Niệm Phật trong Đại thừa Phật giáo có thể nói là một Pháp môn cần yếu, nhất là đối với chúng sinh của thời đại khoa học phát triển ngày nay. Lẽ tất nhiên, niệm Phật đã thấm sâu vào văn hóa truyền thống của dân xứ Bắc, nhất là của mấy cụ vãi quy y cửa Phật.

Tác giả: Thích nữ Bảo Giác Học viện Ths Khóa IV Học viện PGVN tại Tp.HCM

A. DẪN NHẬP

Trong tâm tưởng người dân Việt, chữ Nam Mô A Di Đà Phật như một câu cửa miệng chào khi gặp nhau, hay đến chùa dâng hương, lễ Phật. Cũng có, vô số những câu hỏi nghi lầm xoay quanh đức Phật A Di Đà có phải là do Phật Thích Ca Như Lai giới thiệu hay do văn hóa tôn giáo Trung Quốc ngụy tạo như một cách đồng hóa tư tưởng trên đất Việt?

Lại cũng có người cho rằng Kinh A Di Đà không phải do Phật thuyết, không có cõi Cực Lạc, không có Phật Di Đà, chỉ riêng có đức Thích Ca là có thật?

Nghi lầm này sẽ nguy hại bao nhiêu nếu ai ai cũng cất giữ, hoặc có thưa thỉnh nhưng lời giải đáp còn mơ hồ, không cụ thể cũng đủ làm phật tử đang tu học bàng hoàng, khủng hoảng tín tâm nơi giáo pháp họ đang trì giữ. Bởi lý do này, người viết xin chọn đề tài: “Tính nhất quán tư tưởng trong pháp môn niệm Phật”, nhằm tìm hiểu, làm thông tỏ những vấn đề còn tồn đọng về pháp môn niệm Phật từ cảnh giới Tây phương, pháp môn tu tập, đoạn trừ phiền não với những điểm tương đồng, dung thông với Thánh điển Nguyên thủy. Duy chỉ lấy mục đích, quyết nghi trong lòng tín đồ theo Phật không lầm tưởng, hay thoái tâm mà bỏ phần lợi ích trong hiện đời.

B. NỘI DUNG

Bàn về pháp môn niệm Phật, đồng nghĩa với việc có nhiều vấn đề phải giải quyết. Trước tiên là cảnh giới Tây phương, vô cùng tuyệt đẹp đến độ người không có duyên ắt không bao giờ tin tưởng sự tồn tại về nơi đó. Đây có lẽ cũng là vấn đề cần được nhận định rõ ràng, tránh những sai lầm nối tiếp, lấy những nhận định chủ quan với Tịnh Độ mà làm giáo pháp thêm một lần nữa bị chia rẽ. Tình hình, phân chia bộ phái chính vì vậy mà ngày càng mang lối riêng biệt, không còn nhất quán của các đệ tử về sau như cách vô tình làm Phật giáo bị ngưng đọng giữa những vấn đề của thời đại, lại đồng thời tạo nên những kẽ hở cho các giáo phái đối nghịch có cơ hội bài xích, cũng khiến cho tu sĩ trẻ ngày nay, đứng trước bối cảnh Phật giáo thời đại, tự tông phái phát triển riêng biệt mà rối bời, bất lực nên nỗi buông thả, mặc thây, khó lòng giải bày quan niệm.

Một thế hệ nếu không được giáo dục nghiêm cẩn, đối với Phật giáo cũng không coi trọng hẳn sẽ là tội ác vô cùng, bởi đó là bít lối của số đông tín đồ cư sĩ. Chỉ từ những ý niệm ban sơ mơ hồ sẽ hình thành nên những ngu muội về sau gọi là tư tưởng thì liệu có ảnh hưởng đến mạng mạch phật pháp hay không?

Điều này không phải chỉ riêng trông đợi và sự gìn giữ giới luật. Tiếp sau, xin lạm bàn về phương pháp trì niệm của tông Tịnh độ với phương pháp tu trì tứ niệm xứ trong kinh điển nguyên thủy, chỉ mong thấy được ý nghĩa chung trong mọi pháp môn, xóa nhòa đi sự phân biệt, chấp chước, đồng hướng tới giải thoát rốt ráo. Nhờ đó, cảm nhận được sự Từ bi của đấng Từ Phụ Thích Ca dù nhập Niết Bàn nhưng cũng không quên chúng sinh mà trao tay sự giải thoát ở Phật Di Đà?

Vậy mới hay, trí tuệ của chư Phật là đồng như nhau, không thể hạng phàm phu lấy tâm lượng hạn hẹp mà so sánh được, rồi tự mình đánh mất đi sự giải thoát bản thân. Chấp trước vào kinh văn, cũng không khác gì, con mọt gặm nhấm kinh sách, tự thỏa mãn văn tự, không tự tìm cầu ra khỏi.

