Tại đây được gọi là nền Văn minh Thung lũng Indus. Nền văn minh này được biết đến như là văn minh “Thời đại Đồ đồng”. Những người dân thành lập các xóm, làng, và sống nhờ việc khai thác dòng nước của hệ thống sông ngòi lớn mà hình thành nên nền tảng của nền văn minh này, đó là một tên gọi tương ứng của một nền văn minh gắn liền với dòng sông này. Những phát hiện của khảo cổ cho chúng ta thấy rằng ở lưu vực sông Ấn hình thành nền văn minh mà không có duy nhất một chủng tộc loài người, mà ở đó có ghi nhận là sự di cư tới của đa chủng tộc, đa tầng lớp, một số tên gọi được phân định gồm có:
(1) Người Aryan: Chủng người được cho là giao tiếp với nhau bằng một ngôn ngữ Ấn – Âu cổ xưa.
(2) Người Tamil: Hay còn gọi là Tamilar/ Tamilian, là tộc người có nguồn gốc tổ tiên tại miền nam Ấn Độ.
(3) Người Dravidian: Đây là chủng tộc gồm nhiều nhóm dân tộc khác nhau, giao tiếp ngôn ngữ riêng, có nguồn gốc từ Nam Á. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng người Dravidian thời kỳ đầu thường có liên hệ tới những người nông dân Zagros thuộc thời kỳ đồ đá mới hoặc những người săn bắt hái lượm Iran/Zagrosin thời kỳ đầu
Tuy nhiên, đối với người Aryan luôn tồn tại những cuộc tranh luận về sự di cư của họ, rằng họ có thật sự di cư tới nền văn minh lưu vực sông Ấn hay không, hay là cuộc xâm lược, càn quét và chiếm lĩnh lãnh thổ. Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận sự hiện diện của những bằng chứng về họ tại đây.
Về mặt tôn giáo, người ở lưu vực sông Ấn đã thờ Đại phạm thiên (Dịch sang tiếng Anh là: Great God), theo mô tả thì Ngài được con người thể hiện như một nguyên hình của thần Siva mà người Tamil tôn thờ phổ biến: một mặt tượng trưng cho thần sáng tạo, một mặt biểu hiện là một khất sĩ khổ hạnh, hay một hành giả tu luyện thể hiện thần thông. Những bản phác hoạ mô tả khung cảnh quanh ngài với nhiều thú vật, gợi ý rằng ngài là chúa tể của muôn thú, rõ ràng đó cũng là những đặc tính của thần Siva. Sự sùng bái này được kết hợp thờ chung trong những ngôi đền, về sau những đặc tính này được gán vào cách sùng bái đối với thần Siva.
Trong những tín ngưỡng Ấn Độ cổ đại cũng có một chứng cứ thờ Đại nữ thần (Great Goddess), trông giống cách thờ thần Siva, tuy nhiên cũng rất khó để phân biệt mặt đặc trưng giống nhau giữa hai hiện tượng tín ngưỡng phổ biến này. Có một cây thiêng trong các bản vẽ phác hoạ làm chúng ta nhớ đến cây trong tín ngưỡng thờ Siva - cây thông ở Himalaya và những cây thiêng hiện nay trong đền thờ tín ngưỡng Shaiva, cũng như cây Bồ-đề của Phật giáo. Đây là những cây thiêng, cũng giống như những con thú và yêu quái trong thần thoại được các nhà điêu khắc miêu tả chân thật và sống động giống như trong Phật giáo thời đầu (triều đại Mauryan...), cho thấy cùng một bản sắc truyền thống Ấn Độ.
2. Người Aryan
Căn cứ vào nhiều bằng chứng của khảo cổ, người Aryan di cư đến đất Ấn vào thời đại suy tàn của văn minh cổ đại sông Ấn (khoảng 1700 năm TCN). Thực tế, như đã nói ở trên, xét ở góc độ hiện diện thì chúng ta không phủ nhận tộc người này có xuất hiện ở lưu vực sống Ấn, nhưng xét về khía cạnh di cư, sinh sống thì vẫn còn là những tranh luận. Hiện chúng ta có 2 giả thuyết:
(1) Giả thuyết xâm lược: Giả thuyết này là giả thuyết mà đại đa số các nhà nghiên cứu tin rằng người Ấn – Aryan là những bộ tộc thiểu số chinh phạt người bản địa Ấn và phá hủy những đô thị của họ, để mở rộng lãnh thổ.
