Để hướng đến nền văn minh nhân loại thì con người cần vun trồng tình thương yêu, bác ái, mỗi cá nhân biết nghĩ cho cộng đồng, con người được sống trong một môi trường trong sạch và lành mạnh.

Tác giả: An Tường Anh (Võ Đào Phương Trâm)

“Văn minh nhân loại”, đó là những cụm từ mà các quốc gia trên thế giới đều hướng đến, trong đó có Việt Nam, bất kỳ một công dân nào cũng mong muốn được sống trong một đất nước văn minh, tiên tiến, đầy đủ về đời sống vật chất lẫn tinh thần và mỗi quốc gia cũng luôn nỗ lực để đạt đến mục tiêu khả quan nhất trên các lĩnh vực.

Việt Nam là một đất nước xuất phát từ nền văn minh lúa nước, nông nghiệp lạc hậu, để trải qua giai đoạn khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế, xã hội, đưa Việt Nam thoát khỏi sự nghèo nàn và cấm vận, trở thành một quốc gia hòa bình thân thiện, có nền kinh tế tăng trưởng. Thế nhưng không dừng lại ở đó, chúng ta còn hướng đến những thành tựu và xây dựng những kỳ tích khác để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới trong những giai đoạn sau này thông qua việc mở rộng thu hút đầu tư về kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, xây dựng một nền văn hóa quốc gia đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại.

Một đất nước phát triển đó là khi có nền khoa học tiên tiến với nhiều những phát minh sáng kiến nhằm đáp ứng từng nhu cầu nhỏ nhất của con người cho đến những tham vọng vĩ mô hơn, từ đó mà nhiều sản phẩm thông minh ra đời để phục vụ đời sống con người.

Giáo dục là nền tảng của tất cả mọi lĩnh vực, vì thế giáo dục được xem là trọng điểm của các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới, Việt Nam cũng là một trong số đó.

Có thể nói, mọi sự phát triển, đầu tư nghiên cứu trên các mặt trận đều nhằm mục đích phát triển nhân cách, năng lực, nhận thức, tư duy và phục vụ đời sống cho con người vì con người chính là tài nguyên, là nhân tố quan trọng nhất trong xã hội. Khi con người phát triển tốt sẽ đưa đến một xã hội văn minh, hiện đại. Thế nhưng có một điều mang tính nghịch lý và trái ngược mà bài viết hôm nay muốn đưa ra để tìm hiểu, phân tích cũng như tham khảo thêm đó là “văn minh xã hội và tính bạo lực của con người”.

Chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy mỗi ngày, đời sống con người ngày càng đầy đủ hơn xưa, nếu những năm trước đây, con người chỉ cần nhu cầu “ăn, mặc, ở” thì ngày nay là “ăn ngon, mặc đẹp, ở nơi khang trang”, ngày xưa học sinh chỉ học một số môn chính thì ngày nay học sinh đã được mở rộng thêm nhiều môn phụ trội để phát triển cả về trí tuệ lẫn năng khiếu, từ đó các chủ trương, chính sách của nhà nước không chỉ dừng lại việc khai thác tiềm năng trong nước mà mở rộng liên kết, hợp tác với các quốc gia trên thế giới về thương mại, giáo dục, du lịch, y tế…để phát triển tối đa tiềm năng con người.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Và để phát huy tiềm năng con người thì giáo dục là điều cốt lõi nhất, một quốc gia với những công dân có học thức, không bị thất học sẽ là tiền đề để quốc gia đó phát triển và hùng mạnh, từ đó việc đưa con chữ đến từng người, đến từng vùng đã được Đảng và nhà nước thực hiện triệt để. Kết quả là hiện nay chúng ta đã xóa bỏ được tệ nạn mù chữ.

Ngày nay, ngoài học kiến thức trên sách vở, thế hệ trẻ đã có cơ hội tiếp cận với nền khoa học phát triển, bên cạnh đó, những nghiên cứu y tế đã đưa ra thị trường những sản phẩm dinh dưỡng cao, đáp ứng được về mặt sức khỏe, trí tuệ cho trẻ em từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành, thế nhưng bên cạnh những yếu tố thúc đẩy nền văn minh, tiên tiến, tập trung tất cả nguồn lực để phát triển con người nhưng đến thời điểm hiện nay, chúng ta lại cảm thấy bất an khi nhìn thấy rất nhiều những tệ nạn, lối sống tiêu cực, đáng báo động nhất là cách hành xử không có tính người trong những vụ án mạng man rợ, tất cả tội ác cũng đều xuất phát từ con người.

