Tịch Thiên là một triết gia, một tăng sĩ Phật giáo Đại thừa sống vào khoảng cuối thế kỷ VII và nửa đầu thế kỷ VIII Tây lịch. Hai sử gia người Tạng là Buton và Taranatha cho rằng: “Tịch Thiên là một vương tử xứ Saurastra, vùng Nam Ấn. Đây là giai đoạn mà Phật giáo Đại thừa có sức ảnh hưởng rộng rãi ở Ấn Độ” (1). Ông xuất gia tu học tại đại học tự viện Nalanda. Tác phẩm Nhập Bồ tát hạnh (Sankrit: Bodhicaryāvatāra) trình bày giá trị, mục đích và phương cách thực hành con đường Bồ tát. Đây là cẩm nang tu tập của tất cả các truyền thống Phật giáo trên rặng Himalaya. Tới nay tác phẩm đã được dịch ra gần 30 ngôn ngữ trên thế giới, riêng tại Việt Nam tác phẩm này cũng đã có bốn bản dịch khác nhau của bốn dịch giả dịch theo những văn phong khác nhau.

Mở đầu tác phẩm, Tịch Thiên đề cập tới mẫu người lý tưởng trong cuộc đời, đó là người có phẩm hạnh tròn đầy, biết khởi phát và nuôi dưỡng Bồ đề tâm. Đây chính là dòng tâm khát ngưỡng đạt tới quả vị Phật và an trụ trong luân hồi để làm lợi lạc chúng sinh, cho tới khi tất thảy chúng sinh được cứu vớt khỏi bể khổ khôn cùng. Tịch Thiên đã viết: “Hư không còn, chúng sinh còn, nguyện con an trụ mãi để tận trừ thống khổ cho chúng sinh” (2). Bất kỳ một ai biết nuôi dưỡng Bồ đề tâm, biết từ bỏ những vị kỷ cá nhân và sống vì lợi lạc của tha nhân thì ngay khi ấy họ trở thành một vị Bồ tát.

Để giữ được lời nguyện Bồ đề tâm không bị thoái thất và để tăng trưởng cũng như đưa lời nguyện vào trong thực tế, người thực hành phải không ngừng nuôi dưỡng và làm tăng trưởng lời nguyện. Người thực hành phải biết suy tư, thiền định về những lý do hợp lý của việc nuôi dưỡng và phát triển những tư tưởng lợi tha, không chỉ dựa vào đức tin thuần túy, để cùng với đó không khởi phát những nghi ngờ hay thất vọng khi đang thực hành lý tưởng này.

Có bốn lập luận chính về sự tồn tại và vận hành của vạn vật mà Tịch Thiên đưa ra để từ đó minh chứng cho nguyện ước và thực hành Bồ đề tâm là vô cùng quan trọng.

Thứ nhất, bởi vì hành động và mọi quyết định của con người đều xuất phát từ các nhân và duyên cho nên việc cần thiết là phải thực hành nhẫn nại và từ bỏ sân giận. Ông viết: “Tất cả mọi lỗi lầm và hành động xấu ác đều do nhân duyên sinh, không có gì tự phát. Như vậy mọi sự vật đều sinh từ nhiều duyên và bất cứ duyên nào cũng lệ thuộc duyên khác; ý thức được như vậy, ta không bị phiền nhiễu.Vì tất cả hiện tượng đều chỉ là mộng huyễn. Khi nhận thấy, kẻ thù hay thậm chí một người bạn, muốn hại ta, hãy nghĩ là duyên sinh và giữ tâm ý thanh tịnh”(3).

Một người khởi tâm sân không có nghĩa là bản chất của người đó là sân hận, một người khởi tâm tham dục, kiêu mạn, ghen tỵ nhưng không có nghĩa là bản chất người đó là tham dục, kiêu mạn, ghen tỵ. Các phiền não đó khởi sinh đều do những nhân và duyên cụ thể, khi các nhân và duyên đó hết thì các phiền não cũng không còn. Bản chất của chúng là không bất biến, có thể được tận trừ và không thực có.

