Đề cập về Tâm thức của con người, quả thật đây là lĩnh vực rất rộng và trừu tượng. Ở đây chỉ xin nêu khái lược đôi nét về vấn đề “tâm tạo” để chúng ta từng bước nhận diện Phật pháp. Bởi theo các tổ thầy dạy “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” đây là phạm trù Duy thức luận rất sâu rộng và phức tạp, nhưng người bước đầu đến với Phật pháp khó có thể phân biệt được các khái niệm.

Vậy Tâm tạo là như thế nào?

Phật dạy: “Nhất tâm”. Nhưng nghĩa nhất tâm rất cao sâu - mầu nhiệm, chúng sinh không hiểu thấu nổi chân lý nhất tâm hàm xúc này mà phải hiểu là “Thức biến”. Giải theo nghĩa thức biến này thì cũng rất khó khăn, tùy trình độ cao thấp, căn cơ sâu nông, giác ngộ được mức nào thì tiếp thu đến mức đó, bao giờ đạt Chính Biến Tri (tức quả Phật) thì mới hiểu đúng được. Vì Tâm hay Thức đều huyền diệu cả.

-Lại nhân cái nghĩa thức biến, thì đối cảnh sinh thêm nhiều tâm hơn, sự diễn biến tỉ mỉ phức tạp không thể nghĩ.

Trước hết hãy hiểu lý thuyết Tâm của Phật dạy là như thế nào, không phải “Tâm” chỉ là cái tâm đơn độc suông, còn rất nhiều ý nghĩa tinh vi của nó vô cùng huyền bí không dễ thấu triệt, ví nó còn tạo tác ra cả muôn loài và ba cõi được.

Trong bộ Đại luận Du Già Sư Địa, ngài Di Lặc đại Bồ tát đã nêu lên 660 thứ pháp để biểu thị cái tâm này.

Sau đến ngài Thiên - Thân thấy hãy còn (phiền văn) tức quá nhiều rắc rối phức tạp, liền lại rút gọn thành một trăm thứ. Từ một trăm (100) thứ này mà biến thành vô số đấng bậc và muôn loài hữu tình (tứ thánh lục phàm, tứ sinh thập loại, chúng sinh vô biên).

Như đã đề cập, trong phạm vi một bài ngắn ngủi giải thích sơ sài này, chỉ xin giới thiệu 100 cái tên tóm tắt đó, để cùng các độc giả biết qua đại ý cái gốc “giáo pháp vô thường thậm thâm” mà thôi, còn chúng ta ai có trí tuệ muốn tìm hiểu sâu Phật pháp hơn, thì xin xem các bộ Kinh Luận khác sẽ giác ngộ được hơn nhiều; và cả ba tạng thánh giáo với thiên kinh vạn quyển, cũng chỉ nói có chữ Tâm là chính đó thôi.

Đức Thế Tôn dạy: “Nhất thiết pháp vô ngã”. Đây là nói đối với bệnh chấp pháp, nghĩa là hết thảy mọi pháp không có gì là cái ta cả.

Đức Thế Tôn lại dạy: “Nhân vô ngã”. Nghĩa là để phá hết chấp trược cái thân sinh tử lưu chuyển của chúng sinh.

Một trăm thứ (hay gọi một trăm tên) này chia làm năm phần:

I- Tâm vương (1) II- Tâm sở hữu pháp (2) III- Sắc pháp (3); về đại thừa sắc cũng là tâm. IV- Tâm bất tương ứng hành. V-Vô vi (4).

Xin lần lượt lược bày như sau:

I. Phần thứ nhất Tâm pháp có tám thứ tâm thức: 1/ Tâm thức thuộc mắt, 2/ thuộc tai, 3/ thuộc mũi, 4/ thuộc lưỡi, 5/ thuộc thân, 6/ thuộc ý, 7/ thuộc ý căn hay gọi Mạt la thức, 8/ bản thể tâm hay gọi thức thứ tám, cũng gọi A Lại Gia hay căn bản thức; tám thứ thức trên đây đều gọi là Tâm vương.