(2) Giả thuyết di cư vì nguồn lợi lưu vực sông Ấn và phát triển chủng tộc: Cũng có nhà nghiên cứu khác thì tin rằng người Ấn – Aryan chỉ là sự di cư theo thời gian vì yếu tố địa hình, thời tiết, sinh tồn,… và dần dần họ định cư tại đây vì những yếu tố thuận lợi mà sông Ấn đem lại, điều này liên quan tới sự đồng hoá nhiều hơn là những cuộc viễn chinh xâm lăng.
Tuy nhiên, mốc thời gian là quá xa, những bằng chứng khảo cổ chỉ chứng thực sự hiện diện, khó có thể đáp ứng thoả mãn mọi nghi hoặc, cho nên cuộc tranh cãi thì luôn diễn ra.
Người Aryan này nói một loại ngôn ngữ Sanskrit cổ đại, được gọi là ngôn ngữ Vệ - đà (Vedic), hiện còn một số kinh Vệ - đà thuộc loại sớm nhất ở Ấn Độ ngày nay có thể đọc hiểu được. Những kinh điển Vệ - đà thuộc loại sớm nhất này của người Aryan có lẽ được biên tập vào khoảng hai hoặc ba thế kỷ sau khi thống lĩnh được Ấn Độ.
Cuộc chinh phạt này có được đề cập một cách lờ mờ trong kinh Vệ-đà: Thần Indra đã phá hủy những thành quách của kẻ thù (có thể là thành thị hoặc thị trấn của người cổ đại Indus), ngài phóng thích súc vật (bởi vì người Aryans là những bộ tộc du mục, đương nhiên họ không thích người định cư đem súc vật nhốt trong vườn của xóm làng), và ngài khơi thông những con sông (sông bị những người nông dân định cư chăn đập và đào mương dẫn nước tưới tiêu).
Mà theo cách nói truyền thống của họ là phục hồi bản chất tự do của vũ trụ. Do đó, văn minh cổ đại Ấn Độ đã một thời rơi vào u ám trong tay của những người du mục thiểu số. Tuy nhiên, không lâu sau đó, những người thiểu số này đã bắt đầu học theo cách sinh sống của người bản địa mà họ đã chinh phục: họ định cư lâu dài trong những ngôi làng và cuối cùng lấn sang thành phố sinh sống lâu dài, họ đã nuôi gia súc trên những cánh đồng (có lẽ từ đó gia súc ở Ấn Độ có được sự tự do mà không nơi nào có được) và họ cũng đã khai thác sông ngòi cho việc tưới tiêu. Nhưng khi chú giải về các cổ kinh sau này, có khả năng quên mất bối cảnh lịch sử chân thật và thay vào đó phủ lên một lớp ý nghĩa thần thoại liên quan đến thần Indra (Thiên Đế Thích) với việc hô mưa gọi gió.
Ngoài thần Indra, kinh Vệ - đà còn đề cập đến những thủ lĩnh là con người thật của người Aryan và những chiến công của họ, nhưng chỉ nói qua loa về lịch sử của họ một cách rời rạc. Ngoài ra còn có những văn bản khác ghi chép lịch sử thật sự ở những phần sau của Vệ - đà (khoảng thế kỷ IX TCN), đó là bộ Puranas (Cổ tự - Kinh văn Hindu cổ đại ca ngợi các vị thần, chủ yếu là thần linh thiêng Trimurti trong Ấn Độ giáo thông qua các câu chuyện thần thánh), cho chúng ta thấy những sự thật lịch sử này.
