Cứ hàng năm vào ngày 15/4 Âm lịch, cả nhân loại lại tưởng nhớ đến bậc vĩ nhân mọi thời đại. Kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Phật, đã được Liên Hợp Quốc công nhận là ngày Đại lễ Quốc tế, ngày hòa bình văn hóa của toàn nhân loại. Đó cũng là niềm vinh dự và tự hào cho không chỉ những người con Phật mà còn là tấm gương sáng ngời về đức hạnh và trí tuệ của Ngài đối với toàn thể loài người.
Trong lịch sử nhân loại có rất nhiều người đã từ bỏ cuộc sống đế vương để xuất gia tu hành, nếu không có những chủng tử Phật do tu hành từ trong quá khứ, thì không thể nào từ bỏ được những ham muốn dục lạc của thế gian. Đó cũng là lý do cho ta hiểu, tại sao khi con người được sinh ra, có người ham thích thứ này, kẻ khác lại đam mê thứ kia. Có người vì tham sân si mà đâm cha giết chú để giành bằng được ngai vàng, còn người khác lại từ bỏ nó, xuất gia tìm Đạo.
Thái tử Tất Đạt Đa, chính là đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni lúc còn trẻ khi ở trong Hoàng cung. Thái tử Tất Đạt Đa xin vua cha xuất gia tu hành, nhà vua Tịnh Phạn rất lấy làm buồn rầu, vì lo lắng không có người kế vị ngai vàng khi nhà vua băng hà. Thái tử Tất Đạt Đa phải thưa với vua cha rằng: Nếu vua cha đáp ứng được 4 điều sau thì Thái tử sẽ không xuất gia, ở lại trị vì đất nước. Bốn điều đó là: “Làm sao cho con trẻ mãi không già, làm sao cho con khỏe mãi không đau, làm sao cho con sống hoài không chết và làm sao cho mọi người dân hết khổ”. Nhà vua Tịnh Phạn rất lấy làm bối rối, vì không thể đáp ứng được bất kỳ điều nào trong 4 điều trên và Thái tử Tất Đạt Đa đã xuất gia tìm Đạo.
Cho nên có thể nói lịch sử của đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là lịch sử của một con người bằng xương bằng thịt, nhờ công phu tu hành, làm mọi điều lành tránh mọi điều dữ, gột sạch nội tâm, tinh tấn tu hành để trở thành một con người hoàn thiện vừa có đức hạnh, lại có trí tuệ cao, một bậc Thánh giữa thế gian, một Đạo sư, khai sáng và truyền bá đạo Phật cho toàn nhân loại. Đúng như lời của đại thi hào Ấn Độ Tagoro có viết: “Ngài là con người vĩ đại nhất của mọi thời đại”. Học giả Hồi giáo - Amuslin Scholar viết: “Đức Phật không phải là của riêng người phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều tư tưởng của Ngài”.
Giáo lý thâm sâu của đức Phật là một nền giáo dục hoàn hảo về sự hiểu biết chân lý của đời sống và vũ trụ. Giáo lý của đức Phật là từ bi, là trí tuệ, là bình đẳng, là bác ái. Cho nên có thể nói, ngày nay trong cái thế giới đầy giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thì thông điệp hoà bình của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ.
Trong đạo nhà Phật có câu: “Phật Pháp cao siêu rất thậm sâu, Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm câu”.
Kỷ niệm ngày Đản sinh của đức Phật, chúng ta dâng cúng đức Phật để làm theo gương đạo đức của Ngài. Ngài cũng là một con người bình thường ở thế gian mà đã giác ngộ thành Phật. Tại sao chúng ta không thể noi theo học tập Ngài?
Tác giả: Phúc Minh
Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2018
Bình luận (0)