Tác giả: Thích nữ Nhật Diệu Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.Hồ Chí Minh

DẪN NHẬP

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, sự xuất hiện của Phật giáo là ánh sáng đối với thế giới tối tăm mà chúng sinh đang trôi lăn trong đó. Cũng như các tôn giáo khác, đức Phật được xem là vị Giáo chủ của đạo Phật.

Ngài không nhận mình là đấng sáng tạo, đấng cứu thế, người đem đến phước lành hay người giáng tai họa... Ngài cũng không xem mình là người lãnh đạo tăng đoàn. Đức Phật chỉ nhận ngài là “đạo sư” hoặc “người dẫn đường”. Nhưng đức Thế Tôn được người đời xưng tán nhà lãnh đạo tài ba nhất mọi thời đại, là một người mẫu mực mà người đời tôn trọng và noi theo, Thế Tôn đã từng thanh lọc bản thân trải qua rất nhiều kiếp thực hành các hạnh Ba-la-mật. Đức Phật có phải người lãnh đạo chúng tăng hay không? Vai trò của một nhà đạo sư được thể hiện như thế nào? Chúng ta có thể học tập những gì từ đức Phật với tư cách là một bậc đạo sư tài ba để có thể vận dụng vào đời sống thiền môn, xã hội?

1. Đức Phật không phải người lãnh đạo tăng chúng

Sau khi thành đạo, đức Thế Tôn đã đem giáo pháp mà Ngài đã chứng ngộ vào cuộc đời để giáo hóa chúng sinh. Ngài được tôn xưng là bậc thầy, bậc đạo sư của trời người, độ rất nhiều đệ tử và thành lập tăng đoàn. Ngài dạy các Tỳ kheo rằng: “Này các tỳ kheo, hãy ra đi vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì an lạc hạnh phúc của chư thiên và loài người”[1]. Cho thấy sự thương tưởng của đức Phật đối với chúng sinh là điều trên hết, Ngài làm tất cả vì an lạc và hạnh phúc của chúng sinh. Đứng trên cương vị là người đứng đầu tăng đoàn, việc làm này của Ngài đã chứng minh điểm khác biệt giữa Ngài và những tôn giáo thời bấy giờ ở Ấn Độ. Đó là đức Phật đặt tinh thần giải thoát, giác ngộ của chúng sinh lên hàng đầu thay vì đặt lợi ích cá nhân của mình lên trước.

Không có vị giáo chủ nào có thể làm được như đức Phật, trái lại có rất nhiều người muốn đứng đầu tất cả, lãnh đạo đồ chúng theo ý của mình. Như Đề-bà-đạt-đa, có mưu đồ muốn lãnh đạo tăng chúng, nhưng đức Phật không chấp nhận. Đức Phật không nghĩ rằng: “Ta lãnh đạo chúng tỳ kheo, hay chúng Tỳ-kheo được Ta chỉ giáo”[2]. Phật pháp không thuộc riêng một chủng tộc hoặc một quốc gia nào, mà là của toàn nhân loại trên thế giới, không nên để một chủng tộc làm chủ lãnh đạo. Đức Thế Tôn không tự cho mình là người lãnh đạo thống nhiếp đại chúng, và cũng không nghĩ sẽ giao cho các đệ tử lớn làm như vậy[3].

Trong khoảng thời gian 45 năm thuyết pháp độ sinh, Như Lai không xem mình là người đứng đầu lãnh đạo tăng đoàn, Ngài chỉ là người dẫn đường cho chúng sinh. Tất cả những gì liên hệ đến giải thoát khổ đau, đạt đến Niết-bàn, Ngài đều diễn bày ra chỉ dạy cho chúng sinh. Ngài chỉ muốn khẳng định rằng chúng sinh hãy nương vào Pháp để tu tập để thành tựu. Đây chính là ý nghĩa trong “Kinh Tương Ưng” đề cập: “Này Ananda, chúng Tỳ kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi Ta. Này Ananda, Ta giảng pháp không có phân biệt trong ngoài. Vì, này Ananda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Ðạo Sư còn nắm tay. Này Ananda, những ai nghĩ rằng Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo, hay: Chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta, thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo. Này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỳ kheo", hay "Chúng Tỳ kheo chịu sự giáo huấn của Ta", thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo?”[4]. Đức Phật đã giảng pháp không có mặt của sự phân biệt, tất cả các pháp Như Lai đã giảng dạy không còn cất giấu như bàn tay không còn giấu diếm. Đức Phật không cầm đầu chúng tỷ kheo, Ngài cũng không có lời di giáo cho chúng Tỳ kheo.