Những văn bản được biên tập sau này có nhiều sửa đổi lớn và mở rộng, đồng thời có lẽ thay đổi niên đại bằng sự sắp xếp giả mạo, nhưng dựa trên một số tư tưởng truyền thống đương thời ở Ấn Độ trước thời đức Phật, chúng ta có thể biết được văn minh cổ đại và một số triều đại vua chúa, cùng với một số tu sĩ, nhà thơ và triết gia cổ đại. Cuộc chinh phạt của người Aryan không được ghi chép dưới hình thức rõ ràng nhưng những triều đại đó đã thống trị trên lãnh thổ Ấn Độ cổ đại. Phần sau của Vệ - đà đã ghi lại giai đoạn văn minh này khá hời hợt, mờ ám.
Chỉ duy nhất có một sự phân biệt lớn giữa các bộ tộc xuất hiện trong giai đoạn của các triều đại vua chúa Mặt trời và Mặt trăng, sự phân biệt này có một ý nghĩa quan trọng mặc dù cả hai là bà con với nhau: Vương triều Mặt trời do Manu trị vì, là con trai của thần Mặt trời; vương triều Mặt trăng do Pururavas trị vì, là cháu nội của thần Mặt trăng, cũng là cháu ngoại của Manu. Do kinh điển Vệ - đà thời đầu có đề cập đến một số vua thuộc triều đại Mặt trăng, trong khi đó những vị vua thuộc triều đại Mặt trời thì lại không nói đến, cho nên nhiều nhà nghiên cứu suy luận rằng những vị vua triều đại Mặt trời là những vị vua người Indus cổ đại, những truyền thống của họ về sau được kết hợp người Aryan tạo thành một lịch sử tổng hợp.
Đối với giai đoạn kể từ khi người Aryan trị vì Ấn Độ cho đến khoảng thế kỷ XIII TCN, chúng ta có thể truy nguyên một số đời chi nhánh thuộc triều đại Mặt trăng, những chi nhánh này có thể được xem là các bộ tộc người Aryan và không phải là những triều đại thống trị chính thức. Những kẻ thống trị mới này thường đấu đá nhau cũng như với người khác. Đến thế kỷ XIII TCN, Samvarana là một kẻ thống trị thuộc dòng họ Paurava của triều đại Mặt trăng, sau lần đầu vương quốc bị thất thủ bởi một nhánh khác cùng một dòng họ, kẻ thống trị này đã nhờ vào sự giúp đỡ của Bà-la-môn phục hồi vương vị và thành lập một đế chế thống trị các chư hầu khác. Con trai của ông là Kuru và con cháu của ông đã thừa kế trị vì đế chế này tồn tại nhiều thế kỷ, và thời kỳ hưng thịnh này có thể cho thấy một quyền uy thật sự phủ rộng ít nhất lên đến phía bắc Ấn Độ. Triều đại Mặt trăng hay Paurava, là một đế quốc đã cho thấy một sự củng cố của nền văn minh Bà-la-môn ở Ấn Độ: về cách sống, tôn giáo và nhiều cảnh thịnh vượng khác được tư tưởng truyền thống Ấn Độ xem là một mô phạm cổ điển.
Trong suốt thời đại của đế chế Paurava, cổ kinh theo hệ ngôn ngữ Vệ - đà được sưu tập, và sáng tác thêm nhiều phần; kinh cũ và kinh mới tạo thành một tổng tập kinh điển, gọi là Bộ hệ thống kinh điển Vệ - đà (có vài phần riêng biệt cũng được gọi là Vệ - đà). Từ Vệ - đà có nghĩa là tri thức, cho nên kinh điển Vệ - đà được coi là toàn bộ nền tảng kiến thức dành cho việc học của các Bà-la-môn hay tu sĩ. Nó bao gồm thi ca, bài hát, nghi lễ và triết học.
