Tác giả: Thích Nữ Nhuận Anh Học viên Cao học, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Nhất Hành (sinh năm 683, có thuyết cho là 673 – 727) là nhà thiên văn học nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc, cũng là đại sư của Mật tông Phật giáo. Thế danh họ Trương, tên Toại, là người Xương Lạc, Ngụy Châu (nay là huyện Nam Lạc, tỉnh Hà Nam), trong “Tống Cao Tăng Truyện” ghi ông là người Cự Lộc (nay là Hà Bắc). Là cháu của công thần Trương Công Cẩn thời sơ Đường. Từ nhỏ đã thông minh, hoạt bác hơn người và có một trí nhớ siêu phàm (chỉ cần đọc qua là không quên). Năm 20 tuổi ông đã đọc hết kinh sử và tinh thông về thiên văn lịch pháp, âm dương ngũ hành. Một lần nọ, ông từ chỗ đạo sĩ Doãn Sùng mượn được quyển “Thái Huyền Kinh” trước tác bởi học giả Dương Hùng thời Tây Hán, vài ngày sau khi đến trả sách, ông còn kèm theo tập “Đại Diễn Huyền Đồ” và “Nghĩa Quyết” mà bản thân đã viết trong mấy ngày qua để giải thích cho “Thái Huyền Kinh” của Dương Hùng. Được Doãn Sùng hết lời khen ngợi và gọi ông là Nhan Hồi tái thế. Tên tuổi của Trương Toại nhờ đó được nhiều người biết đến. Thời đó Võ Tam Tư chuyên quyền, vì muốn lôi kéo các danh sĩ trong thiên hạ nên muốn kết giao với Trương Toại. Do không thích vin vào quyền quý, và coi thường lối ứng xử của Võ Tam Tư, cho nên Trương Toại đã thẳng thắn từ chối. Vì để tránh rắc rối, Trương Toại đã tìm đến Tung Sơn để xin xuất gia theo thiền sư Phổ Tịch, lấy pháp danh là Nhất Hành. Năm đó ông mới ngoài 20 tuổi. Sau khi xuất gia, một mặt Nhất Hành vừa cần mẫn tu học Phật pháp, một mặt vừa tiếp tục nỗ lực trau dồi kiến thức về thiên văn và lịch pháp… Trí thông minh và kiến thức của ông nhận được sự tán thưởng của thiền sư Phổ Tịch, do đó cho phép ông được ra nước ngoài và đi nhiều nơi học hỏi. Trong “Tống Cao Tăng Truyện” viết ông từng vượt hàng ngàn dặm để đến chùa Quốc Thanh ở núi Thiên Thai, Chiết Giang để học về số học với một ẩn sĩ, nhờ được chân truyền nên danh tiếng của ông ngày càng cao. Sau khi Đường Duệ Tông lên ngôi, từng lệnh cho người trấn giữ Đông Đô là Vi An Thạch dùng lễ nghĩa để chiêu mộ ông, nhưng Nhất Hành lấy cớ bị bệnh để từ chối. Kế đó, ông đi bộ đến núi Đan Dương ở Hồ Bắc để theo học giới luật với luật sư Ngộ Chân. Năm Khai Nguyên thứ 5 (717), Đường Huyền Tông phái chú họ của Nhất Hành là Trương Hợp đang giữ chức Lang trung Lễ bộ đích thân đến Đan Dương, Hồ Bắc để thỉnh Nhất Hành vào kinh. Mục đích Đường Huyền Tông triệu Nhất Hành vào kinh chủ yếu là vì muốn ông giúp điều chỉnh lại lịch pháp. Theo “Đường Thư” bản mới và cũ miêu tả, từ năm Khai Nguyên thứ 9 (721) Nhất Hành đã bắt đầu khởi thảo Đại Diễn lịch, nhưng mất đến 6-7 năm, tức là mãi đến năm Khai Nguyên thứ 15 (727) mới hoàn thành. Trong thời gian này ông quên ăn quên ngủ, lao tâm khổ trí, nên qua đời sớm do làm việc quá sức. Để điều chỉnh lại lịch pháp, cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ. 