Kỷ niệm 580 năm năm mất Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi (1380-1442)

Tác giả: Ths Phạm Tuấn Vũ Số 33/69 Lê Lợi, Tp.Quảng Ngãi

Tóm tắt: Trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi (Ức Trai thi tập), Phật Giáo để lại dấu ấn rõ nét trên nhiều phương diện như cảm quan thiền đạo, lớp từ ngữ nhà Phật, hình ảnh chùa và nhà sư... Trong đó, chùa là hình ảnh độc đáo, mang nhiều giá trị. Tìm hiểu về chùa trong Ức Trai thi tập, chúng ta sẽ thấy được nhiều nét thú vị về chùa Việt thời Nguyễn Trãi cũng như những trải nghiệm của ông - một bậc đại nho, nhà chính trị, quân sự, văn hóa kiệt xuất - đối với Đạo Phật. Từ khóa: Nguyễn Trãi, Ức Trai thi tập, chùa, cảm quan Phật giáo.

MỞ ĐẦU

Nhắc đến Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi (1380-1442), người ta nghĩ ngay đến ông là một nhà nho chân chính. “Nguyễn Trãi là nhà Nho. Trong bất cứ trường hợp nào ông cũng không bỏ được đạo Nho” [1]. Dù xuất thế hành đạo “kiêm thiện thiên hạ” hay lui về ở ẩn “độc thiện kỳ thân”, trước sau Nguyễn Trãi cũng là một bậc đại nho, một nhà nho Việt kiệt xuất của lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, trên những bước đường thăng trầm của cuộc đời, “Nguyễn Trãi đã tìm đến Phật giáo và Đạo giáo để mở rộng và làm sâu sắc thêm suy nghĩ của mình” [2]. Chính trong thơ, Nguyễn Trãi cũng đôi lần nói về chí nguyện xuất gia, theo học đạo thiền của mình:

Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền

臨岐我亦上乘禪

(Đến ngã rẽ, tôi cũng [muốn theo học] đạo thiền thượng thừa – Tống Tăng đạo Khiêm quy sơn); và:

Vị xuất gia thời thả trú gia

未出家時且駐家

(Chưa đến lúc xuất gia thì hãy ở nhà – Họa hữu nhân “Yên hà ngụ hứng” 3).

Bởi đó, không khó để nhận ra những dấu ấn sâu đậm của Đạo Phật trong sáng tác của Ức Trai. Một trong những dấu ấn ấy là hình ảnh chùa thường được nhắc đến, trở thành một kiểu không gian đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa thẩm mỹ trong thơ chữ Hán của ông.

HÌNH ẢNH NHỮNG NGÔI CHÙA VIỆT

Trong Ức Trai thi tập, ngoài chùa Hoa Nam trên đất Trung Hoa được nhắc đến ở một số bài thơ (Đề Hoa Nam thiền phòng, Du Hoa Nam tự) trong phần tồn nghi [3], Nguyễn Trãi nhắc đến nhiều ngôi chùa, am Phật trên đất Việt. Đó là các chùa Đông Sơn, chùa Hoa Yên, am trên núi Côn Sơn và một số chùa không nêu tên khác. Tuy số lượng tác phẩm viết về chùa không nhiều nhưng đây vẫn là một kiểu không gian nổi bật trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Trãi.

Chùa Hoa Yên ở Yên Tử. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Trước hết, chùa trong Ức Trai thi tập phần lớn là những sơn tự. Điều này quy định nên đặc điểm của chùa trong thơ Ức Trai là thanh u, hoang vắng, tĩnh lặng. Ngôi sơn tự trong bài thơ mở đầu thi tập tiêu biểu cho đặc điểm này:

Đoản trạo hệ tà dương, Thông thông yết thượng phương. Vân quy thiền tháp lãnh, Hoa lạc giản lưu hương. Nhật mộ viên thanh cấp, Sơn không trúc ảnh trường.

