Cổ nhân thường nói: “Sống có đức thì ở đâu Thần Phật cũng biết”. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần, Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh.

Cuộc sống này luôn công bằng, không cho không ai điều gì và cũng không vô tình lấy đi của ai bất cứ điều gì mà không có sự bù đắp, trả giá. Đừng cảm thấy mình mất tất cả hay có tất cả mà không suy nghĩ cho những người xung quanh. Sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta phải bật khóc, nhưng không vì một lý do nào cả. Đó chính là lúc chúng ta nhận ra mình đã đánh mất quá nhiều thứ và không bao giờ lấy lại được nữa.

Cho nên người biết tu phải cần lau chùi (trau dồi) cái Tâm cho sáng lại. Cái Tâm vốn không phải tối, chỉ vì bị cái tập tục mờ ám, tư dục phủ che, cho nên bỏ được các vật phủ che làm mờ ám đi, tự nhiên cái Tâm của chúng ta bừng sáng lại như buổi ban sơ, để ứng hiệp cùng Trời, vì Trời và Tâm con người vốn là một. Vì vậy trong việc tu hành, cốt phải lấy Tâm làm nền móng. Cái tâm mà giữ được hư không, thì ngoại vật hết xâm nhập, mà nội niệm cũng không sinh được, như thế là dứt cả tham sân, phiền não, khỏi lo tạo nghiệp, thì không còn chướng ngại nữa. Nếu lập trường tu hành của chúng ta không được rõ ràng thì rất dễ chùn bước và bỏ cuộc một khi gặp trở ngại hoặc khó khăn.

Đạo Phật là con đường giúp ta ngộ ra bản chất của thiện ác, nguồn gốc của mọi đau khổ và hướng ta đi đến cái đức lành giải thoát. Mà đạo nào thì cũng phải lấy đức làm chuẩn, nếu cái tâm đức mà không có đạo làm bệ đỡ thì nó cũng lênh đênh trôi nổi, sa vào dị đoan mê tín, huyễn hoặc cho mình và người một cách hết sức tai hại. Vì lòng tham không đáy, ngã mạn vô chừng, dục vọng miên man truyền kiếp. Sự ngu tối, cố chấp là chỗ dựa lý tưởng cho những sai lầm và tội ác. Đức Phật không phải là một vị thần linh có quyền năng ban phúc hay giáng tội cho ai cả. Phúc hay tội do chính bản thân mình gây ra và cũng chỉ có chính mình mới giải trừ nghiệp của mình mà thôi.

Cho nên đức Phật đã nói, Ta là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sẽ thành. Có nghĩa là vạn vật đều hội đủ thanh tịnh, từ bi. Mà muốn khai triển nó để cứu mình cứu người thì phải xuất phát từ trí tuệ sáng suốt, xuất phát từ gốc tâm của chính mỗi con người. Cái đó là tự mình, do mình chứ không ai mang đến để cho mình cả.

Người tu không phải chỉ biết đổ rác cho mình mà còn chỉ cho người khác cách đổ rác. Sống trên đời là phải mang đống rác đó chính là cái thân này, và mỗi ngày đi qua là phải tiếp tục cuộc hành trình “nhặt rác, lượm rác và đổ rác”. Chỉ cần xem mình là “rác” thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu. Chúng ta hy sinh nhiều hơn là cho người khác, biết vui với cái thiện, biết trân quý đến những điều tốt, vững vàng trước giông tố của cuộc đời. Vì vậy bản chất của Phật giáo là giáo dục sống có đạo đức (giới), sống có ý thức (định) và nhằm đạt trí tuệ (tuệ). Đối tượng giáo dục của Phật giáo là con người được phân thành hai giới là xuất gia và tại gia. Giới xuất gia thì đương nhiên phải nhận được sự giáo dục trong các chùa viện. Với giới tại gia nói chung và giới trẻ nói riêng, đức Phật có rất nhiều bài kinh về đạo đức nhằm giáo hóa họ trở thành những người đáng được tôn kính trong xã hội và sống an lạc hạnh phúc ngay cuộc đời này.