10 quyển “Tân Đường Thư – Nghệ Văn Chí” ghi chép về “lịch nghĩa”, 12 quyển “Lịch Lập Thành”, 24 quyển “Lịch Thảo”, 3 quyển “Thất Chính Trường Lịch”… đều là những tư liệu có giá trị lịch sử quan trọng dùng để khởi thảo “Đại Diễn Lịch” lúc bấy giờ. Đồng thời, do “Lân Đức Lịch” – lịch đang được sử dụng lúc bấy giờ có sự sai biệt quá lớn, cho nên nếu muốn làm lịch mới thì cần phải tìm cơ sở lập luận từ thiên tượng, vì vậy cần phải tạo ra các dụng cụ đo lường và quan trắc thiên văn. Theo “Tân Đường Thư – Thiên Văn Chí” ghi chép, năm Khai Nguyên thứ 11 (723), Nhất Hành cùng với người thống lĩnh quân đội tên Lương Lệnh Toản, dùng đồng và sắt để đúc thành loại thiết bị có thể đo được sự vận hành của các chòm sao cũng như quan sát quy luật chuyển động của mặt trăng. Kết quả đo đã chứng thực rằng vị trí của các chòm sao quả thật có sự xê dịch, đồng thời dựa theo đó để vẽ ra 36 bức đồ hình thiên văn, được Huyền Tông hết lời khen ngợi. Tiếp theo, Nhất Hành lại cùng Lương Lệnh Toản bắt tay vào việc sửa đổi hỗn thiên nghi. Hỗn thiên nghi là một dụng cụ quan trọng dùng để nghiên cứu thiên văn của Trung Quốc thời cổ đại, được chế tác vào đời Vũ Đế thời Tây Hán. Trương Hành thời Đông Hán từng sửa đổi bằng cách dùng thủy lực để vận hành, sau đó tiếp tục cải tiến thêm nhiều lần. Nhưng mãi cho đến khi được nhóm của Nhất Hành cải tiến, mới trở nên hoàn chỉnh hơn. “Cựu Đường Thư – Thiên Văn Chí” có miêu tả chi tiết về sự vi diệu trong cấu tạo và vận hành của hỗn thiên nghi do Nhất Hành chế tác. “Tân Đường Thư – Thiên Văn Chí” viết: “Cách đo trước đây, Thuần Phong thời sơ Đường dùng để làm lịch (Lý Thuần Phong làm lịch Lân Đức), định ra 24 tiết khí, các ưu và khuyết điểm hoàn toàn khác biệt với của Tổ Xung Chi, tuy nhiên vẫn chưa biết của ai đúng. Khi Nhất Hành làm “Đại Diễn Lịch”, có nhờ Thái Sử đo lại và lấy đó làm định số”. Đây chính cách dùng cái khuê để đo xạ ảnh của ánh sáng trong cùng một thời gian tại những nơi khác nhau, lấy đó làm cách để tính khoảng cách xa gần giữa mặt trời với đường xích đạo ở hướng nam và bắc. Nhất Hành căn cứ theo kết quả kiểm tra thực tế lúc bấy giờ tính ra được là khoảng 526 dặm (thời Đường mỗi dặm khoảng 300 bước, tương đương 454,363m) 270 bước, mức chênh lệch bóng là khoảng hơn 2 tấc, điều này đã chỉnh đốn lại cách nói “bóng nắng ngàn dặm, bóng lệch 1 tấc”. Qua cách đo thực tế Nhất Hành là người đầu tiên trên thế giới tính ra được độ dài của một độ kinh tuyến, sớm hơn 90 năm so với tuyến tý ngọ do vua Al Marmoom của Hồi giáo đo vào năm 814. Sau khi “Đại Diễn Lịch” được công bố, Thái sử lệnh dùng linh đài để kiểm chứng, chứng minh được việc này đúng đến 7-8 phần. “Tân Đường Thư – Lịch Chí Bình Luận” viết: “Từ thời Thái Sơ (Hán Vũ Đế) đến Lân Đức (Đường Cao Tông) có đến 23 người làm lịch, nhưng chưa được chính xác; đến Nhất Hành thì đã chính xác hơn. Ông dựa vào số để làm lịch, cho nên không có cái để thay đổi; mặc dù sau này có người sửa đổi nhưng chỉ là mô phỏng theo”. Các tác phẩm nổi tiếng liên quan đến “Đại Diễn Lịch” của Nhất Hành đa phần đã bị thất lạc. Còn các tác phẩm mượn danh của Nhất Hành lại có rất nhiều, nhưng do nguyên tác đã thất lạc nên không thể kiểm chứng. Tuy nhiên, những cống hiến vĩ đại của Nhất Hành đối với thiên văn học vẫn mãi được lưu danh sử sách. Nhất Hành vừa là một nhà khoa học vĩ đại, vừa là một cao tăng của Phật giáo Trung Quốc, ông từng cung với nhà sư Ấn Độ là Kim Cang Trí (Vajrabodhi) và Thiện Vô Úy (Śubhakarasiṃha) dịch 7 quyển “Đại Nhật Kinh”, “Tô Bà Hô Đồng Tử Kinh”, “Tô Tất Địa Yết La Kinh” mỗi loại 3 quyển, bốn quyển “Kim Cang Đỉnh Du Dà Trung Lược Xuất Niệm Tụng Kinh”… Chính vì vậy được Vajrabodhi và Vô Thiện Úy truyền cho hai bộ mật pháp khác nhau là Thai Tạng và Kim Cang. Trong tác phẩm tiêu biểu của ông “Đại Nhật Kinh Sớ” đã chú giải những chỗ “ẩn tàng ý nghĩa sâu sắc trong câu văn, hay trình bày song song giữa lý và sự” trong kinh, giúp làm rõ giáo nghĩa trong