Bài và ảnh: Khánh Văn
LTS: Từ Tp.Hà Tĩnh đi theo quốc lộ 1A về phía Bắc khoảng 30km đến thị xã Hồng Lĩnh. Từ đây, rẽ trái đi về hướng Tây theo quốc lộ 8A khoảng 30km đến ngã ba Nầm rồi rẽ phải qua cầu treo Sơn Ninh, đi qua xã Sơn Hà đến xã Sơn Thịnh ta sẽ đến Di tích Quốc gia Đền Bạch Vân và Chùa Thịnh Xá ở xóm Thịnh Nam (nay là thôn Đức Thịnh, xã An Hoà Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Sự tích Đền Bạch Vân
Đền Bạch Vân được xây dựng vào năm Canh Tuất, đời Vua Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670). Ban đầu, ngôi đền rất đơn sơ bằng tranh tre nứa lá, đến năm Tân Mùi, niên hiệu Chính Hòa thứ 12, đời Vua Lê Huy Tông (1691), Đền Bạch Vân mới được tôn tạo lại với quy mô lớn để thờ ông Trần Toản, quê ở Thanh Hóa do ông Đinh Nho Công là bạn học dựng lên sau khi thi đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670).
Sự tích Đền Bạch Vân kể lại rằng: Năm ông Đinh Nho Công khoảng 30 tuổi, một hôm vừa chợp mắt, ông Công mơ thấy mình đang đi cày ở vùng Cồn Lây thì gặp một bà lão dáng người thanh nhã và đức độ đi đến, gặp ông Công, bà lão rất vui và cúi đầu chào:
- “Xin chào ngài Đô Ngự Sử!” - Chào xong, bà lão bảo:
- “Theo tôi, ngài nên về lo việc bút nghiên về sau sự nghiệp sẽ hiển hách hơn là đi cày, ở nhà đi cày sẽ phí mất một nhân tài của đất nước”. Nói xong bà lão liền biến mất.
Ông Đinh Nho Công liền kể cho mẹ nghe về giấc mơ kì lạ, bà rất vui rồi bảo con nên nghe lời khuyên của bà lão ấy. Nghe lời mẹ, ông Đinh Nho Công đã nuôi chí đèn sách rồi ra Thanh Hóa tìm thầy giỏi để theo học. Vận may đã đến, tại đây, ông Công đã gặp và kết bạn với một nho sinh thông minh học giỏi tên là Trần Toản (nay là đức Thành Hoàng của Đền Bạch Vân).
Sau 3 năm miệt mài đèn sách, cả hai ông đều thi đỗ cử nhân. Trước lúc vinh quy, hai người hứa với nhau về nhà chăm lo học hành để 3 năm sau ra kinh đô Thăng Long dự khoa thi Hội. Sắp đến ngày hẹn bạn, ông Đinh Nho Công lại nằm mơ thấy mình đang trên đường đi thi, khi đến Bích Kiều, gần chợ Thượng (?), huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh thì gặp ông Trần Toản đang cưỡi con ngựa trắng đi lên quê mình ở huyện Hương Sơn. Hai người gặp nhau rất đỗi vui mừng, ông Trần Toản nói:
“Khoa thi năm nay chỉ có mình chú đi thi, còn ta đã về trời hơn một tháng rồi. Bài vở tôi đã soạn xong đang để ở nhà, chú ra gặp nhà tôi mà lấy. Phen này ta mừng cho chú đậu Tiến sĩ, nhưng đậu rồi đừng quên ơn ta. Chú nhớ làm cho ta một cái đền ở làng Thịnh Xá để qua lại cho vui”.
Khi tỉnh dậy, Đinh Nho Công không thấy ông Trần Toản đâu nữa. Sau giấc mơ ấy, ông Công ra Thanh Hóa thì quả nhiên đúng như giấc mơ đã báo. Khoa thi năm Canh Tuất (1670), ông Đinh Nho Công đậu Tiến sĩ, ngày vinh quy năm ấy, ông Đinh Nho Công lại nằm mơ thấy ông Trần Toản đến làm lễ đại khoa và dặn rằng:
“Ngày mai xuống làng Thịnh Xá thấy đám mây tụ ở đâu thì dựng đền cho ta ở đó để nhớ ơn tình bạn tri kỷ không bao giờ phai”.
Nghe theo lời của bạn, hôm sau khi ông Công đến làng Thịnh Xá thấy một đám mây trắng dồn tụ dày đặc ở vùng Cồn Mai, thế là ông cho xây dựng ngôi đền tại đây và đặt tên là Bạch Vân (Mây Trắng).
