TS Nguyễn Tiến Dũng Ths Đỗ Thị Tâm Ths Hoàng Thị Hải Yến Học viện Cảnh sát Nhân dân
TÓM TẮT Bài báo phân tích về vai trò của đạo đức Phật giáo giúp con người thay đổi cách nhìn, suy nghĩ, cách hành động theo con đường chính đạo. Bên cạnh đó, cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa đạo đức truyền thống người Việt với đạo đức Phật giáo. Từ đó có thể giúp con người sức mạnh tinh thần, phát huy nội lực, hạnh phúc trong cuộc sống.
Từ khóa: Phật giáo, đạo đức, giáo dục, bối cảnh mới.
Nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Phật giáo
Đạo đức là những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác và với cộng đồng (gia đình, làng xóm, giai cấp, dân tộc hoặc toàn xã hội). Căn cứ vào những chuẩn mực ấy, người ta đánh giá hành vi của mỗi người theo các quan niệm về thiện và ác, về cái không được làm (vô đạo đức) và về nghĩa vụ phải làm. Khác với pháp luật, các chuẩn mực đạo đức không ghi thành văn bản pháp quy có tính cưỡng chế, song đều được mọi người thực hiện do sự thôi thúc của lương tâm cá nhân và của dư luận xã hội.
Đạo đức Phật giáo được giải thích dựa theo các quan điểm như sau: Theo Phật Quang đại từ điển quyển 2 thì “Đạo đức là nguyên lý thiện ác, chính tà có liên quan đến hành vi của nhân loại”. Và theo Từ điển Phật học thì “Đạo là chính pháp, đức là đắc đạo, là không làm sai lệch nền chính pháp”. Nếu chính pháp của Phật giáo là chính pháp về giải thoát thì mọi giá trị đạo đức Phật giáo gắn liền với quá trình giải thoát.
- Nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Phật giáo được thể hiện chủ yếu ở quan điểm về: Đức từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha; tu tâm; hành thiện, giải thoát và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Đó là những nội dung chung nhất và có giá trị phổ quát nhất.
+ Từ bi - giá trị nền tảng của đạo đức Phật giáo: Lòng từ bi, bác ái là điểm nổi bật của giáo lý Phật giáo khuyên con người sống có đạo đức, có tình thương yêu, không phân biệt đối với mọi người và mọi loài. Từ bi là đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, mọi loài, và cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh, quên những lợi ích của bản thân. Từ bi có ba ý nghĩa: Một là, Phật giáo đem tình yêu thương, bình đẳng đến với mọi người; Hai là, Phật giáo đề cao con người và giải thoát con người khỏi khổ đau; Ba là, Phật giáo đào tạo con người “Từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha”.
+ Tu tâm - giá trị định hướng của đạo đức Phật giáo: Phật giáo quan niệm, mọi sự mọi việc đều do tâm tạo ra tất cả. Tu tâm là hành Bát chính đạo để thành tựu giới, định, tuệ. Bát chính đạo gồm: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định. Bên cạnh đó tu tâm còn là thực hành: ngũ giới, lục độ.
+ Hành thiện - giá trị chủ đạo của đạo đức Phật giáo: Đạo Phật khuyên con người làm lành lánh dữ. Hễ việc nào mang tính thiện thì dốc sức thực hành, cốt yếu là giữ tâm ý trong sạch để không bị những phiền não quấy nhiễu. Trong Kinh Pháp Cú 183 Đức Phật có nói: “Không làm mọi điều ác, Thành tựu các hạnh lành, Tâm ý giữ trong sạch, Chính lời chư Phật dạy” (Thích Minh Châu, 2016, tr.85). Theo Đạo Phật, đạo đức thể hiện rõ nhất trong việc giữ giới. Đối với giới luật của Phật giáo nói chung thì Ngũ giới là một trong những điều đạo đức cốt lõi, thiết thực cho tất thảy mọi người.
