Tóm tắt: Trong thời đại ngày nay, khoa học công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc, đem lại cuộc sống tiện nghi cho con người. Tuy nhiên, quá trình sinh tồn, lao động, phát triển… con người đã tác động và phá vỡ những kết cấu nguyên bản của thiên nhiên, khiến cho tự nhiên ngày càng khủng hoảng. Trước thực trạng đó, đòi hỏi nhân loại phải nhận thức lại hành động và trách nhiệm của mình đối với môi trường sinh thái. Phê bình sinh thái đã và đang trở thành một giải pháp nhằm khôi phục ý nghĩa và tầm quan trọng của tự nhiên với con người. Trong Phật giáo, cũng có những tư tưởng, nếp sống cụ thể mang dấu ấn của chủ nghĩa sinh thái, nó trở thành những nền tảng cơ bản để xây dựng chủ nghĩa nhân văn nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Tag: môi trường sinh thái, cân bằng tự nhiên, thiểu dục tri túc, Phật giáo, lối sống, sinh thái, môi trường, đạo đức …

Đặt vấn đề

Nhân loại đã và đang bước vào thời đại của khoa học công nghệ và đời sống văn minh vật chất. Con người không chỉ dừng lại ở mức có đủ nhu dụng hằng ngày mà mục đích của họ ngày càng bành trướng về phương diện phát huy khả năng chinh phục tối cao. Không chỉ chinh phục thiên nhiên, buộc thiên nhiên phục vụ con người mà con người chinh phục vũ trụ, khám phá các hành tinh ngoài vũ trụ này. Sự hiện đại này đã đem lại một cuộc sống vô cùng tiện nghi cho con người, tuy nhiên cũng lại nảy sinh nhiều vấn đề về mối quan hệ giữa con người và các yếu tố xung quanh như khí hậu, đời sống sinh vật, cảnh quan tự nhiên, tài nguyên, môi sinh… Nếu trước đây, con người sống hỗ tương, hòa hợp, thắt chặt với môi trường sinh thái hình thành nên một mạng lưới chỉnh thể có mối tương quan với nhau; thì giờ đây, sinh thái đang dần bị mất cân đối, bởi tác động từ lòng tham dục của con người. Chính vì thế, con người cũng dần dần có sự đối kháng với tự nhiên kéo theo những bài toán đặt ra cho vấn đề môi sinh và đạo đức, những thử thách to lớn cho vấn đề khủng hoảng môi trường.

1. Khủng hoảng sinh thái hiện đại

Từ xưa, chính vì sở hữu đặc tính ưu việt “nhân thị tối thắng” mà con người trở thành trung tâm điểm ảnh hưởng đến vũ trụ và muôn loài. Khoa học phát triển, nhu cầu vật chất càng tỷ lệ thuận với dục vọng. Sức mạnh của khoa học có khả năng thu hút, lôi kéo con người đắm vào dục lạc. Vì vậy, khủng hoảng trong xã hội loài người trở thành những căn bệnh mãn tính. Chính vì lòng tham vô hạn, để thỏa mãn nhu cầu tiện nghi và dục vọng của mình, con người phải tìm kiếm, đấu tranh và giành giật lẫn nhau. Nhân loại hôm nay đã và đang đối đầu với mọi khủng hoảng của thời đại: khủng hoảng sinh thái, khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng dục vọng, khủng hoảng đạo đức… Do vậy, họ đã sống và mãi sống trong khổ đau, khắc khoải, lo âu và sợ hãi. Với xu thế vật chất, con người thường sống hướng về bên ngoài mà bỏ quên đời sống nội tâm, bỏ quên hiện tại, bỏ quên hạnh phúc mình đang có trong tầm tay. Trong công cuộc truy tìm hạnh phúc đó, con người gặp nhau ở quan điểm về giá trị của vật chất, quyền lực, sở hữu... Chính do đây mà tạo nên sự bất an cho xã hội. Và trong cuộc sống, người ta giải quyết bất an này bằng nguyên do của bất an khác. Con người không thể hết bất an. Bởi vì chừng nào còn lấy vật chất, quyền lợi, sở hữu... làm tiêu chuẩn của hạnh phúc thì chừng đó còn bất an. Cho nên:

Chúng ta phải giáo dục lại bản thân chúng ta không phải giết kẻ khác vì bất cứ nguyên nhân nào, dù là chân lí, dù là bất cứ ý hệ nào, dù là sự hứa hẹn cho việc có thể xuất hiện một thế giới hạnh phúc tương lai nào. Chúng ta phải học hỏi để có lòng trắc ẩn, để bằng lòng với cái nhỏ nhoi khiêm tốn và để tìm kiếm cái tối thượng, vì chỉ lúc bây giờ mới có việc thực sự giải thoát nhân loại mà thôi [7; 73].

