Đạo đức Phật giáo qua ngũ Giới là một nếp sống thiết thực cần phải được hành trì. “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi loài chúng sinh, đặc biệt là loài người chúng ta..."
Tác giả: Thích nữ Thánh Nhã
Dẫn nhập
Người Hoa dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng thuộc về một dòng họ, tức gia đình theo nghĩa rộng. Các tổ chức gia đình, dòng họ người Hoa liên kết vững chắc không chỉ bằng huyết thống, bằng quyền lợi vật chất hay bằng các mối dây luân lý của cộng đồng mà còn bằng niềm tin tôn giáo.
Theo đó, vấn đề định hướng nhân cách, tâm lý cộng đồng thông qua tín ngưỡng - tôn giáo trở nhân tố quan trọng trong việc củng cố ý thức làm người và ý thức cộng đồng của người Hoa; trở thành tiềm năng thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
Đối với người Hoa, ý thức làm người được biểu hiện trước hết qua những chuẩn mực đạo đức trong mối quan hệ gia đình, người thân. Ý thức cộng đồng là sự định hướng cho cách ứng xử với người cùng dòng họ, cùng thân tộc, cùng quê hương hay cả về lòng tin vào các thế lực “siêu tự nhiên” chứng giám cho việc làm hằng ngày về mối quan hệ tín nghĩa, trung thành với người thân, bạn bè, về ước vọng sự thuận lợi trong công việc đời thường.
Từ ý nghĩa này có thể thấy tín ngưỡng - tôn giáo là môi trường chủ yếu để tạo nên xu thế định hướng nhân cách và tâm lý cộng đồng của người Hoa. Trong trường hợp như vậy, Phật giáo với tư cách vừa là một bộ phận của ý thức xã hội, vừa là tôn giáo phổ biến trong cộng đồng người Hoa đã luôn thể hiện tính linh động của mình trong việc tác động trở lại đối với sự tồn tại và phát triển chung của cộng đồng người Hoa.
Một trong những tác động rõ nét nhất chính là vận dụng tinh thần ngũ giới trong xây dựng đời sống đạo đức trong gia đình người Hoa.
1. Ngũ giới Phật giáo
Ngũ giới (Pañca- sīla) là năm điều ngăn cấm mà đức Phật đã chế định để ngăn những tưởng niệm xấu ác, lời nói không lành và hành động bất chính như: Từ bỏ sát sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu. Cho đến như vậy, này Mahanama, là người cư sĩ đầy đủ giới[1].
Theo đó, năm điều cần phải tử bỏ của người Phật tử được xem là nguyên lý đạo đức tối thiểu của một đời sống trọn vẹn và tự nguyện, biểu thị đầy đủ đức tính từ bi, tôn trọng sự sống, hạnh phúc, phẩm hạnh của con người. “Từ bỏ không sát sinh, … là tiền đề để vượt thoát mọi sự sợ hãi trong cuộc sống hiện tại.”[2] Vì vậy, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã lấy “năm giới” do đức Phật chế định làm năm yếu tố hòa bình của thế giới.[3]
Ngũ giới thường được mở rộng ra thành “thập thiện” (daśakuśalakarmāṇi) với nội dung chính là mười nghiệp thiện ở thân, khẩu, ý bao gồm: ba điều thiện về thân (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm); 4 điều thiện về khẩu (không nói dối, không nói hai chiều, không nói điều ác, không nói thêu dệt); ba điều thiện về ý (không tham lam, không giận dữ, không tà kiến).
Từ đây có thể thấy cả trong ngũ giới nếu hành trì nghiêm mật thì chẳng những "ngăn ác” mà còn “hành thiện” như không sát sinh mà phải hộ sinh phóng sinh, không trộm cướp mà phải hành bố thí, v.v... Trong “Cương yếu giới luật” nói rõ: “Thập thiện tức là sự phân hóa của ngũ giới, chứ không riêng có thập thiện, điều này có rất nhiều căn cứ trong kinh điển.”[4]
Theo đây, thập thiện có thể bao hàm trong ngũ giới; ngũ giới – thập thiện thường được đặt liền nhau, trở thành nội dung quan trọng của Phật giáo, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc xây dựng hạnh phúc gia đình.
Tất cả giáo lý Phật giáo luôn hàm chứa một năng lực chuyển hóa giáo dục rất sâu sắc, mạnh mẽ. Trong đó, “ngũ giới” do đức Phật chế định được xem là năm yếu tố hòa bình của thế giới và là kim chỉ nam để giải quyết cho mọi vấn nạn về con người, về đời sống mà nhân loại đang cần.