Thời đại hội nhập, đạo Phật cần gìn giữ những mặt tích cực của Phật giáo ngày xưa và phát triển, đổi mới hơn nữa những mặt hạn chế để giữ vững vị thế của đạo Pháp tuyệt vời nhất trên thế giới. Do đó, đạo Phật xưa và nay có nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên nhìn chung, cốt lõi giác ngộ, giải thoát của đạo Phật vẫn luôn được duy trì song song với những chân lý từ lời dạy của đức Phật.

Thông điệp đầu tiên của đạo Phật là hình ảnh một em bé bước đi trên bảy bông sen. Đó là hình ảnh những bước đi thanh tịnh vô nhiễm của một cái tâm không có sự phân biệt, chất chứa. Em bé đó đã thốt lên: “Trên trời dưới trời chỉ có Ta là tôn quý”. Sự tôn quý mà đức Phật tuyên bố là sự tôn quý của bậc giác ngộ và sự giác ngộ, của cái Tâm rỗng suốt thấy được tính Không đồng thời thấy được tính toàn hảo của chính mình và thế giới, và hướng dẫn chúng sinh thấy được điều đó để giải thoát.

Hình tượng đức Phật mang ý nghĩa bao hàm cho ánh sáng của trí tuệ soi tới chúng sinh. Và nhờ chính trí tuệ tuyệt luân vô nhiễm đó mà xóa đi mọi mầm mống của tội ác. Người đến chùa cốt yếu nhất là để nương nhờ tha lực của Phật mà xây dựng điều thiện trên nền tảng trí tuệ Phật chứ không nên nhằm mục đích khác. Vì triết lý của nhà Phật là dạy cho chúng sinh về vũ trụ quan, nhân sinh quan chứ không hề dạy cho chúng sinh đi cầu xin. Tâm ta cũng là tâm Phật, mà cái tâm đó phải vì người khác chứ không chỉ bo bo vì mình. Đạo Phật hoàn toàn không có chỗ nào dành cho vấn đề thần bí hay mê tín dị đoan cả. Vì tâm nhờ có tuệ thì tâm mới trong sạch. Nếu tâm mà không tuệ thì dễ dàng trôi nổi vào bến bờ dị đoan mê tín, hại mình hại người.

Nếu ta biết cách tu tập và chuyển hóa thì rác phiền não kia cũng sẽ trở thành bông hoa thanh khiết, thơm tho và lan tỏa hương thơm để hiến tặng cho cuộc đời. Ngược lại, nếu ta không biết vun bón, tưới tẩm cho hoa mỗi ngày thì nó rất mau chóng héo hon và tàn lụi. Đối với con người cũng vậy. Để thấy rác chính là hoa, hoa và rác vốn không hai cũng như khổ đau làm nên hạnh phúc, phiền não chính là Bồ đề, chúng ta cần phải trở về với chính mình để chăm sóc cho đóa hoa tâm hồn được nở rộ và thêm phần hương sắc. Ví như trong một cái thùng chứa đựng rác dơ bẩn, trong đó có những hạt ngọc vô cùng quý giá, nếu ta cho rằng, thùng rác quá bẩn mà không chịu đưa tay vào để lấy ngọc ra thì thật dại khờ và uổng phí biết bao. Có thể nói rằng, thói quen loại trừ và phản kháng lại hiện thực là một trong những nguyên nhân căn bản tạo ra đau khổ. Chính vì chúng ta không có vốn liếng, tư lương về mặt tinh thần, tâm linh để làm điểm tựa, để quay về chính mình, thì ta sẽ dễ dàng bị những cám dỗ vật chất cuốn trôi. Trong mỗi chúng ta đều có Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy, nơi tai thì nghe, mũi lưỡi thân ý cũng lại như vậy. Nếu chúng ta biết nuôi dưỡng và giữ gìn tâm luôn định tĩnh và trong sáng thì chẳng bị vướng kẹt vào bất cứ điều kiện gì xảy ra đối với bản thân.

