Phật giáo được khai sinh và phát triển tại Ấn Độ trong một thời gian dài trước khi phát triển sang các nước trong khu vực. Mặc dù giáo lý Phật giáo không hề thua kém về khả năng giáo dục con người, nhưng khi du nhập vào Trung Quốc thì va phải bức tường kiên cố của tín ngưỡng và tôn giáo bản địa đó là Nho giáo và Lão giáo, Phật giáo cũng gặp không ít khó khăn. Những trí thức Nho sĩ luôn tìm cách đả kích nhằm “tẩy chay” văn hóa ngoại quốc, tôn vinh văn hóa dân tộc. Trải qua nhiều lần pháp nạn nhưng bằng nội lực vốn có của mình, Phật giáo vẫn bén rễ và tiếp tục phát triển tại Trung Quốc. Dưới thời Bắc Tống, Phật giáo lại đối diện với vấn đề tương tự. Là người sống trong giai đoạn Phật giáo gặp pháp nạn, Thừa tướng Trương Thương Anh đã viết tác phẩm Hộ pháp luận để giải thích sự ngờ vực của thiên hạ nhằm ngừng sự chê bai. Vì thế, giá trị của tác phẩm rất lớn. Để làm nên thành công của tác phẩm thì văn học đóng vai trò quan trọng.
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
Trương Thương Anh (1043-1121), sống vào thời Bắc Tống tại Trung Quốc. Từ nhỏ, ông đã có nhuệ khí khác thường, tụng đọc làu thông nhiều kinh sách. Năm 19 tuổi, đỗ Tiến sĩ, làm quan trải qua bốn triều vua: Anh Tông, Thần Tông, Triết Tông và Huy Tông. Vào triều vua Huy Tông, ông làm quan đến chức Thừa tướng (1110 – 1112). Ông là người giỏi về văn học và nghệ thuật. Sách Lịch sử văn học nghệ thuật của Trung Quốc chép rằng ông có cả trăm quyển tiểu luận, nhưng tiếc là đã bị thất lạc. Ngày nay trong tập “Lưỡng Tống danh hiền tiểu tập” còn một quyển “Hựu tùng các di cảo”.[1]
Ban đầu, ông vốn là người không tin Phật pháp. Khi trông thấy kinh Phật thờ phụng trang nghiêm, ông tức giận nói rằng: “Thế này ra đạo Khổng, Mạnh ta không bằng của người Ấn-độ ư?”[2] và muốn viết một bài luận bàn về việc không có Phật. Sau cuộc nói chuyện với người vợ về suy nghĩ của mình, ông đã gác việc này sang một bên. Nhưng rồi, cuộc đời ông đã thay đổi sau khi đọc bộ kinh Duy-ma-cật. Từ khi ông đọc đến bộ kinh này, hễ xong việc quan là ông lại đi đến các chùa bái yết các vị danh Tăng rồi hỏi nghĩa lý huyền diệu. Nhờ thân cận thiện hữu tri thức, ông đã phát tâm tu tập và mau chóng “liễu ngộ được diệu đạo”.[3] Khi Phật giáo rơi vào tình cảnh khó khăn, Ông đem đạo lý sâu xa mà bản thân đã liễu ngộ, dẫn sự lý cổ kim, có điển tích điển cố đích thực viết ra tác phẩm Hộ pháp luận để đền công đức Phật.[4]
Nội dung của Hộ pháp luận dựa trên những vấn đề mà các giới trí thức đương thời nhắm về đạo Phật để công kích, đả phá. Trương Thương Anh đã so sánh những điểm nông, sâu giữa Phật giáo và Nho giáo, giữa Phật giáo và Đạo giáo, biện minh chỗ nhầm, phân tích chỗ ngờ, nêu rõ nhân quả rành rẽ, cảm ứng minh bạch nên được các Phật tử xem nó như một tác phẩm kinh điển.[5] Có khi ông “dùng lời lẽ cứng rắn mạnh mẽ, có khi lại nhu hòa thâm trầm”[6]. Tất cả những gì ông viết trong luận chỉ nhằm hướng về mục đích đoạn nghi sinh tín. “Luận thư này có khả năng giải thích những hoài nghi của thiên hạ, chấm dứt được những bài bác của thiên hạ, thực là chuẩn mực cho những người học đời sau.”[7] Thông qua luận này, những ai có chí hướng tìm cầu sự an lạc, niềm vui trong đạo Phật có thể tu tập theo con đường mà đức Phật đã dạy để đạt được “tự giác, giác tha” ngay trong cuộc đời này như chính tác giả. Đó cũng là thông điệp mà bộ luận này hướng đến.
2. Khái niệm Giá trị văn học
Giá trị văn học là “sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, tác động sâu sắc đến cuộc sống và con người.”[8] Văn học có nhiều tác dụng như: giáo dục, thẩm mĩ, nhận thức, giải trí, giao tiếp, dự báo. Trong đó, có 3 giá trị cơ bản mà một tác phẩm nào cũng cần phải có, đó là: Nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ. Tất cả những giá trị này nhằm nuôi dưỡng và làm phong phú tâm hồn con người thông qua nghệ thuật sử dụng ngôn từ mà tác giả muốn hướng đến.
