Tác giả: Nguyễn Văn An - Bảo tàng Bắc Ninh
Chùa Bảo Quang tên Nôm là chùa Bụt Mọc, chùa Bách Tháp tọa lạc tại khu phố Sơn Đông, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Chùa nằm ở sườn núi Con Phượng, tạo thành thế chân vạc cùng với chùa Hàm Long và chùa Dạm. Ngôi chùa do thiền sư Như Thông hưng công xây dựng vào thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ XVIII. Nơi đây từng là chốn tổ sơn môn Bảo Quang.
Sách “Đại Nam Nhất thống chí” phần tỉnh Bắc Ninh ghi lại vài dòng về ngôi chùa như sau: “…Chùa Bảo Quang ở phía Đông Bắc xã Lãm Sơn, huyện Quế Dương, đỉnh núi có viên đá đứng như hình người. Đời Lê Vĩnh Thịnh (1705 - 1719) thiền sư tên tự là Như Thông mới dựng chùa này…”. Theo nội dung văn bia “Lãm Sơn Bảo Quang tự Báo Ân tháp ký” do sa môn Tính Quảng soạn vào năm Cảnh Hưng 24 (1763) hiện đang lưu giữ tại chùa cho biết: “…thiền sư Như Thích (1659 - 1723), húy là Thông, người quê thôn Phú Mẫn, xã Nội Trà, huyện Yên Phong. Năm 58 tuổi, ngài mới xuất gia, học đạo với thiền sư Chân Nguyên Chính Giác (1647 - 1726). Sau một thời gian, ngài xin bản sư du phương. Xa nghe Lãm Sơn, Quế Dương là một thắng địa, ngài bèn tìm đến. Lên lưng chừng núi thấy có một ngôi miếu hoang, trong miếu thờ khối đá hình giống tượng Phật (nơi đây gọi là Bụt Mọc) ngài bèn khởi kính, có ý lập chùa dừng chân hoằng hóa. Năm Canh Tý (1720), ý định đó chín muồi, ngài bỏ tiền, khuyến hóa thiện tín hương dân sáng lập chùa có tính chất qui mô, đặt nền tảng mở đầu, đặt tên chùa là Bảo Quang thiền tự...”.
Sau khi thiền sư Như Thông viên tịch, thiền đệ Như Tùy kế đăng trụ trì, tiếp nối ý chí của thiền huynh, khai mở đạo tràng thuyết pháp, thí giới. Từ đây, chùa Bảo Quang trở thành một điểm dừng chân của các tăng, ni du phương về học đạo. Dần dần, ngôi chùa phát triển thành một sơn môn lớn của cả vùng, bao gồm nhiều ngôi chùa cơ sở trực thuộc và có một quá trình truyền thừa liên tiếp. Các thế hệ trụ trì cùng chư tăng sơn môn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của Phật giáo thời Lê - Nguyễn. Đến khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam giai đoạn (1946 - 1954), ngôi chùa đã bị tiêu hủy trong kháng chiến, các tháp mộ - nơi an táng nhiều thế hệ tăng ni thuộc sơn môn Bảo Quang bị hư hỏng, sụp đổ mất hơn một nửa.
Hiện nay, trong khuôn viên chùa Bảo Quang có 48 ngôi tháp mộ nằm dọc theo sườn núi Con Phượng gồm các ngôi tháp mộ có tên như: Thiền Phong, Tuệ Sơn, Thục Đức, Bồ Đề, Thanh Minh, Minh Phúc, Như Bảo, Phú Quang, Viên Thông, Viên Trí, Bảo Quang, Đồng Quang, Phổ Đồng (nơi an táng chung 36 di cốt các vị thiền sư)… Tất cả các ngôi tháp mộ đều được xây bằng gạch, hầu hết để mộc có niên đại từ cuối thời Lê Trung Hưng sang thời Nguyễn. Tháp mộ có niên đại sớm nhất là tháp Thiền Phong được xây dựng vào năm Canh Dần (1770). Trong đó đặc biệt đáng chú ý nhất là tháp Tuệ Sơn gồm 4 tầng, cao hơn 6m, đế tháp rộng 1,8m, làm theo kiểu hình tứ giác thon dần về phía đỉnh. Mặt trước tháp gắn bia đề tên “Tuệ Sơn tháp” kiểu chữ triện thư, 3 mặt xung quanh tháp gắn bia đá “Tuệ Sơn tháp ký” do Thân Thân thiền nạp soạn vào năm 1784, nội dung ghi lại hành trạng hai vị thiền sư được an táng trong ngôi tháp mộ như sau: …Thiền sư Hải Thuần Thích Hạo Hạo được sắc ban cho đạo hiệu là Chân Tâm hòa thượng, người quê ở Vân Khám, Kinh Bắc. Sư họ Dương, sinh năm Đinh Hợi. Thuở nhỏ xuất gia, lúc đầu học đạo với ngài Viên Thường, sau theo ngài Báo Đức… Thiền sư Hải Khâm Tuệ Nhãn trụ trì am Thụ Thụ, chùa Bảo Quang, người Thọ Vực, Sơn Nam. Sư sinh năm Mậu Thân, họ Đặng, cha mẹ mất sớm. Năm Giáp Tuất ngài tròn 24 tuổi ngộ đạo xuất gia. Lúc đầu, sư qui tông với đại sĩ tháp Bồ Đề tức thiền sư Hải Lượng, xin làm thị giả chưa lâu thì bản sư viên tịch. Ngài sang chùa Long Động, núi Yên Tử thụ tỳ kheo giới với thiền sư Tính Đường. Ngài là người đứng in một số tác phẩm kinh điển và đề tựa vào sách. Trong quá trình hành đạo, sư còn được các sơn môn ủy giao soạn các văn bia tháp ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của các vị thiền sư…
Qua việc nghiên cứu nội dung văn bia khắc trên tháp Tuệ Sơn ở chùa Bảo Quang, chúng tôi nhận thấy đây là một trường hợp đặc biệt. Thông thường, di cốt các vị thiền sư được an táng cùng một tháp mộ thì đặt tên là tháp “Phổ Đồng”. Nhưng ở tháp Tuệ Sơn lại khác, hai vị thiền sư Hải Thuần và Hải Khâm đều thuộc sơn môn Bảo Quang sinh sống cùng một thời, sau khi các ngài viên tịch được đồ đệ an trí xá lị vào cùng một tháp mộ đặt tên là Tuệ Sơn và khắc văn bia lưu truyền lại hành trạng của thầy. Đây là một nét văn hóa độc đáo ở vùng đất cổ Bắc Ninh - Kinh Bắc văn hiến được mệnh danh là “vương quốc” của Phật giáo nói chung và sơn môn Bảo Quang nói riêng.
Tác giả: Nguyễn Văn An - Bảo tàng Bắc Ninh
Bình luận (0)