DẪN NHẬP

Đạo đức con người có nghĩa là tự hình thành xây dựng cho mình một nhân cách để trở thành một người hữu ích đối với gia đình, xã hội xa hơn thế nữa là đem cái hay cái tốt của tiền nhân dạy lại đàn hậu bối. Như thế trong mỗi chúng ta ai ai cũng đều nỗ lực sửa đổi từ lời nói cho đến hành vi của mình với mục đích hoàn thiện nhân cách, giúp cho tha nhân thăng hoa hơn trong nền tảng giáo dục. Vì thế, có những quy định về nguyên tắc đạo đức đã ra đời nhằm mục đích duy nhất đó chính là không ngừng phấn đấu để hoàn thiện lấy chính mình. Nền văn minh khoa học của thời xưa chưa phát triển phương tiện đi lại còn nghèo nàn, cuộc sống thì thiếu thốn mọi người ai ai cũng mong mình có một cuộc sống giàu sang, ngày nay xã hội thì không ngừng phát triển nền văn minh khoa học hiện và đang dần lên đỉnh cao, con người sống đầy đủ là điều mà ai cũng mong muốn. Thế nhưng, đạo đức con người lại tỷ lệ nghịch với điều kiện vật chất của họ, chúng ta thấy rõ người nhiều tham muốn thì càng khó lòng giữ được đạo đức thanh cao trong sáng, đơn giản họ cho rằng giữ đạo đức tốt lương thiện thì sẽ bị thiệt thòi, nên sức nhẫn nại không có. Chúng ta nên nhìn thẳng vào thực tế hiện nay, về mặt kinh tế chính trị nạn tham ô, lừa gạt, sự phung phí tài sản của dân, làm giàu bất chính, các nạn cờ bạc, rượu chè, mại dâm thậm chí công khai, trộm cướp vẫn diễn ra.

Cách đây, hai mươi mấy thế kỉ đạo phật xuất hiện tại Ấn Độ, ngài đã tùy duyên chế định những giới luật nhằm mục đích: “Phòng phi chỉ ác” bảo về nhân loại không bị sa vào con đường tội lỗi. Về mặt căn bản thì giới luật của Phật không bị lỗi thời mà ngược lại rất thích ứng vời mọi thời đại đặc biệt thời công nghệ 4.0 này. Đối với hàng tại gia ngũ giới thì không quá khắc khe như của các vị xuất gia nhưng vẫn mang lại lợi ích cho cá nhân và cộng đồng. Nếu bản thân của mỗi người biết áp dụng vào đời sống thực tiễn thì xã hội sẽ tốt đẹp biết nhường nào.

Tag: Ngũ giới, giới luật, tăng sĩ, cư sĩ, kinh sách, kinh Nikaya, đức Phật

NỘI DUNG

1. Khái niệm Đạo đức là gì?

Theo từ điển tiếng việt:“Đạo đức là những quy chuẩn, nguyên tắc về hành vi, ứng xử và quan hệ giữa người và người, đã được xã hội thừa nhận là phẩm chất tốt đẹp.”[1] Riêng về tiếng Hoa viết là: “道 德”, tiếng Anh dịch: “Ethics”, “morality”. “Khái niệm này có thể được tỉnh lược và viết gọn lại thành đức (德, virtue). Đức cũng đồng nghĩa với đạo đức. Ở Trung Quốc, đặc biệt trong giới Nho gia, còn sử dụng một thuật ngữ khác, đó là luân thường (倫 常) hay là luân lý (倫 理), viết đủ là 倫 常 道 理. Chữ 倫 có nghĩa là lẽ thường, cái mà mọi người chấp nhận; còn 理 là nguyên lý, là điều đã được mọi người công nhận là đúng với thời điểm đó hoặc vượt thời gian. Cho nên, khi nói đến luân lý là nói đến những nguyên lý mà mọi người đã chấp nhận, và tuân theo.”[2]

2. Đạo đức học trong Phật giáo

Đạo đức học được “dệt trong tấm vải giáo lý của hệ thống giáo lý và không có ngành học hay tông phái Phật giáo nào mà không nhấn mạnh sự quan trọng của cuộc sống đạo hạnh”.[3] Theo P.D. Premasiri: “Đạo đức hiểu một cách chung chung là nghiên cứu cách đánh giá về nhân cách, lối cư xử, mục đích, thiên hướng, ý định, cách sống của một con người và các thiết chế quy định. Đạo đức của một cộng đồng, một nhóm văn hoá hay là một hệ thống tôn giáo có thể nghiên cứu thông qua kinh nghiệm bằng cách theo các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội để khám phá giá trị của nó và tại sao những giá trị đó trở nên hiện thực. Đạo đức học cũng xác minh một phương thức nghiên cứu triết học nhằm nỗ lực trả lời những câu hỏi phổ quát về ý nghĩa của thuật ngữ đạo đức và những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức”. Còn Thích Chân Quang: “Đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm ta, mà những khuynh hướng đó tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến cho mọi người chung quanh ta được chuyển hoá, an vui, lợi ích”[4].

