DẪN NHẬP
Suốt cuộc đời của đức Phật trên khắp các nẻo đường hoằng pháp độ sinh, Ngài luôn tuyên bố với chúng đệ tử: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”[1]. Bởi thế trong vô lượng pháp môn tu theo đạo Phật, không pháp môn nào không nhằm mục đích cứu khổ độ sinh, diệt khổ ưu, đem lại hỷ lạc cho tất cả loài hữu tình bằng những lời giáo huấn thiết thực. Chính vì lẽ đó, đức Phật luôn khuyên bảo chư vị Tỳ kheo: “Hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”[2].
Thật vậy, hạnh lợi sinh luôn là hạnh chủ yếu của mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát thị hiện ra đời, thực hành, để đem lại an lạc hạnh phúc cho tất cả mọi người. Đó là tinh thần nhập thế mà một “Sứ giả Như Lai” luôn mang trong mình sứ mạng hoằng pháp, luôn cống hiến hết mình vì lý tưởng, nguyện đem ánh sáng chân lý giác ngộ chuyển hoá khổ đau thành an lạc giải thoát.
Có thể nói, trong thời buổi hiện đại, sự nhập thế của tăng, ni chính là khơi dậy trong tâm hồn họ tình thương nhân loại, xả bỏ vị kỷ khi xã hội ngày nay đạo đức bị xói mòn, bạo lực, chiến tranh, lối sống nhanh, sống vội và tư duy hạn hẹp, cuộc sống bất an… Tất cả nguyên nhân ấy đều bắt nguồn từ Tâm - tâm tham lam vô hạn, tâm sân hận vô cùng và tâm mê muội của chính con người.
Do vậy, phương châm hành đạo của một “Sứ giả Như Lai” cũng phải từ tâm và “Trong các pháp nói về tâm, nổi bật hơn cả đối với cả hai hệ thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo là giáo pháp Tứ Vô Lượng Tâm. Pháp Tứ Vô Lượng Tâm được đức Phật nhắc đến rất nhiều và đó cũng là pháp hành của tất cả các vị Đại Bồ tát sử dụng để cảm hóa chúng sinh, là hạt nhân tất yếu mà Bồ tát cần thành tựu để tiến đến quả vị Phật.”[3]
Chất liệu của từ bi - trí tuệ - vô ngã - vị tha vẫn luôn là nhân tố quan trọng để xoa dịu nỗi khổ niềm đau mang lại an lạc hạnh phúc cho con người, cho xã hội và cho cả thế giới. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng Phật giáo là một nền giáo lý thực nghiệm, “Đức Phật không bao giờ chủ trương đào tạo một số tu sĩ để trang trí các thiền viện hay để làm thần tượng cúi lạy cho tín đồ mà chính là huấn luyện một số sứ giả Như Lai, đi khắp đó đây, để giới thiệu một nếp sống giải thoát hạnh phúc”[4]. Vì thế, với tư cách là một “Sứ giả Như Lai”, người viết chọn đề tài “Phật giáo nhập thế qua tinh thần Tứ Vô Lượng Tâm” để thể hiện tinh thần nhập thế, phụng sự chúng sinh.
Trong quá trình nghiên cứu, người viết chủ yếu trích dẫn những lời dạy trong Kinh tạng Nikāya là chính. Bên cạnh đó, bộ sách “Phật Giáo Nhập Thế và Phát Triển” của Hòa Thượng Thích Trí Quảng là một tài liệu hữu ích với những kinh nghiệm nêu rõ phương châm nhập thế hành đạo của người con Phật trong thời hiện đại. Mặt khác, người viết cũng sử dụng những tài liệu như Kinh Pháp Cú, “Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi” của Hòa Thượng Thích Minh Châu, cuốn sách “Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời” của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, “Đức Phật và Phật Pháp” của Nārada để nghiên cứu và cùng nhiều tài liệu khác.
Về phương pháp nghiên cứu là phương pháp lịch sử, phân tích với khảo sát hiện trạng xã hội, hy vọng qua bài viết này người viết sẽ chứng minh được giá trị thiết thực của Phật giáo trước hiện trạng xã hội ngày nay thông qua giáo lý Tứ Vô Lượng Tâm như lời Hòa Thượng Thích Trí Quảng đã nhấn mạnh: “Bốn pháp vô lượng là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hoan hỷ (khoan dung) và tâm Xả, nghe có vẻ đơn giản; nhưng sự thật nếu thực hiện được tinh ba của pháp này, thì thực trạng bất an của con người và xã hội sớm được giải quyết.”[5].
Với đề tài trên, ngoài dẫn nhập và kết luận, nội dung được chia thành bốn chương:
Chương 1. Giải thích thuật ngữ Chương 2. Giá trị Tứ Vô Lương Tâm Chương 3. Thực trạng -nguyên nhân trong xã hội ngày nay Chương 4. Ứng dụng Tứ Vô Lượng Tâm qua tinh thần nhập thế
A. NỘI DUNG
CHƯƠNG I: GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ
1. Thuật ngữ “Phật giáo nhập thế”
Không phải Phật giáo nhập thế chỉ xuất hiện thời gian gần đây, theo Christopher S.Queen, thuật ngữ Phật giáo dấn thân (Engaged Buddhism) lần đầu xuất hiện trên tựa đề một cuốn sách do thiền sư Nhất Hạnh viết vào năm 1963[6].
