Tác giả: Thích Nữ Nhuận Anh Học viên Cao học, Học viện PGVN tại Tp.HCM
MỞ ĐẦU
Trong thời kỳ đầu du nhập vào xứ Đàng Trong, Phật giáo đã truyền vào theo hai hướng: từ sự di dân vùng Thuận Quảng đi vào và từ Trung Quốc sang, hình thành nên nhiều ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc tông tập trung tại vùng đất Nông Nại Đại Phố, nay là Biên Hòa – Đồng Nai. Từ đây, Phật giáo đã truyền bá khắp nơi trong cả vùng Đông Nam Bộ. Ngôi chùa ghi nhận có mặt sớm ở Biên Hòa từ thế kỷ XVII trong đó có chùa Bửu Phong. Ban đầu, Phật giáo đã gắn bó với những người đi khai hoang, mở đất, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho dân chúng nơi đây. Những vị tu sĩ đã “nhập thế” thực hiện vai trò cầu an cho người sống và cầu siêu cho người chết, mang lại cuộc sống tâm linh bình yên trên vùng đất mới. Sự du nhập của Phật giáo vào vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai là ‘bàn đạp’ để phát triển và truyền bá sang các vùng lân cận. Vì vậy, Phật giáo Đồng Nai có ảnh hưởng đến Phật giáo Bình Dương và miền Tây Nam Bộ.
Theo dòng chảy của lịch sử, các ngôi chùa tại Đồng Nai cũng phát triển, trong đó có Tổ đình Bửu Phong. Nhìn lại một chặng đường lịch sử khá dài di qua, Tổ đình đã, đang tiếp tục bảo tồn các di vật và cổ vật hiện có, góp phần khẳng định những đóng góp của Phật giáo nói chung và của Tổ đình Bửu Phong nói riêng vào sự nghiệp phát triển Phật giáo, gắn với đời sống của dân cư vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Ngay từ khi Phật giáo du nhập, Tổ đình Bửu Phong là nơi truyền bá Phật giáo đến các vùng lân cận, tạo nên mối giao hòa để đặt nền móng cho Phật giáo phát triển sau này. Về sinh hoạt, Tổ đình mang nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo của vùng đất Nam bộ, nếu như sinh hoạt Phật giáo giữa các chùa thời bấy giờ còn khép kín, thì Bửu Phong là nơi hoạt động sôi nổi.
Về nghệ thuật thờ tượng, kiến trúc, bao lam Tổ đình được trang trí theo từng mảng đây là những biểu tượng của uy quyền và sức mạnh, với ước nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sung túc. Trong khuôn viên của Tổ đình còn có hệ thống bảo tháp, nơi an nghĩ của các vị Trụ trì chùa khi qua đời, nằm xen lẫn trong vườn cây cổ thụ mát mẽ. Bên trong Tổ đình có hệ thống tượng thờ và các cổ vật có giá trị. Hệ thống tượng thờ còn nhiều tôn tượng cổ, có giá trị về mặt nghệ thuật cũng như tâm linh. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng Tổ đình vẫn còn giữ được kiến trúc cổ xưa, không làm thay đổi hiện trạng. Đặc biệt, người viết khảo tả hệ thống tượng thờ tại chùa Bửu Phong mang đến cho người đến chiêm bái thêm tính thiêng liêng tâm linh trong mỗi tâm hồn của người dân đến chùa.
Bộ tượng Tam thế Phật
Trong chùa Bửu Phong, hệ thống tượng Tam Thế Phật được đặt ở vị trí trên cao. Bộ tượng được tạc trong tư thế ngồi thiền bán già. Nhiều người thường gọi theo thói quen là tượng “Tam thế”. Thực ra đây chỉ là tên gọi tắt theo thói quen của người Việt để chỉ các vị Phật ở quá khứ, hiện tại và tương lai. Tên gọi đầy đủ của bộ tượng này có nhiều, song phổ biến nhất là “Tam Thế Tam Thiên Phật” tức 3.000 Đức Phật, mỗi thời 1.000 vị, hay:
“Tam Thế Thường Trụ Diệu Pháp Thân” là nhằm tôn sùng cái hình tướng chân thật, trang nghiêm, kỳ diệu, luôn tồn tại khắp không gian và xuyên thời gian của các đức Phật”[1].