Văn học Phật giáo là một bộ phận quan trọng trong nền văn học chung. Bởi lẽ, “Văn học Phật giáo là văn dĩ tải đạo nghĩa là vay mượn thể tài văn học để chuyển tải giáo lý, không chú trọng đến hình thức.”[9] Trong kho tàng văn học, văn học Phật giáo chứa đựng những tác phẩm đồ sộ cả về nội dung lẫn số lượng, có giá trị rất lớn. Nhiều tác phẩm văn học đã bị tư tưởng Phật học ảnh hưởng sâu sắc. Ngược lại, “Phật giáo đã lợi dụng hình tượng sinh động trong văn học để tuyên dương Phật giáo.”[10] Mối quan hệ tác động qua lại này góp phần làm nổi bật thêm những giá trị nội hàm của một tác phẩm. Văn học Phật giáo còn chỉ cho những tác phẩm vừa thể hiện giáo nghĩa, giáo lý của Phật giáo và đồng thời có tính chất thẩm mỹ của văn học.
Sức mạnh kì diệu của văn chương đã được Nguyễn Trãi viết: “văn chương có sức mạnh đuổi nghìn quân giặc” hay Nguyễn Đình Chiểu cũng từng viết: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.”[11] Nhìn chung, người xưa đã biết sử dụng ngôn ngữ vừa để chuyển tải tinh thần dân tộc, tinh thần giáo lý; vừa vận dụng văn chương làm vũ khí chống lại cường quyền hay làm công cụ để biện minh. Do đó, không khó hiểu khi ngày xưa, tại Trung Hoa - nơi có nền văn hóa lâu đời, Trương Thương Anh đã vận dụng sức mạnh của văn học để hộ pháp. Ông đã dùng ngòi bút của mình để phân tích và biện biệt những chỗ sâu cạn trong giáo lý của các tôn giáo nhằm dập tắt các tranh luận, quan điểm sai lầm về Phật giáo. Qua đó, ông nhấn mạnh đến những lời Phật dạy để thấy rõ giá trị mà đạo Phật đã mang đến cho cuộc đời.
3. Những giá trị văn học nổi bật trong tác phẩm Hộ pháp luận
3.1. Giá trị nhận thức
Khi tiếp xúc bất kỳ một tác phẩm nào, một phương diện nghệ thuật nào, chúng đều mang đến cho chúng ta những nhận thức nhất định. Ví dụ khi xem một tác phẩm nghệ thuật như phim ảnh, điêu khắc hay một tác phẩm hội họa bất kỳ, ta đều có thể nhận ra đặc điểm, ngoại hình, điều kiện xuất thân... của nhân vật. Cũng vậy, qua một tác phẩm văn học, chỉ cần đọc một câu hay vài ba câu là có thể hiểu, có thể nhận ra được hoàn cảnh người đó đang sống, tính cách, tình cảm hay các vấn đề liên quan khác. Dù người đó chỉ xuất hiện trong phạm vi nhỏ hẹp, hay không trực tiếp xuất hiện; nhưng qua lời giới thiệu hay qua đối thoại với nhân vật khác sẽ giúp ta hiểu được về họ rất nhiều. Đó chính là giá trị nhận thức mà một tác phẩm mang lại cho người đọc.
Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc, “Hộ pháp” là một từ khóa rất quan trọng. Bởi vì Phật giáo là tôn giáo ngoại lai, sau khi du nhập vào đầu thời Đông Hán, nó đã trực tiếp va chạm với các tín ngưỡng, tôn giáo, các giá trị và thế giới quan hình thành trước đó, nên Phật giáo bị nghi ngờ và chỉ trích là điều tất yếu. Phật giáo tại Trung Quốc trải qua bốn lần pháp nạn trước đó đã cho thấy tình trạng khó khăn của một tôn giáo ngoại quốc muốn thâm nhập vào nền văn hóa lâu đời phải chịu nhiều thương tổn mới cắm rễ và ăn sâu vào lòng dân chúng được. Để chứng minh Phật giáo có lợi cho thế giới và không khác nhiều so với các tín ngưỡng địa phương, Phật giáo không phương hại đến phong tục tập quán; hoặc để quảng bá giáo lý của Phật giáo và mong muốn nhận được sự tin tưởng của giới tri thức hay tranh thủ sự ủng hộ của tín đồ, giáo sĩ và hàng tăng lữ là những người hiểu biết rộng; những người trí thức Phật giáo đã đề xuất bênh vực đạo Phật. Từ đó mà xuất hiện hình thức “hộ pháp” trong Phật giáo.
