Tác giả: Thích Vân Phong
Già San Đường Trí Quán Đại Tông Sư, vị đại học giả, vị Luật sư, Thiền sư nổi tiếng, vị Tổng vụ trưởng xuất sắc trong việc quản lý các vấn đề hành chính Phật giáo. Ngài được ca tụng là thông Tam tạng giáo điển, lý sự viên dung.
Già San Đường Trí Quán Đại Tông Sư (가산당 지관대종사, 伽山堂 智冠大宗師, 1932-2012) tục danh Lý Hải Bằng (이해붕, 李海鵬), theo tộc phả tên Chung Bằng (종붕, 鍾鵬), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 32, Phật giáo Hàn Quốc, hiệu Già Sơn đường Trí Quán Đại tông sư (가산당지관대종사, 伽山堂智冠大宗師), sinh ngày 14/6/1932 (05/11/Nhâm Thân), nguyên quán làng Cheonghae-myeon, huyện Gyeongju, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Đại Hàn.
Phụ thân của Ngài là cụ ông Lý Khuê Bạch (이규백, 李圭白) và Hiền mẫu của Ngài là cụ bà Kim Tiên Y (김선이, 金先伊). Gia đình truyền thống Phật giáo lâu đời, kính tin Tam bảo.
Ngài mồ côi mẹ khi lên 5 tuổi. Lúc 10 tuổi, Ngài mắc chứng bệnh lạ mà danh y đều bảo khó qua khỏi cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh. Tuy vậy, Ngài vẫn thầm niệm Thần chú "Như Ý Luân Quán Âm Chân ngôn" (여의륜관음진언, 如意輪觀音眞言) với niềm tin “Linh tại ngã, bất linh tại ngã”, linh thiêng, hiệu nghiệm hay không là do ở mình. Linh ứng hay không là do ở bản thân mình có tin tưởng, chí thành và nhất tâm hay không?
Nhưng với Ngài, nhờ thành tâm khẩn thiết trì niệm chân ngôn mật chú mà đã tự khỏi bệnh hiểm nghèo.
Sau khi phục hồi sức khoẻ, Ngài đến Tổ đình Pháp bảo Hải Ấn Tự, (법보해인사, 法寶海印寺), Già Da sơn (Gada-san), tỉnh Khánh Thượng Nam (Gyeongsang-nam), đảnh lễ Trưởng lão Đại Luật sư Từ Vân (자운대율사, 慈雲大律師, 1911-1992) cầu xin thế phát xuất gia.
Năm Đinh Hợi (1947), Ngài đăng đàn thụ giới Sa di tại Tổ đình Phụng Nham Tự (봉암사, 鳳巖寺), Yeoju-gun, Gyeonggi-do, do Ân sư của Ngài Trưởng lão Đại Luật sư Từ Vân (자운대율사, 慈雲大律師) đương vi Đàn đầu Hòa thượng và các vị tôn túc như Thiền sư Tính Triệt (성철선사, 性徹禪師), Thiền sư Thanh Đàm (청담선사, 靑潭禪師), Thiền sư Phổ Môn (보문선사, 普門禪師), Thiền sư Ngu Phong (우봉선사, 愚峰禪師). . .chứng đàn.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 1.129 ngày (25/6/1950-27/7/1953) đã để lại nhiều mất mát, hao tổn nặng nề; thời gian này Ngài phải ẩn tu và duy trì việc cung cấp lương thực thông qua việc sản xuất tự túc trên đỉnh núi Thánh Nhân Phong (성인봉산, 聖人峰山), đảo Ulleungdo (울릉도). Sau đó, vẫn trong chiến tranh loạn lạc mà Ngài vẫn ung dung tự tại từng bước chân vân du đó đây học tu và công quả tại các chốn sơn môn Bảo Kính Tự (보경사, 寶鏡寺), Pohang-si, Gyeongsangbuk-do, Thụy Vân Am (서운암, 瑞雲庵), Yangsan-si, Gyeongsangnam-do, Thiền viện Long Hoa (용화선원, 龍華禪院), Nam-gu, Incheon, Hàn Quốc.
