Ngôi già lam Diệu Tâm Thiền tự (みょうしんじ, 妙心禪寺), toạ lạc tại quận Ukyo, thành phố Kyoto, tỉnh Kyoto, Nhật Bản. Đây là Tổ đình của Thiền phái Lâm Tế, Phật giáo Nhật Bản. Danh hiệu Chính Pháp san (しょうぼうざん, 正法山). Bản tôn Thích Ca Như Lai (釋迦如來), người sáng lập Phật giáo vào khoảng thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch.
Ngôi già lam Diệu Tâm Thiền tự do Hoàng đế Hoa Viên Thiên Hoàng đạo hiệu Biến Hành (遍行) khai sơn và Sơ đại Phương trượng trụ trì là Quan Sơn Huệ Huyền - Vô Tướng Đại sư. Chính pháp san Diệu Tâm thiền tự vốn là cung điện của Hoàng đế Hoa Viên Thiên Hoàng. Thiền phái Lâm Tế, Phật giáo Nhật Bản có khoảng 6.000 cơ sở tự viện Phật giáo, và chi nhánh của Tổ đình Diệu Tâm Thiền tự có khoảng 3.500 cơ sở tự viện Phật giáo.
Lịch sử (歷史)
Ngôi Diệu Tâm thiền tự, danh xưng chính thức là Chính pháp san Diệu Tâm thiền tự (みょうしんじ, 正法山妙心禪寺) hay còn gọi là Lâm tế tông Diệu Tâm tự đại bản san Diệu tâm tự, ngôi đại Già lam ở Kyoto, Nhật Bản, và là Tổ đình của Thiền phái Lâm Tế Nhật Bản.
Cho đến nay, môn phái Diệu Tâm thiền tự là môn phái có ảnh hưởng lớn nhất của Thiền Lâm Tế, Phật giáo Nhật Bản. Chính pháp san Diệu Tâm thiền tự vốn là cung điện của Hoàng đế Hoa Viên Thiên Hoàng (花園天皇, Hanazono-tennō, tại vị 1308-1312).
Niên hiệu Bunpō (文保,Văn Bảo) năm thứ hai (26.2.1318), duyên bồ đề chớm nụ, vườn Bát nhã ngát hương, tỏ ngộ lý vô thường, trần gian ảo mộng phù du, Hoàng đế Hoa Viên Thiên Hoàng đã thoái vị, từ bỏ vương quyền, cung vàng điện ngọc cao sang, nối gót theo Đề Hồ Thiên hoàng (醍醐天皇, trị vì 897-930), tu học Phật pháp và công phu tu tập thiền định tại Đại Giác tự (大覺寺).
Ngày 22 tháng 11 năm 1935, niên hiệu Kiến Vũ (建武) năm thứ hai, Hoa Viên Thiên Hoàng đến ngôi già lam Pháp Thắng Tự (法胜寺) thành tâm kính lễ cầu xin xuất gia thụ giới với Trưởng lão Hoà thượng Viên Quan Tuệ Trấn (圓觀慧鎮和尚, 1281-1356), và được Hoà thượng Bản sư ban pháp danh Biến Hành (遍行), từ đó, thầy Biến Hành chuyên tâm tu hành tại Trì Minh Viện điện (持明院殿) và Thu Nguyên điện (萩原殿), Tây Hoa Viên, và sau đó thầy Biến Hành được ngài Quốc sư Hưng thiền Đại Đăng (興禪大燈囯師, 282-1338) hay danh hiệu Tông Phong Diệu Siêu (zh. 宗峰妙超師禪, ja. shūhō myōchō) ấn chứng sở ngộ của Ngài.
Niên hiệu Engen (延元, Diên Nguyên) năm thứ hai (1337), thầy Biến Hành phát tâm cúng dường cung điện của mình để cải tạo thành ngôi Già lam Phật địa.
Niên hiệu Kōkoku (興国, Hưng Quốc) năm thứ ba (1342), Thiền sư Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền, 關山慧玄) - Musō Daishi (Vô Tướng Đại sư (無相大師, 1277-1360) thế hệ thứ ba của dòng truyền thừa Ứng Đăng, được cung thỉnh về trụ trì ngôi Già lam Diệu Tâm thiền tự và kiến tạo thành Tổ đình của Thiền phái Lâm Tế Nhật Bản.
Tại đây Thiền sư Kanzan Egen rất nghiêm khắc trong sự dìu dắt đại chúng công phu tu tập thiền công án thoại đầu theo Thiền phái Lâm Tế. Danh tiếng tu hành của tăng chúng Diệu Tâm thiền tự lan tỏa khắp muôn nơi, Quốc sư Musō Sōseki (Mộng Sơn Sơ Thạch, 夢窗疏石, 1275-1351) quang lâm giáo chúng và khi trở về, Ngài bảo với đồ chúng của mình rằng “tương lai Diệu Tâm thiền tự trở thành Tổ đình Thiền phái Lâm Tế Phật giáo Nhật Bản”.