Theo nhà nghiên cứu Ken Jones, trong tác phẩm “Diện mạo xã hội của Phật giáo” (The Social Face of Buddism) đề nghị một định nghĩa về Phật giáo Nhập thế như sau: “Phật giáo Nhập thế là một áp dụng của một quá trình xã hội, kinh tế, chính trị và môi sinh phát sinh từ quan điểm nhân sinh của đạo Phật”
Theo Queen nhận xét: “Phật giáo Nhập thế vẫn giữ nguyên những điểm chính trong giáo lý căn bản: giáo lý duyên khởi, chánh niệm, từ bi, phương tiện thiện xảo...”[7]
2. Thuật ngữ “Tứ Vô Lượng Tâm”
Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: Tứ Vô Lượng: S: Catvār apramāni, P: Catasso appmaññāyo, cũng có nghĩa Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Đẳng Tâm, Tứ Đẳng, Tứ Tâm. Đây là bốn tinh thần phải có của Phật, Bồ Tát để độ khắp vô lượng chúng sinh, làm cho chúng sinh lìa khổ được vui[8]
Theo Theravāda: Phạn ngữ Brahma Vihāra có nghĩa là lối sống cao thượng, trạng thái cao siêu, hoặc chỗ nương tựa của bậc Thánh nhân. Ta gọi là Tứ Vô Lượng Tâm. Bốn đức độ cao thượng ấy cũng được gọi là “Appamañña” (vô lượng). Gọi như vậy bởi vì Từ, Bi, Hỷ, Xả rộng lớn bao la, không bờ bến, không biên cương, không bị hạn định. Tứ Vô Lượng Tâm bao trùm tất cả chúng sinh, không trừ bỏ một sinh linh nhỏ bé nào. “Từ, Bi, Hỷ, Xả” là vô lượng, vô biên[9]
Tứ Vô Lượng Tâm bao gồm tâm Từ vô lượng, tâm Bi vô lượng, tâm Hỷ vô lượng và tâm Xả vô lượng. Trong cuốn sách: “Đức Phật và Phật Pháp” lý giải rất nhiều về Tứ Vô Lượng Tâm, ở đây chỉ sơ lược: Trạng thái cao thượng đầu tiên.
Tâm Từ (P. Metta, S. Maitri). Nghĩa trắng của Metta là cái gì làm cho lòng ta êm dịu. Metta là tâm trạng của người bạn tốt. Metta là lòng thành thật ước mong rằng tất cả chúng sinh đều được sống an lành hạnh phúc. Metta có khi cũng được định nghĩa là lòng mong mỏi chân thành của người bạn hiền, thành thật muốn cho bằng hữu mình được an vui hạnh phúc.
Tâm Bi (Karuna): Bi là động lực làm cho tâm rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, là cái gì thoa dịu niềm khổ đau sầu não của người.
Đặc tính của tâm Bi là ý muốn giúp người khác thoát khỏi một cảnh khổ.
Tâm Hỷ- vui (Mudita): không phải là trạng thái thỏa thích suông, cũng không phải cảm tình riêng đối với người nào. Hỷ (Mudita) là tâm vui thích trước hạnh phúc của người khác, trước sự thành công của một chúng sinh. Ganh tỵ là kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ. Hỷ là niềm vui làm tiêu tan lòng ganh tỵ.
Tâm Xả (Upekkha), khó thực hành nhất, mà cũng cần thiết nhất trong bốn phẩm hạnh cao thượng nầy. Phạn ngữ "Upekkha" do hai căn "upa" và "ikkha" hợp thành. Upa là đúng đắn, chân chính, vô tư. Ikkha là trông thấy đúng đắn, nhận định chân chính, hoặc suy luận vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ, không ưa thích cũng không bất mãn. Không tham cũng không sân. Upekkha (Xả) không có nghĩa là lạnh lùng, lãnh đạm, không màng đến thế sự, cũng không phải là cảm giác vô ký, không vui thích không phiền muộn.
CHƯƠNG II. GIÁ TRỊ TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
Theo Câu Xá Luận: “Từ vô lượng tâm cho vui đến chúng sinh, lấy vô sân làm thể, đối trị tâm sân hận. Bi vô lượng, tâm cứu khổ cho chúng sinh, lấy vô sân, bất hại làm thể đối trị tâm làm hại. Hỷ vô lượng, tâm hoan hỷ khi thấy chúng sinh lìa khổ được vui, lấy hỷ thọ làm thể đối trị tâm buồn phiền, ganh tị. Xả vô lượng, tâm bình đẳng không phân biệt oán thuận đối với chúng sinh, lấy vô tham vô sân làm thể đối trị tâm tham sân cõi Dục. Bốn tâm này sở dĩ gọi vô lượng vì ba lẽ: Vì đối vô lượng chúng sinh, vì vẫn sinh ra vô lượng phước, vì đến quả báo tốt đẹp vô lượng”[10]. Như vậy, nhờ tâm Từ- Bi- Hỷ- Xả mà đối trị được tâm tham, sân, si của chúng sinh.
Theo các nhà Đại thừa thì bốn phạm trú của Tiểu thừa cũng được gọi là hạnh Ba-la-mật (pāramitā). Ðó là tâm thức của chư Phật và Bồ Tát muốn cứu độ chúng sinh trong việc ban vui cứu khổ. Vì tính đặc thù vô lượng nên bốn phạm trù này thường được sử dụng trong việc thực hành Bồ-tát đạo, ban vui cứu khổ là chính.
Thuộc tính của bản chất căn bản là “Từ, Bi, Hỷ, Xả” - những tác nhân tích cực giúp ta biết cân nhắc trong thái độ và hành động, là chất liệu chuyển hóa đi từ tàn dư quan niệm ích kỷ hẹp hòi đến ý niệm sống bao dung rộng lượng được y cứ trên nền tảng lòng vị tha và mối tương hệ tồn tại. Tác dụng ảnh hưởng của tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả” có thể được trải rộng đến với chúng sinh vô cùng vô tận của không gian và thời gian. Đây là lý do vì sao trong truyền thống Phật giáo, bốn trạng thái tâm này được tán dương là cao thượng không thể đo lường được (vô lượng).