Trong tâm thức của chúng ta cũng có hai đặc tính căn bản của hoa và rác. Ta có những đức tính tốt như thiện lành, siêng năng, hiền hòa, dễ thương, tha thứ, biết cảm thông và giúp đỡ cho những ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Điểm tích cực ấy tượng trưng cho bông hoa tươi đẹp vốn đã có ở nơi mỗi con người.

Ngày nay không ít chư tăng, ni, phật tử lại tự sa vào dị đoan thần quyền, tinh thần tu học lại bị yếu kém, việc nghe pháp trở thành những giờ thoải mái thoáng qua, vì mình chỉ thích nghe những thứ lâng lâng cao siêu trên chín từng mây, mà không thích nghe nhắc đến những cái gọi là thói hư tật xấu, cũng như những cái chưa muốn làm, hay chưa làm được của mình, là những cái mà mình hay cho là tầm thường, vụn vặt không đáng nghe. Dù mình có muốn công phu tu hành của mình tăng tiến chăng nữa, thì mọi thứ vẫn cứ trở ngại và dậm chân tại chỗ. Bởi không đối mặt với những cái tầm thường ấy, không vượt qua được những cái vụn vặt ấy thì không thể nào tiến sâu vào bên trong được. Chỉ vì, bản tâm không thanh tịnh trùm khắp bất giác vọng động mà phân làm cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng. Cảnh giới hư vọng là chỉ cho thân căn và thế giới ta đang có đây. Do không biết tất cả chỉ là hư vọng, lại nương vào đó mà phát huy phân biệt. Một khi đã có sự phân biệt thì niệm niệm tương tục, khởi hoặc tạo nghiệp, khổ đau vô vàn, sinh tử chẳng dứt. Sáu đường địa ngục, ngạ quỉ… Từ đó phát sinh chính vì con người quá phân biệt mới nảy sinh ra vô số chướng ngại mà chướng ngại là đi đến u tối, sai lầm và tội lỗi mà thôi.

Cuộc đời tu hành của chúng ta là một hành trình đi đổ rác

Trước hết chúng ta dùng những tâm thiện, đức tính tốt để tu tập, đó được xem là phương tiện cho việc học đạo, tu đạo, hành đạo, vun bồi ba la mật,... đó là “rác tái chế”. Cũng như chúng ta dùng đống phế liệu để làm thành một chiếc xe, chiếc thuyền đưa mình đến bờ giải thoát. Trong quá trình học hỏi, góp nhặt những kiến thức thật ra chỉ là hành trình “lượm rác”, chúng ta xem những điều thiện đó là hay, tốt, đẹp... thì chúng ta rất dễ tự hào, ngã mạn và xem mình là “số một”, không ai có thể sánh bằng. Chúng ta sẽ đắm chìm và tự hào về sự bố thí, trì giới, đa văn, thiền định, trí tuệ… của bản thân. Chúng ta tích chứa cho thật nhiều kiến văn để vun bồi bản ngã, kinh điển gọi đó là “sở tri chướng”. Nếu mình không biết tận dụng những điều đó vào sự tu tập thì rất dễ bị đống kiến thức đó “đè chết” lúc nào không hay (điều này, nhiều “học giả” thường mắc phải, luôn dính mắc và chấp chặt so với “hành giả”). Nhưng nếu không học hỏi, tiếp thu thì lấy gì mình suy tư, vận dụng. Do đó, người có trí là người “lượm rác có chọn lọc”, biết đâu là phế liệu và đâu là phế thải (phế liệu có thể tái chế, còn phế thải phải bỏ đi).

Thứ đến là đối với loại rác không tái chế, đó là những đức tính xấu mà hầu như ai cũng có, tùy theo tiền nghiệp của mỗi người mà chúng có ít hay nhiều phiền não, mức độ sâu hay cạn, vi tế hay thô thiển. Đó là những sân hận, tật đố, tà kiến, ngã mạn, hoài nghi, hôn trầm, thụy miên,... Các vị Thánh là những người đã đổ được những đống rác trong tâm mình.

