Hạnh nguyện dấn thân của đức Phật, chư Thánh, chư Tổ, chư tôn túc Hòa thượng, có thể nhận thấy sở dĩ Phật giáo trường tồn cho đến ngày hôm nay đều nhờ vào sự xuất hiện của các Ngài với tâm thế Bồ tát trong thân hình của thanh văn đã không quản ngại gian khổ mà dấn thân vào cuộc đời để làm vô số việc lợi ích cho chúng sinh.
Tác giả: Thích Nữ Hạnh Thành Học viên Cao học khóa V – HVPGVN tại Tp.HCM
Khi nói đến hạnh nguyện dấn thân phụng sự, chúng ta thường cho rằng đây là lý tưởng Bồ tát chỉ xuất hiện trong tư tưởng của Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, nguồn gốc của tư tưởng dấn thân này thực chất đã lưu xuất từ thời đức Phật còn tại thế. Hơn nữa, bản chất của hạnh nguyện dấn thân này được hiển lộ rõ qua những hoạt động của chư Bồ tát trong lâu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng là những con người đang làm những công việc khác nhau nhưng chung quy vẫn giữ trọn mục đích duy trì mạng mạch Phật pháp mãi trường tồn.
Chính vì thấy được hạnh nguyện dấn thân phụng sự có giá trị rất lớn về mặt tư tưởng cũng như vấn đề thực hành được biểu hiện ngang qua việc hạnh nguyện này được duy trì xuyên suốt từ thời chư Phật, chư Thánh, chư Tổ, chư tôn Hòa thượng và cho đến thời Tăng, Ni trẻ nên người viết trình bày đôi nét về vấn đề: “Hạnh nguyện dấn thân phụng sự của hàng Bồ tát trên bước đường truyền đăng tục diệm”.
Khởi nguyên của hạnh nguyện dấn thân xuất phát từ sau khi thành đạo đức Phật đã tuyên bố rằng:
“Sẽ chuyển bánh xe pháp,
Thấy thanh tịnh tối thắng,
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người”[1]
Không những thế, với lý tưởng cao cả này Ngài còn truyền dạy cho các vị đệ tử khi đi hoằng đạo: “Này các Tỳ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.”[2]
Lý tưởng hành đạo vì lợi ích cho chúng sinh, vì lợi ích của số đông quả thật lời tuyên ngôn đáng trân quý nhất từ những buổi đầu hành đạo của đức Phật. Lời dạy ấy vẫn sống mãi trong giáo nghĩa của Phật giáo Đại thừa cho đến tận ngày nay. Bên cạnh đó, liên quan đến sự dấn thân phụng sự không thể không nhắc đến Tôn giả Puṇṇa, một hình ảnh dấn thân chân thật, sống động đầy nghị lực. Với ý chí kiên cường, tôn giả chấp nhận mọi sự ném đá đánh đập, thậm chí là mất mạng vẫn xin đức Phật dấn thân vào nước Sunāparanta để giáo hóa dân chúng nơi đây.
Trong kinh Giáo giới Phú-Lâu-Na (Puṇṇa) [3] đã ghi lại rất chi tiết như sau:
Này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy các cục đất ném đánh ông, thời tại đấy ông sẽ nghĩ thế nào? Bạch Thế Tôn, thời tại đấy, con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện, các người nước Sunāparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy gậy ném đánh con.”
Này Puṇṇa... lấy gậy đánh đập ông... ông nghĩ thế nào?
Bạch Thế Tôn, thời tại đấy, con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện... Vì rằng họ không lấy đao đánh đập con.”
Này Puṇṇa... lấy dao đánh đập ông... ông nghĩ thế nào?
Bạch Thế Tôn, thời tại đấy, con sẽ nghĩ: “Thật là hiền thiện... Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con.” Này Puṇṇa, nếu các người nước Sunāparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ông... ông nghĩ thế nào?
Bạch Thế Tôn, thời tại đấy, con sẽ nghĩ: “Có những đệ tử của Thế Tôn, nhàm chán sinh mạng, đi tìm con dao để tự sát. Nay khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy”.
Dựa vào đoạn kinh văn trên có thể khẳng định sự dấn thân cao cả của tôn giả Puṇṇa thật sự khó ai làm được, bởi lẽ sự dấn thân ấy xuất phát từ tình thương chúng sinh vô bờ bến, vì muốn đem đạo giác ngộ cho chúng sinh vị ấy không từ gian nan, nguy khó thậm chí phải đối diện với việc hy sinh cả tính mạng. Phải chăng tư tưởng dấn thân của hàng Đại thừa Phật giáo đã manh nha từ hình ảnh đầy ý chí và kiên cường của tôn giả Puṇṇa?