Do vậy, khác với nền giáo dục đạo đức đề cao chữ “lễ” của Nho giáo trong gia đình người Hoa truyền thống, Phật giáo đề cao việc giữ và hành trì theo giới luật. Và vì một nền đạo đức mang tính phổ quát nên ngoài những chuẩn mực đạo đức, đức Phật đã đề cập đến những nguyên tắc đạo đức cơ bản dành cho số đông quần chúng, tập trung chủ yếu ở Ngũ giới.
2. Ngũ giới - nền tảng đạo đức của Phật tử người Hoa
Giới thứ nhất: không giết hại
Trong kinh Lăng-già[5], đức Phật dạy rằng: Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay không ngừng qua lại trong sinh tử luân hồi, không khỏi có lần làm cha mẹ anh em con cái, thân bằng quyến thuộc nhau. Sang đời khác họ sinh làm thân chim và thú. Vậy thì sao nỡ đem ăn thịt? Sự khổ đau của các loài sinh vật do con người tạo ra phải được xác định là một vấn đề đạo đức. “Định luật nhân quả trong lĩnh vực tinh thần đạo đức là Nghiệp Báo, Kamma”[6]
Vì lẽ này nên một trong những lý do Phật giáo chủ trương không sát hại là ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra cũng như thái độ tôn trọng sự công bằng, tôn trọng Phật tính bình đẳng của muôn loài.
Đối với cộng đồng người Hoa, Phật giáo ngay từ đầu đã nối kết với Lão Giáo về nghi lễ quần chúng, cả hai hệ thống đều chủ trương thờ cúng nhưng không sát sinh để cúng tế.
Điển hình như Tết Hạ Nguyên (下元节) của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những ngày ăn chay được quy định trong giới luật ăn chay của Đạo Giáo. Bởi, Đạo giáo cho rằng tất cả những việc dựa vào thần lực như cầu phúc, giải hạn, giảm khổ, tạ tội, cầu an,... đều phải mang thân thanh tịnh, ăn chay, tránh nghiệp sát hại thì mới linh ứng.
Do vậy trong các gia đình người Hoa vào dịp này phần lớn là dâng cúng những món chay như: xôi, cơm, hương, hoa để thành cúng tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thuận của con cháu.
Đi đôi với hạnh phúc, lẽ công bằng và bình đẳng là khát vọng tự nhiên của con người nên giới bất sát của Phật giáo không dừng lại ở việc giết hại thân mạng mà còn mang ý nghĩa không được đọa đày, làm đau khổ cả về cả phương diện tinh thần và tình cảm như: trù dập, áp bức, bóc lột con người, súc sinh,...
Công bằng và bình đẳng theo quan điểm Phật giáo còn kéo theo trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm của con người trong mối quan hệ ứng xử với người khác, với xã hội. Tư tưởng này nằm trong nhiều bản kinh như: Thập Vương Pháp, Giáo Thọ Thi Ca La Việt, v.v...
Theo đó, thương người còn phải kính người, tôn trọng người và hết thảy vạn vật. “Chỉ cần tha mạng sống cho con người hay con vật thì cái “tha” của con người Nho giáo là cái tha mang dáng dấp đắc chí, cái tha vì thương hại, nhưng cái “tha” của con người Phật giáo là cái tha vì lòng tôn trọng và từ bi.”[7] Vì lẽ này, Phật giáo ngày càng chiếm được sự đồng tình, ủng hộ trong cộng đồng người Hoa.
Giới thứ hai: Không trộm cắp
Từ việc ý thức những khổ đau do lường gạt, trộm cướp, áp bức và bất công xã hội gây ra do chạy theo các giá trị của đời sống, đức Phật dạy: “không được trộm cắp” tức không được lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra.
Bởi, giá trị đạo đức của con người là biết sống thiện, tức là sống đạo đức bằng sự nỗ lực tinh cần làm ra của cải vật chất bằng chính sức lao động của mình “do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, do thâu hoạch đúng pháp”[8] Được như vậy mới bảo đảm sự công bằng về sở hữu trí tuệ và sở hữu vật chất của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, dân tộc.