Trước hết, sự nhận thức đến từ hai chữ “Hộ pháp”. Từ này thông thường có hai ý nghĩa. Một là, biểu hiện của hành vi hoặc dấu hiệu hộ trì Phật pháp. Loại này bao quát văn tự, ngữ ngôn, hành động để bảo hộ, phòng hộ, kiến hộ Phật pháp, hoặc là biện hộ giá trị và công dụng của Phật pháp. Hai là, người biểu hiện các hoại hành vi hộ trì, bao gồm tăng lữ, tín đồ Phật giáo và quốc vương, đại thần, quan lại, những học giả thân Phật; gọi chung là nội hộ và ngoại hộ. Theo nhận định của học giả Hoàng Khải Giang, lúc viết bản văn “Hộ pháp” này tác giả Trương Thương Anh chỉ dùng nghĩa thứ nhất.[12] Riêng hai từ “Hộ pháp” đã mang nhiều ý nghĩa, nhiều vấn đề cần phải được làm rõ. Vì sao phải hộ pháp, hộ pháp như thế nào... Qua đó chúng ta thấy được giá trị văn học của tác phẩm này rất lớn, vì nó đã biện biệt những ưu liệt trong tư tưởng và hành động của các tôn giáo, đồng thời đập tan những nhận thức sai lệch về Phật giáo của hàng trí thức lúc bấy giờ.
Tác phẩm Hộ pháp luận giúp cho mọi người có cái nhìn khách quan về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và nhận thức của hàng trí thức thời Bắc Tống. Một mặt chúng ta thấy rõ tình hình Phật giáo và các tôn giáo cùng thời, sự thịnh suy của từng tôn giáo trong bối cảnh chính trị xã hội nhất định. Đằng sau những lời vấn nạn của các nhà Nho thời đó, ta thấy được tinh thần tự tôn dân tộc của họ rất lớn. Mặc dù lúc đó, Phật giáo đã được truyền nhập vào từ rất sớm, nhưng vẫn khó có thể đứng yên trên quê hương xứ sở khác. Những người bản xứ vẫn luôn tôn trọng và xem nền minh triết của họ (Nho, Lão) là số một. Những tôn giáo khác, dù có hay, có thiết thực, có khả năng cảm hóa giáo dục người đến mấy; họ cũng sẽ tìm ra điểm yếu để vấn nạn.
Một mặt, tác phẩm cũng cho chúng ta thấy được đời sống của người dân lúc đó rất cao. Chùa chiền được xây dựng, kinh sách được sắp đặt trang nghiêm và được phổ biến rộng rãi “Từ sau khi Phật Pháp được truyền bá vào Trung quốc, thì nơi nào cũng có Đại Tạng Kinh”[13], người dân được tự do đến chùa vãng cảnh. Quả thật, Phật giáo dưới thời Đường - Tống rất phát triển. Do được sự ủng hộ của vương quyền nên Phật giáo trở thành quốc giáo. Nhưng đến cuối thời Bắc Tống (giai đoạn Trương Thương Anh viết tác phẩm này), Phật giáo đã không còn chiếm lĩnh địa vị cao như trước đó. Đời sống của người tu sĩ có phần sa sút về mặt tu học “Phật giáo hiện nay, tuy trong trăm ngàn người, không có được một người giống như người xưa”[14]. Các trí thức Nho sĩ thời đó cũng như Trương Thương Anh đã nhìn thấy tình hình tăng sĩ sống thiếu trách nhiệm, không biết chăm lo đạo nghiệp. Họ lạm dụng bộ áo và hình tướng của Phật để sống mà không có chí tiến thủ. Có một số tăng sĩ không lương thiện, không “nhớ tới ơn vua ban cho giấy chứng điệp, cho khỏi phải nghĩa vụ quân dịch”[15]. Đời sống của tu sĩ dưới quyền quản lý của nhà nước, “các quan khách thường qua lại kiểm tra các tự viện và lễ hội”[16]. Quan lại đối với hàng tu sĩ, có người kính trọng, có người nghiêm minh. Như ông Tô Tử Chiêm khi làm quan rất kính trọng Tăng đồ, phàm tăng sĩ làm những việc gì sai, có việc liên hệ đến cửa quan thì ông chỉ nhắc nhở họ, rồi bỏ qua, không ứng xử theo kiểu thế tục. Còn như ông Tăng Phùng Nguyên thì xét xử đúng tội và phạt chứ không tha. Ông cho rằng: “Nếu không phạt 100 đồng vi phạm mỗi Giới thì kẻ làm ác sẽ tăng thêm nhiều.”[17]
Bên cạnh đó, đời sống của những người theo Nho giáo được Trương Thương Anh bày tỏ: Tôi thường boăn khoăn về việc khuyến khích nông nghiệp của các quan chức vì danh tiếng. Họ lợi dụng việc phát triển nông nghiệp để hướng về tư lợi, liên tục chiếm đất đai hoặc chớp thời cơ để làm những việc không cần thiết.[18] Qua chi tiết này cho chúng ta thấy được tình hình quan lại tham nhũng, chỉ biết vơ vét của cải để làm lợi cho bản thân. Còn quần chúng nhân dân thì “những kẻ ăn chơi và lười biếng, thì có tới 7, 8 người; còn người cày ruộng thì chỉ có 2, 3 người trong số 10 người.”[19]
Qua sự phân tích như trên, chúng ta thấy được đạo lý: “Thịnh quá hóa suy”. Đời sống của con người cũng giống như các quy luật khác trong xã hội tuân theo quy luật vô thường của vạn vật. Nó giống như hình parabol trong toán học, lúc lên lúc xuống. Một khi đạt cực điểm thì nó sẽ đi xuống. Sự thịnh suy của một tôn giáo cũng tương tợ như vậy, khi tôn giáo này đi lên thì tôn giáo giáo khác đi xuống. Khi có nhiều người bài xích Phật giáo chứng tỏ trong giai đoạn đó Phật giáo đã mất dần chỗ đứng trong lòng nhân dân, Nho giáo đã vươn lên chiếm lĩnh ưu thế.