Điều gây tranh cãi nhiều nhất là luận cứ nào để chứng minh Kinh Di Đà do Phật tuyên thuyết và sao không có trong bản kinh thuộc năm bộ Nikaya. Đây thật sự là y cứ sai lầm khi lấy Nikaya để soi tỏ diễn tiến của giáo pháp vì Kinh điển Nguyên thủy bằng ngôn ngữ Pali được dùng chỉ là ngôn ngữ của miền Tây Ấn, được sử dụng bởi Ngài Mahinda thuộc truyền thống Xích Đồng Diệp Bộ, chỉ là một nhánh của Trưởng Lão Thuyết Bộ. Thánh điển cũng vẫn chỉ dừng ở ngôn ngữ, văn tự, ghi lại những mảnh cứng rời rạc của Đạo Pháp, sự truyền tải chân lý mà thôi. Nếu như đã là “dĩ văn tải Đạo” thì dĩ nhiên sao có thể là cứu cánh, đã là phương tiện thì đúng với ý nghĩa giúp cho sự suy tư và thể nhập, sau rốt mới giải thoát?

I. Ý NGHĨA “PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH”

Đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn, sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh còn chưa hết, chúng sinh còn chưa độ tận, liệu rằng đó có phải là vì Phật có hạn lượng?

Pháp môn niệm Phật ra đời, để chứng minh về một nền giáo dục của đức Thích Tôn là vô cùng, dẹp tan những hoài nghi về sự hóa độ dang dở của Ngài. Có thể tinh thần Tịnh độ đã bàng bạc, rải rác trong các kinh Nguyên thủy, nhưng hàng hậu học sau, ngu si, mê mờ, dễ khởi nghi hoặc, chấp trước sao có thể phân định chính tà. Cho nên, bản kinh A Di Đà Kinh ra đời, tích lọc những tinh hoa giáo pháp, mô tả về cảnh giới yên vui với đặc thù không có ác đạo, duy chỉ có tiếng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng làm bạn lữ. Về phương pháp cũng có nông sâu khác nhau tùy theo căn tính, nhưng niệm Phật thâu nhiếp mọi hữu tình, “Ai đã phát nguyện thì đã sinh về”. Sứ mệnh của kinh A Di Đà là cho chúng sinh phát nguyện được sống trong một môi trường giáo dục thiện lành, duy nhất cho đến khi đạt Nhất thiết chủng trí.

Nền tảng căn bản kiến tạo nên cõi Cực Lạc chính là thiện tâm và giải thoát tâm.

Từ hệ thống xây dựng thế giới Tây phương của Phật Di Đà đã là khởi nguồn cho việc hình thành một môi trường giáo dục tương tự ở ngay cõi nhân gian. Luôn có thiện hữu bên cạnh sách tấn, động viên không rời thiện pháp. Giáo dục thành tựu thì Tịnh độ hiện tiền chính là đây, không tìm đâu xa.

Pháp môn niệm Phật là vô cùng thích hợp trong xã hội chạy đua cùng công nghệ, con người không còn có những khoảng thời gian để nghỉ ngơi, không thể có thời gian như đến xứ Kuru, cùng nhau khích lệ, động viên tu Tứ Niệm xứ, không gian bó buộc đã dần khiến cho Phật giáo tách khỏi đời sống nhân sinh. Thì Tịnh độ Pháp môn đáp ứng được nhu cầu đó, không cần khoảng trống dành riêng cho tu tập, giờ đây niệm Phật có thể trên đường, lái xe, đi tàu, ...mọi không gian đều có thể niệm Phật, không còn ước đoán trong một gian thờ Phật, lễ bái hay thiền tập như trước.

Đây vừa là nét đặc thù riêng của niệm Phật vừa là một phần phát triển ứng dụng của giáo lý Phật đà trong việc độ sinh. Cũng thể hiện được sự Từ bi vô hạn của đức Thích Ca trong sự giáo hóa khi trao quyền độ sinh sang tay đức Di Dà. Bởi mười phương chư Phật đều chỉ đường giải thoát.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tinh Nhat Quan Phap Mon Niem Phat 1

II. CẢNH QUAN CÕI CỰC LẠC

Nhắc đến thế giới Cực lạc, tất thảy đều lầm tưởng đó là cảnh giới của một nơi rất xa xôi, (cách đây hơn mười muôn ức cõi Phật) khó lòng đến được. Trong kinh điển Nguyên thủy có bản kinh: Du Hành của Trường A Hàm, Đại Thiện Kiến Vương trong Trung A Hàm và ở cả kinh Trường Bộ II, đức Phật đã mô tả cảnh quan của xứ Kusinara. Quá khứ, đây là kinh đô của Vua Đại Thiện Kiến, tên là Câu Xá Bà Đề (Kusavaty). Một nơi trù phú, thịnh vượng dưới trị vì của Vua Chuyển Luân, cảnh sắc thù thắng nơi đây, khó có gì sánh bằng: “Này Ananda, những hồ sen ấy được lát bằng bốn loại gạch, một loại bằng vàng, một loại bằng bạc, một loại bằng lưu ly, một loại bằng thủy tinh”[1] thì kinh Di Đà cũng viết: “Cực lạc quốc độ, hữu thất bảo trì, bát công đức thủy, sung mãn kỳ trung. Trì để thuần dĩ kim sa bố địa. Tứ biên giai đạo, kim ngân, lưu ly, pha lê ...trì trung liên hoa đại như xa luận, thanh sắc, thanh quang, huỳnh sắc, huỳnh quang, xích sắc, xích quang, bạch sắc bạch quang, vi diệu hương khiết”[2].

“Đoạn kinh mô tả kinh đô Kusvatỵ có nhiều đoạn giống như nước Cực lạc của Đức Phật A-di-đà trong kinh A-di-đà, và rất có thể có những liên hệ giữa hai kinh này. Cuối cùng Đức Phật tuyên bố chính vua Đại Thiện Kiến là một tiền thân của Ngài”[3], diễn tả cảnh “Cực Lạc quốc độ, thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ, giai thị tứ bảo, châu táp vi nhiễu. Thị cố bỉ quốc danh vi cực lạc”[4]. Hàm nghĩa của cảnh giới này, trước khi nhập Niết Bàn, Phật cũng nói về lý do tại sao lại chọn chốn Song lâm, đó chẳng phải đang ý chỉ chúng sinh cũng nên đến cõi nước như thế, an lạc như thế, cảnh giới như thế. Tại đây, Phật cũng lại một lần cuối chỉ dạy chốn trở về của tất cả chư Phật, đồng cảnh giới và chúng sinh cũng có thể đến đó nhờ hồng danh niệm Phật, niệm bản thể Giác ngộ, niệm Phật tính của chính mình. Lúc này thì hoàn toàn đoạn dứt năng niệm và sở niệm, nhập về pháp giới chư Phật.

“Các pháp lấy dục làm gốc, lấy xúc làm hòa hợp, lấy thọ làm dẫn khởi, lấy tư tưởng làm hiện hữu, lấy niệm làm thượng thủ, lấy định làm tiền đạo, lấy tuệ làm Vô thượng, lấy giải thoát làm chắc thật, lấy Niết bàn làm cứu cánh” là câu văn trích dẫn lời Phật dạy trong bài kinh Pháp Bổn, Trung A Hàm II, đổi lại những niệm quán tưởng về vô thường, bất tịnh, đáng gớm, khổ đau của cảnh Ta bà uế trược sẽ là cảnh Cực lạc “không khổ toàn vui”, nơi có “thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm”, “vi phong xuy động, chư bảo hàng thọ, cập bảo la võng, xuất vi diệu âm ... giai sinh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm”. Đối lập với cảnh ngũ trược là Tây phương An lạc, luôn vang vọng pháp âm không dứt, là phương cách gần gũi Thiện tri thức an toàn nhất, không hề sợ hãi trước những ác niệm dễ xâm chiếm tâm khi hợp cảnh trần. Cực lạc đến viền xây bao quanh cũng bằng vàng, bạc lưu ly, pha lê, xà cừ, mã não là thâu nhiếp tâm chúng sinh cang cường, tham lam, đồng thời cũng là từ ngữ ẩn dụ chỉ cho những pháp thiện, pháp xuất thế như ở Pháp Hoa khi nói về xe Trâu với những võng lọng, trang hoàng để thu hút, hấp dẫn các con mau ra khỏi nhà lửa. Chỉ vì chúng sinh có biệt nghiệp khác nhau, các thế giới có ưu liệt thì tất yếu có những phương tiện không đồng danh mà nghĩa thống nhất.

III. TÍN - NGUYỆN - HẠNH VÀ PHÁP MÔN TỨ NIỆM XỨ

Đối với những hiện tượng khác biệt, con người nếu không tự hiểu biết được sẽ dùng khoa học chứng minh, và cảnh giới Cực lạc cũng vậy. Ngày nay, những hành tinh khác cũng dần được khám phá thì việc hiện hữu một thế giới Phương tây An lạc cũng không còn là điều gì khó chấp nhận. Nhưng đối với giáo pháp mà đặt sự giải thoát lên hàng đầu như Phật giáo thì thực sự vẫn không phải là điều dễ tin ngay trong cuộc sống này, như hạt lép sao có thể kham chịu được việc vò xát thành gạo trắng trong. Từ nguyên nhân đó mà niềm tin được đặt hàng đầu đối với pháp môn niệm Phật gọi là “Tín”.

“Nguyện” không chỉ có mặt ở pháp môn tịnh độ mà ở kinh Trung Bộ, bài kinh Ước nguyện, cũng đề cập tới những câu nguyện đem lại lợi ích cho chúng nhân đều khả tính thành tựu dựa trên việc làm thiện lành từ thân, khẩu, ý.

“Hạnh” chính là chuyên tâm, nhất hạnh, không nhanh, không chậm, không thoái, không trệ: “Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa môn, tự thân đạt đến Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm Phật”[5] .

Thực tế, cần được suy nghiệm ở đây là tư tưởng Phật giáo trải dài trong kinh điển, luật và luận tạng, chỉ là sự bổ sung, dung thông, nhất quán cho nhau. Nhưng cũng không có gì lạ, khi bất cứ thời đại nào, quốc độ nào cũng sẽ có một hình tượng Hàn Dũ, bài báng Phật giáo, trong một vị thế hoàn toàn mê mờ về Phật giáo. Nếu có một Thoái Chi, cố thủ chỉ mong khởi dựng Nho Gia, thì cũng có một Trương Thương Anh, nguyện vì Phật mà xứng danh Hộ Pháp. Nhưng nguy hại nhất lại là “sư tử thực sư tử nhục”, khó có thể lường. Chúng ta cũng có thể ở vào vị trí phá đạo nếu như không tự mình thông tỏ các pháp, tìm ra được tính thống nhất tư tưởng, chứ không phải cuồng loạn kiếm tìm thứ nằm ngoài giải thoát như thiền tông có câu thoại đáng suy ngẫm: “cưỡi trâu đi tìm trâu”.

Kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Một pháp cũng nói đến lợi ích của pháp môn niệm Phật như sau: “Có một pháp, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhứt hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn”[6]. Thử so sánh pháp môn niệm Phật và Tứ niệm xứ để tìm chỗ dị đồng trong những bài kinh được Phật tán thán là “con đường độc nhất”. Tứ niệm xứ là bốn chỗ cần nhớ là tâm, thọ, thân, pháp. Niệm là nhớ nghĩ, cũng như niệm Phật, nhớ ân đức Tam Bảo, nhất tâm không tạp thì ba độc sao thể nhiễu hại như Kinh Tạp A Hàm, số 499 đề cập: “Nếu có Tỷ Kheo khéo tu tâm và pháp, có thể từ bỏ tâm tham dục, sân nhuế, tâm ngu si, từ đó thành tựu được pháp vô tham, vô nhuế, vô si. Bấy giờ vị Tỷ Kheo xác nhận rằng: sự sinh đã tận, phạm hạnh đã lập, tự biết không còn thọ thân sau”[7]. Pháp niệm thân có nét tương đồng như niệm Phật, chỉ khác ở đối tượng là thân bất tịnh. Hành giả tu quán niệm, dùng sức định tâm, quán  tưởng các tử thi và hài cốt nhằm thấy được sự đáng gờm, đáng sợ của tấm thân này. Niệm tử là sau khi thuần thục ở pháp quán tử thi, dùng sức định tâm để quán chiếu mối liên hệ giữa tấm thân này và cái chết, nhìn thân người sống nghĩ đến xác người chết. Hoặc liên tục khởi niệm những câu tự răn: cái chết là tất yếu, mạng sống trong hơi thở, có sinh có diệt...cái chết chỉ là sự chấm dứt mạng căn. Từ những phương pháp khác nhau, đối tượng khác nhau nhưng đều ở sự nhớ niệm liên tục không gián đoạn, cũng chỉ là phương tiện tạm thời để nhận chân được cái khổ chắc chắn nơi thế gian (khổ đế) mà buông xả, không tham đắm, chấp trước, mọi thứ đều là mộng huyễn, bọt ảnh.

Niệm Phật thì dùng miệng niệm Phật, cho kẻ sơ cơ, tâm còn tán loạn, nhưng nhiếp khẩu là được nửa phần giải thoát vì chúng sinh bản tính tò mò, tâm viên ý mã, sau đó mới nhiếp thân theo khẩu. Đi mỗi bước niệm A - Di - Đà - Phật theo bước chân, theo nhịp nhạc, theo vòng quay bánh xe khi đạp, theo hơi thở ... lâu ngày tạo thành ý niệm tương tục, không còn khởi tâm thức mà việc niệm Phật cũng theo sự huân tập mà làm. Tâm thâu nhiếp trong niệm Phật thì không thể khởi niệm ác, không nghĩ tà, không gây tội. Mỗi mỗi câu Phật hiệu là ý thiện, thân thiện, khẩu thiện, xa rời sự phiền não cho người, tránh những nơi náo nhiệt, xáo động, cũng không còn yêu ghét những thị phi điên đảo đều mang những đặc tính tương đồng với kinh điển Nikaya “Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng ... thực hành sự hộ trì ý căn”[8]. Quán Niệm xứ là hành trình quán cái giả, tìm chân thì niệm Phật là phương cách quay về chân thẳng tắt. Thẳng bởi bao hàm yếu nghĩa cơ bản Tứ đế, nhân duyên, vô thường, vô ngã. Tắt là vượt qua bao hóa thành để nhất niệm, cột tâm ở nghĩa giác ngộ (Phật). Kinh Lăng Nghiêm nói về khách trần, tinh hoa của tuệ quán là vạch bày ý niệm ngã chấp qua bản chất của Danh sắc. Chỉ có thất niệm và niệm, chứ không nặng lòng ở nhận thức phân biệt. Đi biết đi, đứng biết đứng, trong bốn uy nghi đều rõ biết, tâm quảng đại biết tâm quảng đại .... mỗi mỗi đều biết hay biết như nó chính là “như lý tác ý”, phương cách tu tập này, cần một thời gian và không gian riêng nhiều hơn. Có thể là nhập thất, tạo cơ duyên thành tựu thuận tiện và có những buổi trình pháp với Bậc Thầy tu chứng để nhận chỉ dẫn thêm, tránh những chướng nạn nhỏ về đường lối hay quả tu không tới. Còn niệm Phật, một lòng chuyên nhất, nếu động loạn, phan duyên lại nhớ quay về hay bỏ trễ tụng đọc, mười ngày bỏ chín thì lại đi lại từ bước đầu, không cần chọn lựa, căn tính dù khác nhau cũng vẫn được nhiếp độ. Luôn có Phật chỉ đường, không lo sai đường lạc lối. Đây có thể là điểm tối thắng của niệm Phật. Sự phóng dật hay hôn trầm thì Tứ niệm xứ chỉ theo dõi biết, còn niệm Phật có khi nhanh, mạnh mẽ, dứt khoát tránh hôn trầm, và niệm theo nhạc trầm bổng, êm dịu khi tâm loạn, “cốt sao ba nghiệp sạch trong làu làu, .... trau dồi ba nghiệp cho chuyên”. Một bản kinh khác, kinh Trì Trai, số 202, Trung A Hàm, tương đương kinh Visàkhà-sutta, Tăng Chi Bộ nói: “Này cư sĩ! Đa văn Thánh đệ tử khi trì trai niệm tưởng Như Lai rằng, Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Người ấy sau khi niệm tưởng Như Lai như vậy, ác tham nếu có liền bị tiêu diệt. Những pháp tạp uế, ác bất thiện, nếu có cũng bị diệt. Này cư sĩ, đa văn Thánh đệ tử duyên nơi Như Lai cho nên tâm tĩnh, được hỷ, ác tham lam nếu có liền bị diệt, pháp tạp uế, ác bất thiện nếu có cũng bị tiêu diệt”. Kinh này cho thấy nhờ niệm Phật mà tâm được định tĩnh và tất cả mọi tâm lý bất thiện đều được tiêu diệt, được nói cho cư sĩ Tỳ Xá Khư, khi Phật đang trú tại nước Xá Vệ, trong Đông viên, Lộc Tử Mẫu giảng đường.

Những dẫn chứng được trích dẫn từ những bản kinh hệ Pali có thể chứng minh rằng pháp môn niệm Phật đã được đề cập từ thời đức Phật còn tại thế, có xuất xứ từ Ấn độ nhưng phải đến Trung Quốc mới có cơ hội hình thành tông Tịnh độ. Lòng Từ bi của đức Thích Ca khi luôn đau đáu nhắc nhở đệ tử phải cố gắng tu tập một pháp, đó chính là pháp môn niệm Phật. Không những thế, Ngài còn dạy phương cách niệm như thế nào và khi nhiếp tâm nhớ nghĩ, quán tưởng đến Phật, đến những công đức của Phật sẽ đem đến lợi ích lìa tham, sân, si, lìa cấu uế, diệt mọi âu lo, được sự an vui, định tĩnh “chấp trì danh hiệu, nhược nhất nhật .... nhược thất nhật, nhất tâm bất loạn ... tức đắc vãng sinh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ” đồng như hành giả tu Tứ niệm xứ trong sáu năm, ..... nửa tháng, thậm chí bảy ngày có thể chứng đắc.

Qua những so sánh trên có thể thấy, dù là hành trì theo những lời dạy của Phật thì tất cả đều là “con đường độc nhất dẫn đến thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, đoạn trừ khổ ưu, thành tựu chính trí, chứng ngộ Niết Bàn”, đủ đầy Giới - Định - Tuệ. Lại cũng qua bài viết ngắn, người viết cũng xác quyết rõ ràng hơn là duy chỉ có ở tư tưởng Phật giáo - một thể thống nhất, có giá trị nhất quán, tinh thần hòa bình, đồng đẳng về tính giải thoát. Dòng tư tưởng đó xuyên suốt chạy dọc theo chiều dài lịch sử Phật giáo, tỏa khắp năm châu, hiển bày trong các Tông phái chính vốn là lẽ tất yếu.

IV. NỘI HÀM PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Chúng sinh hết thảy nếu tu tập tỉnh giác thì cũng chính là Bồ Tát (hữu tình giác), đây cũng là cách mà đức Phật là làm trong vô lượng kiếp tu tập. Tâm còn những tham, sân, si, bị vô minh ngăn chướng thì là chúng sinh. Nhưng khi, hành giả có tâm phạm trú, tức Tứ vô lượng tâm, được thiết lập thì đó là những người xuất chúng, quyết vượt lên cõi phàm, tu hạnh bậc Thánh, lại vì lợi hành, gọi là những Bồ Tát. Phẩm hạnh theo thời gian huân tập, thêm lớn chắc hẳn đúng như giáo lý nhân quả ắt sẽ gặt hái quả Giác ngộ không xa. Từ những kiếp trước, đức Phật cũng là một  trong số những chúng sinh mà Ngài đã thành Phật nhờ những nhân hạnh tích lũy “Xưa kia khi Ta chưa thành tựu Vô Thượng chính giác”[9]. Nếu cho rằng, Phật trong a tăng kỳ kiếp tu tập rồi, còn bản thân chúng ta đều không thể sánh được thì có phải sự chấp trước đó, đã vô tình mặc định phủ nhận khả tính giải thoát của chính chúng ta, cũng là trái với bản hoài đức Phật. Đó là lý do, Phật ra đời là chỉ cho chúng sinh “khai thị Phật tri kiến”. Tri kiến Phật chính là con mắt của Phật, suy nghĩ của Phật, trí tuệ, từ bi của Phật, có lẽ sẽ thật khó có thể suy lường. Nhưng Phật đã thương xót hết thảy chúng sinh luôn mặc cảm về nghiệp chướng, về ngu si từ lịch kiếp, về tham sân cuồn cuộn mà chỉ dạy các phương tiện khác nhau, để chúng sinh được đặt để trên cùng hướng đến giải thoát, âu có khác chỉ là pháp môn.

Những Bồ Tát đó, liên tục quán chiếu, hiểu biết về sự thật, Tứ đế, Duyên khởi, Vô thường, Vô ngã, cũng sẽ có ngày đạt được giác ngộ hoàn toàn, thành Phật. Do vậy, không thể nghĩ rằng chỉ có một vị Phật. Tính Phật  chính là chân pháp, là chân lý, đều chung con đường của tầm nhìn chân chính gọi là chính kiến “Pháp Duyên khởi không phải do Ta tạo ra, cũng không phải do người khác tạo. Dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở đời thì pháp giới vẫn thường trú, Như Lai tự giác ngộ được pháp này, thành tựu Chính Giác, sau đó vì chúng sinh phân tích, diễn nói, chỉ dạy, hiển bày”[10]. Điểm chung của các Đức Phật là đây và cũng cho thấy Phật không cách xa chúng ta là mấy. Giác là Phật, mê là chúng sinh. Niệm danh hiệu một vị Phật chính là niệm tính giác, niệm đồng thời chư Phật. Danh từ tôn xưng có khác nhưng ý nghĩa về Giác ngộ đồng nhau.

Nhật Liên Đại Sư, một Thánh tăng Nhật bản (1222 - 1282) đã phát minh tam đại bí pháp để làm yếu chỉ cho Pháp Hoa Tông là chuyên trì tụng bảy chữ Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, công đức như trì toàn kinh, tiêu trừ nghiệp chướng, chứng quả vị Phật. Bài vị thờ cũng ghi bảy chữ như vậy thay thờ cốt tượng. Diệu Pháp Liên Hoa: Phật tri kiến Phổ Quang Minh Trí, cũng chính là tính Vô Lượng Quang Thọ (A Di Đà). Vậy đâu có khác pháp môn Tịnh độ niệm sáu chữ hồng danh, lực dụng như nhau không khác.

Lập trường căn bản của Phật giáo Nguyên thủy là do nơi tâm ta mà giải quyết mọi vấn đề. Giá trị của thế giới cũng được quy định bởi những trạng thái của tâm như hạnh phúc, đau khổ, mê ngộ, Phật Thánh. Phương pháp Tịnh độ có thể nói chính là điều mà Phật giáo hướng tới nơi thế gian. Đối lập mang tính tương đối nhau là uế độ - Tịnh độ, kiếp trược - Cực lạc ... nên nói sứ mệnh của Phật giáo cuộc sống lý tưởng và thực tế. Tinh thần Đại thừa tuy an trụ ở giải thoát nhưng cũng lấy việc thanh tịnh hóa xã hội hiện thực là lý tưởng hướng thượng. Giải pháp trung hòa giữa lý tưởng và hiện thực đó chính là niệm Phật. Chủ nghĩa giải thoát của Bộ phái với kinh điển Nikaya mang xu hướng Tịnh độ cá nhân, không mang tính xã hội. Còn chủ trương của Đại thừa Phật giáo lại lấy tiêu ngữ độ sinh hơn cả nên đã biến thế giới hiện thực đầy đau khổ, thê lương, trói chằng thành nhân gian Tịnh độ. Qua đó, có thể thấy pháp môn niệm Phật trong sự hình thành và phát triển cho tới ngày nay, là tổng quan những chuyển biến tư tưởng, chung mục đích vị lợi ích số đông. Tịnh độ pháp môn quyết nghi mọi lầm lẫn cố hữu của lý tưởng Nguyên thủy tưởng như là tất cả, lại gồm thâu sự giải thoát và đặt thực tại hiện hữu làm trung tâm. Không xa rời chúng sinh, không vượt ngoài thế giới là giá trị nhân sinh quan, vũ trụ quan mà Tịnh độ đem lại cho những căn cơ cần cứu độ. “Một thời, Thế Tôn trú ngụ tại Upavattana (Hồ-bạt-đan) ở Kusinàrà (Câu-thi-la) trong rừng Sàla của dòng họ Mallà, giữa hai cây Sàla song thọ, khi ngài sắp nhập Niết-bàn”[11]. Đức Thích Ca chọn nơi đây làm chỗ nhập Niết Bàn, ngoài ý nghĩa về tích xưa Vua Đại Thiện Kiến thì còn mang hàm nghĩa về cảnh giới sau khi lâm chung về sau cho hàng đệ tử. Đã là chỗ đến đi của Chư Phật thì đều ý nghĩa cho sự thanh tịnh, giải thoát, thiện duyên, không có đường ác. Điều này hoàn toàn tương ứng với những mô tả trong kinh Di Đà về cảnh Tây phương Cực lạc lại được mười phương chư Phật cùng tán tán.

Đem so sánh với các pháp môn khác, thì có quan điểm cho rằng, đây là dành cho người căn cơ thấp kém, ngu muội, già cả nhưng suy xét tận cùng về sự đạt được Nhất tâm bất loạn, hay niệm Phật tam muội lại không phải là việc của kẻ “thiểu thiện căn phúc đức nhân duyên”. Điều mà một đức trẻ cũng biết những làm thì đến kẻ tri thức cũng không dễ thực hiện được.

Đạo Phật là một thực thể linh động, phải thực chứng mới có thể hiểu biết rõ ràng, thấu đáo, không phải là đối tượng của khoa học mà soi bằng kính hiển vi, cũng không phải chỉ là học thuyết, triết lý mà mổ xẻ, phân tích. Cho nên, nếu y cứ trên ngôn ngữ, chữ viết thì chính đang hạn cuộc sự độ sinh cuả Phật giáo và nắm giữ cái xác khô cứng còn tồn tại trên bia, đá hay cả lá bối, văn tự. Đạo Phật khô héo trong cái xác xưa cũ, lẽ nào lại không bằng con ve sầu biết vứt bỏ vỏ khô để hồi sinh hơn thế. Pháp môn niệm Phật đã thực hiện được tinh thần hồi sinh ấy, không xa rời thực tại, mang một luồng sinh khí mới trong việc kế thừa và phát triển Phật giáo tới mọi căn cơ, tầng lớp xã hội, bất kể tuổi tác, màu da đều có thể niệm Phật, đấy là sự thành công của Đạo Phật trong ý nghĩa vị lợi ích nhân sinh thủa ban đầu. Phủ nhận Tịnh độ, chính là phủ nhận giáo pháp giải thoát, phủ nhận ý nghĩa Phật xuất thế, phủ nhận lợi ích quần sinh hay cả sự tồn tại giáo lý.

Đến đây thì việc khẳng định chính cõi đất Ta bà này cũng nhờ tâm niệm Phật mà trở nên thuần tịnh như trong Hoa Nghiêm kinh:

“Nếu ai muốn rõ biết,

Ba đời hết thảy Phật,

Nên quán tính pháp giới,

Hết thảy do tâm tạo”.

Những quan niệm hẹp hòi, chấp nơi hình thức không phải là cái đích đến, một tổng thể Phật giáo là sự nhất quán điểm đầu, điểm giữa và điểm cuối. Chủ quan thiên lệch đã và đang dìm chết Phật giáo giữa nhân gian, bằng chính những bàn tay của kẻ lạm xưng Thích tử. Mải chạy theo hiện tượng mà quên đi chủ đích độ sinh là một việc thiếu sáng suốt và mang đến nhiều hệ lụy đau khổ nhất vì đã vô tình đóng bít cửa giải thoát của số đông. Kinh Pháp Hoa còn kể ra những người chỉ hơi cúi đầu, chắp một tay, lấy cát đất đá mà tạo dựng hình Phật ... cũng đã gieo nhân để thành Phật gần nhất có thể thì tại sao niệm Phật lại không thể thành tựu, không là sự thật được. Quy luật vũ trụ, được các nhà khoa học ngày nay bàn tới chính là luật hấp dẫn, định lý trong không gian về tự kỷ ám thị, về những điều mong muốn lặp đi lặp lại, sẽ có thể theo như ý muốn, tùy thuộc ở sự chuyên nhất, có thể là biểu hiện ở lời nói hoặc chữ viết đều không sai khác.

Thực ra, nếu tìm hiểu kinh Tương Ưng, cũng có bài kinh nói về điều này, như Tôn giả Xá Lợi Phất có các đệ tử cùng vun bồi trí tuệ, đệ tử Ngài Mục Kiền Liên thì đa số đều được thần thông, Tôn Giả Ưu Ba Ly, các đệ tử đều kính vâng luật học .... chẳng phải chỉ riêng sau khi Phật nhập diệt mới có chia phân phái. Đó là lý do, nên đặt nguyên lý giải thoát an lạc đầu tiên trong việc nghiên cứu, bàn xét về bất cứ pháp môn nào như việc nhận “trăng” thay vì tìm bắt ngón tay. Một lần nữa, người viết lại tìm thấy tính thống nhất tư tưởng Phật giáo trong pháp môn niệm Phật qua sự so sánh đối chiếu từ lịch sử đến phân tích triết học. Danh xưng khác nhau, như cành nhánh vươn theo các hướng Đông Tây, nhưng tựu chung một gốc cây thanh tịnh, giải thoát, một thân cây với lõi cây là Tứ đế, Duyên khởi, như kinh Pháp Hoa: “Chư Phật chỉ dùng một cỗ xe duy nhất đưa đến giải thoát, không hai mà cũng chẳng ba” như trong Tăng chi bộ kinh cũng chép: “Như tất cả đại dương đều có vị mặn, các giáo pháp của Ta đều có một vị duy nhất, chính là giải thoát”.

C. KẾT LUẬN

Niệm Phật trong Đại thừa Phật giáo có thể nói là một Pháp môn cần yếu, nhất là đối với chúng sinh của thời đại khoa học phát triển ngày nay. Lẽ tất nhiên, niệm Phật đã thấm sâu vào văn hóa truyền thống của dân xứ Bắc, nhất là của mấy cụ vãi quy y cửa Phật. Gặp nhau là niệm Phật, tạm biệt cũng niệm Phật, chuyện chi cũng niệm Phật, hình ảnh đó bắt gặp đâu đó ở miền Bắc Việt Nam. Không có gì phải luận bàn vì đã là truyền thống đẹp, lợi ích cứ lưu giữ, truyền thừa, cho đến khi có một vài thiên kiến cá nhân không rõ rộng hẹp, hơn người, sao lại bất tín Di Đà, không tin Cực lạc. Điều này, thật sự gây tranh cãi không ít, và làm tín tâm của những người tu Tịnh độ bị lay chuyển, bàng hoàng như rơi vào vực thẳm. Phàm những việc lành đều trở về Thật tướng, như hư không dung nạp tất cả, như mặt đất sinh trưởng vạn vật. Chỉ cần khế hợp với Nhất như, hẳn nhiên bao hàm mọi công đức. Từ đây, Chân Tục chẳng trái, có và không đồng nhau, muôn pháp bình đẳng. Bản thể và sự tướng, phương tiện và Bát nhã, Chân không và diệu hữu đều phụ trợ nhau đâu thể tách rời. Kinh Pháp Hoa gom ba thừa về một, muôn thiện lành cũng hướng Bồ đề. Bát Nhã chỉ muôn pháp không hai, các hạnh đều trở về Nhất thiết chủng trí. Theo lời Phật dạy, biết rõ ba đời chỉ trong mọt niệm mà vẫn thuận theo sự hiểu biết của chúng sinh, dùng mọi hình tướng, mọi thời gian, kiếp số mà tu tập các hạnh. Nên chúng sinh là thí chủ cho nhân hạnh Bồ Tát tu tập, đến khi chứng Chính đẳng, nhưng chính Phật cũng là thí chủ chỉ cho chúng sinh vạn nẻo tu tập ra khỏi ba cõi. Cùng là thuyền bè qua sông, lấy gì để so bì cao thấp mà tổn giảm thời gian vô ích. Thật sự đáng ngẫm, sự đời cũng vậy. qua những vấn đề trình bày trên, cho thấy vai trò, trách nhiệm của tăng, ni sinh trước tình hình Phật giáo hiện nay, cần vạch định rõ đường lối tu tập một cách chân thật, không sai lệch, tiếp nối sự nghiệp truyền bá chính pháp.

Tác giả: Thích nữ Bảo Giác Học viện Ths Khóa IV Học viện PGVN tại Tp.HCM

*** Chú thích (*): Tiểu luận có cách hành văn, văn phong thể hiện quan điểm, tư duy, cách diễn đạt của tác giả. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Hạnh Bình (2019), Tiến trình giải thoát, Nxb Hồng Đức. 2. Thích Minh Châu (2011), “Dàn ý Kinh Trung Bộ & Tóm tắt Kinh Trường Bộ”, 17. Kinh số 17 - Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh. 3. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Trường Bộ 2, 17. Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 4. Thích Minh Châu dịch (2012), “Kinh Trung Bộ” tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội. 5. Thích Minh Châu dịch (2018), kinh Tăng Chi Bộ, tập I, Phẩm Một pháp, Nxb Tôn giáo, VNCPHVN ấn hành. 6. Thích nữ Giới Niệm dịch (2014), Lịch Sử giáo lý Tịnh độ Trung Quốc, Nxb Hồng Đức. 7. Nguyễn Minh Tiến Việt văn (2010), “Chư Kinh Tập yếu, Phật thuyết A Di Đà Kinh “– Hán văn và chú âm, Nxb Tôn giáo, chú thích cuối trang. 8. Thích Minh Thành dịch (2009), Liên Tông Bảo Giám, Nxb Phương Đông. 9. HT. Thích Chơn Thiện (2010), Tư tưởng Kinh A Di Đà, Nxb Phương Đông. 10. Thích Đức Thắng (Việt dịch), Tuệ Sỹ (Hiệu chỉnh và chú thích), Tăng Nhất A Hàm I, Phẩm Thập Niệm, kinh số 1, Nxb Phương Đông.

Chú thích: [1] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ”, 17. Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Trang 356. [2] Nguyễn Minh Tiến Việt văn, “Chư Kinh Tập yếu, Phật thuyết A Di Đà Kinh “– Hán văn và chú âm, Nxb Tôn giáo, 2010, tr. 10. [3] Thích Minh Châu, “Dàn ý Kinh Trung Bộ & Tóm tắt Kinh Trường Bộ”, 17. Kinh số 17 - Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Tổng hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2011, Trang 401. [4],Nguyễn Minh Tiến Việt văn, “Chư Kinh Tập yếu, Phật thuyết A Di Đà Kinh “– Hán văn và chú âm, Nxb Tôn giáo, 2010, chú thích cuối trang. [5] Thích Đức Thắng (Việt dịch), Tuệ Sỹ (Hiệu chỉnh và chú thích), Tăng Nhất A Hàm I, Phẩm Thập Niệm, kinh số 1, Nxb Phương Đông, tr.35. [6] HT Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng Chi Bộ, tập I, Phẩm Một pháp, Nxb Tôn giáo, VNCPHVN ấn hành, 2018, tr.67. [7]TT. Thích Hạnh Bình, “Tiến trình giải thoát”, Nxb Hồng Đức, 2019, tr 216. [8]HT. Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr 337. [9]TT. Thích Hạnh Bình, “Tiến trình giải thoát”, Nxb Hồng Đức, 2019, tr 151. [10]TT. Thích Hạnh Bình, “Tiến trình giải thoát”, Nxb Hồng Đức, 2019, tr 48, 49. [11] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ 2, 17. Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1991, Trang 9.