Bên cạnh đó, trong đạo đức Phật giáo không chỉ chú trọng đến việc hoàn thiện đạo đức cá nhân mà còn quan tâm đến vấn đề xây dựng mối quan hệ gia đình và xã hội dựa trên Sáu pháp lục hòa kính: Có năm mối quan hệ cơ bản trong gia đình và xã hội mà trong Kinh Thiện Sinh (Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt), đức Phật đề cập đến:
Một là, quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Có thể nói mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ huyết thống và thiêng liêng nhất của con người, đặc biệt là đối với người Việt Nam. Đức Phật cũng rất xem trọng mối quan hệ này. Ngài dạy cha mẹ có năm trách nhiệm đối với con cái và con cái có năm bổn phận đối với cha mẹ. Đức Phật dạy: “Này gia chủ tử có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ như phương Đông: “Tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ; tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống; tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ theo phong tục tập quán khi cha mẹ qua đời”. Này gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Đông theo năm cách như vậy; cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy cho con có nghề nghiệp, cưới vợ, gả chồng xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con. Này gia chủ tử như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Đông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách”.
Hai là, quan hệ giữa thầy và trò: Trong Nho giáo ta thường nghe “Quân - Sư - Phụ” cho thấy người xưa đã đặt vị trí ông thầy rất cao trong xã hội phong kiến. Ngày nay thầy, cô giáo vẫn được xem là nghề cao quý và được xã hội rất tôn trọng. Sự thành bại trong sự nghiệp của một cá nhân, một phần lớn là do người thầy dạy dỗ. Riêng đối với đạo Phật, người thầy có vai trò, trách nhiệm và bổn phận nhiều hơn nữa. “Các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt”.
Đức Phật không chỉ nói đến vị trí cùa người kỹ sư tâm hồn là thầy cô giáo mà còn nói đến bổn phận người học trò đối với thầy. Theo đức Phật người học trò cần có năm điều phải làm và khi thực hiện đầy đủ năm điều đó là người học trò làm tròn bổn phận với thầy, với ân sư: “Này gia chủ tử, có năm cách đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp”.
Ba là, quan hệ giữa chồng và vợ: trên tinh thần nam nữ bình đẳng, đạo Phật đã phá vỡ quan niệm phong kiến lỗi thời “chồng chúa vợ tôi”. Đồng thời xây dựng một giá trị xã hội tiến bộ hơn trong hạnh phúc hôn nhân. Đức Phật dạy vợ chồng không những phải thương yêu chung thủy lẫn nhau mà còn phải biết tôn trọng giữ gìn lễ lẫn nhau nữa. “Này gia chủ tử, có năm cách người chồng phải đối xử với vợ như phương Tây: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ”.
Bên cạnh trách nhiệm của chồng đối với vợ, đức Phật còn dạy trách nhiệm của người vợ đối với chồng như sau: “Này gia chủ tử, được chồng đối xử như phương Tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo giữ gìn tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc”.
Bốn là, quan hệ bạn bè với nhau: Trong kinh đức Phật đã từng nói đến bốn người bạn chân thành: “Này gia chủ tử, bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật: Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật; người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật; người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật; người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật”. Đức Phật đề cập đến năm nguyên tắc đối xử với bạn bè như sau: “Này gia chủ tử có năm cách vị thiện nam tử đối xử với bạn bè như phương Bắc: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: Che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng; bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử”.
Năm là, quan hệ giữa chủ và người giúp việc: Trong xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ đã từng tồn tại một chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt: Bà la môn, Vua quan, Bình dân, Tiện dân. Giai cấp tiện dân như là công cụ lao động biết nói, suốt đời phải hầu hạ và phục vụ cấp trên, họ đảm nhận tất cả các công việc nặng nhất của xã hội. Sự xuất hiện của đức Phật là tiếng nói đầu tiên về tinh thần từ bi bình đẳng, xóa đi chế độ phân biệt đẳng cấp, góp phần làm mọi người đến gần với nhau hơn, lấy tình người mà đối đãi với nhau. Ngài nói “Tất cả con người đều có dòng máu cùng đỏ và giọt nước mắt cùng mặn như nhau”. Đức Phật đã dạy cách sống có tình người như sau: “Này gia chủ tử, có năm cách một vị Thánh chủ nhân đối xử với hạng nô bộc như phương Dưới: giao việc đúng theo sức của họ; lo cho họ ăn uống và tiền lương; điều trị cho họ khi bệnh hoạn; chia sẻ các mỹ vị đặc biệt cho họ; thỉnh thoảng cho họ nghỉ phép”. Ngoài trách nhiệm của người chủ nhà đối với người giúp việc, đức Phật còn có nói đến bổn phận của người giúp việc đối với gia chủ như sau: “Này gia chủ tử, các hàng nô bộc được thánh chủ nhân đối xử như phương Dưới với năm cách như kia, có lòng thương đối với vị chủ nhân theo năm cách như sau: Dậy trước khi chủ dậy; đi ngủ sau chủ; tự bằng lòng với các vật đã cho; khéo làm các công việc; đem danh tiếng tốt đẹp cho chủ” .