Trong rác sẵn có hoa

Trong hoa sẵn có rác

Hoa và rác không hai

Mê và giác tương tức.

Bậc Tu Đà Hoàn đổ được đống rác tà kiến, ngã mạn, hoài nghi. Bậc Tư Đà Hàm đổ thêm được chút sân và tham ái (nhưng vẫn còn chút ít). Bậc A Na Hàm hoàn toàn không còn chút sân hận hay tham luyến vào bất cứ thứ gì, và bậc A La Hán dứt trừ toàn bộ những rác rến trong tâm. Đối với các vị A La Hán, các ngài làm chỉ để làm, không gieo nhân thiện hay ác, vì không còn bất kỳ dấu vết tái sinh nào. Do đó, “cả rác thải công nghiệp và nông nghiệp, từ phế liệu cho đến phế thải” đều đã được các vị dọn dẹp một cách toàn diện và triệt để bởi tâm Thánh Đạo.

Phật dạy chúng ta học để hiểu ứng dụng vào tu tập, hành trì, chuyển hóa, chớ không phải cầu Phật ban cho, nhưng đa số quí phật tử cứ xin Phật hoài, tu như vậy biết chừng nào mới chuyển hóa hết phiền não tham, sân, si.

Ngôi chùa còn có nhiều chức năng nhằm nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp xây dựng nếp sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh thiện. Phật giáo dạy người phật tử phải ăn ở hiền lành. Năm Giới cấm của người phật tử tại gia, đó là 5 nguyên lý đạo đức căn bản mà người phật tử phải giữ gìn cẩn thận. Ðồng thời phải ý thức và áp dụng lý nhân quả vào đời sống. Vào chùa, ta thường thấy hình tượng Phổ Hiền Bồ Tát trong Hoa Nghiêm Tam thánh cầm bông sen giơ lên, đó là một biểu tượng triết lý vừa sâu thẳm vừa hết sức gần gũi - thế giới của sự dấn thân và giải thoát. Ý nghĩa đó là một thông điệp với mọi người, vào chùa là đi tìm lại chính mình, đi tìm lại cái tâm thất lạc của mình trong chốn bụi bặm xô bồ ngoài kia. Chứ không phải vào chùa để cầu xin, để đạt được điều này điều nọ… Vào chùa là ta đi tìm cái bản thể Chân như, đi tìm cốt lõi của bản chất tốt đẹp sâu xa nhất của chính bản thân mình. Đi tìm cái trí tuệ Bát nhã để vén đám mây mù u tối che đậy cái thân tâm sáng suốt của mình.

Có như thế thì người tu mới tránh được những điều tội lỗi. Người biết tu cần phải chăm sóc tâm thật kỹ, ngay từ đầu cố gắng giữ gìn tâm Phật sáng suốt, canh chừng tâm trộm lén lút ra ngoài, đừng để bị nguy hại. Nhiều khi chỉ cần một niệm sai lầm không làm chủ được là nó dẫn đi xa, rất phải cẩn thận ngay từng tâm niệm. Người tu Phật là để chuyển hóa, sửa đổi, đó là khả năng sẵn có nơi mỗi người không phải cầu ai đem đến cho mình. Ai ai cũng có Phật tính sáng suốt, hay là tâm Phật bất sinh, chính đó là điểm quan trọng. Chính vì có tâm Phật sáng suốt nên mới có bậc Hiền, bậc Thánh, có chúng sinh thành Phật. Nhờ có nó mà các Ngài giác ngộ, chuyển chúng sinh thành Phật. Nếu không có thì tất cả làm chúng sinh mãi mãi, không có nó thì tu thế nào cũng không chuyển được. Đó là một ân huệ lớn, niềm tin để mọi người tu tập chuyển hóa.

Tác giả: Hoa Đức Hạnh Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2019