Tôn giả Puṇṇa phải chăng là tấm gương sáng để các vị tổ sư, các vị dịch giả, truyền giáo, truyền giới noi theo để thực hiện sứ mệnh truyền thừa phật pháp và đem đạo vào đời suốt hơn ngàn thế kỷ đã qua.
Khi nói đến hạnh nguyện dấn thân, đức Phật quả thật là bậc thầy vĩ đại trong lý tưởng dấn thân phụng sự nhân sinh. Sau này các bậc thánh, các vị tổ sư, các vị luận sư, các vị dịch giả từ Ấn Độ cho đến Trung Quốc cho đến các nước trên thế giới đã nơi theo thực hành dấn thân vào cuộc đời phụng sự nhân sinh bằng con đường hành Bồ tát đạo. Chính vì vậy, con xin thành tâm đảnh lễ chư Phật trong mười phương. Con xin thành tâm đảnh lễ Tây thiên Đông độ Việt Nam lịch đại tổ sư, truyền giáo truyền giới, phiên dịch trước tác Đông Tây kim cổ lịch đại tổ sư. Các vị là những Bồ tát hiện thân đã hy sinh cả cuộc đời mình trong công cuộc duy trì Phật giáo để hàng hậu học chúng con có cơ hội tiếp xúc một nền Phật giáo đồ sộ về văn nghĩa lẫn phương thức hành trì như ngày hôm nay.
Phật giáo đã trải qua khoảng hơn 2500 tồn tại trên thế gian kể từ ngày Đức Thế Tôn khai nguồn đạo giác ngộ. Ban đầu Phật giáo bén rễ ở Ấn Độ, về sau được truyền sang các nước Đông Á như Trung Quốc, Srilanka, Miến Điện, Đài Loan, Việt Nam... và hiện tại đã lan truyền đến khắp các nước Đông Tây.
Trải qua một khoảng thời gian lịch sử khá dài, Phật giáo đã nếm trải đủ hương vị đắng cay, bùi ngọt qua nhiều giai đoạn thăng trầm và biến động. Một nền Phật giáo hưng thịnh dưới sự dẫn dắt của Đức Thế Tôn, một nền Phật giáo phân chia thành nhiều bộ phái sau khi đức Phật tịch diệt, một nền Phật giáo đứng trước diệt vong vì sự đàn áp của Hồi giáo và ngày nay một nền Phật giáo lại tiếp tục hưng thịnh lan truyền khắp Đông Tây. Để Phật giáo có thể tồn tại và phát triển mãi đến ngày nay, vai trò của các vị tổ sư truyền giáo truyền giới, các vị dịch giả đặc biệt rất quan trọng. Nếu Đức Thế Tôn là người đã khai sáng đạo cứu khổ cho chúng sinh thì hàng hậu học xuất sắc của Ngài đã bắt những nhịp cầu nối dài cho ánh đạo vàng được trường tồn mãi. Vì vậy, khi nói đến hạnh nguyện dấn thân phụng sự chúng ta không thể không nhắc đến vai trò to lớn những vị lịch đại tổ sư, các dịch giả, các nhà truyền giáo, truyền giới.
