Thượng toạ Th.s Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021

Cổ nhân thường nói: “Sống có đức thì ở đâu Thần Phật cũng biết”. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn bất an. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh.

Vì vậy, người biết tu phải lau chùi (trau dồi) cái Tâm cho sáng, cái Tâm vốn không phải tối, chỉ vì bị cái tập tục mờ ám, tư dục phủ che, cho nên bỏ được các vật phủ che làm mờ ám đi, tự nhiên cái Tâm của chúng ta bừng sáng lại như buổi ban sơ, để ứng hiệp cùng Trời, vì Trời và Tâm con người vốn là một. Vì vậy trong việc tu hành, cốt phải lấy Tâm làm nền móng. Cái tâm mà giữ được hư không, thì ngoại vật hết xâm nhập, mà nội niệm cũng không sinh được, như thế là dứt cả tham sân, phiền não, khỏi lo tạo nghiệp, thì không còn chướng ngại nữa.

Đạo Phật là con đường giúp ta ngộ ra bản chất của thiện ác, nguồn gốc của mọi đau khổ và hướng ta đi đến cái đức lành giải thoát. Mà đạo nào thì cũng phải lấy đức làm chuẩn, nếu cái tâm đức mà không có đạo làm bệ đỡ thì nó cũng lênh đênh trôi nổi, sa vào dị đoan mê tín, huyễn hoặc cho mình và người một cách hết sức tai hại. Vì lòng tham không đáy, ngã mạn vô chừng, dục vọng miên man truyền kiếp.

Sự ngu tối, cố chấp là chỗ dựa lý tưởng cho những sai lầm và tội ác. Đức Phật không phải là một vị thần linh có quyền năng ban phúc hay giáng tội cho ai cả. Phúc hay tội do chính bản thân mình gây ra và cũng chỉ có chính mình giải trừ nghiệp của mình mà thôi.

Đức Phật đã nói, "Ta là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành" có nghĩa là vạn vật đều hội đủ thanh tịnh, từ bi. Người tu không chỉ biết đổ rác, dọn rác cho tâm mình mà còn giúp đỡ tha nhân. Sống trên đời là phải mang đống rác đó chính là cái thân này, và mỗi ngày đi qua là phải tiếp tục cuộc hành trình “nhặt rác, lượm rác và đổ rác”. Chỉ cần xem mình là “rác” thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu. Chúng ta hy sinh nhiều hơn là cho người khác, biết vui với cái thiện, biết trân quý đến những điều tốt, vững vàng trước giông tố của cuộc đời. Vì vậy bản chất của Phật giáo là giáo dục sống có đạo đức (giới), sống có ý thức (định) và nhằm đạt trí tuệ (tuệ). Đối tượng giáo dục của Phật giáo là con người được phân thành hai giới là xuất gia và tại gia.

Thông điệp đầu tiên của đạo Phật là hình ảnh một em bé bước đi trên bảy bông sen. Đó là hình ảnh những bước đi thanh tịnh vô nhiễm của một cái tâm không có sự phân biệt, chất chứa. Và em bé đó đã thốt lên: “Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quí”. Sự tôn quí mà đức Phật tuyên bố là sự tôn quí của bậc giác ngộ và sự giác ngộ, của cái Tâm rỗng suốt thấy được tính Không đồng thời thấy được tính toàn hảo của chính mình và thế giới, và hướng dẫn chúng sinh thấy được điều đó để giải thoát.

Nếu chúng ta biết cách tu tập và chuyển hóa thì rác phiền não cũng sẽ trở thành bông hoa tinh khiết, thơm tho và lan tỏa hương thơm để hiến tặng cho cuộc đời. Ngược lại, nếu ta không biết vun bón, tưới tẩm cho hoa mỗi ngày thì nó rất mau chóng héo hon và tàn lụi. Đối với con người cũng vậy. Để thấy rác chính là hoa, hoa và rác vốn không hai cũng như khổ đau làm nên hạnh phúc, phiền não chính là Bồ đề, chúng ta cần phải trở về với chính mình để chăm sóc cho đóa hoa tâm hồn được nở rộ và thêm phần hương sắc. Nếu chúng ta không có vốn liếng, tư lương về mặt tinh thần, tâm linh để làm điểm tựa, để quay về chính mình, thì ta sẽ dễ dàng bị những cám dỗ vật chất cuốn trôi. Trong mỗi chúng ta đều có Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy, nơi tai thì nghe, mũi lưỡi thân ý cũng lại như vậy. Nếu chúng ta biết nuôi dưỡng và giữ gìn tâm luôn định tĩnh và trong sáng thì chẳng bị vướng kẹt vào bất cứ điều kiện gì xảy ra đối với bản thân.

