I. Dẫn nhập
Việt Nam là một đất nước cầu thị, luôn hấp thu những cái đẹp của các nền văn hoá trên thế giới. Sự phát triển của khoa học công nghệ làm cho chúng ta dễ dàng tiếp cận với thế giới rộng lớn hơn, nhưng có những tình huống ngôn ngữ đã vô hình chung tiếp thu văn hoá một cách thiếu chọn lọc. Trước khi thu nhận những điều tốt đẹp khác nhau, Việt Nam vốn đã có những nét đẹp riêng mang tính giá trị nhân văn rất cao, với tinh thần tương thân tương ái được thể hiện qua các bài vè, các câu ca dao như “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “chia bùi sẽ ngọt”, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”,…
Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, mang theo tinh thần “Từ Bi – Trí Tuệ” hoà hợp với con người lúc bấy giờ, đã tạo ra một nét đặc trưng của người Á Đông. Chúng ta thường có những thói quen như sử dụng đích danh của một nhân vật có những đức tính nổi trội để mô tả cho một sự vật, sự việc, hiện tượng, đức hạnh cho một người khác hoặc việc làm tương tự. Ví dụ là “hiền như Bụt” chỉ cho những người hiền lành, “mặt đẹp như ông Phật” chỉ cho những người đàn ông có gương mặt phúc hậu, “đẹp như tiên” chỉ cho người phụ nữ xinh đẹp, “ăn như Thánh Gióng” chỉ cho những người ăn khoẻ, “khoẻ như Voi” chỉ cho những người khoẻ mạnh…
Nhưng trong số đó, có những cụm từ, danh từ hoặc ý nghĩa của nó đã bị tiếp thu sai. Đó là, danh từ Mạnh Thường Quân để chỉ cho các nhà làm công tác thiện nguyện, từ thiện xã hội hoặc tài trợ vật lực, tài lực cho xã hội với ý nghĩa hoàn toàn tốt đẹp, trong sáng.
Chúng ta cùng tìm hiểu.
Tag: mạnh thường quân, từ thiện, hoạt động xã hội, thiện nguyện, phụng sự, Phật giáo, đức Phật, …
II. Nội dung
1. Mạnh Thường Quân là ai?
Mạnh Thường Quân tên thật là Điền Văn, một quý tộc nước Tề ở thời Xuân Thu chiến quốc, thời kỳ trước khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc; ông là một trong bốn người nổi danh thời bấy giờ gọi là “Chiến quốc tứ công tử” (Mạnh Thường Quân, Bình Nguyên Quân, Tín Lăng Quân, Xuân Thân Quân).
Lúc bấy giờ, Mạnh Thường Quân nhận nuôi khoảng 3000 thực khách trong nhà, đa số là những người không có tài năng gì, chỉ đến để kiếm ăn mà thôi; trong tất cả thực khách được chia làm 3 loại:
Loại thứ nhất: ăn mặc đầy đủ, đi đâu sẽ có xe ngựa để đi. Loại thứ hai: được ăn cơm với cá, thịt. Loại thứ ba: chỉ cho ăn cơm gạo thô với rau, chỗ ngủ không đàng hoàng.Mục đích của việc tiếp nhận, nuôi thực khách này có một câu nói rất rõ “Để củng cố địa vị của mình nên ông chiêu tập rất nhiều khách; ai đến ông giữ lại cho ăn uống và dùng vào việc của mình” [1,tr.153].
2. Vì sao tên “Mạnh Thường Quân” được biết rộng rãi?
Theo các sử liệu từ “Tư Trị Thông Giám, Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, Sử ký Tư Mã Thiên” đều nhận định rằng danh tiếng của Mạnh Thường Quân không xuất phát từ đức hạnh hay tấm lòng nhân hậu gì của bản thân, mà xuất phát từ ý đồ của ông và sau này là nhờ một nhân vật tên là Phùng Huyến, một trong những thực khách trong nhà ông củng cố thêm danh tiếng…
Khi Phùng Huyến đến nhà Mạnh Thường Quân xin làm thực khách, quản gia báo cáo với Mạnh Thường Quân thì Mạnh Thường Quân hỏi: “Người đó có tài năng gì không?
Quản gia nói: “Không có tài năng gì cả”.
Mạnh Thường Quân cười nói: “Cứ cho ông ta ở lại và đối đãi như loại thứ 3”.
Sử ghi lại Quản gia hiểu ý của Mạnh Thường Quân nhưng không nói thêm hay giải thích gì về sự hiểu ý của Quản gia về cái cười của Mạnh Thường Quân.
Có một lần, vì nuôi quá nhiều khách nên không đủ tiền để xoay sở, nên ông sai Phùng Huyến đi thu nợ ở những người mà ông cho vay tiền và thuê đất. Trước khi đi Phùng Huyến hỏi Mạnh Thường Quân khi về cần mua gì, Mạnh Thường Quân đáp: “Trong nhà thiếu gì thì mua đó”.
Nhưng khi đi thu nợ thì nhiều người không đủ tiền để trả nên Phùng Huyến tự bịa lên nói rằng: “Mạnh Thường Quân nói ai không trả được nợ thì đều miễn hết, và đốt hết giấy nợ”, và tự đốt giấy nợ để chứng minh mình nói thật.