Kinh Trung Bộ số 99 diễn tả công năng khi thực tâp Tứ Vô Lượng Tâm: “Và này Thanh niên Bà La Môn, thế nào là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên? Ở đây, này Thanh niên Bà La Môn, Tỳ kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với Từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Như một người lực sĩ thổi tù và làm cho bốn phương nghe được, không gì khó khăn; đây là con đường đưa đến cọng trú với Phạm thiên. Cũng vậy với tâm Bi, Hỷ và Xả.”[11]
Khi hành giả nắm vững được giá trị của Tứ Vô Lượng Tâm, đồng nghĩa hành giả đã nhìn ra được chân lý mình muốn hướng đến. Cũng như khi ta đang đứng trong bóng đêm, trên tay đang cầm cây đèn pin, nếu ta không nhận ra chức năng của đèn là ánh sáng, không nhận ra giá trị của cây đèn thì ãi sống trong bóng đêm thôi. Thế nên, khi nhận ra được ý nghĩa của đèn, thì mọi khó khăn hay khúc mắc sẽ được lần lượt giải quyết theo chiều hướng tích cực.
http://tapchinghiencuuphathoc.vn/phat-giao-nhap-the-va-cac-van-de-xa-hoi-duong-dai-o-viet-nam.htmlCHƯƠNG III. THỰC TRẠNG- NGUYÊN NHÂN VỀ XÃ HỘI NGÀY NAY
3.1. Thực trạng về xã hội ngày nay
Hòa Thượng Thích Minh Châu trong chuyên đề: “Xây dựng một nền trật tự đạo đức mới cho loài người”[12] và bài tham luận hội nghị của Hòa Thượng Thích Trí Quảng chủ đề: “Phật giáo, con đường dẫn đến sự sống hòa bình, phát triển, an lạc, hạnh phúc cho nhân loại”[13] đều nhận định: Thực trạng ngày nay bên cạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thế giới hôm nay đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, sự suy thoái đạo đức, con người chỉ lo vật chất cá nhân mà tình người bị giết chết, đời sống con người bị mất cân đối, tình thân giữa cha mẹ và con cái, thầy trò, giữa con người với xã hội trở thành thứ yếu và thậm chí vô nghĩa. Từ đây phát sinh ra nhiều tệ nạn xã hội, nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh, bạo lực gia đình, học đường…
Và trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, chúng ta thường nghe đài báo, các trang mạng xã hội đưa những tin, những cảnh các em học sinh đánh hội đồng bạn một cách tàn nhẫn, trong khi các em khác đứng ngoài reo hò hoặc lấy điện thoại ra quay phim rồi đăng lên facebook, hoặc chồng đánh vợ không nương tay, những cảnh thấy xe bị nạn thì xúm lại hôi của... Sự vô cảm của con người càng nghiêm trọng, sự lạnh lùng, thiếu cảm xúc, thờ ơ, dững dưng với nỗi khổ niềm đau của người khác.
Bên trong như thế còn bên ngoài tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt luôn đe dọa tính mạng con người, nước uống, thức ăn bị nhiễm các chất độc hại. Ở phạm vi rộng lớn hơn, tình trạng khủng hoảng bởi sự đố kỵ, hận thù, sự đối nghịch về các hệ thống chính trị, khuynh hướng chủ nghĩa tự do cá nhân, cạnh tranh về chủ quyền lãnh thổ….cũng tạo ra sự thống trị, phe phái cho nên sự khổ đau, sự bất an vẫn đang chồng chất lên kiếp sống con người vô tội.
3.2. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên
Nếu nói về nguyên nhân, thì có nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan đưa đến thực trạng trên. Nhưng có lẽ nguyên nhân chính yếu bắt nguồn từ con người, chính tâm tham lam, tâm sân hận và tâm mê muội, sự ích kỷ nhỏ nhen, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân của chính mình. Trong Tiểu Kinh Khổ Uẩn, đức Phật dạy: “Mahānāma, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lị tranh đoạt với Sát-đế-lị, Bà La Môn tranh đoạt với Bà La Môn;... họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong.”[14] và rất nhiều kinh điển đề cập đến nhưng chung quy tất cả thảm cảnh trên không gì ngoài tâm.
Khi thấy được nguyên nhân tạo nên xã hội đau thương, có lẽ ai trong mỗi người cũng đều mong muốn tìm ra giải pháp. Và để có giải pháp thỏa đáng cho những vấn nạn trên, “Không có giải pháp nào ngoài giải pháp đức Phật đã đề xướng - đó là thông điệp của Ngài về bất bạo động và hòa bình, về tình thương và từ bi, về khoan hồng và thông cảm, về chân lý và trí tuệ, về sự tôn trọng đối với mọi sự sống, về sự dứt bỏ ích kỷ, hận thù và bạo động”[15].
Cho nên, “không gì tốt đẹp hơn là thực hiện tinh thần Phật dạy. Tinh thần căn bản của Phật dạy rằng mọi việc làm đều vì sự an lạc, hạnh phúc chung của loài người, không kỳ thị quốc gia, tôn giáo, sắc tộc…, đó mới có thể hóa giải tình trạng bất an của con người hiện nay và đem đến sự bình an cho thế giới”[16]. Qua đoạn dẫn trên, ta thấy lời Phật dạy vô cùng lý tưởng. Tuy nhiên, lời Phật dạy chỉ thực sự giúp mỗi người an lạc hạnh phúc khi được thực tập, hành trì, ứng dụng chứ không là lý thuyết suông. Do đó, bước áp dụng Tứ Vô Lượng Tâm vào đời sống nhập thế là cột mốc quan trọng nhất mà hành giả nên thực tập.
CHƯƠNG IV. ỨNG DỤNG TỨ VÔ LƯỢNG TÂM QUA TINH THẦN NHẬP THẾ
Nói đến cách ứng dụng, trước tiên, hành giả phải là người có năng lượng của Từ, Bi, Hỷ Xã, như Kinh Pháp Hoa có nói: “Phải vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai. Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn với tất cả chúng sinh; Y Như Lai chính là lòng nhu hòa, nhẫn nhục; Tòa Như Lai chính là nhất thiết pháp không.”[17].