Chúng ta không khó để nhìn thấy hình ảnh bạo lực học đường, những trò lừa đảo tinh vi, là hành hung sát hại nhau bất kể là già hay trẻ, quen hay lạ, người dưng hay người thân, đều có những câu chuyện thương tâm xảy ra hằng ngày, hằng giờ mà chúng ta bắt gặp trên báo chí hoặc nhìn thấy trực tiếp ngoài xã hội.

Không chỉ như vậy, vấn nạn hàng gian, hàng giả, chất cấm vẫn còn ngấm ngầm tồn tại và giết hại không biết bao nhiêu người, rồi những người hành nghề bất lương như trộm cướp, bắt cóc trẻ con…

Tất cả những tệ nạn, thực trạng trên vẫn xảy ra với tần suất thường xuyên và ngày càng manh động, nhan nhản trên các trang mạng xã hội, làm cho chúng ta cảm thấy cuộc sống xung quanh mình thật rủi ro nguy hiểm, bởi người tốt người xấu, thật giả lẫn lộn. Có những cái chết đến một cách vô lý như chỉ cần nhìn “đểu”nhau hoặc đi ngoài đường vô tình gặp kẻ “ngáo đá” là vẫn có thể bị hành hung, sát hại; bên cạnh đó là một lối sống buông thả, thực dụng của một nhóm người.

Chúng ta thấy nhiều chủ trương, chính sách về an ninh, kinh tế, giáo dục và văn hóa, nhiều đoàn thể với lực lượng tuyên truyền hùng mạnh, khoa học phát triển rầm rộ nhưng lại sản sinh ra quá nhiều thành phần, nhiều hành vi lệch lạc, trong đó có cả những người có ăn học, có địa vị. Lẽ ra khi xã hội phát triển, đời sống con người phải ngày càng văn minh, càng xóa đi những hành vi xấu, hướng đến đời sống bình yên, tình thương và tính nhân văn của con người được nhân lên, nhưng vì sao thực tế hiện nay, nó đi ngược lại, nó sinh ra nhiều vấn nạn phức tạp, con người ngày càng thờ ơ, vô cảm và độc ác? Họ sẵn sàng hại đồng loại bất chấp mọi thủ đoạn, thậm chí có những hành vi mất nhân tính hơn cả thời điểm đất nước còn lạc hậu.

Vậy thì tại sao khi chúng ta tìm cách để hướng con người đến với đời sống văn minh, nhân bản với nhiều mục tiêu trọng điểm đặt ra để phục vụ cho sự phát triển con người thì lại tồn tại với quá nhiều những tệ nạn và những hành vi bất thiện cũng từ con người?

Những nguyên nhân đó xuất phát từ đâu?

Theo như những gì chúng ta thấy trên bề mặt xã hội hiện nay, và theo thống kê số liệu từ những cơ quan, tổ chức chuyên môn, từ nhận định của các chuyên gia, những tệ nạn, hành vi bất thiện của con người được hình thành từ những nhóm yếu tố cơ bản sau:

Vì sự phát triển của khoa học công nghệ dẫn đến nhiều loại game bạo lực được hình thành, thu hút nhiều sự quan tâm của giới trẻ, từ đó nhiều người bị lôi kéo theo, dẫn đến nghiện game, bị tiêm nhiễm những hình ảnh bạo lực từ game, và để thỏa mãn điều đó, nhiều người đã có hành vi trộm cướp để có tiền chơi game, có người thì vận dụng hành động bạo lực trong game vào cuộc sống. Một số bạn trẻ vì nghiện game nên suốt ngày chỉ nhìn vào màn hình điện thoại, tách biệt cuộc sống bên ngoài, dần dần trở thành người tự cô lập, dẫn đến trầm cảm và dễ có hành vi tiêu cực.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng là một con dao hai lưỡi, bởi MXH có thể cung cấp nhiều thông tin hình ảnh, bên cạnh đó không thể tránh khỏi những hình ảnh xấu, tiêu cực từ những “idol”, “hiện tượng mạng”, nhiều người vì không đủ bản lĩnh và nhận thức sẽ dễ dàng bị cuốn theo những hành vi lệch lạc, vì thần tượng mà bênh vực bất chấp, không phân biệt đúng sai, điều đó càng dễ trở thành mảnh đất màu mỡ cho những người thích nổi tiếng theo cách tạo scandal, tạo hiệu ứng đám đông phát triển và mặc nhiên trở thành thần tượng được giới trẻ tung hê.

