Góc nhìn Phật giáo qua bài "Lời của cây" trong SGK Ngữ văn lớp 7
ISSN: 2734-9195
14:10 05/08/2024
Khi hạt chưa gieo xuống đất, hạt nằm lặng thinh. Hạt không nói, không cười, không biểu hiện của sự sống. Đứng ở góc độ giáo lý Phật giáo, hạt chính là mầm mống (nhân), là biểu hiện ban đầu của cây (quả) khi hạt đủ duyên. Và đất là nơi hạt sẽ hội tụ mọi duyên đó. Giáo lý của Phật dạy, mọi hạt giống chứa đầy những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực để thành hình hài của cây. Trái ngọt hay đắng, lá tròn hay lá dẹt đều do mầm mống của hạt.
Tác giả: Hoàng Phước Đại
Pháp danh: Đồng An
Địa chỉ: Bến Tre
Đầu hè, khi các học sinh nghỉ ngơi sau chuỗi ngày học tập vất vả, thì tôi phải đọc sách giáo khoa để chuẩn bị cho năm học mới. Đọc bài “Lời của cây” của nhà thơ Trần Hữu Thung trong sách Ngữ văn 7, tôi nhận ra đâu đó giáo lý của Phật về Duy biểu học. Vậy cái giáo lý của Phật nằm ở đâu trong bài thơ “Lời của cây” , xin quý vị dành ít thời gian đọc bài thơ ở trang 14-15, sách giáo khoa Ngữ Văn 7, do nhóm tác giả Chân Trời sáng tạo biên soạn. Hãy đọc vài lượt, ngẫm từng từ, mới thấy nhận thức của người nghệ sỹ về duy biểu học.
"Khi đang là hạt
Cầm trong tay mình
Chưa gieo xuống đất
Hạt nằm lặng thinh."
Khi hạt chưa gieo xuống đất, hạt nằm lặng thinh. Hạt không nói, không cười, không biểu hiện của sự sống. Đứng ở góc độ sinh học, hạt là khởi đầu của quá trình sinh trưởng của cây. Đứng ở góc độ giáo lý Phật giáo, hạt chính là mầm mống (nhân), là biểu hiện ban đầu của cây (quả) khi hạt đủ duyên. Và đất là nơi hạt sẽ hội tụ mọi duyên đó. Giáo lý của Phật dạy, mọi hạt giống chứa đầy những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực để thành hình hài của cây. Trái ngọt hay đắng, lá tròn hay lá dẹt đều do mầm mống của hạt. Dưới cái nhìn sinh học đó là gene.
Con người ta cũng vậy, khi còn trong bụng mẹ, em bé nằm lặng thinh. Nhưng mầm mống của sự sống đã bắt đầu. Cao thấp, trắng đen, tóc thẳng hay tóc quăn; thậm chí tính tình hiền hay dữ cũng đã có sẵn. Đó là những hạt giống của tổ tiên, ông bà cha mẹ trao lại. Cái nghệ thuật dạy dỗ học sinh là làm sao khơi dậy mầm mống cái tốt và đừng tưới tẩm mầm mống cái xấu.
Phật dạy:
"Hạt giống có đủ loại
Sinh tử và niết bàn
Mê ngộ và khổ vui
Danh xưng và tướng trạng."
( Kệ số 2 Duy Biểu học)
Nhận thức hạt nằm lặng thinh, chính là quan điểm về tàng thức trong giáo lý của Phật. Hạt nằm lặng thinh nhưng hạt có đầy đủ các danh xưng và tướng trạng của hạt giống. Danh xưng là tên gọi của sự vật, hạt ổi, hạt mướp, hạt khổ qua. Tướng trạng là hình thái biểu hiện, hạt giống hoa cúc cho ra cánh vàng, hạt giống mướp cho ra trái dài và ngọt; hạt giống ổi cho quả cứng và có hạt. Trong hạt giống của ổi cất chứa cái đẹp, cái ngọt ngào của ổi; hạt giống khổ qua có tướng trạng xù xì, vị đắng của trái khổ qua.