Như vậy, trên cơ sở khái quát triết lý cơ bản về nhân sinh quan, thế giới quan và nội dung chính của tư tưởng đạo đức Phật giáo, ta thấy các giá trị chung nhất về từ bi, tu tâm, hành thiện và xây dựng các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức con người Việt Nam hiện nay.
Mối quan hệ giữa đạo đức truyền thống với đạo đức Phật giáo
Giá trị đạo đức truyền thống dân tộc Việt Nam là sản phẩm của lịch sử, có từ buổi đầu dựng nước và giữ nước. Chính đặc điểm điều kiện tự nhiên hình thành và phát triển của xã hội Việt Nam đã làm cho các giá trị truyền thống được vun đắp trong suốt tiến trình lịch sử. Những giá trị này được mọi người thừa nhận và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và trở thành sức mạnh, bản sắc của con người Việt Nam. Nghiên cứu về các giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam đã có rất nhiều học giả với quan niệm khác nhau. Điển hình như: Giáo sư Trần Văn Giàu cho rằng: “Các giá trị truyền thống của dân tộc ta có bảy phạm trù: yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Trong đó ông cho rằng yêu nước là giá trị truyền thống cơ bản nhất của dân tộc, vì yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam” .
Mặt khác, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2014 đã khẳng định các tiêu chí đạo đức, lối sống, nhân cách và giá trị con người Việt Nam khi đề cập đến bản sắc của dân tộc Việt Nam, tạo nên hệ thống các giá trị truyền thống cơ bản: “Bản sắc dân tộc Việt Nam bao gồm những giá trị truyền thống bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn và ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã, lòng nhân ái – khoan dung, đức cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…”. Như vậy, có thể khái quát các giá trị đạo đức truyền thống cơ bản của người Việt Nam là: truyền thống yêu nước; truyền thống đoàn kết; truyền thống cần cù, sáng tạo, tiết kiệm trong lao động; truyền thống tự chủ, tự lực, tự cường; truyền thống nhân ái, khoan dung; truyền thống lạc quan.
- Những điểm tương đồng giữa đạo đức Phật giáo và đạo đức truyền thống Việt Nam.
Có thể khái quát những nét cơ bản về giá trị đạo đức của Phật giáo phù hợp với đạo đức truyền thống của người Việt Nam ở một số điểm như sau:
+ Tính nhân văn, nhân bản, lấy con người làm trung tâm. Đạo Phật luôn đề cao vị trí và vai trò của con người. Đức Phật nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Các tư tưởng đạo đức Phật giáo không chỉ ảnh hưởng tích cực đối với nền đạo đức truyền thống của dân tộc mà nó còn có những bộ phận phù hợp với nền đạo đức xã hội chủ nghĩa hiện nay. Chẳng hạn như tính hướng thiện của Phật giáo là một trong những nguồn gốc của chủ nghĩa nhân đạo, tư tưởng bình đẳng, hòa bình của Phật giáo phù hợp với xu hướng hòa đồng liên kết giữa các dân tộc trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, lòng từ bi, bác ái góp phần cứu giúp người hoạn nạn, giữ vững tinh thần lá lành đùm lá rách của dân tộc, triết lý vô thường, vô ngã giúp con người giảm bớt cái tôi vị kỷ, phát triển tâm vị tha yêu thương con người. Đạo đức Phật giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Điều này cũng rất phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc.
+ Tôn trọng lợi ích và nhân phẩm của người khác. Tinh thần này được thể hiện qua “ngũ giới”: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu nhằm thiết lập trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, xã hội và quốc gia.
Xã hội ta hiện nay luôn coi trọng sự sống, môi trường sống, xã hội không còn trộm cắp, hạnh phúc gia đình, chung thủy với nhau, không lừa dối để tạo niềm tin cho nhau, không rơi vào nghiện ngập, hút chích các loại ma túy … Ngũ giới của nhà Phật rất phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới, giúp cho xã hội ổn định, giảm bớt các tệ nạn xã hội, các giá trị đạo đức truyền thống được phát huy.