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn
Bộ này gồm có: Đức Phật A Di Đà ngồi chính giữa, tượng trưng sự sáng suốt hoàn toàn, tức là Trí. Bên trái tượng A Di Đà là tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, tượng trưng tình thương yêu muốn cứu khổ chúng sinh, tức là Bi. Bên phải tượng A Di Đà là tượng Đại Thế Chí Bồ Tát, tượng trưng sức mạnh của ý chí, tức là Dũng. Ba vị này ngự ở cõi Tây Phương Cực Lạc, phóng hào quang để tiếp dẫn chúng sinh.
Bộ tượng Hoa Nghiêm Tam Thánh
Ở giữa là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni hay Phật tổ Như Lai còn gọi là tượng Hoa Nghiêm. Hai bên là Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền được xem như là hai hiệp sĩ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài Văn Thù cưỡi sư tử xanh, hầu ở bên trái đức Như Lai, ngài Phổ Hiền cưỡi voi trắng, hầu ở bên phải. Hai Bồ Tát này là hai bậc thượng thủ của các hàng Bồ Tát, thường giúp đỡ, tuyên dương cho việc giáo hóa chúng sinh của đức Phật Như Lai.
Bộ tượng Tuyết Sơn Tam Thánh
Tượng Tuyết Sơn diễn tả tích Thích Ca Mâu Ni trong thời kỳ tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn với thân hình gầy gò, chỉ có da bọc xương. Hai bên là hai vị tôn giả Ca Diếp và A Nan Đà. Ca Diếp (tượng có nét mặt già hơn) là người đứng đầu trong các đệ tử của Phật Thích Ca, tu theo phép tu khổ hạnh. Ngài hiểu rõ giáo lý của Phật hơn cả, nên khi Phật Thích Ca sắp viên tịch, có truyền lại cho Ca Diếp y bát (áo cà sa và bát) để biểu thị ý nghĩa trao lại đạo thống. Ca Diếp được xem là tổ thứ nhất của phái Thiền Tông. A Nan Đà, cũng gọi ngắn là A nan (tượng có nét mặt trẻ hơn) là em họ Phật Thích Ca, ngài xuất gia theo Phật. Theo kinh sách, A Nan Đà là người rất nhẫn nhục, hết lòng phụng sự đức Phật, Tôn giả nổi tiếng với trí nhớ phi thường về những lời Phật dạy. Ngài được Ca diếp truyền y bát cho làm tổ thứ hai của phái Thiền Tông.
Phật Di Lặc
Di Lặc là tên phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa là “Từ Thị” tức là người có lòng từ bi, Ngài là một vị Bồ Tát và cũng là vị Phật cuối cùng xuất hiện trên trái đất theo truyền thuyết Phật giáo. Tượng Di Lặc được tạo hình là một người ngồi trên mặt đất trong tư thế sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh, hình tướng mập mạp, mặt tròn, miệng cười, phong thái luôn vui vẻ[2].
Bộ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu
Bộ tượng này vốn của Đạo giáo nhập vào Phật giáo. Bộ tượng này được bổ sung vào chính điện chùa trong khoảng thế kỷ XIX - XX, nhằm nói lên uy lực của Trời, tức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay còn gọi là Hoàng Quân Giáo chủ, là đấng sáng tạo ra vũ trụ và thế giới nhân sinh. Trong tư cách này, Ngọc Hoàng như biểu hiện cho đấng sáng tạo với quyền năng tối thượng. Bên tay trái Ngọc Hoàng là tượng Nam Tào, vị thần giữ sổ sinh và xác nhận những điều tốt lành của chúng sinh. Bên tay phải Ngọc Hoàng là tượng Bắc Đẩu, vị thần giữ sổ tử và ghi chép những điều sai trái của chúng sinh. Hai vị này như một lời nhắn nhủ tới chúng sinh sự sinh tử trong cuộc sống luân hồi.