Suốt thế kỷ IX, khi đế quốc Paurava gần như đạt đến đỉnh cao của quyền lực, có một nhóm tu sĩ, thi sĩ, và một số nhà sáng tạo tư tưởng sống ở đó, họ được tin là những người biên soạn ra một số kinh điển về sau này, những bản chú giải. Thông qua những tác phẩm hiện còn này giúp chúng ta có thể hiểu được một số nhà tư tưởng ở thế kỷ IX mong muốn đem những gì thuộc truyền thống từ xưa để lại mà họ cho là tốt nhất và đúng nhất tìm cách ổn định chắc chắn. Họ cho rằng thời đại của chính họ là đọa lạc và thiếu những tiêu chuẩn đạo đức xa xưa. Mặc dù đây không phải thời lý tưởng cho việc điều hành chính trị hay đời sống đạo đức tốt đẹp, nhưng vẫn còn khả năng, và ước mơ lớn nhất của mọi người, là xuất hiện những vị anh hùng và những người có đạo đức để gìn giữ tôn giáo cổ đại và gánh vác trách nhiệm xã hội của họ. Liên quan đến những điều này chúng ta có thể thêm vào ý kiến rằng theo những chứng cứ khảo cổ học giai đoạn 1.000 - 800 TCN, là Thời đại Đồ sắt của Ấn Độ bắt đầu, do đó rất có khả năng bước sang giai đoạn chuyển biến lớn, dao động và gia tăng sinh mạng chiến đấu, sự phát triển cuối cùng này hầu như thật sự in đậm trong sử thi và truyền thống lịch sử Ấn Độ.
Dưới những triều đại của thế hệ Paurava đã soạn luật pháp có hiệu lực trong kinh Vệ - đà, và những nhà tư tưởng thuộc nhóm này đã đóng góp những sáng tác như vậy vào khoảng thể kỷ IX TCN, từ đó dẫn đến tư tưởng chính thống và bảo thủ của Ấn Độ đã chuyển hướng sang tôn giáo, nghi lễ, triết học, sử thi anh hùng ca, truyền thuyết lịch sử cổ đại, pháp luật, hình học, thiên văn học, và khoa học ngôn ngữ. Tất cả những điều này tạo thành những gì thường được biết là Bà-la-môn giáo (Brahmanism), là một văn minh, một lối sống, một tôn giáo, và hơn thế nữa. Trong một ý nghĩa nào đó để nói thì giai đoạn hình thành của Bà-la-môn giáo này là giai đoạn anh hùng, đó là những anh hùng nổi tiếng nhất được ca ngợi trong sử thi. Người ta tin rằng sử thi được biên soạn trong giai đoạn này, nhưng nhờ vào truyền thống truyền miệng mà lưu truyền nên đã liên tục phát triển. Tiến trình biên soạn và chú giải lại này vẫn còn được tiếp diễn bởi những thi nhân sau này bằng cách chọn những chủ đề của sử thi viết thành những tác phẩm riêng biệt, và đặc biệt những nhà viết kịch đã đưa những nhân vật anh hùng trong sử thi lên sân khấu và nhờ vậy phổ cập truyền thống Bà-la-môn trong suốt những thời đại của họ.
3. Bà – la – môn giáo
Bà-la-môn giáo gọi chính xác là Vệ - đà giáo (Vedism hoặc Vaidika), dựa trên một thuật ngữ Ấn Độ là Vệ - đà mà có; còn 'Hinduism' là từ vay mượn tiếng nước ngoài, nghĩa ít chính xác hơn, gần giống với 'Indianism' (Ấn Độ giáo), ở đây chúng ta sẽ chỉ tiếp cận một cách tổng quan tới bộ khung ấn tượng cơ bản để hiểu hơn về bối cảnh mà thôi. Bà - la - môn hiểu đúng hơn là nói về tầng lớp, giai cấp đẳng cấp, xứng đáng được tôn sùng.
Từ “Brahma” hay “Đại ngã” là một khái niệm về một thánh thần tối thượng của Ấn Độ giáo. Brahman là hiện thực siêu việt không thay đổi, vô hạn, có ở khắp mọi nơi và là nền tảng linh thiêng cho tất cả vật chất, năng lượng, thời gian, không gian, các thể sống, và tất cả những gì vượt khỏi vũ trụ này. Bản chất của Brahman được miêu tả là mang tính cá nhân siêu việt (transpersonal), mang tính cá nhân (personal) và không mang tính cá nhân (monist, impersonal) bởi các trường phái triết học khác nhau. Trong kinh Vệ - đà, Brahma đã tạo ra thể sống nguyên được xem là tương đương với vị thần sáng tạo ra thế giới. Đạo Bà-la-môn hình thành trên cơ sở Vệ-đà giáo, Đạo Bà-la-môn thờ Đấng Brahma là Đấng tối cao tối linh, là linh hồn của vũ trụ. Đạo Bà - la - môn gồm những giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo, tức là những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp cao thượng nhất, sinh từ miệng Brahma thay ông cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng.
