Thích Thiện Hưng Học viên Cao học Khoá II tại Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022
DẪN NHẬP: Viên Giác là kết quả tu tập tối thượng để thấu suốt vô minh, sáng tỏ bản giác trong tâm của mỗi người vốn đã bị che lấp, để đạt được bản trí sáng suốt nơi tự tính ấy, đòi hỏi quá trình tu tập tinh tấn của mỗi hành giả. Trong Kinh Viên Giác, đức Thế Tôn chỉ bày về phương pháp đốn tu và tiệm tu để làm căn bản cho quá trình nhìn nhận và đánh giá bản thân trên chặng đường tu tập, lựa chọn pháp môn thích hợp để ứng dụng vào lộ trình tu tập của mỗi hành giả. Từ khóa: hành giả, tu tập, kinh Viên Giác, đức thế tôn….
1. Giải thích đề mục Kinh Viên Giác
Kinh Viên Giác nói đầy đủ là: Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh, tiếng Phạn là “Mahāvaipulya pūrnabuddhasūtra prasannārthasūtra”, tên bằng tiếng Anh là “The Great Corrective Extensive Perfect Enlightenment Sutra of the Complete Doctrine”.
Đại không phải phản nghĩa đối với tiểu; cũng không phải trước tiểu sau đại. Đại như thế là đại có hạn lượng, có thỉ có chung. Đại ở đây có nghĩa là thù thắng, là tuyệt đối, vì thể chân thật của nó rộng lớn bao trùm khắp pháp giới (dharma dhātu). Đại đây là bản đại, là bản thể của vạn pháp, chính ý nghĩa này mới được mệnh danh là Đại.
Phương nghĩa là xứ sở. Ở đây Phương được hiểu theo 2 nghĩa sau: Thứ nhất là phương sở, ý nghĩa này biểu thị cho không gian địa lý như Đông-Tây-Nam-Bắc, tứ duy thượng hạ. Thứ hai là phương thể, nghĩa là biểu thị cho thời gian. Nói tóm lại, Phương ở đây có nghĩa là biểu thị cho không gian, thời gian, mọi sự trong vũ trụ đều được thâu tóm trong đây không thiếu sót.
Quảng nghĩa là rộng rãi, không có ranh giới; vì kinh Đại thừa về: văn - nghĩa, sự - lý nhất nhất đều sâu rộng, bao la khó đo lường được.
Phương Quảng (vaipulya) hay cũng được gọi là Phương Đẳng. Tiếng Phạn là vaipulya (Tỳ-Thất- La) là một Kinh thuộc về Đại Thừa. Phàm Kinh thuộc Đại Thừa đều gọi là Phương Quảng. Một chữ Phương đã thâu nhiếp tất cả vũ trụ và Thế giới, thâu tóm tất cả sự vật, cho nên đặt một chữ “Phương” thì vũ trụ vạn Pháp cho đến tất cả sự vật đều thâu nhiếp hết. “Quảng” là để nói phương nó rộng xa vô cùng. Song Kinh điển Đại thừa hoặc văn, hoặc nghĩa, hoặc sự, hoặc lý nhất nhất đều quảng bác, cho nên gọi là Phương Quảng.
Đại Phương Quảng (Mahāvaipulya) nghĩa là cực kỳ cao rộng, là một trong mười hai loại khế Kinh. Kinh này thuộc về thể loại ấy. “Đại Phương Quảng” ý nói đến nghĩa lý Đại thừa bát ngát mênh mông, không thể đem tình thức mà lường được thâm ý của Kinh, chỉ có thể dùng trực giác Bát nhã không qua trung gian suy luận thì mới có thể thẩm thấu được nội dung bản Kinh này. Nó cũng có nghĩa là rộng rãi, mênh mông, lớn trùm khắp cả hư không pháp giới. Đây là nghĩa lý Đại thừa, tối thượng thừa và quả chứng phải là Phật quả chứ không phải A-la-hán quả.