Đức Phật đã từ bỏ một cuộc sống giàu sang và vương quyền, quyết tìm được sự thật của cuộc đời. Ngài ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ đề và thề rằng: “Nếu Ta không thành đạo thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Sau 49 ngày đêm, Ngài đã đạt được đạo vô thượng thành bậc chính đẳng chính giác. Như vậy, khẳng định rằng đức Phật không còn ham muốn quyền lực của thế tục và Ngài cũng không đồng tình cho ai đưa quyền lực ấy vào đời sống tăng chúng của mình. Đức Phật muôn đời chỉ là vị thầy, người dẫn đường cho chúng sinh đi ra khỏi đạo lộ khổ đau mà thôi. Đây là một đức hạnh tốt đẹp của đức Phật, một vị giáo chủ nhưng đề cao tinh thần bình đẳng lên hàng đầu, đặt tinh thần giải thoát lên trên tất cả.

2. Đức Phật là bậc đạo sư

Nhắc đến đức Phật, các học giả, nhà nghiên cứu thường đề cập đến Ngài như một đấng giáo chủ đứng đầu một tôn giáo, như một nhà đại tư tưởng, một nhà cách mạng xã hội, v.v... Nhưng có rất hiếm những luận văn, công trình nghiên cứu tìm hiểu đức Thế Tôn như một vị đạo sư, nhà giáo dục tư tưởng, và giáo lý của Ngài như là một hệ thống tư tưởng giáo dục toàn diện và tiên tiến.

Trong kinh tạng Phật giáo, đã có rất nhiều lần đức Phật nói mình là vị “Đạo sư”. Trong Tạp A-Hàm, đức Phật trình bày vai trò đạo sư của mình chỉ như người dẫn đường. Trong kinh, đức Phật nói với Đê-xá ví dụ về hai người bạn cùng đi chung trên một con đường, chỉ một trong hai người đó biết đường đi thế nào còn người kia thì không. Người rành đường kia đã chỉ lối đi tường tận cho người không biết đường về tới nơi mình muốn đến.

Ví dụ này, Như Lai ví cho người biết đường chính là ngài, Như Lai Vô thượng Chính đẳng Chính giác, còn chúng sinh si mê là người không rành đường kia: “...người không biết đường là ví cho kẻ phàm phu ngu si, còn người biết đường là ví cho Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Chính Giác.”[5]. Con đường đi đến Niết-bàn đức Phật biết rất rõ, những gì ngăn cản đến quá trình thành đạo Ngài cũng biết tường tận và tất cả điều đó Ngài đều chỉ dạy lại cho chúng ta.

Giáo lý mà đức Như Lai đã chứng ngộ, dù Ngài có hay không còn ở trên đời thì chỉ cần tu hành theo giáo pháp đó sẽ được xứng danh là bậc đệ tử chân thật và đạt giác ngộ như Phật: “Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học”[6]. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể đi đến đúng đường, cùng là một đích đến, cùng một người hướng dẫn, nhưng có thể đến đích hay không còn phụ thuộc vào năng lực của mỗi người. Ngoài các bản kinh trong A-hàm trình bày hình ảnh “đạo sư” của đức Phật, thì kinh “Ganaka Monggallana” thuộc “Kinh Trung Bộ” cũng có xác định vấn đề này: “...trong khi có mặt Niết bàn, trong khi có mặt con đường đi đến Niết bàn. Và trong khi có mặt Ta là người chỉ đường, nhưng các đệ tử của Ta, được Ta khuyến giáo như vậy, giảng dạy như vậy, một số chứng được cứu cánh đích Niết bàn, một số không chứng được. Ở đây này Bà-la-môn, Ta làm gì được? Như Lai chỉ là người chỉ đường”[7].