Vậy Đạo đức học Phật giáo là gì? Tức là một môn học nói về đạo đức (nhân phẩm, đạo hạnh, tư cách và cách đánh giá các góc độ trên) theo quan điểm của Phật giáo. Hay nói khác đi là môn học đạo đức dựa trên quan điểm Phật giáo. Trong lời nói đầu của tác phẩm “Đạo đức và hạnh phúc con người” của HT.Thích Minh Châu có viết lời giới thiệu: “Đạo đức học trong triết học là môn học nhằm đánh giá hành động; từ đó nhận rõ con đường người ta phải theo để loại trừ những sai lầm, khổ đau, tiến đến hạnh phúc tối hậu. Trong ý nghĩa tổng quát và căn bản này, toàn bộ kinh sách Phật giáo dù vô cùng phong phú, chi tiết, khúc chiết vẫn được xem là thuộc pháp môn để thực hành, để tu tập, tiến đến giải thoát, hạnh phúc miên trường, cứu cánh Niết bàn; và như thế, Phật học rốt lại chính là Đạo đức học. Đó là ý nghĩa thực tiễn nhất của giáo lý Phật giáo vậy”[5]. Qua đó, “đạo đức Phật giáo là một nếp sống phù hợp với lẽ phải, con người chấp nhận, tôn trọng (hướng thiện), và được các bậc trí giả và thánh triết ngợi khen (hướng thượng), có tác năng làm cho đời sống hiện tại và tương lai của người thực hiện được an ổn, hạnh phúc”[6].

3. Duyên khởi hình thành Ngũ giới

Sau khi đức Phật thành đạo, Ngài vì tất cả chúng sinh mà giảng dạy giáo pháp và muốn tất cả chúng đệ tử của Ngài có nếp sống thanh, không bị nhiễm ô trên con đường tu tập và chế ngự tâm cơ hiềm của tất cả ngoại đạo nên Ngài đã tùy phạm tùy chế các giới điều cho chúng đệ tử; riêng về chúng tại gia Ngài đã nói về ngũ giới và sự hành trì cũng như lợi ích đạo đức căn bản. Nhân duyên ngài nói về ngũ giới: “Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã làm, đã làm nhiều thành hạnh địa ngục, hạnh súc sinh, hạnh ngạ quỷ, nếu sinh trong loài người thọ sinh rất ngắn, như là sát sinh. Này các Tỳ-kheo! Nếu có người ý thích sát sinh liền đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; nếu sinh trong loài Người thọ mạng rất ngắn. Vì sao thế? Vì đoạn dứt mạng kẻ khác vậy. Thế nên, hãy học chớ sát sinh [....] nếu có người chẳng uống rượu, sinh ra liền thông minh không có ngu dốt, biết rộng nhớ nhiều, ý không nhầm lẫn.”[7] Cũng tại trong rừng trúc lâm sau khi trú lại đêm “vào buổi sáng sớm ,cầm y bát vào thành Vương xá để khất thực. Rồi Ngài đi đến rừng Ôn tuyền, trú xứ của Tôn giả La-hầu-la. Tôn giả La-hầu-la từ đàng xa thấy đức Thế Tôn đến, lập tức đến rước, cầm y bát của Phật, trải tọa cụ và múc nước rửa chân. Đức Phật rửa chân xong, ngồi trên chỗ ngồi của La-hầu-la. Khi đó đức Thế Tôn liền lấy chậu nước đổ đi, chỉ lưu lại một ít, rồi hỏi: La-hầu-la, ngươi nay có thấy Ta cầm chậu nước này đổ đi, chỉ lưu lại một ít không? La-hầu-la đáp: Bạch Thế Tôn, con có thấy. Phật bảo:Ta nói đạo của người kia cũng ít như vậy, nghĩa là đã biết rồi còn nói dối mà không xấu hổ, không ăn năn, không tàm, không quý. Này La-hầu-la, người kia cũng không có điều ác nào là không làm. Do đó, này La-hầu-la, hãy nên học như thế này: Không được đùa giỡn và nói dối".[8] Thông qua đó sự giáo huấn về ngũ giới hay kinh giáo giới Ngài La Hầu La chúng ta thấy được sự sinh hại của việc nói dối là bất thiện dù chỉ là nói chơi nhưng nếu phạm một pháp thì sợ đời sau chúng ta không tránh các sự dữ bởi vậy thà uống nước nóng chứ không bao giờ phạm vào các giới ấy. Đó chính là nền đạo đức căn bản để hình thành nhân cách của một con người hay nói cách khác là bàn đạp đầu tiên cho người đệ tử xuất gia hay người phật tử tại của đức Thế Tôn dù Ngài còn hiện hữu hay không hiện hữu cũng thế bởi nếu chúng ta muốn tiến lên con đường tri thức thì phải có nhân cách hoàn hảo mới thành công mỹ mãn.

