Tác giả: Thích Minh Kính Tăng sinh Khoa đào tạo từ xa, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Mùa Vu Lan lại về trên mọi ngôi chùa, trên mọi nẻo đường, có ai đã từng ôm ba và nói câu: “Ba ơi, con thương ba nhiều lắm!”, người con nào có hiếu đã làm hãy thử dơ cánh tay lên, hãnh diện khoe với bạn bè “ta là người con có hiếu”?.
Ai ơi hãy nhớ câu này: “Làm cha có dễ như mình nghĩ không, khi chúng ta được cha mẹ ban tặng tấm thân tứ đại, đó là niềm hạnh phúc.
Nhớ lại kỉ niệm, năm học cấp 1, tôi bị cô giáo la trốn học bỏ về nhà, rồi bị cha đánh đòn bằng cây roi bông bụp, nỗi đau ấy thấm vào da, in lằn dấu trên da thịt để lại cả tuần, con đã khóc rất nhiều. Khi đó, con đâu biết, ba thương con, mong con trở thành người hiền đức.
Đến bây giờ, con đã 32 tuổi, khi ngồi thiền, nhớ lại chuyện quá khứ, khi ba đã không còn nữa, con chỉ muốn khóc thật to, ba ơi! Sao ba không ở lại với con. Có ai đã từng, mỗi lần đi học về chạy lại, nói ba ơi! Ba làm việc có mệt không, có mang cho ba li nước để ba uống. Chắc chưa ai làm được cả, vì chúng ta tuổi trẻ ham chơi, thích ngao du, tụ họp bàn bè, đàn đúm thì làm sao có thể nghĩ đến công ơn sinh thành của ba.
Thời con đi học cấp 2, mỗi lần đi học đạp xe về nhà là con hỏi: “Ba ơi! Có cơm ăn chưa, có món gì ngon không hay lại ăn rau lang nấu canh, đủ đủ xào. Khi đó, con chỉ biết hỏi cái ăn, đòi hỏi món ngon chứ nào có biết ba đã phải lo tiền bạc, bôn ba thế sự để kiếm từng đồng tiền, miếng cơm, manh áo mang về nhà lo cho mái ấm cho gia đình no ấm, hạnh phúc và những bữa cơm ngon.
Giờ nghĩ lại những chuyện đã qua, con biết ơn ba nhưng ba nào có sống lại với con được nữa đâu, chỉ biết ngồi thiền, nhớ ba, rồi nguyện cho ba sinh về chốn an lành, hạnh phúc.
Giờ này, dù con có muốn, con cũng không thể nào, mang món ngon và đến bên người ba và khẽ nói, Ba ơi! Ăn món này ngon lắm, ba ăn nhiều để có sức khỏe, để sống cùng các con.
Ba chưa từng khóc, chưa từng chia sẻ cái gì với các con dù là những lúc khó khan, ba lúc nào cũng kể chuyện cười của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho các con nghe, ba luôn cười đùa cùng các con. Con nhớ mãi những mẩu chuyện ba kể, nhưng không nhớ những nỗi đau, những giọt mồ hôi rơi trên vai ba.
Giờ đây, mỗi khi ngồi thiền, nhớ đến mùa Vu Lan, con chỉ biết nhớ ơn ba, người cha hiền đức và những lời dạy văng vẳng bên tai, này con ơi: Chanh chua mua lấy bưởi bồng chớ tha”. Những lời dạy này của ba cũng tương ưng với lời Phật dạy, các đệ tử đừng có trộm cắp, dù là vật mọn thì ta cũng đừng sinh tâm tham mà trộm lấy, dối trá mà lấy… Tuy ba chưa từng học Phật, cũng chỉ đi chùa lễ Phật, thắp hương mỗi Rằm, chưa từng nghe giáo pháp của đức Phật nhưng những lời dạy ấy vẫn mang đậm tư tưởng giáo lý mà đức Phật dạy cho người xuất gia học phật cần luôn tôn trọng giới pháp đã thọ.
Từ khi ta sinh ra đời, ta đã mang niềm vui cho người thân sinh ta chưa. Mỗi khi ta nằm ngủ, ta có nhớ hết công ơn sinh thành của ba ban tặng cho ta chưa. Công cha có khi nào kể ra, chỉ có những tâm sự, nhưng niềm vui thì ba mới kể cho ta nghe, chứ nỗi buồn, ba chưa từng kể, luôn dấu sâu trong lòng đến khi mất.
“Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, …”.
Công cha lớn lao như vậy, ai có thể khoe rằng ta đã làm trọn hạnh hiếu của người con? Đến giờ, con đã xuất gia hơn 10 năm, có bao giờ con biết hướng dẫn ba về giáo pháp và tụng kinh, hay có bao giờ con mang về cho ba một món quà nhỏ, hay đến ngày sinh nhật mà tặng cho ba một món quà kỉ niệm. Tuy con đã là người xuất gia rời bỏ thế tục, mặc áo pháp phục chư chữ hiếu con vẫn chưa trả được. Tự thân mỗi người, kể cả người đã xuất gia học Phật, mấy ai đã làm trọn hạnh hiếu của người con với người ba hiền đức?