Hạt giống ổi, hạt giống khổ qua cũng có đủ loại. Đủ loại có nghĩa là không có hạt giống nào mà không có. Chỉ với hạt giống ổi Đài Loan hiện nay người nông dân đã có đến vài loại giống, ổi Đài Loan xá lị, ổi Đài loan ruột đỏ. Trong từng loại giống đó, có hạt giống yếu, có hạt giống mạnh, có hạt giống lớn, có hạt giống nhỏ. Có hạt giống sinh tử, có hạt giống niết bàn. Hạt giống sinh tử là hạt giống đau khổ, trái ngược với hạt giống niết bàn là hạt giống hạnh phúc. Đau khổ bởi nhìn nhận sắc là thường hằng, cái ngã là thường hằng. Hạnh phúc là biết buông bỏ, biết sắc là vô thường, biết vô ngã là Niết bàn. Mọi mầm mống của hạt được cất chứa chỉ đợi đủ duyên, hạt sẽ thành cây thành hoa và quả.
"Tất cả được cất chứa
Nên thức gọi là tàng."
Hạt đủ duyên, thì hạt nảy mầm, lúc bấy giờ hạt không làm thinh nữa mà hạt thì thầm. Giống em bé trong bụng mẹ vậy. Dù em bé vẫn còn trong bụng mẹ, nhưng em bé đã có khả năng nghe và cảm nhận được vui buồn. Thậm chí người ta còn áp dụng cho bé nghe nhạc khi bé còn trong bụng mẹ, bởi khoa học chứng minh rằng cái mầm đó “đã thì thầm” và “ghé tai nghe rõ”. Đó là những cảm thọ, tri giác có gốc rễ trong thức.
"Khi hạt nảy mầm
Nhú lên giọt sữa
Mầm đã thì thầm
Ghé tai nghe rõ."
Lúc mầm tròn nằm giữa chính là khoảng thời gian tuyệt vời nhất. Mầm hạt cũng là chúng sinh nhưng nó ở dạng thực vật. Bởi như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết ”Làm sao em biết bia đá không đau?“ bia đá cũng có cảm giác, huống gì mầm cây, dấu hiệu của sự sống. Đọc cho kỹ đoạn thơ dưới đây ta mới hiểu được cái cảm giác khi em bé còn trong bụng mẹ. Bụng mẹ là cái nôi, là cung điện cho em bé tạm ẩn náu, mà người ta dùng từ hán nôm là tử cung. Tử là con, cung là cung điện, bụng mẹ là cung điện của con. Mỗi khi khó ở, em bé cựa quậy thì có bàn tay của mẹ vỗ về, có tiếng ru của mẹ dỗ dành cho đến khi em bé cảm thấy thoải mái dễ chịu.
"Mầm tròn nằm giữa
Vỏ hạt làm nôi
Nghe bàn tay vỗ
Nghe tiếng ru hời."
Hình ảnh hạt mầm như một em bé ngoan ngoãn đang nằm yên lành, căng tròn giấc ngủ trong nôi, trong tiếng ru và bàn tay vỗ về, yêu thương của người mẹ thiên nhiên. Phải chăng thiên nhiên cũng thật kỳ diệu với nhiều bài học quý giá về tình yêu thương như tình mẫu tử. Tình yêu thương của bà mẹ thiên nhiên che chở, kiêng cữ trước những tác động bất lợi của ngoại cảnh xung quanh. Bởi khi còn ở trong bụng mẹ, thức A-lại-gia của mầm sống đã bắt đầu hoạt động, đã có thể tiếp nhận những hạt giống khổ đau hay hạnh phúc từ cha mẹ mình.