Thiết nghĩ, bảo vệ môi trường nếu chỉ dừng lại ở các biện pháp kĩ thuật rất khó thay đổi mà cần có chuyển biến từ trong tinh thần. Các nhà sinh thái học tinh thần đề cao sự trở về với tự nhiên như một sự phản ứng mang tính văn minh. Phật giáo đã chỉ ra mối tương quan hỗ tương lẫn nhau, ảnh hưởng, khắng khít của vạn vật. Con người là một phần tử trong thế giới tự nhiên rộng lớn, tương hỗ đó. Thật sự, mối đe dọa lớn nhất đối với môi trường không phải là con người. Mối đe dọa lớn nhất chính là lòng tham của họ. Một người có lòng tham vô độ có thể gây hại cho môi trường hơn một triệu người biết tu tập hạnh tri túc. Và để cứu vãn hệ sinh thái và phát triển bền vững cần phải thức tỉnh tâm hồn, tinh thần, thái độ cùng nhận thức của một tập thể và cần có sự liên kết của các lĩnh vực tâm linh, tôn giáo. Phật giáo đã tích cực tham gia phong trào cách mạng xanh kêu gọi thức tỉnh tâm linh để chuyển hóa sâu sắc trong lối sống cá nhân cũng như xã hội. Đạo Phật không chỉ dừng lại ở việc chung tay bảo vệ mà quan trọng hơn, Phật giáo đánh thẳng vào việc giáo dục nhận thức, một lối giáo dục được dựng lên bởi sự thức tỉnh từ căn nguyên của tâm linh; phá tan dục vọng thông qua hạnh thiểu dục tri túc; để ứng xử với thiên nhiên và muôn loài một cách bình đẳng. Quan trọng hơn, con đường thiểu dục tri túc mà Phật giáo đưa ra chính là cách tốt nhất để phòng bị ngay từ đầu bằng chính sự thay đổi trong tư duy chứ không phải là sửa chữa và đền bù khi khủng hoảng môi trường sinh thái đã xảy ra.

2. Giá trị của nếp sống thiểu dục tri túc trong đạo Phật

Dục vọng và ham muốn là nhu cầu bản năng của con người. nó còn được gọi là ái, tức sự thèm khát, mong cầu. Từ ngàn xưa, dục vọng luôn làm đảo lộn đạo đức và trật tự xã hội nếu nó không được kiểm soát một cách chặt chẽ. Chúng ta biết được rằng thời đại nhà Chu – Trung Quốc là một thời đại vô cùng hỗn loạn. Chính trong bối cảnh loạn lạc ấy, đức Khổng Tử ra đời thiết lập một nền Nho giáo nhằm mục đích xây dựng lại trật tự xã hội, bằng sự thể hiện đạo lý làm người gồm năm quan hệ: “Nhân, nghĩa, lễ, tín và trí”, và nội dung của Nho giáo được tóm gọn trong hai chữ “chính danh”. Nghĩa là con người lúc nào cũng phải sống đúng với cái địa vị của mình, tức là đạo. Như vậy quan điểm ấy hoàn toàn giống với hạnh “thiểu dục tri túc”. Mạnh Tử cũng khuyên mọi người nên coi trọng việc tu dưỡng nội tâm, bảo tồn các tính thiện vốn sẵn có bởi “nhân chỉ sơ tính bồn thiện”; “người không giữ được tính thiện thì chẳng khác gì cầm thú". Lão Tử lại cho rằng: “Tri túc bất nhục, tri chi bất đãi, khả dĩ thường cửu". Nghĩa là: “Biết đủ thì tránh được nhục, biết dừng nghỉ đúng chỗ thì sẽ tránh được nguy hiểm, như thể mới có thể tồn tại lâu dài”.

Trong Phật giáo, các dục ấy được đức Thế Tôn ví:

Như khúc xương, như bó đuốc cỏ khô, như hồ than hừng, như lò thịt, như đầu rắn. Dục như khúc xương: chỉ để gặm nhắm, không nuôi sống được, thế mà các con chó lại tranh giành nhau cấu xé. Dục như bó đuốc cỏ khô: có người cầm bó đuốc cỏ khô cháy rực đi ngược gió, ắt sẽ bị lửa táp vào người. Dục như hố than hừng: như có người đau bệnh hủi, mụt nhọt lở loét, tìm đến hố than hừng, rồi hơ trên miệng hố than ấy, người ấy mới có cảm giác dễ chịu, nhưng hố than hừng ấy không thể cứu được đại nạn vong thân cho người ấy. Dục như lò thịt: lò thịt là nơi lần lượt cắt đứt mạng sống của các thú vật đem đến. Cũng thế dục vọng sẽ thiêu cháy, giết chết người nắm giữ nó, đến với nó. Dục như đầu rắn: rắn độc phải đánh chết, đập cái đầu, nếu còn cái đầu thì nó sẽ quay trở lại cắn chết người bắt nó [3].

Chính do lòng tham lam (khát ái) là nguyên nhân dẫn đến sinh tử luân hồi. Vì vậy thực hành hạnh “thiểu dục tri túc” là một phương pháp đoạn trừ lòng tham dục. Mỗi khi không có lòng tham, thì thân tâm nhẹ nhàng, an lạc, lúc đó đã thoát được khổ đau ngay trong hiện tại, chứ chưa cần đợi đến việc tương lai, và những gì mình đã tạo trong kiếp sống hiện tại sẽ là nhân tố dẫn đến kiếp sống tương lai. Lúc đức Phật sắp nhập Niết Bàn, Ngài dạy chúng đệ tử rằng:

Hỡi các Tỳ kheo! Sau khi ta nhập Niết Bàn các ngươi hãy thực hành hạnh “thiểu dục trí túc”. Phải biết những người đa dục vì cầu lợi nhiều, khổ não cũng nhiều. Những người thiểu dục, không cầu, không dục, không có khổ não. Cho nên ai muốn lìa khổ, cần phải tu tập hạnh thiểu dục. Huống chỉ hạnh thiểu dục có thể sinh các công đức. Những người tu hạnh thiểu dục, thời không dua nịnh, chìu theo ý người để cầu cạnh. Nhất là chẳng bị các căn lôi kéo. Người tu hạnh thiểu dục, tâm địa thản nhiên, không có lo sợ, gặp việc có thừa thường chẳng thiếu thốn. Hễ tu hạnh thiểu dục là có Niết Bàn.