Trong giai đoạn Bắc Tống, các vua đầu đều ủng hộ Phật giáo nên Phật giáo đã có nhiều sự phát triển. Tuy nhiên, đến thời vua Tống Huy Tông, ban đầu ông cũng ủng hộ Phật giáo, nhưng càng về sau do tôn sùng Lão giáo, tin tưởng vào Đạo sĩ Lâm Linh Tố mà vua Huy Tông dần dần tìm cách hủy hoại Phật giáo. Sự kiện này diễn ra trong các năm: Năm 1116, vua ban chiếu đốt bỏ kinh Phật ở viện Đạo Tịch. Năm 1119, vua hạ chiếu cải cách trang phục, danh xưng và nghi lễ Phật giáo thành Đạo giáo.[20]
Như vậy, tác phẩm Hộ pháp luận đã cho chúng ta nhận thức một cách khách quan về tình hình Phật giáo nói riêng và tình hình xã hội thời Bắc Tống nói chung. Nếu không nhờ có văn học ghi lại thì làm sao ngày nay chúng ta biết đến tác phẩm này để học tập. Cũng nhờ văn học mà Trương Thương Anh mới biết được giai đoạn lịch sử trước đó, biết đến những con người của một thời đại diện cho giai đoạn vàng son của văn học thời Đường – Tống. Bằng những nét bút sắc sảo của tác giả, chúng ta đã có thể hình dung tình hình Phật giáo và tình hình Nho – Lão giáo, chính trị, văn hóa, xã hội thời Tống cách đây hơn ngàn năm. Bức tranh hiện thực được tác giả lồng vào trong tác phẩm, sự xuống cấp của Phật giáo và sự thắng thế của Đạo giáo đã xảy ra những tranh luận gay gắt. Qua sự biện luận của tác giả, ta thấy người trí thức một khi hiểu đạo rồi thì rất kính trọng đạo. Nhờ những người như thế mới có tiếng nói trong giới sĩ phu. Nếu người tu sĩ chúng ta đứng ra tranh đua với đời chỉ làm cho những người bài báng thêm phẫn nộ. Do đó, trên vai trò của những người cùng đẳng cấp lời nói của họ sẽ có giá trị và có sự tác động rất lớn. Qua đó, cho ta thấy vai trò hộ pháp ở người cư sĩ rất quan trọng.
3.2. Giá trị giáo dục
Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục, không có nhận thức đúng đắn thì văn học ko thể giáo dục được con người. Ngược lại, giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức bởi vì người ta nhận thức không chỉ để biết mà còn để hành động. Con người không chỉ có nhu cầu hiểu biết mà còn có nhu cầu hướng thiện. Ai ai cũng khao khát một cuộc sống tốt lành, chan hoà tình yêu thương giữa người với người. Do vậy, trong khi phản ánh hiện thực, dù trực tiếp hay gián tiếp bao giờ nhà văn cũng bộc lộ một thái độ tư tưởng - tình cảm, một sự nhận xét, đánh giá của mình,... tất cả đều ít nhiều tác động tới người đọc và đó cũng chính là giáo dục.
Trước hết là giáo dục nhận thức về bản chất của vấn đề. Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, tùy theo căn cơ của người nghe pháp mà đức Phật sẽ có những cách dẫn dắt vấn đề khác nhau. Đây được gọi là tinh thần tùy duyên để phù hợp trên con đường truyền bá và hội nhập. Kế thừa đức Phật, hàng đệ tử cũng luôn uyển chuyển khi truyền bá giáo pháp sao cho phù hợp nguyên lý “khế lý và khế cơ”. Khế lý nhấn mạnh về nội hàm, khế cơ nhấn mạnh về đối tượng nghe pháp. Nhờ khế lý mà Phật giáo giữ được bản chất vốn cỏ của mình mà không hề mất gốc. Do khế cơ nên mọi hình thái thể hiện, phương cách truyền bá luôn đa dạng và phong phú. Chính từ những thay đổi phương cách giáo hóa có tính nền tảng ấy, Phật giáo lan tỏa đến các quốc gia trên thế giới đã mang sứ mệnh “bản địa hóa”. Nhất là tại Trung Quốc, với nền văn hóa lâu đời, nếu không tùy duyên sẽ khó mà tồn tại và phát triển. Trong luận, tác giả dẫn sự kiện người ta không tin thuyết bảy hạt cơm có thể biến khắp mười phương của Phật giáo thì tác giả liền chỉ ngay đức Khổng Tử không dạy những việc quái đản vì làm tinh thần người ta hoang mang, rối loạn. Nhưng trong sách Xuân Thu có xuất hiện thần linh ở đất Sần và Kinh Dịch cũng thấy việc kỳ quái: người ta thấy con lợn đội đất bùn và chở quỷ đầy một xe.[21] “Theo lời dạy của Thánh Nhân thì cần phải dùng các phương tiện để đáp ứng các đổi mới, đôi khi đi ngược và trái với lẽ thường nhưng lại hợp với đạo lý.”[22] Mục đích ông đưa ra sự việc này nhằm chỉ cho mọi người thấy phương tiện thiện xảo trong việc hoằng pháp. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng nhân dân, Nho giáo cũng phải lồng vào giáo lý của mình những điều li kỳ quái dị để người ta tin theo. Cái hay là tác giả đã quá tinh tường trong nhận thức của người đời: Những người nào được người ta kính trọng thì họ mới tin theo. Như thế, việc thay đổi phương pháp giáo hóa của các tăng sĩ thời bấy giờ không ngoài mục đích muốn chuyển mê khai ngộ cho mọi người nên mới tùy cơ mà giáo hóa.