Thực tế, ta không thể cho ai một vật mà chính ta không có. Trước khi muốn làm cho người khác được an vui, chính hành giả phải được an vui, phải biết làm thế nào cho mình được an vui. Và khi nói đến sứ mạng hoằng pháp là bao hàm nhiều khía cạnh, cũng không phải trong phạm vi nhỏ hẹp mà còn phải vươn ra thế giới. Đạo Phật đi vào đời bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng không ngoài mục đích giúp cho con người nhận chân được ý nghĩa của cuộc sống, mối tương quan giữa mình với mọi người, với mọi loài và thiên nhiên để từ đó xây dựng nếp sống hữu ích.
4.1. Hoạt động từ thiện
Hoạt động xã hội tiêu biểu là từ thiện được xem là hình thức nhập thế hàng đầu nổi bật nhất của Phật giáo. Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, “Từ 1987 đến 1992, từ thiện xã hội Phật giáo được chính thức đưa vào Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là một trong 10 ban ngành viện của Trung ương Giáo hội và của tất cả các ban trị sự của 55 tỉnh Thành hội Phật giáo trên khắp cả nước.”[18]. Đó là giá trị thiết thực của các hoạt động tích cực, thực tế để làm vơi bớt khổ đau cho họ, không phân biệt thân sơ, rải khắp cho mọi chúng sinh, bao trùm vạn vật.
Đối với những người nghèo khó, hoạn nạn do thiên tai bão lụt thì nên vận động uỷ lạo, cứu trợ để kịp thời giúp mọi người vượt qua cơn khó khăn, giúp họ ổn định lại cuộc sống, xây dựng mái ấm tình thương. Đặc biệt là những nơi xảy ra thiên tai bão lũ, dịch bệnh và những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra làm thiệt hại kinh tế nặng nề, chúng ta phải thăm hỏi, động viên và trao quà cho các gia đình gặp nạn vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Ngoài những món quà được trao bằng vật chất, tinh thần Từ Bi của đạo Phật còn mang đến những giá trị tâm linh cao thượng cho con người, như trao sự cảm thông, tình yêu thương, trao niềm tin trong sáng, trao nguồn năng lượng từ bi thông qua tinh thần “Tứ Nhiếp Pháp”[19] của Phật giáo.
Bên cạnh đó, không chỉ giúp đỡ họ mà ta còn tạo điều kiện cho họ cùng làm từ thiện với ta để họ phát khởi tâm “Từ-Bi-Hỷ-Xả”, định hướng họ đến đời sống nghề nghiệp chân chính. Nếu có điều kiện chúng ta có thể xây dựng cơ sở tự viện nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, lớp học tình thương, trung tâm nuôi dưỡng người già cô đơn, giúp đỡ gia đình chính sách khó khăn… Những việc làm đó đều xuất phát từ giáo lý đức Phật “Phục vụ chúng sinh là cúng dường Chư Phật” - đó là ứng dụng của tâm từ bi trong công tác từ thiện xã hội. Nhờ hoạt động từ thiện đã mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, thông qua đó giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, tương thân tương ái, mọi thành phần dù giàu nghèo đều ý thức, không bị dục vọng đốt cháy, tâm hồn họ dần cở mở, được an lạc, dần dần họ sẽ thành lập nhiều nhóm để cứu giúp người nghèo, sự phân biệt giàu nghèo sẽ được giảm thiểu.
Với tâm “Từ-Bi-Hỷ-Xã”, mọi hoạt động của ta đều không thể có bóng dáng của vị kỷ, lo âu, cao ngạo và tự tôn mà đó là một tình thương sâu thẳm, một rung cảm chân thật bộc phát hướng về tất cả nỗi khổ đau của tha nhân, niềm vui của họ cũng chính là niềm vui của mình, đó là tinh thần hoan hỷ khi phụng sự chúng sinh, giúp họ cũng là cách giúp mình như Kinh Tương Ưng đã nói: “Và này các Tỳ kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỳ kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.”[20].
Do vậy, không chỉ giúp đỡ về mặt vật chất mà còn cả về tinh thần, khi họ đau khổ, chúng ta luôn lắng nghe, tôn trọng, an ủi, khích lệ, thân cận thăm hỏi, khiến cho sự phân biệt, mặc cảm của họ tan biến, không còn cảm thấy có sự ngăn cách giữa họ và cộng đồng xã hội. Thông qua giáo lý “Tứ Diệu Đế”[21], hành giả chỉ rõ cho họ thấy được nguồn gốc của khổ đau, nghèo đói, bệnh tật (Tập Đế), và phương cách để chuyển hóa (Đạo Đế) để họ quy hướng, đạt an lạc trong cuộc sống (Diệt Đế) - đó mới là Từ Bi thật sự của Phật giáo. Chính từ tấm lòng người Hoằng pháp như vậy, cuộc sống giảm ưu phiền, bất mãn, từ đó họ cảm thấy cuộc sống tràn đầy tình yêu thương nhân ái
Hơn thế nữa, trên tinh thần bố thí Ba la mật ấy, mọi việc làm đều hướng đến vô chấp, xả bỏ sự chấp chặc vào tài sản, xả bỏ tâm tham của chính mình, không nhớ không nghĩ và không cần báo đáp. Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật dạy có tám căn bản để bố thí: “Vì lòng dục nên bố thí; vì sân hận nên bố thí; vì ngu si nên bố thí; vì sợ hãi nên bố thí; vì nghĩ rằng: Trước tổ tiên đã bố thí, trước đã làm. Ta không xứng đáng là người để truyền thống này bị bỏ phế nên bố thí; vì nghĩ rằng: “Sau khi cho bố thí này, khi thân hoại mạng chung, sẽ được sinh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này” nên bố thí; vì nghĩ rằng: “Khi ta bố thí này, tâm được tịnh tín, do hân hoan, hỷ được sinh” nên bố thí; để trang nghiêm tâm, trang bị tâm, nên bố thí.”[22]
Một vấn đề nữa là nạn tham ô, tham nhũng trong xã hội, cũng thông qua hoạt động từ thiện này, bằng những việc làm thiết thực đóng góp của người giàu chia cho người nghèo, giúp cho những người giàu trong xã hội họ ý thức được tinh thần từ bi, từ đó tình trạng tham nhũng sẽ giảm tối thiểu và đạo đức trong kinh doanh cũng được nhân rộng, không vì lợi ích cá nhân mà hại đồng loại của mình, từ bỏ tham, sân, si để đất nước được ấm no, nhân dân được hưởng hạnh phúc.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, không phải lúc nào hoạt động từ thiện cũng thuận duyên mà đôi khi sự thử thách trong việc bố thí cũng gặp điều bất như ý. Lúc này ta nên dùng tâm hỷ xả, hoan hỷ, không bực bội và từ từ cảm hóa họ. Bài học mà đức Phật dạy Rahula chúng ta nên áp dụng: “Hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán.” [23]
Có thể thấy, hoạt động từ thiện có thể chỉ là một khía cạnh rất nhỏ trong sự nghiệp hoằng pháp. Bởi như đã nói, cuộc sống ngày nay bị đe dọa nguyên nhân tất cả do từ tâm niệm tham, sân, si. Vì vậy, trách nhiệm của một “Sứ giả Như Lai” qua công tác giáo dục mang ý nghĩa vô cùng lớn, đó là cải hóa xã hội từ tâm của chính họ, mỗi người có chất liệu của tâm vô lượng rồi thì từ đó xã hội , thế giới sẽ được an lành, hạnh phúc.