Cũng thông qua MXH, nền tảng tiếp cận với nhiều người nhanh nhất, dễ nhất, thì việc rao bán, quảng cáo hàng gian, hàng giả cũng từ đó tràn lan, nhiều người buôn gian bán lận, thậm chí lừa đảo đã lợi dụng MXH để lừa nhiều khách hàng, lừa nhiều người lao động khác, họ cho rằng MXH là nơi dễ lừa đảo và khó bị phát hiện, sau khi đã ôm trọn một số tiền lớn của nhiều người thì những kẻ gian đó cũng biệt tăm mất hút.

Sự phân hóa xã hội ngày nay dẫn đến tình trạng người giàu thì rất giàu, người nghèo thì rất nghèo, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, trung du và miền núi…nên từ đó những nhóm người có ý đồ xấu thường lợi dụng vào những người ở những nơi còn thiếu thông tin, còn gặp nhiều khó khăn để kích động thù hằn, gây ra tình trạng bạo loạn, dẫn đến thương vong người vô tội khác.

Thế nhưng, nếu người nghèo dễ bị lợi dụng, trục lợi về mặt thể chất lẫn tinh thần thì người ở tầng lớp thượng lưu, những người có địa vị trong xã hội lại rơi vào sự lo lắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế, dẫn đến một số nơi vì muốn khuếch trương danh tiếng đã hình thành nên những tập đoàn lừa đảo, bất chấp lợi ích người khác để đạt được phần lợi cho mình. Khi có nhiều tiền, người ta lại sinh ra những tiêu cực ở một góc độ khác, đó là sự hưởng thụ vượt quá giới hạn cho phép, dẫn đến việc sử dụng chất cấm, chất kích thích, sẵn sàng chi số tiền lớn cho nhu cầu tình dục bừa bãi, thác loạn. Nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy tiền bạc, dục vọng đến mức mất phương hướng, trở thành tệ nạn xã hội. Vì nhu cầu sống và hưởng thụ vật chất quá nhiều nhưng lại lười lao động đã hình thành nên những cuộc mua bán suy đồi đạo đức, từ đó nhiều người sa vào con đường phạm pháp như buôn bán ma túy, chất kích thích, mại dâm nghìn đô…gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho xã hội.

Bên cạnh đó, sự tiếp nhận thông tin sai lệch từ phim ảnh, MXH đã làm cho một số người trở thành kẻ biến thái nhân cách, giết người hàng loạt, điều này thường xảy ra ở nước ngoài hơn ở Việt Nam, và nó cũng là một trong những nguyên nhân xuất phát từ sự hiện đại của nền công nghệ, khi con người có những tư duy, sáng tạo vượt quá giới hạn, nhưng lại là những sáng tạo mang tính tiêu cực dẫn đến những hành vi hành bắt chước của một nhóm người nào đó.

Chúng ta cũng chứng kiến không ít trường hợp cha mẹ nuông chiều con cái từ khi còn nhỏ dẫn đến việc trẻ con không phân biệt được đúng sai, ỷ lại vào sự bênh vực bảo vệ của cha mẹ nên mặc sức có những hành vi không tốt, từ những thói quen xấu lúc nhỏ, dần dần trở thành tính cách của đứa trẻ khi lớn lên, khi ra xã hội, những đứa trẻ được nuông chiều sẽ dễ trở nên thực dụng, hư hỏng, có lối sống vô cảm, dễ phạm lỗi và có hành vi bạo lực. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm từ phía gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển không toàn diện cho con cái.