Tịch Thiên cho rằng: “Không có tội lỗi nào bằng hận thù. Không có khổ hạnh nào bằng sự kiên nhẫn; Sự giận dữ là khí giới giết hại những tái sinh thù thắng của bạn.”(4) Lối sống làm tổn hại tới tha nhân là vô cùng thiếu trách nhiệm nhưng những người đang làm tổn hại người khác chính họ lại đang bị chi phối bởi sân giận và các cảm xúc tiêu cực.

Thứ hai, Tịch Thiên đã đưa ra lập luận phủ định sự tồn tại thực sự của “một thân xác tôi”, để theo ông không phải để làm “thỏa mãn trí tò mò của con người” mà để buông bỏ bớt những tư tưởng ích kỷ coi trọng bản thân và biết phát khởi những tư tưởng lợi tha.

Tịch Thiên cho rằng sự tự kiêu và hấp dẫn này là do “chúng ta lãng quên bản chất và các đặc điểm thực sự của thân mình và thân người.” Hơn thế nữa, người phàm phu thường cảm thấy luyến ái thân của mình và thái độ này dẫn tới các hành vi ích kỷ. Theo Tịch Thiên, nếu chúng ta hiểu rõ ràng thân của mình thực sự là gì, chúng ta sẽ có những thái độ và hành động tương xứng với sự hiểu biết đó. Nếu thân được cho là một thực thể vật lý có hình tướng cụ thể thì một thân đó không tồn tại mãi trong toàn bộ cuộc đời bởi vì dáng vẻ, hình tướng của thân thay đổi từ thời trẻ và tuổi già. Nói cách khác, thân gồm có nhiều bộ phận khác nhau như đầu, tay chân và các bộ phận khác. Nói chung khi nghĩ về thân, con người thường thấy thân mình là một thực thể đơn lẻ, tách rời, có thể xúc chạm được.

“Thân không phải là bàn chân, bắp chân, đùi. Cũng không phải là hông, bụng, lưng, ngực hoặc cánh tay. Nó không phải là bàn tay, thân mình, hoặc nách, cũng không phải vai. Thân cũng không phải là cổ, hoặc đầu. Vậy, ở đây cái gì là thân?”

Tịch Thiên cho rằng, thân không thể đồng nhất với các bộ phận của mình.

“Thân cũng không ở bên trong, cũng không ở bên ngoài. Làm thế nào thân có thể ở trong hai bàn tay và hai chi khác. Thân thì không cách biệt với hai bàn tay và các thứ. Vậy, làm thế nào nó có thể tìm thấy được? Như vậy, thân không hiện hữu. Tuy nhiên, bởi vì vô trí, có cảm tưởng thân liên quan tới hai bàn tay và các thứ, bởi vì hình thể chuyên biệt của chúng, cũng như có cảm tưởng có một cá nhân khi thấy một cái trụ.”

Mặc dù thân không có bản chất cố hữu nào nhưng nó lại là phương tiện trợ giúp sự thực hành tâm linh và trợ giúp chúng sinh; thân người vô cùng quý giá để thực hành Bồ đề tâm. Thân người có nhiều khả năng nhất để đạt đến quả vị Phật. Ngay của một kẻ sơ cơ trong thân người cũng có thể tu tập để dần đạt tới giải thoát, giác ngộ. So với loài vật, chúng không thể tư duy, không thể có điều kiện để thực hành các tư tưởng lợi tha, nuôi dưỡng Bồ đề tâm. Bởi vậy, mỗi người không được lơ là, bất cẩn và lười biếng trong việc thực hành, phải biết giữ gìn thân người một cách nghiêm cẩn để nó giữ vai trò làm lợi lạc tha nhân.

Nếu thân của mình là trân quý, hy hữu và mang lại những năng lực để giải thoát, giác ngộ thì thân người của bất kỳ ai khác cũng đáng trân quý, hy hữu và mang lại các năng lực giải thoát cho họ tương tự. Tịch Thiên đưa ra một hình ảnh rất thú vị về việc cần biết sử dụng đúng thân người như sau: Giống như một người đi buôn đi đến một đảo châu báu, mà thay mang về những đá quý lại chỉ dùng thời gian mà ca hát múa nhảy…, lại còn mắc nợ những bạn hàng khác một món tiền lớn. Còn gì điên khùng hơn khi cuối cùng phải trở về tay không? Vậy, bây giờ bạn có thể thu nhặt những châu báu giải thoát và toàn tri. Không gì mù quáng hơn, ngu ngốc hơn nếu không lấy những châu báu ấy, mà lại tạo nhân duyên để đi xuống các đọa xứ. Và một khi không còn duy trì được thân tứ đại thì hành động lợi lạc cuối cùng mà con người có thể làm theo Tịch Thiên là biến nó trở thành thực phẩm cho các loài động vật.

Thứ ba, Tịch Thiên đã đưa ra những lập luận về vô ngã hay sự không tồn tại thực sự của một “cái tôi”, từ đó dẫn tới các tư tưởng vị tha. Ông viết: “Phải trừ khổ cho người như trừ khổ cho tôi. Phải giúp đỡ người khác vì họ cũng như tôi, đều cùng là chúng sinh. Tôi và người giống nhau, đều mưu cầu hạnh phúc. Vậy có gì khác biệt, khi đều tìm hạnh phúc? Tôi và người giống nhau, đều sợ nguy, sợ khổ. Vậy vì lý do nào, khiến tôi chỉ cứu tôi mà không cứu người khác?”(5).

Bản thân mỗi cá nhân và tất thảy mọi người trên thế gian dù giàu hay nghèo, sang hay hèn, nam hay nữ hay ở bất kỳ địa vị nào đều có sự tương đồng căn bản và không thể chối cãi, đó là cùng chịu những nỗi khổ chung của luân hồi, của sinh-lão-bệnh-tử và bất kỳ ai cũng đều khao khát được tự do, hạnh phúc, an bình, chẳng ai muốn khổ đau.

Một số ý kiến đối lập cho rằng vậy nếu một người chỉ chăm chăm làm lợi ích cho bằng hữu, gia đình, đệ tử hay bất kỳ ai mà mình có quan hệ, vậy họ có đang lãng quên bản thân mình không? Họ có đang bỏ qua một con người mà chính họ đang có mối quan hệ căn bản, gần gũi và cũng đang cần được trợ giúp để vượt thoát khỏi khổ đau chăng?

Về điểm này Tịch Thiên viết như sau: “Đừng nói: “Không cứu người vì nỗi khổ của họ không liên quan đến tôi. Tại sao tôi bảo vệ và che chở cho họ? Cũng vậy, nỗi đau khổ của thân thể kiếp sau sẽ không hành hạ tôi nếu kiếp này tôi tu. Nếu bảo rằng: “Kiếp sau thân tôi vẫn là tôi. Điều ấy e không đúng vì thân lúc chết đi không phải thân tái sinh! Bảo rằng: “Kẻ nào đau thì họ phải tự chữa. Vậy khi chân bị đau, tay không can hệ gì. Sao tay phải xoa chân? Bảo: “Điều vừa biện minh mặc dù phi lý thật song bởi vì chấp ngã nên nó được sinh ra. Nhưng những gì phi lý dù của ta hay người, phải cực lực trừ bỏ”(6).

Tịch Thiên đã luận giải về sự không tồn tại thực có của một cái tôi nhằm giúp mỗi người sống vị tha hơn và xác quyết từ bi tâm là mục đích tối thượng của sự tồn tại của mỗi người trên cuộc đời. Một người khi biết nhìn bản thân mình trong mối liên hệ với môi trường, con người xung quanh, với quá khứ, hiện tại và tương lai và phát khởi dòng tâm Bồ đề làm lợi ích chúng sinh một cách tối đa, thì cũng chính là lúc họ đang làm lợi ích nhất cho chính bản thân mình, phát huy được những năng lực, phẩm tính cao quý nhất trong thân tâm mình để sống một cuộc đời có ý nghĩa nhất. “Theo bất cứ cách nào, chấp thủ vào ‘tôi’, đó là một nguyên nhân của đau khổ, do thiếu trí tuệ về Ngã. Nếu đây là kết quả không thể tránh được của chấp ngã, thiền định trên tính vô ngã là điều tốt nhất”(7). Luận điểm này xuất phát và tương đồng với tất cả quan điểm truyền thống Phật giáo về vô ngã giúp khởi sinh từ bi và Bồ đề tâm.

Lập luận thứ tư của Tịch Thiên xuất phát từ tư tưởng về bản chất như huyễn của vạn pháp - một trong những tư tưởng thâm sâu nhất trong giáo lý Phật giáo. Tịch Thiên lập luận rằng, nếu một thứ gì đó có tự tính độc lập thì có nghĩa rằng bản chất của nó là độc lập với bất kỳ mối liên hệ nào với các sự vật khác. Nhưng không có một sự vật nào có thể có một tự tính như vậy cả bởi nếu thế thì nó phải hằng thường, bất biến và độc lập. Thực sự mọi thứ khởi hiện trước tâm chúng ta, chúng không ngừng biến dịch, tồn tại phụ thuộc vào các nhân và duyên, nên chúng ta không thể nói hay suy nghĩ bất kỳ điều gì ngoại trừ mối liên hệ với sự vật khác. Mọi sự vật hiện tượng về bản chất đều là mộng huyễn, không có bản chất cố hữu và bởi vậy sẽ thật vô nghĩa nếu cứ theo đuổi, bám chấp lấy những thứ tồn tại không có thật.

Tịch Thiên cho rằng nếu cứ mãi chấp thủ vào sắc tướng hay hình dáng của hiện hữu bên ngoài thì thực sự là nguồn gốc của đau khổ, làm sinh khởi sân hận, tham muốn và vô số phiền não khác. Ông viết: “Khi tất cả các hiện tượng đều rỗng không, không có hiện hữu tự tính, cái gì có thể được và cái gì có thể mất? Ai sẽ được vinh danh hoặc sẽ bị khinh miệt bởi ai? Từ nơi nào hạnh phúc hoặc đau khổ đến? Cái gì là vui và cái gì là buồn? Khi điều tra về bản chất tối hậu của nó, cái gì đang khát ái và cái đó đang khát ái về cái gì?”(8). Như thế mọi thứ mà con người từ bao đời nay khát khao, theo đuổi, từ công danh, sự nghiệp, quyền lực, tài vật…về bản chất đều không có thực, chúng không tồn tại mãi mãi và không có bản chất cố hữu.

Một khi đã thấu hiểu được bản chất không thật có này của thế giới, sẽ dẫn tới tận trừ được những bám chấp và khổ đau trong tâm. Trí tuệ về bản chất Tính không hay sự huyễn ảo của vạn pháp là một trong những thuộc tính quan trọng của Bồ đề tâm. Khi ấy bản chất của Bồ đề tâm sẽ thực sự hiển diện một cách đầy đủ và viên tròn trong dòng tâm của mỗi người.

Tác phẩm "Nhập Bồ tát hạnh" trình bày có hệ thống về phương cách thực hành con đường Bồ tát, qua đó luận giải chi tiết và sống động những vấn đề căn bản của Phật giáo như Bồ đề tâm, Vô ngã, Tính không. Đặc biệt những luận giải về tính không thật có của cái tôi, của vạn pháp và của các loại phiền não hình thành nên lý tưởng sống vị tha của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Những luận giải về tận trừ bất an, sân hận, cách thức nuôi dưỡng từ tâm, tình thương, lòng bi mẫn vẫn có sức lay động tâm trí nhiều thế hệ các học giả, hành giả tới tận ngày nay.

Tác giả: Trần Nam Cường Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 9/2018

--------------------------

CHÚ THÍCH: 1. Stanford Encyclopedia of Philosophy, Santideva, ed. Charles Goodman, 2016, p.01. 2. Śāntideva, A Guide to the Bodhisattva Way of Life (Bodhicaryāvatāra), trans. Vesna A. Wallace and B. Alan Wallace, Snow Lion, 1997, p.15. 3. Sđd, p.22. 4. Sđd, p.53. 5. Sđd, p.55. 6. Śāntideva, Nhập hạnh Bồ-tát (Bodhicaryāvatāra), Nguyên Hiển dịch, NXB Tôn giáo, 2007, tr.46. 7. Thích Nguyên Hiệp, Những khía cạnh đạo đức trong Nhập Bồ-đề hành luận của Tịch Thiên, Nguyệt san Giác ngộ, 20/05/2013, tr.09. 8. Śāntideva, Nhập hạnh Bồ-tát (Bodhicaryāvatāra), Nguyên Hiển dịch, NXB Tôn giáo, 2007, tr.52.