4.2. Hoạt động giáo dục
Hoạt động giáo dục Phật giáo luôn lấy việc giáo dục con người toàn diện làm bổn phận chính cần làm và phải làm trong mọi thời đại, không phân biệt màu da, tiếng nói, chủng tộc. Ngày nay Hoằng pháp thông qua giáo dục không chỉ tập trung trong khuôn viên tự viện mà còn được phát triển rộng ra xã hội từ tầng lớp trẻ, thanh thiếu niên, giới tri thức... Thực tế, con người ta khổ không phải vì không có hay thiếu phương tiện sống, mà khổ vì thiếu cách sống và một hướng đi đúng với bản thân. Do vậy, điều cần thiết và quan trọng nhất của người hoằng pháp là xây dựng lại nếp sống đạo đức cho mọi người thông qua Tứ vô lượng tâm để chuyển hóa mọi người đi theo con đường thánh thiện.
Tiêu biểu như giới trẻ cần được quan tâm nhiều nhất bởi đây sẽ là tầng lớp nồng cốt, phục vụ cho Phật Pháp nói riêng và cho xã hội nói chung. Do vậy, với tâm từ bi, người hoằng pháp phải thể hiện tấm lòng yêu thương để giúp các em nhận ra những giá trị đích thực của cuộc sống, giáo dục đạo đức để các em biết yêu thương nhau từ bạn bè, gia đình đến cộng đồng xã hội.
Bên cạnh đó, cần cho giới trẻ thấy rằng họ luôn được quan tâm, yêu thương, tình trạng bạo lực học đường sẽ giảm thiểu. Tuy nhiên cũng không cố chấp áp đặt họ phải làm như thế này thế kia mà phải dùng tâm hỷ xả bởi hoằng pháp không đơn thuần là truyền đạt kiến thức khô cứng mà đó là một nghệ thuật ươm mầm hạt giống từ bi hỷ xả cho mình và cho người, đồng thời giúp họ thực hiện những điều ấy một cách hiệu quả.
Đó là cách nhà Hoằng pháp thể hiện qua giáo dục giới trẻ bằng tình yêu đích thực của tâm “Từ Bi Vô Lượng, Hỷ Xả Vô Lượng” và cho đến tầng lớp trưởng thành, người lớn quan tâm chăm sóc lẫn nhau, không bạo hành trong gia đình
Bên cạnh đó, khi chia sẻ Phật pháp, người Hoằng pháp phải dùng tâm kiên nhẫn, hoan hỷ, hướng dẫn theo từng bước cụ thể, rõ ràng, không vội, dùng tâm nhẫn nại, làm sao để người tiếp nhận hiểu rõ và ứng dụng. Nếu trong khi chia sẽ, người tiếp nhận quá kém, không vì thế mà nản chí thối lui, ngược lại cần kiên nhẫn hơn để mọi việc hoàn thành. Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật dạy vị Pháp sư phải an trú vào năm pháp: “Ta sẽ thuyết pháp theo tuần tự, ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn, ta sẽ thuyết pháp với lòng từ mẫn, ta sẽ thuyết pháp không phải vì tài vật, ta sẽ thuyết pháp không làm tổn thương cho mình và người”[24]. Đó là tinh thần thuyết pháp mà chúng ta cần ứng dụng cho sâu, rộng.
Mặt khác, giáo dục đạo đức cũng hướng đến nhiều tầng lớp khác nhau như gia đình, những người kinh doanh, vì ham lợi nhuận mà hại đến sức khỏe cho con người, xã hội…Phát triển rộng ra phạm vi thuyết giảng ở các tôn giáo khác, đức Phật khi giáo hóa chúng sinh, đối diện với những người không cùng quan điểm, Ngài không bao giờ dùng quyền lực để áp đặt buộc người nghe theo”.
Tiêu biểu khi giáo đoàn của Ngài đến truyền giáo tại một địa phương xa lạ, với tinh thần bất bạo động và tinh thần vì đạo Pháp quên mình của ngài Phú Lâu Na trong kinh Tương Ưng Bộ: “Nếu người xứ Sunāparanta chửi bới, nhiếc mắng, Ngài vẫn xem họ còn hiền thiện vì họ không lấy tay đánh đập Ngài. Nếu họ lấy tay đánh đập Ngài thì Ngài vẫn cho rằng họ còn hiền thiện vì họ không dùng đất để đánh đập Ngài.. Nếu họ đoạn thân mạng của Ngài với lưỡi kiếm sắc bén, Ngài suy nghĩ: họ đã giúp Ngài bỏ thân ô trược này” [25].