Cửu Long/Phật Thích Ca sơ sinh
“Theo quan niệm Phật giáo, thì trong không gian có vô số thế giới và có vô số đức Phật. Đức Thích Ca là Đức Phật thứ tư và cũng là Đức Phật hiện tại”[3]. Truyền thuyết kể rằng ngài vừa sinh ra đã có 9 con rồng phun nước tắm, có hai vị thiên đế là Đế Thích và Phạm Thiên đến chào mừng, Ngài đi 7 bước trên 7 bông hoa sen, tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất nói: “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn”. Bám vào sự kiện ra đời đức Phật Thích Ca, nhà điêu khắc xưa đã tạc tượng Thích Ca Sơ Sinh, tức là Phật chưa thành Phật và không ngồi trên tòa sen.
Hai bên Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh là tượng Phạm Thiên (bên trái) và Đế Thích (bên phải). Bộ tượng này được đặt ở bậc thấp nhất và ở ngoài cùng của hệ tượng được bài trí ở thượng điện.
Quan Âm Thiên Thủ Thiên nhãn
Quan Thế Âm được người đời quan tâm nhiều bởi đặc tính cứu khổ cứu nạn. Dân gian thường gọi là Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, vì Ngài có thể hóa thành muôn nghìn thân thể để cứu vớt người trong muôn nghìn trường hợp. Quan Âm có nhiều tay, nhiều mắt, diễn tả khả năng vô biên của Người để nhận thức, cảm thông và cứu vớt chúng sinh.
Địa Tạng vương Bồ tát
“Là vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong địa ngục và trẻ con yểu tử, cũng được xem là người chuyên cứu giúp lữ hành phương xa. Địa Tạng tay cầm Ngọc như ý và Tích trượng có sáu vòng, biểu hiện của sự cứu độ chúng sinh của Bồ Tát trong lục đạo (sáu đường tái sinh)”[4].
Trong kinh Địa Tạng, có nói rằng “… Nơi chỗ sạch sẽ ở phương Nam trong cuộc đất của mình ở, dùng đất đá, tre gỗ mà dựng cất cái khám cái thất. Trong đó có thể họa vẽ cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nắn hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ tát đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, thời chỗ của người đó ở được mười điều lợi ích như: đất đai, nhà cửa bình yên, người thác được sinh lên cõi trời, người sống thêm tuổi thọ, cầu gì được nấy, tránh được tai nạn nước, lửa và các điềm dữ, đi đâu đều có thần ủng hộ, gặp nhiều duyên lành, điều may mắn…”[5].
Bộ tượng Thập điện Diêm Vương
Bộ này gồm 10 tượng chia thành 2 hàng ở 2 bên nhìn vào chính điện. Gồm có: Tần Quảng Vương, Sở Giang Vương, Tống Đế Vương, Ngũ Quan Vương, Diêm La Vương, Thái Sơn Vương, Biến Thành Vương, Bình Đẳng Vương, Đô Thị Vương, Chuyển Luân Vương.
Kim Cương, Hộ Pháp Khuyến Thiện - Trừng Ác
Hộ pháp là sự ủng hộ chính pháp của Phật và Bồ Tát. Phải có sự ủng hộ của các bậc có lực lượng lớn thì đạo mới không bị diệt. Lực lượng ấy, từ Phạm Thiên, Đế Thích, Bát bộ quỷ thần, đến các vua chúa… đều là người bảo hộ Phật Pháp và được gọi là Hộ Pháp. Các thần Hộ Pháp như Tứ Thiên Vương, Kiên Lao, Địa Kỳ… đều thề trước Phật quyết ra sức hộ trì Phật pháp.
Phổ biến nhất là hai dạng tượng Hộ Pháp: Bát bộ Kim Cươnggồm: Thanh Trừ Tai Kim Cương; Tích Độc Thần Kim Cương, Hoàng Tùy Cầu Kim Cương; Bạch Tịnh Thủy Kim Cương, Xích Thanh Hỏa Kim Cương, Định Trừ Tai Kim Cương, Tử Hiền Thần Kim Cương, Đại Thần Lực Kim Cương. Cả tám vị đều được tạo hình là võ tướng, đứng trên mây, kích thước tương đương nhau, với chức năng hộ Pháp, các vị Kim Cương đều mang theo vũ khí, song từ màu da và khuôn mặt, sự phối kết cơ bắp toàn thân đã biểu hiện rõ hai tính chất đến trái ngược nhau là trừng ác và khuyến thiện; Hộ Pháp Khuyến Thiện và Hộ Pháp Trừng Áclà hai pho tượng rất lớn. Hộ Pháp Trừng ác mặt đỏ, tay lăm lăm vũ khí, còn Hộ Pháp Khuyến Thiện mặt trắng, tay cầm viên ngọc. Tượng Khuyến Thiện ở bên trái, Trừng Ác ở bên phải với nguyên tắc “Tả trọng hữu khinh” tức bên trái trọng hơn bên phải.