短棹繫斜陽 匆匆謁上方 雲歸禪榻冷 花落澗流香 日暮猿聲急 山空竹影長

(Mái chèo ngắn buộc trong bóng chiều/Xăm xăm lên thăm chùa trên núi/Mây về giường thiền lạnh/Hoa rơi khe suối thơm/Chiều tối tiếng vượn gấp/Núi vắng bóng trúc dài – Du sơn tự).

Cách xa chốn đô hội, ẩn mình nơi những ngọn núi cao, khung cảnh chùa trong thơ Nguyễn Trãi bên cạnh nét thanh vắng, thoát tục còn hiện ra với vẻ nên thơ, hữu tình nhưng cũng không kém phần hùng vĩ, tráng lệ. Có thể thấy điều này qua những hình ảnh so sánh thi vị, diễm lệ, vô cùng ấn tượng được sử dụng để miêu tả cảnh chùa Hoa Yên trên đỉnh non thiêng Yên Tử:

Yên Sơn sơn thượng tối cao phong, Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng. Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại, Tiếu đàm nhân tại bích vân trung. Ủng môn ngọc sóc sâm thiên mẫu, Quải thạch châu lưu lạc bán không.

安山山上最高峰 纔五更初日正紅 宇宙眼窮滄海外 笑談人在碧雲中 擁門玉槊森千畝 掛石珠旒落半空

(Ở ngọn cao nhất trên núi Yên Sơn/Vừa mới canh năm, mặt trời đã đỏ rực/Cảnh vũ trụ, mắt nhìn tận ngoài biển xanh/Tiếng nói cười, người ở trong mây biếc/ Vây quanh cửa, [măng trúc như] ngọn giáo ngọc xum xuê nghìn mẫu/Treo trên đá, [thác Long Khê như] dải châu lơ lửng giữa tầng không – Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự).

Ở nhiều bài thơ, tác giả không nhắc đến chùa. Tuy nhiên, chỉ một ngọn tháp, một tiếng chuông lẻ cũng đủ gợi lên hình ảnh ngôi chùa lẩn khuất trong màn mưa hay giữa khoảng bao la đất trời sông núi. Ví như, hình ảnh ngọn tháp trên núi Dục Thúy như chiếc trâm ngọc màu xanh cài vào núi rừng có thể gây nhiều ấn tượng về ngôi chùa Non Nước ẩn hiện giữa chốn non thiêng:

Tháp ảnh trâm thanh ngọc (Bóng tháp cài trâm ngọc xanh – Dục Thúy sơn).

Hoặc như tiếng chuông chùa trong đêm mưa lặng lẽ đi vào giấc mơ, tiếng chuông chùa trong đêm trăng đâu đây vọng lại gợi lên một không gian thấm đẫm chất thiền, là tín hiệu thông báo sự hiện diện của ngôi chùa:

Cách trúc xao song mật, Hòa chung nhập mộng thanh.

隔竹敲窗密 和鐘入夢清

(Xuyên qua khóm trúc [hạt mưa] gõ vào song cửa liên hồi/ Cùng tiếng chuông đi vào giấc mơ trong trẻo – Thính vũ);

Bán lâm tàn chiếu sư yên thụ, Cách thủy cô chung đảo nguyệt thôn.

半林殘照篩煙樹 隔水孤鐘搗月村

(Nửa cánh rừng nắng chiều như rây xuống chòm cây khói phủ/ Bên kia sông tiếng chuông lẻ nện trong xóm dưới trăng – Chu trung ngẫu thành).

Trên bề mặt văn bản, chùa không xuất hiện. Nhưng chi tiết ngọn tháp, chuông chùa là những tín hiệu cho biết sự tồn tại của chùa. Bóng tháp, tiếng chuông dẫn lối về với mái chùa khuất nẻo. Không gian thiền hiện ra qua đôi nét chấm phá như tranh thủy mặc. Thủ pháp “vẻ mây nảy trăng” gia tăng tính chất thanh u, ẩn hiện, thoát trần của không gian chùa trong thơ của Ức Trai.

Chùa Việt trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi có những nét tương đồng với nhiều tác giả của văn học trung đại Việt Nam. Tương tự thơ Ức Trai, trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chùa “thường là những cổ tự, sơn tự […] thanh u, tĩnh lặng” [4]; ví như ở bài Vọng Thiên Thai tự:

Cổ tự thu mai hoàng diệp lý, Tiên triều Tăng lão bạch vân trung.

