Tác giả: Pháp Vương Tử
1. Trong kho tàng giáo lý của đạo Phật được ví nhiều như rừng biển, với “thiên kinh vạn quyển” và các Pháp môn tu chứng để thành Phật cũng có tới 84.000 Pháp môn. Ấy vậy mà đức Pháp chủ: Phật Thích ca Mâu ni lại bảo với các đệ tử của Ngài rằng, nó cũng chỉ như một nắm lá rừng trong tay Ngài mà thôi.
Sự thật ấy cũng được ghi chép lại trong Kinh Tạp A Hàm, Kinh số 404.
Nội dung Kinh kể lại: Khi ấy đức Phật cùng các đệ tử của Ngài đang “Du hóa nhân gian tại nước Ma Kiệt Đà và nghỉ lại qua đêm tại ngôi nhà PHÚC ĐỨC do nhà vua dựng lên ở xóm Rừng Trúc, giữa Vương Xá và Ba la lỵ phất”. Đức Phật khi ấy đã bảo với các đệ tử của Ngài rằng: “Hãy cùng ta đến rừng Thân Thứ”. Tại đây, khi mọi người đã ngồi xuống bóng cây, đức Phật mới đưa tay vốc một nắm lá rừng rồi hướng về các đệ tử đang vây quanh mà hỏi rằng: “Lá cây trong nắm tay ta nhiều, hay lá trong rừng cây nhiều”.
Các đệ tử là các Tỳ kheo (người xuất gia) đã cùng bạch với Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, lá cây trong nắm tay Phật rất ít, còn là trong rừng cây thì nhiều hơn muôn vàn”. Nhân đấy, đức Phật khai thị rằng: “Đúng vậy! Này, các Tỳ kheo: Ta thành Phật, những pháp mà ta đã tự thấy, rồi tuyên thuyết lại với mọi người cũng chỉ ít như một nắm lá rừng trong tay ta mà thôi. Vì sao? Vì pháp này đem lại lợi ích thiết thực, ích lợi cho Phạm hạnh (đạo đức), cho trí tuệ Chính giác, hướng thẳng Niết bàn…”.
Thế nên đối với người học Phật hôm nay cần hiểu “một nắm lá…” trong tay đức Phật nơi rừng Thân Thứ đã… xưa hơn 25 thế kỷ chính là Tam Tạng Thánh giáo đang hiện hữu nơi thế gian được gọi là ĐẠI TẠNG KINH. Đây là một danh xưng, một tổng xưng gồm ba từ được cấu trúc theo thứ lớp (Đó không phải là “Kinh Đại tạng” như sách lịch sử Phật giáo Việt Nam - Chương IX, trang 260 do nhà xuất bản KHXH ấn hành năm 1988 - Bởi Đại Tạng Kinh mà viết là Kinh Đại Tạng sẽ bị hiểu lầm là tên một bộ kinh, như Kinh Pháp Hoa, kinh A Di Đà chẳng hạn). Đại Tạng Kinh mà chúng ta hiện có là danh xưng chung về các kinh điển Phật giáo với ba truyền thống chính, đó là: Tam tạng Pà Li ngữ, Tam tạng Tạng ngữ và Tam tạng Hán ngữ và đa phần đều có nguồn gốc từ tạng Phạn và tạng Sanskrit - Mỗi tạng gồm có: Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận. Hiện tại, giới Phật giáo mỗi quốc gia đều đang nỗ lực để kiện toàn Tam tạng Thánh điển bằng ngôn ngữ của dân tộc mình.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hoàn tất việc dịch, in ấn và phát hành Tam tạng Thánh điển bằng Việt ngữ với tên gọi ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM. Đây là một sự kiện trọng đại của và cũng là một mốc son chói lọi trong lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Bởi trước đó Tam tạng Thánh giáo được gọi là Đại Tạng Kinh (Như đã trình bày ở trên). Trong hai thời Lý - Trần được cho là Phật giáo phát triển rực rỡ nhất, nhưng Đại Tạng Kinh cũng chỉ được “THỈNH” về từ Trung Hoa bằng chữ Hán. Sự “có mặt” Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán ấy được bắt đầu từ đời Lý. Theo học giả Nguyễn Lang trong sách Việt Nam Phật giáo Sử luận I, thì “Trong thời Lý (1010- 1225) ỏ nước ta, Đại Việt đã cho Sứ thần sang Trung Quốc bốn lần để thỉnh Đại Tạng Kinh vào các năm 1018, 1034, 1081 và 1098… các Vua Lý cũng ban lệnh chép lại Đại Tạng Kinh hỗ trợ cho nhu cầu học hỏi của giới Phật giáo lúc bấy giờ”. Nhưng phải đến thời nhà Trần (1225 - 1400), vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên tử là Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) đã vâng lệnh vua Anh Tông ban chiếu “Tục san Đại Tạng Kinh” và ấn hành với số lượng lớn. Cũng theo học giả Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo Sử luận quyển I, ghi nhận thì “cuộc đời hành đạo của Thiền sư Pháp Loa không kém gì Trúc Lâm, nhưng Phật sự đáng kể nhất trong đời Pháp Loa là sự nghiệp ấn hành Đại Tạng Kinh” (sách đã dẫn, trang 376-377), Giáo sư Hà Văn Tấn - Viện trưởng Viện Khảo cổ cũng viết trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam “… Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và người thường trích mán in Đại Tạng Kinh hơn 5.000 quyển cất giữ ở Viện Quỳnh Lâm” (sách đã dẫn, trang 260).
Việc “Tục san…” được hiểu là sự “chép lại” rồi khắc bản mộc để in ấn và hẳn nhiên đó là Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán. Tuy nhiên thời đại nào cũng có khó khăn và những nỗ lực rất đáng trân trọng trong việc hoằng dương Chính pháp mà hết thảy nhằm hướng cho CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI tới một đời sống trí tuệ, an lành và thịnh vượng - Nhưng với hôm Nay, chúng ta có ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM đầu tiên bằng Việt ngữ “là chữ nước ta” (Hoằng Xuân Hãn) thì thật đáng quý biết dường nào!
2. Giáo lý Phật giáo với “thiên kinh vạn quyển” mà thế gian đang có cũng chỉ ít như một nắm lá rừng trong tay bậc Đại đạo sư thôi. Đây là một cách nói đầy “ẩn dụ” thường thấy trong kinh Phật. Một nắm lá rừng kia hẳn nhiên có Tứ diệu đế, Bát chính đạo để mỗi con người khai mở “Chính kiến” mà tự thấy khổ đau của mình do vô minh, tham ái rồi tự mình nỗ lực tu đạo GIẢI THOÁT do “cái thấy” của Chính kiến là cái thấy của lẽ thật đem lại; một nắm lá rừng cũng hẳn nhiên có Tứ niệm xứ (bốn lĩnh vực quán niệm), có An ban thủ ý (mười sáu phép thở), có Thất bồ đề phần (là bảy yếu tố của sự giác ngộ)… Còn nữa, đó là các bộ Kinh Đại thừa đồ sộ như: Pháp Hoa, Di Đà, Bảo Tích, Niết Ban, Bi Hoa, Vạn Phật. Rồi khi nói tới tôn giáo người ta không thể bỏ qua tính chất huyền bí, bí mật của các Pháp tu… chí ít là gây tò mò bởi sự linh nghiệm của Pháp tu, được gọi là MẬT GIÁO. Phật giáo có hẳn một tông phái là MẬT TÔNG chuyên tu pháp môn này. Và mặc dù MẬT GIÁO thuộc Đại thừa nhưng lại được gọi với một cái tên khác là Kim Cương Thừa do có pháp tu đặc biệt là tụng thần chú Đà la ni, mật ngôn, viết bùa, bắt ấn quyết, song song với việc sử dụng các công cụ hỗ trợ gọi là pháp khí như: trống, đàn… tạo sự bí ảo trong các buổi lễ. Đây là một Bí pháp của chư Phật. Sách Lý thú Kinh gọi pháp tu Đà La ni này là pháp tu TỔNG TRÌ, một lối tu cao tuột “rất nhanh thành tựu đạo quả” mà chính đức Phật Thích ca đã nói lời xác quyết này. Phương tiện hành trì của Kim cương thừa được căn cứ vào hai bộ Kinh căn bản là Đại nhật và Kim cương đỉnh, ngoài ra còn ba bộ kinh khác là Tô tất địa, Du ký và Yếu lược niệm tụng…
Và mặc dù Mật tông có sau các tông phái khác nhưng lại có sự lan tỏa và ảnh hưởng không nhỏ trong lịch sử phát triển của Phật giáo. Mật tông du nhập vào Việt Nam khá sớm dưới hình thái “Phật giáo huyền bí”, vào thế kỷ VI do Thiền sư Ấn độ là Tỳ ni đa lưu chi truyền bá và dịch bộ Kinh Đại thừa phương quảng TỔNG TRÌ tại chùa Pháp Vân. Đây là một bộ kinh Mật Giáo đầu tiên ở nước ta. Các Thiền sư thời Lý - Trần đã sở đắc mật tông và ứng dụng năng lượng ấy để hộ quốc an dân phải kể đến như Thiền sư Pháp Thuận, Minh Không và nhất là Vạn Hạnh đã ứng dụng pháp hành này trong việc hỗ trợ vua nhà Lý đẩy lùi ngoại xâm và kiến quốc.
… Tuy nhiên sự “không biết” của chúng ta về “Mật tông” trước đây và hiện nay hoàn toàn không có nghĩa phủ nhận sự hiện hữu đó và người ta đã bắt đầu cảm thấy cần phải thay đổi thái độ về những gì trước đây vẫn bị xem là… đáng ngờ!
3. Từ xưa lắm, các triết gia và sử gia phương Tây đã định nghĩa “Người là con vật hỏi” (Pascal - 1623 - 1662, triết gia người Pháp). Triết gia cổ đại Hy Lạp Platon (348 - ? TCN) tin rằng “Nguồn gốc của triết học là thắc mắc và khám phá” người thầy của ông là Sokrates (? - 399 TCN) có một câu nói nổi tiếng: “Cuộc đời không thắc mắc thì không đáng sống”. Vì thế không phải hôm nay mà ngay từ thời đức Phật tại thế, các đệ tử cũng từng cật vấn điều này, điều nọ và đã từng hỏi Phật rằng: Đời người thì hạn cuộc, mà kinh Phật cùng những pháp môn tu nhiều như thế sao có thể lĩnh hội hết được? Và đức Phật đã trả lời rằng: “Đúng vậy, đạo ta nhiều như nước biển lớn, nhưng chỉ uống một ngụm đã có mùi vị của trăm sông rồi!”.
Phật dạy là như vậy đấy! nhưng vẫn còn đó những phân vân khi chọn cho mình một PHÁP TU: Tu chung chung, pháp nào cũng tu… một ít, Kinh nào cũng tụng: Tu thiền định vì pháp tu này giúp mình trở về quán chiếu nguồn tâm của chính mình. Khi không thấy tiến bộ, lại đến với pháp môn Tịnh độ vì nghe nói “dễ chứng lắm”. Nhưng nghe nói vậy mà không phải vậy, phân vân giữa ngã ba đường, cứ nghĩ dại khôn: Sao tu mãi mà cái “khổ” của mình không chịu … cuốn gói. Thôi thì tìm đến MẬT TÔNG xem sao? Và cứ thế…
Hẳn nhiên đây là sự thực đối với những người buổi đầu hướng đến việc tu. Đức Phật bảo, chỉ một ngụm nước biển mà có mùi vị của trăm sông rồi kia mà, nghĩa là chúng ta tu học theo pháp môn nào, đọc tụng bộ kinh nào, thì tất cả cũng chỉ là PHƯƠNG TIỆN, không phải là CỨU CÁNH, như Phật nói Tứ diệu đế là: khổ đau là một sự thật không tránh được và dạy cách để đối trị với bệnh khổ, như thầy thuốc cứu bệnh. Trong Kinh Luận cũng chỉ rõ: Tu tập là ngón tay chỉ trăng, chân lý Giác ngộ mới chính là mặt trăng (chữ Hán thể hiện bằng câu: “Nhất thiết tu đa la, giáo như tiêu nguyệt chí”). Chưa hiểu thì nên …tìm hiểu, chớ đứng thích tu thì tu, không thích thì nghỉ. Rất uổng.
Thực ra, để chọn cho mình một pháp tu cũng chẳng mấy khó. Trước hết phải “thấy” được duyên của mình để kết duyên mình với Phật pháp, bởi Phật môn tuy rộng mở nhưng khó độ người vô duyên. Và để bước đầu kết duyên với Phật pháp thì với người tu tại gia - Cũng gọi là Cư sĩ nên chọn một bộ Kinh phù hợp để TRÌ (trì là giữ) và nên chọn trì Kinh Duy Ma Cật là phù hợp. Người hoạt động trí thức nên “Khai tri kiến” cho mình bằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Người làm vợ chớ quên trì Thắng man phu nhân. Người buôn bán, làm thương nghiệp nên ứng dụng Kinh Năng đoạn kim cương sẽ dễ gặp thuận duyên phát tài phát lộc trong THIỆN NGHIỆP. Hiếu kính mẹ cha hoặc những người dưỡng dục không ai quên Kinh Vu Lan cả. Riêng tôi, là một cư sỹ, từ nhỏ đã thích “làm thuốc” (thuốc Đông y) nên rất chăm tìm đọc sách thuốc và thực hành ứng dụng. Rồi qua các bài giảng Pháp của Hòa Thượng Thích Trí Quảng hướng đạo cho tôi TRÌ KINH DƯỢC SƯ, và khi “chứng” được sự mầu nhiệm tôi đã vui mừng khôn xiết khi biết mình đã có duyên với Phật pháp.
Trì Kinh Dược sư, với tôi lúc đầu bằng văn tự, tức đọc tụng, suy nghĩ, ghi nhớ - là phương tiện giúp phát hiện diệu lý sâu kín của VÔ TỰ CHÂN KINH điều ấy mới quan trọng.
Việc chọn cho mình một pháp tu là cần thiết và từ ngàn xưa đã có: Đó là hệ thống giáo lý và phương pháp tu tập của Phật giáo Trung Hoa, với sự hình thành, tồn tại và phát triển của mười pháp môn Phật giáo vẫn còn ảnh hưởng tới ngày nay, gọi là MƯỜI TÔNG PHÁI, đó là: Luật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông, Pháp tướng tông, Mật tông, Thiên thai tông, Hoa nghiêm tông, Tam Luận tông, Câu Xá tông và Thành Thật tông. Tông phái nào nghĩa lý cũng mầu nhiệm và kinh điển cũng rất nhiều và mỗi tông phái đều có đặc điểm riêng về giáo lý cũng như phương pháp tu hành nhưng không bao giờ vươt ngoài giáo pháp của Phật; nó như những con đường khác nhau, để các hành giả tự lụa chọn con đường (Tông phái) thích hợp (duyên) với mình nhất để tu tập, có vậy sự tu hành mới nhanh có kết quả, bởi CON ĐƯỜNG nào cũng đưa đến một mục đích chung, đều là nước trong đại dương CHỈ CÓ MỘT VỊ MẶN mà Phật Thích ca từng cặn kẽ chỉ bày.
4. Một nắm lá rừng trong tay Thế tôn tức Tam tạng thánh giáo, là ĐẠI TẠNG KINH VIỆT NAM bây giờ hẳn nhiên nó có nội hàm về giáo lý Vô thường, vô ngã, nghiệp, nhân quả … Từ đó ta thấy, đức Phật đã xem xét thế giới một cách khách quan NHƯ THẬT - Một mặt đề cao con người là “tối thắng”, hơn hết, một mặt lại phủ nhận sự tồn tại của một Đấng Chúa tể tối cao của vũ trụ, nhưng lại thừa nhận sự hiện hữu của các quỷ thần Ở BÊN NGOÀI CÕI NGƯỜI, và cho rằng, quỷ thần cũng là "một dạng chúng sinh như con người, cũng là loài hữu tình” (tức những sinh vật có tình thức) - Nhưng không hề có quyền uy lấn át đến sự sống của con người và quỷ thần cũng NẰM TRONG LỤC ĐẠO LUÂN HỒI như con người mà thôi!
Tuệ giác của Như Lai cũng công khai bác bỏ quan niệm trí tuệ con người có được là … nhờ Thượng đế MẶC KHẢI (ban cho). Rất nhiều vấn đề đức Phật đã khai thị được ghi trong các bộ Kinh đến nay vẫn không sao lý giải nổi như Ngài thấy được thật tướng của các Pháp, tức thấy được từ địa ngục A-tỳ đến trời Sắc - Cứu - Cánh, thấy trong bầu hư không bao la đang tồn tại các Tiểu thiên thế giới, Trung thiên thế giới, Đại thiên thế giới, Hằng hà sa thế giới. Và trong các cõi trời cũng có Cương vực (ranh giới) rõ ràng như: Từ cõi con người trở lên là Trời Tứ thiên vương, đây là cõi trời đầu tiên trong cõi dục gần trái đất nhất. Sau đó là Trời - đao - lợi, Dạ ma, Đâu xuất đà, Thiên hóa lạc. Một số khám phá mới của con người bằng ngoại cảm cũng như ngành Thiên văn học ngày nay đã xác nhận “có vô số thiên hà đang tồn tại trong vũ trụ”. Một số bộ Kinh Phật như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa còn ghi những chuyến du hành của đức Phật tới giảng pháp nơi trời Đao lợi, trời Đế thích… Chả vậy mà trong Thập hiệu Như Lai, tức 10 danh hiệu của Phật thì có danh hiệu THIÊN NHÂN SƯ, túc Ngài là thầy của TRỜI và NGƯỜI. Cõi địa ngục là một CÕI DỮ trong Lục đạo cũng được nói tới trong Kinh Trường A Hàm với đầy đủ các vị trí…
Thực ra, đức Phật đã nói rất ít tới các cõi XA XÔI ấy, chỉ đề cập tới khi nó phần nào liên quan tới nguyên nhân về nỗi khổ và niềm đau của con người nơi thế gian. Ngài luôn im lặng trước những câu hỏi có tính siêu hình bởi theo đức Phật nó không đem lại lợi ích.
Ít như một nắm lá rừng là Đại Tạng Kinh! Vậy còn biết bao giáo pháp “nhiều như lá trong rừng cây” thì sao? Một câu hỏi lớn không lời đáp, bởi Phật chỉ dạy chúng ta SỐNG VỚI - một cách thiết thực, không phải là BÀN ĐẾN - một cách viển vông. Mô Phật.
Tác giả: Pháp Vương Tử
Bình luận (0)