Thật sự là một bài học và kinh nghiệm hữu ích khi ứng dụng vào sứ mạng hoằng pháp độ sinh- một tinh thần từ bi hỷ xã vô lượng. Thiết nghĩ chúng ta - người hành “Như Lai Xứ Tác Như Lai Sự” luôn lấy đó làm phương châm hành đạo trước cuộc sống đầy rẫy sự hận thù vị kỷ trong cuộc sống ngày nay.
http://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-viec-huan-luyen-ngua-trong-kinh-tang-chi-nghi-ve-tinh-khe-co-trong-giao-duc-phat-giao.html4.3. Giáo dục đạo đức môi sinh
Mặt khác, với sứ mệnh hoằng pháp, cuộc sống ngày nay không chỉ diễn ra giữa con người với con người mà còn với các loài khác và môi trường sinh thái. Với hiện trạng môi trường đã nói ở trên, một “Sứ giả Như Lai” phải thể hiện tâm từ bi và giúp người khác ý thức được do chính chúng ta là nguyên nhân gây ra tình trạng môi trường như thế. Giáo lý Duyên Khởi của đạo Phật dạy ta mọi sự vật hiện tượng đều có mối tương quan lẫn nhau mà tồn tại và sinh khởi, con người tốt đẹp thì môi trường trong sạch và ngược lại- môi trường ô nhiễm cũng sẽ tác động đến sức khỏe con người. Môi trường bên ngoài ô nhiễm chính vì môi trường trong tâm bị hư hỏng.
Do vậy, thông qua sự hoằng pháp bằng phương tiện thuyết Pháp, hay công tác từ thiện, chúng ta chỉ họ về việc giữ gìn ngũ giới, không sát hại và tôn trọng sự sống mọi người, mọi loài cho đến cỏ cây. Bằng tâm từ bi, mình phóng sinh và khuyên mọi người phóng sinh, tổ chức những ngày cố định và những chuyến về vùng quê sông nước cho việc phóng sinh, thực tập đời sống thiểu dục tri túc để hạn chế lòng ích kỷ, tâm tham lam, sống hài hòa với thiên nhiên và môi trường sinh thái. Trong Kinh Tăng Chi, đức Phật dạy:
“Vị Thánh đệ tử đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh. Này các Tỳ kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sinh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sinh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sinh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sinh; sau khi cho vô lượng chúng sinh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại... Này các Tỳ kheo, đây là nguồn nước công đức thứ tư, là nguồn nước thiện ... dẫn đến khả ái, khả hỷ, khả ý, hạnh phúc, an lạc”[26].
NHẬN ĐỊNH BẢN THÂN
Đối với cá nhân
Là một “Sứ giả Như Lai”, chúng ta không chỉ có trách nhiệm với xã hội mà còn với chính bản thân mình. Bởi lẽ, với tinh thần “Từ, Bi, Hỷ, Xả”, tuy chúng là bản tâm thường trụ nhưng cũng phải trải qua quá trình rèn luyện, mài giũa và đúc kết kinh nghiệm trong tu tập và trong hoạt động hoằng pháp. Do vậy, không cần phải nói thì ai cũng biết người con Phật bên cạnh là người thật tu thật học còn phải là người thể hiệnthân giáo, thân tướng trang nghiêm, thể hiện trong cuộc sống hằng ngày đó mới là yếu tố tích cực trong công cuộc Hoằng pháp. Mặt khác, như Hòa thượng Thích Minh Châu đã nhận định:
“Một cuộc sống lành mạnh và biết đủ trong một xã hội đầy vật chất như hôm nay là rất cần thiết để chặn đứng các dục vọng thấp hèn làm hạ phẩm giá con người, mặt khác đem lại cho chúng ta một niềm an lạc nhẹ nhàng và hướng thượng. đây là niềm an lạc của một người làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh. Một nếp sống như vậy còn giúp chúng ta có nhiều thì giờ, nhiều tâm huyết để phục vụ lợi ích chung cho đất nước, cho nhân quần xã hội”[27]. Đó là nguyên lý thứ hai mà Hòa thượng đã đề ra khi xây dựng một nền đạo đức mới cho loài người.
Một yếu tố cũng quan trọng không kém là tinh thần phụng sự. Trong lịch sử Phật giáo cho thấy, ngay cả đức Phật còn phải đích thân đến với quần chúng để hóa duyên nhiếp dẫn họ đến với đạo giác ngộ giải thoát, chứ không ngồi đợi quần chúng tìm đến đức Phật. Đây là xuất phát từ Đại bi tâm và tính năng động của đức Phật. Do vậy, chúng ta là “Sứ giả Như Lai”, cần phải chủ động đến với quần chúng để thể hiện trọn vẹn vai trò nhập thế độ sinh, tích cực và hy sinh.
Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh nêu rõ “Hãy can đảm nhìn vào hiện thực, can đảm nhận thức những thực trạng không tốt đẹp, can đảm phát đại nguyện ly khai danh vọng, quyền lợi, dứt bỏ thành kiến và từ chối tâm niệm cầu an, để có thể tự nhận sứ mệnh hoằng dương phật pháp một cách hang hái, chân thành”[28]. Người tu sĩ thời nay cần phải năng động triển khai tinh thần nhập thế một cách khoa học và hợp lý, từ đó nắm bắt được tâm lý, xây dựng nhiều mô hình thích hợp.
Đối với xã hội
Từ nhu cầu thực tế và thực trạng cuộc sống ngày nay, “Sứ giả Như Lai” cần phải hướng đến xây dựng những mô hình hoằng pháp mà hiện nay chỉ một số chùa áp dụng nhưng rất hiệu quả về sự thu hút tín đồ về phụng sự với tinh thần Tứ Vô Lượng Tâm. Và đây cũng chỉ là những nhận định của bản thân người viết.
