Bun Khạu Pá Đắp Đin này chính là lễ hội Vu Lan hay còn gọi là lễ Xá Tội Vong Nhân của người Việt chúng ta, tuy khác nhau về tên gọi và thời gian cũng như cách thức tiến hành nghi lễ nhưng về mặt ý nghĩa nhân văn lại tương đồng.

Tác giả: Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon (Hà Văn Chung)

Theo tục lệ bản mường của người Lào thì hàng năm có 12 lễ tiết và 14 luật ứng xử gọi là "Hít xịp xỏng, khong xịp xì". Trong số mười hai lễ tiết ấy phải kể đến Bun Khạu Pá Đắp Đin - Lễ Cúng Cơm đặt cúng trên mặt đất. Đây là ngày lễ người Lào cúng cho người thân đã khuất cùng những cô hồn vãng lai. Lễ này tổ chức vào ngày 14 tháng 9 trăng khuyết theo lịch cổ truyền Lào, tức ứng với ngày 14 tháng 9 dương lịch và trùng vào ngày 30 tháng 7 năm nay của âm lịch Trung Hoa. (Gọi là "tháng trăng khuyết" vì tháng Âm lịch của Lào đi trước Âm lịch Trung Hoa hai tháng, mỗi tháng lặp lại hai lần, mỗi lần 15 ngày hoặc 14 ngày. Lần đầu tiên tính từ ngày mồng 1 đến ngày 15 gọi là tháng trăng tròn. Sau ngày 15 âm trở đi gọi là tháng trăng khuyết). Nguồn gốc của lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin được lý giải qua Phật thoại sau:

Thời xưa, vua Tần Bà Sa La (thuộc Ấn Độ cổ đại) một lần cúng dường Phật Thích Ca tại tịnh xá Trúc Lâm thuộc thành Vương Xá mà quên không hồi hướng cho những người thân đã mất. Tối đến, vua thấy âm binh hiện về kêu khóc đòi ăn trong sự đói khát. Vua Tần Bà Sa La thất kinh. Sáng ra vua vào tịnh xá Trúc Lâm đảnh lễ đức Phật kể lại chuyện hãi hùng này. Phật dạy rằng những âm binh ấy vốn là những kẻ khi còn sống vì ăn tham nhũng, đút lót hoặc lấy những thứ vốn không thuộc về mình, hoặc người bình thường qua đời nhưng không ai cúng giỗ nên khi chết bị đày làm ngạ quỷ, quanh năm đói khát. Nay nhà vua phải nên cúng đồ ăn thức uống cho họ để họ vơi đói khát, âm có siêu thì dương mới thái. Vua nghe Phật dạy bèn sắm sửa lễ vật cúng cho những người thân đã qua đời cùng chúng cát đảng cô hồn đói ăn, nhờ ân huệ Tam Bảo để chúng sinh siêu thoát, tái sinh về cõi cực lạc.

Từ đó lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin được truyền đến nay ở các nước và những dân tộc theo Phật giáo Nam Tông như Thái, Lào, Miến Điện, Phu Thay, Khmer. "Khạu pạ đặp đin" tức là cơm (gói trong lá chuối) bày biện trên mặt đất. Bởi vì khi làm lễ, dân bản sẽ đem đồ tế gồm thức ăn đã nấu chín như cá, thịt, rau quả, bánh trái, nước ngọt, gói thuốc, miếng trầu... để trong lá chuối thành từng gói nhỏ và đem đặt ở dưới gốc cây to, ở ngã ba đường hẻm hoặc đặt dưới chân những tháp quanh chùa. Họ tin rằng đây là cách hồi hướng công đức đến không chỉ thân bằng quyến thuộc đã quá vãng mà còn làm phước cho tất cả chúng sinh đang đoạ địa ngục, ngạ quỷ. Ngoài ra, những món đồ tế lễ này còn giúp cho các con vật bị đói khát quanh năm có dịp được ăn thoả thích. Kinh điển Phật giáo Nam Tông ghi chép rằng đây là ngày mà Đức A La Hán Maha Mục Kiền Liên xuất dùng thị lực thần thông xuống địa ngục cứu mẹ đang bị đoạ đày bởi nghiệp báo.