Niết-bàn và con đường đi đến Niết-bàn là có thật, con đường đó có Như Lai là người chỉ đường nhưng có các đệ tử thì chứng được cứu cánh còn một số đệ tử lại không chứng được. Những gì Phật cần làm, ngài đã làm vì các đệ tử của mình. Ngài đã làm tròn vai trò một vị “đạo sư” với lòng thương xót đến chúng sinh. Và bây giờ chỉ còn phụ thuộc vào tự thân mỗi chúng sinh làm những việc cần phải làm. Đây chính là ý nghĩa trong Tạp A-hàm, Kinh Đê-xá, đức Phật đề cập như sau: “Phật là vị Đạo Sư, vì các hàng Thanh văn mà những gì cần làm đã làm xong. Như nay, vì lòng thương xót nên đưa đến sự lợi ích, an vui; phận sự Ta đã làm xong. Hôm nay ngươi hãy làm những việc phải làm. Hãy đến dưới bóng cây, hoặc chỗ đất trống, hoặc trong hang núi, trải cỏ làm chỗ ngồi, khéo tư duy chính niệm, tu tập không buông lung, chớ để tâm hối hận về sau này. Nay Ta dạy ngươi như vậy”[8]. Đức Phật đã vì chúng đệ tử, mà làm tất cả những gì một vị thầy có thể làm cho học trò của mình. Việc còn lại của một vị đệ tử là thực hành tinh tấn những gì được bậc đạo sư truyền đạt để không phí công của người thầy, không để hối hận về sau.

Qua những gì đã trình bày cho thấy, đức Phật là vị đạo sư, trách nhiệm của một vị đạo sư Ngài đã làm tròn, ngay cả khi Ngài sắp nhập diệt cũng không quên khuyên dạy đệ tử mình tự nỗ lực đi đến con đường chấm dứt khổ đau, vấn đề này xin trình bày ở mục kế tiếp. Còn bổn phận của hàng đệ tử chúng ta là phải nỗ lực tinh tấn, tu tập thiền định, thực tập chính niệm, hộ trì các căn, thúc đẩy trí tuệ, đi theo hành trình mà Ngài đã hướng dẫn. Phải tự chính mình đi đến con đường giải thoát Niết-bàn, điều này không ai có thể thay thế được, không vị đạo sư nào có thể làm thay được.

3. Di huấn của đức Thế Tôn

Trước khi trình bày nội dung di huấn của đức Phật cho chúng đệ tử trước khi Ngài nhập Niết-bàn, người viết xin giới thiệu hình ảnh đức Phật vốn là một con người, để chứng minh thân thể Ngài cũng chịu sự chi phối của định luật vô thường như chúng sinh.

Trong “Trung A-hàm” đề cập: “Giống như hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng sinh từ trong nước, lớn lên trong nước, vượt lên khỏi mặt nước, không bị dính nước. Cũng như thế, Như Lai sinh từ trong thế gian, lớn lên trong thế gian, tu hành vượt trên thế gian, không đắm trước pháp thế gian. Vì sao? Vì Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chính Giác, vượt khỏi tất cả thế gian”[9]. Đức Phật cũng xác thực điều này lần nữa trong “Kinh Tăng Nhất A-hàm” rằng: “Thân ta được sinh ra từ nhân gian, trưởng thành từ nhân gian, cũng từ nhân gian mà thành Phật”[10]. Qua nội dung hai đoạn trích trên, ta có thể khẳng định rằng, đức Phật sinh ra trong thế gian, là một con người như bao chúng sinh, một người có thật trong lịch sử và từ con người giác ngộ thành Phật. Thân thể ngũ uẩn của Ngài cũng sẽ bị sự chi phối của vô thường. Vì thế Ngài cũng tự nhận thân thể Ngài đã già nua, đã 80 tuổi, tới lúc yếu ớt: “Ta nay đã già rồi, tuổi đã đến tám mươi rồi. Cũng như cỗ xe cũ kỹ, nhờ phương tiện tu sửa mà có thể đi đến nơi. Thân ta cũng vậy, nhờ sức phương tiện còn hơi duy trì được tuổi thọ, Tự lực tinh tấn mà nhẫn chịu sự đau nhức này...”[11]. Đức Phật đã làm tròn vai trò đạo sư của mình, đây cũng là thời khắc đức Thế Tôn quyết định nhập Niết-bàn.