Sự dấn thân đem ánh sáng đạo pháp đến cho chúng sinh của các Ngài là một sự hy sinh không thể nghĩ bàn. Có những việc làm của các Ngài được biểu hiện bằng hình tướng chúng ta có thể thấy rõ bằng mắt thường cũng có những việc làm không biểu hiện hình tướng, tuy trạng thái hình tướng có khác nhưng cái bên trong vẫn là một thể thống nhất tương đồng. Bởi lẽ, tùy hoàn cảnh, tùy chúng sinh, tùy khả năng của mình mà các Ngài dấn thân phụng sự cho đạo pháp và nhân sinh theo mỗi con đường khác nhau nhưng tất cả vẫn không rời xa bản hoài làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh của chư Phật, chư Bồ tát. Liên quan đến vấn đề này, kinh Hoa nghiêm đã giãi bày rõ qua câu chuyện Thiện Tài đồng tử đã đi vào lâu các Tỳ Lô Giá Na Trang Nghiêm Tạng và tỏ ngộ rằng:
Ở trong những thế giới như vậy, thấy có vô số chúng đại Bồ tát hoặc đi hoặc ngồi làm nhiều sự nghiệp. Những là khởi đại bi thương xót chúng sinh, hoặc soạn những bộ luận lợi ích chúng sinh, hoặc thọ, hoặc trì, hoặc biên, hoặc tụng, hoặc hỏi, hoặc đáp, ba thời sám hối hồi hướng phát nguyện. [4]
Đọc qua đoạn kinh văn này khiến chúng ta hồi tưởng lại vào những thời khắc Phật giáo bị đàn áp, suy thoái, thậm chí có nguy cơ diệt vong nên không thể hoằng dương chính pháp, các vị tổ nhìn thấy được bấy giờ là lúc cần giữ cho ngọn đèn chính pháp không bị tắt, tức ngọn đèn đó tuy không cháy bùng phát nhưng vẫn duy trì được ngọn lửa đợi đến một lúc nào đó gặp dầu nó sẽ phực cháy. Có những giai đoạn các vị thầy tổ của chúng ta nhận thấy không thể làm khác được, chỉ ở chùa tụng kinh niệm Phật, ứng phó đạo tràng, hoặc dịch kinh sách… nhưng họ vẫn giữ vững ngọn đèn chánh pháp, khi nhân duyên đầy đủ sẽ có người khác tiếp nối ngọn đèn đó đừng để nó bị dập tắt. Bởi lẽ đó, có thể nói sứ mệnh cao cả của các vị Bồ tát là truyền đăng tục diệm làm cho ngọn đèn chánh pháp sáng mãi xuyên suốt trong không gian và thời gian. Cho nên, tùy theo quốc độ, tùy theo giai đoạn, tùy theo khả năng khác nhau mà các Ngài có cách ứng phó riêng. Chính vì vậy, nếu đem tâm Đức Phật Tỳ-lô-giá-na để nhìn Phật sự của Phật giáo đồ trên thế giới chúng ta sẽ thấy rất tuyệt vời.
Bàn về vấn đề truyền thừa Phật pháp, lịch sử đã ghi lại rất nhiều việc làm hoằng pháp lợi sinh của các vị tăng sĩ Phật giáo Đại thừa tiêu biểu tại Ấn Độ như Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân [5] cho đến các nhà sư trong trung tâm dịch thuật Nalanda đã ngày đêm nghiên cứu kinh điển và trước tác luận thư, một mặt nhằm đáp ứng cho nhu cầu người tu học Phật pháp trong xã hội đương thời, một mặt phát triển giáo điển Phật giáo ngày càng phong phú về giáo nghĩa, triết học.
Bên cạnh đó, sau khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc cũng nhanh chóng xuất hiện nhiều vị tăng sĩ lỗi lạc luôn chịu mọi gian khó để đem ánh sáng Phật pháp soi rọi vào một quốc gia có nền văn minh vĩ đại này. Một tổ Bồ-đề Đạt-ma suốt 9 năm diện bích chờ ngày tuyên thuyết chính pháp độ sinh [6], tiếp đến xuất hiện một tổ Huệ Năng chịu biết bao khổ nhọc bôn ba khắp nơi để duy trì đạo pháp [7], hoặc một pháp sư Pháp Hiển tuy đã 65 tuổi vẫn mở một hành trình gian nan chiêm bái thánh tích đất Ấn [8], hay một pháp sư Huyền Trang mới 26 tuổi lên đường đi Tây trúc thỉnh kinh phải đối mặt với muôn trùng khó khăn.[9] Các vị ấy đều là những đại diện cho các hành giả đem tâm Bồ tát đạo vượt muôn trùng khó khăn thậm chí là hy sinh cả tính mạng để hoằng truyền Phật pháp đem lại lợi ích an lạc cho chúng sinh bằng con đường Giới, Định, Tuệ. Kể cả trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, quá khứ chư tổ sau khi trải qua nhiều biến động lịch sử của đất nước, chiến tranh, đô hộ, nô lệ, nhưng các tổ vẫn đem tâm nguyện Bồ tát đạo hoằng dương chính pháp và giữ gìn Phật giáo tại Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Các vị tăng sĩ của Việt Nam tùy theo hoàn cảnh thực hiện sứ mạng của mình. Khi đất nước độc lập, Phật giáo được hưng thạnh dưới thời nhà Trần, nhà Lý, các Thiền sư với vai trò là một quốc sư thực hiện lý tưởng dấn thân giúp nước trên tinh thần hộ quốc an dân, tiêu biểu như Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Đạo Hạnh, Thiền sư Chân Không…[10] Khi Phật giáo bị đàn áp cực điểm dưới chế độ Ngô Đình Diệm, Ngài Thích Quảng Đức đã đứng lên tự thiêu thân trong “ngọn lửa từ bi” để bảo vệ chánh pháp, chân lý, lẽ phải. Hành động tự thiêu đó được đánh giá:
Cuộc hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, hình ảnh cụ ngồi thẳng như tượng đá trong ngọn lửa rực hồng đã nhanh như một làn sóng điện làm sôi nổi dư luận trong cả nước Việt Nam và trên thế giới. Ảnh của vị Hòa thượng Việt Nam Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa được đăng trên hầu hết các báo khắp năm châu, với những dòng chữ nói lên sự khâm phục.[11]
Sự kiện lịch sử chấn động khắp Đông Tây này, trong kinh điển chỉ thấy duy nhất hình ảnh Ngài Dược Vương Bồ tát và ngoài đời lúc bấy giờ duy nhất chỉ có Ngài Thích Quảng Đức. Chính vì vậy, Hòa Thượng Thích Trí Quảng có bài thi kệ công hạnh của Ngài như sau:
“Thập phương thế giới trung
Thiêu thân cúng dường Phật
Thành tựu đệ nhất Pháp
Duy hữu Việt Nam tăng.”[12]
Vừa qua, nhân ngày kỷ niệm 60 năm ngày tưởng niệm Bồ tát Thích Quảng Đức, giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học mang tựa đề “Phong trào Phật giáo năm 1963 và 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân”. Buổi hội thảo diễn ra một mặt nhằm tưởng nhớ đến những bậc vĩ nhân, cao đức, sẵn sàng xả thân vì sự trường tồn của Phật giáo nước nhà, trong đó có Bồ tát Thích Quảng Đức và chư vị thánh tử đạo tiền hiền, một mặt để hàng hậu học noi gương công hạnh quý Ngài cố gắng tu học hoàn thiện bản thân và góp phần phát triển đạo pháp và dân tộc.[13]
Ngày nay, có những bậc Hòa thượng hoặc tham gia những tổ chức giáo hội để phục vụ chúng sinh bằng nhiều công hạnh khác nhau, hay có những vị âm thầm tu tập đem giới, định, tuệ làm lợi ích cho chúng sinh trong nước cũng như trên thế giới.
Điển hình mẫu người lý tưởng ở phương Tây như đức Dalai Lama và Thiền sư Nhất Hạnh. Bên cạnh đó, tại Việt Nam cũng xuất hiện những Hòa thượng lỗi lạc như: Hòa thượng Thanh Từ, Hòa thượng Thích Trí Quang, Hòa thượng Thích Minh Châu, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Hòa thượng Thích Trí Quảng… Mỗi vị tôn túc Hòa thượng dấn thân phụng sự đạo pháp theo mỗi con đường riêng tùy khả năng của mình nhưng chư vị đều được xem là pháp khí vô giá của Phật giáo Việt Nam. Mặc dù các Ngài có pháp môn hành trì không đồng nhau, nhưng lợi ích các vị ấy đem đến cho tha nhân không lấy gì để ví cho đồng. Điển hình như Hòa thượng đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ, một vị tăng sống một đời nghiêm trì giới luật sống đời sống thiểu dục tri túc, âm thầm, lặng lẽ. Mặc dù, Ngài không làm được những việc to lớn để chúng ta có thể nhìn thấy được nhưng giới đức trang nghiêm của Ngài đã che chở khắp cho hàng tu sĩ và Phật tử trong nước. Như Thượng tọa Thích Viên Trí đã ca ngợi rằng:
Ngài đã ở đó, không mệnh lệnh, không lễ nghi, sống lặng lẽ, nhưng đã trở thành “Sơn môn bảo chướng” của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, khi Tăng đoàn biểu hiện quá nhiều bất hòa, rối ren trong nếp sống, vi phạm nhiều học giới do đời sống thiếu tu tập, quá hướng ngoại, dễ dàng bị thế tục hóa, vật chất hóa thì hình bóng nâu sồng, giản dị của Ngài chính là hồi chuông cảnh tỉnh giới xuất gia về sự tỉnh thức và hòa hợp.[14]
Khác với đường lối của đệ tam pháp chủ, hiện nay đệ tứ pháp chủ Thích Trí Quảng đang thực hiện chủ trương kiến lập đạo tràng, hoằng dương chính pháp. Ngài thành lập đạo tràng Pháp Hoa có quy mô hoạt động tu tập rộng lớn từ Bắc đến Nam, xây dựng và trùng tu rất nhiều cơ sở tự viện như chùa Huê Nghiêm, Việt Nam Quốc tự… đặc biệt, xây dựng học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh mang tầm cỡ quốc tế như ngày nay.