Ban đầu ngôi đền chỉ đơn sơ, tạm bợ, cho đến cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Đền Bạch Vân mới được tôn tạo lại khang trang, lộng lẫy với ba tòa Thượng điện, Trung điện, Hạ điện. Sau này, nhân dân còn xây thêm Gác chuông và Chùa Thịnh Xá, nhà Nghĩa thương, nhà Cất đồ lễ tạo nên một quần thể công trình văn hóa tâm linh khép kín rất linh thiêng.
Sự tích Đền Bạch Vân còn kể lại rằng: “Vào năm 1700 đời Vua Lê Hy Tông, trước khi thi đậu Hoàng giáp, ông Đinh Nho Hoàn (con trai Tiến sĩ Đinh Nho Công), đã đến Đền Bạch Vân làm lễ cầu khoa báo mộng. Quả nhiên đêm hôm ấy, ông Đinh Nho Hoàn thấy một nho sỹ mặc áo trắng (tức Đức Thánh Trần) đến và nói với ông rằng:
- “Mừng cho Đại khoa chén rượu”.
Nói xong, ngài cầm một bình rượu cổ giống hình chữ Giáp rồi đổ rượu lên một tờ giấy vàng đưa cho ông Đinh Nho Hoàn và biến mất. Sáng hôm sau, ông Đinh Nho Hoàn kể cho mẹ mình nghe về giấc mơ kỳ lạ đêm qua, nghe xong, mẹ nói:
- “Con ta khoa thi này sẽ đỗ Hoàng giáp”.
Quả thật, khoa thi năm Canh Thìn (1700), ông Đinh Nho Hoàn thi đậu Hoàng giáp, được bổ nhiệm làm Quan Ngự Sử trong triều Vua Lê Hy Tông, được cử đi sứ sang Trung Quốc nhiều lần và mất ở Trung Quốc năm 1715, sau khi mất, thi hài ông được Vua Càn Long và quan quân nhà Thanh hộ tống đưa về ải Nam Quan. Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn còn lưu lại câu đối ở Đền Bạch Vân như sau:
“Thần bút hà niên hoàng bảng trợ Linh từ chung cổ Bạch Vân lưu”
Nghĩa là:
“Bút thần năm trước nên bảng vàng Đền cổ nghìn năm dấu Bạch Vân.
(Ông Nguyễn Chưởng và Thái Kim Đỉnh ở An Hòa Thịnh ghi và dịch nghĩa).
Thân thế và sự nghiệp Tiến sĩ Đinh Nho Công, sách “Các nhà Khoa bảng Việt Nam" viết: “Đinh Nho Công (1637- ?) người xã Yên Ấp (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh là cha của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, thi Hương đỗ Giải nguyên. Năm 34 tuổi đỗ Đệ Tam Giáp đồng Tiến sĩ khoa Canh Tuất, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời Vua Lê Huyền Tông. Khoảng năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hòa (1692), ông giữ chức Tham chính xứ Sơn Nam, sau được thăng Thiêm đô Ngự Sử. Nhưng vì phạm lỗi nên bị truất xuống Tự khanh”.
Sách “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch cũng viết về Đinh Nho Công như trên, đồng thời trích dẫn thêm tài liệu Đại Việt Sử ký, bản Kỷ tục biên như sau: “Đời Vua Lý Hy Tông, năm Chính Hòa thứ 13 (1692), Tham chính Sơn Tây là Đinh Nho Công khi khảo xét thành tích đứng vào loại ưu (Thượng khảo), được thăng Thiêm đô Ngự Sử, con cháu đông đúc, các đời có người văn học”.
Sau khi mất (không rõ năm nào), Tiến sĩ Đinh Nho Công được nhân dân làng Thịnh Xá thờ trong Đền Bạch Vân với nghi thức như một vị Thành Hoàng của làng. Bài vị thờ ông trong đền ghi:
“Đường cảnh Thành hoàng anh linh hiển ứng Cồn Mai phúc thần Đại vương Lịch triều gia phong thượng đằng tôn thần”.
Về sau, nhân dân làng Thịnh Xá tiếp tục xây dựng Gác chuông và Chùa Thịnh Xá phía sau Đền Bạch Vân để làm nơi cho nhân dân hành lễ.
Bài và ảnh: Khánh Văn(còn nữa…)
Bình luận (0)