Thứ nhất cần xây dựng mô hình giáo dục phù hợp với từng độ tuổi, đa dạng hóa các chương trình tu học, sinh hoạt, kết hợp mô hình vui-tu-học. Bên cạnh đó, những khóa tu dành cho người trẻ trong dịp hè, những hội trại do Phật giáo tổ chức cần được nhân rộng và phát triển, đáp ứng đúng nhu cầu của cuộc sống. Nhập thế, dắt dìu người trẻ bước qua nỗi khổ niềm đau, có một lý tưởng sống cao đẹp, đạo đức, bắt nguồn từ việc khơi dậy tình cảm gia đình, lòng hiếu thảo qua những mô hình giáo dục là nhu cầu cấp bách trước xã hội hiện nay.
Mặt khác, với tâm từ bi vô lượng hướng đến tất cả chúng sinh, chúng ta nên vận động nhiều chương trình thiết thực hơn nữa như cấp học bổng cho sinh viên khó khăn, tuyên dương những em hiếu thảo, học giỏi, vượt khó, vận động những chuyến đi đến vùng xa xôi hẻo lánh... Đó là động lực, là nguồn an ủi cho các em, cho người nghèo sống vui sống tốt và khơi dậy lòng từ bi của các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm, đại thí chủ… Từ sự hòa quyện như thế thì tinh thần đạo Phật sẽ được thể hiện rõ trong nếp sống từ bi, hỷ xả cho mọi người và xã hội. Bên cạnh đó cũng tổ chức nhiều chương trình trí tuệ giáo lý Phật đà, những buổi giao lưu để nói lên tâm nguyện, ước mong và những buổi sinh hoạt bổ ích.
B. KẾT BÀI
Có thể nói, qua những nghiên cứu trên, ta thấy nhận định của Giác Dũng hoàn toàn đúng: “Nếu như trung và thứ là sợi chỉ màu xuyên suốt tư tưởng triết học của Khổng Phu Tử thì hạnh phúc và an lạc là cốt lõi, là hằng số bất biến của đạo đức Phật giáo”[29]. Chúng ta là người gánh vác sứ mạng truyền trì mạng mạch Phật pháp và là người trực tiếp đảm đương trọng trách “Tác Như Lai sứ - Hành Như Lai sự”
Cần phải khơi dậy và phát triển bốn đức hạnh “Từ- Bi- Hỷ- Xả” một cách thường xuyên, để tâm hồn chúng ta lúc nào cũng rộng mở, sẵn sàng đón tiếp và hóa giải những nỗi niềm bất hạnh khổ đau nơi nhân thế”. Bởi lẽ “Chỉ có tinh thần cởi mở, từ ái, khoan dung, sáng suốt theo Phật giáo mới giúp cho con người giải quyết được những vấn nạn hiện tại và thiết lập được cho cộng đồng nhân loại một tương lai hòa bình, hòa hợp, phát triển, an lạc lâu dài. Và thành quả của việc thực hiện Tứ Vô Lượng Tâm sẽ tạo nên sự đoàn kết, tương trợ, cũng như mở ra một giá trị đạo đức vĩnh hằng trong cuộc sống con người, đó là tình thương yêu cho muôn loài, mọi giới cùng chung sống hạnh phúc dài lâu trong ngôi nhà chung trong lành, tươi đẹp”[30]
Hơn thế nữa, trong thời đại ngày nay, chúng ta cần phát huy tính năng động hai mặt của giáo lý Tứ vô lượng tâm. Một mặt là công việc hành trì cá nhân nhằm trau dồi các đức tính tích cực của tâm. Mặt khác là trách nhiệm của cá nhân chúng ta đến đối tượng thực hành chung cho cộng đồng. Lộ trình đi từ sự tinh tế của ý thức cá nhân đến việc chia sẻ nó trong phạm vi của mối tương hệ, là một hành động nên được áp dụng vào các hoạt động thực tế. Quả thật, cuộc sống của nhân loại, của trái đất này, hơn bao giờ hết, rất cần có càng nhiều càng tốt những con người sống với tinh thần Tứ Vô Lượng Tâm, rất cần có những quốc gia thấm nhuần ảnh hưởng sâu sắc của pháp Tứ Vô Lượng Tâm.
Thực tế trên cho thấy, tinh thần dấn thân nhập thế của Phật giáo đã nói lên vai trò tích cực của mình trong đời sống xã hội đương đại, không những tạo ra các giá trị chân chính đóng góp thiết thực vì lợi ích tha nhân mà còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị truyền thống và bản chất của đạo Phật. Vậy thì “Thế hệ chúng ta phải đảm nhiệm trọng trách hiện đại hóa phật giáo, thổi phồng những luồng sinh khí mới vào cho đạo Phật để đạo Phật còn mãi là đạo Phật, nghĩa là còn biểu hiện được cho dòng sinh hoạt trí tuệ từ bi và đại hung đại lực mà đức Phật đã khai mở hơn hai nghìn năm trăm năm trăm năm trước”[31].
Trước thực trạng xã hội ngày nay như càng thúc giục bản thân người viết nói riêng và tất cả người con Phật nói chung luôn hòa mình, dấn thân phục vụ với tâm nguyện: “Nơi nào chúng sinh cần ta đến, nơi nào đạo Pháp cần ta đi, không kể gian lao, chẳng từ khó nhọc” cũng như lời phát nguyện của Đức vua Sanghabodhi xứ Sri Lanka “Tấm thân bằng thịt bằng máu mà tôi mang đây, chỉ để làm cho thế gian được an lành và hữu phước”[32].