Viên Giác (Pūrnabuddha, Perfect Enlightenment), “Viên” tức là viên mãn (đầy đủ, trọn vẹn); “Giác” tức là Bồ đề. Viên mãn Bồ đề tức là Phật quả bởi đã xa lìa được tất cả những lầm lỗi, đầy đủ tất cả công đức. Viên minh Giác liễu (trọn sáng thấu suốt) gọi là Viên Giác. Không những vậy, tính viên giác là một tính mà tất cả các pháp đều bình đẳng chân như, cũng là một tính chân như bình đẳng của tất cả chúng sinh. Cho nên, một danh hiệu Viên giác thì tất cả pháp tính và tất cả chúng sinh tính đã bao quát hết, vì nó là một pháp chân như bình đẳng.
Viên giác nghĩa là tuệ giác hoàn toàn, tròn đầy, viên giác vừa là năng chứng bồ đề, vừa là sở chứng chân như, quan trọng hơn cả “viên giác” là bản giác, thỉ giác và cứu cánh giác vậy.
Đại Phương Quảng Giác nghĩa là tính viên giác tròn đầy rộng lớn không ngằn mé, trùm khắp pháp giới, vượt ngoài không gian và thời gian, là nguồn gốc sinh ra muôn pháp, diệu dụng không thể nghĩ lường.
Tu Đa La (Sutra) dịch ý là Kinh hay khế Kinh. Khế Kinh là hợp nghĩa lý, hợp căn cơ. Nguyên nghĩa tiếng Phạn “Sutra” là tuyến (dây), đại khái ghi chép lời Phật dạy trên lá, lấy dây buộc lại, làm thành thứ tự mạch lạc, truyền lại cho đời sau, cho nên gọi là Kinh. Đề tựa Tu Đa La để phân biệt với Luật và Luận.
Liễu Nghĩa Kinh nghĩa là đầy đủ, trọn vẹn, là cứu cánh, là chân thật thuyết.
Như vây, tựa đề Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh có nghĩa là Kinh Viên Giác là Kinh liễu nghĩa trong các Kinh, thuộc loại đại phương quảng và chỉ có chữ Viên giác mới thật là tên của Kinh này, các chữ trên và dưới chữ ấy chỉ cốt làm tăng thêm ý nghĩa cho thấy Kinh này rất cao tột.
2. Phương pháp Đốn tu và Tiệm tu qua lăng kính Kinh Viên Giác
Vì tính chất cao tột và diệu nghĩa bản Kinh, nên đức Thế Tôn đã mở bày ra phương tiện “đốn tu” và “tiệm tu” để ứng với mỗi hạng chúng sinh đều có pháp hành tương ứng. Có hai loại căn cơ: Tiệm cơ là tu hành từng bước từng bước, khai ngộ từ thấp lên cao. Đốn cơ là hiểu ngay lập tức, hốt nhiên khai ngộ. Mặc dù trên mặt nghĩa lý về văn tự, Kinh này chủ yếu dành cho người căn cơ viên đốn, lanh lẹ, đủ sức đi thẳng vào Đại thừa Viên Giác.
Tiệm là do căn cơ bậc trung và hạ chưa thể ngay tức thời mà tin và ngộ diệu lý của Viên giác cho nên trước hết nói về Nhân thiên thừa, Tiểu thừa cho đến Pháp tướng (trên đây đều là Giáo thuyết thứ nhất), rồi Pháp tướng (Giáo thuyết thứ hai), đợi đến khi căn khí thành thục bấy giờ mới nói nghe giáo nghĩa rốt ráo, chân thật (liễu nghĩa), ví như các Kinh Pháp Hoa, Niết Bàn…
Đối với hàng phàm phu thuộc hàng lợi căn, lợi trí thì chỉ thẳng pháp chân thật (trực thị); người nghe liền tỏ ngộ ngay lập tức (đốn ngộ), hoàn toàn đồng nhất với quả vị Phật. Như trong Hoa Nghiêm, khi vừa mới phát tâm tức thì chứng đắc Bồ đề. Trong kinh Viên giác, khi quán hạnh thành tức thì thành Phật đạo. Tuy nhiên, bắt đầu từ chỗ đồng với pháp môn tu hành trong hai giáo trước, rồi dần dần trừ bỏ tập quán phàm phu mà dần dần thành tựu hiển lộ đức của Thánh.