Giáo dục là một trong những yếu tố cơ bản nhất để xây dựng nhân cách của con người, thế nhưng ngày nay, chúng ta thấy nền giáo dục hiện tại đang mang tính nhồi nhét kiến thức sách vở cho học sinh, nặng về thành tích thi cử, tạo nhiều áp lực cho giáo viên, phương pháp giảng dạy rập khuôn, học thuộc là chính nên ít phát huy được sự chủ động sáng tạo của học sinh và người giảng dạy. Kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh cũng chưa được quan tâm đúng mức, và nếu nhìn kỹ lại, chúng ta thấy nền giáo dục hiện nay mang tính chú trọng hình thức hơn là đi sâu vào chất lượng bên trong, chú trọng đến số lượng hơn là chất lượng. Một số người làm trong lĩnh vực giáo dục lại chưa chuẩn mực trong cách ứng xử, nhiều bảo mẫu đánh đập hành hạ học sinh, chửi mắng xúc phạm học trò càng gây ra một áp lực tinh thần đối với thanh thiếu niên, dẫn đến hành vi tiêu cực.

Chúng ta cũng nhận ra rằng “Mặt trái của nền kinh tế thị trường đã tác động rất lớn đến văn hóa, giáo dục và tạo ra lối sống thực dụng, ích kỷ, thờ ơ trong một bộ phận người trẻ hiện nay. Trong khi đó, những quy định về pháp luật hiện hành còn nhiều lỗ hổng để ngăn ngừa tội phạm hữu hiệu”. Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) “Xã hội hiện đại ẩn chứa nhiều mặt trái kích thích người ta phạm tội. Những đối tượng thanh niên xem quá nhiều phim đồi trụy, phim bạo lực và bị ám ảnh bởi những hình ảnh trong đó”.

Từ những yếu tố trên và còn nhiều những nguyên nhân khác nữa, có những nguyên nhân dễ nhìn thấy trước mắt nhưng cũng có những nguyên nhân tiềm ẩn sâu xa bên trong làm cho chúng ta thấy một bộ phận con người trong xã hội hiện nay đang sống rất tàn nhẫn với nhau, vì một chút bất mãn bản thân, vì sự không hài lòng, trái ý, vì lợi ích cá nhân,…con người ta sẵn sàng gây tổn thương tinh thần đến thể xác nhau. Làm sao chúng ta có thể nghĩ một xã hội đang đi đến sự văn minh, tiến bộ, nhân văn lại có những vụ án cha mẹ giết con cái, con cái sát hại cha mẹ, vợ chồng ra tay tàn nhẫn với nhau không chút tính người và còn nhiều trường hợp đoạt mạng người vì những lý do không đáng có. Làm sao chúng ta có thể hình dung một xã hội an toàn, hạnh phúc khi bước ra đường là nghĩ “người tốt kẻ xấu đan trộn lẫn vào nhau” đến nỗi gặp một người bị tai nạn, một người lạ đến nói chuyện, chúng ta cũng hoài nghi, không tin tưởng.

Lòng tin con người ngày càng bị mất đi khi chúng ta đang sống trong một bối cảnh tràn ngập bất an, không biết tai họa đến bất cứ lúc nào, một người đang tốt bỗng chốc biến thành kẻ sát nhân máu lạnh, ranh giới giữa “thiện ác, tốt xấu” ngày nay mong manh không ai có thể phân định được. Đó là một thắc mắc, là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra “Vì sao khoa học kỹ thuật phát triển, cải cách giáo dục thường xuyên, chấn hưng văn hóa toàn diện mà con người lại mỗi lúc một tàn ác, man rợ hơn xưa?” Phải chăng khi khoa học kỹ thuật, xã hội ngày càng phát triển thì con người cũng có nhiều sự thay đổi về mặt nhân sinh quan, và phải chăng đó là sự song hành giữa một xã hội tiến bộ về mặt này thì sẽ kéo theo những tiêu cực, hệ lụy về mặt khác?

Sự phát triển của xã hội cũng như một loại thuốc trị bệnh, có thể chữa khỏi bệnh này nhưng sẽ để lại tác dụng phụ trên bệnh khác và để có được những giải pháp khắc phục những mặt tiêu cực, đẩy lùi những “tác dụng phụ” thì cần những bước dài về tầm nhìn, định hướng vĩ mô của một quốc gia trên nhiều phương diện, tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập đến một số giải pháp theo góc nhìn và quan điểm phổ quát.