Hỡi các Tỳ kheo! Nếu muốn giải thoát các điều khổ não, nên quán tri túc. Người biết tri túc, tuy nằm trên đất vẫn được an vui, pháp tri túc tức là chỗ giàu có yên ổn vậy. Người không biết tri túc, dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Người không biết tri túc tuy giàu mà nghèo, người biết tri túc tuy nghèo mà giàu. Người không biết tri túc thường bị năm dục lôi cuốn [12; 66 – 67].

Pháp “thiểu dục tri túc” nguyên nghĩa là ít muốn, biết đủ. Đây là một nếp sống mang tính đạo đức toàn thiện và xây dựng một nếp sống thánh thiện, thành tựu phẩm chất đạo đức toàn thiện đối với địa vị con người. Đức Phật đã từng nhấn mạnh nội dung của nếp sống “thiểu dục tri túc” cho năm vị anh em Kiều Trần Như:

Này Kiều Trần Như, năm ông hiện nay, đang mắc phải một cái bệnh hiểm nghèo, là bệnh chấp chặt về một phía. Bắt nhục thể chịu khổ chỉ càng khiến tâm hồn thêm rối loạn. Trái lại, cho thân trọng bên này, bên kia đều không thành tựu đại đạo. Căn bản vấn đề này Ta đã thấu rõ khi còn ở trong vương cung và khi Ta cùng các ông tu khổ hạnh một thời gian. Xa lìa ép xác khổ hạnh lẫn dục lạc. Đó là con đường “Trung Đạo” đưa đến giác ngộ tối cao [5; 53].

Như vậy bài pháp này đã xác định rõ mục đích, xa lìa hai cực đoan sống: tham đắm hưởng thọ dục lạc thế gian và khổ hạnh gây khổ đau thân xác.

Nếp sống “thiểu dục tri túc” chính là một phương pháp sống theo con đường Trung Đạo, hay gọi là con đường của Giới - Định - Tuệ, cũng chính là con đường đạt đến an lạc hạnh phúc ngay trong cõi trần gian này. Nhưng xét với sự vận hành tâm lý của con người có thói quen tìm kiếm hạnh phúc trong dục lạc. Người ta cho rằng: khát vọng và nhu cầu là hai động lực để thúc đẩy sự phát triển xã hội. Phật giáo chủ trương “thiểu dục tri túc” có đàn áp khát vọng của con người và làm chậm bước tiến của xã hội không?. Như đã giải thích ở trên, pháp này thuộc về lĩnh vực tâm linh đạo đức và giới hạnh. Nó là hệ quả của tri thức sâu xa bắt nguồn từ sự chứng ngộ của đức Thế Tôn. Tri thức ấy về mặt nhận thức là xác chứng nguyên lý duyên khởi của vũ trụ vạn hữu, về mặt giới đức là từ bỏ hai hình thức sống cực đoan. Đây là một sắc thái sống lý tưởng trong bối cảnh hiện đại, hoàn toàn không phải là giáo điều cứng nhắc trói buộc con người, Ngược lại, nếp sống này giúp con người chữa khỏi những ham muốn vô độ gây nên bất an, quân bình lại cuộc sống, xây dựng một đời sống chân chính. Bởi vì, “các dục vui ít khổ nhiều, phiền não nhiều, nguy hiểm lại càng nhiều hơn” [3].

Mặt khác, pháp “thiểu dục tri túc” không phải là pháp cổ vũ cho cái nghèo của con người. Đức Phật luôn nêu cao tán dương những người dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó mà vẫn giữ được đạo lý, mực thước lề lối của xã hội, chứ không khuyến khích người ta bằng lòng với cái nghèo. Lịch sử Phật giáo Trung Hoa có một vị tăng đời Đường: “Ngài Huệ Hưu kính cần ba nghiệp, giữ tụng sáu thời, tuân giữ miên mật cấm giới, đạo hạnh càng tăng trưởng, y phục vừa đủ che thân, mang một đôi giày bằng vải hơn 30 năm, gặp chỗ nào dễ thì đi chân không. Có người hỏi sao vậy? Ngài trả lời: của tín thí khó tiêu” [1]. Vào năm niên hiệu Gia Thụy thứ V (1190), có một thiền sư lên pháp đường, Tăng đồ và cư sĩ ngồi chật như nêm. Có người hỏi: Thế nào là tri túc? Sư đáp:

Phàm người xuất gia, tại gia đều phải dừng lại ở chỗ “tri túc", nếu biết tri túc thì ngoài không xâm phạm đến ai mà không tổn hại đến mình. Vật nhỏ nhiệm như lá cỏ, nếu người ta không cho mình thì không được lấy, huống gì là vật khác của người, nếu ta tư tưởng tới nó, thì rốt cuộc không từ đó mà sinh trộm cắp hay sao? Ai nấy hãy nghe bài kệ của ta:

Tiền tài tri túc chớ tham Đừng lo tranh đoạt gắng làm từ bi Không cho ngọn cỏ lấy chi Tấm lòng như ngọc lấy gì của ai Vợ mình riêng đủ lắm rồi Còn toan mơ ước vợ người làm chi Vợ ai kẻ nấy yêu vì, Nỡ nào sinh bụng bất nghì tà dâm [14; 319].