“Con người được coi là có đạo đức hiện nay phải là người có năng lực lao động tự giác, làm việc hết mình vì trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.”[9] Như đã nói, đối với người Hoa, năng lực tự giác trong lao động được xem là một trong những tính cách đặc trưng của họ.
Điều này được thể hiện rõ qua hình ảnh trẻ em người Hoa phải tập học các ngành nghề truyền thống của gia đình như là một tập quán truyền thống của hầu hết gia đình người Hoa. Cho nên những thái độ thiếu trung thực, tiêu cực trong lao động như cân đo gian lận, trốn thuế v.v... đều là những hành vi bất chính không được chấp nhận trong nền đạo đức cơ bản của gia đình người Hoa
Liên hệ giới không trộm cắp, của cải phải do mình làm ra có thể thấy tập quán tự lao động kiếm sống bằng chính năng lực của mình được các thế hệ người Hoa kế thừa đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bởi, tập quán này không chỉ để duy trì, kế thừa phương kế sinh nhai mà còn tạo thói quen trách nhiệm trong lao động, tính kỷ luật trong công việc; nhất là phải biết sống theo lẽ phải, không được lấy những thứ không thuộc về mình từ tiền bạc cho đến công sức của người khác “nhân phi thiện bất giao, vật phi nghĩa bất cầm”.
Do vậy, giới không trộm cắp dù là tài sản vật chất hay tin thần theo lời Phật dạy chính là một trong những nguyên tắc đạo đức xây dựng nhân cách thiết yếu của tộc người Hoa.
Giới thứ ba: Không tà dâm
Đối với người tại gia, “không tà dâm” hiểu theo nội hàm chung nhất là “duy chế tà dâm”, tức là phải ngăn ngừa, hạn chế dục vọng trong một giới hạn nhất định mà xã hội cho phép. Người Phật tử ngoài vợ hay chồng của mình không được quan hệ bất chính với người khác để duy trì sự êm ấm trong gia đình và ổn định ngoài xã hội.
Trong Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt[10] đức Phật dạy rằng: trong một mối liên hệ gắn bó giữa vợ và chồng đều phải làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với nhau, tránh tìm kiếm những mối quan hệ khác.
“Nếu ai có tà hạnh với vợ của ta, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho ta. Nhưng nếu ta có tà hạnh với vợ của người khác, như vậy là một việc không khả ái, không khả ý cho người ấy. […] Do suy tư như vậy, vị ấy tự mình từ bỏ tà hạnh trong các dục, khuyến khích người khác từ bỏ tà hạnh trong các dục, nói lời tán thán từ bỏ tà hạnh trong các dục. Như vậy, về thân hành, vị ấy được hoàn toàn thanh tịnh.”[11]
Do đó, khi người vợ hay chồng có trách nhiệm và chung thủy thì người phối ngẫu phải hết lòng duy trì mối quan hệ đó.
Thực tế cho thấy, trong gia đình người Hoa vấn đề ngoại tình hay quan hệ đối với người không phải là vợ hợp pháp của mình thường xảy ra ở phía người đàn ông. Bởi, họ có nhiều cơ hội giao tiếp với môi trường khác nhau. Thêm vào đó, nhiều gia đình không có con trai nên tâm lý kiếm con trai là khá phổ biến.
“Dư luận xã hội trong cộng đồng người Hoa về việc không có con trai còn tương đối nặng nề, nên người đàn ông thường có nhiều cơ hội để vi phạm luật hôn nhân và gia đình, hơn là ở đàn bà”[12] Ở Phụ nữ người Hoa do ảnh hưởng về “tam tòng, tứ đức” của Nho gia khá đậm nét nên khả năng ngoại tình, quan hệ bất chính được cho là ít hơn bởi tính cách của phụ nữ Hoa là dù họ có làm bất cứ ngành nghề gì cũng đặt gia đình, chồng con là trên hết, luôn xem gia đình là nơi quy thuộc của mình.