Tổ đình Thiền phái Lâm Tế Nhật Bản liên tục phát triển. Đến pháp tôn đời thứ sáu là Thiền sư Sekkō Sōshin (Tuyết Giang Tông Thâm, 雪江宗深, 1408-1486) lại chia thành 4 chi phái, và trở thành chủ lực lớn của Thiền tông Nhật Bản. Theo thống kê hiện khoảng 13 chi nhánh với tổng 6.000 cơ sở tự viện trên khắp lãnh thổ Nhật Bản và ở ngoại quốc.
Niên hiệu Jōwa (Trinh Hòa, 貞和) năm thứ tư (2.12.1348), thầy Biến Hành viên tịch (花園法皇圓寂), trụ thế 52 xuân. Và để lại cho hậu thế tác phẩm “Hoa Viên Viện Thần Ký” (花園院宸記) hiện tại tàng bản 35 quyển.
Niên hiệu Kanbun (Khoan Văn, 寛文) năm thứ tám (1467), do nội chiến loạn lạc, khiến các tòa nhà, các công trình kiến trúc Diệu Tâm thiền tự đều bị phá hủy. Sau đó vị Tổ thứ 6 Thiền phái Lâm Tế Nhật Bản, Thiền sư Sekkō Sōshin (Tuyết Giang Tông Thâm, 雪江宗深, 1408-1486) đã tái tạo trùng tu lại. Các tòa nhà còn tồn tại đến nay, chủ yếu được khôi phục khoảng 150 năm sau đó (cuối thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17).
Niên hiện Đại Vĩnh (大永, たいえい) năm thứ sáu (1526), Viện Linh Vân (靈雲院) được tái xây dựng lại. Vào thời điểm này, Tổ đình Thiền phái Lâm Tế Diệu Tâm thiền tự dã hình thành bốn chi phái gồm Thiền phái Long Tuyền (龍泉派) Thiền phái Đông Hải (東海派), Thiền phái Linh Vân (靈雲派), Thiền phái Thánh Trạch (聖澤派). . .
Minh Trị duy tân đã nỗ lực đưa Nhật hoàng trở lại vị trí vượt trội, cố gắng đưa Thần đạo trở thành quốc giáo như 1.000 năm trước, tôn giáo của tất thảy người Nhật (vốn đã chịu dưới cái bóng quá lâu của Phật giáo). Vì Thần đạo và Phật giáo đã hòa trộn thành một niềm tin tổng hợp trong gần 1.000 năm trước đó, một Quốc gia Thần đạo mới được xây dựng để phục vụ mục đích này. Cơ quan thờ phụng Thần đạo được thành lập, về mặt quan trọng thì còn hơn cả Hội đồng Quốc gia.
Niên hiệu Minh Trị nguyên niên (明治, 1868), Minh Trị Thiên hoàng (明治天皇) ban Thánh chỉ tách biệt Thần đạo và Phật giáo, đồng thời bắt đầu phế Phật huỷ Thích (はいぶつ きしゃ, 廢佛毀釋).
Từ khi Minh Trị Thiên hoàng nắm quyền thiên hạ, đạo Phật chỉ bị trấn áp một cách dữ dội dưới triều vua Minh Trị. Phật giáo vốn một yếu tố nền tảng của chính quyền Mạc phủ - một chế độ đã thao túng triều đình Thiên hoàng trong nhiều thế kỷ, chính vì thế mà sau khi lên ngôi Thiên hoàng Minh Trị đã tỏ ra thái độ phản cảm đối với tôn giáo này. Bước sang thời Minh Trị, người ta xem Phật giáo là một “tôn giáo ngoại lai”, Thần đạo được lấy làm quốc đạo Nhật Bản, lý tưởng thần thoại được hồi phục, theo đó chủ trương của Thần đạo bao gồm: “ái quốc” (愛國), “làm việc hợp với lương tâm, nhân đạo”, “tuân phụng với Thiên hoàng, trung thành với Tổ quốc”. Những chủ trương này cho thấy Thần đạo mang tư tưởng chủ nghĩa yêu nước, cũng như lòng tôn sùng Thiên Hoàng - đặt ngôi vị Thiên Hoàng như một trong những vị Thần.
Các cơ sở tự viện Phật giáo và Thần đạo bị tách biệt trên khắp đất nước còn các giáo sĩ Thần đạo thì được mặc pháp phục Thần đạo như xưa. Ngoài ra, người dân không được phép dùng những danh từ có liên quan đến Phật giáo khi nhắc đến Thần, không được sử dụng những đồ vật có liên quan đến đạo Phật (chuông, mõ, trống, bảng, khánh…) tại những ngôi đền Thần đạo, hoặc là không được cúng bái những tượng Thần dễ bị hiểu là Phật hay Bồ tát…
Sau đó, Minh trị Thiên hoàng cũng đưa ra những đạo luật trái với bình thường một cách kỳ quặc như tất cả tăng, ni bị ép buộc phải ăn huyết nhục, không được cạo tóc như truyền thống xưa nay, lại còn phải kết hôn giống như người bình thường, không cho các nhà sư Phật giáo dùng họ “Thích” như tu sĩ Phật giáo ở các nước khác, mà phải dùng họ do cha mẹ đặt,… điều này đã gây nên những bức xúc trong xã hội và các vụ bạo động, ám sát mang màu sắc tôn giáo. Nhận thấy những vụ trấn áp dữ dội đối với đạo Phật không đem lại một điều cát tường gì đối với Nhật Bản mà làm cho đất nước rối loạn cả lên cũng như trước sự phản đối mạnh mẽ của tất cả các tông phái Phật giáo, cuối cùng triều đình Thiên hoàng đã chấp nhận quyền tự do tín ngưỡng.