II. Tâm sở có 51 thứ, trong đó phân chủng loại 6 thứ khác nhau:

a/ Năm thứ biến hành: xúc, tác ý, thụ, tưởng, tư. Năm thứ này chu biến hết thảy mọi duyên, khắp cả mọi lúc đồng thời khởi tâm. Cả chín tầng địa trong ba cõi đều có, đủ mọi thứ tính lành tính dữ.

b/ Năm thứ biệt cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, tuệ; năm thư này mỗi khi duyên với cảnh tốt hay xấu, thì riêng từng thứ khởi lên mà tạo nghiệp.

c/ Thiện, gồm 11 thứ: tín, tiến, tàm (5), quý (6), vô tham, vô sân, vô si, khinh an (7), bất phóng dật (8), hành xả (9), và bất hại; mười một thứ trên đây làm được một điều nào là sinh được một phúc lành.

d/ Căn bản phiền não là sáu thứ cội gốc khổ: tham, sân, si hay vô minh, mạn, nghi (10), bất chính kiến. Điều cuối cùng thứ 6 nếu tính ra thành 10 gọi là thập sử, 5 điều trước là độn sử, năm điều sau là lợi sử.

đ/ Tùy phiền não có hai mươi thứ: 1/ bực, 2/ giận, 3/ não, 4/ giấu, 5/ dối, 6/ a-dua, 7/ kiêu, 8/ hại, 9/ ghen, 10/ bủn xỉn; Mười thứ này là tiểu tùy phiền não(11). Vô tàm, vô quý; hai thứ này là trung tùy phiền não. Bất tín (12), lười biếng, vùng vằng, mơ mộng, phóng dật, hay quên, loạn tâm, bất chính tri; tám thứ này là đại tùy phiền não. Và 2 Bất định có bốn thứ: hối, miên, tầm, tứ (giác quan). Hối miên, tầm tứ; hai đôi đều có tính nhiễm hay không nhiễm.

III. Sắc có mười một thứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (13).

IV. Tâm bất tương ứng hành (14).

Tâm có hai mươi bốn thứ: 1/ đắc (15), 2/ mạng căn (16), 3/ chúng đồng phận (17), 4/ dị sinh tính (18), 5/ vô tưởng định, 6/ diệt tận định, 7/ vô tưởng báo, 8/ danh thân, 9/ cú thân, 10/ văn thân, 11/ sinh, 12/ trụ, 13/ lão, 14/ vô thường, 15/ lưu chuyển, 16/ định dị, 17/ tương ứng, đây là nhân quả, sự nghiệp, hòa hợp khởi lên ( khác với điều chú thích thứ 14), 18/ thế tốc, 19/ thứ đệ, 20/ thời, 21/ phương, 22/ số, 23/ hòa hợp, 24/ bất hòa hợp, đây là mọi pháp đều mâu thuẫn nhau, trái với nghĩa hòa hợp.

V. Vô vi tâm có sáu thứ (4 thứ trước đều là pháp hữu vi ràng buộc vào vòng sinh tử luân hồi. Sáu thứ vô vi kể sau đây thuộc phép xuất thế):

1/ Hư không vô vi, 2/ trạch diệt vô vi, 3/ phi trạch diệt vô vi, 4/ bất động vô vi, 5/ tưởng thụ diệt vô vi, 6/ chân như vô vi. Sáu thứ pháp này thuộc Hiền Thánh tu chứng.

Bằng ấy phép kể trên, làm dữ đọa xuống sáu ngả ác chịu khổ, làm lành sinh lên bốn cõi lành.

Trăm thứ pháp (cả sắc lẫn tâm này) đủ sinh ra các loài động vật trong thế gian, từ hữu lậu tiến lên vô lậu vượt ra ngoài đời.

Như khi đã sinh ra loài người (chúng sinh) là chính báo, thì lại chiêu cảm báo ứng có chỗ ở là y báo (thế giới) để chúng sinh ở.