4. Nền tảng đạo đức Phật giáo qua Ngũ giới

Chúng ta cũng biết nhân duyên hình thành ngũ giới vậy ngũ giới là gì? Là năm điều giới cấm tức là “giới không sát sinh; giới không trộm cướp; giới không tà dâm; giới không nói dối cuối cùng là giới không uống rượu”.

a. Giới không sát sinh

Như trong sa di luật nghi yếu lược có dạy: “Thượng chí chư Phật, thánh nhân, sư tăng, phụ mẫu, hạ chí nguyên phi nhuyến động, vi tế côn trùng...bất đắc cố sát hoặc tự sát hoặc tha nhân sát hoặc kiến sát tùy tùy hỷ.”[9] Đức Phật chế giới này bởi khi con người chúng ta bắt đầu có mặt trên địa cầu vì mưu sinh để duy trì sự sống, họ phải săn bắt. Từ đó con vật đã trở thành thức ăn cung cấp cho con người bắt đầu xuất hiện, đến nay vẫn vậy thời hiện đại thì sự sát loài vật càng nhiều bởi chúng ta thường cho rằng con trâu thì phải cày, con gà để ăn... tàn sát một cách không thương sót, từ những việc làm như giết được một con nhỏ sẽ mạnh bạo hơn trong sự giết, và các hiện tượng giết cha, mẹ, bà con, người thân kẻ lạ trở thành một việc làm đối với họ là bình thường bởi vì sao chúng ta trong mỗi việc làm đó đã dấy khởi lên cái tâm vui sướng thích thú... dẫn đến tạo bao nghiệp ác mà không hề hay biết. Đức Thế Tôn Ngài dạy rằng không được giết các loài côn trùng vi tế nhỏ nhất thì lấy đâu ra sự sinh tử luân hồi, địa ngục đau khổ. Con người và loài vật đều có hình thể, tâm thức, đều hoạt động và có tình cảm biết buồn vui, biết duy trì mạng sống. Lòng từ bi của giáo lý Phật đà ở đây nghĩa là đem sự an lạc, niềm vui đến tất cả muôn loài, lòng từ bi này được nuôi dưỡng từng phút trong mỗi giây giúp chúng ta không gây ra sự tổn thương cho nhau. Tạo nên sự gắn kết giữa con người với con người, con người với muôn loài, bảo vệ sự sống lẫn nhau, bằng việc nên phóng sinh, làm nhiều điều lành, không còn mùi máu tanh của máu và mùi đau khổ của sinh tử luân hồi, ngược lại hành động ý chí trở nên cao đẹp, lời nói ôn hòa nhã nhặn tạo nên sắc thái cao thượng thì cuộc sống chúng ta trở nên an nhàn thảnh thơi.

“Nhất thiết chúng sinh vô sát nghiệp, Thập phương hà xứ động đao binh. Gia gia, hộ hộ đồng tu thiện, Thiên hạ hà sầu bất thái bình”[10].

Không tạo nghiệp sát chính là thành tựu được đức hiếu sinh trong quá trình tu tập con đường thiện lành.