Hay thông qua tác phẩm, tác giả muốn dạy cho những người đương thời đạo lý về nhân sanh quan, vũ trụ quan và qua đó nêu lên tinh thần quật cường của Phật giáo. Tại Trung Hoa cho đến thời ông, Phật giáo đã trãi qua bốn lần pháp nạn (Thái Vũ Đế triều Bắc Ngụy, Vũ Đế triều Bắc Chu, Hội Xương đời Đường Vũ Tông và Thế Tông đời Hậu Chu). Nhưng sau khi bị phế bỏ, “Phật giáo lại càng hưng thịnh nhiều hơn.”[23] Ông ví sự phát triển của Phật giáo cũng giống như cây cỏ bị gió sương làm cho khô héo, sau mùa đông thì đến mùa xuân, cây cỏ lại đâm chồi nảy lộc. Muốn diệt hết cây cỏ thì phải làm cho sau mùa đông không có mùa xuân. Nếu không làm được như thế thì tự chuốc lấy tiếng gian ác, tự mình chẳng được lợi lộc gì. Ông đã dùng hình ảnh rất ấn tượng để diễn tả năng lực tiềm tàng của Phật giáo. Dù bị vùi dập nhưng không hề mất đi giá trị vốn có của mình. Phật giáo chỉ tạm thời ẩn đi dưới một hình thức khác, khi có điều kiện Phật giáo lại bằng năng lực vốn có của mình mà vươn mình trở dậy, bắt kịp nhịp sống của thời đại. Sức sống tiềm ẩn này không phải nương tựa nơi tha nhân mà được cá nhân mỗi hành giả tu theo Phật chứng minh trong quá trình trải nghiệm và thể nghiệm Phật pháp.
Trong tác phẩm Hộ pháp luận, tác giả đã đưa những câu chuyện của các thánh hiền đời trước hay những quan điểm của giới học giả nổi tiếng lúc bấy giờ để làm điểm nhấn cho luận điểm của mình. Trong luận này xuất hiện những vị vua, những bậc trí thức nổi tiếng gắn liền với những sự kiện nổi bật, được người đời biết đến. Ví như, người ta nói vua Lương Võ Đế vì thờ Phật mà bị mất nước. Trương Thương Anh đã dẫn câu chuyện giữa Tổ Chí Công và vua Lương Võ Đế khi còn sống. Vua có hỏi Tổ về tương lai của vương triều thì Tổ bảo: Khi nào “tháp của bần tăng đổ thì đất nước nhà vua cũng đổ theo.”[24] Khi Tổ mất, nhà vua cho xây tháp bằng gỗ, nhưng rồi lo không biết gỗ sẽ kéo dài được bao lâu nên sai bỏ đi và xây lại bằng tháp đá. Nhưng khi vừa phá bỏ xong thì quân lính của Hầu Cảnh đã tiến vào. Ngụ ý nội dung câu chuyện này muốn răn mọi người, sống ở đời chớ khởi tâm tham, khi nghiệp quả đến thì dù sống ở đồng không mông quạnh cũng không thể tránh được. “Dù có thông minh cũng không thể vượt qua nghiệp báo, nhân quả; dù có giàu sang cũng không thể thoát khỏi luân hồi; dù có núi đồng cũng chẳng ích gì mà khỏi được chết đói; và dù có đống vàng sao có thể giữ mãi được.”[25] Về mặt khách quan, tác giả cũng châm biếm, chế nhạo và vạch trần tâm địa của kẻ thống trị vì lòng tham lam đưa đến thảm họa diệt nước vong thân. Trong lịch sử biết bao người đã bị như vậy. Đây là bài học đắc giá, là tấm gương cho hậu thế noi theo.