Những chúng sinh khác đang cùng đoạ đày đói khát chốn địa ngục nhân dịp này cũng cầu xin Ngài Mục Kiền Liên nhắn nhủ tới quyến thuộc trên dương thế hãy làm lễ hồi hướng công đức cho họ được siêu thoát, đồng thời khuyên nhủ người trên dương thế hãy từ bỏ ác nghiệp để tránh nghiệp báo về sau. Khi Đức Mục Kiền Liên khi trở lại dương thế đã nói lại cho nhân gian được biết. Sự kiện này xảy ra vào ngày 14 tháng 9 lịch Lào, tức là ứng vào ngày 30 tháng 7 âm lịch Trung Hoa. Song, cần lưu ý thời điểm tiến hành nghi lễ phải là lúc tờ mờ sáng của ngày 14 khi mặt trời chưa mọc, ước chừng từ 4 giờ đến 6 giờ sáng; bởi vì người ta quan niệm rằng đó là thời khắc Diêm Vương cho mở cổng địa ngục để ngạ quỷ, cô hồn được lên trần gian nhận lễ vật do nhân gian cúng thí. Trong vòng hai canh giờ đó, ngạ quỷ, cô hồn, súc sinh sẽ tha hồ nhặt lễ vật trong lá chuối được để sẵn trên mặt đất mà ăn cho bõ những ngày tháng phải ăn dầu sôi lửa bỏng dưới âm phủ. Quá thời hạn trên, Diêm Vương lệnh cho lùa tất cả trở về địa ngục A Tỳ tiếp tục chịu hình phạt của nghiệp báo. Nếu người trên dương gian không đem đồ cúng tế hoặc cúng tế không đúng thời điểm trên thì người đã khuất sẽ tiếp tục đói khát. Lý do người Lào khi cúng lễ lại bày biện trên mặt đất là để ngạ quỷ, cô hồn nhanh chóng tìm thấy thức ăn trước khi Quỷ Môn Quan khép lại. Nếu chậm trễ họ sẽ phải đợi cả năm sau mới được ăn.

Thực ra, lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin này chính là lễ hội Vu Lan hay còn gọi là lễ Xá Tội Vong Nhân của người Việt chúng ta, tuy khác nhau về tên gọi và thời gian cũng như cách thức tiến hành nghi lễ nhưng về mặt ý nghĩa nhân văn lại tương đồng. Đó là dịp để những người con báo hiếu công ơn cha mẹ, tưởng nhớ đến những người thân, ông bà, tổ tiên đã khuất, cứu độ chúng sinh, chung tay giúp đỡ những người cơ nhỡ, không nơi nương tựa để vũ trụ bao la này tràn ngập tình yêu thương.

Đồ cúng dưới gốc cây.

Tại Việt Nam, cộng đồng người Việt gốc Lào ở Buôn Trí A, xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk hàng năm đến ngày lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin cũng đều cùng nhau thực hiện. Như đã nói ở trên, ngày lễ này theo truyền thống của Lào sẽ thực hiện vào ngày 14 tháng chín lịch Lào, tức sẽ ứng với 30 tháng Bảy Âm lịch Việt Nam. Nhưng điều thú vị là vào ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch thì người Việt Nam tưng bừng đón chào lễ Vu Lan báo hiếu, cũng là ngày Xá tội vong nhân theo quan niệm dân gian.

Hơn một trăm năm trước, cộng đồng người Lào đã thiên di đến cộng cư với đồng bào các dân tộc Việt Nam nơi đây nên họ cũng chuyển ngày lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin sang thực hiện vào ngày rằm tháng bảy, thay vì ngày 29 tháng bảy. Đây phải chăng là quá trình giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc đã gắn bó với nhau trong hơn mười thế kỷ qua. Tôi đã đem băn khoăn này tâm sự với bác Bun My Lào thì được bác cho biết: "Cộng đồng người Lào ở đây hiện có hơn 300 nhân khẩu sống cộng cư cùng các dân tộc Kinh, Ê Đê, M' Nông, Thái, Tày Nùng trong đó, người Kinh đông nhất. Nhiều gia đình trong địa phương hiện nay là kết quả của quá trình hôn phối giữa người Lào với người Kinh và với các dân tộc khác làm cho mọi ranh giới giữa hai dân tộc Việt Lào như được xoá đi. Theo đó ngày lễ Khạu Pá Đắp Đin và Lễ Vu Lan cũng hoà nhập làm một và được trang trọng thực hiện vào ngày rằm tháng bảy. Cũng trong thời gian này, cộng đồng các dân tộc Thái, Tày, Nùng trên địa bàn cũng tổ chức cúng rằm để tưởng nhớ đến tổ tiên, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Nếu tổ chức cùng một ngày sẽ khiến không khí lễ tiết nhộn nhịp hơn, trong tình cảm gia đình sẽ càng thêm gắn bó và tạo khối đoàn kết trong cộng đồng".