Vậy trước khi nhập diệt, đức Thế Tôn đã để lại lời di huấn gì cho chúng đệ tử? Trong “Kinh Du Hành” đức Phật dạy: “A-nan, hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác”[12]. Đức Phật muốn các đệ tử đừng nương tựa vào Như Lai, đừng đau khổ khi Như Lai không còn tại thế, mà phải biết tự nương tựa vào bản thân để đạt tới đạo vô thượng cứu cánh. Nương tựa vào chính pháp để thắp sáng nơi tự thân, vì đức Phật cũng tự thân giác ngộ nơi chính pháp này. Những lời dạy cuối cùng của đức Phật không nhằm mục đích đề cao vai trò đạo sư của mình, mà đứng trên cương vị người thầy với tình thương bao la đối với đệ tử. Một người đạo sư mong mỏi nhắc nhở đệ tử mình đạt tới giải thoát khổ đau.

Với đức Phật, vị trí của đạo sư được đặt sau vị trí của chính Pháp: “Nếu có vị Tỳ-kheo nào nói như vầy: ‘Này chư Hiền, tôi từng ở tại thôn kia, thành kia, nước kia, đích thân được nghe từ Phật, được lãnh thọ giáo pháp này.’ Nghe như vậy, các ngươi cũng không nên vội tin, cũng không nên bài bác. Hãy nương theo kinh mà xét chỗ hư thật. Nương theo luật, nương theo pháp mà xét rõ gốc ngọn. Nếu thấy lời nói ấy không phải kinh, không phải luật, không phải pháp, thì các ngươi hãy nói lại người kia rằng: ‘Phật không nói như thế, thầy đã ghi nhớ nhầm chăng? Bởi vì chúng tôi y kinh, y luật, y pháp, mà điều thầy vừa nói trái với pháp. Vậy này Hiền sĩ, thầy chớ có thọ trì và chớ đem nói cho người khác. Hãy từ bỏ điều đó đi.’ Trái lại, nếu xét thấy lời kia đúng kinh, đúng luật, đúng pháp thì hãy nói với người kia rằng: Điều thầy vừa nói, đúng là lời Phật nói. Vì chúng tôi nương kinh, nương luật, nương pháp. Mà điều thầy vừa nói phù hợp với pháp. Vậy, Hiền sĩ, hãy thọ trì và rộng nói cho người nghe, cẩn thận chớ có từ bỏ”.[13]

Qua nội dung đoạn kinh trên cho chúng ta thấy, con đường nương tựa vào chính pháp là con đường chân thật. Nếu những lời mà vị thầy dạy không phải luật, không phải kinh, không phải pháp thì không nên y theo, không nên tin tưởng hoàn toàn vào người thầy.

Trên con đường tiến tu học đạo nên “Y pháp bất y nhân”. Nội dung này Thượng toạ Thích Hạnh Bình cho rằng, “Y pháp bất y nhân” là “ngang qua sự hiểu biết của chính mình, tự mình quyết định nên làm gì và không nên làm gì, nên tu pháp nào và không nên tu pháp nào, không nên làm kẻ nô lệ về ý thức, giao sự hiểu biết cho người khác, người khác định đọat cuộc sống của mình, vì cuộc sống của mình mà không làm chủ lại để cho người khác làm chủ là nguy hiểm. Trong trường hợp, mình mới vào đạo, không rõ Phật pháp, cho nên phải nương tựa vào tăng, nương tựa vào thầy, trong thời gian nương tựa, nhiệm vụ chính là tìm hiểu Phật pháp, sau đó nương tựa vào pháp không nên nương tựa vào người”[14]. Tinh thần giáo dục của đạo Phật được thể hiện rất rõ ở quan điểm này, tu đạo nên biết tìm hiểu và lấy sự học hỏi giáo pháp làm chính, không phải vì bất cứ ai mà tin theo.