Nền đạo đức luân lý đặt nặng lễ giáo của Nho gia xem tà hạnh là điều đáng xấu hổ và vi phạm đạo đức con người. Quan niệm này được xem là tương đồng với Phật giáo nên trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử đời Hậu Hán đã đem giới không tà dâm của Phật giáo phối hợp với “lễ” của Nho giáo trong việc giáo dục nền tảng đạo đức trong mối quan hệ hôn nhân, gia đình.[13]
Giáo sư Tạ Chí Hồng khi nghiên cứu về sự ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đến các phẩm chất đạo đức hằng ngày của người Việt nói chung, người Hoa nói riêng từng nhận định rằng: “Các vụ ly hôn của Phật tử, nếu có cũng ít hơn nhiều lần so với những người bình thường. Và rõ ràng, chỉ riêng đạo đức trong hôn nhân và gia đình cũng đã cho thấy sự giáo dục diệu dụng của Phật giáo.”[14]
Tóm lại, tuy pháp luật đã có nhiều phương án răn đe, kiểm soát vấn nạn liên quan đến tà dâm, làm tha hóa đạo đức con người nhưng vẫn chưa triệt để. Vì vậy việc con người tự ý thức chuyển hóa dục vọng, làm chủ bản thân theo lời Phật dạy không chỉ là yếu tố căn bản của một tình yêu thương đích thực mà còn là nền tảng vửng chắc để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển lành mạnh.
Giới thứ 4: Không nói dối
Không nói dối theo lời Phật dạy được xem là nguyên tắc nói đúng sự thật. Sự chân thành chính là kết quả của nghệ thuật sống gồm đủ hai yếu tố từ bi, trí tuệ.[15] Đức Phật chính là hiện thân của hai yếu tố trên, nhất là không bao giờ nói dối. “Trong suốt 45 năm thuyết giảng thành công và sinh động, đức Phật đã thể hiện lời nói của mình thành hành động.”[16]
Cho nên đạo Phật luôn được biết đến là đạo của sự thật, luôn tôn trọng sự thật, dù chỉ là nói chơi: “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi.”[17] Hậu quả của việc nói dối là vô cùng tai hại, ảnh hưởng xấu cho cả mình và người khác.
Thực trạng cuộc sống hiện nay cho thấy không ít người vì sự cám dỗ của si mê và dục vọng, sẵn sàng lừa dối người người thân để trục lợi tiền bạc về mình hay gian dối với người bạn đời của mình để đi tìm sự mới lạ, chạy theo cảm xúc thăng hoa, gây ra nhiều cảnh đáng ghen, thậm chí giết hại lẫn nhau, v.v... Vậy nên không nói dối theo lời Phật dạy chính là nhân tố quan trọng tạo dựng niềm tin giữa các thành viên trong gia đình và là phương cách giữ lửa hôn nhân giữa vợ và chồng.
Đối với người Hoa việc coi trọng, giữ gìn lời nói không chỉ liên quan đến nhân phẩm cá nhân, danh dự gia đình, dòng họ mà còn liên quan đến kinh doanh, buôn bán xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực kinh tế. Bởi, chữ “tín” được người Hoa sử dụng như một phương tiện, một cam kết bất thành văn trong giao dịch với mục đích xây dựng để lòng tin trong làm ăn, buôn bán; có tính quyết định đến sự thành công trên thương trường.
Do vậy việc không chịu trách nhiệm với lời nói không chỉ là vấn đề đạo đức mà còn là uy tín, danh dự của cả gia tộc. Cho nên giới không nói dối của người Hoa có cơ sở giữ gìn nghiêm ngặt.
Tóm lại, không nói dối hay làm chủ khẩu nghiệp theo lời Phật dạy chính là phương thức rèn luyện đạo đức cơ bản, thiết thực trên nhiều phương diện cuộc sống. Đặc biệt đối với người Hoa, dù là phật tử hay không phải phật tử thì đa phần họ đều ý thức được tầm quan trọng của lời nói trong việc duy trì các mối quan hệ cũng như danh dự, uy tín của bản thân, gia đình, dòng họ.
Giới thứ năm: Không uống rượu
Đức Phật chế giới “không uống rượu” vì rượu làm trợ duyên sinh ra các tội lỗi và làm mất hạt giống trí tuệ. Tuy trong năm giới rượu thuộc “khinh giới” nhưng khi đã phạm thì con người dễ đi đến phạm vào những giới trọng (sát, đạo, dâm, vọng). Bởi, rượu được xem là một trong những tác nhân dẫn đường cho sáu thứ nguy hiểm xảy ra như: tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, trí lực tổn hại.[18]
Do đó, đức Phật chế giới không uống rượu chính là bảo vệ đời sống tinh thần lẫn vật chất cho người trì giới. Thái Hư đại sư khi nói về “không uống rượu” của Phật giáo nhấn mạnh rằng: “quyết định chẳng vi phạm, trong đời này, quý vị chẳng mắc bệnh.”[19]
Xã hội hiện đại ngày nay không chỉ uống rượu hay sử dụng các chất kích thích mới mang lại độc đố mà độc tố còn đến từ các phương tiện truyền thông như: phim ảnh, sách báo đồi trụy, v.v... đã và đang làm cho thế giới mất quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa hưởng thụ và đạo đức.
Vì vậy, con người cần phải học cách chuyển hóa thân tâm, nuôi dưỡng sức khỏe cơ thể và tâm hồn bằng cách thực tập chính niệm trong việc ăn uống như trong kinh Tương Ưng, đức Phật dạy rằng: Con người thường chính niệm/ Được ăn, biết phải chăng/ Chừng mực, cảm thọ mạnh/ Già chậm, tuổi thọ dài.“[20] Ngoài ra, tập nhìn sâu vào tự tính tương quan tương duyên của vạn vật được xem là phương pháp tu dưỡng đạo đức con người theo tinh thần Phật giáo.
Như vậy, từ nội dung trên có thể thấy Phật giáo đặt trọng tâm vào con người, ngũ giới – thập thiện theo đó mang ý nghĩa sâu sắc về hành vi, ý thức, trách nhiệm của mỗi người. “Cũng vậy, này thôn trưởng. Người nào sát sinh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các ái dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến [...] Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”[21]
Nếu con người tạo nghiệp bất thiện thì chính là tạo nhân xấu ác cho chính mình, và hậu quả cũng tự mình nhận lấy.
Bên cạnh đó, qua năm giới – thập thiện thể hiện đạo đức Phật giáo với tính ôn hòa có thể dễ dàng dung hợp với nền đạo đức của Khổng giáo, Lão giáo ở người Hoa. Song, với đặc điểm và mục đích của Phật giáo đã cho thấy nét đặc trưng riêng. Chẳng hạn như tuy đều nhấn mạnh đến “lễ” và “trí” nhưng trên thực tế Nho giáo không cấm uống rượu.
Vậy nên pháp sư Thánh Nghiêm khi nói đến sự liên hệ giữa ngũ giới của Phật giáo và ngũ thường của Nho gia đã nhấn mạnh rằng: “Phương pháp phối hợp ngũ giới của Phật giáo với ngũ thường của Nho giáo chỉ có thể nói về tiêu chuẩn đạo đức của nhân gian có một xu thế tiếp xúc tương đối gần gũi, chứ chẳng nên nói là tuyệt đối thích đáng.”[22]
Tóm lại, nếp sống đạo đức của Phật giáo được thể hiện rõ nét ở việc giữ gìn ngũ giới – thập thiện. Nói cách khác ngũ giới được xem là nền tảng đạo đức tối thiểu của một đời sống trọn vẹn và tự nguyện; biểu thị đầy đủ đức tính từ bi, tôn trọng sự sống, hạnh phúc, phẩm hạnh của con người.
3. Cộng đồng người Hoa xây dựng đời sống đạo đức qua ngũ giới
Chân dung cư sĩ người Hoa được cho là “sản phẩm” của sự dung hòa giữa Nho giáo và Phật giáo, mang nét đặc trưng riêng như sau: “Cư sĩ là từ để chỉ học giả Nho giáo sống cuộc sống ẩn cư của Phật giáo mà không xuất gia thành Tăng sĩ. Đây là phát minh riêng có của Trung Quốc. Nó cho phép một tín đồ Phật giáo có thể kết hôn và ăn chay khi cảm thấy tiện.”[23]
Các nghi thức truyền tam quy và ngũ giới cho phật tử tại chùa Hoa trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cũng có nét khác so với Phật giáo Bắc tông của người Việt.
Cụ thể như: “nếu các cư sĩ phật tử muốn thọ ngũ giới thì sẽ truyền trao riêng vào một giờ hoặc một ngày khác, và sau khi thọ ngũ giới, họ sẽ đưa trao một y hậu màu nâu với 5 đường dọc (y 5 điều). Còn đối với các cư sĩ Bồ tát giới thì được phép đắp y màu nâu gồm 3 đường dọc và 2 đường ngang, gồm một đường ngang dài và một đường ngang ngắn, gọi là Man Y.”[24]
Mặc dù về mặt hình thức cư sĩ người Hoa có nét khác so với phật tử người Việt. Song, việc xây dựng đạo đức qua ngũ giới của phật tử là như nhau. Bởi, ý nghĩa đạo đức và giá trị của giới xuất hiện ở việc giữ mình, điều ngự mình sau cho được an vui, không bị trở ngại, khổ đau thì mới được gọi là trì giới. [25]
Đạo đức Phật giáo qua ngũ giới là một nếp sống thiết thực cần phải được hành trì. “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi loài chúng sinh, đặc biệt là loài người chúng ta [...] Và nếp sống ấy phải được đem ra hành trì, thực hiện, không phải để lễ bái cầu xin. Có thực hiện, người hành trì mới hưởng được hạnh phúc, an lạc, thiết thực hiện tại và ngay trong đời này.”[26]
Trong phạm vi gia đình có thể thấy bậc ông bà, cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo trong việc thực hành các nguyên tắc đạo đức chung của con người. Nói cách khác, sự giáo dục con cái có được kết quả tốt là do tư cách, hành động của cha mẹ.
