Đông Khánh Trường THPT Nguyên Hồng, Tp.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang

Dãy núi Nham Biền trải dài với 99 ngọn bao trọn phía Đông Nam Tp.Bắc Giang, trong đó có một ngọn núi mang tên Phượng Hoàng, nơi có đỉnh Non Vua ở xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được xem là điểm nhấn. Thiên nhiên hòa cùng những huyền tích cổ xưa, cộng thêm sự tôn tạo của con người ngày nay đã tạo nên sự hấp dẫn, thực đúng là nơi non cao cảnh đẹp.

Ngắm hai sông cùng một điểm

Giữa một vùng đồng bằng trù phú nổi lên một dãy núi kỳ vĩ, nơi đây sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại. Người xưa thường gọi là “Nham Biền tú khí” (khí tốt). Và ngày nay, con người đã gửi mơ ước vào từng cột gỗ, đường vân thớ đá mang dáng dấp Phật đường, một thiền viện mang tên Trúc Lâm Phượng Hoàng vẫn đều đặn sáng mõ, chiều chuông tọa lạc lưng chừng núi. Phật tử du khách các nơi về đây học thiền cho tâm hồn thư thái. Ngày cuối tuần, nhiều phật tử hoặc những nhóm, câu lạc bộ yêu thích văn hóa - thể thao thường tổ chức leo núi khám phá dãy Nham Biền với đích đến là đỉnh Non Vua ở độ cao gần 300m so với mực nước biển. Đây là đỉnh cao nhất trong dãy núi nhiều huyền thoại. Người bảo, nơi này linh khí rất mạnh, chỉ vào những ngày đẹp trời mới nhìn thấy ngọn, còn những hôm mù trời, đỉnh ấy bị mây mù che phủ.

Toàn cảnh Thiền viện Phượng Hoàng và đỉnh Non Vua

Đỉnh Non Vua có địa danh giếng Trời, còn được gọi là Thiên Huyệt, quanh năm có dòng nước trong mát tuôn chảy xuống khu vực chùa Nguyệt Nham, rồi hòa vào dòng sông Thương. Con đường từ chân núi đến Thiền viện Phượng Hoàng khá thuận lợi với độ dốc thoai thải, hai bên đường là những hàng thông cao vút. Một phật đường quy mô trở thành nơi tu tập, thiền tự quen thuộc của nhiều phật tử gồm: Tam quan; gác chuông, lầu trống; tòa điện chính; nhà tổ, nhà khách; nhà trưng bày; thiền đường, trai đường, thư quán… được thiết kế hài hòa với kiến trúc cảnh quan môi trường. Đồng thời gắn kết được sự tôn nghiêm, đậm bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, hòa quyện với hồn thiêng của sông núi.

Đường lên Non Vua mùa nào cũng đẹp, hai bên bát ngát những trảng cây bụi sim, mua, ràng ràng và rừng thông ngút ngàn reo trong gió. Độ cao, gấp khúc thực sự là một thử thách đối với nhiều người. Càng lên cao khí hậu càng mát mẻ, cảm giác như chạm vào mây. Dưới chân núi có khe Hang Dầu được biết đến là nơi quy tụ nguồn nước dồi dào. Những người dân bản địa quan niện rằng: Dải núi Nham Biền được ví như chiếc đòn gánh, gánh hai dải bạc Nhật Đức và Nguyệt Đức (dòng sông Thương và sông Cầu). Đứng trên đỉnh núi có thể bao quát toàn bộ một vùng châu thổ trù phú mênh mông phía hạ du. Phóng tầm mắt về phía Tây là dòng sông Cầu uốn khúc quanh co, trải dài như một dải lụa trắng. Hướng về phía Đông Bắc quan sát thấy Phủ Lạng Thương và dòng sông Thương “bên đục bên trong” êm trôi chia đôi thành phố.