Đức Phật nhắc nhở chúng sinh hãy lấy ‘pháp’ làm thầy, lấy ‘giới’ làm nơi nương tựa, làm đạo sư chỉ đường, chính giáo pháp mới là đạo sư đích thực chứ không phải là ai khác hay là Phật. Sau khi đức Phật nhập diệt lấy “Kinh” “Giới” làm nơi nương tựa: “Này A-nan, ngươi chớ nghĩ sau khi Ta diệt độ, các ngươi mất chỗ nương tựa, không ai che chở. Chớ có quan niệm như vậy. Nên biết những kinh và giới mà Ta đã dạy từ khi thành đạo đến nay là chỗ nương tựa, che chở các ngươi đó!”[15]. Bậc lương y chữa bệnh cho bệnh nhân, đã tìm được bệnh và chỉ cho người bệnh phương cách để chữa lành. Đức Phật đã chỉ dạy cặn kẽ phải tự mình thắp sáng như thế nào, nương tựa như thế nào: “Này A-nan, Tỳ-kheo quán nội thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán ngoại thân; quán nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng vậy...Này A-nan, sau khi Ta diệt độ, nếu có ai có thể tu hành pháp này, người đó là đệ tử chân thật của Ta, là bậc nhất hữu học”[16]. Đúng vậy, giáo pháp của Như Lai là để thực hành, để tu tập chứ không phải để tin hay để thờ phụng. Chỉ có những ai có thể tin tưởng, tinh tấn tu hành theo giáo pháp đó mới gọi là người đệ tử chân chính của Như Lai.

Những lời dạy cuối cùng của đức Phật thể hiện được tình thương bao la của một vị thầy, vị đạo sư đối với tất cả chúng ta. Ngài là vị Bồ tát sinh ra cõi đời này vì đại nguyện cứu độ tất cả chúng sinh, khi ngài nhập diệt cũng vì chúng sinh mà giảng dạy giáo pháp. Di huấn còn là kim chỉ nam cho đàn hậu học không lầm đường lạc lối, trên con đường tu tập đạo giải thoát. Như vậy, đức Phật đã nâng cao giá trị của con người lên tầm cao mới. Và giá trị con người được thể hiện mạnh mẽ nhất khi đức Phật dạy chỉ có chính bản thân mới giáo dục và giải thoát cho mình. Đức Phật chỉ đóng vai trò một vị thầy, một người chỉ đường. “Phật là vị Đạo Sư”, “Các ngươi hãy cố gắng tự mình tinh tấn lên, Đức Như Lai chỉ là một người chỉ đường”, “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, là những lời dạy nói lên sự tin tưởng của đức Phật ở giá trị và khả năng của con người, và một nền giáo dục chân chính phải là một nền giáo dục nhắm đến sự hướng thượng của con người. Và đức Phật chính là nhà đại giáo dục trong nền giáo dục ấy.

KẾT LUẬN

Phật giáo xuất hiện trên thế gian với mục đích đi tìm sự thật của cuộc đời và trải qua bao ngàn năm, mục đích ấy vẫn không thay đổi. Nhưng những gì đức Thế Tôn nói cho đệ tử khi còn hiện tiền đã bị nhân hoá và cách tân theo từng thời đại. Chính về thế nên hàng hậu học về sau mới có cơ sở để hoài nghi giáo lý của Ngài?