古寺秋埋皇葉裡 先朝僧老白雲中

(Chùa cổ mùa thu như vùi trong lá vàng/ Sư già triều trước trong mây trắng).

Cũng vậy, chùa Việt trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương đều là những “cổ tự rêu phong, hầu hết ẩn chìm giữa thiên nhiên núi rừng, được tập trung thể hiện ở đặc điểm thanh u, cổ kính, nhiều ngôi chùa đã trở nên hoang vắng” [5] trong các bài Bộ Khánh Minh tự cảm hứng, Cốc tự tham thiền, Đông Sơn thừa lương, Đăng Đông Sơn tự kiến ký 2, ví như:

Cổ tự môn tòng lâm mộc xuất

古寺門從林木出

(Cổng chùa xưa theo cây rừng hiện ra – Đông Sơn thừa lương).

Chùa Việt trong sáng tác của các nhà thơ khác như Phạm Phú Thứ, Trương Đăng Quế, Đào Tấn… cũng chung đặc điểm trên. Điều này phần nào nói lên những đặc trưng của phong cách chùa Việt thời trung đại: ít hoành tráng, hài hòa với thiên nhiên, gần gũi với đời sống người dân. Cùng với một số nhà thơ thời Lý, Trần, Nguyễn Trãi là một trong những tác giả khơi nguồn của dòng thơ về chùa Việt trong văn học trung đại nước ta.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Uc Trai Thi Tap Nguyen Trai

Một trong những đóng góp không thể không nhắc đến của Ức Trai thi tập là giá trị tư liệu, trong đó có tư liệu về chùa Việt. Bên cạnh những dòng thơ miêu tả không gian chùa, nhiều bài trong thi tập còn có phần tiểu dẫn cung cấp thông tin về một số ngôi danh tự. Chẳng hạn, phần tiểu dẫn của bài Đề Đông Sơn tự cung cấp thông tin về quần thể danh thắng tại huyện Đông Triều mà trọng tâm là các di tích Phật giáo:

寺在東朝永縷社,有含龍寺.安南志:溪水山亦在伊社.在靈鹿寺玉清舘下有霹靂池四時不竭.

(Chùa [Đông Sơn] ở xã Vĩnh Lũ, Đông Triều, [tại đây còn] có chùa Hàm Long. Sách An Nam chí [cho biết]: Núi Khê Thủy cũng ở tại xã ấy. Ở dưới chùa Linh Lộc và đạo quán Ngọc Thanh, có đìa Tích Lịch, bốn mùa không cạn).

Ở phần tiểu dẫn của bài Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, tác giả cho biết những sự kiện quan trọng, gắn liền với các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Phật Giáo nước ta từng diễn ra tại núi Côn Sơn:

山在支磑社,陳元旦退休處.山有清虛洞,下有漱玉橋.陳法螺庵居,玄光亦卓錫于此.

(Núi [Côn Sơn] ở tại xã Chi Ngại, là nơi Trần Nguyên Đán về hưu. Núi có động Thanh Hư, dưới có cầu Thấu Ngọc. Sư Pháp Loa đời Trần dựng am, Sư Huyền Quang cũng trụ trì ở đây).

Cùng với việc giải thích tên gọi của địa danh Yên Tử, những sự kiện tiêu biểu của Phật Giáo đời Trần nói riêng, lịch sử Phật Giáo Việt Nam nói chung gắn liền với di tích Yên Tử cũng được đề cập đến trong phần tiểu dẫn của bài Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự:

[…] 封域志:上有紫霄峯,卧雲庵,龍洞諸勝.花烟寺在絕嵿,景致空洞.陳仁宗居此奉佛,爲竹林第一祖.

(Sách Phong vực chí [cho biết]: Trên [núi Côn Sơn] có cách danh thắng ngọn Tử Tiêu, am Ngọa Vân, Long Động. Chùa Hoa Yên ở đỉnh cao nhất, cảnh vật bát ngát. Trần Nhân Tông tu ở đây thờ Phật, là vị tổ thứ nhất của [thiền phái] Trúc Lâm).