Khe Hang Dầu trên dãy Nham Biền
 

Dải Nham Biền có 99 ngọn núi, mỗi ngọn đều mang một tên riêng hàm chứa đầy huyền tích lịch sử như các núi: Non Vua, Vua Bà, Ông Lão, Bành Kiệu, Cột Cờ, Hàm Long, Mâm Xôi, Giếng Tiên… Trên đỉnh Non Vua còn có bàn cờ tiên bằng đá, tương truyền xưa kia có mười một nàng tiên nữ thường hay xuống núi Nham Biền ngắm cảnh đẹp và chơi cờ trên khối đá này. Người xưa để có thơ cổ bằng chữ Hán với tựa đề “Nham Biền tú khí” nhằm ca ngợi dãy núi kỳ vĩ linh thiêng này như sau: “Vua Bà tú khí chủ Biền Sơn/Nham nguyệt thiền môn thắng tích tồn. Thanh phong tùng bách lưu Phật tự/Hoàng vân đại các trấn hương thôn”.(Đỉnh Vua Bà là nơi tụ khí của dãy Biền Sơn/Cảnh đẹp thiền môn Nham nguyệt vẫn còn đó. Nơi đây tùng bách gió lành lưu chùa thờ Phật/Lầu gác, mây vàng tô đẹp cảnh hương thôn)

Từ núi Nham Biền nhìn ra sông Cầu

Phượng hoàng vỗ cánh bay đi

Có một truyền thuyết in đậm trong tâm trí nhiều thế hệ người dân trong vùng, truyện rằng: Trên dãy núi Nham Biền, cây cối xanh mát, mây phủ quanh năm, sinh khí dồi dào, vốn là nơi cho muôn loài tụ hội. Ông Trời cho 100 nàng tiên xuống đắp 100 quả núi và đào 100 cái ao ở vùng đất này. Chẳng may có một nàng tiên lơ đễnh đã đào 1 cái ao và đắp một quả núi ở vùng khác nên chỉ còn 99 ngọn núi và 99 cái ao. Một ngày kia, có vị quân vương vì muốn chọn đất lập đế đô mở mang cơ nghiệp nên đã tìm về dãy núi này ngắm địa thế. Thấy nơi đây ngùn ngụt vượng khí, mây lành quấn quýt nên ngài rất ưng ý. Chợt lúc ấy, có 100 con chim phượng hoàng từ đâu bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi; riêng con chim đầu đàn vì không có chỗ đậu nên đành vỗ cánh bay đi, kéo cả đàn cùng theo. Nhìn thấy đàn chim thiêng vỗ cánh rời đi, vị quân vương thầm thở dài, dù biết là vùng đất đẹp nhưng không phải là nơi làm đế đô nên đành chọn nơi khác. Chỗ vị quân vương đứng ngắm đất ấy nay chính là ngọn cao nhất của dãy núi có tên gọi Non Vua.

Dưới chân dãy Nham Biền còn có vùng đất mang tên Nội Hoàng. Trong các triều đại phong kiến, vùng đất này có nhiều người đã đỗ đạt và làm quan như: Triều Lê có Dương Quốc Chính tước phong Thượng tướng quân, Đô đốc Ân Đức quận công và Cao Lộc Hầu, Phùng tướng công, Húy Đức Nhuận, đây là những vị quan có nhiều công lao đóng góp cho triều đình. Nay trong làng vẫn còn lăng mộ cổ và được các dòng họ thờ cúng nghiêm trang.

Thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ

Ít người biết rằng, chính vùng đất Phượng Hoàng này lại từng là thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ thời nhà Trần. Theo các nguồn tài liệu chính sử: Do có công khai sáng nên tới khi triều Trần được thiết lập, Trần Thủ Độ được vua Trần ban cho hưởng lộc ở đất Châu Lạng, thuộc lộ Lạng Giang tức vùng Bắc Giang ngày nay. Đây là vùng đất nằm giữa sông Thương và sông Cầu trong đó có dãy Nham Biền và non Vua. “Đức Thánh Cáu” cũng là danh xưng mà nhân dân vùng đất Phượng Hoàng suy tôn dành tặng quan Thái sư Trần Thủ Độ nhằm tưởng nhớ tới công lao to lớn của ông đối với nhân dân tron vùng.