Luận này còn dạy cho con người cái nhìn và cách ứng xử về nhân quả trong đời sống hằng ngày. Như ông Hàn Dũ nói: “Là người viết sử không đúng, nếu không bị tai họa của người đời, thì cũng bị hình phạt của trời.”[26] Những ai tin sâu nhân quả thì chẳng bao giờ dám làm những việc thất đức. Ngược lại, nếu mê mờ cho không có nhân quả là thật, thì tự mình làm mất đi công đức lành, hậu quả chỉ riêng mình chịu lấy. Bởi giáo lý Phật giáo là chân lý thế gian, dù có thay hình đổi dáng thế nào thì nhân quả vẫn không sai. Cho nên, Hàn Lâm Thị Giảng Học sĩ đã viết trong lời tựa khi khắc lại bảng văn này: “Người đời ai mà xem được Luận thư này, cũng phải sợ hãi mà suy nghĩ, cảnh giác mà tỉnh ngộ.”[27] Giá trị giáo dục nhân quả ở điểm này rất lớn. Tác giả đã dùng lời văn để chuyển tải những giáo lý cao siêu của đức Phật; hay nói ngắn gọn đó là “Dĩ văn tải đạo”. Như vậy, văn học chính là một phương tiện hiệu nghiệm để tạo một con người mang tính nhân đạo chân chính. Với đặc tính ấy, văn học không chỉ góp phần hoàn thiện bản thân con người, mà còn hướng họ tới những hành động cụ thể, thiết thực, vì một cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn. Vì thế tác dụng giáo dục của văn học không phải ngay lập tức mà dần dần, thấm sâu nhưng rất lâu bền, nó gợi những cảm nghĩ sâu xa về con người và cuộc đời, nó gián tiếp đưa ra những bài học, những đề nghị về cách sống.
Ông đã dùng tâm đạo của mình để hộ pháp, nên lời văn, cách lập luận của ông không ngoài mục đích bảo vệ những cái hay cái đẹp của Phật giáo. Ông đem sự hiểu biết của mình vận dụng một cách nhuần nhuyễn, nhằm làm sáng tỏ những chỗ nghi ngờ của các học giả thời bấy giờ. Đúng như nhận xét của Vô Ngại cư sĩ: “Xét về sự tranh luận của luận thư này thì thẳng thắng, thật là nghiêm minh, dẫn chứng thành thật, trình bày đầy đủ rõ ràng, sáng như mặt trời, đúng như thời tiết bốn mùa.”[28]
3.3. Giá trị nghệ thuật
Giá trị nhận thức và giá trị giáo dục của văn học chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với một giá trị tạo nên đặc trưng của văn học, đó là giá trị thẩm mĩ hay còn gọi giá trị nghệ thuật. Trương Thương Anh viết tác phẩm theo hình thức tự sự thuộc thể loại luận nghị văn học, nhưng về phương diện Phật giáo chính là “Vô vấn tự thuyết”. Hình thức thể loại này từ thời đức Phật, Ngài đã sử dụng nó rất nhiều. Điển hình như Kinh A Di Đà thuộc văn hệ Sanrkrist, hay Kinh giáo giới La-Hầu-La ở rừng Am-Bà-La [29] thuộc văn hệ Pali... Thể loại này không cần người thưa thỉnh mà đức Phật tự nói. Do tính chất quan trọng của bài giảng hoặc do điều kiện khách quan mà đức Phật thấy cần thiết phải nói cho hàng đệ tử nghe để thực hành tu tập theo. Đứng trước sự đả kích của những nhà Nho, trí thức thời bấy giờ, ông tự nhận lãnh trách nhiệm hộ pháp, cần phải biện luận rõ ràng để người ta thấy được những cái hay cái dở của đôi bên. Trương Thương Anh cũng đã thực hiện theo cách này.
Tác giả đã dùng thủ pháp nghệ thuật “Gậy ông đập lưng ông” để phản đối lại những quan điểm sai lầm của các học giả thời bấy giờ. Với thủ bút này, hiệu quả của việc trích dẫn càng thêm có giá trị. Rõ nét nhất, ngay câu mở đầu của bài luận, ông đã mượn lời Khổng Tử: “Buổi sáng được nghe đạo, buổi chiều chết cũng đáng”[30] và “Khâu tôi nghe thấy ở Ấn Độ có vị Đại Thánh Nhân, không cần cai trị mà người dân không nổi loạn, không cần tuyên truyền mà người dân vẫn tự tin, không cần ra lệnh mà người dân vẫn thực hành”.[31] Trong quá trình trình bày, ông nhiều lần đưa những vị nổi danh được người đời kính trọng để mượn lời họ nói ý mình. Ông dẫn lời bậc thánh nhân – người mà cả dân tộc tôn thờ để mở lời và dẫn dắt người đọc đi vào luận thư của mình. Bậc thánh nhân mà còn tôn trọng như thế thì người đời lấy cái gì để chê bai. Lấy ngay ý họ để đáp trả lại họ. Làm như vậy hiệu quả rất cao. Đâu cần biện hộ phải trái khi người ta đang công kích mình. Bởi người không hiểu mình dù nói thế nào họ cũng không hiểu được. Bên cạnh đó, chúng ta cần chứng minh cho họ thấy giá trị Phật giáo bằng những việc làm thiết thực cho đời. Đây là một cách dẫn dắt người nghe bước ra những ngộ nhận sai lầm về Phật giáo. Sau đó hướng họ tin theo rồi từ từ dẫn họ theo quan điểm của mình. Đó là cái hay mà thủ pháp nghệ thuật mang lại cho người đọc.
