Câu chữ hơi khó hiểu: Thọ giới Quy y chỉ duy nhất một lần, thì làm gì có “đầu tiên”, “tiếp theo” và “cuối cùng”...? pháp với cá nhân tôi và có lẽ nhiều Con đường dẫn đến ánh sáng Phật người, không đơn giản. Từ những quyển Kinh luận giản lược nhất may mắn có được, tôi hình thành dần khái niệm về “Phật trong suy nghĩ”, cho đến khi được gặp mẹ nuôi, một phật tử thuần thành. Người dấn bước trên đường Đạo đã lâu và truyền cho tôi ánh sáng giáo lý qua chính sinh hoạt thường nhật.

Mẹ nuôi chính là người đầu tiên cho tôi hiểu thế nào là “mười hai tướng tốt” của đức Phật, rồi hàng loạt những thuật ngữ: nghiệp, chính báo – y báo, thân khẩu ý... Nhưng trước đấy là quán về sự vô thường của vạn vật qua hình ảnh con thiêu thân, sự phù du của kiếp nhân sinh và...

Mẹ truyền cho tôi ý thức cao quý về sự sẻ chia và lòng vị tha, rộng lượng với tội của tha nhân. Mẹ giáo huấn tôi bằng thân giáo, trực quan sinh động, thấm thía.

Dù nhà nghèo không có điều kiện học nhiều nhưng mẹ luôn dạy tôi những bài học đạo đức qua những câu thành ngữ, tục ngữ, đồng giao: “Thương người như thể thương thân, ghét người như thể vun phân cho người; Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tất nhiên tôi đã học “rành sáu câu” trong học đường vì vốn mê văn, nhưng thông qua mẹ, câu chữ ý tứ như càng rõ rệt hơn. Mẹ nuôi tôi đã vãng sinh, về với Phật, nhưng tôi vẫn nhớ chính mẹ là người đóng vai trò hướng dẫn và là người đầu tiên ban giới cho tôi, vì nếu không có mẹ, bao nhiêu Kinh sách vẫn thiếu sức tác động về niềm tin tư tưởng khi tôi xuất phát từ gia đình không có thuận duyên với Phật pháp và biết đến tư tưởng Phật giáo rất muộn.

Sau này khi quỳ trong chính điện Thiền viện Thường Chiếu thọ giới Quy y Tam bảo bởi Hòa thượng Thích Nhật Quang, ra về với mảnh vải màu vàng nhạt có ấn và chữ ký của ngài, chính thức trở thành phật tử, tôi vẫn nhớ đến mẹ nuôi và đinh ninh rằng mẹ đã làm công việc thiêng liêng ấy cho tôi.

Nguyện mẹ được vãng sinh nơi đất Phật cõi thanh tịnh vĩnh hằng.

Bạc Liêu, mùa Vu Lan 2017.

Tác giả: Nguyễn Thành Công Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2017