Câu chuyện Trần Thủ Độ diệt mãng xà trừ hại cho dân được lưu truyền nhiều đời nay tại làng Hương Tảo, thuộc tổng Yên Dũng, xưa thuộc lộ Bắc Giang. Tương truyền, tại làng Hương Tảo xưa, tên Nôm là Kẻ Cáu, nay là thôn Đông Hương, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng có núi Nham Biền nằm ven sông Cầu, trong núi có hang sâu, ở đấy có một con mãng xà rất lớn; con quái vật này thường xuất hiện, bắt người và súc vật nên dân chúng trong vùng rất sợ hãi, không ai dám đến gần khu vực này. Thái sư Trần Thủ Độ vẫn quan tâm đến việc trị thủy, chống úng lụt; năm đó ông đi kiểm tra đắp đê sông Cầu, thấy có một đoạn dài ở phía Đông núi Nham Biền chưa được đắp. Hỏi ra được biết là do nạn mãng xà khiến cho không ai dám đến đó. Thái sư Trần Thủ Độ thân hành khảo sát địa bàn rồi nghĩ kế sách, ông lệnh thu mua nhiều trứng bỏ vào nơi con mãng xà khổng lồ thường đến rồi cho người bí mật theo dõi. Mấy hôm sau con mãng xà đã nuốt hết số trứng đó. Ông lại lệnh cho mua thêm trứng và các chất độc như thạch tín, vôi bột tán nhỏ rồi hút bớt lòng trứng, nhét các chất độc vào và được đặt ở vị trí cũ; lần này còn mãng xà lại ăn hết trứng, chẳng bao lâu nó trúng độc lăn ra chết tại chỗ.

Đình Đông Hương nơi thờ Thái sư Trần Thủ Độ

Nhân dân trong vùng cảm kích ơn đức đó đã tạc tượng Thái sư Trần Thủ Độ và vợ là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung đưa vào thờ ở đình Kẻ Cáu, tôn làm Thành hoàng làng để bốn mùa hương khói. Cũng từ đó người đời nơi đây tôn ông là “Đức Thánh Cáu” (Đức thánh ở Kẻ Cáu). Trong đình có câu đối ca ngợi về công đức của ông như sau:

Ái Lý cô trung Trần, tích trứ lưỡng triều sư phụ trọng Trừ xà do diệt phạm, công lao thiên cổ nguyệt nham trường.

Nghĩa là: Bởi yêu nhà Lý nên trung với triều Trần, thêu sự tích hai triều là bậc thầy đáng kính trọng. Trừ mãng xà còn dẹp loạn nước, công lao to lớn sáng cùng trăng núi mãi ngàn năm.

Lại có câu: Trị thủy độ dân, thịnh đức thiên thu hương hỏa tại Sát xà cứu thế, kỳ công vạn cổ thạch bi truyền.

Nghĩa là: Trị thủy giúp dân, đức lớn ngàn thu khói nhang còn mãi. Giết rắn cứu đời, kỳ công muôn thuở bia đá lưu truyền.

Gác chuông, lầu trống ở Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng

Hiện nay, cánh đồng làng Hương Tảo vẫn còn địa danh mang tên Vũng Rắn, Khe Rắn. Ở Nham Sơn có đình Đông Hương và đền Thanh Nhàn đều có tượng thờ vợ chồng Thái sư Trần Thủ Độ. Tại đình Đông Hương (Kẻ Cáu), nhân dân lấy ngày mồng 8 tháng Tư là ngày sự lệ, tế lễ và tưởng niệm vợ chồng Thái sư. Trong ngày lệ có tục “múa bông đuổi bệt” rất độc đáo, diễn lại tích đánh rắn năm xưa nhằm nêu cao công đức của Thái sư. Trong đình Kẻ Cáu ngoài việc bài trí đồ tế tự còn để một chiếc đầu rắn ở hậu cung, mỗi khi có hội lại đem ra lại diễn tích.

Niềm vui khi chinh phục đỉnh Non Vua

Đông Khánh Trường THPT Nguyên Hồng, Số 1, đường Lê An, Tp.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang