Tác giả: Đại đức Thích Hữu Đạt Chùa Bửu Sơn, 24 Xóm Vôi, Phường 14, Quận 5, Tp.HCM
A. DẪN NHẬP
Trong suốt 49 năm, với lòng từ bi bao la yêu thương chúng sinh, Ngài đã ân cần hành đạo chuyển pháp luân, hoằng hóa độ sinh. Tùy theo căn cơ, nhân duyên của họ mà Ngài đã truyền trao mọi tinh hoa chân lí mà Ngài đã giác ngộ dưới cội cây Bồ đề. Tuy nhiên, giáo pháp của Phật là giáo pháp thậm thâm vi diệu, không phải ai cũng có thể nhận ra được, chính vì thế mà Như Lai đã quyền khai “Phương Tiện” nhằm đưa hết chúng sinh đạt đến sự Giác ngộ rốt ráo viên mãn.
Mặt khác, hầu hết tất cả những giáo lí hay lời dạy của đức Phật đều chỉ dẫn cho chúng ta quay trở về với bản tâm thanh tịnh vốn có của mình, Ngài từng khẳng định “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”, nhưng vì sự trói buộc của vô minh, tham ái và chấp thủ đã khiến cho chúng sinh không thể nhận ra được chân lí của vạn pháp, và để tìm về được “bản tâm thanh tịnh” ấy không gì hơn bằng pháp “Phương Tiện”.
Kế thừa tư tưởng ấy, Phật Giáo Đại Thừa đã ứng dụng “Phương Tiện” một cách linh hoạt và triệt để, nhưng đồng thời cũng không rời xa bản hoài và lí tưởng của Đức Phật. Phật Giáo Đại Thừa tuy hình thành sau hơn so với các truyền thống Phật Giáo khác, những sự phát triển một cách mạnh mẽ, rộng rãi trong quần chúng và những giá trị lợi ích thiết thực cho nhân sinh là điều hiện thực.
Trong khuôn khổ bài viết này, với sở học còn kém cỏi, người viết tập trung đến hai vấn đề chính, đó là: Giới thiệu về Phật giáo Đại thừa và khái niệm “Phương tiện” trong hệ thống Phật diáo Đại thừa, nhằm làm sáng tỏ hơn tầm quan trọng của “Phương Tiện” trong Phật giáo Đại thừa.
B. NỘI DUNG
Chương 1: Giới thiệu về Phật giáo Đại thừa
1.1. Sự ra đời của Phật giáo Đại thừa
Trước tiên chúng ta cần hiểu rõ “Đại thừa” nghĩa là gì? Theo “wikipedia”[1] Đại thừa (tiếng Phạn: महायान,mahāyāna; chữ Hán: 大乘), phiên âm Hán Việt là Ma-ha-diễn-na (摩訶衍那) hay Ma-ha-diễn (摩訶衍), tức là cỗ xe lớn hay còn gọi là Đại Thặng tức là bánh xe lớn; là một trong hai trường phái lớn của Phật Giáo, phổ biến tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong “lược sử Phật giáo Ấn Độ” của Hòa thượng Thanh Kiểm cũng định nghĩa tương tự như sau: “Tiếng Phạn gọi Đại thừa là Mahāyāna, ví như cỗ xe vận tải lớn, chở được nhiều người; ... . Chữ Thừa có ý nghĩa là vận chuyển chúng sinh từ bến mê tới bờ giác.”[2], ở đây có thể hiểu nghĩa “Đại thừa” cũng giống như hình ảnh con thuyền lớn, nơi chuyên chở hết tất cả mọi người, mọi chúng sinh, không phân biệt giai cấp, truyền thống, văn hóa, hệ phái, ... cùng nhau vượt qua biển khổ sinh tử, đến bờ giải thoát an vui.
Đề cập đến sự hình thành của Phật giáo Đại thừa, đã có nhiều quan điểm cho rằng vẫn chưa xác định được thời gian ra đời của Phật Giáo Đại Thừa. Một phần là do không có quá nhiều sự khác biệt giữa hai tư tưởng Tiểu thừa và Đại thừa vào thời kỳ đó, cũng như những tàn tích còn để lại còn rất ít. Tuy nhiên, cũng có thể dựa vào giai đoạn hình thành Kinh điển Đại thừa thì có thể tạm xác định được. Trong tác phẩm “Ấn Độ Phật học nguyên lưu giảng lược” của Lữ Trừng đã nhận định điều này như sau: “Niên đại phát sinh tư tưởng Đại thừa, hiện tại chưa thể xác định, nhưng nó phải đi song hành với Kinh điển Đại thừa, thế nên, mọi người bắt đầu bàn từ Kinh điển của Đại thừa”[3]. Lại nữa, Lữ Trừng cũng khẳng định cho rằng “Kinh điển Đại thừa xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất CN”[4], như chúng ta biết Phật Giáo Đại Thừa được truyền từ Ấn Độ, vì thế Kinh điển Đại Thừa Phật Giáo phải xuất hiện trước khi các nhà dịch giả Trung Quốc như Ngài Chi Lâu Ca Sấm (支婁迦讖) sang Tây Vực vào “giữa thế kỷ thứ hai CN”[5], từ những điểu này chúng ta càng chắc chắn rằng Phật Giáo Đại Thừa ra đời vào thế kỷ thứ nhất CN.
Để khái quát hơn về sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa, căn cứ vào tác phẩm “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ” do Thích Nguyên Hiệp dịch thì “có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của Phật giáo Đại thừa”[6]; nguyên nhân đầu tiên đó là từ “Phật giáo Nikāya” hay “Phật giáo Bộ Phái”: Chúng ta phải thừa nhận rằng Phật Giáo Đại Thừa được xây dựng trên nền tảng của Phật Giáo Nikāya, bằng chứng đó là các tác phẩm quan trọng như “Đại trí độ luận”[7] (Phạn âm: Mahàprajĩàpàramitazastra-T 1509; chữ Hán: 大智度論),bộ gồm 100 quyển, do “Bồ Tát Long Thọ” soạn hay như “Đại phẩm bát-nhã”[8] (Phạn âm: Pañcaviṃśatisāhasrikā prajñāpāramitā-T 223; chữ Hán: 大品八若經), đều có những điểm tương đồng liên quan đến học thuyết của “Nhất Thiết Hữu Bộ”. Điều thứ hai đó là bắt nguồn từ văn học viết tiểu sử về Đức Phật, các nhà tư tưởng cụ thể là phái “Tán Phật thừa” dựa trên nền tảng của văn học Phật Giáo Nikāya vì muốn ca ngợi, tán thán Đức Phật mà phát triển, biến tấu câu chuyện về cuộc đời Ngài vượt ra ngoài những điều ghi chép trong Kinh điển. Điểm thứ ba đó là do tín ngưỡng phụng thờ tháp, trong Kinh “Đại Bát Niết Bàn” có nói: “nếu thấy Xá Lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết Bàn.”[9], chính vì thế sau khi đức Phật nhập Niết Bàn vì muốn tạo nhân duyên, phước đức cho tất cả chúng sinh, nên hầu hết tất cả các Xá lợi của Ngài đều được “tôn trí vào tám bảo tháp được xây dựng ở Trung Ấn”[10] để cho các tín đồ Phật Giáo và không phải Phật Giáo cùng chiêm bái, lễ lạy. Cũng chính từ điều này dần về sau trong “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ” của Nguyên Hiệp cho rằng đã phát sinh ra nhiều vấn đề gây trở ngại cho đời sống tu tập của Tăng sĩ nên cần phải giải quyết, điều đó càng khiến cho sự ra đời của Phật giáo Đại thừa là cần thiết. Thêm một yếu tố nữa đó là từ bối cảnh xã hội thời bấy giờ, theo Lữ Trừng trong ”Ấn Độ Phật hoc nguyên lưu giảng lược” cho rằng: Đương thời, có hai vương triều Án Đạt La (案達羅) và Cấp Đa (級多) đã có sự thống nhất với nhau trên nhiều phương diện về chính trị, nhưng cả hai vương triều này lại không ủng hộ cho Phật Giáo nhiều, chính vì thế càng thúc đẩy cho sự hình thành của Đại thừa Phật giáo nhằm hướng đến những giai cấp ủng hộ mình trong quần chúng.
Như vậy, từ những dữ kiện trên có thể thấy Phật giáo Đại thừa ra đời vì sứ mệnh mang ánh sáng Phật Pháp đến với tất cả chúng sinh, cũng như dẫn dắt chúng sinh đến với bờ Giác ngộ, bên cạnh đó nhằm đáp ứng những điều cần thiết để duy trì và phát triển Phật Giáo sau này.
1.2. Những đặc trưng của Phật giáo Đại thừa
Nét đặc trưng khác biệt đầu tiên giữa Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Tiểu Thừa đó chính là sự khác nhau về giáo lí “Tam Thân” hay quan niệm về thân của Đức Phật, các nhà Đại Thừa Phật Giáo cho rằng, Đức Thế Tôn có ba thân: Một là “Ứng thân”: là thân huyết nhục do cha mẹ sinh ra, đầy đủ những đức tính của một con người bình thường và chịu sự chi phối từ chính điều ấy; hai là “Báo thân”: là thân có đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp dùng để thuyết pháp cho hàng Đại Thừa Bồ Tát; thứ ba là “Pháp thân”: là thân có vô lượng vô số hình dạng, vô lượng công đức và vô lượng thọ mạng và bao trùm hết tất cả vũ trụ bao la, liên quan đến tính đặc thù của “Pháp thân” trong “Đại Thừa và sự liên hệ với Tiểu Thừa” của Thích Minh Châu nhận định như sau “Thân này là vô lượng và vô số. Thân này đầy khắp vũ trụ, là căn bản cho Thọ dụng thân và hóa thân, không có tướng tốt gì và vô hý luận tướng (Nisprapanca). Thân này có những công đức (guna) thường còn, chân thật và vô lượng, không có tâm, không có sắc và cũng không khác tâm và sắc, chỉ có một và một Dharmakàya mà thôi.”[11], nhưng các nhà “Tiểu Thừa” lại cho rằng: Đức Phật chỉ là một con người bình thường, sống một đời sống ở trong đời như những chúng sinh khác và cũng bị chi phối bởi những điều kiện sinh tử của một cơ thể con người, đây còn được cho là điểm khác nhau nổi bật giữa hai truyền thống Phật Giáo.
Tông chỉ của Phật Giáo Đại Thừa là luôn hướng đến bản nguyện sâu xa của Đức Phật, tức đặt việc lợi ích, an lạc cho chúng sinh lên trên, hướng tới mục đích của quần chúng mà bỏ qua những giới hạn về mặc hình thức cũng như quy tắc không cần thiết, từ đó mà Phật Giáo Đại Thừa đã xây dựng nên mẫu người lí tưởng để thực hiện chí nguyện ấy, đó chính là “Bồ Tát” (Phạn âm: Bodhisattva; chữ Hán: 菩提薩埵) nghĩa là “Giác hữu tình”, là người vì sự Giác ngộ của chúng sinh mà sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau để giáo hóa họ cũng như hồi hướng tất cả phước đức của mình cho người khác. Theo Thích Nguyên Hiệp thì “Bodhisattva” nghĩa là “một chúng sinh (sattva) tìm cầu sự Giác ngộ (bodhi).”[12], các nhà Đại Thừa dựa trên cơ sở của “Phật giáo Nikāya” cụ thể đó là bộ “Jatāka và tiểu sử của đức Phật” họ ca ngợi việc tu hành của Đức Thế Tôn từ nhiều kiếp quá khứ giống như việc thực hành lí tưởng của một vị Bồ Tát, Đại Thừa Phật Giáo cho rằng việc làm cứu giúp và ban rải lòng từ đến với tất cả chúng sinh của Đức Phật được xem như là việc làm của một vị “Bồ Tát”; việc thực hành lí tưởng Bồ Tát ấy chính là con đường tất yếu mà hành giả phải vượt qua để đi đến quả vị Phật; cho nên Lữ Trừng đã khẳng định rằng “Tư tưởng của Phật Giáo Đại Thừa chính là tư tưởng của Bồ Tát Thừa.”[13].
Điểm nổi bật tiếp theo của Phật Giáo Đại Thừa đó chính là ứng dụng tính hoạt bát vào ngay trong đời sống nhân gian, vừa mang lại những giá trị thiết thực, vừa mang những giá trị Phật Pháp đến gần hơn với mọi người. Để làm được điều này các nhà Đại Thừa rất đề cao sự khéo léo trong việc áp dụng những lời dạy của Đức Phật trong đời sống tu tập. Trong những bản Kinh của Phật Giáo Đại Thừa như “Bát Nhã Ba La Mật Đa”, “Đại Phương Đẳng Tập Kinh” hay “Pháp Hoa” đều nói đến “Bản tính của tất cả pháp vốn thanh tịnh” vì thế Phật Giáo Đại Thừa cho rằng, không nên quá chấp chặt hay giáo điều vào những gì Đức Phật nói, mà nên chú trọng đến giá trị đằng sau những lời dạy đó. Nhận thức được điều đó, Phật Giáo Đại Thừa đã không quá đặt nặng về vấn đề hình thức hay quy tắc, mà quan trọng hơn hết là mang lại giá trị lợi ích cho nhân sinh, để thấy rõ điều này xin dẫn một câu chuyện mang tính chất ẩn dụ trong tác phẩm “Kiến Phật” của Trần Thị Phương Lan: Có một vị chú tiểu đi cùng với thầy của mình, gặp một con sông nước chảy xiết, thấy một người con gái trẻ đẹp đang rất lo lắng cha mình bị bệnh và không biết cách nào để qua, vị sư phụ liền tới hỏi han và cõng cô gái đó qua sông và tiếp tục cuộc hình trình, nhưng vị đệ tử bất bình trước sự việc vừa rồi, chú tiểu biết rằng nhà sư không được đụng chạm vào thân người nữ huống hồ là cõng, chú liền nổi giận với sư phụ vì đã không giữ gìn giới Luật, liền nói với thầy mình và vị thầy đáp rằng “Ta đã đặt người phụ nữ khi sang đến bờ sông kia rồi, thế mà con vẫn còn cõng cô ấy à?”[14]. Có thể thấy nếu xét về Tỳ kheo giới thì vị sư phụ kia chắc chắn đã phạm giới, nhưng còn trong Bồ Tát giới thì lại không, Bồ Tát giới chú trọng đến việc nội tâm bên trong của hành giả thực hành hơn là hình thức hoàn cảnh bên ngoài như Tỳ kheo giới. Hơn nữa, Giáo lí Đạo Phật là giáo lí trị “Tâm bệnh” của chúng sinh, trong Kinh Đức Phật đã từng đề cao giá trị của tâm như là “lõi cây”[15] quyết định mọi giá trị phạm hạnh của một người tu tập, chính vì thế Đức Phật được ca ngợi là một “Bậc Đại Y Vương” tùy theo tâm bệnh mà cho thuốc, tùy căn cơ mà chỉ dạy.
Phật Giáo Đại Thừa ví mình như một vị Bồ Tát sẵn sàng bước vào nhân gian làm tất cả mọi điều nhằm đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh. Chính vì thế mà Phật Giáo Đại Thừa đã khai thác triệt để đặt tính uyển chuyển, linh hoạt của Phật Giáo để đi vào đời sống nhân sinh, họ đặt lợi ích của chúng sinh lên trên hàng đầu, mong sao những chúng sinh ấy đến với ánh sáng của Tam Bảo, ánh sáng của Phật Pháp. Và những phương pháp mang lại lợi ích ấy được gọi chung là “Phương Tiện”.
Chương 2: Khái niệm “Phương tiện” trong Phật giáo Đại thừa
2.1. “Phương tiện” là gì?
“Phương tiện” (Phạn âm: Upāya; chữ Hán: 方便), trong đó “Phương” là phương pháp, “tiện” là tiện lợi, và “phương tiện” nghĩa là phương pháp tiện lợi, sử dụng phương pháp này một cách tiện lợi và phù hợp.
Xét về định nghĩa “Phương tiện” đã có rất nhiều quan điểm đề cập đến vấn đề này, như trong “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”, quyển 9 hay “Kinh Pháp Hoa” phẩm “Phương Tiện” có nói rằng: “Đối với Thật trí gọi là phương tiện. Khiến lợi ích gọi là Phương, tùy thời mà khuyến hóa gọi là Tiện”[16], hay trong “Kinh Duy Ma Cật” phẩm “Pháp Cúng Dường” cũng định nghĩa “Ẩn tàng thật tướng, cửa ngỏ quyền xảo, dẫn dắt mọi loài, dùng mọi thí dụ, ấy là phương tiện”[17]. Cùng đánh giá về vấn đề này, đời nhà Đường có ngài Khuy Cơ trong tác phẩm “Pháp Hoa Kinh Huyền Tán” nói: “Lý chính là Phương, ngôn xảo gọi là Tiện. Mang ý nghĩa thâm thúy, ngôn ngữ xảo diệu, văn nghĩa khế hợp, đó gọi là Phương Tiện”[18], không chỉ thế trong tác phẩm “Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ” của ngài Cát Tạng đời nhà Tùy cũng nhận định: “Chúng sinh sở duyên kết thành gọi là Phương, Như Lai dùng pháp giáo hóa gọi là Tiện. Lợi ích như gặp bệnh cho thuốc, nắm cơ duyên mới hóa độ, nên gọi là Phương Tiện”[19], từ những khái niệm trên chúng ta có thể thấy, “Phương tiện” đóng vai trò rất quan trọng trong Phật Giáo Đại Thừa, nếu nghiên cứu về Đại Thừa mà không tìm hiểu về tầm của “Phương tiện” thì đó là một thiếu sót lớn. Bên cạnh đó, việc Phật Giáo Đại Thừa đề cao lợi lạc chúng sinh, sẵn sàng sử dụng mọi phương pháp miễn đem lại lợi ích cho chúng sinh, đó cũng là điểm then chốt cho tính hợp thời của “Phương tiện” xuất hiện tạo ra những giá trị riêng biệt cho Phật Giáo Đại Thừa. Trong “Phật Quang Đại Từ Điển” của Thích Quảng Độ còn nói “Phương tiện là phương pháp khéo léo để tiến triển hướng thượng.”[20], ở đây muốn nhấn mạnh tính khéo léo, uyển chuyển trong việc sử dụng phương pháp, không nên quá cứng nhắc vào bất cứ điều gì, miễn là hiệu quả đạt được mục đích và mục đích đó chính là hướng thượng, chính vì thế mà Tâm Tuệ Hỷ trong “Danh từ Phật học thực dụng” đã khẳng định “Phương tiện là phương pháp tiện dụng, thích hợp với căn cơ của chúng sinh để giáo hóa, hướng dẫn, làm lợi ích cho chúng sinh”[21].
Cũng đồng với những quan điểm trên, Thích Thiện Siêu trong “Lược giảng Kinh Pháp Hoa” còn nhấn mạnh thêm về bản chất cũng như nhiệm vụ của “Phương tiện” theo giáo lí nhà Phật: “Phương là giáo lí chân chính, tiện là ngôn ngữ xảo diệu. Giáo lý thậm thâm mà không dùng lời xảo diệu thì mới vô thuyết tâm, nhờ ngôn ngữ xảo diệu mà từ giáo lý vô ngôn trở thành giáo lý đa ngôn.”[22], qua định nghĩa này chúng ta có thể thấy rõ được tính chất cũng như giá trị của cốt lõi mà “Phương tiện” đem lại, mặc khác Giáo lí Đạo Phật là giáo lí vô cùng thậm thâm vi diệu, nếu như chúng ta không nhờ vào “Phương tiện” ngôn từ để giải bày, thì rất khó có thể hiểu rõ và nắm bắt được chân lý của Đạo Phật.
Bên cạnh đó, đức Phật vì muốn đưa tất cả chúng sinh đạt đến sự Giác ngộ giải thoát hoàn toàn, nên Ngài đã chỉ dẫn ra nhiều phương pháp để cho chúng ta thực hành. Có thế thấy tất cả những gì mà đức Phật chỉ dạy đều là mong muốn chúng ta thực hành đi đến quả vị giải thoát, nếu như chúng ta không thực sự để đạt đến chỗ “giáo lí chân chính” thì những điều ấy cũng không được coi là “Phương tiện”, phương pháp dù tốt hay xấu nhưng nếu giúp cho chúng sinh đạt được mục đích “giải thoát chân thật” thì đó mới là phương pháp tốt, vì thế mà Thích Thiện Siêu mới khẳng định: “Phương tiện gắn liền với mục đích. Cái gì đạt được mục đích thì cái đó mới gọi là Phương tiện.”[23], thật vậy, nếu chúng ta sử dụng “Phương tiện” hay giáo lí đức Phật mà không có mục đích để chúng ta hướng tới, thì khó có thể coi đó là người biết cách sử dụng “Phương tiện”, cũng như mũi tên bắn ra mà không có đích đến hay con thuyền ra khơi mà không có bờ để đến.
Xét về bản chất của “Phương tiện”, chúng ta có thể thấy trong hầu hết các Kinh điển Đại Thừa đều mang hàm ý rằng “Tất cả pháp vốn thanh tịnh”, nghĩa là bản chất thực sự của tất cả các pháp và những lời dạy cũng như phương pháp thực tập mà Đức Phật đã hướng dẫn vốn dĩ là “vắng lặng”. Đức Phật là người tùy duyên mà chỉ dạy, tùy bệnh cho thuốc, tùy căn cơ mà hóa độ hay nói rõ hơn “cái do này có mặt nên cái kia có mặt,…, do cái này sinh nên cái kia sinh,… .”[24].Trong tác phẩm “Kinh Pháp Hoa giữa các Kinh điển Đại Thừa” của Thích Thiện Siêu có nhận định rằng: “Phương tiện thì khi nào cũng là phương tiện, mà Phương tiện thì không bao giờ nói hết được thật tướng, không bao giờ nói thẳng đến được. Nó chẳng qua chỉ là một cách thức để diễn đạt thật tướng chứ nó không thể nói đúng thật tướng.”[25], thật vậy, “Phương tiện” chỉ là phương pháp chỉ rõ để hướng đến mục đích, là cửa ngỏ để đi vào ngôi nhà “Phật Tính” chứ không thể lột tả hết được bản chất thực sự của mục đích, cũng giống như “ngón tay chỉ trăng” ngón tay chỉ là phương tiện để giúp người xác định hướng của mặt trăng, chứ không thể nào “ngón tay” lại chính là “mặt trăng” được, điều này được đức Phật khẳng định trong “Đại Phương Quảng Viên Giác Tu Đa La Liễu Nghĩa Kinh” với nội dung như sau: “修多羅教如標月指,若復見月,了知所標畢竟非月;一切如來種種言說開示菩薩亦復如是.”[26], nghĩa là: Tất cả những Kinh giáo tu tập như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết rõ ngón tay rốt ráo không phải là mặt trăng. Tất cả ngôn giáo của Như Lai khai thị cho Bồ Tát cũng như thế. Bên cạnh đó, trong “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh” Đức Phật ví Giáo pháp của mình giống như chiếc bè qua sông nên đã khuyên các đệ tử mình, đã là bè thì không nên cố chấp vào nó, Kinh nói: “如來常說汝等比丘知我說法如筏喻者法尚應捨何況非法.”[27], nghĩa là: Như Lai thường nói hàng Tỳ kheo nên biết, Ta nói pháp dụ như chiếc bè, chính pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp, điều này cũng tương tự với nội dung trong bài Kinh ví dụ con rắn[28] thuộc tạng Kinh Nikāya, Ngài đã giải thích với ý nghĩa rằng, tất cả pháp Như Lai chỉ dạy cũng giống như chiếc bè qua sông, mục đích là để tu tập giải thoát, nếu như không đem sử dụng nó thì sao có thể đạt đến giải thoát, qua bờ bên kia được? Hoặc giả như đã qua được bờ bên kia rồi, thì hà cớ gì lại phải mang vác nó theo? .Từ những điều này, chúng ta càng khẳng định được những gì mà cuộc đời Ngài trải qua từ lúc đản sinh cho đến khi nhập Niết Bàn hay những nhân duyên thuyết pháp độ sinh,... tất cả đều là “Phương tiện”, và cho đến khi nào chúng ta chưa nhận ra được những giá trị cốt lõi mà đức Phật muốn truyền trao trong những lời dạy thì các pháp ấy cũng chỉ “Pháp môn Phương tiện” mà thôi.
Phật Giáo Đại Thừa tuy gọi “Phương tiện” là chung cho tất cả pháp, nhưng tùy vào từng cách sử dụng và phương thức thực hành mà chia ra nhiều loại phương tiện khác nhau, theo “Phật Quang Đại Từ Điển”[29] có đề cập bốn loại “Phương tiện” khác nhau, đó là: 1. Tiến thú phương tiện: Chuẩn bị tiến tới Bồ đề ; 2. Quyền xảo phương tiện: Không có Tam thừa chỉ tùy nghi phương tiện mà đặt ra; 3. Lập thành phương tiện: Các pháp đồng thể lập thành với nhau một cách khéo léo; 4. Thi tạo phương tiện: Tức những việc thực hành một cách khéo léo để đạt thành mục đích lí tưởng, trong này lại chia thành ba loại: Giáo đạo phương tiện; chứng đạo phương tiện; bất trụ phương tiện. Trong “Trí Quảng toàn tập”[30] cũng đưa ra hai loại “Phương tiện”: 1. Phương tiện lực: Oai lực của Đức Phật ; 2. Phương tiện trí: Truyền vào cho hành giả để dễ hiểu biết và suy luận. Lại nữa, trong tác phẩm “Giảng giải luận Đại Thừa Khởi Tín”[31] của Ấn Thuận có đưa bốn loại “Phương tiện” như sau: Một là phương tiện tu hành căn bản (chữ Hán: 一者,行根本方便): Quán tất cả pháp không tự tính vốn không sinh, không diệt, rời xa vọng tưởng; hai là phương tiện năng chỉ (chữ Hán: 二者,能止方便): Ăn năn sám hối, ngăn chặn những ác pháp không cho tăng trưởng; ba là phương tiện tăng khởi và phát triển thiện căn (chữ Hán: 三者,發起善根增長方便): Siêng năng lễ bái, cúng dường Tam Bảo, tán thán, hoan hỉ, khuyến thỉnh chư Phật; bốn là phương tiện đại nguyện bình đẳng (chữ Hán: 四者,大願平等方便): Phát nguyện Đại bi nguyện độ tất cả chúng sinh trong đời vị lai không bỏ sót, đều khiến đạt được rốt ráo Niết Bàn, và cũng còn nhiều tác phẩm khác cũng đưa ra những loại phương tiện khác nhau, nhưng tựu trung vẫn không nằm ngoài ý nghĩa nhằm hướng cho chúng sinh quay về con đường lành và nhận ra bản tâm thanh tịnh của mình.
Tóm lại, chúng ta có thể thấy “Phương tiện” là những gì mà Như Lai đã chỉ dẫn cho chúng sinh đi đến cảnh giới Giác ngộ hoàn toàn; để đạt đến giải thoát thì không gì bằng “Phương tiện”, tuy nhiên nếu chỉ có giải thoát cho chính bản thân không thì chưa đủ, mà “Phương tiện” còn phải mang ý nghĩa lợi ích, an lạc cho tất cả chúng sinh thì mới đúng là nét đặc trưng của Đại Thừa Phật Giáo.
2.2. Tầm quan trọng của “Phương tiện” trong Phật giáo Đại thừa
Đức Phật ra đời vì muốn đem niềm an vui, hạnh phúc đến cho chúng sinh, đưa chúng sinh thoát khỏi biển khổ sinh tử đến bờ an vui, giải thoát Niết Bàn tịch tĩnh. Như “Kinh Pháp Hoa” phẩm “Tựa” có nói: “Chư Phật và Bồ Tát ứng hiện thế gian, mục đích tối hậu là phổ độ chúng sinh xa lìa biển khổ sinh tử trầm luân.”[32]. Chính vì lòng bi nguyện này, nên Ngài đã chẳng từ mệt nhọc hay sự suy yếu của cơ thể vật lí, nhằm đem những điều cốt tủy của Giáo pháp truyền trao đến cho tất cả chúng sinh. Thế nhưng chúng sinh vì quá đắm nhiễm trong phiền não, tham ái và chấp trước mà không thể nhận ra được giá trị chân lí đích thực ấy được, như trong “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”[33] nói ví như viên minh châu quý báu cột dính trong vạt áo nhưng chúng sinh nhưng vì quá si mê nên không nhận ra được, để rồi phải đi làm thuê mướn cực nhọc kiếm sống qua ngày, thế nên Như Lai đã quyền khai phương tiện nhằm hóa độ tất cả chúng sinh, chúng sinh nương vào pháp “Phương tiện” mà nhận ra “viên minh châu” vốn có đó của mình để nỗ lực tu tập giải thoát biển khổ sinh tử. Trong “Luận Đại Trí Độ” cũng khẳng định rằng: “Nếu chẳng dùng lực Phương Tiện Bát Nhã Ba La Mật, thì chẳng độ thoát được chúng sinh.”[34]. Chính vì tầm quan trọng này, nên Đức Phật đã khéo léo dùng rất nhiều phương cách để chỉ dẫn cho chúng sinh, như câu chuyện của thiếu nữ “Kisà”, khi người con mất, vì quá đau buồn trước cái chết của người con nên bà không chấp nhận con mình đã chết nên không đem đi chôn, Đức Phật nhân đó đã “Phương tiện” chỉ dẫn cho bà “Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải!”[35], bà đã làm theo như những gì Đức Phật chỉ dạy nhưng kết quả là không có hạt nào cả, từ đó Đức Phật đã giúp bà nhận ra được chân lí vô thường của kiếp sống nhân sinh, nhằm chấm dứt đau khổ; hoặc khi thấy các ngoại đạo dùng việc sát sinh để “Tế đàn”[36] Đức Phật đã không ngăn cấm hay chỉ trích mà nương vào đó uyển chuyển chỉ dẫn cho họ cách làm đàn tế không có sát sinh sẽ tốt hơn; cũng như khi Đức Phật nói về việc người khác phỉ báng mắng nhiếc mình cũng ví như việc mình “sửa soạn các món ăn”[37] tiếp đãi khách, bàn bè mà họ lại không nhận thì những đồ đó vẫn hoàn lại về mình. Chúng sinh tùy theo căn cơ mỗi loại khác nhau, nếu như Đức Phật không “Phương tiện” dùng những hình ảnh ẩn dụ này để dẫn dắt, thì rất khó để cho chúng sinh nhận ra được những giá trị cốt lõi của Đạo Phật để thực tập và giải thoát khổ đau.
Phật Giáo Đại Thừa với tông chỉ lấy việc cứu độ chúng sinh làm mục đích, phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo, không chỉ kế thừa bản nguyện của Như Lai mà còn phát huy triệt để đặc tính linh hoạt, uyển chuyển vốn có của Đạo Phật. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, cũng như nhân gian mất đi mặt trời, nhưng nhờ vào pháp “Phương tiện” này mà các nhà Đại Thừa Phật Giáo đã mang n hững giá trị chân lí của Đức Phật trải rộng khắp năm châu mãi đến ngày nay vẫn không bị đoạn dứt. Với mục đích nhằm lợi lạc cho chúng sinh mà không câu nệ hình thức bên ngoài, nên Phật Giáo đi đến đâu cũng đều thích ứng được với hoàn cảnh; tùy theo từng nền văn hóa, phong tục tập quán mà uyển chuyển thay đổi vỏ bọc của mình để phù hợp với nhân gian. Chúng ta có thể thấy trong cách thức truyền tải Chân lí Đạo Phật rất đặt biệt và sáng tạo của chư vị Tổ sư, như Đạt Ma vì muốn khai ngộ cho Huệ Khả, thay vì giảng nói Kinh, Luật nhiều như cách truyền thống, Ngài đã sử dụng bằng phương cách độc đáo “khéo léo chọn văn truyền tâm”[38] chỉ với một câu nói: “Đưa tâm của ngươi đây, ta sẽ an tâm cho.”[39] , ngay khi đó Huệ Khả liền đã hiểu rõ Chân lí; hay như câu: “Tâm bình thường là đạo.”[40] của Nam Tuyền nói với Triệu Châu cũng là một cách để thể hiện điều cốt tủy của giáo lí đức Phật mà không cần lí luận, giảng giải nhiều; hoặc câu chuyện của Triệu Châu thay vì chạy theo giải thích những kiến giải cho người khác, Ngài đã sử dụng phong cách “Phương tiện” của riêng mình, chỉ với một câu nói: “Uống trà đi.”[41] đã giúp họ thức tỉnh quay trở về với thực tại, với bản tâm thanh tịnh của mình, mà không chạy theo những vọng kiến của “Tâm”. Bên cạnh đó, “Phương tiện” cũng là một cách nhằm để phá kiến chấp cho chúng sinh, có thể thấy trong câu chuyện của Nhân Tông khi thấy Tuệ Trung dù đã là bậc tu hành nhưng vẫn còn ăn cá, thịt nên sinh tâm nghi ngờ về sự tu tập của Ngài, biết được điều đó Tuệ Trung bèn “Phương tiện” nói kệ: “Có loài thì ăn cỏ, Có loài thì ăn thịt, Xuân về thảo mộc sinh, Tìm đâu thấy tội phúc?.”[42], cốt yếu là để nhấn mạnh cho Nhân Tông hiểu rằng Giáo lí của nhà Phật vốn là trị “Tâm”, không nên quá đặt nặng vào hình thức bên ngoài.
Tuy cách truyền tải có khác nhau, nhưng tựu trung đức Phật và chư vị Tổ sư Phật Giáo Đại Thừa đều muốn diễn bày chân lí Đạo Phật một cách gần gũi ngay trong đời sống hằng ngày này, nhằm mục đích cho tất cả mọi người mọi tầng lớp đều có thể nhận ra, nỗ lực thực hành và giải thoát khổ đau. Chính vì vậy, pháp “Phương tiện” được các nhà Đại Thừa tích cực áp dụng một cách linh hoạt và làm cho Phật Giáo trở nên phong phú, đa dạng hơn trong đời sống sinh hoạt cũng như phương thức giáo hóa chúng sinh. Đại Thừa Phật Giáo cũng đề cao tinh thần chung sống hài hòa với các tôn giáo cũng như các nhà hoạt động chính trị khác nhau.
Có thể thấy pháp “Phương tiện” có vai trò rất quan trọng cho Đạo Phật nói chung và Phật Giáo Đại Thừa nói riêng, nhận thức được giá trị ý nghĩa này, vì mục đích giáo hóa chúng sinh mà Đại Thừa Phật Giáo đã phát triển Giáo lí Đạo Phật một cách ngày càng gần gũi với tất cả mọi người hơn, đem những điều cốt lõi trong lời dạy Đức Phật diễn bày một cách phù hợp nhằm mang lại những giá trị thiết thực cho tất cả chúng sinh.
2.3. Ứng dụng “Phương tiện” trong đời sống tu tập hiện nay
Ngày nay, phương tiện là điều không thể thiếu trong cuộc sống chúng ta, từ phương diện về vật chất đến phương diện về mặt tinh thần; cũng vậy đối với Phật Giáo “Phương tiện” là đóng vai trò rất quan trọng, Thích Trí Quảng từng khẳng định: “Chúng ta không còn cách nào hơn là nương theo pháp phương tiện tu hành.”[43], thật vậy, “Phương tiện” đã giúp giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, trở ngại cho đời sống tu tập và sự nghiệp lợi lạc chúng sinh chúng ta ở nhiều phương diện, từ những việc như đi, đứng, nằm, ngồi của cá nhân đến những việc lớn như sự hung suy của Phật Giáo.
Khéo léo ứng dụng pháp “Phương tiện” vào cuộc sống còn đem lại nguồn hứng khởi vốn có cho Đạo Phật, trong tác phẩm “Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày” của Thích Huyền Quang và Thích Nhất Hạnh có nhận định như sau: “Muốn cho đạo Phật có sinh khí, ta phải biết áp dụng đạo Phật một cách thông minh vào những điều kiện sinh hoạt tâm lý, kinh tế và xã hội của đời sống chúng ta. Đạo Phật không phải là của riêng của một số người ẩn dật nơi tư viện. Đạo Phật là của mọi lớp người: của thiếu nhi, của thanh niên, của phụ nữ, của lao động trí thức và lao động chân tay.”[44], có thể thấy rằng Đạo Phật không phải chỉ là của Phật Giáo, mà là chân lí chung của cho toàn nhân loại, để truyền trao chân lí ấy không gì bằng sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh và pháp “Phương tiện” là một một cách hữu hiệu nhất để tiếp cận đến mọi giai tầng của xã hội.
Trong “Lương Hoàng Bảo Sám” có câu: “Phật tại thế gian thường cứu khổ, Phật tâm vô xứ bất từ bi.”[45], như đứng trước vận mệnh của quốc gia lâm nguy hay các thiên tai, thảm họa, bệnh tật của xã hội Phật Giáo nói chung và Phật Giáo Đại Thừa nói riêng đều có những nỗ lực tích cực hỗ trợ đồng hành cùng với tất cả chúng sinh, sẵn sàng chia sẻ những mất mát về tinh thần, lẫn vật chất, để rồi dẫn dắt họ trở về con với con đường của Phật Pháp, như trong Kinh Dược Sư nói trước hãy cho ăn xong rồi mới cho pháp. Qua đó, Phật Giáo còn truyền tải một thông điệp rằng “Phật Pháp bất ly thế gian pháp”, chẳng có đóa hoa sen nào mà rời bùn mà có thể nở hoa được, tuy Ta Bà là biển khổ trầm luân, đầy uế trược, với mọi tâm niệm xấu ác của chúng sinh tạo nên, thế nhưng như trong “Kinh Duy Ma Cật” khẳng định “những ai ở cõi này một đời mà làm việc nhiêu ích cho chúng sinh, còn hơn ở cõi khác trong trăm ngàn kiếp mà làm điều thiện.”[46], để thấy được tinh thần nhập thế của Phật Giáo được phát triển mạnh mẽ như thế nào, sẵn sàng khuyến khích mọi người làm nhiều điều lợi ích trên nhiều phương diện khác nhau cho xã hội, xây dựng đời sống mang lại những giá trị tích cực phụng sự nhân sinh.
Lại nữa, trong “Đạo Phật hiện đại hóa” của Thích Nhất Hạnh có nhận định sau: “Đạo Phật đi vào cuộc đời nhưng không bị cuộc đời làm giảm mất đi những đặc tính siêu việt của nó. Mất đi những đặc tính siêu việt này thì đạo Phật không còn là đạo Phật.”[47], sự nỗ lực dấn thân vì lợi ích chúng sinh nhằm thực hiện lí tưởng Bồ Tát là điều rất đáng khen ngợi, thế nhưng nếu không có sự gìn giữ đạo tâm tu tập cùng đồng hành thì chúng ta rất dễ thành thế tục hóa. Thích Trí Quảng trong “Trí Quảng toàn tập” từng khẳng định “Phương tiện là những gì mà Phật xếp đặt và sống với thế gian để giúp chúng ta gặp Đức Phật cứu cánh của mình.”[48], có thể thấy nếu quá chú trọng đến việc hướng ngoại diễn bày cho chúng sinh đến với Đạo Phật mà quên đi tinh thần thoát tục, đời sống đạo đức hay “Đức Phật” của mình, thì vô tình chúng ta đánh mất đi những giá trị cốt lõi của Đạo Phật, đó cũng chính là ý nghĩa của “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
C. KẾT LUẬN
Ngang qua những định nghĩa về “Phương tiện” có thể khái quát được những đặc điểm, tính chất cũng như sự linh hoạt trong Phật Giáo. Phật Giáo Đại Thừa xuất hiện với tinh thần lấy việc giáo hóa chúng sinh làm tông chỉ. Bằng sự sáng tạo của mình, các nhà Đại Thừa Phật Giáo đã khai thác những đặt tính của các pháp “Phương tiện” một cách triệt để khiến cho Đạo Phật dễ dàng tiếp cận, gần gũi với nhân gian hơn; và đó cũng chính là bản hoài của Đức Phật.
Giáo pháp của Như Lai để lại tất cả đều nằm trong trong Tam Tạng Kinh điển, được lột tả căn bản với ba môn tu Giới, Định ,Tuệ. Ba môn này là cửa quan trọng để bước vào cảnh giới tu tập giải thoát, nhưng vì không có cái nhìn khái quát nên đã quá cứng nhắc trong thực hành dẫn đến bị nó trói buộc bởi chính pháp tu của mình. Nếu không có sự linh động, uyển chuyển trong pháp thực hành, thì chắc chắn chúng ta sẽ càng làm cho tính thụ động, không sáng tạo của mình lúc cũng thường trực.
Hơn nữa, Giáo lí của Đức Phật còn được gọi là giáo lí khế cơ, chúng ta cần phải xét những giá trị trong lời dạy của Ngài từ không gian cho đến thời gian xem nó có phù hợp không, có khi nó phù hợp trong hoàn cảnh này nhưng lại không phù hợp trong hoàn cảnh kia; hoặc có khi trước đây nó phù hợp nhưng bây giờ chưa chắc nó đã hợp thời và cũng có khi nó đúng với người này nhưng chưa chắc nó đã đúng với người kia. Vì pháp là cửa ngõ, là “Phương tiện” để vào “Đạo”, chứ đó không phải là “Đạo”, cho nên cần linh hoạt trong phương pháp thực hành để không đánh mất mục đích thực sự mà Đức Phật muốn chỉ dạy chúng ta đó là trị ba độc tham, sân, si của “Tâm”.
Tuy nhiên, ngày nay việc lạm dụng “Phương tiện” với mục đích phục vụ lợi ích cho cá nhân hoặc tập thể riêng biệt, đã làm suy giảm đi tầm quan trọng cũng như giá trị của việc dụng pháp “Phương tiện” trong đời sống hằng ngày. Biến “Phương tiện” dần trở thành một vỏ bọc an toàn nhằm che lấp những mặt hạn chế, khiếm khuyết của bản thân.
Tác giả: Đại đức Thích Hữu Đạt Chùa Bửu Sơn, 24 Xóm Vôi, Phường 14, Quận 5, Tp.HCM ***CHÚ THÍCH: [1] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_th%E1%BB%ABa (Ngày truy cập: 27/05/2021). [2] Thích Thanh Kiểm, LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ, Thiên thứ ba: THỜI ĐẠI ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO - CHƯƠNG THỨ NHẤT: KHỞI NGUYÊN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO - I. Ý nghĩa Đại thừa và Tiểu thừa, Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, 2020, Tr. 231. [3] Lữ Trừng, Thích Phước Sơn dịch, Ấn Độ Phật học nguyên lưu giảng lược, Chương III: Phật học thời kỳ đầu của Đại thừa, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2011, Tr. 129. [4] Sđd,Tr. 130. [5] Sđd,Tr. 129. [6] Thích Nguyên Hiệp dịch, Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Phần III. Phật Giáo Đại Thừa sơ kỳ, NXB Văn hóa- Văn nghệ, TP.HCM, 2020, Tr. 413. [7] Sđd, Tr.415. [8] “nt”. [9] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Bát Niết Bàn Tập 2, XXVI. Phẩm Di Giáo, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Tr. 678. [10] Sđd, Tr.414. [11] Thích Minh Châu, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Dharmakàya (Pháp thân), NXB Thành Phố Hồ Chi Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1999, Tr. 186. [12] Sđd, Tr.475. [13] Sđd, Tr. 135. [14] Rose Elliot, Trần Thị Phương Lan dịch, Kiến Phật, NXB Tổng Hợp TP.HCM, TP.HCM, 2018, Tr.125. [15] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 30. Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Tr. 257. [16] Lý Minh Quyền, Những điển tích văn học Phật Giáo, Khai môn phương tiện, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2010,Tr.85. [17] “nt”. [18] Sđd, Tr. 86. [19] “nt”. [20] Sa môn Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, Tập 4, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2014, Tr. 4946. [21] Tâm Tuệ Hỷ, Danh từ Phật học thực dụng, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010,Tr. 368. [22] Thích Thiện Siêu, Lược giảng Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, Tr. 171. [23] Sđd, Tr.171. [24] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ I, Kinh Phật Tự Thuyết, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, Tr.291. [25] Thích Thiện Siêu, Kinh Pháp Hoa giữa các Kinh điển Đại Thừa, Giải thích phẩm Phương Tiện: III/Kinh giải, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 1999, Tr. 299. [26] 《大方廣圓覺修多羅了義經》:「修多羅教如標月指,若復見月,了知所標畢竟非月;一切如來種種言說開示菩薩亦復如是。」(CBETA 2021.Q2, T17, no. 842, p. 917a27-29). [27] 《金剛般若波羅蜜經》:「《大正新脩大藏經》第 8 冊 No. 235 金剛般若波羅蜜經」. [28] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, Tr. 173. [29] Sđd, Tr. 4946, 4947. [30] Sđd, Tr. 98. [31] Ấn Thuận, Hạnh Bình và Quán Như dịch, Giảng giải Luận Đại Thừa Khởi Tín, 3. Bốn loại phương tiện, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2012, Tr. 358~361. [32] Sđd, Tr.9. [33] Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm “Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký” thứ tám, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, Tr.279. [34] Thích Nữ Diệu Không, Luận Đại Trí Độ tập V, quyển 82: Phẩm thứ sáu mươi chin – Đại Phương Tiện (Phương Tiện Lớn), 1998, Tr.63. [35] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, Trưởng Lão Ni Kệ. Phẩm Mười.Tập Mười Kệ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001, Tr. 640. [36] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bánh xe, phần Ujjaya, VNCPHVN ấn hành, 1996, Tr.629. [37] ĐTKVN, Tưng Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A La Hán, phần Phỉ báng, VNCPHVN ấn hành, 1993, Tr. 352. [38] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 177, Bộ Chư Tông XVII, Số 2016 (Quyển 21- 70), Tông Cảnh Lục - Quyển 34, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr. 260. [39] Đoàn Trung Còn, Triết Lý Nhà Phật, 2. Nhị Tổ Huệ Khả, Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, Tr. 273. [40] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 174, Bộ Chư Tông XIV, Số 1997- 2000 (Quyển 1- 20), Đại Tuệ Phổ Giác Thiền Sư Ngữ Lục - Quyển 16, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr. 525. [41] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 173, Bộ Chư Tông XIII, Số 1986- 1996, Số 1996 - Minh Giác Thiền Sư Ngữ Lục - Quyển 1, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr. 687. [42] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1 - Chương 11: Tuệ Trung Thượng Sĩ, Văn Học - Hà Nội, Hà Nội, 2009, Tr. 213. [43] Thích Trí Quảng, Trí Quảng toàn tập – quyển II, Lược Giải Kinh Pháp Hoa / Phẩm 2: Phương tiện, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017, Tr. 82. [44] Thích Huyền Quang-Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày, NXB Phương Đông, 2015, Tr. 8. [45] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 166, Bộ Chư Tông VI, Số 1888- 1910, Lương Hoàng Bảo Sám - Quyển 5: Đầu Quyển Năm, Chương Thứ Chín: Giải Oan Thích Kiết, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, Tr. 625. [46] Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giả, Kinh Duy-Ma-Cật, Quyển Hạ - Phật Hương Tích, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, Tr. 170. [47] Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật hiện đại hóa, Chương 1. Vấn đề hiện đại hóa, NXB Văn Hóa Thông Tin, TP.HCM, 2010, Tr.3. [48] Sđd, Tr.98.
TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. 《大方廣圓覺修多羅了義經》:「修多羅教如標月指,若復見月,了知所標畢竟非月;一切如來種種言說開示菩薩亦復如是。」(CBETA 2021.Q2, T17, no. 842, p. 917a27-29). 2. 《金剛般若波羅蜜經》:「《大正新脩大藏經》第 8 冊 No. 235 金剛般若波羅蜜經」. 3. ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Bánh xe, phần Ujjaya, VNCPHVN ấn hành, 1996. 4. ĐTKVN, Tưng Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A La Hán, phần Phỉ báng, VNCPHVN ấn hành, 1993. 5. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 30. Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 6. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ I, Kinh Phật Tự Thuyết, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2015. 7. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. 8. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 3, Trưởng Lão Ni Kệ. Phẩm Mười.Tập Mười Kệ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2001. 9. Thích Minh Châu, Đại Thừa Và Sự Liên Hệ Với Tiểu Thừa, Dharmakàya (Pháp thân), NXB Thành Phố Hồ Chi Minh, TP. Hồ Chí Minh, 1999. 10. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phẩm “Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký” thứ tám, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2009. 11. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Bát Niết Bàn Tập 2, XXVI. Phẩm Di Giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2013. 12. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 166, Bộ Chư Tông VI, Số 1888- 1910, Lương Hoàng Bảo Sám - Quyển 5: Đầu Quyển Năm, Chương Thứ Chín: Giải Oan Thích Kiết, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 13. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 173, Bộ Chư Tông XIII, Số 1986- 1996, Số 1996 - Minh Giác Thiền Sư Ngữ Lục - Quyển 1, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 14. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 174, Bộ Chư Tông XIV, Số 1997- 2000 (Quyển 1- 20), Đại Tuệ Phổ Giác Thiền Sư Ngữ Lục - Quyển 16, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 15. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 177, Bộ Chư Tông XVII, Số 2016 (Quyển 21- 70), Tông Cảnh Lục - Quyển 34, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000. 16. Thích Thiện Siêu, Lược giảng Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phương Tiện, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2003. 17. Thích Thiện Siêu, Kinh Pháp Hoa giữa các Kinh điển Đại Thừa, Giải thích phẩm Phương Tiện: III/Kinh giải, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 1999. 18. Thích Trí Quảng, Trí Quảng toàn tập – quyển II, Lược Giải Kinh Pháp Hoa / Phẩm 2: Phương tiện, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017. 19. Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1 - Chương 11: Tuệ Trung Thượng Sĩ, NXB Văn Học, Hà Nội, 2009. 20. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật hiện đại hóa, Chương 1. Vấn đề hiện đại hóa, NXB Văn Hóa Thông Tin, TP.HCM, 2010. 21. Thích Huyền Quang-Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật áp dụng vào đời sống hằng ngày, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2015. 22. Thích Thanh Kiểm, LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ, Thiên thứ ba: THỜI ĐẠI ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO - CHƯƠNG THỨ NHẤT: KHỞI NGUYÊN CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO - I. Ý nghĩa Đại thừa và Tiểu thừa, Nhà xuất bản Lao Động, Hà Nội, 2020. 23. Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí dịch, Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Chương VIII: Thời kỳ đầu của Phật Giáo Đại Thừa, Tiết I. Căn nguyên của Đại Thừa Phật Giáo, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2013. 24. Thích Nguyên Hiệp dịch, Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Phần III. Phật Giáo Đại Thừa sơ kỳ, NXB Văn hóa- Văn nghệ, TP.HCM, 2020. 25. Lữ Trừng, Thích Phước Sơn dịch, Ấn Độ Phật học nguyên lưu giảng lược, Chương III: Phật học thời kỳ đầu của Đại thừa, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2011. 26. Ấn Thuận, Hạnh Bình và Quán Như dịch, Giảng giải Luận Đại Thừa Khởi Tín, 3. Bốn loại phương tiện, NXB Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2012. 27. Thích Nữ Diệu Không, Luận Đại Trí Độ tập V, quyển 82: Phẩm thứ sáu mươi chin – Đại Phương Tiện (Phương Tiện Lớn), 1998. 28. Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giả, Kinh Duy-Ma-Cật, Quyển Hạ - Phật Hương Tích, Tôn Giáo, Hà Nội, 2011. 29. Đoàn Trung Còn, Triết Lý Nhà Phật, 2. Nhị Tổ Huệ Khả, Tôn Giáo, Hà Nội, 2014. 30. Lý Minh Quyền, Những điển tích văn học Phật Giáo, Khai môn phương tiện, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2010. 31. Sa môn Thích Quảng Độ, Phật Quang Đại Từ Điển, Tập 4, NXB Phương Đông, TP.HCM, 2014. 32. Tâm Tuệ Hỷ, Danh từ Phật học thực dụng, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010. 33. Rose Elliot, Trần Thị Phương Lan dịch, Kiến Phật, NXB Tổng Hợp TP.HCM, TP.HCM, 2018. 34. https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_th%E1%BB%ABa (Ngày truy cập: 27/05/2021).
Bình luận (0)