Năm Quý Tỵ (1953) Ngài thọ tam đàn Cụ túc giới tại Tổ đình Phật bảo Thông Độ Tự (불보통도사, 佛寶通度寺), Linh Thứu Sơn, tỉnh Khánh Thượng Nam (Gyeongsang-nam).
Tại Tổ đình Pháp bảo Hải Ấn Tự, Ngài từng tham học với Trưởng lão Thiền sư Vân Hư (운허선사, 耘虛禪師, 1892-1980).
Năm 1959, Ngài được mời với tư cách Giáo thụ sư, giảng dạy tại Phật học viện Biểu Trung Tự (표충사, 表忠寺), Miryang-si, Gyeongsangnam-do, và tiếp đến Ngài nhận được sự trân trọng tiếp nhận của các học tăng bởi những bài giảng nổi tiếng tại Phật học viện Đồng Hòa Tự (동화사, 桐華寺), Yulwon, Gangwon-do.
Năm 1960, chư tôn thiền đức lãnh đạo Tổ đình Pháp bảo Hải Ấn Tự suy cử Ngài đảm nhiệm chức danh Giảng Chủ Tăng (강주승, 講主僧), ở tuổi 29 trẻ nhất trên cương vị chủ giảng dạy tăng chúng hàng chục năm tại Tổ đình lớn, Ngài đã được sự tán dương bởi những nguyên tắc sư phạm trong giảng dạy, bình luận về giáo lý đạo Phật truyền thống. Niềm đam mê cuồng nhiệt trong sự nghiệp văn hóa giáo dục, sự nỗ lực không biết mệt mõi bởi những bài giảng sinh động của Ngài, đã thổi luồng sinh khí mới mà đạo Phật đã thổi vào trong đà tiến hóa của nhân loại, vốn chỉ tồn tại trong thời đại mà nhiều người Triều Tiên trở thành nạn nhân trong sự tàn bạo của Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa.
Năm 1970, khi tuổi còn rất trẻ, Ngài đảm nhiệm Giám tự điều hành đại chúng Tổ đình Pháp bảo Hải Ấn Tự. Ngài từng đảm nhận cương vị Giám đốc điều hành tổ chức Trung Anh Tông hội Thiền phái Tào Khê (조계종 중앙종회, 曹溪宗 中央宗會), Phật giáo Hàn Quốc.
Năm Ất Mão (1975), Ngài đã trở thành vị Giáo sư giảng dạy tại Đại học Đông Quốc, và đã để lại nhiều thành tích học tập, đồng thời cung cấp và dưỡng dục đàn em tiếp nối sự nghiệp giáo dục. Một nhà sư, học tăng lại đảm trách nhiều chức vụ, điều này không bình thường, chứng minh cho thấy một nhà sư uyên bác, thể hiện năng lực của mình trong việc quản lý điều hành chẳng những các công việc tôn giáo mà còn cả hành chính sự nghiệp nữa.
Sau đó Ngài tiếp tục Nghiên cứu Tôn giáo tại Đại học Kyungnam (경남대학교), Gyeongsangnam-do, Hàn Quốc.
Năm Canh Tuất – Nhâm Tý (1970-1972) Ngài vẫn ở tại Tổ đình và giảng dạy tại trường Đại học Đông Quốc (Dongguk University) 26, Pil-dong, Jung-gu, Seoul (Trường Đại học Tư thục theo hình thức giáo dục chung cho cả nam và nữ tại Hàn Quốc. Trường có các cơ sở tại Seoul, tại Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc và ở Los Angeles, Mỹ).
Năm Đinh Mùi (1969), Ngài nhận bằng Thạc sỹ Văn học (문학석사) tại Đại học Đông Quốc.
Năm Nhâm Tý (1972) Ngài đã hoàn thành các học phần trong chương trình đào tạo Tiến sĩ tại Đại học Đông Quốc.
Năm Bính Thìn (1976) Ngài nhận bằng Tiến sĩ Triết học (철학 박사) tại Đại học Đông Quốc.
Từ những thập niên 1975-1998, Ngài là Giáo sư giảng dạy chuyên khoa Thiền học tại Đại học Đông Quốc.
Năm Bính Dần (1986), Ngài được Hội đồng Quản trị suy tôn ngôi vị Viện trưởng thứ 11 trường Đại học Đông Quốc (Dongguk University) nhiệm kỳ bốn năm (1986-1990). Nơi đây, Ngài đã cống hiến hết mình cho việc thúc đẩy hệ thống giáo dục quốc gia. Ngoài ra, Ngài còn tích cực hoạt động với tư cách Tông chủ Thiền phái Tào Khê, đời thứ 32 - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tông phong Thiền phái Tào Khê, Lãnh đạo Đại học Đông Quốc, Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học Đông Quốc và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo Gasan (가산불교문화연구원).
Năm Tân Mùi (1991), để góp phần chấn hưng nền học thuật và văn hóa Phật giáo Hàn Quốc, Thiền sư Trí Quán sáng lập Trung tâm Văn hóa Gasan - một Viện Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo, dự kiến xuất bản tác phẩm "Già Da Sơn Phật giáo Đại Từ Lâm" (伽山佛教大辭林) 5 tập; hiện tại 5 tập sách đã được xuất bản, Ngài cam kết thúc đẩy giáo dục, xuất bản và sự nghiệp giáo hóa. Với kiến thức uyên bác về Triết học và Tôn giáo, Ngài chủ trương xuất bản một số sách báo giáo lý Phật giáo và triết học, cũng như Hành trạng chư vị tiền bối hữu công nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Hàn Quốc, góp phần cho Thiền phái Tào Khê, Phật giáo vững mạnh tại bổn quốc và gây sự ảnh hưởng khắp muôn nơi.
Ngoài việc lãnh đạo hành chính, giảng dạy, hoằng pháp, Ngài luôn tiết kiệm thời gian quý báu, miệt mài trước tác, biên soạn các sách liên quan đến sự nghiệp văn hóa giáo dục, hoằng pháp lợi sinh, như các tác phẩm:
"Giáo dục Tăng già Đương đại và Tương lai" (승가교육의 오늘과 내일) xuất bản 1973; "Chú giải Kinh Kim Cương và Khảo cứu những Thiếu sót" (금강경주해 및 사기에 대한 고찰) xuất bản năm 1974; "Đàm luận về Quan điểm Giáo dục về Nhân quả Xấu ác" (연담 및 인악과 그의 교학관) xuất bản năm 1975; "Đại Tông sư Nghĩa Tương người sáng lập Hoa Nghiêm Tông và Nhất thừa Pháp giới đồ" (의상의 화엄 일승법계도), xuất bản năm 1979; "Vai trò Kinh Hoa Nghiêm Đối với Phật giáo Hàn Quốc" (한국불교에 있어 화엄경의 위치), xuất bản năm 1983; "Tìm hiểu Tầm nhìn, Cách Ứng dụng của Phật giáo Hàn Quốc" (간당작법에 대한 고찰), xuất bản năm 1982; "Sự kế thừa Quốc sư Phổ Chiếu Trí Nột thông qua Định Tuệ Kết Xã" (지눌의 정혜결사와 그 계승), xuất bản năm 1984; "Góc nhìn Thời đại Triều Tiên Thông qua Tư tưởng Tịnh độ" (저서를 통해 본 조선조의 정토사상), xuất bản năm 1985; "Diên Thụ Thiền Tịnh kiêm Tu quán" (연수의 선정겸수관, 延壽禪淨兼修觀) xuất bản năm 1985; "Truyền thuyết Tín ngưỡng Bồ tát Quán Thế Âm" (경설상의 관음신앙, 經說上觀音信仰) xuất bản năm 1988; "Truyền lưu Đại Tạng Kinh, Tái điêu khắc bản và Ấn hành bản kinh" (대장경 전래 및 재조본 인경고, 大藏經 傳來和再雕本 印經本) xuất bản năm 1992; "Những nơi thuần túy Tín ngưỡng" (나반신앙고, 那畔信仰高) xuất bản năm 2000; "Sự Hiếu thảo Xuất hiện trong Kinh điển" (경전상에 나타난 효, 經典上 出現 孝) xuất bản năm 1977; "Tăng già thời Hiện đại" (현대의 승가상) xuất bản 1975; "Giáo dục, Đào tạo có trách nhiệm và Phát triển theo Trình tự" (리 있는 교육과 종단발전), xuất bản 1978; "Khảo cứu Tình trạng Giáo dục Tăng già Hàn Quốc" (한국승가교육의 사적 고찰), xuất bản năm 1980; "Lược giải Kinh Lăng Nghiêm" (능엄경약해, 楞嚴經略解); "Giảng nghĩa Huyền Đàm Hoa Nghiêm Kinh" (화엄현담강의, 華嚴玄談講義); "Giảng nghĩa Khởi Tín luận Đông Hải sớ" (기신론해동소강의, 起信論海東疏講義); "Ngũ gia Nghị luận Thuyết giải Kinh Kim Cương" (금강경오가해설의, 金剛經五家解說誼); "Giảng giải Truyền Đăng Lục" (전등록강의, 傳燈錄講義); "Giảng nghĩa Thiền môn Niêm tụng" (선문염송강의, 禪門拈頌講義); "Giáo đoàn Phật giáo Sử luận" (불교교단사론, 佛敎敎團史論), xuất bản năm 1977; "Tào Khê Tông Sử" "Tào Khê Tông Sử" (조계종사, 曹溪宗史) xuất bản năm 1979; "Bước đầu Học Vỡ lòng Nhân văn" (계초심학인문, 誡初心學人文); "Bài Phát tâm Tu hành" (발심수행장, 發心修行章); "Tự Thệ Văn" (자경문, 自警文).
Năm Tân Tỵ (2001) Ngài được trao tặng Huân chương Hoàng gia Bạc về văn hóa của Chính phủ, cho những đóng góp của Ngài về Nghiên cứu Văn hóa Phật giáo và dân tộc.
Ngài được trao giải thưởng Order of Merit (Đính cấu ưu dị) văn hóa và giải Manhae (Vạn Hải, 만해, 萬海)) Hàn Quốc.
Từ năm Ất Dậu – Kỷ Sửu (2005-2009), Ngài được Tăng đoàn suy tôn ngôi Tông chủ Thiền phái Tào Khê, đời thứ 32 - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tông phong Thiền phái Tào Khê. Ngài là người tiếp nối Trưởng lão Thiền sư Pháp Tràng (법장선사, 法長禪師, 1941-2005) để lãnh đạo Thiền phái Tào Khê. Một Thiền phái lớn nhất Hàn Quốc. Cơ sở Tự viện có hơn hai nghìn (2.501). Tăng Ni hai mươi nghìn vị. Mười triệu Tín đồ. (Theo bản Thống kê Tôn giáo Hàn Quốc – từ năm 2005 đến nay thì sĩ số Tín đồ Phật giáo luôn đứng đầu bản và cứ nhân rộng theo thời gian năm tháng).
Phật giáo là một Tôn giáo lớn nhất tại Hàn Quốc hiện nay. Với sự nghiệp hành chính, tư cách lãnh tụ tôn giáo, Ngài đã tiên phong trong phục hưng Thiền phái Tào Khê và góp phần cho sự tiến bộ, phát triển và ổn định xã hội Hàn Quốc.