Một triết lý thiết thực, một nhân cách cao đẹp “Từ- Bi- Hỷ- Xả” của những người con Phật vì lý tưởng phục vụ nhân sinh, xã hội. Do vậy, chúng ta cần trầm tư về đại nguyện và tinh thần “đi vào đời” để hoàn thành sứ mạng như lời dạy bảo của đức Bổn Sư: “Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại... Hãy phất lên ngọn cờ của bậc Thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ”.[33]
Thích Nữ Diệu Huệ - Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
-------------CHÚ THÍCH
[1] Nārada Mahā Thera (2013), Đức Phật và Phật Pháp” Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, tr.285 [2] Kinh Tương Ưng (2014), Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Tương Ưng Ác Ma- Bẫy Sập, VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo, tr. 178 [3] Thích Trí Quảng (2008), Phật giáo nhập thế và phát triển, Tập 1, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr. 279 [4] Thích Minh Châu (2012), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm, tr. 54 [5] Thích Trí Quảng (2008), tr. 279 [6] C. S. Queen-S. B. King (Ed) Engaged Buddhism Buddhist Liberation Movements in Asia, New York: State University of New York Press, 1996, p. 34, n.6 [7] Trích từ tài liệu giáo thọ TT. TS. Thích Đồng Thành [8] Từ Điển Phật Học Huệ Quang (2010), Quyển 5, Thích Minh Cảnh (Chủ Biên), Tp.HCM: Nxb Tổng Hợp Tphcm, tr. 4897 [9] Nārada Mahā Thera (2013), Sđd, tr. 624 [10] Thích Thiện Siêu (2006), Đại cương luận Câu Xá, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr.552 [11] Kinh Trung Bộ (2012), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Kinh Subha, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr.252 [12] Thích Minh Châu (2012), Sđd, tr. 181 [13] Thích Trí Quảng (2008), Sđd , tr. 285 [14] Kinh Trung Bộ (2012), Tập 1, Sđd , tr.127 [15] Walpola Rahula (2000), Đức Phật đã dạy những gì, Thích Nữ Trí Hải (Dịch), Hòa Thượng Thích Minh Châu (Giới Thiệu), Hn, Nxb Tôn Giáo, tr.201 [16]Thích Trí Quảng (2008), Sđd, tr. 285 [17] Kinh Pháp Hoa (2012), Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (Hán Dịch), Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (Việt Dịch), Quyển 4: Phẩm “Pháp Sư” Thứ Mười, Tr. 246 [18] Hòa Thượng Thích Giác Toàn, “Đôi nét về hoạt động từ thiện trong thời hội nhập”, Trích trong: “Nhập Thế Và Từ Thiện”, Nguyệt San Giác Ngộ, Số 160, Tháng 7- 2009, Pl.2553 [19] Tứ Nhiếp Pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự [20] Kinh Tương Ưng (2016), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Chương 3, Tương Ương Niệm Xứ, Phẩm Nàlanda- IX. Sedaka, hay Ekantak , Hn: Nxb Tôn Giáo, tr. 581 [21] Lý Tứ Diệu Đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế Và Đạo Đế [22] Kinh Tăng Chi (2015), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Chương Tám:Tám Pháp- Phẩm Bố Thí, Phần III: Căn bản để bố thí, Hn: Nxb Tôn Giáo Tr.352 [23] Kinh Trung Bộ (2012), Tập 1, Sđd, tr.515 [24] Kinh Tăng Chi (2015), Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Chương V: XVI: Phẩm Diệu Pháp, Phần Tôn Giả Udāyi, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr. 771 [25] Kinh Trung Bộ (2012), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Kinh Giáo Giới Phú- Lâu- Na, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr.611 [26] Kinh Tăng Chi (2015), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Chương Tám:Tám Pháp- Phẩm Bố Thí- IX: Nguồn Nước Công Đức, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr.360 [27] Thích Minh Châu (2012), Sđd, tr.185 [28] Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Sài Gòn: Nxb Lá Bối, Tr. 111 [29] Giác Dũng (2003), Phật Việt Nam-Dân tộc Việt Nam, Hn: Nxb Tôn Giáo, tr. 3,4. [30]Thích Trí Quảng (2008), Sđd, tr. 287 [31] Thích Trí Quảng (2008), Sđd, tr. 111 [32] Nārada Mahā Thera (2013), Sđd, tr. 580 [33] Narada Mahā Thera (2013), Sđd, tr. 117. THƯ MỤC THAN KHẢO TÀI LIỆU GÓC Kinh Tăng Chi (2015), Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo Kinh Tăng Chi (2015), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo Kinh Tương Ưng (2014), Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), VNCPHVN: Nxb Tôn Giáo Kinh Tương Ưng (2016), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo Kinh Trung Bộ (2012), Tập 1, Thích Minh Châu (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo Kinh Trung Bộ (2012), Tập 2, Thích Minh Châu (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo Kinh Pháp Hoa (2012), Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập (Hán Dịch), Hòa Thượng Thích Trí Tịnh (Việt Dịch) TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU S. Queen-S. B. King (Ed) Engaged Buddhism Buddhist Liberation Movements in Asia, New York: State University of New York Press, 1996, p. 34, n.6 Giác Dũng (2003), “Phật Việt Nam-Dân Tộc Việt Nam”, Hn: Nxb Tôn Giáo Hòa Thượng Thích Giác Toàn, Đôi Nét Về Hoạt Động Từ Thiện Trong Thời Hội Nhập, Trích trong: “Nhập Thế Và Từ Thiện”, Nguyệt San Giác Ngộ, Số 160, Tháng 7- 2009, Pl.2553 Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, Sài Gòn: Nxb Lá Bối Nārada Mahā Thera (2013), “Đức Phật và Phật Pháp”, Phạm Kim Khánh (Dịch), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm Từ Điển Phật Học Huệ Quang (2010), Quyển 5, Thích Minh Cảnh (Chủ Biên), Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm Thích Minh Châu (2012), Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Tphcm: Nxb Tổng Hợp Tphcm Thích Thiện Siêu (2006), “Đại Cương Luận Câu Xá”, Hn: Nxb Tôn Giáo Thích Trí Quảng (2008), “Phật Giáo Nhập Thế và Phát Triển”, Tập 1, Hn: Nxb Tôn Giáo Trích từ tài liệu giáo thọ TS. Thích Đồng Thành Walpola Rahula (2000), “Đức Phật đã dạy những gì”, Thích Nữ Trí Hải (Dịch), Hn: Nxb Tôn Giáo.
Bình luận (0)