Tác giả: Phật tử An Tường Anh
Ngày tôi đến với phật pháp là khi tôi cảm nhận được sự an tịnh khi quỳ dưới chân của Người, tìm đến Người bằng tất cả đức tin và lòng tín ngưỡng, ngày đó, tôi đã hướng tất cả lòng thành của mình đến với Phật trong sự thuần khiết, đơn giản và mộc mạc, tôi chưa từng tìm hiểu gì về Người, tôi chỉ đến với Người vì ở Người, tôi cảm thấy bình yên, an lạc và không còn những nhập nhằng đau khổ.
Trước khi đến với những bài viết về đạo Phật, tôi là một người viết Văn, và điều này đã hỗ trợ cho tôi trong khả năng diễn đạt, viết lách, tôi tâm niệm mình sẽ mang những gì mình có được để phụng sự cho cuộc đời này, nhằm mục đích hướng thiện cho những ai chưa tốt sẽ trở thành người tốt, cho những ai chưa thiện sẽ trở thành người thiện, tôi mong được góp một chút công sức nhỏ trong những ngày tôi còn được sống, như một cách để tôi đền đáp lại ơn đức mà tôi đã được Người ban tặng cho tôi, giúp tôi vượt qua bệnh tật, vượt qua những biến cố thăng trầm.
Tôi đã viết những bài viết bằng tất cả suy nghĩ của mình, không e dè, không sợ hãi, tôi chưa từng nghĩ bài viết của mình sẽ được xuất hiện ở đâu và được ấn phẩm nào đăng tải, tôi chỉ viết bằng những gì tai mình nghe, mắt mình thấy, dù được dù không, dù thương dù ghét, tôi vẫn chấp nhận vì tôi đã viết bằng tất cả trái tim, suy nghĩ của mình.
Thế nhưng tôi nhận một điều rằng, không phải những gì mình mong muốn là mình có thể làm được một cách suôn sẻ, dễ dàng, không phải mình nghĩ điều mình làm sẽ mang lại điều tốt cho người khác thì nó sẽ tốt, bởi con người không phải là cái máy mà ai cài đặt thế nào nó sẽ thực hiện theo thế đó, con người là một thực thể đầy rẫy những mâu thuẫn, tốt xấu, thiện ác đan xen, mình có thể đúng với người này nhưng có thể sai với người khác, mình có thể tốt với người này nhưng xấu trong mắt người khác và điều mình làm, có thể thiện với người này nhưng ác với người khác.
Đến với đạo Phật, tôi đã nhận ra một chân lý sâu sắc, đó là những mặt đối lập, đối lập giữa quan điểm, giữa góc nhìn, đối lập trong suy nghĩ, trong cách vận hành. Chúng ta có thể cùng một giáo án nhưng cách nghĩ, cách làm, cách sống sẽ khác nhau, dù nó là một đường thẳng, vẫn có người nhìn thấy nó cong, không ai hoàn toàn nghĩ và hiểu giống như mình, và bản thân mình phải tập làm quen với những điều mình vốn nghĩ như vậy nhưng tại sao nó lại không phải như vậy!
Khi đến với đạo Phật, tìm hiểu sâu hơn và đọc những bài viết của nhiều Thầy, và chi sẻ của các phật tử, tôi đã ngộ ra một điều, đó là ở đâu cũng có những mâu thuẫn chứ không hẳn là đồng thuận hết như nhau. Để mình an lạc thật sự, tịnh tâm thật sự, chỉ có một cách là mình trung thành với những gì mình cho rằng nó phù hợp với mình, an lạc với mình, dù điều đó có thể là không đúng với người khác, không hợp với quan điểm của người khác nhưng với mình, nó thật sự bình an là đủ.
Nếu bản thân chúng ta bị chi phối bởi quá nhiều thứ, chúng ta sẽ chẳng còn biết cái nào là đúng, cái nào là sai, rồi mình sẽ rơi vào một mớ lùng nhùng, mụ mị, khi đó dù có đến với Phật, mình cũng không tìm được sự thanh tịnh, giải thoát nào.
Đôi khi, có những lúc, điều mang lại hạnh phúc nhất, an lạc nhất và đúng đắn nhất là chúng ta yên lặng, đừng cố vùng vẫy hay xoay chuyển điều gì, yên lặng để soi lại bản thân mình và tháo gỡ những khúc mắc trong chính mình là điều cần thiết hơn những việc làm nào khác.
Tôi tâm niệm mình sẽ làm được một điều gì đó ý nghĩa trong cuộc sống của mình nhưng rồi càng đọc, càng chiêm nghiệm, tôi càng nhận ra mình bé nhỏ và chưa đủ sức bởi tôi cũng chỉ là một con người phàm tục với những chấp ngã, vô minh chưa thật sự giải phóng được hết khỏi bản thân mình, tôi vẫn chưa đủ từ bi, bác ái để chuyển hóa những tâm lý tiêu cực trở nên hoàn toàn tích cực, như tôi đã viết rằng “mình muốn trao cho ai đó điều gì, mình phải có đủ điều đó” và tôi thấy mình hiện tại vẫn còn quá nhiều những thiếu sót để có thể trao đi, để khắc phục được những hạn chế này, tôi phải học cách im lặng và học tập nhiều hơn nữa bởi kiến thức là vô hạn mà hiểu biết của con người thì chỉ gói gọn trong một vài bài viết nào đó mà thôi.
Có thể tâm niệm của mình là tốt nhưng cách thực hiện của mình vẫn còn nhiều khiếm khuyết, nếu phải đánh đổi giữa sự an lạc và đấu tranh xung đột, có lẽ tôi sẽ chọn cho mình một cuộc sống an lạc nhiều hơn vì tôi không mong mình vì điều gì mà phải mang lại sự xung đột với những quan điểm khác, mọi sự đúng sai, nó chỉ dừng lại ở mức độ 50/50, có thể mình thấy đúng nhưng người khác thấy sai và ngược lại.
Sau tất cả những gì đúc kết được, tôi vẫn tín ngưỡng Phật bằng tất cả sự tôn kính tối thượng, dù ai có phân tích, lý luận, bày vẽ hàng tram, hàng nghìn điều gì từ những giáo lý và tư tưởng của Người thì tôi vẫn chỉ đến với Người bằng một sự đơn thuần độc nhất, đó là sự trong sạch, từ bi và tâm linh, tôi sẽ không bận tâm đến bất kỳ điều gì khác nữa, như khi tôi thành kính quỳ dưới chân Người, trước mắt tôi là một Đức Thế Tôn.
Thay vì cứ mải mê để viết, tôi nhận ra rằng mình sẽ cần nhiều thời gian để tĩnh lặng, suy ngẫm và phát triển hạnh phúc trong chính nội tâm của mình của mình chứ không phải là đi tìm một con đường để thay đổi người khác, khi mình chưa đủ sức để làm việc đó.
Chúng ta đến với điều gì cũng sẽ cho chúng ta những bài học để suy ngẫm, dù cuộc sống có phức tạp thế nào, dù những tranh luận, quan điểm có mâu thuẫn ra sao thì tôi vẫn đến với tinh thần Phật giáo bằng một sự đơn thuần tối giản nhất như ngày đầu tiên mình đã đến.
Một trong những cách để mang lại điều tốt cho người khác, đôi khi không phải là làm điều gì vĩ đại mà là im lặng để quán chiếu được chính mình, khai mở chính mình cũng là điều tốt cho mình và cho người khác.
Tác giả: Phật tử An Tường Anh
Bình luận (0)