Bệ thờ đá còn chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và thẩm mỹ, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc trang trí các loại hình đồ thờ tự bằng đá trong văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng.
Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng Bắc Ninh
Thanh Khê xưa còn gọi là Bích Khê (tên Nôm là làng Côi) thuộc tổng Lại Thượng, huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm Quý Tỵ niên hiệu Thành Thái thứ 5 (1893) Thanh Khê sáp nhập vào huyện Lương Tài, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay thuộc địa phận xã Lai Hạ, huyện Lương Tài).
Chùa làng Thanh Khê còn có tên chữ là “Vĩnh Phúc thiền tự” được khởi dựng từ lâu đời, trùng tu mở rộng quy mô lớn dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Cùng với đình làng, ngôi chùa cổ bị phá hủy hoàn toàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1949. Đến năm Bính Tý (1996) dân làng xây dựng lại chùa mới trên nền xưa đất cũ. Hiện nay tòa Tam bảo chùa làng Thanh Khê có mặt bằng tổng thể kiểu chữ Đinh (丁) gồm 3 gian Tiền đường, 1 gian Thượng điện, kết cấu kiến trúc đơn giản, các bộ vì kèo đều được bào trơn đóng bén không trang trí chạm khắc.
Tại tòa Tam bảo chùa làng Thanh Khê còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và thẩm mỹ, tiêu biểu như: Ba pho tượng Tam thế Phật, tượng Quan Âm Chuẩn Đề niên đại tạo tác vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX); pho tượng hậu Phật là một vị Võ quan, chất liệu bằng đá xanh, trong tư thế ngồi xếp bằng, hai tay để trước bụng, khuôn mặt thanh tú, đầu đội mũ, cổ áo có hai lớp, bên ngoài hình tròn, bên trong hình chữ “V”, phần bụng nở to, chính giữa trang trí hình rồng cuộn, xung quanh chạm vân mây, hoa lá cách điệu mang phong cách nghệ thuật tạo hình thế kỷ 17; tấm bia đá “Tân tạo bi ký - Vĩnh Phúc thiền tự” dựng khắc vào khoảng thế kỷ 18… Đặc biệt bên ngoài sân phía trước tòa Tam bảo đặt một bệ thờ tạc bằng đá xanh nguyên khối. Bệ thờ hình chữ nhật tạo dáng kiểu sập “chân quỳ dạ cá” có kích thước dài khoảng 130cm, rộng 91cm, dầy 34cm. Mặt chính phía trước bệ chia làm 3 băng hoa văn: băng trên cùng chạm nổi 2 lớp cánh sen, lớp bên trên là hình cánh sen đứng xếp song song nhau, lớp cánh sen bên dưới kiểu hình lá đề cân. Băng ở giữa chia thành 7 ô khoảng cách đều nhau, 3 ô to làm trung tâm, xen kẽ các ô to có 4 ô nhỏ, tất cả các ô đều trang trí chạm nổi, kênh bong các loại hoa chanh, lựu, cúc… phần dạ cá phía dưới cùng trang trí hình đao lửa lẫn vân mây, góc ngoài cùng tạo dáng chân bệ kiểu xoắn chôn ốc. Bề mặt phía bên trên bệ không bằng phẳng có một vòng tròn đường kính khoảng 30cm lõm hẳn xuống so với xung quanh, mặt sau và hai bên hồi không có dấu hiệu trang trí hoa văn, phía hồi bên phải đã bị vỡ mất phần tạo dáng chân bệ. Căn cứ vào kỹ thuật chạm khắc, kiểu thức và mô típ hoa văn trang trí kể trên cho thấy bệ thờ đá này được tạo tác vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).
Tóm lại, thông qua hiện vật thể khối lớn bằng đá này phần nào phản ánh được quy mô kiến trúc của chùa làng Thanh Khê dưới thời Hậu Lê. Ngoài ra, bệ thờ đá còn chứa đựng giá trị to lớn về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật và thẩm mỹ, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về nghệ thuật điêu khắc trang trí các loại hình đồ thờ tự bằng đá trong văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Ninh nói riêng.
Tác giả: Nguyễn Văn An Bảo tàng Bắc Ninh
Bình luận (0)