Tượng Đức Ông
Trưởng giả Cấp Cô Độc, một nhân vật thời Thích Ca tại thế, đã mua một khu vườn cây của Thái Tử Kỳ Đà xây tịnh xá cúng dường Đức Phật, đây là ngôi chùa đầu tiên trên thế giới, thỉnh Phật Thích Ca về thuyết pháp. Sau này ông được coi là người bảo vệ tài sản của nhà chùa. Vì vậy, người ta gọi là Đức Ông.
“Tượng có hình dáng quan văn, đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, râu dài và đen, mắt sắc, vẻ mặt nghiêm nghị, tay phải cầm bút, tay trái cầm sổ ghi chép các công việc ở chùa và các công đức thành tâm của tất cả ai đến lễ Phật”[6].
Vì vậy, khi vào chùa lễ Phật, đầu tiên là phải làm lễ trước ban thờ Đức Ông để kính cáo, sau đó mới ra chính giữa Phật điện để lễ Phật. Đức Ông có hai thị giả là Già Lam và Chân Tể đi kèm. Tượng hai vị này cũng được tạo hình là quan văn đứng hoặc ngồi hai bên Đức Ông. Một vị tay cầm bút, còn vị kia là một võ tướng tay cầm binh khí.
Thánh Tăng
Hay còn gọi là đức Thánh Hiền, tượng được tạo hình là một vị Tăng đầu đội mũ tỳ lư thất Phật, vành mũ là 7 cánh sen, mỗi cánh sen có hình một đức Phật, tay cầm chén, tay bắt ấn. Tượng chính là hình ảnh ngài A Nan Đà tôn giả vâng theo lời Phật làm nhiệm vụ truyền bá đạo Phật, phân phát cơm cháo… cho các chúng sinh bị đói khát. Thánh Tăng cũng có hai trợ thủ là Diệu Nhiên và Đại Sĩ, được đặt trong tư thế đứng hầu: một pho với khuôn mặt mầu xanh dữ tợn, còn một pho hình dáng nhân từ hiền hậu.
Tổ truyền đăng
Theo lịch sử Phật giáo thì sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, ngọn đèn Phật giáo ở Tây Thổ (Ấn Độ) được 28 vị Tổ kế tiếp nhau truyền thừa thắp sáng. Đến tổ thứ 28 của Phật giáo Tây thổ là Bồ Đề Đạt Ma đã truyền sang Trung Quốc và trở thành sơ tổ của dòng Đông Độ, phát triển đến Tổ thứ 6 là Huệ Năng đại sư thì chia ra các thiền phái. Như vậy tất cả có 33 vị Tổ chung được gọi là Tổ Kế Đăng (hay Tổ Truyền Đăng). Bộ tượng này đặt ở nhà hậu tổ. Các tượng này được chọn trong 28 vị tổ đầu tiên ghi trong sách Thiền Uyển kế đăng lục. Ý nghĩa của các tượng này là: các vị tổ có nhiều nguồn gốc, thành phần xuất thân khác nhau, nói lên tính hòa đồng không phân biệt đẳng cấp của nhà Phật. Đó là các vị Tôn Giả: Ma Ha Ca Diếp, A Nan Đà, Thương Na Hòa Tu, Ưu Ba Cúc Đa, Đề Đa Ca, Di Giá Ca, Bà Tu Mật, Phật Đà Nan Đề, Phục Đà Mật Đa Hiệp, Mã Minh, Ca Tỳ Ma La, Long Thụ, La Hầu La Đa, Tăng Già Nan Đề, Già Da Xá Đa, Cưu Ma La Đa, Xà Dạ Đa…
Bộ tượng Thập bát La Hán
Theo sách Pháp trụ ký thì Đức Phật chỉ định 16 vị La-hán sống mãi ở cõi đời này để tế độ chúng sinh. Đó là các vị Tôn Giả: Tân Độ La Bạt La Nọa Xà, Ca Nhạ Ca Phạt Ta, Ca Nhạ Ca Bạt Ly Noa Xà, Tô Tần Đà, Nhạ Cư La, Bạt Đà La, Ca Lý Ca, Phạt Xà La Phất Đà La, Thú Bác Ca, Ban Thác Ca, La Hỗ La, Nà Già Tê Na, Nhân Yết Đà, Phạt Na Bà Tư, A Thị Đa, Chú Đồ Bán Thác Ca. Về sau, có người thêm hai vị Tôn Giả nữa để thành 18, hoặc là Khánh Hữu và Tân Đầu Lư, hoặc là Ca Diếp và Quân Đồ Bát Thán. Bộ tượng này được đặt ở hai dãy trong chùa.