+ Hướng đến một nền hòa bình cho quốc gia và thế giới. Đạo đức Phật giáo với tư tưởng từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha, luôn đề cao và tôn trọng sự sống của mọi người mọi loài. Vì vậy đạo Phật luôn hướng đến sự an lành và hòa bình cho quốc gia và thế giới, phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược, phản đối việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, kêu gọi phóng sanh, bảo vệ môi trường sống. Điều này có điểm tương đồng và phù hợp với truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc.
- Mối quan hệ giữa đạo đức truyền thống với đạo đức Phật giáo thể hiện từ sự hòa hợp của đạo đức Phật giáo với đạo đức truyền thống Việt Nam như sau:
Đó là sự hiện diện của đạo đức phật giáo gắn với truyền thống người Việt: Từ khi du nhập vào Việt Nam, đạo Phật đã được con người Việt Nam kết nối hòa quyện với các tín ngưỡng truyền thống của mình như thờ Tứ Phủ: mây, mưa, sấm, chớp, Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh hiện nay). Điều này thể hiện sự dung hợp cao giữa Phật giáo với các tín ngưỡng bản địa trước đó của con người Việt Nam. Vì vậy Ca dao Việt Nam có câu:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Đó là sự gắn kết với tín ngưỡng tôn giáo người Việt: hình ảnh ngôi chùa đã trở nên thân thuộc với dân tộc ta. Trong chiến tranh, ngôi chùa là nơi bảo bọc và che chở cho các chiến sĩ bộ đội cụ Hồ. Trong thời bình thì ngôi chùa cũng là nơi truyền bá chân lý đạo đức Phật giáo, là điểm tựa tinh thần đáng tin cậy cho người Việt Nam ta. Đời sống tinh thần, phong tục tập quán của người Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng đức Phật. Chẳng hạn như: Hiền như Bụt, từ bi như Bồ Tát, ác giả ác báo, thiện giả thiện báo, hay ca dao có câu: Ai ơi ăn ở hiền lành; kiếp này không hưởng để dành kiếp sau...
Đó là sự gắn kết với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tư tưởng đạo đức Phật giáo. Tư tưởng này đã ăn sâu vào máu thịt của người Việt Nam, làm cho các giá trị đạo đức của người Việt thêm bản sắc riêng và hoàn thiện hơn. Chính đạo đức Phật giáo giúp họ có thêm nghị lực trong việc định hướng lý tưởng sống, sống vị tha và biết yêu thương lẫn nhau, xem việc phụng sự và giúp đỡ mọi người là niềm vui của chính mình.
Đó là phương trâm giáo dục nhân cách sống cộng đồng của người Việt: Xuất phát từ tư tưởng đạo đức Phật giáo “ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”… đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người Việt Nam. Đó cũng là bài học về đạo lý nhân quả mà các bậc làm cha mẹ giáo dục con cái. Người Việt Nam có khi không nghĩ đó là giáo lý đơn thuần của nhà Phật, mà nó còn là nhân sinh quan của đại đa số con người Việt, nhằm giáo dục tinh thần hướng thiện. Các quan niệm nhân quả, luân hồi, nghiệp báo của nhà Phật có nét tương đồng trong quan niệm về linh hồn của người Việt. Người Việt quan niệm về linh hồn rằng: sống vị tha, thương người, làm thiện, lánh ác thì chắc chắn sau khi chết linh hồn sẽ được tái sinh về cõi lành, và ngược lại thì đọa vào cõi ác.
Như vậy, đạo làm người của người Việt và đạo đức Phật giáo đã hòa quyện, bám rễ vào nhau. Những quan điểm về đạo đức của Phật giáo góp phần làm phong phú thêm cho nền đạo lý truyền thống dân tộc. Với giáo lý đạo đức, mang đậm chất nhân văn, Phật giáo đã để lại ảnh hưởng sâu sắc đến đạo đức, tâm lý, lối sống của người Việt Nam.