Ví như gió thổi động mặt hồ khiến mọi hình ảnh phản chiếu không được rõ ràng, khi gió đột nhiên ngừng dứt (đốn tức) thì mặt nước lặng dần và các ảnh tượng cũng được phản chiếu rõ ràng (gió dụ cho vô minh; hồ dụ cho tâm tính sáng ngời; sóng, mặt nước dao động dụ cho phiền não; ảnh dụ cho sự dụng công).
Trên cơ sở những tìm hiểu về Đốn và Tiệm trên, dưới lăng kính của Kinh Viên Giác cho thấy: Kinh Viên Giác là bộ kinh nói đến sự giác ngộ viên mãn, tức là nhận ra được chân tâm của mình. Đây là bộ Kinh được đức Thế Tôn chỉ dạy cho hàng Bồ Tát căn cơ viên đốn (sự giác ngộ tròn đầy, nhanh chóng trong tích tắc mà không qua thứ lớp tu tập nào) để đi thẳng vào Phật đạo và chỗ đến là Phật quả. Nên trong Kinh sắp xếp tuần tự thứ lớp từ Đốn đến Tiệm, qua mười hai quả vị Bồ Tát tu hành theo lời Phật dạy để cuối cùng đến Phật quả.
Tu học Kinh Viên Giác cần phải lưu ý những bước sau: Đầu tiên là phải tịnh tâm. Tiếp đến lìa ý thức phân biệt. Sau đó tập trung tịnh trí mà nghe học, thì mới tiếp thu yếu lý của Phật được. Nếu không làm như vậy thì không có thực tâm tha thiết, thì chúng ta không thể nào hiểu thấu nghĩa lý thâm sâu của ý và lời của Kinh Viên Giác.
Nếu có suy nghĩ rằng, cần dứt hết vọng niệm để được Tâm Viên Giác (Chân Tâm) thì sai bản tính tu tập rồi; phải ở ngay vọng niệm đó mà liễu hội được cái vọng thì ngay đó là chân. Sự liễu hội này là dùng trí tính sáng suốt để thấy, chớ không phải bằng “vọng thức phân biệt”. Lúc này vọng sẽ biến thành chân, còn thức biến thành trí. Đây là tinh thần của “đốn ngộ”, cho nên không trừ vọng, mà cũng không cầu chân. Đấy là lý Trung Đạo.
Nếu chúng ta khởi tâm dứt trừ vọng, thì ngay đó là “vọng tâm” rồi, bởi vì, đem cái vọng hay biết (thức) để dứt trừ cái vọng bị biết (vật và cảnh) thì cái hay biết này cũng là “vọng”. Vì vậy, Viên Giác (hay Chân Tâm) là cái biết của Tự Tính (Chân Tâm) sẵn có, chớ không phải vận dụng học hỏi, tu tập mà được biết. Cho nên, khi đã liễu ngộ rồi thì cứ theo sự vận hành mà tùy duyên thọ dụng: đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì ngủ, …
Còn chưa liễu ngộ (tức chưa thấy được Chân Tâm, Phật Tính của mình) thì phải nương vào công phu như: Thiền định để tâm vắng lặng, tu tập các công hạnh, niệm Phật chỉ là những phương tiện thiện xảo của “Hoá thành dụ”.
Nhưng khi chúng ta đã tiến sâu vào các pháp môn tu này, nếu đã được trí-tuệ thì cũng tỏ ngộ được Chân Tâm (Viên Giác) của mình, y như người có căn viên đốn. Lúc này cũng áp dụng theo tùy duyên mọi sự vận hành của sự vật mà ứng dụng cho thích nghi, không gắng gượng tu, cũng không miễn cưỡng tu. Bởi chân lý Đạo vốn không tu, mà ta cưỡng tu thì không được. Đạo vốn không vận dụng mà ta vận dụng thì không phù hợp với Tự Tính (Chân Tâm).