Đến thăm nhà bà Kịnh Kẹo Vi Lay vào ngày Vu Lan, tôi thấy gia đình bà đặt đồ cúng dường ở bàn thờ Phật và bàn thờ gia tiên một cách trang trọng. Ngoài ra, theo phong tục, bà còn đem những đồ ăn, thức uống, hương hoa, trà quả gói vào trong lá chuối hoặc lá dong đem đặt ở dưới những gốc cây hoặc ở ngoài bến nước của dòng sông Sê Rê Pốk. Bà nói: "Việc đặt đồ cúng ở bên ngoài nhà là để cho chúng sinh đang chịu đoạ làm ngạ quỷ đói khát được ăn no. Chúng ta làm phước cho chúng sinh cũng là cách hành thiện, tích đức cho mình. Vì vậy, mới tờ mờ sáng, tôi đã đem những đồ cúng tế được chuẩn bị từ trước đem ra ngoài nhà".

Cúng lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin.

Vì trong buôn Trí A không có chùa Nam Tông theo truyền thống của đồng bào Lào nên việc tổ chức lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin không có sư sãi hướng dẫn quy tụ về chốn thiền môn nhưng người Lào ở đây vẫn thực hiện một cách thành kính. Bà Mé Lỏm là một phụ nữ chừng hơn 60 tuổi rất khéo tay. Đồ cúng tế của bà không chỉ được gói bằng lá chuối mà bà còn dùng bẹ chuối làm hẳn cái khung hình tam giác có đáy và cẩn thận đặt tất cả vào trong đó, bên ngoài còn điểm xuyết thêm vài đoá hoa chăm pa. Trong mỗi gia đình, có bao nhiêu người đã khuất thì sẽ có bấy nhiêu phần cúng tế. Nếu không nhớ hết được thì họ sẽ đem cơm hoặc cháo, gạo, muối đem bỏ vào lá chuối để rải trên mặt đất.

Tư tưởng nhân văn này được người Việt thực hiện qua tục nấu cháo rải trên lá đa nhờ gió mang đến với những cô hồn ngạ quỷ đang ngày đêm đói khát. Điểm khác biệt chính là người Lào cúng vào thời điểm tờ mờ sáng, trước lúc mặt trời mọc, còn người Việt sẽ thực hiện cúng tế bất kỳ lúc nào trong ngày. Đó đều là lòng tri ân, sự hiếu hạnh của cháu con với tiên tổ sinh thành. Tuy vậy, vẫn có người cho rằng đem thức ăn đi vứt như thế thật lãng phí, chỉ lảm mồi cho các loài côn trùng, súc sinh mà thôi. Tôi thì lại cho rằng dẫu chỉ là để làm mồi cho súc vật, côn trùng nhưng đó cũng là những sinh vật có sự sống, cũng biết đói khát và mong được sống no đủ mỗi ngày như chúng ta.

Đó cũng là một cách ứng xử cân bằng tốt đẹp với hệ sinh thái. Hơn nữa, mỗi năm cũng chỉ cúng lễ một lần thì sự phung phí ấy có đáng là bao so với những kẻ ăn chơi sa đọa trên mồ hôi xương máu của đồng loại mình. Nói như bà Mé Lỏm: "Mỗi năm làm lễ Bun Khạu Pá Đắp Đin một lần nhưng giữ được hồn quê và phong tục tập quán của dân tộc để nuôi dưỡng lòng từ bi cho thế hệ con cháu người Lào biết ứng xử tốt đẹp không chỉ với người đang sống mà với cả những người đã khuất là tổ tiên, là đồng loại của mình thì cũng xứng đáng lắm.". Cũng bởi lẽ đó mà ông bà, cha mẹ trong gia đình đều dẫn theo con cháu dậy sớm trước lúc mặt trời lên để mang đồ tế lễ ra cúng. Ai nấy đều nghĩ rằng thân bằng quyến thuộc của mình đang ngóng chờ trong cơn đói khát. Lúc ấy, những bậc trưởng bối bắt đầu thắp lên những ngọn nến và hương trầm giữa màn đêm còn bao phủ kèm theo lời khấn nguyện những người thuộc thế giới bên kia mau đến nhận lộc. Những người trẻ theo sau không ai bảo ai cũng tự nhiên chắp tay và thầm niệm lên trong tiềm thức mình rằng:

Nguyện đem công đức này,

Hướng về khắp tất cả,

Thân bằng và quyến thuộc,

Cho tất cả chúng sinh...

Đều nhận được phước lành.

Sa thụ, sa thụ, sa thụ.

(Lành thay, lành thay, lành thay).

Trong gió se lạnh của ngày cuối hạ đầu thu, trời dần dần hửng sáng, đâu đó vẫn vang vọng tiếng dế kêu thiết tha hòa lẫn giữa làn mưa phùn u tịch và huyền ảo như sương như khói...

Tác giả: Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon (Hà Văn Chung)