b. Giới không trộm cướp

Trong luật Sa Di có đoạn: “Kim ngân trọng vật, dĩ chí nhất châm thảo, bất đắc bất dữ nhị thủ. Nhược thường trú vật, nhược tín thí vật, nhược tăng chúng vật, nhược quan vật, dân vật, nhất thế vật, hoặc đoạt thủ, hoặc thiết thủ, hoặc trá thủ, nãi chí thâu thuế mạo độ đẳng, giai vi thâu đạo.”[11] Đây là giới thứ hai dành cho các người cư sĩ tại gia, giới này đức Phật dạy cho dù cây kim cọng cỏ họ không cho cũng không được lấy dù không thuộc quyền sở hữu của ai, vì nếu chúng ta khởi lên tâm tham thì sự kêu gọi thúc đẩy trong tâm bắt đầu xuất hiện, trí tuệ lúc này đang đấu tranh giành co giữa lý trí và con tim, đức Phật dạy chúng ta giới không trộm cướp này là Ngài hiểu rõ nỗi đau bao năm dành dụm mới có được bấy nhiêu từ công sức bỏ ra nếu mất đi sẽ đau khổ, mà người lấy cũng sống trong nỗi ưu lo, suy nghĩ sợ hãi nếu may mắn thì không sao, nếu xui thì bị công an, nhà nước bắt giữ nhẹ thì phạt 3 tháng cho đến vài năm nặng thì có khi phải tử hình. Tạo nỗi đau cho gia đình và xã hội, nền giáo dục xuống cấp, cuộc sống bị tráo lộn xã hội không được ổn định. Bản thân chúng ta không chịu được cảnh trộm cướp thì sao người khác chịu được, hơn nữa mình không thấy được an lạc, hạnh phúc. Do đó chúng ta phải tự kiến tạo cho mình một nếp sống thanh cao, là phải từ bỏ những dục vọng sai lầm, giàu sang trên nỗi đau của người thì không phải đức tính cao đẹp của dân tộc chúng ta. Mỗi ngày chúng ta nên bố thí, tạo nên nét đẹp truyền thống “lá lành đùm lá rách” đặc biệt là không lấy đồ của người tức là sự trung thực với bản thân mình, phải biết “thiểu dục tri túc”[12] và chúng ta cũng không được để người khác lợi dụng mình để mưu cầu, xã hội không trộm cướp thì tính lương thiện mỗi người tăng trưởng, sự cần cù con người càng phát triển, lòng tin giữa người với người được gắn kết vững vàng, nhân cách sẽ được thanh cao.

c. Giới không tà hạnh

Xã hội hiện nay vấn đề chúng ta quan tâm nhiều nhất đó chính là sự đỗ vỡ của gia đình, bởi lẽ chồng không thực hiện đúng nghĩa vụ, ngoại tình vì thú vui dục vọng dẫn đến sự đỗ nát của gia đình, để lại hậu quả cho con cái không được gia đình đầy đủ, cuộc sống không hạnh phúc, vì thế đức Phật chúng ta đã dạy rằng: “Tại gia ngủ giới duy chế tà dâm, xuất gia thập giới toàn đoạn dâm dục”.[13] Người phật tử tại gia đức Phật hạn chế tà dâm, tà hạnh là “dâm dục phi lễ, phi pháp” chúng ta chỉ chung sống với những việc được cưới hỏi mai mối dưới sự chứng minh cả hai họ, còn lén lút tà không chính đáng, mà hậu quả của việc không chính đánh là bản thân lo sợ khi bị phát hiện, con không dám nhận mẹ- cha, xã hội sẽ không chấp nhận những hành vi xấu, hạnh phúc đâu ra nếu không dừng lại, không nằm trong vùng kiểm soát dẫn đến các nạn đói nghèo, dư dân số, ăn chơi xa đọa, cưỡng bức, thông dâm... đều là những hành vi đồi bại. Sự nguy hiểm của ái dục là nguyên nhân dẫn đến sinh tử luân hồi, vì thế đức thế tôn ngài đã dạy chúng ta nên biết năm điều của vợ chồng thì cuộc sống âm êm hạnh phúc:

“1. Phải kính yêu và hòa thuận với chồng khi chồng ra đi hay trở về, phải đưa đón niềm nở.

2. Khi chồng đi vắng, ở nhà phải lo quét dọn, may vá, cơm nước sẵn sàng, đợi chồng về mới cùng ăn uống.

3. Phải giữ gìn tiết hạnh, không được ngoại tình.

4. Lúc chồng nóng giận nặng lời, không nên bừng mặt cãi lẫy, lầm mất hòa thuận và có khi phải rã rời giềng mối. Lại khi chồng có lời khuyên bảo chính đáng, vợ phải vâng theo; khi có món ngon vật quý, không nên dùng riêng một mình.

5. Mỗi đêm, khi chồng ngủ rồi, phải xem xét cửa nẻo, trước sau đóng ài kín đáo, cắt đặt cẩn thận, soi rọi khắp cả trong nhà, rồi mới đi ngủ sau”[14] và ngược lại, vợ cũng giữ gìn giới hạnh gia đình càng trở nên êm đẹp, đó chính là đạo đức của vợ chồng, chính nét đẹp đoan chính này tạo nên phong tục tập quán của dân tộc đạo pháp chúng ta.