đó, lưu giữ các pháp mà Thiện Vô Úy đã truyền, đồng thời dung hợp tánh tướng của Mật tông với duyên khởi của các pháp, phát huy sự tương quang của Phật giáo đại thừa giữa thế gian và xuất thế gian, giúp cho các giáo lý của Mật tông càng trở nên hợp lý hơn. Các tác phẩm nổi tiếng của Nhất Hành về Phật giáo gồm 10 quyển “Nhiếp Điều Phục Tạng”, 1 quyển “Thích Thị Hệ Lục”, 1 quyển “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Tiêu Tai Trừ Nan Niệm Tụng Nghi Quỹ”, 1 quyển “Đại Tì Lô Giá Na Phật Nhãn Tu Hành Nghi Quỹ”, 1 quyển “Mạn Thù Thất Lợi Diễm Mạn Đức CA Vạn Ái Mật Thuật Như Ý Pháp”, 1 quyển “Thất Diệu Tinh Thần Biệt Hành Pháp”, 1 quyển “Bắc Đẩu Thất Tinh Hộ Ma Pháp”, “Túc Diêu Nghi Quỹ”… Nhất Hành viên tịch tại chùa Hoa Nghiêm, Trường An vào tháng 10 năm Khai Nguyên thứ 15 thời Đường Huyền Tông. Đường Huyền Tông ban thụy hiệu Đại Tuệ thiền sư, còn “lập bia cho Nhất Hành và đích thân đề chữ lên bia, còn xuất ngân khố 50 vạn để làm tượng đồng đặt trước mộ. Năm sau, Hạnh Ôn Thang khi đi ngang qua tháp đã bồi hồi dừng lại và lệnh cho một vị quan nói ra ý định đến Hà Nam của mình, còn ban 50 cuộn lụa để mua cây tùng, bách trồng trước tháp”. Điều này cho thấy sự kính trọng và hoài niệm của triều đình lúc bấy giờ đối với Nhất Hành. Nhất Hành là một bậc thầy vĩ đại trong lịch sử khoa học công nghệ của Trung Quốc đặc biệt làm lĩnh vực thiên văn học, các thành tựu khoa học công nghệ của ông vô cùng rực rỡ, ông mãi được người đời nhớ đến nhờ những cống hiến to lớn đối với lịch sử khoa học công nghệ và lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Thích Nữ Nhuận Anh – Học viên Cao học, Học viện PGVN tại Tp.HCM Dịch từ cuốn sách Phật giáo Bách đềQuốc tế
Nhà sư Nhất Hành vị cao tăng, nhà khoa học nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc
Bài liên quan
Bài viết khác
-
Vẻ đẹp của những bức tượng "Bồ tát sắt" tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc
Nhiều bức tượng đã tồn tại hơn một thiên niên kỷ, không chỉ thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân mà còn là biểu tượng đầy ý nghĩa của tinh thần từ bi và trí tuệ trong Phật giáo Đại thừa.
-
Tôn giáo qua góc nhìn lịch sử và xuyên văn hóa
Mọi xã hội đã nhận biết rõ đều thực hành tôn giáo, mặc dù bản chất của tín ngưỡng và thực hành tôn giáo khác nhau giữa các xã hội.
-
Quỹ Phật giáo dấn thân Tzu Chi cứu trợ ở miền Bắc Thái Lan
Với trọng tâm là "biến lòng từ bi thành hành động," Quỹ Tzu Chi đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một biểu tượng toàn cầu của Phật giáo gắn bó với xã hội.
-
Đạo Phật, Hồi giáo và đa nguyên tôn giáo ở Nam và Đông Nam Á
Tại các Vương quốc Phật giáo như Thái Lan, Campuchia và Sri Lanka, những người theo đạo Phật nhìn thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa tôn giáo và đất nước của họ, cũng như các tín đồ Hồi giáo ở Malaysia và Indonesia
-
Vùng đất thiêng liêng của Bengali Baba
Một số nơi trên Trái Đất dường như nuôi dưỡng những người mang ngọn lửa tâm từ bi trong trái tim, như một ngọn núi mà cánh cửa của giải thoát chỉ có thể mở ra bằng ngọn lửa nội tâm phát xuất từ tấm lòng chân thành...
-
Góc nhìn lịch sử và văn hóa về sự hưng thịnh của Phật giáo Indonesia
Ngày nay, khi Indonesia đang khám phá bối cảnh tôn giáo đa dạng của mình, Phật giáo vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những cá nhân tìm kiếm sự bình yên, chính niệm và sự phát triển tâm linh.
Bình luận (0)