Việc loại bỏ những hạn chế nào đó trong xã hội phải trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ để người ta nghiên cứu và xây dựng những chủ trương, chính sách và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục những mặt tồn tại hạn chế, hạn chế đó bao gồm những vấn đề có thể kéo một xã hội, đời sống con người đi xuống. Trong đó, để khắc phục những tệ nạn xã hội, đưa ra giải pháp nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần, hướng con người đến chân – thiện – mỹ là một trong những nội dung quan trọng mà bất kỳ quốc gia nào cũng xem trọng, bởi một người tốt sẽ là một nhân tố tốt cho xã hội. Một xã hội nếu tồn tại nhiều người tốt thì chắc chắn đất nước đó sẽ văn minh, đất nước đó sẽ phát triển.

Vậy nên nhiều quốc gia ngày nay đã đề cao yếu tố lịch sử dân tộc đối với nhân dân trong nước, ví dụ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên Thế giới.

Ở Nhật Bản hiện tại, giáo dục lịch sử có một vị trí quan trọng trong trường phổ thông và được thực hiện ở cả ba cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông. Mục tiêu của môn học này là nhằm “làm cho học sinh hiểu biết về đời sống xã hội, hiểu biết và có tình yêu đối với lịch sử và lãnh thổ, giáo dục nền tảng phẩm chất công dân với tư cách là người xây dựng nên quốc gia - xã hội hòa bình dân chủ và sống trong cộng đồng quốc tế”.

Theo Luật nhập cư của Canada, những người muốn có quốc tịch Canada phải trải qua bài thi viết và phần hỏi vấn đáp về lịch sử chính trị - xã hội và lịch sử văn hóa Canada từ 1867 đến nay.

Thực tế cho thấy, các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và Canada đã có nhiều nỗ lực trong việc nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của môn lịch sử cũng như tầm quan trọng của công tác giáo dục lịch sử trong nhà trường nói riêng và trong xã hội nói chung.

Trong khi đó, ở Việt Nam, cách tích hợp và phân loại trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biến Lịch sử thành môn tự chọn (mà chắc chắn sẽ có rất ít học sinh lựa chọn), khiến môn học cơ bản này có khả năng bị “khai tử” trong chương trình trung học phổ thông mới. Chính vì yếu tố này đã khiến cho nhiều người phản đối và đề nghị phải đưa lịch sử vào môn học bắt buộc.

Việc giáo dục học sinh và công dân của một quốc gia biết rõ về lịch sử dân tộc là cách khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, từ đó mỗi công dân sẽ có ý chí phấn đấu để bảo vệ và phát triển Đất nước. Chính vì giáo dục lịch sử sâu rộng nên người dân Trung Quốc, Hàn Quốc thường làm những bộ phim lịch sử thu hút đông đảo người xem, việc phát triển văn hóa, khoa học kỹ thuật đi kèm giáo dục lịch sử sẽ giúp con người có sự phát triển năng lực, nhân cách toàn diện hơn.

Ngoài việc giáo dục lịch sử, một số quốc gia chọn cách đưa Tôn giáo vào đời sống, Tôn giáo sẽ góp phần điều chỉnh lối sống người dân theo tín ngưỡng và tục lệ riêng của quốc gia đó, một ví dụ điển hình là Đất nước Bhutan, Bhutan được coi là "Vương quốc thuần Phật giáo" đứng đầu thế giới. Đặc biệt, vị lãnh đạo Jigme Khesar Namgyel Wangchuck là người ăn chay trường và góp phần lan tỏa giá trị nhân văn cho người dân. Người Bhutan luôn hài lòng với cuộc sống giản dị, mộc mạc, chan hòa với thiên nhiên. Họ trồng rau trái 100% theo phương pháp hữu cơ và phần lớn người dân nơi đây đều ăn chay. Không chỉ là quốc gia ngập tràn sự hạnh phúc với con người, mà họ còn có tình yêu môi trường, bầu không khí trong lành cùng mức độ ô nhiễm rất thấp”.

Đất nước Nhật Bản là quốc gia ít trộm cắp nhất trên thế giới vì đa phần người Nhật theo Đạo Phật và Thần Đạo, người Nhật vốn có đức tin tuyệt đối và họ luôn sẵn sàng đối mặt với khó khăn trong mọi tình huống, bởi vậy trong tư tưởng của người Nhật họ luôn hướng thiện, tìm tới sự trong sáng, họ sẵn sàng giúp đỡ mọi người, tránh làm những điều trái với lương tâm và trái với đạo nghĩa.