Phát huy giá trị tích cực của đạo đức Phật giáo đến giáo dục nhân cách con người Việt Nam
Trong nền công nghiệp 4.0, với những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại đang xu hướng du nhập vào Việt Nam, thì đạo đức và lối sống con người Việt Nam cũng ít nhiều thay đổi do tác động của thực tiễn cuộc sống. Làm sao để sự thay đổi đó vẫn duy trì và bảo tồn các giá trị đạo đức truyền thống cũng như không tách rời các giá trị đạo đức tôn giáo mà đặc biệt là đạo đức Phật giáo. Để làm được điều đó, tác giả xin đưa ra một số khuyến nghị mang tính định hướng như sau:
Thứ nhất, nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục làm đổi mới nhận thức về vai trò của đạo đức Phật giáo đối với việc hoàn thiện đạo đức con người Việt Nam hiện nay;
Phật giáo giúp con người tin vào nghiệp báo luân hồi để từ đó tự giác hướng thiện. Những tư tưởng Phật giáo đều có giá trị giáo dục đạo đức rất lớn. Đây làđiều mà bất kì xã hội nào cũng hướng tới. Tình thương và lòng nhân ái sẽ giúp ta từ bỏ dần sự vị kỷ, thói tham lam, sân si, đó chính là cội rễ nảy sinh mọi xung đột, bất hòa, khổ đau trên thế giới. Ngày nay, Phật giáo đã và đang hướng con người biết sống tự lập, làm chủ cuộc sống của mình, điều vô cùng cần thiết trong xã hội. Không chỉ có vậy, đạo Phật còn đề cao trí tuệ và khuyến khích ý chí phấn đấu vươn lên của mỗi con người. Những giá trị đạo đức phát khởi từ tinh thần đại bi đó đã tác dụng tích cực và làm đẹp đẽ hơn đời sống đạo đức, đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam.
Thứ hai, xây dựng các mô hình đẹp nhằm phát huy tinh hoa các giá trị đạo đức Phật giáo trong việc xây dựng lòng nhân ái, bao dung và hướng thiện;
Phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của phật giáo, chúng ta hãy làm, hãy trân trọng và phát huy trong nhân dân để những tấm gương sáng, những bông hoa đẹp trong các phong trào thi đua yêu nước, sống tốt đời, đẹp đạo như: Phong trào thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phong trào “xanh sạch đẹp”, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa; tấm gương những người lính, những chiến sĩ công an nhân dân quên mình cứu dân trong mưa lũ, trong trận chiến chống buôn bán và tàng trữ ma túy,... tấm gương những thanh niên tình nguyện, những thiếu niên quên mình cứu bạn, những tấm gương học giỏi, “'nghèo vượt khó”,… ngày càng nở rộ và lan tỏa trong thực tiễn.
Thứ ba, quan tâm phát huy, lan tỏa giá trị tích cực của đạo đức Phật giáo: Trong Thư gửi Đại hội lần thứ III Hội Phật giáo Thống nhất Việt nam ngày 28/9/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi mong rằng đồng bào Phật giáo hãy thực hiện lời Phật dạy “lợi lạc quần sinh, vô ngã, vị tha, là tất cả vì lợi ích mọi người, không cá nhân chủ nghĩa” Trong phạm vi từng quốc gia, khát vọng sống yên bình trên một đất nước thanh bình chỉ được hiện thực hóa khi đời sống được xây dựng trên nền tảng đạo đức, để mỗi thành viên trở thành nhân tố tích cực cho xã hội. nói một cách khác, văn hóa đạo đức Phật giáo có khả năng điều chỉnh hành vi đạo đức của con người, cũng tức là đóng góp vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho sự phát triển đất nước, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước không ngừng phát triển và hội nhập quốc tế. Đạo đức Phật giáo chính là nếp sống hoàn thiện, là con đường chân chính đi đến an lạc và hạnh phúc.
TS Nguyễn Tiến Dũng Ths Đỗ thị Tâm Ths Hoàng Thị Hải Yến Học viện Cảnh sát Nhân dân ***Tài liệu tham khảo 1. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ 2. Đào Tấn Thành “Đạo đức phật giáo và sự ảnh hưởng của nó đến đạo đức con người việt nam hiện nay” luận án tiến sĩ 3. Đặng Thị Lan, Đạo đức Phật giáo với đạo đức con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội. 4. Nguyễn Tài Thư, Ảnh hưởng của các hệ tư tưởng và tôn giáo đối với con người Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 5. Trần Quốc Vượng, Phật giáo và văn học Việt Nam, Phật giáo và văn hóa dân tộc, Thư viện Phật giáo.
Bình luận (0)