Trong tâm thức của chúng ta cũng có hai đặc tính căn bản của hoa và rác. Ta có những đức tính tốt như thiện lành, siêng năng, hiền hòa, dễ thương, tha thứ, biết cảm thông và giúp đỡ cho những ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Điểm tích cực ấy tượng trưng cho bông hoa tươi đẹp vốn đã có ở nơi mỗi con người. Và khi tâm ta được nhẹ nhàng, an ổn và hạnh phúc thực sự, đó chính là đóa hoa tâm hồn trong ta nở rộ và thơm ngát. Tu hành cũng như thế, chúng ta phải tin mình là chủ nhân của bao điều họa phúc, do đó ta không ỷ lại vào Phật, Bồ-tát mà ráng cố gắng buông xả những gì xấu xa tội lỗi, bằng trái tim thương yêu và hiểu biết để chuyển hóa phiền muộn khổ đau, thành an vui hạnh phúc.

Ngày nay không ít chư tăng, ni, phật tử sa vào dị đoan thần quyền, tinh thần tu học yếu kém, việc nghe pháp trở thành những giờ thoải mái thoáng qua, vì mình chỉ thích nghe những thứ lâng lâng cao siêu trên chín từng mây, mà không thích nghe nhắc đến những cái gọi là thói hư tật xấu, cũng như những cái chưa muốn làm, hay chưa làm được của mình, là những cái mà mình hay cho là tầm thường, vụn vặt không đáng nghe. Dù mình có muốn công phu tu hành của mình tăng tiến chăng nữa, thì mọi thứ vẫn cứ trở ngại và dẫm chân tại chỗ. Bởi không đối mặt với những cái tầm thường ấy, không vượt qua được những cái vụn vặt ấy thì không thể nào tiến sâu vào bên trong được. Chỉ vì, bản tâm không thanh tịnh trùm khắp bất giác vọng động mà phân làm cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng. Cảnh giới hư vọng là chỉ cho thân căn và thế giới ta đang có đây. Do không biết tất cả chỉ là hư vọng, lại nương vào đó mà phát huy phân biệt. Một khi đã có sự phân biệt thì niệm niệm tương tục, khởi hoặc tạo nghiệp, khổ đau vô vàn, sinh tử chẳng dứt.

Cuộc đời tu hành là "một hành trình đi đổ rác”, trong dòng luân hồi sinh tử, mỗi người tích trữ cho mình rất nhiều “rác”. Tham, sân, si, ái, mạn, nghi, kiến,... là rác; mà tín, niệm, tàm, quý, tinh tấn,... cũng chỉ là rác mà thôi. Khi đọc đến đây, chắc nhiều người sẽ thắc mắc: “Tại sao những điều xấu là rác đã đành, mà cái thiện cũng được xem là rác?”. Chúng tôi xin được mạo muội phân ra thành 2 loại rác như sau: Rác tái chế và rác không thể tái chế phải đem đi phân hủy.

Trước hết tâm thiện, đức tính tốt để tu tập, đó được xem là phương tiện cho việc học đạo, tu đạo, hành đạo, vun bồi ba la mật,... đó là “rác tái chế”; Phế liệu để làm thành một chiếc xe, chiếc thuyền đưa mình đến bờ giải thoát. Trong quá trình học hỏi, góp nhặt những kiến thức thật ra chỉ là hành trình “lượm rác”, chúng ta xem những điều thiện đó là hay, tốt, đẹp...thì chúng ta rất dễ tự hào, ngã mạn và xem mình là “số một”, không ai có thể sánh bằng. Chúng ta sẽ đắm chìm và tự hào về sự bố thí, trì giới, đa văn, thiền định, trí tuệ…của bản thân. Chúng ta tích chứa cho thật nhiều kiến văn để vun bồi bản ngã, kinh điển gọi đó là “sở tri chướng”. Nếu mình không biết tận dụng những điều đó vào sự tu tập thì rất dễ bị đống kiến thức đó “đè chết” lúc nào không hay (điều này, nhiều “học giả” thường mắc phải, luôn dính mắc và chấp chặt so với “hành giả”). Nhưng nếu không học hỏi, tiếp thu thì lấy gì mình suy tư, vận dụng. Do đó, người có trí là người “lượm rác có chọn lọc”, biết đâu là phế liệu và đâu là phế thải (phế liệu có thể tái chế, còn phế thải phải bỏ đi).

Thứ đến là đối với loại rác không tái chế, đó là những đức tính xấu mà hầu như ai cũng có, tùy theo tiền nghiệp của mỗi người mà chúng có ít hay nhiều phiền não, mức độ sâu hay cạn, vi tế hay thô thiển. Đó là những sân hận, tật đố, tà kiến, ngã mạn, hoài nghi, hôn trầm, thụy miên,... Các vị Thánh là những người đã đổ được những đống rác trong tâm mình.

Trong rác sẵn có hoa Trong hoa sẵn có rác Hoa và rác không hai Mê và giác tương tức.

Bậc Tu Đà Hoàn đổ được đống rác tà kiến, ngã mạn, hoài nghi. Bậc Tư Đà Hàm đổ thêm được thêm chút sân và tham ái (nhưng vẫn còn chút ít). Bậc A Na Hàm hoàn toàn không còn chút sân hận hay tham luyến vào bất cứ thứ gì, và bậc A La Hán dứt trừ toàn bộ những rác rến trong tâm. Đối với các vị A La Hán, các ngài làm chỉ để làm, không gieo nhân thiện hay ác, vì không còn bất kỳ dấu vết tái sinh nào. Do đó, “cả rác thải công nghiệp và nông nghiệp, từ phế liệu cho đến phế thải” đều đã được các vị dọn dẹp một cách toàn diện và triệt để bởi tâm Thánh Đạo.