Dù có hoài nghi về những giáo lý diễn ra sau khi Như Lai diệt độ, nhưng chúng ta đều chắc chắn được một điều: với tư cách là một người đứng đầu Tăng chúng, nhưng bằng cách sống đơn giản, chính sự khiêm tốn của đức Phật, đã phản ánh về những lời dạy của Ngài “Như Lai là người nói sao làm vậy, làm sao nói vậy nên gọi là Như Lai”. Trong suốt 45 năm, Ngài cống hiến thời gian và công sức của mình vì lợi ích của mọi người, nhiều đệ tử của Phật đã đạt được sự giác ngộ giải thoát nhờ tu tập theo những chỉ dạy của Thế Tôn.

Hơn 2.500 năm sau, giáo lý và cuộc đời đức Phật vẫn tạo được nguồn cảm hứng cho những hành giả trên khắp thế giới nương theo con đường mà Ngài đã chỉ dạy. Cuộc đời của Ngài là tấm gương sáng cho các thế hệ mang trong mình trách nhiệm truyền trao kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi và noi theo. Những vấn đề được nêu ra trên đây đã chứng minh vai trò quan trọng của đức Phật dưới hình ảnh bậc đạo sư tài ba để Ngài giúp đỡ những chúng sinh trong cõi ta bà, làm sống dậy những gì tốt đẹp nhất trong bản thân, để phát triển toàn diện những tiềm năng của mình và đạt đến Niết-bàn tối thượng.

Tác giả: Thích nữ Nhật Diệu Học viên Cao học khóa V, Học viện PGVN tại Tp.Hồ Chí Minh ***

Chú thích: [1] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng” tập 1, Viện NCPHVN ấn hành, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 178. [2] Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trường A – Hàm, tập 1, Kinh Du Hành”, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 84. [3] Đại Sư Ấn Thuận - Biên dịch Thích Quảng Đại, “Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ”, Nxb Dân Trí, 2020, tr. 37-38. [4] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng 5”, Viện NCPHVN ấn hành, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, tr. 239. [5] Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu đính và chú thích), “Tạp A Hàm, Kinh 271. Đê-xá”, tr. 1125-1126. [6] Thích Hạnh Bình, “Những Vấn Đề Cốt Lõi Trong Kinh Trường A Hàm”, Nxb Hồng Đức, 2008, tr. 58. [7] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”, tập 3, Kinh Ganaka Monggallana, Viện NCPHVN, 2002, tr. 113. [8] Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu đính và chú thích), “Tạp A Hàm, Kinh 271. Đê-xá”, tr. 1126-1127. [9] Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A-hàm”, tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr. 714.. [10] Kinh Tăng Nhất A-hàm (CBETA, T02, no. 125, p. 705, c20-21). [11] Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A-hàm”, Nxb. Hồng Đức, 2008, tr. 18. [12] Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A-hàm”, Nxb. Hồng Đức, 2008, tr. 18. [13] Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trường A hàm, tập 1, 2. Kinh Du Hành”, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr. 96 – 97. [14] Thích Hạnh Bình, “Mối quan hệ giữa thầy và trò trong đạo Phật”. Truy cập tại: https://www.tuvienquangduc.com.au/xahoi/119thaytro.html#_ftn8. Ngày 24/05/2022. [15] Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A-hàm”, Nxb. Hồng Đức, 2008, tr. 30. [16] Thích Hạnh Bình, “Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A-hàm”, Nxb. Hồng Đức, 2008, tr. 18.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trường A-hàm, Nxb. Hồng Đức, 2008. 2. Thích Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ”, tập 3, Kinh Ganaka Monggallana, Viện NCPHVN, 2002. 3. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Tương Ưng 3”, Nxb Tôn giáo, 2017. 4. Đại Sư Ấn Thuận - Biên dịch Thích Quảng Đại, Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Nxb Dân Trí, 2020. 5. Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu đính và chú thích), Tạp A Hàm, Kinh 271. Đê-xá. 6. Thích Tuệ Sỹ dịch, “Kinh Trung A-hàm”, tập 1, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008. 7. Kinh Tăng Nhất A-hàm (CBETA, T02, no. 125, p. 705, c20-21).