Như vậy từ góc độ văn học, ông đã dùng quan điểm, tư tưởng của tôn giáo truyền thống để làm nhịp cầu bắt qua Phật giáo. Trong nhiều chỗ khi so sánh giữa các tôn giáo, ông đã dùng cách so sánh đồng đẳng, rồi từ đó chỉ ra cái hay của Phật giáo. Bên cạnh so sánh, ông còn đưa ra ẩn dụ rất thiết thực. Ông cho rằng, lời dạy của ba tôn giáo: Nho Lão, Phật đều là thuốc trị bệnh. Nhưng “Đạo Nho thì dạy người ta thành người quân tử nhằm trị bệnh ngoài da; kinh sách của đạo Lão thì khiến cho người ta mỗi ngày mỗi giảm bớt mê hoặc, nhằm trị bệnh trong huyết mạch; còn đạo Phật thì chữa thẳng vào gốc, vào căn bệnh, chứ không phải chỉ chữa nơi cành lá, đó là cách chữa bệnh ở xương tủy.”[32] Qua ẩn dụ này cho chúng ta thấy, ông muốn nói đến giáo nghĩa của mỗi tôn giáo tuy đều hướng con người đến chỗ tốt đẹp “cải thiện cuộc đời và làm đẹp phong tục”[33] nhưng tác dụng của mỗi tôn giáo đối với nhân sanh sâu cạn khác nhau. Do đó, việc chê bai, công kích ai thì trước hết hãy nên nhìn lại chính bản thân mình đang ở vị trí nào. Ông cho rằng: ba tôn giáo này giống như cái đỉnh ba chân, không thể thiếu một. Nếu thực hành theo lời Khổng tử dạy thì sẽ trở thành người có giáo hóa và có danh phận. Nếu làm theo Lão tử thì sẽ thành người hiền thanh cao. “Nếu có khả năng trì niệm và tu dưỡng đúng như lời Phật dạy thì sẽ thấy rõ chân lý, tâm thần sẽ thông suốt, hoài nghi sẽ tan biến, hiểu rõ vạn vật và bản thân ta là đồng nhất và quán triệt xưa và nay ngay ở đây, thì sẽ thành đạt chính đạo và giác ngộ rõ ràng như chư Phật”[34]. Như vậy, từ việc liên tưởng cái đỉnh ba chân thể hiện được vai trò và giá trị của Phật giáo ngang bằng với hai tôn giáo truyền thống. Sau đó, tác giả dẫn người đọc tiến xa thêm bước nữa trong việc nhận diện giá trị giáo dục của mỗi tôn giáo. Thông qua việc nhận thức về các tôn giáo, người đọc sẽ thấy rõ vai trò và giá trị vượt xa của Phật giáo so với các tôn giáo còn lại.
Trong tác phẩm, tác giả đã vận dụng khéo léo nhiều biện pháp khác nhau: sử dụng điển tích điển cố, sử dụng câu từ ngắn gọn mà súc tích. Từ việc sử dụng cách dẫn chuyện theo hình thức vấn đáp, nhưng trong tác phẩm không hề mang tính chất vấn đáp rõ ràng (như trong tác phẩm Lý hoặc luận được chia ra từng chương) mà tác giả chỉ đưa ra tình huống rồi giải quyết vấn đề theo kiểu văn xuôi. Cái hay ở đây là tác giả đã rất khéo léo vận dụng những hiểu biết của mình kết hợp với các thủ pháp nghệ thuật của văn học để đưa ra quan điểm cá nhân theo tinh thần Phật giáo. Việc làm này vô hình trung lại là phương tiện để giới thiệu nền minh triết của Phật giáo đến với tầng lớp tri thức thời bấy giờ.
Qua tác phẩm, ta cảm nhận được một tấm lòng hết mực kính trọng và yêu mến Phật giáo của tác giả. Ông đã dùng những hiểu biết của mình để vận dụng vào tác phẩm nhằm mục đích giúp cho người nghe, người đọc có khả năng nhận diện vấn đề. Ông đã ứng dụng nghệ thuật văn học một cách sinh động để nội dung truyền tải dễ đi vào lòng người nhằm hoằng dương chính pháp và bảo vệ giáo pháp trước những tấn công của người khác. Đặc biệt, ông đã dùng văn học đi sâu phân tích từng khía cạnh của các tôn giáo. Đồng thời cũng thông qua nguyên tắc “minh đạo”, “tải đạo” trong truyền thống văn học Trung Quốc, ông muốn trình bày diễn biến sâu xa của tư tưởng - tình cảm trong con người ông, qua đó chuyển tải tinh thần của Phật giáo đến với mọi người.
KẾT LUẬN
Hộ pháp luận tuy là tác phẩm nghị luận nhưng lại được Trương Thương Anh viết với tất cả lòng thành mong muốn bảo vệ Phật pháp của mình nên văn chương có đôi lúc cứng rắn, có đôi lúc mền mỏng. Tác giả đã thổi vào bộ luận một nguồn tư tưởng Phật giáo phong phú. Bằng việc sử dụng thành thạo nhiều phương diện nghệ thuật trong tác phẩm, tác giả đã bày tỏ những ưu tư, những boăn khoăn của mình đối với hàng trí thức, mong cho họ thận trọng lời nói và việc làm của mình; cũng như mong cho những người cùng chí hướng hãy bỏ tà theo chính và dốc lòng ủng hộ đạo Phật. Do đó, tác phẩm mang trong mình sứ mạng cao cả, là di sản vô giá mà người xưa để lại.