Từ điều này cho chúng ta thấy việc lan tỏa một Tôn giáo, mà trong đó đạo Phật được xem là Đạo mang lại sự từ bi, an lạc cho con người và xã hội bởi Phật giáo là một Đạo giáo hướng thiện, không sát sinh, đạo Phật đề cao tinh thần hòa bình và giúp con người có đời sống thiện lành, bi mẫn, biết yêu thương chúng sinh, vì vậy chúng ta thấy khi một quốc gia hướng đến đạo Phật và đưa đạo Phật vào đời sống cộng đồng sẽ góp phần làm cho Đất nước đó trở nên bình an, hạnh phúc và đáng sống.

Ngoài những yếu tố về lịch sử và tôn giáo thì để ngăn ngừa những tư tưởng hành vi lệch lạc, khơi dậy tính nhân văn để con người biết yêu thương, giúp đỡ nhau, để những hành vi tiêu cực, trái pháp luật, trái đạo đức bị loại trừ thì cần sự hợp sức từ gia đình ra đến xã hội, cần những chủ trương, bộ luật của các cơ quan quản lý nhà nước, cần đến tâm đức và năng lực của người quản lý ở các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, giáo dục, chính trị tư tưởng, trong đó, công tác giáo dục cho công dân về ý thức, hành vi, lối sống cần phải được quan tâm chú trọng từ những cấp học thấp nhất, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, làm sức mạnh nội sinh quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững.

Việc giáo dục cho học sinh, cần chú trọng đến chất lượng hơn là hình thức để học sinh có thể phát triển tốt nhất về trí tuệ lẫn kỹ năng, để mỗi học sinh khi lớn lên sẽ trở thành những công dân tốt. Không ít lần chúng ta nhìn thấy hình ảnh trẻ em ở Nhật Bản luôn biết cúi đầu chào để cảm ơn và xin lỗi, Singapore giáo dục ý thức cho người dân biết giữ gìn vệ sinh nơi công cộng. Và yếu tố giúp mang lại đời sống văn minh, nhân ái được nhiều quốc gia vận dụng, đó là tín ngưỡng Tôn giáo, trong đó Phật giáo đã góp phần chuyển hóa nhận thức, tâm lý con người vô cùng hữu hiệu, chúng ta thấy nhiều người hành nghề đồ tể, trộm cướp từng đến Chùa sám hối, những tử tội xin được đọc Kinh, nhiều người gieo nghiệp ác, khi cận tử đều niệm Phật để vãng sinh, vậy thì việc đưa giá trị Đạo giáo, điển hình là Phật giáo vào đời sống nhân sinh thậm chí là giáo dục hiện nay để cảm hóa con người là điều nên nghĩ và cần thiết.

Ngoài những yếu tố trên, mỗi công dân cần có tinh thần trách nhiệm trong những việc mình đang đảm nhận, khi có trách nhiệm thì mỗi người mới có thể làm tốt nhiệm vụ của mình, góp phần hạn chế những tệ nạn phát sinh, ví dụ người làm công tác kiểm tra hàng gian, hàng giả cần làm đúng quy định thì mới có thể ngăn chặn những đối tượng gây hại cho xã hội, ngược lại, nếu dung túng cho những kẻ sai phạm thì họ sẽ tiếp tục tồn tại và gieo rắc tội ác cho cộng đồng.

Để hướng đến nền văn minh nhân loại thì con người cần vun trồng tình thương yêu, bác ái, mỗi cá nhân biết nghĩ cho cộng đồng, con người được sống trong một môi trường trong sạch và lành mạnh. Để có được những yếu tố đó, mỗi người sống cần phải rèn luyện ý thức cho mình, khi mỗi người có ý thức vì cộng đồng, vì xã hội, khi chúng ta biết buông bỏ đi những lợi ích bản thân và nuôi dưỡng được tâm thiện lành thì khi đó một quốc gia sẽ trở nên văn minh, bình yên, hạnh phúc và đáng sống mà không phải dựa vào duy nhất sự phát triển từ khoa học công nghệ.

Tác giả: An Tường Anh (Võ Đào Phương Trâm)