Xuất phát từ quan điểm đạo đức gắn liền với hạnh phúc nên nếp sống đạo đức của Phật giáo được thể hiện ở hai điểm cơ bản: nếp sống đạo đức của một gia đình hạnh phúc và nếp sống đạo đức của một tập thể hạnh phúc. Nếp sống đạo đức của một gia đình hạnh phúc, ngoài việc giữ gìn ngũ giới – thập thiện.
Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt[27] đức phật còn khuyên con người từ bỏ 14 điều dơ bẩn được chia ra như sau: không làm 4 việc (trộm cắp, sát sinh, tà hạnh và nói dối), không hành động theo 4 động cơ (tham, sân, si và sợ hãi), không phung phí tài sản theo 6 cách: rượu chè, cờ bạc, đam mê nữ sắc, kết bạn với người xấu, la cà đình đám hý viện và đường phố phi thời. Đây là 14 điều mà tự thân cần từ bỏ để trở thành con người có đạo đức.
Bên cạnh đó, đức Phật chỉ ra nếp sống đạo đức của một tập thể hạnh phúc qua “Pháp lục hòa”. Như vậy, việc thực hành theo lời Phật dạy không những góp phần kìm hãm bớt những thói hư tật xấu của con người để làm trong sạch xã hội mà còn mang lại nhiều giá trị đạo đức cho con người.
Giới luật là điều kiện cần thiết cho con người, nhất là trong đời sống có quá nhiều rủi ro và bất an như hiện nay thì việc giữ năm giới chính giữ gìn đạo đức căn bản của một con người, thể hiện mối quan hệ hiểu biết của xã hội.
Vì lẽ này nên vai trò của tôn giáo trong việc xây dựng hạnh phúc nhân sinh được đức Đạt Lai La Ma nhận định: Tôn giáo có khả năng to lớn trong việc tạo lợi lạc cho nhân loại. Biết sử dụng đúng đắn, đó là một thứ công cụ hữu hiệu tuyệt vời trong việc xây dựng hạnh phúc nhân sinh. Đặc biệt, tôn giáo giữ một vai trò hướng đạo trong việc khuyến tấn loài người phát huy một cảm thức trách nhiệm đối với tha nhân và một nhu cầu cần giới luật theo đạo lý.”[28]
Theo đây bất kì tôn giáo hữu ích cho con người đều không thể trái với tiêu chuẩn đạo đức của nhân lọai. Đặc biệt, đối với cộng đồng người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu di dân sang Việt Nam, tính chất một “Tam giáo đồng nguyên” được xem là tính chất của người Hoa theo đạo Phật.
Nhưng, khác với Trung Hoa, tính chất “đồng nguyên” chỉ trên danh nghĩa. Ở Việt Nam, cả ba tôn giáo luôn có sự hòa hợp nhất định trong việc hướng con người đến chân, thiện, mỹ. “Còn người Việt Nho không lấy làm bực mình khi nghe một nhà sư tụng bài kinh siêu thoát, không lấy làm tức tối khi trông thấy một ông thầy phù thủy vẽ bùa […] Tinh thần tổng hợp ấy đã dẫn dắt tất cả mọi người ý niệm Tam giáo đồng nguyên.”[29]
Nhận thức yếu tố Tam giáo đã trở thành một truyền thống ảnh hưởng sâu đậm trên nền tảng văn hóa người Hoa cả về đời sống, luân lý xã hội nên việc khuyến khích cộng đồng người Hoa thọ trì ngũ giới, thập thiện đòi hỏi tự thân Phật giáo, ngoài tư tưởng giàu tính nhân văn cao cả còn phải khéo léo trong cách truyền giáo, tôn trọng phong tục tập quán của cộng đồng.