Qua ý nghĩa công hạnh tu tập của Ngài Huệ Hưu và vị Thiền Sư đã trả lời cho tăng chúng và tín đồ rõ ý nghĩa của tri túc.

Nguyễn Công Trứ - một nhà hiền triết Việt Nam vào thế kỷ XIX cũng nhận thấy giá trị lớn lao của tri túc. Ông nói rằng: “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc”? Nghĩa là: “Biết đủ với ý thức trong sáng, thì lòng thảnh thơi. Biết đủ mà đợi cho có đủ với sự khao khát không cùng thì biết bao giờ mới đủ?”. Sống đủ và biết đủ, chính là sự hạnh phúc chân thật, nhận ra cái hạnh phúc sung sướng từ cõi lòng thanh tịnh. Nếp sống “thiểu dục tri túc” giữ gìn đạo đức cho mỗi cá nhân và quân bình cuộc sống trên mọi phương diện.

Đức Phật luôn luôn khích lệ và trân trọng những ước muốn khát vọng chính đáng của con người. Tuy nhiên việc thực hiện những ước muốn khát vọng ấy không đánh mất đi phẩm chất đạo đức của mình. Nghĩa là đừng để những ước muốn khát vọng ấy vượt quá khả năng sức lực của mình, tức là đã vận dụng tâm lý “thiểu dục tri túc” rồi. Nói cách khác là những ước muốn và những khát vọng của mình được thể hiện qua những việc làm chính đáng, không làm tổn hại cho mình và người. Đây mới chính là chủ điểm của đức Phật khi Ngài dạy về pháp “thiểu dục tri túc”. Do đó, pháp “thiểu dục tri túc” có tính chất là một liều thuốc tâm lý hơn là một chủ trương có tính giáo điều áp đặt. “Thiểu dục tri túc” giúp cho con người bình đẳng trước hạnh phúc. Vì hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tâm lý con người, chứ không phải phụ thuộc vào vật chất nhiều hay ít. Do đó, một người giàu chưa hẳn là hạnh phúc hơn một người nghèo, một người nhà nghèo biết vận dụng tâm lý “thiểu dục tri túc” thì hạnh phúc hơn một người nhà giàu không biết vận dụng tâm lý này. Vì người giàu không bao giờ biết đủ, nên họ không cảm thấy có hạnh phúc. Như vậy, “thiểu dục tri túc” giúp con người đoạn trừ lòng tham, mưu sinh bất chính. Khi trong tâm bị câu thúc quá nhiều, quá mạnh bởi tham muốn, con người dễ bất chấp đạo lý, cam tâm thực hiện mọi mánh khóe, thủ đoạn để đạt cho bằng được cái điều tham muốn ấy. Do đó, khi một người ít tham muốn biết đủ, thì ngay những nhu cầu khát vọng chính đáng cũng không thể làm vẩn đục cái tâm trong sáng lành mạnh của người ấy.

Tóm lại, hạnh “thiểu dục tri túc” trong đạo Phật được khẳng định rằng, đó là một cách sống toàn thiện, một nếp sống đạo đức tuyệt đối với nhân loại mang đặc tính văn hóa của phương Đông. Và cách sống ấy người phương Đông lúc nào cũng tôn trọng và duy trì, thực sự là một truyền thống văn hóa lâu đời. Vì nó đã phù hợp với một nền nông nghiệp của người phương Đông. Ngày nay, với sự hội nhập giao lưu với nền văn hóa phương Tây, và ảnh hưởng sự văn minh vật chất, kỹ thuật hiện đại. Cho dù con người phần nhiều bị cuốn hút mạnh mẽ bởi nền văn hóa mang tính tư dục hấp dẫn ngoại lai. Nhưng không vì thế mà dễ dàng đánh mất truyền thống văn hoá của mình.

3. Phản tư sinh thái qua nếp sống “thiểu dục tri túc”

Về lý thuyết, sinh thái học tinh thần không dựa vào bất kỳ một tôn giáo hay đường lối tâm linh nào, mà chủ yếu dựa vào sự thừa nhận bản chất thiêng liêng của tất cả các tạo vật. Các giáo lý về môi trường được hiện diện trong các tôn giáo và chúng ta có thể tìm thấy ở Phật giáo sinh thái những tiền đề và đặc điểm cho việc xây dựng những hoạt động tri thức và sự thực hành sinh thái để bảo vệ môi sinh, bảo vệ vạn vật. Bắt nguồn tự sự hiểu rõ lý Duyên khởi, mọi hiện hữu đều tương sinh tương duyên với nhau. Trong tiến trình phát triển của thế giới loài vật, con người hay sự phát triển của môi trường tự nhiên đều có quan hệ cộng sinh hỗ tương nhau. Không có cái nào được tạo độc nhất và riêng lẻ. Xét từ mối quan hệ này, việc phá hủy bất kỳ một chuỗi mắt xích nào đang tồn tại trong hệ sinh thái đều gây nên hậu quả xấu.

Theo quan điểm của Phật giáo, bắt nguồn từ thuyết Luân hồi, vạn vật tồn tại trên thế giới này, tất cả đều có tính linh. Tính linh được hiểu là vạn vật sống theo tính cách vốn có của nó: ham sống sợ chết, có trí khôn, sự thông minh, hiểu biết, có tình cảm, có những cảm nhận riêng của chính nó - như đời sống một con người. Từ con vật cho đến cỏ cây, sinh ra và lớn lên, đều có đời sống riêng của nó.