d. Giới không nói dối

Đức Phật có dạy: “Vọng ngữ hữu tứ. Nhất giả vọng ngôn, vị dĩ thị vi phi, dĩ phi vi thị, kiến ngôn bất kiến, bất kiến ngôn kiến, hư vọng bất thật đẳng. Nhị giả ỷ ngữ, vị trang sức phù ngôn mỹ ngữ, diễm khúc tình từ, đạo dục tăng bi, đãng nhân tâm chí đẳng. Tam giả ác khẩu, vị thô ác mạ lị nhân đẳng. Tứ giả lưỡng thiệt, vị hướng thử thuyết bỉ, hướng bỉ thuyết thử, ly gián ân nghĩa, khiêu toa đấu tranh đẳng. Nãi chí tiền dự hậu hủy, diện thị bối phi, chứng nhập nhân tội, phát tuyên nhân đoản, giai vọng ngữ chi loại dã.”[15] Nghĩa là “không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lời thô ác, không nói hai lưỡi”, cho đến khen trước mặt chê sau lưng, nói quanh co, không đúng sự thật, dẫn đến ly tán chia rẽ nhau trong công việc cũng như trong đời sống sinh hoạt thường ngày tạo ra thói quen xấu… Đức Phật chế giới này vì lợi ích cá nhân cũng như cộng đồng nhằm làm hàng rào để bảo vệ các căn, vì do thói quen tán loạn, vọng niệm, khiến chúng ta không làm chủ các căn gây ra các lỗi. Giới không nói dối tức là dạy chúng ta nên nói lời chân thật, biết lắng nghe cảm thông tránh gây sự tổn thương cho nhau, tuy nói dối mang lại nhiều điều lợi ích nhưng thật không bền lâu, hơn khi nào hết chúng ta cần phải tôn trọng sự chính xác, bởi sự thật là chân lý, để giữ gìn lòng tin của con người với nhau thì giới không nói dối là một thành quả.

e. Giới không uống rượu

Cũng thế khi chúng ta uống rượu: “Ẩm tửu giả, vị ẩm nhất thế năng túy nhân chi tửu. Tây vức tửu hữu đa chủng ; cam giá, bồ đào, cập dữ bách hoa, giai khả tạo tửu. Thủ phương chỉ hữu mễ tạo… Tham ẩm chi nhân tử đọa Phí thỉ địa ngục, sinh sinh ngu si, thất trí tuệ chủng, mê hồn cuồng dược liệt ư tì chẫm.”[16] Rượu có khả năng làm say, mà nếu chúng ta uống vào tâm trí sẽ không còn minh mẫn, làm mất đi giống trí tuệ, không phải chỉ có rượu không mà khi uống vào còn dẫn chết các tệ nạn kèm theo như chơi bời, ca hát, cờ bạc, ma túy,…mà sức tàn phá của cơn men rất đáng sợ, máu anh hung nổi lên lời qua tiếng lại, tranh cãi, đấu đá, đánh đập kèm theo là nổi lo của gia đình tiếp đến xã hội, ảnh hưởng rất nghiêm trọng, trong phương diện gia đình không thể dạy con cái, con cái không nghe theo, ngược lại còn muốn học đòi, nếu ở hiện tại làm mất căn lành thì kết quả đời sau rất khổ sở, tham san si, chấp ngã nổi lên không thể dập tắt, tác hại của việc uống rượu rất đáng sợ. Vì thế dức Phật dạy thà uống nước đồng sôi chứ một giọt cũng không được nếm huống gì là thử:

“Rượu là gốc tai nạn Nguồn của muôn tội lỗi Thường ở trong si ám Nấc thang xuống cõi chết. Sau đọa trong địa ngục Lại sinh vào ngạ quỷ Và trong loài bàng sinh Đều do rượu gây hại. Rượu là độc trong độc” [17]

Trách nhiệm của chúng ta làm sao cho giáo pháp mãi lưu truyền đạo đức mãi được tôn trọng, tránh tổn hại đến nhân phẩm của người khác, giúp đỡ người khác giữ giới và có trách nhiệm thực hành ngũ giới đạo đức làm tiêu chuẩn để thành người có nhân cách tốt: “Nếu muốn sống lâu, thì phải không nên giết hại, trái lại còn phải phóng sinh, muốn giàu sang thì không nên trộm cắp, mà còn phải biết tạo ra của cải vật chất bằng chính sức lao động của mình, đồng thời thực hành hạnh bố thí. Muốn gia đình hạnh phúc thì phải sống đoạn chính, ngay thẳng và giúp đỡ, bảo vệ người, sống ngay thẳng đoạn chính. Muốn người khác tin vào mình thì mình phải tin người, tránh nói láo… ngay việc giữ giới không uống rượu thì giới đức minh mẫn.”[18]

Qua đó, chúng ta thấy được một đạo đức ngay trong ngũ giới của giáo lý Phật Đà cũng như lợi ích và tác hại và cũng áp dụng ngũ giới vào đời sống tu tập trong đời sống hiện nay.