Đến năm Minh Trị thứ 22 (1889), Thiên hoàng ban hành Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản, trong điều 28 của Hiến pháp này có quy định nhân dân Nhật Bản có quyền tự do tín ngưỡng.
Niên hiệu Meiji (Minh Trị, 明治) năm thứ 5 (1872), Tổ đình Thiền phái Lâm Tế, Chính pháp san Diệu Tâm thiền tự sáng lập Đại học Hoa Viên (花園大学). Trường đại học bao gồm Khoa Văn thư và Khoa Phúc lợi xã hội, thể hiện “tinh thần Thiền tông” sáng lập.
Niên hiệu Chiêu Hoà (昭和) năm thứ 3 (1928), ngôi Chính pháp san Diệu Tâm thiền tự (みょうしんじ, 正法山妙心禪寺) đã tuyển chọn 20 cơ sở tự viện quan quan trọng ở Đảo quốc Đài Loan để dâng lên hồng ân Thánh thượng ban biển hiệu “天皇御壽牌, Thiên Hoàng Ngự Thọ Bài”, cho đến ngày nay, biển hiệu này vẫn được bảo tồn tại Phụng Thiên cung (奉天宮), phường Tân Cảng, huyện Gia Nghĩa, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), và ngôi già lam Tu Đức Thiền tự (修德禪寺), Diêm Thuỷ, một khu (quận) của thành phố Đài Nam, Một phần của Phụng Thiên cung đã được Bộ Văn hoá Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), chính quyền địa phương và Chính phủ đã thẩm định và phê duyệt đăng ký tài sản văn hoá thuộc huyện Gia Nghĩa vào năm 2013.
Niên hiệu Chiêu Hoà (昭和) năm thứ 10 (1935), tổ chức kỷ niệm chu niên 600 năm lịch sử ngôi Chính pháp san Diệu Tâm thiền tự.
Ngôi Tổ đình của thiền phái Lâm Tế Nhật Bản Diệu Tâm thiền tự, với quần thể kiến trúc độc đáo và đậm nét kiến trúc mỹ thuật dân tộc Nhật Bản, trong đó một số công trình, tác phẩm được xếp hạng quốc bảo, đặc biệt là quả chuông cổ nhất thế giới bởi âm thinh tuyệt diệu và bức bích họa hình rồng trên trần điện thờ.
Các công trình Kiến trúc (建築工程)
Tam môn (三門), Cổng chính của các chùa Thiền tông là 3 cửa giải thoát (解脫三門): Không môn (空門), Vô Tướng môn (無相門), Vô Tác môn (無作門), nghĩa là khi qua ba cửa này là nhập vào Cảnh giới Giác ngộ (入菩提之境).Sắc Sử môn, (敕使門), Phật điện (佛殿), Pháp đường (法堂), Cư thất (居室), Khai Sơn đường (開山堂), Đại Phương trượng (大方丈), Tiểu Phương trượng (小方丈), Dục thất (浴室), Kinh tạng (經藏), Thiên Cầu viện (天球院), Huyền Quan Phương trượng (玄關方丈), Hành Mai viện Phương trượng (衡梅院方丈), Linh Vân viện Thư viện (靈雲院書院), Ngọc Phụng viện (玉鳳院), Đông Hải Am (東海庵), Thoái Tàng viện (退藏院), linh vân viện (靈雲院), Hoàng Chung Điều Chi chung (黃鐘調之鐘), Vân Long đồ (雲龍圖), Lịch đại Cao tăng (歷代高僧), Tông phong Diệu siêu (宗峰妙超), Quan sơn Tuệ huyền (關山慧玄).
Lịch đại Cao tăng (歷代高僧)
- Quốc sư Hưng thiền Đại Đăng (興禪大燈囯師,282-1338) hay danh hiệu Tông Phong Diệu Siêu (zh. 宗峰妙超師禪, ja. shūhō myōchō)
- Thiền sư Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền, 關山慧玄) - Musō Daishi (Vô Tướng Đại sư (無相大師, 1277-1360)
Soạn dịch: Thích Vân Phong
Các nguồn: https://www.myoshinji-or.jp
https://www.jbf.ne.jp/臨済宗妙心寺派(りんざいしゅうみょうしんじは)
https://souda-kyoto.jp/guide/spot/myoshinji.html
Lip video Diệu Tâm Thiền tự: https://www.youtube.com/watch?v=IyJHr0dmD7o
Bình luận (0)