Loài vật và thế giới tự nhiên có sinh mệnh, đều ham sống sợ chết. Mỗi sinh linh tồn tại trên đời này đều mang một tâm lý chung là ham sống sợ chết bởi vì chúng đều có tri giác, có tri thức. Nhiều người cho rằng, thực vật không có tri thức, không có phản ứng, không có đời sống riêng. Thực chất, thực vật cũng có tri thức, cũng biết phản ứng. Những nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây trên thế giới đã chứng minh được cây cối còn biết cảm thụ âm nhạc, biết nhận ra kẻ gây tổn hại, nguy hiểm đến chúng, cây cối có tình cảm, cảm xúc (khi chủ nhà chết, cây cối phải đeo tang, nếu không cũng rũ héo)… Chỉ vì phản ứng của nó không bộc lộ mạnh mẽ như động vật, nó không sở hữu ngôn ngữ đặc thù như động vật và con người nên nhiều người lầm tưởng nó vô tri. Đối chiếu với tâm lý và kinh nghiệm của con người, cũng sợ hãi khi đối diện với cái chết, tương tự, muôn loài có mạng sống cũng như vậy. Nhận thức được điều đó, Phật giáo tôn trọng quyền sống của tất cả các loài. Phật giáo không chỉ hướng đến con người, mà còn đem tình thương đó đến với loài vật và cả thế giới tự nhiên đang tồn tại. Trong kinh Pháp Cú có lời dạy rằng:

Mọi người sợ hình phạt, Mọi người sợ tử vong Lấy mình làm ví dụ Không giết, không bảo giết. Mọi người sợ hình phạt, Mọi người thương sống còn; Lấy mình làm ví dụ, Không giết, không bảo giết [2; 91].

Con người và thế giới tự nhiên đều có quyền sống như nhau, nên không thể quan niệm con người là chủ và những loài khác phải phục vụ nhu cầu của con người. Giáo lí Phật giáo luôn hướng đến con người, nhưng không đề cao vị thế của con người lên mức độ cao hơn những loài khác. Đức Phật không dành bất kỳ sự ưu ái đặc biệt nào cho con người, thế giới này cũng tồn tại không phải vì lợi ích của mỗi mình con người. Chỉ vì sự mù quáng, lòng tự tôn, kiêu ngạo, tham lam, ích kỷ đẩy con người đến sự mơ hồ, lệch lạc trong nhận thức rằng: ta là trung tâm, và muôn vật đều phải quy thuận và phục tùng. Với những thế mạnh hiện có, con người giết hại loài vật tràn lan để phục vụ nhu cầu bản thân. Phật giáo nhận chân ra được tất cả muôn loài đều ham sống sợ chết, bởi vì từ bi nên Phật giáo mới đề cao tư tưởng “bất sát, bất tổn sinh” lên hàng đầu trong Ngũ giới (Năm giới căn bản của đệ tử Phật - bao gồm: không sát sinh, không trộm cướp, không nói dối, không uống rượu, không tà dâm).

Loài vật có trí khôn và hiểu biết. Con vật cũng có trí thông minh của chúng. Trong Chuyện về tiền thân đức Phật, các con vật như voi, khỉ cũng biết hầu cận và cúng dường đức Phật, nó không khác gì con người. Hay loài cá hồi cứ năm năm một lần, cứ đến mùa sinh sản, đều dùng tín hiệu cùng nhau lũ lượt kéo về nơi chúng đã sinh ra. Chúng bất chấp khoảng cách địa lý và nguy hiểm rình rập trên suốt chặng đường đi. Loài kiến trên đoạn đường đi tìm mồi đều dùng râu để giao lưu tín hiệu; đàn chó nghe được động đất đã phản ứng ầm ĩ trước cả máy dò tín hiệu. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều loài vật biết tạo công cụ để lấy thức ăn, ghi nhớ biểu tượng và vật thể xung quanh trong thời gian rất lâu... Những con thú trong rạp xiếc: từ khỉ làm toán, cá heo cho đến voi, ngựa, chim… chúng học cách sinh hoạt như con người và rất thông minh, đó đều là những loài vật có trí thông minh cao, chỉ sau con người. Đó là minh chứng rõ ràng cho việc loài vật có trí khôn và hiểu biết.