Bộ tượng 5 vị
Bộ tượng gồm 5 vị (Phật và 4 Bồ tát) được cho là cổ nhất của chùa, cách bày trí không giống như tại các chùa Kim Long (Xã Tân Bình, Vĩnh Cửu, Đồng Nai), Phổ Quang (Xã Bình Hòa,Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Bộ tượng này làm bằng gỗ đục chạm rất sắc xảo, sơn son thếp vàng được bố trí tại chính điện để tại cấp thứ nhất 2 tượng, cấp thứ hai 2 tượng và phía sau tượng Phật đản sinh 01 tượng, không như các chùa khác bộ tượng được đặt hàng ngang ở cấp dưới cùng của bệ thờ.
KẾT LUẬN
Có thể nói rằng, mỗi hoạt động của Tổ đình Bửu Phong đều hướng đến con người hay nói cách khác là hướng đến nhân sinh, mong muốn mang đến sự an lạc cho cả người sống và người đã qua đời. Thông qua các hoạt động lễ hội Phật giáo, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian trong nhân dân, thông qua đó sẽ quảng bá đến mọi người các giá trị nghệ thuật hệ thống tượng thờ trong chính điện, kiến trúc điêu khắc trên bao lam, hoành phi, liễn đối của chùa, để giới thiệu giáo lý nhà Phật, nhằm hướng con người đến cuộc sống chân, thiện, mỹ. Sự đóng góp này không chỉ riêng cho đồng bào Phật giáo, mà còn lan rộng ra các tầng lớp khác trong xã hội. Nhìn chung, Phật giáo nhập thế qua hệ thống các pho tượng thẩm mỹ làm cho người chiêm bái phát khởi tâm thiện lành, an ủi về tinh thần giúp con người vơi đi nỗi khổ, niềm đau, buồn bã, thất vọng để con người phấn chấn về mặt tinh thần, có niềm tin trong cuộc sống. Vì vậy, thời hiện đại qua các bộ tượng thờ trong chùa có vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật và tâm linh của mỗi con người chúng ta.
Tác giả: Thích Nữ Nhuận Anh Học viên Cao học, Học viện PGVN tại Tp.HCM ***[1] Lê Trí Dũng, Di tích chùa Bửu Phong, Nxb Công ty cổ phần in ấn và quảng cáo Tân Phát, tr. 74. [2] Lê Trí Dũng, Di tích chùa Bửu Phong, Nxb Công ty cổ phần in ấn và quảng cáo Tân Phát, tr. 75. [3] Lê Trí Dũng, Di tích chùa Bửu Phong, Nxb Công ty cổ phần in ấn và quảng cáo Tân Phát, tr.76. [4] https://linhx.wordpress.com/truy cập ngày 06/1/2022. [5] HT. Thích Trí Tịnh (2010), Kinh Địa tạng bồ tát bổn nguyện, Nxb Tôn giáo, tr. 153. [6] Lê Trí Dũng, Di tích chùa Bửu Phong, Nxb. Công ty cổ phần in ấn và quảng cáo Tân Phát, tr .78.
Bình luận (0)