“Sát sinh cùng trộm cắp, Tà dâm lấy vợ người, Lời nói không chân thật, Bậc trí không ngợi khen.”[19]

5. Giá trị thực tiễn của Ngũ giới trong đời sống hiện nay

Đạo Phật với tâm từ bi bình đẳng cứu giúp con người rời xa các tội lỗi và xây dựng một nếp sống an lành hạnh phúc mà chế ra Ngũ giới, nhưng đức Phật không bắt buộc chúng ta làm theo một cách mù quáng, hay những ai không tuân theo mà có sự ban phước giáng họa, vì đức Phật cũng đã nói: “Như vậy, này Bà-la-môn, pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.”[20] Đức Phật chế ra giới luật và giải thích còn việc làm hay không làm là hoàn toàn do chính tự bản thân của chúng ta có tự nguyện hay không mà thôi. Giữ các giới điều căn bản thì sẽ được an lạc cân bằng được nội tâm có giá trị lợi ích thiết thực, nghĩa là có thực hành thì mới có lợi ích. Đạo Phật là đạo có nguyên nhân và có kết quả, nhưng muốn thực hành năm giới điều thì bản thân của chính người Phật tử đó cũng phải đấu tranh giữa lí trí và com tim giữ dội lắm mới có thể thắng lòng mình vì cuộc sống hễ một khi thay đổi một thói quen nào đó là đã khó như lên trời rồi huống gì một người hoàn toàn sống trong tư duy của thời hiện đại đầy ngũ lục này. Bởi vậy, đức Phật Ngài cũng có dạy:

“Tự thắng tốt đẹp hơn, Hơn chiến thắng người khác. Người khéo điều phục mình, Thường sống tự chế ngự.”[21]

Nếu chúng ta nhẹ nhàng tư duy một chút thì thấy rất rõ giáo lý ngũ giới có rất nhiều sự cống hiến cho xã hội và con người trong sinh hoạt hằng mỗi ngày chúng ta nên không sát sinh là tôn trọng sự sống của mọi loài, đề cao tinh thần từ bi. “Không trộm cướp là tôn trọng tài sản của mình và người khác, sống theo lẽ phải. Không tà dâm tức là bảo vệ hạnh phúc của mình và mọi người. Không nói dối là tôn trọng sự thật, giữ vững lòng tin với tất cả mọi người. Không uống rượu là bảo vệ sức khỏe, giữ cho tinh thần minh mẫn sáng suốt”, nếu chúng ta không sát sinh thì thân thể tráng kiện sống khỏe, sống lâu. Không trộm cướp, thì tài sản được đủ đầy sung túc. Không tà dâm, thân thể trang nghiêm, đoan chính. Không nói dối thì ăn nói khôn ngoan, tạo nên nét đẹp dịu nhàng mọi người ưa thích, khen ngợi. Cuối là không uống rượu trí tuệ sáng suốt, thông minh lanh lợi. Nếu chúng ta luôn thực hành các giới điều, và:

“Không làm các điều ác, Vâng làm các hạnh lành. Giữ tâm ý trong sạch, Lời Phật dạy rành rành”[22].

Ngũ giới là năm thành trì vững chắc, ngăn trừ các điều xấu ác xâm hại, bảo hộ cho con người luyện phẩm hạnh để đời sống được an lạc hạnh phúc, không những vậy mà còn giúp cho xã hội được yên bình, môi trường tươi đẹp, đất nước an cư lạc nghiệp. Ngoài ra, giá trị của người thực hành ngũ giới còn cân bằng sinh thái trong đời sống thực tại bởi vì sao? Vì chúng ta cấu tạo tinh cha huyết mẹ và còn có bốn yếu tố khác đó là “Còn như đất, nước, lửa, gió,”[23] theo quan niệm của triết học phương đông thì con người chúng ta là một vũ trụ tí hon và tồn tại trong đại vũ trụ rộng lớn của thế giới, đều có sự tác động với nhau. Vậy nên, đừng bao giờ làm tổn hại đến môi trường sự sống của bất kì của ai dù là loài vật cũng vậy, chúng ta trước hết nên cân bằng sinh thái nơi tự tâm mình mà đức Thế Tôn của chúng ta thường dạy: “nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính”[24] Qua đó, mỗi chúng ta trong mỗi ngày cần phải trao dồi giới-định-tuệ để làm hành trang trong quá trình thực hành năm điều cấm mà nhưng thực ra năm giới và tam vô lậu học là hệ thống của tính nhất quán. Kết quả của việc chúng ta hành trì năm giới là “công năng của cuộc sống đúng giới luật của hàng cư sĩ, đệ tử tại gia của đức Phật; còn Niết bàn tức là hạnh phúc tối hậu tất nhiên đòi hỏi một sự tu tập nhuần nhuyễn ba pháp giới-định-tuệ, ở đó giới-định-tuệ đã vỡ tan và hòa nhập với tự thân hành giả, tạo nên một thể thống nhất quán giữa nhân và pháp.”[25]