Loài vật có tình cảm sâu nặng, có tình có nghĩa. Trong một nghiên cứu của mình, tác giả Marc Bekoff đã khái quát lên những hành vi của động vật. Ông cho rằng động vật không phải là loài vô tri, chúng cũng có đời sống tình cảm và biết quan tâm lẫn nhau. Trong cuốn sách Đời sống tình cảm của những loài động vật (The Emotional lives of Animals) của ông đã chuyển tải được thông điệp về những cung bậc cảm xúc: vui mừng, thấu cảm, đau buồn, giận dữ, yêu thương trong thế giới động vật mà ông có dịp chứng kiến trong quá trình làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành hành vi của động vật. Ông nhấn mạnh “động vật không phải là tài sản hay “đồ vật”, mà là những sinh vật sống, chủ thể của một cuộc sống, những người xứng đáng với lòng trắc ẩn, sự tôn trọng, tình bạn của chúng ta và hỗ trợ. Những người cánh hữu mở rộng biên giới của các loài mà chúng ta cấp một số quyền nhất định. Do đó, động vật không “ít” hay “ít giá trị” hơn con người. Chúng không phải là tài sản có thể bị lạm dụng hoặc chi phối theo ý muốn. Bất kỳ số lượng đau đớn và cái chết của động vật là không cần thiết và không thể chấp nhận” [4, 2]. Loài vật có cung bậc tình cảm riêng rất sâu sắc. Nhiều người cho rằng, động vật chỉ là cỗ máy sống theo bản năng là sai lầm; bởi động vật có một thế giới tình cảm rất sâu nặng và phong phú. Trong Truyện cổ Phật giáo, luôn có những câu chuyện nói về tính linh của động vật. Như câu chuyện nai mẹ thương con đến đứt ruột mà chết, đánh động vào sự tàn nhẫn, vô tâm của con người. “Nai mẹ thấy nai con chết đau thương quá độ mà đến nỗi gan vỡ, ruột đứt” (Nai mẹ thương con đứt ruột); con vượn khi đứng trước mũi tên tử thần của Dưỡng Do Cơ, biết chắc mình sẽ chết nên “lấy tay che má mà khóc, nước mắt chảy ròng ròng, kêu la rất bi thảm” (Vượn sầu rơi lệ)…[6]. Rất nhiều những mẩu truyện nữa biểu hiện rằng con vật có đời sống tình nghĩa như con người: Bầy chim chôn cất vị ân nhân, Nhờ phóng sinh mà khỏi chết chìm, Con ba ba chữa lành bệnh hiểm…[6]. Tình cảm của chúng không chỉ thể hiện giữa đồng loại khi đứng trước sự hiểm nguy, hoạn nạn, chia lìa mà còn là sự dốc sức giúp người đã từng có ơn với chúng… Loài vật thường có những thủ thuật khi săn mồi, sự khôn khéo, cách lẩn trốn khi gặp nguy hiểm, khả năng tự vệ bằng nhiều cách ngụy trang… đó là phương thức để chúng sinh tồn. Loài vật còn biết trả ơn, dù cho chúng có gặp nguy hiểm. Tình cảm sâu nặng của chúng còn có khả năng đánh thức lương tri và lòng trắc ẩn của những con người có ý thức. Khi đứng trước những trường hợp đó, con người vỡ lẽ ra, nhận chân ra, và họ biết “buông hạ đồ đao”. Xã hội con người xây dựng biết bao nhiêu điều tốt đẹp, những đạo lý khuôn mẫu, chuẩn mực nhưng con người dần dà từ chỗ đi trái với đạo lý trở lại đội lốt đạo lý, nhân danh đạo lý tốt đẹp. Và việc thức tỉnh từ sự tác động của loài vật được coi đó là sự khai phóng tà tính xấu ác trong tâm hồn họ, để gột rửa, để gạn đục khơi trong trở lại.

Xuất phát từ quan niệm con người là trung tâm (Anthropocentrism) đã tồn tại một cách thâm căn cố đế trong văn hóa phương Tây; coi con người là tinh hoa “con người là kiểu mẫu của muôn loài” mà bỏ qua lợi ích của môi trường đã khiến cho con người nhận hậu quả của sự tàn phá hành tinh và đẩy muôn loài đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Chính thái độ ngạo mạn của con người đối với tự nhiên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ môi trường sinh thái mà cả bản thân con người. Yuval Noah Harari “gọi 70.000 năm trở lại đây là thế Nhân Tân (Anthropocene): thế của loài người. Vì suốt những thiên niên kỉ này, Homo Sapiens đã trở thành tác nhân lớn nhất làm thay đổi hệ sinh thái toàn cầu” [8]. Trong cuốn sách Homo Deus: Lược sử tương lai, ông đã có một đoạn rất ấn tượng:

Nếu bạn xem kênh National Geographic, xem một bộ phim của Disney hay đọc một quyển truyện cổ tích, bạn sẽ dễ dàng có ấn tượng rằng Trái đất là nơi sinh sống chủ yếu của sư tử, chó sói và hổ - những loài ngang cơ với con người. Vua Sư tử Simba trị vì các loài thú khác trong rừng; Cô bé Quàng Khăn Đỏ cố chạy trốn con Sói Bự Xấu Xa; và cô bé Mowgli dũng cảm đối mặt với con hổ Shere Khan. Nhưng trên thực tế, chúng không còn ở đó nữa. Dù chúng vẫn xuất hiện rất nhiều trên ti vi, sách vở, trong những giấc mơ cũng như ác mộng của chúng ta, nhưng những Simba, Shere Khan và Sói Xấu Xa trên hành tinh này đang biến mất. Thế giới giờ là nơi cư ngụ chủ yếu của loài người và các loài vật được loài người thuần dưỡng [8; 89].