Khi mang thai, người mẹ hằng ngày tiếp tục gieo vào tàng thức của em bé đủ mọi hạt giống bởi cách ăn uống, đến buồn vui, khổ đau, lo lắng. Cho nên ông bà xưa có câu: Con vào dạ mạ đi tu. Mẹ muốn con được an vui, mẹ tu, mẹ phải chính niệm trong đi đứng nằm ngồi, trong ăn uống. Mỗi cử chỉ vụng về, mỗi câu nói nặng, mỗi cái nhìn trách móc, mỗi cái nhìn lạnh nhạt của cha đối với mẹ, em bé đều tiếp nhận. Những hạt giống khổ đau của một đời người bắt đầu từ khi còn trứng nước trong bụng mẹ. Những hành động thiếu chánh niệm của người lớn gieo vào tâm em bé có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời của đứa bé.
“Mầm kiêng gió bắc
Kiêng nhất mưa giông
Nghe mầm mở mắt
Đón tia nắng hồng."
Một khi mầm mở mắt, tự cất thành tiếng nói riêng khẳng định sự tồn tại và ý nghĩa, giá trị của mình giữa đất trời một cách kiêu hãnh, tự tin.
"Rằng các bạn ơi
Cây chính là tôi
Nay mai sẽ lớn
Góp xanh đất trời."
Mầm có ý chí mạnh mẽ để khẳng định chính mình rằng “Nay mai sẽ lớn, góp xanh đất trời”, đó chính là lý tưởng của sự sống. Nhưng từ đây, bao khổ đau lại đến với cây. Đứng về phương diện giáo lý của Phật, khi cái ngã đã có “Cây chính là tôi“ thì khổ đau có mặt do ngã, do tham, do sân si vì tướng trạng, vì danh xưng, vì sắc dục làm khổ cuộc đời.
Có thể nhà thơ có tâm Phật, nhìn nhận được cuộc sống dưới góc độ giáo lý của Phật nhưng ông chưa thoát khỏi khổ đau. Muốn thoát khỏi khổ đau chúng sinh đừng bám víu vào các ý niệm về cái ta, đó là phải thực tập nhìn sâu vào bản chất vô thường và tương tức của thực tại. Phật dạy con người chỉ hết khổ đau khi tâm đã được an.
"Nhược nhân dục liễu tri
Tam thế nhất thiết Phật,
Ưng quán pháp giới tính,
Nhất thiết duy tâm tạo."
Vài dòng cảm nhận khi đọc bài thơ “Lời của cây”. Mong rằng sách giáo khoa có thêm nhiều bài thơ, bài văn dạy cho học sinh về quan niệm của cuộc sống hướng thiện và tràn đầy hạnh phúc ước mơ tươi đẹp.
Từ ngày 15 đến ngày 18-1-1981, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Vận động thống nhất PGVN đã mở hội nghị kỳ 2 để kiểm điểm tình hình hoạt động của Ban vận động trong năm 1980 và hoạch định chương trình hoạt động cho năm 1981.
Khi một người bị sáu giác quan chi phối hoàn toàn, họ sẽ theo đuổi bất kỳ điều gì mà các giác quan thúc giục, trong suốt phần đời còn lại của mình, trừ khi họ có thể giải thoát khỏi sự trói buộc ấy.
Buồn khổ không nhất thiết là những dấu hiệu về một đời sống tối tăm và đáng sợ, mà đối với Shabkar, buồn khổ là chất liệu giúp ngài rèn luyện tâm thức mình rộng mở, tự do và an lạc hơn.
Vô thường không chỉ đơn thuần là một triết lý tri thức mà còn là lời nhắc nhở để chúng ta đối diện và nhận thức được bản chất thay đổi không ngừng của vạn vật theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.
Trong thất bại, bà không tìm cách đổ lỗi hay biện minh, mà thẳng thắn thừa nhận sự vượt trội của đối thủ. Đây là hình ảnh của người có trí tuệ, hiểu rằng chiến thắng thật sự không nằm ở kết quả, mà ở cách hành xử.
Bình luận (0)