Khi về thì ông bị Mạnh Thường Quân tức giận, trách mắng, tra hỏi thì ông trả lời: “Trước khi đi tôi hỏi Ngài cần mua gì, Ngài đã nói rằng trong nhà thiếu gì thì mua và tôi không thấy trong nhà thiếu gì cả, mà chỉ thiếu duy nhất là “tình nghĩa” thôi, nên tôi mua tình nghĩa về. Mạnh Thường Quân đành bỏ qua; kể từ đó, tiếng tăm của Mạnh Thường Quân càng ngày càng vang dội.
Qua câu nói của Lâm Hán Đạt và từ “thiếu tình nghĩa” của Phùng Huyến, chúng ta biết có thể thấy rõ rằng, mọi việc làm giúp đỡ tài chính, cưu mang cái ăn cái mặc đối với mọi người của Mạnh Thường Quân không xuất phát từ tình thương con người. Ông cũng không phải người làm từ thiện xã hội, từ thiện giáo dục hay từ thiện y tế; mà tất cả việc làm đó đều có mục đích tạo uy tín cho bản thân và mục đích chính trị, xã hội.
3. Sự khác biệt giữa sự chia sẻ, giúp đỡ và cho đi theo tinh thần đạo Phật và theo cách của Mạnh Thường Quân.
Triết lý nhà Phật luôn lấy Bi – Trí – Dũng làm lẽ sống trên lộ trình quy thú. Để thành tựu được điều đó, cần phải kết hợp đầy đủ hai phần “tu tập và phụng sự”, một điều mà đức Phật đã duy trì suốt 45 năm độ sinh.
Phụng sự của nhà Phật bao hàm sự cho đi trên phương diện tinh thần lẫn vật chất, cả 2 điều đó xuất phát từ lòng Từ bi. Những người giúp đỡ người khác vì động lòng trắc ẩn, vì sự cảm thông, vì biết đặt mình ở hoàn cảnh của người khác, vì muốn chia sẻ sự may mắn và đầy đủ của mình đến người khác, vì muốn người khác được cơm no ấm lòng, vì muốn mọi người được an vui, vì muốn mọi người cùng sống trong tình thường và sự san sẽ, vì muốn xây dựng một cộng đồng biết quan tâm đến đồng loại thì những vị đó được gọi là những nhà Hảo Tâm, những người Thiện Tâm, những người thực hành hạnh Bồ Tát, những Bồ Đề Tâm. Vì việc làm đó xuất phát từ sự rung động xúc cảm của con người, có cái thấy biết sâu sắc về giá trị của việc mình làm, không vì vụ lợi hay bất kỳ mục đích nào. Đó là sự thật về phụng sự theo Phật giáo; như câu kệ:
“Nắm cơm tuy có tầm thường Nhưng tâm thành kính khi nhường cho nhau Cơm đấy ngon biết nhường nào Ăn cơm ngon đấy tâm vào an vui”. Jàtaka, Túc sinh truyện số 346
Về quan điểm làm từ thiện hay bất cứ một hành động nào mang ý nghĩa san sẻ vật chất lẫn tình thương với mục đích đánh bóng tên tuổi, để tăng uy tín cá nhân, để vụ lợi vật chất, mượn việc làm đó để làm việc khác, để người khác tôn sùng mình, để nhận lấy sự tán dương, để tỏ ra mình thanh cao thì những người đó đều là và ngang hàng với Mạnh Thường Quân, không hơn không kém. Những hành động đó không mang giá trị chân thật, không đem lại lợi ích lâu dài; vì đôi khi cách chúng ta trao quan trọng hơn vật chúng ta cho.
III. Lời kết
Trong Phật giáo, có một người cư sĩ sống cùng thời với đức Phật, tên là Cấp Cô Độc (Anathapindika); ông dành cả đời mình để xây dựng cải tiến xã hội, thành lập các nơi để nuôi người già, trẻ em mồ côi và chưa bao giờ khước từ điều gì. Đối với bổn phận của người phật tử thì ông xây dựng Tịnh thất, phụng dưỡng các vật dụng cá nhân và cúng dường đức Phật cùng chư tăng đến hạt gạo cuối cùng. Từ những việc làm đó mà ông có phước báu rất lớn, và sau khi mạng chung (chết) Ông liền sinh về cõi trời Tusita [2].
Như vậy, Cấp Cô Độc là một hình mẫu cao quý hơn, giá trị hơn, toàn diện hơn so với Mạnh Thường Quân trong việc phụng sự xã hội mà những người con Phật cần phải biết. Vì thế, dù là người phật tử hay là một người lương thiện chúng ta cần phải cân nhắc khi vay mượn danh từ này; và hãy mạnh dạng thay đổi thói quen sử dụng danh xưng này một cách đúng đắn và hiểu biết.
Chúng ta có thể dùng những từ thay thế như “những vị Cấp Cô Độc”, “các nhà Hảo Tâm”, “những người Thiện Tâm”, “các vị Bồ Tát”, “các vị Bồ Đề Tâm”, “những người Thiện sự”, để nói lên đầy đủ ý nghĩa và đúng với ý nguyện của mình; nhằm mang lại công đức cho mình và cho người.
Đại đức Thích Thông Chánh - Chùa Hoa Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi.
--------------------------Tài liệu tham khảo 1. Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Trần Ngọc Thuận dịch, 1997, Lịch Sử Trung Quốc 5000 năm, tập 1, Nxb Văn hoá Thông tin. 2. HT Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh, Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc 143.
Bình luận (0)