Về sau, ở thời đại của những vị vua Pauravas, từ brahman được nhân cách hóa như một Đấng tối cao hoặc Đại Phạm thiên (ở thể giống đực), Đấng thủy tổ sáng tạo ra vũ trụ. Đôi lúc, từ brahma thiên về tính trừu tượng và triết học được xem là sự tồn tại tuyệt đối không thuộc về người, trung tính, nhưng vẫn có sinh mạng (bởi vì sinh mạng của toàn vũ trụ đều sinh ra từ thân thể của brahma và được brahma bảo bọc, che chở). Từ thuật ngữ brahma sinh ra thuật ngữ brähmana, nghĩa là một giáo sĩ gìn giữ kinh điển thiêng liêng, hoặc về sau trở thành một giáo sĩ của Thượng đế. Thuật ngữ này theo cách viết của tiếng Anh là "brahman' (hoặc "brahmin') và từ đó những tác giả châu Âu chế tác thành 'Brahmanism' (Bà-la-môn giáo).
Tôn giáo Vệ-đà cổ đại của người Aryan ban đầu bao gồm thờ cúng những vị thần, và diễn đọc những bài thơ và bài hát trong kinh Vệ - đà, là một bộ phận cấu thành lâu đời nhất của bộ kinh này, chúng hầu hết là thể loại thơ ca tụng và cầu nguyện. Các vị thần này bắt nguồn từ hệ thống đa thần thuộc hệ Ấn - Âu cổ đại, chúng một mặt biểu hiện cho các loại trừu tượng của xã hội và mặt khác biểu hiện cho các hiện tượng tự nhiên. Tuy nhiên trong giai đoạn biên soạn pháp luật trong kinh Vệ - đà ở triều đại Paurava, chúng ta tiếp xúc với một tôn giáo hoàn toàn khác, cho dù họ có tiếp tục sử dụng những bài thơ cổ này trong việc tán tụng hay không. Việc cúng tế các vị thần diễn ra rất dài dòng là một bộ phận trong tôn giáo cổ đại, lúc bấy giờ công việc cúng tế này là chính và cốt yếu trong tôn giáo ở đây. Nghi lễ được họ tiến hành với cảm giác biến thành phước báo để có được những điều tốt đẹp và các vị thần giáng xuống chỗ mà những tín đồ đang thực hiện các nghi lễ này để nhận sự cúng tế.
Kết quả tốt đẹp mong muốn của những hành động cúng tế này không chỉ đến từ sự ban ơn của các vị thần một cách vô hình mà còn đến từ những kết quả huyền bí của chính hành động cúng tế, có được thành tựu này đích xác là nhờ vào cách cúng tế mà họ đã thể hiện. Về sau bộ phận quan trọng và có tác dụng của kinh Vệ-đà là phần thực hành nghi lễ, được hiểu là việc cử hành một chuỗi pháp lệnh một cách chính xác trong cúng tế. Ở đây, khái niệm về thể tuyệt đối và sự tồn tại tối thượng được phát triển thành brahman (Đại phạm thiên). Đồng thời thuyết nguồn gốc vũ trụ đã cho ra đời một triết lý giải thích một cách hợp lý về nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ. Những cách tìm tòi cổ xưa nhất này đã xuất hiện trong một số bài thơ của kinh Vệ - đà và nay được thêm những ngụy biện nghi lễ qua những bài văn tế, nhưng ở những phần cuối cùng của kinh điển Vệ - đà gồm có những kinh văn vốn trước tiên dành cho loại hình triết học cổ xưa này [tức những bộ Upanisads (Áo nghĩa thư) hay đúng hơn là giữa những kinh điển này có năm bộ sớm nhất nghiêm túc thuộc về kinh điển Vệ - đà và duy trì những tư tưởng của thời đạ Paurava, gồm: Chandogya, Brhadäranyaka, Aitareya, Kausitaki và Taittiriya].