3. Nhận thức của bản thân về phương pháp Đốn tu và Tiệm tu
Tu tập và hành trì trong pháp giới trùng trùng duyên khởi, không có vấn đề đốn hoặc tiệm, nhanh hoặc chậm, tức thời hoặc tiến theo thứ lớp. Vấn đề đốn hoặc tiệm, tức thời hoặc tiến theo thứ lớp là do vô minh nghiệp thức của chúng ta nhiều hay ít, sự phá tan vô minh che chướng ấy nhanh hay chậm. Nhưng vô minh thì có thể phá tan được vì vô minh là duyên sinh hợp tạo, ngoại sinh, hiện hữu tạm thời (vô thường), không có thật tính (vô tự tính không), không có bản thể riêng (vô ngã) và là nguyên nhân khởi nguồn của khổ đau (khổ).
Hai pháp môn tiệm và đốn là hai mặt của một thể: đốn là do tiệm mà tới đốn; tiệm là nhân đốn mà có tiệm. Đốn là điểm đột phá cuối cùng của một niệm hay là sự thành thục, chín mùi của cái duyên cuối cùng… Cũng như, một quả trứng gà đã được ấp hai mươi ngày, nếu con gà con không đủ sức để phá vỡ vỏ trứng thì gà mẹ mổ nhẹ một cái là con gà con thoát ra khỏi vỏ trứng ngay. Gà mẹ mổ là cái duyên cuối cùng giúp cho gà con thoát khỏi vỏ trứng. Chúng ta học Phật cũng vậy, nhờ nhân duyên các đời trước, căn cơ đã được bồi dưỡng sâu dày, cho nên đến đời này, mới nghe qua vài ba câu của đạo đã bừng tỉnh và vượt phàm, bước ngay vào hàng ngũ bậc Thánh. Vì vậy, cái gọi là đốn ngộ cũng không có gì là thần bí cả.
KẾT LUẬN
Qua bản Kinh Viên Giác chúng ta thấy, nếu đứng ở quả vị Phật mà nhìn chúng sinh thì tất cả chúng sinh đều có đầy đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, đều có khả năng thành Phật. Phật xem chúng sinh là bình đẳng với Phật, đó chính là đốn giáo. Nếu đứng ở lập trường chúng sinh mà nhìn Phật thì chúng sinh tuy có khả năng thành Phật, nhưng muốn thành Phật thì phải qua một thời gian dài tu hành, kinh qua năm mươi hai thứ bậc mới đạt tới quả vị Phật, đó là nói về tiệm giáo. Khi công phu tiệm tu được tròn đầy thì quả vị Phật cũng được thành tựu.
Nói tóm lại, vấn đề tìm hiểu về Đốn tu và Tiệm tu qua Kinh Viên giác cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về quá trình tu tập, nhận thấy được bản tính chân như viên giác luôn hằng hữu ngay trong tự thân của mình, để có niềm tin vững chắc hơn về con đường tu tập mà chúng ta đang theo và thực hành.
Thích Thiện Hưng Học viên Cao học Khoá II tại Học viện PGVN tại Huế Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2022 ***TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. HT. Thích Trí Quang (dịch) (1994), Kinh Viên giác, NXB Thành phố Hồ Chí Minh. 2. HT. Thích Thiện Hoa (2011), Phật học phổ thông - quyển 1, NXB Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh. 3. HT. Tuyên Hoá lược giảng (2013), Lục Tổ Đàn Kinh, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 4. HT. Thích Trí Quang (dịch) (2017), Kinh Pháp Hoa - tập 1, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 5. HT. Thích Trí Quang (dịch) (2017), Văn Thuỷ sám, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 6. HT. Thích Thanh Từ (2018), Kinh Viên giác giảng giải, NXB Hồng Đức, Hà Nội. 7. Đoàn Trung Còn - Huyền Mặc Đạo Nhơn (2020), Pháp Bảo Đàn Kinh, NXB Tôn giáo, Hà Nội. 8. HT. Thích Thích Đôn Hậu giảng dạy, HT. Thích Giới Hương tuyển tập, Pháp Bảo Đàn đàm thoại - Phẩm 8: Đốn Tiệm.
Bình luận (0)