Điều này nhắc chúng ta nhớ đến một câu nói của người da đỏ: “Thiên nhiên không phải là phần thừa kế ông bà để lại cho chúng ta hưởng thụ, mà là chúng ta đang vay mượn của con cháu tương lai”. Chúng ta rồi sẽ chết đi, chúng ta làm ăn và kiếm tiền để tích góp cho con, nhưng không cho con nổi một môi trường sống sạch sẽ. Khi chúng ta vay mượn, hãy trả lại nguyên vẹn, hoặc làm gia tăng giá trị vay mượn, để trả lại cho tương lai như một lời cám ơn. Bằng không, khi ứng xử với thiên nhiên bằng lòng tham và sự ích kỉ, thì thế hệ con cháu sẽ phải gánh vác trách nhiệm này thay cho chúng ta – thế hệ sẽ chết đi trong vài chục năm nữa. Sự tác động và đảo lộn toàn bộ hệ sinh thái trên trái đất đã khiến con người đang đi đến Đợt tuyệt chủng thứ 6 – là đợt tuyệt chúng do chính loài người gây ra [10]. Nó cho chúng ta thấy một sự thật khác rằng: Mặc dù chúng ta đang đứng trên mảnh đất bằng phẳng nhưng đồng thời cũng đang đứng trên bờ vực chênh vênh của sự tuyệt chủng hàng loạt. Con người bằng cách này hay cách khác đang trở thành kẻ thù lớn nhất của tự nhiên và muôn loài. Thuốc trừ sâu giết chết đi những nhân viên thiết yếu trong hệ thống nhân giống tự nhiên – loài ong [1], tham vọng muốn kiểm soát và điều khiển tự nhiên đã gây ra những hỗn loạn trong hệ sinh thái như phân tích của các tác giả Cuộc cách mạng một cọng rơm [9] đã làm cho hệ sinh thái của chúng ta không còn “xôn xao”, mà dường như “im bặt”.

Khi xã hội phát triển, nhu cầu của con người cũng tăng theo. Những hoạt động khai thác kinh tế đem lại lợi ích, cuộc sống tiện nghi, đầy đủ hơn cho con người. Thật ra, không phải mọi hoạt động khai thác kinh tế đều phá hoại sinh thái. Khi chúng ta khai thác rừng và động vật, các quần thể, cá thể này có thể phục hồi nếu có đủ thời gian và môi trường sống thích hợp. Nhưng nếu chúng ta khai thác bừa bãi, tràn lan và không có điểm dừng thì chúng ta không thể phục hồi hay tái tạo lại được. Nguyên nhân của việc khai thác bừa bãi này là do ham muốn, dục vọng hoặc khía cạnh bạo lực, tàn nhẫn trong bản tính con người. Một điều rõ ràng rằng, khi con người nâng cao mức sống của mình lên thì tàn phá thiên nhiên rất dữ dội, môi trường sống của động vật hoang dã cũng bị cướp phá để đáp ứng cho sự sung túc và lợi ích của con người. Chính vì thế, đòi hỏi con người cần phản tư sinh thái bằng nếp sống “thiểu dục tri túc” trước khi quá muộn. Bằng không, nếu chúng ta không có khả năng suy xét, nhìn nhận lại hay dự đoán sự phát triển nào có thể gây nên sự khủng hoảng sinh thái thì điều này sẽ dẫn đến sự bất hạnh của cuộc sống trong tương lai. Phật giáo không phủ nhận sự sung túc và giàu có, thay vào đó, điều được phản bác ở đây chính là tạo ra ham muốn về sự sung túc và giàu có bằng sinh mạng của kẻ khác. Sự ham muốn là nhu cầu cần thiết để thúc đẩy chúng ta nỗ lực hướng tới một thứ gì đó. Nhưng Phật giáo coi lối sống bị tham đắm và si mê vô độ là cuộc sống bị dục vọng chi phối. Cho nên, sống theo hạnh thiểu dục tri túc là kiểm soát để ngăn ngừa tự thân tránh khỏi sự tham lam, gây hại đến hệ sinh thái. Đây là một trong những điều căn cốt của chuẩn mực đạo đức Phật giáo. Trở về với các nếp sống “thiểu dục tri túc” của Phật giáo với những triết lí căn bản đã hình thành nên sinh thái học Phật giáo để “tái kết nối tính xã hội và tính sinh thái”, thúc đẩy ý thức phản tỉnh tự thân và tạo ra những cách nhìn mới về chủ nghĩa nhân văn. Tôn trọng sinh mệnh, yêu quý sinh mệnh không phải là con người ban tặng một cách khẳng khái cho vật có sinh mệnh khác mà là nhu cầu của sự tiến bộ tự thân nhân loại: “Mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn cho chúng ta, về lâu về dài, nếu chúng ta biết tự nhận diện chính mình như là những sinh vật tự nhiên mà chúng ta đang dần dần phá hủy - những cái cây, những dòng sông, đất đai, và ngay cả không khí của chúng ta… Chúng ta chỉ là một phần nhỏ bé trong toàn bộ hệ sinh thái ấy” [11; 26].

“Thiểu dục tri túc” trở thành một cách sống, phương châm sống thích hợp cho thời đại ngày nay. Một cách sống đầy minh triết, không có chỗ cho lòng tham vị kỷ, không vụ lợi mà gây tổn hại đến thiên nhiên và vạn vật. Biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên có chừng mực, theo kế hoạch hợp lý, giảm thiểu sức ép đối với môi trường, tránh sự lãng phí các nguồn năng lượng thiên nhiên. Với nếp sống này, con người sẽ không khai thác tự nhiên một cách quá mức, chung sống hài hòa với thiên nhiên. Lối sống thiểu dục tri túc này không chỉ mang lại lợi ích hiện tại mà còn có khả năng tái tạo tương lai để thiên nhiên và con người có thể phát triển bền vững.