Thi ca của người Aryan trái ngược rất lớn với cư dân bản địa Ấn Độ và văn minh của họ, nhưng ở thời Paurava thì sự đối nghịch cổ hủ này và thậm chí sự thật về sự chinh phạt xâm lược đó cũng bị lãng quên. Hiển nhiên giữa những kẻ chinh phục và người bị chinh phục từng xảy ra hỗn loạn với quy mô lớn, thật sự đã cho thấy rằng trong những người chinh phục thì đa số giáo sĩ Bà-la-môn kế thừa nhau không phải là người Aryan. Rõ ràng họ duy trì văn minh Indus, nhờ vào kỹ năng tri thức và giáo dục vượt trội mà họ hòa giải tinh thần, điều hành khéo léo, vì thế có được một địa vị tôn kính. Có một vài quan niệm, thật sự không nhiều lắm trong hệ thống kinh điển Vệ - đà đến từ những truyền thống bên ngoài truyền thống của người Aryan chứ không phải phát xuất từ trong chính nó. Có lẽ ở mặt lễ nghi cúng tế, hoặc biện luận triết học đến từ những truyền thống của người Indus, nhưng không có tài liệu hay chứng cứ để xác định vấn đề này. Tuy nhiên trong những kinh điển thời Paurava ngoài hệ thống kinh điển Vệ - đà, có nhiều tư tưởng thường có nguồn gốc không phải phát xuất từ người Aryan.
Giữa truyền thống Aryan và truyền thống cổ đại Ấn Độ, có một giai đoạn dường như dần dần ảnh hưởng qua lại, đó là điều thật rõ ràng. Xu hướng này là nét đặc trưng của lịch sử tư tưởng Ấn Độ, mà nó được phát triển không phải từ cách loại trừ nhau mà từ sự hấp thu đồng hóa. Những học thuyết truyền thống ngoại lai không bị chối từ nhưng được đưa ra một cách giải thích hợp lý, do đó chúng được điều chỉnh cho khớp với một số hệ thống lớn. Đồng thời chúng có thể được tu chỉnh và cải đổi để tạo thành một sự hài hòa trong tổng thể.
Những yếu tố không thuộc Aryan đáng chú ý nhất trong sử thi và lịch sử của Bà-la-môn giáo là những đặc tính thần thoại của thần Visnu (Vasudeva), thần Siva và Nữ thần Devĩ. Ba vị thần này rõ ràng hoàn toàn khác hẳn với bản chất ban đầu thuộc về ba dân tộc khác nhau ở Ấn Độ. Nữ thần như hiện nay được biết thường có liên quan bạn bè hoặc phối ngẫu của cả hai vị thần Visnu và thần Siva, nhưng đây là một sự kết hợp rất xa xưa. Bản thân thần thoại về thần Visnu dường như cho thấy một sự tổng hợp giữa nhiều vị thần khác nhau, họ biểu hiện nhiều đặc tính của cùng một đấng tối cao. Những khái niệm về những vị thần này cuối cùng được nhập vào các loại sách lịch sử để đưa ra sự kết nối với Brahma trong nhiều cách khác nhau, dựa vào chức năng của một trong bốn vị thần này để chọn ra vị nào thật sự là thượng đế và vị nào có biểu hiện phụ thuộc. Những bộ sách lịch sử đều dùng cách diễn đạt thật sự về sau này bắt đầu bằng sự khởi nguyên và diễn biến của vũ trụ, do vậy có liên quan đến thần học.
Học thuyết liên quan đến thuyết đầu thai và chuyển kiếp của linh hồn, được đề cập trong kinh điển Vệ - đà phần sau cùng, ngoài hệ thống Vệ - đà của truyền thống Bà-la-môn giáo cũng thừa nhận sự thật này.