Ngang qua đó, chúng ta nhận thấy rằng sự phụng sự dấn thân cho đạo pháp và nhân sinh của mỗi vị trưởng lão Hòa thượng có một lối đi riêng, nhưng chung quy vẫn cùng một chí nguyện hướng đến là làm cho Phật giáo ngày càng phát triển, đất nước yên bình và nhân sinh ấm no hạnh phúc.
Từ sự trình bày sơ lược về hạnh nguyện dấn thân của đức Phật, chư Thánh, chư Tổ, chư tôn túc Hòa thượng, có thể nhận thấy sở dĩ Phật giáo trường tồn cho đến ngày hôm nay đều nhờ vào sự xuất hiện của các Ngài với tâm thế Bồ tát trong thân hình của thanh văn đã không quản ngại gian khổ mà dấn thân vào cuộc đời để làm vô số việc lợi ích cho chúng sinh. Mỗi vị là một bông hoa tươi đẹp đã tô điểm cho vườn hoa Phật giáo ngày càng đẹp hơn và ngát hương khắp năm châu. Từ sự thấy biết và cảm phục công hạnh của quý Ngài, bản thân con là một người tu sĩ được trưởng dưỡng trong truyền thống Phật giáo Đại thừa, con nguyện học theo hạnh nguyện Bồ tát của chư tổ, nỗ lực tu tập trau dồi thành tựu giới, định, tuệ để xứng đáng làm người kế thừa sứ mệnh truyền đăng tục diệm.
Tác giả: Thích Nữ Hạnh Thành Học viên Cao học khóa V – Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
***
Chú thích & Tài liệu tham khảo
[1] Kinh Tiểu bộ 1, kinh Tập, Chương 3 Đại phẩm, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 2002, tr. 207. [2] Kinh Tương ưng 1, Chương 4 Tương ưng ác ma, Thích Minh Châu dịch, VNCPHVN, 1991, tr. 235. [3] Kinh Trung bộ 2, kinh Giáo Giới Phú-Lâu-Na, Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 613. [4] Kinh Hoa nghiêm 2, Thích Trí Tịnh dịch, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2021, tr. 765. [5] Xem Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012. [6] Đoàn Trung Còn, Triết lý nhà Phật, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr. 268. [7] Đại sư Hư Vân, Ban phiên dịch Huệ Quang, Phật Tổ Đạo Ảnh 1, NXB. Hồng Đức, Hà Nội, 2013,tr. 118. [8] Thích Minh Châu, Pháp Hiển Nhà Chiêm Bái, VNCPHVN, 1997, tr. 35. [9] Đại Tập 183, Bộ Sử Truyện V, Hành Trạng Của Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang Đời Đường, Thích Tịnh Hạnh dịch, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, 2000, tr. 737. [10] Xem Thiền uyển tập anh, Ngô Đức Thọ dịch, NXB. Văn Bản, Hà Nội, 1990. [11] Trần Văn Giàu, Miền Nam giữ vững thành đồng 2, NXB. Khoa Học, Hà Nội, 1966, tr. 342. [12] [Video] Cảm niệm của Đức Pháp chủ GHPGVN về hành trạng Bồ tát Thích Quảng Đức, Giác Ngộ, từ:<https://giacngo.vn/video-cam-niem-cua-duc-phap-chu-ghpgvn-ve-hanh-trang-bo-tat-thich-quang-duc-post67268.html>, [Truy cập: 23/10/2023] [13] Huỳnh Thủy (2023), Khai mạc Hội thảo Khoa học phong trào Phật Giáo 1963 và 60 năm Bồ tát Thích Quảng đức vị pháp thiêu thân, Quỹ Đạo Phật Ngày Nay, từ:<https://quydaophatngaynay.org/khai-mac-hoi-thao-khoa-hoc-phong-trao-phat-giao-1963-va-60-nam-bo-tat-thich-quang-duc-vi-phap-thieu-than/>, [Truy cập: 21/10/2023]. [14] Thích Viên Trí (2022), Bậc Vô tác chân nhân, Giác Ngộ, từ:<https://giacngo.vn/bac-vo-tac-chan-nhan-post64965.html>, [Truy cập: 21/10/2023].
Bình luận (0)