Vốn từ vô thủy kiếp lai, chúng sinh tâm tạo nghiệp hóa biến chuyển khôn lường, cùng với bốn thứ chất là tứ đại chủng, chuyển thành bốn nguyên tố chính gọi là: chất đất, chất nước, chất lửa, chất gió, từ những đời kiếp rất xa xăm, phát triển dần dần thành ra các thế giới hữu hình trong vũ trụ.

Những chúng sinh đồng nghiệp thì cái nghiệp nó đưa đến ở cùng thế giới với nhau; những chúng sinh biệt nghiệp thì cái nghiệp nó dẫn đến các thế giới khác tùy cái nhân được hội ngộ.

Chúng sinh nào khi báo tận chết đi thì lại thọ sinh đời sau, hoặc sinh ngay ở thế giới đó hay thế giới rất xa xăm. Các thế giới cùng chịu quy luật: thành, trụ, hoại, không.

Đối với chúng sinh phàm, thường ở thế gian thì lần lượt lưu chuyển không ngừng, ví như những cái bọt nước, cái này nẩy ra cái kia tắt đi, cái kia nẩy ra, cái khác tắt đi; cứ luẩn quẩn với nhau trong giữa cái hữu hình thế gian với quốc độ thế gian, quanh đi quẩn lại như bánh xe quay gọi là luân hồi.

Cho nên có câu “Tam giới duy tâm (20). Vạn pháp duy thức”. “Nhất thiết duy tâm tạo”.

Hữu tình thế gian, quốc độ thế gian, gắn bó với nhau, (tứ đại ngũ uẩn hợp thành) mà làm Duyên giúp nhau về mọi sức sống lành mạnh lâu dài.

Tác giả: Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2020 --------------------- CHÚ THÍCH: (1) Tâm có tám thứ chính gọi là tâm vương. (2) Những thứ này đều lệ thuộc vào tâm vương. (3) Sắc pháp, về đại thừa sắc cũng là tâm. (4) Pháp xuất thế. (5) Tự thẹn. (6) Xấu hổ với người. (7) Thoải mái. (8) Không dông dỡ (9) Xả tam độc trong hành tâm. (10) Không tin Tam bảo, luật nhân quả và làm lành được phúc ư? (11) Giấu tội lỗi. (12) Không tin Tam bảo nhân quả tội phúc, chữ nghi trên kinh là còn tiềm tàng trong tâm. (13) Sắc tướng là nhân duyên sinh, tướng là hư vọng, mà không thì tính không. Kinh Bát Nhã tâm nói “ngũ uẩn giai không”. Như vậy sắc cũng là không, bởi sắc là duyên sinh nên không có thực tính, vậy thì sắc cũng chẳng khác gì không; thực tính tuy không nhưng cái chỗ nhân duyên tụ hội có sắc tướng, vậy thì không cũng chẳng khác gì sắc. Nếu lấy tự thực tính mà nói là sắc tức không, thì đây là nói về chân đế. Nếu lấy tự nhân duyên nói không tức là sắc, thì đấy là nói về tục đế. Đếu nói hai từ tức là thì rõ ràng tỏ nghĩa bất nhị: lìa nhị biên thì đấy mới là trung đạo nhất thực - đế vậy. (14) Thứ lưu hành không duyên, không tương ưng với Tâm tâm sở. (15) Cái được. (16) Mạng sống. (17) Cùng giống loài, như người với người, trời với trời. (18) Sinh ra loài này mang thói quen của giống loài kia. (19) Sắc, tâm, tâm sở thiên lưu không ngừng. (20) Tam giới là ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Trong 24 bất tương ưng hành, có điều thứ 17 nói là “ý tương ưng” đây nghĩa là đối với nhân quả, sự nghiệp, hòa hợp không trái, điều 23 là “hòa hợp”: đây là nói nghĩa do Tâm vương, tâm sở và sắc hòa hợp; khác trên là không duyên cảnh lại không duyên cả tâm vương, tâm sở nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: - Tám quyển sách quý - Cố HT. Thích Thiện Hoa- (Nxb. Tp. HCM- 1990) - Tạp chí nghiên cứu Phật học (chuyên mục luật học – số 5-1997) Kim Cương Tử.