KẾT LUẬN

Qua đó, chúng ta thấy được tầm quan trọng của người thực hành ngũ giới tuy chúng ta nói hạnh phúc và đạo đức là hai phạm trù khác nhau nhưng thực chất là một bởi giữa hạnh phúc và đạo đức có sự nhất quán. Đạo đức học Phật giáo qua ngũ giới là thước đo nhân cách, phẩm hạnh con người ngoài ra đạo đức ngũ giới còn là thước đo giá trị về mặt tâm linh. Bước chân ban đầu của người thực hành ngũ giới là bước chân của người thực hành đạo đức theo lối đi khoa học và là người có nghiên cứu về sự tồn vong của một con người trong thế giới nhân sinh này. Một đất nước yên bình ngoài sự tác động của của thế giới bên ngoài thì còn có sự quyết định bởi hành động việc làm của mỗi con dân của đất nước đó thông qua nền tảng đạo đức. Vai trò ngũ Giới là tối trọng trong nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo. Không chỉ đặt một nền tảng đạo đức mà còn là những nấc thang đầu tiên trong việc khai mở trí tuệ. Không những chúng ta nâng cao tầm giá trị đạo đức của một con người, giúp chúng ta đến mục tiêu cuối cùng là giải thoát. Nên giữ gìn giới thì thân, khẩu, ý thanh tịnh, thì giới thể tròn đầy. Kinh Pháp Cú:

“Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình.”[26]

Tất cả hành động, lời nói đều từ ý nghĩ, mọi thứ đều bắt nguồn từ một tâm. Đức Phật dạy chúng ta tụ tập tâm mình chân chính, đừng để bị các dục lôi cuốn vào đường sa đoạ, không đạo đức: “Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó” đây là tinh thần ngăn cản điều ác khởi sinh mà tăng trưởng điều thiện. Mỗi đất nước phải có pháp luật mỗi gia đình đều có gia quy , và người Phật tử phải giữ gìn năm giới. Một đất nước muốn được ổn định và cân bằng giữa đời sống vật chất và văn hoá tinh thần thì việc khuyến khích mọi người áp dụng năm giới trên là điều kiện căn bản và khẩn cấp:

“Hoa thơm nhờ nhụy, người giá trị nhờ đạo đức Chẳng có gì quý bằng Đạo, chẳng có gì đẹp bằng Đức” [27]