Biết rằng: Hạnh hiếu là hạnh Phật, hạnh đứng đầu trong muôn hạnh, ta thử hỏi bản thân mình đã mang đến nụ cười cho ba chưa, hãy chỉ toàn mang đến nỗi lo, nỗi buồn và những đêm mất ngủ khi ta đi xa, không bao giờ mở điện thoại hỏi thăm ba ơi! Ba khỏe không, ăn uống điều độ không. Ngày Vu Lan là ngày cài lên chiếc áo vàng của người xuất gia, hay người phật tử một bông hồng đỏ thắm cho ai còn cha mẹ, nhưng con chỉ xin cài lên cho mình một bông hồng trắng vì người thân sinh ra con, dạy dỗ cho con từng lời ăn, tiếng nói, cách cư xử khi tiếp chuyện với đời nay đã không còn trên cuộc đời.
“Ai còn cha xin đừng làm cha khóc Đừng làm cha rơi lệ nhé con ơi Một mai rồi lại một mai Sầu rơi trắng toát trên đầu người cha”.
Hay ông cha ta có câu: “Làm con chữ hiếu nên tròn, bất nhân bất nghĩa con mình noi theo. Cuộc đời là sợi dây leo nhân nào quả nấy, chớ gieo ở đời.”
Đúng vậy, nhớ lại vào năm 2013, ba tôi đi thăm tôi, khi đó tôi là chú sa di nhỏ tuổi, non choẹt trong việc tu hành và chưa thấm giáo lý nhà Phật, mùi tưởng chao chưa được qua khỏi bao tử. Thế rồi, ba mang cho tôi bánh kẹo ở quê, gặp tôi ba tôi ôm chặt, và nói nhớ thằng con trời đánh quá! Hai ba con ngồi tâm sự về sự tu hành, và cuộc đời, chỉ vọn vẹn ở với tôi chốc lát, rồi bắt xe về lại quê để lo cho gia đình.
Giờ đây, ngồi trên máy tính, tôi ngậm ngùi nhớ lại kỉ niệm, ba hứa với tôi khi nào khỏe sẽ lên thăm tôi và mấy sư trong Tịnh xá. Nhưng mãi đó chỉ là lời hứa, ba tôi về nhà và ngã bệnh, ông bị ho, viêm phổi nhưng không đi bệnh viện để chữa trị. Vì gia đình không có điều kiện, nên chỉ mua thuốc uống, nhưng rồi số phận an bài, cuộc sống vốn ngắn ngủi. Thật vậy, ba bị ho lao, viêm phổi, bệnh tim giai đoạn cuối, tuy đã được anh hai đưa vô sài gòn chữa trị nhưng bác sĩ nói chỉ có thể uống thuốc cầm chừng. Vào một ngày buồn, Rằm tháng 11 Âm lịch năm 2017, ba tôi trút hơi thở cuối cùng. Từ đó, tôi không bao giờ được gặp ba, tôi vẫn nhớ mãi lời hứa của ba, “khi nào ba khỏe sẽ lên Tịnh xá thăm con!”.
Nhưng rồi, cuộc đời vốn vô thường, ba ra đi khi tôi ngồi bên Niệm danh Phật A Di Đà, sau khi phát nguyện trì 7 bộ Địa Tạng Kinh. Giờ đây, tôi chỉ biết ngậm ngùi viết lại tâm sự của chính mình và lỗi lầm của mình với người ba thân sinh, thằng con ngỗ nghịch và bất hiếu tử. Bây giờ, con có muốn ngồi bên ba tâm sự, uống li trà nóng cũng không được, chỉ có thể thắp nén hương lòng, nguyện cho ba sinh về chốn an lạc và luôn thảnh thơi.
Cả cuộc đời ba chưa bao giờ làm mất lòng anh em hay cả hàng xóm. Ba đi đến đâu, cũng mang đến cho họ nụ cười và những sự mát mẻ lạ thường và những câu chuyện ngụ ngôn. Ngay bây giờ và ở đây, tôi có muốn nghe những câu chuyện hài tiếu lâm của ba tôi thì cũng không thể nào có, mãi chỉ là một giấc mơ, không bao giờ có thể trở về quá khứ bên người ba già, đầy đức hạnh.
Tôi mong cả hai giới xuất gia hay tại gia, ai còn cha, còn mẹ hãy bắt những chuyến xe đò về thăm lại người ba, người mẹ thân sinh, ôm chầm lấy: Cha ơi, Mẹ ơi con yêu mẹ nhiều lắm! Đừng như tôi, một đứa con bất hiếu, tuy biết mình là người xuất gia, hãy dẹp cái bản ngã xuống, hãy ôm những người thân sinh ra ta, trước khi quá muộn.
Cuối cùng, đó là sự chân thành khẩn thiết của một nhà sư trẻ, muốn chia sẻ kỉ niệm về người ba, người thân sinh. Một kẻ đáng bị quăng bỏ, đáng bị dẫm đạp, không xứng đáng là con của ba, kẻ bất hiếu tử, tôi mong quý vị hãy làm những gì tốt nhất đến người thân sinh ra mình. Đừng để, khi cha mẹ mất rồi mới hối hận như tôi thì đã muộn màng.
“Công cha núi muôn ngàn trượng Nghĩa mẹ ơn sâu gấp bội phần”.
Tác giả: Thích Minh Kính Tăng sinh Khoa đào tạo từ xa, Học viện PGVN tại Tp.HCM
Bình luận (0)