Đây là những tư liệu giá trị, có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu Phật Giáo đời Trần. Với việc tìm hiểu các sự kiện và thắng tích Phật giáo tiêu biểu đời Trần, đây là nguồn tư liệu tham khảo đáng tin cậy.

NHỮNG CHIÊM NGHIỆM VỀ ĐẠO PHẬT TRƯỚC CẢNH CHÙA

Không chỉ là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc và nhân loại, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi còn “là người tinh thông tam giáo, cửu lưu. Ông am hiểu sâu sắc triết lý tư tưởng tính Không của kinh văn hệ Bát nhã, tư tưởng Duyên khởi của Kinh Hoa Nghiêm, tư tưởng Nhất thừa pháp của Kinh Pháp Hoa”. Bên cạnh là một bậc chân nho, Nguyễn Trãi “còn là một thiền gia đã có thực hành, am hiểu và ngộ về Thiền lý, về Phật tính” [6]. Cảm quan thiền đạo bàng bạc trong các sáng tác của ông là một minh chứng cho nhận định trên.

Trong thơ chữ Nôm, bên cạnh việc đề cập đến Bụt (Dầu Bụt dầu tiên ai kẻ hỏi; Bụt ấy là lòng, Bụt há cầu), Tăng (Năng mỗ sơn tăng làm bạn ngâm), chùa và Sư thầy (Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa Thầy), thiền (Rừng thiền ắt thấy nên đầm ấm; Giường thiền định hùm nằm chực), Nguyễn Trãi còn thường nhắc đến triết lý duyên khởi của Đạo Phật: Hễ kẻ làm quan đã có duyên; Non nước cùng ta đã có duyên; Tượng thấy ba thân đã có duyên; Há rặng quân thần chẳng phải duyên… Rõ ràng, không chỉ ở thơ chữ Hán, trong thơ chữ Nôm, Nguyễn Trãi cũng chịu sự chi phối của cảm quan Phật Giáo khá rõ nét.

Trong thơ chữ Hán của Ức Trai, cảm quan thiền đạo thể hiện qua nhiều phương diện, trong đó có những suy nghiệm của nhà thơ khi đứng trước cảnh chùa. Nguyễn Trãi tìm đến chùa không chỉ để vãn cảnh, đàm đạo cùng những nhà Sư tri kỷ mà còn để chiêm nghiệm về Phật pháp, về Phật Giáo ở nước ta. Ví như, đến chùa Hoa Yên trên đỉnh Yên Tử, một thắng tích của Phật giáo nước ta, ông làm thơ đề và nói lên những cảm tưởng về vua Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm:

Nhân miếu đương niên di tích tại, Bạch hào quang lý đổ trùng đồng.

仁廟當年遺跡在 白毫光裡賭重瞳

(Di tích miếu hiệu của vua Trần Nhân Tông năm nào còn đó/ Trong ánh hào quang của bạch hào, [thấy rõ] mắt có đôi con ngươi – Đề Yên Tử sơn Hoa Yên tự).

Trước cảnh chùa Đông Sơn, nhìn lại hơn ba mươi năm thăng trầm vinh nhục đã qua, thi nhân chợt nhận ra mọi thứ chỉ là giấc mộng. Đây cũng là lúc nhà thơ nhận ra lẽ vô thường của cuộc đời. “Bui một lòng người cực hiểm thay” (Mạn thuật 4), chỉ khi về với thiên nhiên trong sạch, vô tư mới thấy lòng an nhiên, tự tại. Đề Đông Sơn tự cho thấy những chiêm nghiệm của Ức Trai về triết lý tính Không của Đạo Phật cùng ít nhiều tư tưởng vô vi của Lão Trang:

Quân thân nhất niệm cửu anh hoài, Giản quý lâm tàm túc nguyện quai. Tam thập dư niên trần cảnh mộng, Sổ thanh đề điểu hoán sơ hồi.