Điển hình như trong tác phẩm Lý Hoặc Luận[30] của Mâu Tử đời Hậu Hán đã đem ngũ giới của Phật giáo phối hợp với ngũ thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) của Khổng giáo như: không sát sinh là nhân, không trộm cướp phối hợp với nghĩa, không tà dâm phối hợp với lễ, không vọng ngữ phối hợp với tín, không uống rượu phối hợp với trí.
Thái Hư đại sư cũng đã liên hệ ngũ giới của Phật giáo với ngũ thường của Khổng giáo như sau: “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và Ngũ giới trong Phật pháp hoàn toàn giống nhau. Nhân là chẳng sát sinh, Nghĩa là chẳng trộm cắp, Lễ là chẳng tà hạnh, Trí là chẳng uống rượu, Tín là chẳng nói dối, hoàn toàn tương ứng với năm giới, quý vị đều có thể làm được, quyết định chẳng vi phạm, trong đời này, quý vị chẳng mắc bệnh.”[31]
Từ tiêu chuẩn và giá trị mang ý nghĩa “tùy cơ”, Phật giáo đã khéo léo dung hợp tinh thần “vô ngã” của mình với Khổng giáo và Lão giáo để dễ dàng thích nghi với các đặc trưng văn hóa sẵn có của dân tộc Hoa. Nhờ đó, Phật giáo không những dễ dàng được chấp nhận mà còn ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống người Hoa.
Nền tảng của đạo đức Phật giáo luôn được người Hoa đồng tình, chấp nhận vì có khả năng giúp con người cải thiện cuộc sống và xã hội hiện tại.
Tuy nhiên nhà hoằng pháp Phật giáo cần nổ lực trong việc tìm cách cho Phật giáo thích nghi với đời sống gia đình người Hoa hơn nữa như Hòa thượng Thích Minh Châu khi liên hệ giữa việc giữ gìn năm giới với nếp sống lành mạnh, an lạc nhấn mạnh rằng: “Năm giới, một nếp sống lành mạnh, an lạc, hạnh phúc” đã nhấn mạnh rằng: “Vấn đề này không nên áp đặt, mà nên tùy theo hoàn cảnh và sở thích từng người mà giải quyết hợp lý.”[32]
Chẳng hạn đối với tính cách trọng chữ tín, trọng nghĩa khí như người Hoa, định hướng nếp sống lành mạnh, không mang tính áp đặt được thể hiện qua “giới không trộm cắp” chính là thái độ thiếu trung thực, tinh thần và thái độ lao động không đúng đắn, là những hành vi đi ngược lại với Phật dạy về Chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, v.v...Việc định hướng như vậy sẽ dễ dàng nhận được sự đồng thuận cao, tăng thêm khả năng bao quát của giáo lý, của giới luật theo tinh thần Phật giáo.
Nhìn chung, ảnh hưởng của Phật giáo tới đại đa số quần chúng, tầng lớp bình dân nói chung, cộng đồng người Hoa nói riêng thường là những tư tưởng cơ bản, đơn giản, dễ hiểu của Phật giáo như: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối.
Vì lẽ này nên trong trong tác phẩm “Đạo đức và hạnh phúc con người” Hòa thượng Thích Minh Châu nhấn mạnh: “Trong ý nghĩa tổng quát và căn bản để đánh giá hành động; loại trừ những sai lầm, khổ đau, tiến đến hạnh phúc tối hậu thì Phật học chính là đạo đức học. Đây chính là ý nghĩa thực tiễn nhất của giáo lý Phật giáo vậy.”[33]
Kết luận
Tóm lại, vận dụng ngũ giới - thập thiện trong việc xây dựng đời sống đạo đức sẽ mang đến nhiều an lạc, hạnh phúc không những làm tăng trưởng lòng thiện của từng cá nhân mà còn góp phần kiến tạo nên một xã hội tốt lành – một xã hội gồm những cá nhân đầy tự tin và biết tôn trọng đời sống lẫn nhau.
Song, hơn ai hết, người trì giới cần phải hiểu và vận dụng hợp lý mới có thể hướng đến sự bình đẳng, hạnh phúc cho mình và cho người, cho gia đình và xã hội nói chung, gia đình phật tử người Hoa nói riêng.
Tác giả: Thích nữ Thánh Nhã
Bình luận (0)