Lễ chùa đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt Nam từ bao đời nay. Mỗi dịp Tết đến, xuân về cũng như những bậc cao niên, các bạn trẻ lại háo hức chờ đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để lên chùa hái lộc, cầu mong những điều tốt lành. Tuy nhiên, không giống hình ảnh đi lễ chùa xưa của cha ông, của các bà, các mẹ với áo the, khăn xếp… Các bạn trẻ với đủ loại trang phục dài, ngắn, rực rỡ sắc màu; với đủ “tâm thế” cũng như cách hành xử khác nhau nơi cửa Phật trang nghiêm!
Ăn mặc phản cảm ở chốn linh thiêng
Thời gian gần đây, xuất hiện không ít những hình ảnh ăn mặc phản cảm, lố lăng của giới trẻ khi đi lễ chùa được đăng tải trên các trang mạng xã hội bị dư luận lên án gay gắt. Mặc dù được nhắc nhở rất nhiều, nhưng “váy ngắn”, “quần đùi”, “áo hai dây”, cách ăn mặc “mát mẻ” của các thiếu nữ vẫn tràn lan mỗi mùa lễ hội đầu năm. Thậm chí nhiều bạn trẻ diện váy ngắn vô tư chụp ảnh “tự sướng” ngay trong sân chùa, bên cạnh tấm biển “Đề nghị không mặc quần, váy ngắn vào chùa để đảm bảo sự tôn nghiêm”!
Nhang cả bó, nói to, cười lớn…
Bên cạnh chuyện ăn mặc hở hang gây phản cảm, một số bạn trẻ đi lễ chùa đầu năm còn có các hành động quá lố, khiến người khác ngao ngán, đánh giá không tốt. Các bạn trẻ vô tư, thoải mái đùa nghịch, trêu ghẹo, thể hiện tình cảm,… thậm chí văng tục chửi bậy ngay giữa chốn linh thiêng.
Giẫm lên cỏ, khắc lời nguyện ước lên cây, xả rác bừa bãi… đã trở thành “cái sai hệ thống” bởi “hiệu ứng số đông” của các bạn trẻ.
Hái lộc đầu xuân thành bẻ cành
Hái lộc đầu xuân là một trong những phong tục không thể bỏ qua trong ngày Tết ở Việt Nam. Vào thời khắc Giao thừa và ngày Tết, người dân có tục lệ đi hái lộc đầu xuân và đến đình chùa xin lộc, xin được ban ơn, cầu phúc cầu tài. Tuy nhiên một thực trạng đáng buồn, trong những năm gần đây, từ một hành động đẹp, tôn vinh truyền thống văn hóa Việt, một số bạn trẻ đã làm “méo mó” nó bằng những việc làm thiếu ý thức, ảnh hưởng đến môi trường.
Nhiều bạn trẻ thản nhiên hái hoa, bẻ cành, chụp hình thậm chí một số khác còn giẫm đạp nát cả vườn hoa, cây cảnh, hoặc các cây xanh ở trong chùa, sân chùa và ở xung quanh chùa khiến nhiều người bất bình.
Cúng dường
Có nhiều bạn trẻ quan niệm rằng đến chùa không ít thì nhiều cũng nên bỏ vào hòm công đức một ít tiền. Nên có khi bạn bè rủ đi chùa thì ngại vì trong túi không có tiền. Nhiều nơi, có người còn đổi từ tiền chẵn sang tiền lẻ, rồi tới mỗi chỗ thờ Phật kẹp vào một vài tờ tiền, như vậy mới an tâm…
Vậy là không có tiền thì ngại không dám đến; mà đến rồi thì “tiền lẻ nhét đầy tay tượng Phật” hay rải khắp nơi trong chùa.
Đi chùa theo phong trào
Một thực trạng đáng buồn nữa là các bạn trẻ đi chùa nhưng lại không có hiểu biết nhiều về không gian lễ hội, về sự tích, sự linh thiêng nơi mình đang đến, về tôn tượng những vị Phật mà mình chắp tay cúi lạy… Đi lễ chùa theo kiểu xu hướng nên nhiều bạn không quan tâm đến việc đền chùa thờ ai, nguồn gốc lịch sử thế nào để rồi thành tâm tưởng nhớ công ơn của họ. Đó cũng là một trong những biểu hiện của việc đến chùa nhưng không hiểu đạo Phật.
Còn biết bao điều làm Phật phải “phiền lòng” trước cánh cửa mùa xuân mới. Nhưng với trái tim vị tha của bậc Thầy ba cõi, chư Phật cùng các quý thầy luôn hoan hỷ, thứ lỗi cho những người con đang lầm lạc vì vô minh tìm về với ánh sáng chân như.
Xuân này đi chùa…cùng nhớ
Mùa Xuân Đinh Dậu (2017), xin được nhắc lại mấy câu thơ được khắc tại chùa Từ Vân (Cam Ranh):
“Lên chùa thắp một nén hương Thành tâm khấn vái, mười phương độ trì Thắp nhiều nhang quá làm chi Khói đen ám tượng, lấy gì phước đây?”
Phật không phải là một vị thần linh ban phước, giáng họa để chúng ta cầu xin lợi lộc, tiền tài… qua những xấp tiền lẻ; những tập vàng mã; những bó nhang nghi ngút vương vãi khắp nơi trong đền chùa. Phật là bậc từ bi, trí tuệ đâu phân biệt giàu nghèo, sang hèn; người đứng trước, kẻ đứng sau. Vậy mà chúng ta sẵn sàng lớn tiếng, chen lấn, xô đẩy chỉ để dành chỗ là “người đến trước”, để được Phật “biết mặt, biết tên”!
Xuân đang đến rất gần, lại một mùa lễ hội được khởi động. Câu hỏi làm sao để xây dựng một hình ảnh đẹp cho giới trẻ trước thực trạng lễ chùa đầu năm đang được xã hội rất quan tâm.
Thiết nghĩ, đi lễ chùa đầu năm phải xuất phát từ sự thành tâm trong mỗi con người. Diện mạo của văn hóa lễ chùa đầu năm chỉ có thể được xây dựng khi người tổ chức, quản lý lễ chùa và người tham gia lễ chùa thật sự am hiểu giá trị, ý nghĩa của lễ chùa đầu năm, từ đó có ứng xử văn hóa khi tham gia. Các bạn trẻ - một trong những cá thể góp phần xây dựng văn hóa ấy cũng cần nên thực hiện những điều đó và xin hãy hiểu rằng:
1. Bái lạy không phải chỉ là khom lưng cúi người xuống mà là buông bỏ ngạo mạn.
2. Niệm Phật không phải là thể hiện ở số lượng thanh âm mà là thể hiện ở sự thanh tịnh của tâm địa.
3. Chắp tay không phải chỉ là khép hai tay lại mà còn thể hiện sự cung kính.
4. Thiền định không phải là ngồi lâu đến mức không dậy nổi mà là trong tâm không bị dao động bởi bên ngoài.
5. Vui mừng không phải là ở khuôn mặt rạng rỡ mà là ở sự khoan khoái, dễ chịu trong lòng.
6. Thanh tịnh không phải là ở sự vứt bỏ dục vọng mà là thể hiện ở tâm địa không mưu cầu cái lợi.
7. Bố thí quyên tặng không phải chỉ là cho đi hết vật chất mà là chia sẻ tấm lòng yêu thương.
8. Tín Phật không phải là học tập tri thức mà là thực hiện vô ngã.
Tác giả: Hồng Yến Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 1/2017
Bình luận (0)