Bên cạnh đó, thông qua tác phẩm, chúng ta thấy được vai trò hộ pháp đắc lực của người cư sĩ. Luận này cũng là nhân chứng cho một thời đã qua, để lại bài học cho những người tu sĩ không chăm lo vun bồi đức hạnh, chạy theo những ham muốn của thế gian, để rồi bị người đời chỉ trích. Từ một cá nhân ảnh hưởng cả tập thể Tăng đoàn, ảnh hưởng cả đến tương lai của Phật giáo. Do đó, trong bất cứ thời đại nào, nếu còn những thành phần như trên thì luận này vẫn có tác dụng. Tuy cách thức đả kích Phật giáo khác nhau nhưng cũng đều với mục đích chĩa mũi dùi vào Phật giáo, vì thế người tu sĩ chúng ta cần nên thận trọng trong tu tập, đừng tạo duyên cho người đời công phá.
Thích Nữ Minh Đạt - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM ------------------------------- CHÚ THÍCH: [1]张勇耀, “张商英的河东宦绩与创作”, https://www.dazuig.com/wenz/wsyk/620173.html. Truy cập ngày 22/4/2021. [2] Vân Thê Tổ sư (1939), Cực lạc quê nhà, Tố Liên dịch, NXB: Trường Thiền Học Trung Ương Bắc Kỳ Phật Giáo, tr.30. [3] Vân Thê Tổ sư, tr.30. [4] Vân Thê Tổ sư, tr.30-33. [5]张勇耀, “张商英的河东宦绩与创作”, https://www.dazuig.com/wenz/wsyk/620173.html. Truy cập ngày 22/4/2021. [6] Thích Nữ Như Nhẫn (2015), “Tìm hiểu về Hộ pháp luận”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, Số 1, Nxb. Hông Đức, tr.20. [7] Thích Đức Nghiệp dịch (2007), Luận hộ pháp và Phật giáo với Khoa học, Nxb. Tôn Giáo, tr.5. [8] Giá trị văn học và tiếp nhận văn học, <http://www.gioivan.net/Gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-v%C3%A0-ti%E1%BA%BFp-nh%E1%BA%ADn-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc/tp-NqK0jGC0S2ER2nu6XFDbLg.> [9] Chualinhquang.net. [10] Thích Nữ Nguyện Liên và nhiều tác giả (Việt dịch) (2016), Giá trị văn học trong Kinh Phật, Nxb. Hồng Đức, tr.13. [11] Phương Lựu (1996), Văn hóa, văn học Trung Quốc cùng một số liên hệ ở Việt Nam, Nxb. Hà Nội, tr. 318. [12] 黄启江,“张商英护法的历史意义”, 中華佛学学报第9 期, (1996),薹北:中華佛学研究所, p. 125。 [13] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.18. [14] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.22. [15] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.24. [16] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.35. [17] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.23. [18] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.35-36. [19] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.36. [20] Thích Hạnh Thành (2009), Biên niên sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Phương Đông, tr. 141-143. [21] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.78. [22] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.78. [23] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.33. [24] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.47. [25] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.38. [26] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.16. [27] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.9. [28] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.5. [29] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 61. Kinh giáo giới La-Hầu-La ở rừng Am-Bà-La, Hà Nội: Tôn Giáo, 2012, tr. 507. [30] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.15. [31] Thích Đức Nghiệp dịch, tr. 16. [32] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.55. [33] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.62. [34] Thích Đức Nghiệp dịch, tr.64.THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Chualinhquang.net. 2. Giá trị văn học và tiếp nhận văn học, <http://www.gioivan.net/Gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-v%C3%A0-ti%E1%BA%BFp-nh%E1%BA%ADn-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc/tp-NqK0jGC0S2ER2nu6XFDbLg.> 3. Phương Lựu (1996), Văn hóa, văn học Trung Quốc cùng một số liên hệ ở Việt Nam, Nxb. Hà Nội. 4. Thích Đức Nghiệp dịch (2007), Luận hộ pháp và Phật giáo với Khoa học, Nxb. Tôn Giáo. 5. Thích Hạnh Thành (2009), Biên niên sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Phương Đông. 6. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, 61. Kinh giáo giới La-Hầu-La ở rừng Am-Bà-La, Hà Nội: Tôn Giáo, 2012. 7. Thích Nữ Nguyện Liên và nhiều tác giả (Việt dịch) (2016), Giá trị văn học trong Kinh Phật, Nxb. Hồng Đức. 8. Thích Nữ Như Nhẫn (2015), “Tìm hiểu về Hộ pháp luận”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, Số 1, Nxb. Hông Đức. 9. Vân Thê Tổ sư (1939), Cực lạc quê nhà, Tố Liên dịch, NXB: Trường Thiền Học Trung Ương Bắc Kỳ Phật Giáo. 10. 黄启江,“张商英护法的历史意义”, 中華佛学学报第9 期, (1996),薹北:中華佛学研究所。 11. 张勇耀, “张商英的河东宦绩与创作”, https://www.dazuig.com/wenz/wsyk/620173.html. Truy cập ngày 22/4/2021. 12. 张勇耀, “张商英的河东宦绩与创作”, https://www.dazuig.com/wenz/wsyk/620173.html. Truy cập ngày 22/4/2021.
Bình luận (0)