Thời gian trên cương vị Tông chủ Thiền phái Tào Khê, đời thứ 32 - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tông phong Thiền phái Tào Khê, Ngài đã nhấn mạnh chủ lực sự ổn định, thanh tịnh, hòa hợp tăng đoàn Thiền phái Tào Khê, thúc đẩy phong trào tu học, giáo dục đào tạo nhân tài; đã hóa giải những mâu thuẫn, xung đột nội bộ tông phái, nỗ lực tập trung vào việc thiết lập thống kê danh bạ cơ sở tự viện và cấp giấy Chứng nhận Tăng, Ni, Phật tử Thiền phái Tào Khê trên toàn quốc, cử các nhân viên ngành Tăng sự đi khảo sát và những cuộc điều tra ở Jongjo-do và Seon-yang. Trước đây, rất hiếm khi tổ chức Phật giáo Hàn Quốc tổ chức một Hội nghị Liên tôn để bảo vệ chủ quyền, chính pháp đạo Phật, và chỉ trích chính sách thiên vị tôn giáo của Chính quyền Tin Lành cực đoan Lee Myung-bak như hiện tại thời Ngài. Đây chính là kết qủa của Tôn chỉ và niềm tin của chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử Hàn Quốc đồng cổ suý.
Đặc biệt, Kết giới đại chúng (대중결계, 大衆結界), thúc liễm thân tâm tịnh tam nghiệp tu hành là một trong những thành tích xuất sắc của Thiền sư Trí Quán.
Năm Mậu Tý (2008), Ngài công khai chỉ trích chính phủ Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) phân biệt đối xử và thiên vị Tôn giáo; Ngài tổ chức phát động một cuộc biểu tình quy mô trên toàn quốc để cáo buộc Chính quyền Lee Myung-bak phải tôn trọng sự bình đẳng Tôn giáo.
Vào ngày 24 tháng 12 năm 2008, Thiền sư Trí Quán Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 32, Phật giáo Hàn Quốc đã bày tỏ trong một thông điệp chúc tân niên rằng, những quốc dân đồng bào giống như đức Phật, những nhà lãnh đạo giống như đức Chúa Giêsu, phần lớn những người trí thức nhờ nỗ lực học tập và những nhân sĩ tôn giáo tiếp tục Cầu nguyện Tân niên "Nhà nhà hạnh phúc ấm no".
Thiền sư Trí Quán cho biết, đức Phật còn được tôn xưng "Như Lai" hoặc "Như Khứ", nghĩa là lời khen ngợi con người biết thong dong bước qua quá khứ, thản nhiên ở hiện tại khi đối mặt với việc khen chê, tài sản và quyền lợi, thành tỷ lệ thuận với đức hạnh, rằng nếu các bạn truy cầu tham lam một cách mù quáng, rốt cuộc rơi vào thống khổ vô tận.
Ngài nói: "Nếu bạn muốn thành Phật, Từ bi tâm bao trùm tất cả chúng sinh; muốn đạt được Hòa bình, phải chấm dứt Đấu tranh; muốn được Tự do, thì phải Giải phóng ràng buộc; muốn nhìn thấy tia Hy vọng, bạn nên đồng hành với sự Tuyệt vọng và xua tan Bóng tối".
Năm Kỷ Sửu (2009) Ngài thủ bút đề văn bia mộ cựu Tổng thống phật tử Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyễn, 노무현, 盧武鉉, nhiệm kỳ 2005-2008), sau khi đại hạn kết liễu.
Bút tích của Ngài ghi trên bia mộ cựu Tổng thống phật tử Roh Moo-hyun, ghi rằng:
無去無來亦無住 一念普觀三世事
Không đi không đến không dừng; Chỉ trong một niệm thấy bừng xưa sau.
Thích Nguyên Hiền dịch
갔지만 가지 않았네 국민을 위한 불멸의
Người đã mất đi nhưng vẫn còn; Tinh thần bất tử với quốc dân.