君親一念久嬰懷 澗愧林慚夙願乖 三十餘年塵境夢 數聲啼鳥喚初回

(Một niềm quân thân cứ vương vấn mãi trong lòng/ Hổ với suối, thẹn với rừng vì trái lời nguyền xưa/ Hơn ba mươi năm qua [cũng chỉ là] giấc mộng cõi trần/ Mấy tiếng chim kêu gọi [mình] vừa tỉnh lại).

Lên thăm chùa trên núi, giữa khung cảnh tự viện thanh tịch trong nắng chiều đầy ý vị Thiền, thi nhân như đốn ngộ bản lai chân diện mục:

Cá trung chân hữu ý, Dục ngữ hốt hoàn vong.

箇中眞有意 欲語忽還忘

(Ở trong đây thật có ý/ Muốn nói bỗng lại quên – Du sơn tự).

““Muốn nói bỗng lại quên” hàm ý “vô ngôn”, là “đốn ngộ”. “Đốn ngộ” và “vô ngôn” để nhận chân bản thể vũ trụ” [7]. Bậc đại trí, đại dũng Ức Trai hẳn đã có những sát-na đốn ngộ như thế. Lời thơ kiệm mà ý thơ như khôn cùng. Đây cũng là căn cứ để có thể tin vào một tiết lộ của Ức Trai: “Tôi cũng muốn học đạo Thiền thượng thừa”.

Những chiêm nghiệm về Phật lý khi đến vãn cảnh chùa khiến cho thơ viết về chùa của Ức Trai thêm chiều sâu và giàu chất triết lý. Điều này cũng phần nào cho thấy Nguyễn Trãi là người am hiểu sâu sắc và có tình cảm tốt đẹp với Đạo Phật.

KẾT LUẬN

Thơ Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng của cảm quan Phật Giáo khá rõ nét, bên cạnh hai luồng tư tưởng Nho và Lão. Chính cảm quan Đạo Phật mang lại cho sáng tác của ông nhiều giá trị độc đáo, mới lạ. Điều này có thể thấy rõ qua những vần thơ viết về chùa trong thơ chữ Hán của ông.

Trong Ức Trai thi tập, hình ảnh chùa Việt được phác họa một cách khá ấn tượng. Không chỉ thể hiện được một phần đặc trưng của phong cách chùa Việt, cung cấp nhiều thông tin tư liệu về lịch sử Phật giáo, thơ của Ức Trai còn ghi lại những trải nghiệm trên đường đến với Đạo Phật của thi nhân. Nguyễn Trãi không phải là một nhà thơ thiền đúng nghĩa nhưng ông chắc chắn có một vị trí trang trọng trong lịch sử văn học Phật Giáo Việt Nam.

Tác giả: Ths Phạm Tuấn Vũ Số 33/69 Lê Lợi, Tp.Quảng Ngãi Quảng Ngãi tháng 11.2022

***

Chú thích: [1] Trần Nguyên Việt (2005), “Về mối quan hệ tam giáo trong tư tưởng Nguyễn Trãi”, Tạp chí Triết học, số 7 (170), tr.27. [2] Trần Nguyên Việt, tlđd, tr.23. [3] Chúng tôi sử dụng bản Ức Trai thi tập trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập 1, Mai Quốc Liên chủ biên, Nxb Văn học và Trung tâm Nghiên cứu quốc học, 2001. Phần tồn nghi được nêu trong sách này gồm 17 bài, từ Thái Thạch hoài cổ đến Chu trung ngẫu thành chúng tôi không khảo sát. [4] Phạm Tuấn Vũ (2022), “Từ ngữ nhà Phật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du”, Tạp chí Văn hóa Phật Giáo, số 388, tr.56. [5] Trịnh Bích Thùy (2022), “Phong vị thiền trong thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Văn hóa Phật Giáo, số 399, tr.72. [6] Nguyễn Công Lý, Nguyễn Công Thanh Dung (2021), “Cảm quan thiền đạo trong thơ Nguyễn Trãi”, Tạp chí Khoa học xã hội, số 8, tr.71. [7] Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, sđd, tr.31.