Thích Chúc Hòa – Học viên Cao học Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ------------------- CHÚ THÍCH: [1]Truy cập: 12/11/2020 Nguồn: https://vndoc.com/dao-duc-la-gi-150348 [2]Truy cập: 09/11/2020 Nguồn: www.vbu.edu.vn [3] Nguyễn Thanh Văn dịch, “Đạo đức học Phật giáo”, NXB. Tri Thức, 2013, tr. 19. [4] Thích Chân Quang, Tâm lý đạo đức, tr. 5. [5] Thích Minh Châu, viết Lời giới thiệu, VNCPHVN, ấn hành, Hà Nội, NXB. Tôn giáo, 2002. [6] Truy cập: 09/11/2020 Nguồn: www.vbu.edu.vn [7] Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Tập I, XIV. Phẩm Ngũ Giới, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 191. [8] Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 14. Kinh La-Hầu-La, Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 93. [9] Thích Trí Quang, Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), 2. Sáu Giới Pháp Xuất Gia: Năm, Sa Di Giới: Dịch Âm Dịch Nghĩa, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 1221. [10] Thích Thiện Hoa, “Bổn Phận Người Phật Tử Tại Gia, Bài Thứ Năm: Ngũ Giới”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 79. [11] Tỷ Kheo Trí Quang, “Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), 2. Sáu Giới Pháp Xuất Gia: Năm, Sa Di Giới: Dịch Âm Dịch Nghĩa”, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 1224. [12] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 8, Chương XVI. Phẩm Ba Mươi Bài Kệ 518. Chuyện Long Vương Pandara”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2003, tr. 660. [13] Tỷ Kheo Trí Quang, “Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), 2. Sáu Giới Pháp Xuất Gia: Năm, Sa Di Giới: Dịch Âm Dịch Nghĩa”, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 1225. [14] Thích Thiện Hoa, “Bổn Phận Người Phật Tử Tại Gia, Bài Thứ Chín: Bổn Phận Của Phật Tử Tại Gia”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 160. [15] Tỷ Kheo Trí Quang, “Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), 2. Sáu Giới Pháp Xuất Gia: Năm, Sa Di Giới: Dịch Âm Dịch Nghĩa”, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 1228. [16] Sđd, tr. 1233. [17] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 67 - Bộ Kinh Tập XIV - Số 721 (Q.51 -> 70), Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Quyển 4 - Phẩm 7: Chê Trách Năm Dục (Phần 2)”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000, tr. 747. [18] Kim chi, “ Nền tảng đạo đức qua ngũ giới” NXB. Phương đông, tr. 44. [19] Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, “Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 135. Kinh Thiện Sinh”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 1020. [20] Thích Minh Châu, “Kinh Tăng Chi Bộ 2015 - Tập I, VI. Phẩm Các Bà-La-Môn”, Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 189. [21] Thích Minh Châu, “Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nếp Sống Đạo Hạnh Và Trí Tuệ Trong Kinh Pháp Cú. B. - Thiền Định”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr. 81. [22] Thích Phước Sơn, “Một Số Vấn Đề Giới Luật, 7. Giới Luật Có Thể Thay Đổi Được Không?”, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2010, tr. 83. [23] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, “Đại Tập 62- Bộ Kinh Tập IX- Số 656-> 657, Kinh Bồ- Tát Anh Lạc, Quyển 2, Phẩm 5: Nói Về Các Pháp Môn Anh Lạc”, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 97. [24] Thích Đưc Trí tuyển dịch, “Kinh Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên”, Tôn Giáo, 2003, tr. 44. [25] Viên Trí, “ý nghĩa giới luật”, tr. 116. [26] Thích Minh Châu dịch, “Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú”, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 32. [27] Kim Chi, “Ngũ giới- nền tảng đạo đức con người”, NXB. Phương đông, tr. 64.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Kinh Tăng Nhất A-Hàm - Tập I, XIV. Phẩm Ngũ Giới, Tôn Giáo, Hà Nội, NXB. 2005. 2. Hán Dịch: Tam Tạng Tăng-Già-Đề-Bà, Việt Dịch: Tuệ Sỹ, Kinh Trung A-Hàm Tập 1, 14. Kinh La-Hầu-La, Tôn Giáo, Hà Nội, NXB. 2008. 3. Thích Chân Quang, Tâm lý đạo đức, Tôn giáo, Hà Nội, NXB. 2004. 4. Thích Minh Châu, viết Lời giới thiệu, VNCPHVN, ấn hành , Hà Nội, NXB. Tôn giáo, NXB. 2002. 5. Thích Trí Quang, Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (Tập 1 & 2), 2. Sáu Giới Pháp Xuất Gia: Năm, Sa Di Giới: Dịch Âm Dịch Nghĩa, Văn Hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, NXB. 2010. 6. Thích Minh Châu, Kinh Tăng Chi Bộ 2015 - Tập I, VI. Phẩm Các Bà-La-Môn, Tôn Giáo, Hà Nội, NXB. 2015. 7. Thích Minh Châu, Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi, Nếp Sống Đạo Hạnh Và Trí Tuệ Trong Kinh Pháp Cú. B. - Thiền Định, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, NXB. 1998. 8. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 1, Pháp Cú, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999. 9. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ 8, Chương XVI. Phẩm Ba Mươi Bài Kệ 518. Chuyện Long Vương Pandara, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, 2003. 10. Thích Thiện Hoa, Bổn Phận Người Phật Tử Tại Gia, Bài Thứ Năm: Ngũ Giới, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013. 11. Nguyễn Thanh Văn dịch, Đạo đức học Phật giáo, NXB. Tri Thức, 2013. 12. Nguồn: https://vndoc.com/dao-duc-la-gi-150348 13. Thích Phước Sơn, Một Số Vấn Đề Giới Luật, 7. Giới Luật Có Thể Thay Đổi Được Không?, Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, NXB. 2010. 14. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 62- Bộ Kinh Tập IX- Số 656-> 657, Kinh Bồ- Tát Anh Lạc, Quyển 2, Phẩm 5: Nói Về Các Pháp Môn Anh Lạc, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, NXB. 2000. 15. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 67 - Bộ Kinh Tập XIV - Số 721 (Q.51 -> 70), Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Quyển 4 - Phẩm 7: Chê Trách Năm Dục (Phần 2), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan, 2000. 16. Thích Đưc Trí tuyển dịch, Kinh Trường A Hàm, Kinh Đại Bản Duyên, NXB. Tôn Giáo, NXB. 2003. 17. Viên Trí, ý nghĩa giới luật, Thiền viện Vạn Hạnh, 2002. 18. Kim Chi, Ngũ giới- nền tảng đạo đức con người, Phương đông, NXB. 2010. 19. Truy cập: 09/11/2020, Nguồn: www.vbu.edu.