Bên cạnh đó, một trong những đóng góp nghiên cứu khác của Ngài là các văn bia của Cao Tăng Thạc đức nổi tiếng Phật giáo Hàn Quốc.
Trước khi viên tịch (원적, 圓寂), vào tháng 9 năm 2011, với sự linh cảm bởi thân tứ đại đến hồi suy yếu và không thể trụ thế bao lâu nữa, Ngài đã cầm bút thảo kệ:
Từ giã Trần gian (사세, 辭世)
사세 무상육신 개연화어사바 환화공신 현법신어적멸 팔십년전 거시아 팔십년후 아시거
辭世 無常肉身 開蓮花於娑婆 幻化空身 顯法身於寂滅 八十年前 渠是我 八十年後 我是渠
"Từ giã Trần gian" (사세, 辭世)
Thân vô thường này, Nở hoa sen nơi Ta bà thế giới, Thân không huyễn hóa; Bày Pháp thân nơi Tịch diệt sâu xa. Tám mươi năm trước là ta; Tám mươi năm sau nữa ta là hắn thôi!
Tháng 9 năm năm 2011 Trí Quán ghi (thơ Thích Nguyên Hiền dịch)
Một đời thị hiện cao Tăng Thạc đức, Trí tuệ siêu phàm, Đức Vô úy sáng ngời, khi Công viên Quả mãn, thuận thế vô thường, Ngài an nhiên viên tịch ngày 02 tháng 01 năm 2011 (nhằm ngày 28 tháng 12 năm Canh Dần), tại Tam Giác sơn, Khánh Quốc Tự (경국사, 慶國寺), 113-10 Bogukmun-ro, Seongbuk-gu, Seoul, Hàn Quốc.
Hưởng thọ 80 Xuân. Pháp lạp 60 Hạ.
Vào ngày 06 tháng 01 năm 2011 (03/12/Canh Dần), chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc cùng Môn đồ pháp quyến cử hành Tang lễ Ngài, sau đó lễ Trà tỳ Liên Hoa đài, tại Tổ đình Hải Ấn, tỉnh Khánh Thượng Nam. Tứ chúng đệ tử xây Bảo tháp hiệu "Phù Đồ" (부도탑, 浮屠塔).
Già San Đường Trí Quán Đại Tông Sư (가산당 지관대종사, 伽山堂 智冠大宗師, 1932-2012) còn là vị học giả tiêu biểu của Phật giáo Hàn Quốc, Ngài luôn tích cực trong các hoạt động trước tác, biên soạn văn học Phật giáo. Trong suốt cuộc đời của Ngài đã gắn liền với sự nghiệp văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật, đã để lại cho hậu thế những di sản quý báu qua các trước tác, biên soạn, chú giải:
"Tri Môn Cảnh Huấn Tư ký" (치문경훈사기, 緇門警訓私記), xuất bản năm 1963; "Đại Tuệ Thư Trạng" (대혜서장, 大慧書狀), xuất bản năm 1963; "Thuyền nguyên Chuyên thuyên Tập tự Tư ký" (선원제전집도서사기, 禪源諸詮集序私記), xuất bản năm 1963; "Cao Phong Hòa thượng Thiền yếu Tư ký" (고봉화상선요사기, 高峯和尙禪要私記), xuất bản năm 1964; "Chú giải Pháp tập Biệt hành lục Tiết yếu Tư ký" (법집별행록절요사기해, 法集別行錄節要私記解), xuất bản năm 1964; "Lược giải Kinh Lăng Nghiêm" (능엄경약해, 楞嚴經略解), xuất bản năm 1967; "Lược sử Thiền tông" (선종약사, 禪宗略史), xuất bản năm 1964; "Đồ Thư" (도서, 圖書), "Thiền Yếu" (선요, 禪要), "Tiết Yếu" (절요, 節要), "Yếu Kinh Tự Thuyết" (요경서설, 要經序說), "Nghiên cứu So ánh Sáu bộ Luật tạng Nam Bắc truyền" (남북전육부율장비교연구, 南北傳六部律藏比較研究), "Nghiên cứu Giới luật Tỳ Kheo ni" (비구니계율연구, 比丘尼戒律研究), "Lịch sử Phát triển Giáo đoàn Phật giáo" (불교교단발달사, 佛敎敎團發達史), "Giới Luật Luận" (계율론, 戒律論), "Tào Khê Tông Sử" (조계종사, 曹溪宗史), "Già Da Sơn Hải Ấn Tự Chí" (가야산해인사지, 伽倻山海印寺誌), "Văn bia Lịch đại Cao Tăng Tòng thư" (역대고승비문총서, 歷代高僧碑文叢書), "Già San Phật giáo Đại Từ lâm" (가산불교대사림, 伽山佛敎大辭林), "Tứ thập Tư ký" (사집유기, 四集私記), "Cứ liệu Nghiên cứu về Kinh điển Phật giáo Hàn Quốc" (한국불교소의경전연구, 韓國佛教所依經典研究) xuất bản năm 1969; "Tín Hạnh Nhật Giám" (신행일감, 信行日鑑), "Hiệu Khám Dịch Chú" (교감역주, 校勘譯註). . .
Cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Phật giáo Hàn Quốc, ngoài nhị vị Trưởng lão Thạch trụ Tòng Lâm, Trưởng lão Thiền sư Pháp Đảnh đệ nhất trì luật đã thị hiện Tăng vô nhất vật thì còn có Ngài hiện thân Vô úy đại Hùng Lực, nhiếp phục quyền lực ngoại đạo, xương minh chánh pháp, lợi lạc quần sinh.
Về quan điểm xây dựng đất nước, Ngài kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết không chia rẽ tôn giáo đảng phái, tập trung vào công cuộc xây dựng bảo vệ dân tộc và kêu gọi thống nhất đất nước; đó cũng chính là bảo vệ lý tưởng Phật giáo – Tôn giáo của mình.
Đối với tăng, ni và tầng lớp phật tử trẻ, nhất là những vị sơ cơ trực diện với công tác xã hội, Ngài khuyên nhủ hãy giữ gìn sơ phát tâm, nghiêm trì giới hạnh, giữ lấy phương châm “Tùy duyên bất biến” và tất cả vì tương lai của Đạo pháp – dân tộc nêu sáng gương Tốt Đạo – Đẹp Đời.
Suốt cuộc đời, từ khi xuất gia hành đạo cho đến lúc viên tịch, Ngài đã nỗ lực không ngừng trong công việc xiển dương đạo pháp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương sáng ngời về đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa cho Tăng, ni và Phật tử noi theo. Mặc dù sắc thân của Ngài không còn nữa nhưng đạo hạnh và sự nghiệp hoằng hóa của Ngài sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho tăng, ni, Phật tử hậu lai.
Đương thời Ngài là một trong những Trưởng lão Thạch trụ Tòng Lâm của Phật giáo Hàn Quốc.
Cuối đời Ngài thu phục cựu Tổng thống phật tử Roh Moo-hyun (Lô Vũ Huyễn) Quy y Phật pháp và trở thành vị phật tử Hộ trì Phật pháp.
Trưởng lão Mục sư Tin Lành Tổng Thống Lee Myung-bak (Lý Minh Bác) chỉ thị chính sách phân biệt đối xử kỳ thị Tôn giáo, có ý đồ muốn Tin Lành hóa Hàn Quốc. Phật giáo Hàn Quốc luôn bị đe dọa trong pháp nạn của Chính quyền Lee Myung-bak (Lí Minh Bác). Thiền Sư Trí Quán hiện thân Vô úy Đại hùng lực hiệu triệu tín đồ Phật tử ra tuyên cáo yêu cầu Chính phủ Lee Myung-bak phải thực thi tự do bình đẳng Tôn giáo.
Hơn 200.000 tăng, ni, phật tử thuộc các Thiền phái như Tào Khê, Thiên Thai, Thái Cổ và Quán Âm … đã xuống đường từ 14 giờ đến 15 giờ hôm thứ Tư ngày 27.08.2008. Đoàn diễu hành đến Tổ đình Tào Khê, Trụ sở Trung Ương Giáo hội Thiền phái Tào Khê ở Chung Lộ Khu (Jongno) để gia nhập cuộc biểu tình.
Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Lee Myung-bak phải chính thức xin lỗi Phật giáo, yêu cầu cách chức ông Eo Cheong-soo (어청수, 魚淸秀), Cục trưởng Cục Cảnh sát Quốc gia. Họ nói: “Nếu chính phủ Đại Hàn Dân Quốc không tiếp nhận những yêu cầu của chúng tôi một cách chân thật, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức tôn giáo và những đoàn thể khác tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình quy mô khác khắp nơi trong nước”. Đồng thời, đoàn biểu tình thúc dục chính quyền ngưng ngay việc phân biệt kỳ thị tôn giáo. Phật giáo đồ Hàn Quốc tuyên bố: “Phật tử chúng tôi đã thực hiện chính sách dung hoà đa Tôn giáo. Nhưng nhiều trường hợp kỳ thị chống lại Phật giáo đã xảy ra từ khi Trưởng lão Mục sư Tin Lành, Tổng thống Lee Myung-bak đắc cử (tháng 2 năm 2008). Ngoài ra, ông Lee Myung-bak rất xem thường đạo Phật, điều này ông Lee Myung-bak đã vi phạm vào Hiến pháp của quốc gia.”
Các cuộc phản đối bùng phát mạnh từ khi các viên chức cảnh sát lục soát xe của Thiền Sư Trí Quán, vị lãnh đạo tối cao của Thiền phái Tào Khê như một phạm nhân. Và trước đó, hệ thống bản đồ giao thông do chính phủ bổ sung hồi tháng 06, hệ thống bản đồ hàng hải, cũng như Bộ giáo dục đã loại bỏ tên của các ngôi chùa nổi tiếng ra khỏi danh sách. Trong khi đó, các nhà thờ lại xuất hiện rất nhiều... Phải chăng Tổng thống Lee Myung-bak muốn biến Thủ đô Seoul thành một vương quốc Thiên Chúa giáo?
Sự kiện này làm chúng ta liên tưởng đến bài học lịch sử năm Quý Mão (1963) của Phật giáo Việt Nam mà chính phủ Việt Nam Cộng hòa dưới sự cầm quyền độc tài của gia đình trị họ Ngô, với ông anh cả Ngô Đình Thục là một Linh mục và ông em Ngô Đình Diệm làm Tổng thống điên cuồng thực hiện quốc sách dâng nước Việt Nam cho Chúa. . .
Mùa Phật đản năm Quý Mão (1963), một ngọn lửa Từ bi Trí tuệ của Bồ tát Thích Quảng Đức rực sáng khắp năm châu, đã xua tan màn hắc ám vô minh của một thế lực bạo quyền, chấm dứt nền đệ nhất Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam; và Ngài đã để lại trái tim bất diệt, mãi mãi cùng nhịp thở với núi sông nước Việt, danh thơm của Ngài lưu sử đời đời; đức của Ngài sáng ngời với thời gian và như hoa sen luôn tỏa hương ngào ngạt khắp muôn phương.
Nam mô Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 32, Phật giáo Hàn Quốc, hiệu Già San đường Trí Quán Đại tông sư, Đại Hùng Đại Lực chứng giám, gia hộ cho Phật giáo Hàn – Việt cùng chia sẻ trong những lúc thăng trầm và cùng song phương phát triển, mãi mãi cùng quốc gia dân tộc hai nước trường tồn bất diệt.
Tác giả: Thích Vân Phong
Bình luận (0)