Phật dạy chúng ta học để hiểu ứng dụng vào tu tập, hành trì, chuyển hóa, chớ không phải cầu Phật ban cho, nhưng đa số quí phật tử cứ xin Phật hoài, tu như vậy biết chừng nào mới chuyển hóa hết phiền não tham, sân, si. Bởi ta tham quá nhiều thứ, nên xin lâu ngày thấy không hiệu nghiệm thì muốn bỏ Phật, bỏ chùa, vì Phật không giúp gì được cho mình. Chúng ta đi chùa là để tu theo Phật nhằm chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau, thành an vui, hạnh phúc và tin rằng mình làm lành được hưởng phước, mình làm ác chịu khổ đau, chứ Phật, Bồ tát không thể ban cho ta được. Phật chỉ là người thầy dẫn đường, chỉ cho ta biết được con đường dẫn đến bình yên hạnh phúc trọn vẹn, còn làm được hay không là do ta quyết định. Do đó, dù đã trải qua mấy ngàn năm thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục, vật đổi sao dời, nhưng hình ảnh của ngôi chùa vẫn mãi mãi hiên ngang hiện hữu tồn tại trong lòng người. Như lời thơ của Vũ Hoàng Chương đã viết:

“Dân tộc ta không thể nào thua Ðạo Phật ta đời đời sáng lạn Dầu trải mấy qua phân ly tán Nhưng vẫn còn núi còn sông Còn chót vót mãi ngôi chùa.”

Ngôi chùa có chức năng nuôi dưỡng đời sống tâm linh, đóng góp xây dựng nếp sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh thiện. Phật giáo dạy người phật tử phải ăn ở hiền lành. Năm giới cấm của người phật tử tại gia, đó là 5 nguyên lý đạo đức căn bản mà người phật tử phải giữ gìn cẩn thận. Ðồng thời phải ý thức và áp dụng lý nhân quả vào đời sống. Người đến chùa cảm nhận sự thanh thản, nhẹ nhàng từng bước chân khi tiến vào đại điện. Không gian này giúp mọi người kịp xả bỏ, lắng dịu, giảm nhẹ những âu lo trước khi vào chùa dâng hương lễ Phật. Bởi vì bên ngoài cổng chùa là cuộc sống thế tục đầy lo âu, bất an. Khi bước vào trước sân chùa chúng ta thấy có ao sen hoặc hồ sen còn gọi là ao tĩnh tâm, tôn trí tượng Bồ Tát Quan Thế Âm ở giữa để mọi người vãn cảnh mà gột rửa lòng trần, xua tan niềm tục lụy, để lắng lòng bình tâm trong giây lát trước khi vào chính điện là không gian chính ngôi Tam bảo chúng ta thấy đức Phật Thích Ca với tư thế thiền quán an nhiên như nhắc nhở mọi người quay về với bản tâm của mình. Bồ Tát Quan Thế Âm với ánh mắt hiền hòa, tay cầm nhành dương và bình cam lộ như xua tan bao nỗi khổ trần ai, làm cho mọi người có cảm nhận như đang được che chở hướng dẫn giúp đỡ chúng ta tu tập tâm linh thoát tục giữa đời thường.

Vào chùa là đi tìm chính cái tâm trong sạch của ta để hòa vào cái tâm trong sạch của người trên cơ sở trí tuệ Phật mà giải trừ phiền não ác nghiệp, những dục vọng thấp hèn, những ganh đua hơn kém… để sống tốt, cùng nhau đi đến bến bờ của hạnh phúc viên mãn. Chư Phật Bồ Tát cho chúng ta cơ hội, cho chúng ta sứ mệnh, chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà làm cho tốt thì mới có thể thật sự làm đến được “trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Nếu không mà nói, chúng ta mỗi ngày đọc kệ hồi hướng đọc đến đổ cả mồ hôi, “nguyện đem công đức này”, chúng ta lấy công đức gì chứ? Công đức ở đâu chứ? Ngày ngày đều niệm “nguyện đem công đức này trang nghiêm Phật Tịnh Độ”, bạn đem công đức gì để hồi hướng đây? Sự huân tu như vậy, quả đức không thể nghĩ bàn.

Thượng toạ Th.s Thích Thiện Hạnh Phó Viện Trưởng Phân viện NCPHVN tại Hà Nội Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2021 https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-viec-huan-luyen-ngua-trong-kinh-tang-chi-nghi-ve-tinh-khe-co-trong-giao-duc-phat-giao.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/giao-duc-thieu-nhi-theo-quan-diem-phat-giao.html https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thap-sang-phuong-phap-giao-duc-hien-dai-bang-giao-ly-tu-tat-dan.html