Kết luận

Trong xu hướng hiện đại hóa, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, sự ưu tiên về kinh tế khiến cho môi trường sinh thái đang dần bị phá hủy một cách nghiêm trọng. Mất cân bằng sinh thái dẫn đến vô số những sự đảo ngược, biến đổi trong hệ thống môi sinh, gây nên một cuộc khủng hoảng trên tất cả các bình diện. Trước tình hình đó, nhận thức của nhân loại về cuộc khủng hoảng này cũng sâu sắc hơn. Con người bắt đầu xác nhận lại mối quan hệ với môi trường tự nhiên không phải là thái độ làm chủ mà là hỗ tương cộng sinh. Từ thái độ làm chủ và tâm thế của kẻ chinh phục, con người bắt đầu biết cúi xuống những số phận tự nhiên bị thương tổn, biết quay về với những tư tưởng và nếp sống ôn hòa cùng tự nhiên. Phật giáo, với những giáo lí, cách thức và phương pháp giáo dục đạo đức đã phác họa một phương án trị liệu hữu dụng từ nơi cái gốc bệnh (tâm thức) để bảo vệ môi trường và hành động của con người. Với nếp sống hài hòa với thiên nhiên, tinh thần bình đẳng với vạn vật, không sát sinh, tin vào giáo lí nhân quả nghiệp báo và đặc biệt là thiểu dục tri túc... đã đem lại những tác dụng thiết thực cho vấn đề môi trường, giúp phản tư sinh thái và cân bằng môi trường sống. Càng ngày, con người văn minh càng phải biết cảm thông với tự nhiên, đó cũng là lí do những tổ chức bảo vệ động vật ra đời, để lên án những hành vi trái với quyền động vật như lấy mật gấu, lấy sừng tê giác, lấy ngà voi… Khi động vật bị suy giảm do săn bắt, sẽ dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái và sụt giảm sự đa dạng trong thế giới động vật. Động vật đã đóng góp những công lao to lớn cho nền y học, đem lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp, điều tiết môi trường, cung cấp vật phẩm, đem lại những giá trị kinh tế… Vì vậy, nhân loại cần phản tư sinh thái qua nếp sống “ít muốn biết đủ” để “thức tỉnh những khách thể trầm lặng đang bị tổn thương một cách nghiêm trọng xung quanh chúng ta, khôi phục thân phận chủ thể vốn có của nó” [15, 159]. Thử nghĩ, nếu động vật mất đi, tất cả những lợi ích trên sẽ biến mất, đồng thời cuộc sống của con người sẽ trở nên ngày càng tẻ nhạt, cô đơn và buồn chán hơn bao giờ hết. Tại sao việc cứu lấy các động vật lại quan trọng? Bởi vì để cứu chúng, con người sẽ phát triển tính người, mà nhân tính lại là cái chúng ta cần có để nhân loại phát triển bền vững.

Trần Lê Hồng Phúc – Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng

---------------------

CHÚ THÍCH

[1] Bản dịch của HT Thích Hành Trụ (1964), Sa Di Luật Giải, NXB Tôn giáo

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt 1. Carson Rachel L. (2018), Mùa xuân vắng lặng, Nhóm Khánh An dịch, NXB Thế giới. 2. Thích Minh Châu dịch (1969), Kinh Pháp Cú, NXB Tôn giáo, Tp Hồ Chí Minh. 3. Thích Minh Châu (1992), Kinh Trung Bộ I, Kinh Đại khổ uẩn số 13, VNCPHVN. 4. Fontenay E. (2013), Khi con vật nhìn ta, Hoàng Thanh Thủy dịch, NXB Tri Thức, Hà Nội. 5. Phạm Kim Khánh (1991), Đức Phật và Phật pháp, NXB Thành Hội Phật Giáo, Tp Hồ Chí Minh. 6. Thích Tịnh Không (2000), Truyện cổ sự tích cứu vật phóng sinh, Việt dịch: Thích Phước Sơn, NXB Tp Hồ Chí Minh. 7. Krishnamurti (1969), Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, NXB Ca dao. 8. Harari Yuval N. (2018), Homo Deus: Lược sử tương lai, Dương Ngọc Trà dịch, NXB Thế giới và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội. 9. Fukuoka M. (2015), Cuộc cách mạng một cọng rơm, Shopxanh dịch, NXB Tổng hợp Hồ Chí Minh. 10. Kolbert E. (2014), Đợt tuyệt chủng thứ sáu: Một lịch sử phi tự nhiên, Trần Trọng Hải Minh dịch, NXB Tri thức, Hà Nội. 11. Lee Llewellyn V. (edited), Thích Nhất Hạnh dịch (2013), Chuông chính niệm, “Spiritual Ecology the Cry of the Earth”, The Golden Sufi Center Publish, California, p.29 – 30. 12. Thích Hoàn Quan (1970), Kinh Phật Di giáo, Trung tâm Phật giáo Hayward xuất bản. 13. Thích Trí Quang dịch (2002), Sa Di giới và Sa Di Ni giới, NXB Tp Hồ Chí Minh. 14. Lê Mạnh Thát dịch (1999), Thiền uyển tập anh, tập I, NXB Tp Hồ Chí Minh. 15. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017), Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương - Phê bình sinh thái, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. Tiếng Anh 16. Bekoff M. (2007), The Emotional lives of Animals, New World Library – American. 17. Buell L. (1995), The Enviromental Imagination: Thoreau Nature Writing and the Formation of American Culture, Harvard University Press.

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ: http://tapchinghiencuuphathoc.vn/thuc-hanh-thieu-duc-tri-tuc-trong-thoi-dai-4-0.html http://tapchinghiencuuphathoc.vn/ung-dung-thieu-duc-tri-tuc-trong-dai-dich-covid.html http://tapchinghiencuuphathoc.vn/ung-dung-doi-song-thieu-duc-tri-tuc-trong-thoi-hien-dai.html