Học thuyết này được cho rằng có sự thẩm sát bởi những tu sĩ Bà – la – môn giáo với những quan điểm về diễn tiến của vũ trụ và cân đo thời gian. Vũ trụ diễn biến rồi lại diễn biến, trải qua những chu kỳ tuần hoàn lớn hàng trăm triệu hay hàng nghìn triệu năm, cuối cùng nó tan rã trở về với những nguyên tố tạo thành ra nó, bao gồm cả linh hồn, và rồi lại tái diễn theo tiến trình tự nhiên và cũng do Thượng đế tạo nên. Ở đây cũng có một học thuyết rất khác lạ giữa nhiều trường phái tư tưởng trong truyền thống Bà-la-môn giáo, đặc biệt về vấn đề phải chăng ban đầu trước những chu kỳ tuần hoàn ở trên thì linh hồn và những yếu tố của các nguyên tử đã không tồn tại nhưng đã được tạo ra không phải bởi đấng siêu phàm hay không từ cái gì cả. Đối với tất cả các tôn giáo và tư tưởng triết học của Ấn Độ thì điều này cực kỳ quan trọng, họ cho rằng thời gian là vô cùng, thật sự điều này giống với quan điểm về vũ trụ của Thiên văn học hiện đại đã xác lập và rất mạnh mẽ tương xứng với những truyền thống tôn giáo phương Tây (Người Babylon có những quan niệm tương tự như vậy nhưng thời lượng có quy mô hạn định hơn nhiều).
Tư tưởng Ấn Độ về thời gian thật sự hoàn toàn có rất sớm liên quan đến những sự quan sát thiên văn, đặc biệt là sự vận động của các hành tinh. Sự vận động của các hành tinh trước hết là sự biến hóa vô thường, nhưng quan sát xa hơn và nghiên cứu kỹ sẽ cho thấy đây là một kiểu lặp đi lặp lại nhất định, kết hợp sự vận động của các hành tinh với kiểu lặp đi lặp lại này, và bạn sẽ thấy rằng dựa vào sự quan sát và tính toán chính xác của bạn, sẽ cho thấy một vòng thời gian cực kỳ dài hiện ra ở trên trời. Người Ấn Độ quan niệm rằng tại một điểm khởi đầu của những chu kỳ thời gian, tất cả các hành tinh đều ở một chỗ, hoặc trên cùng một vạch xuất phát (kinh tuyến), họ cố gắng xác định mốc thời gian của sự kết hợp to lớn này từ hàng triệu năm trước.
Cuối cùng chúng ta cần phải nói về những truyền thống pháp luật và nhiều tập quán xã hội được quy định trong những kinh điển về luật lệ cho thấy dấu ấn gốc gác không thuộc về truyền thống của người Aryan. Như vậy, bốn giai đoạn trong thói quen sống về sau được xem là một phần căn bản của xã hội chính thống (học tập - đời sống hôn nhân - về hưu - đi tu) không được nói trong kinh điển Vệ-đà, điều này khiến chúng ta nghĩ đến chứng cứ của chủ nghĩa khổ hạnh trong xã hội Ấn Độ cổ đại hoàn toàn không dính dáng chút gì đến truyền thống của người Aryan.
Khái niệm giải thoát khỏi luân hồi đi cùng với chuỗi rộng lớn của sự cân đo thời gian được công nhận trong tư tưởng Ấn Độ.
Quan niệm giải thoát thật sự dường như không có ngọn nguồn từ những người Aryan, truyền thống Aryan từng có quan niệm về đời sống ở kiếp sau trong một số cõi của sự tồn tại không có gì khác với đời sống ở trái đất (một trong số cõi đó là ở mặt trăng) và sau đó phát triển thành khái niệm nhờ vào lễ nghi cúng tế để có thể được lên thiên đàng như mong ước. Mặt khác, trong việc suy đoán về sự giải thoát của linh hồn, họ cố gắng nhận thức một số trạng thái hoàn toàn siêu việt thế giới kinh nghiệm, chẳng hạn như sự kết hợp với sự tồn tại tối thượng. Điều này chỉ biểu hiện một cách mơ hồ trong những phần cuối cùng của kinh điển Vệ - đà.
Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tác giả: Prof.Ph.D. A. K. Warder
- Dịch: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và phiên dịch Phật học, cố Hoà thượng Thích Thiện Chánh dịch, xuất bản năm 1970
- NXB Hồng Đức, tái bản 2023
Bình luận (0)