Không phải xuất gia gieo duyên rồi hoàn tục; cũng không phải vi phạm Giới luật, không còn đủ tư cách và phẩm hạnh để khoác lên mình chiếc áo cà sa nữa. Đơn giản, bởi vì họ không còn đủ nghị lực để bước tiếp con đường cao đẹp như chí nguyện ban đầu!
Chúng tôi - những cô cậu học sinh, sinh viên mười tám, đôi mươi biết đến chùa qua những khóa tu và câu lạc bộ, đạo tràng thanh niên phật tử... Chúng tôi gắn kết với nhau qua những bài giảng pháp, những lời dạy bảo của quý sư thầy, sư cô; được nuôi dưỡng trái tim từ bi và vị tha qua những chuyến từ thiện, tình nguyện đó đây.
Rồi không biết tự bao giờ, hình ảnh chiếc áo nâu, áo lam thân thương của quý sư thầy, sư cô đã trở thành “biểu tượng” đạo đức, lẽ sống cao đẹp cho chúng tôi hướng về.
Nhiều bạn bè của tôi mau mau chóng chóng, hoàn thành xong chương trình ở bậc đại học rồi xin xuất gia, từ bỏ gia đình để chính thức bước lên con đường “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”. Cho dù bố mẹ có cản ngăn, khóc hết nước mắt, van xin ở lại thì cũng không làm lay chuyển được “tâm bồ đề” và ngọn lửa đang cháy hừng hực cháy trong trái tim của những người con Phật.
Vậy mà, sau một thời gian tu học, sống đời người xuất gia với “tương chao, dưa muối”, nhận ra hiện thực không như mơ. Có rất nhiều bạn trẻ đã hoàn tục trở về cuộc sống đời thường.
Không phải xuất gia gieo duyên rồi hoàn tục; cũng không phải vi phạm Giới luật, không còn đủ tư cách và phẩm hạnh để khoác lên mình chiếc áo cà sa nữa. Đơn giản, bởi vì họ không còn đủ nghị lực để bước tiếp con đường cao đẹp như chí nguyện ban đầu!
Không biết nên vui hay nên buồn, khi gần đây, tôi nhận được cuộc điện thoại, cho biết: “T-người bạn thân khi xưa của tôi đã hoàn tục”. (Buồn là bởi T đã không thể đi trọn vẹn con đường tu của mình; nhưng vui vì T biết buông xả “hình tướng”, để không núp bóng đại từ mà phá hoại chính pháp).
Điều đáng buồn hơn nữa là, người bạn của tôi lại là nữ giới. Mà theo Giới luật Tỳ kheo được phép xuất gia 7 lần, Tỳ kheo ni chỉ được một lần duy nhất. Ngày nay, theo quy định của Giáo hội việc đã hoàn tục dù là tăng hay ni sẽ khó có cơ hội được xuất gia trở lại. Vậy là T đã hết cơ hội được trở lại Tăng đoàn trong kiếp này.
Không phải xuất gia gieo duyên rồi hoàn tục; cũng không phải vi phạm Giới luật, không còn đủ tư cách và phẩm hạnh để khoác lên mình chiếc áo cà sa nữa. Đơn giản, bởi vì họ không còn đủ nghị lực để bước tiếp con đường cao đẹp như chí nguyện ban đầu!
Thế mới biết, con đường tu gian nan, thử thách như thế nào. Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng T vẫn không thể vượt qua được dòng sông “cám dỗ” với những cơn sóng ngầm cuộn trào, cuốn phăng mọi thành lũy kiên cố đã dầy công tạo dựng.
Đó như là một bài học và sự nhắc nhở cho các bạn trẻ như tôi. Không thể chỉ vì thần tượng “bóng áo nâu” được xây dựng trên phim ảnh, với sự thoát trần của những vị tu sĩ trên dãy Hy Mã Lạp Sơn mà đưa ra quyết định vội vàng. Không thể đến với đạo, bước vào đạo với sự nóng vội, thiếu hiểu biết; để khi trở về mang nỗi ân hận vì đã không đi trọn được con đường.
Có rất nhiều người có cái nhìn tiêu cực về người đã xuất gia mà xả giới hoàn tục trở lại đời thường. Họ quan niệm rằng người đã đi tu mà còn về đời là vì yếu đuối, không đủ nghị lực vượt qua những trở ngại của tham lam, ái dục… thì không đáng được kính trọng. Hơn nữa, người đã thọ nhận ơn của đàn na tín thí cúng dường mà không tu hành đến nơi đến chốn thì giống như người “vay nợ mà không chịu trả”.
Nhưng theo Hòa thượng Thích Thanh Từ thì quy luật nhân quả không phải khô cứng như vậy, Hòa thượng chia sẻ: “Nếu vì nhân duyên, người nào không thể tiếp tục con đường tu hành, thì chặng đường xuất gia vẫn là tốt. Trong thời gian xuất gia, được phật tử cúng dường, nếu người đó tu hành đàng hoàng thì lấy phước đức đó để bù lại. Khi trở lại làm cư sĩ mà không tạo tội lỗi, thực hiện đúng vai trò, bổn phận của một người phật tử tại gia cộng với phước thừa tu hành; người đó đời sau ra đời có thể xuất gia tu trọn vẹn hơn”.
Con đường xuất gia thường được ví như con đường đi ngược dòng. Người xuất gia là người lội ngược dòng sông hay đi ngược với dòng đời, dòng sinh hoạt bình thường của thế gian. Không phải dễ đâu.
Chẳng phải ai muốn xuất gia là làm được. Mà khi xuất gia rồi, nếu không cố gắng, nhẫn nại, kiên trì để vượt qua bao thử thách gian nan, không có chí xuất trần, vững chắc như bàn thạch, dụng công tu tập không ngừng nghỉ, tinh tấn từng phút từng giây thì sẽ bị bát phong lay chuyển. Cho dù mình có quay lưng với thế gian, vẫn bị tám ngọn gió đời ảnh hưởng và chi phối. Vì vậy mà đức Phật dạy “Vui hạnh xuất gia khó ”.
Người trẻ đến với đạo thường với một lòng nhiệt huyết, quyết tâm cao, nhưng khi đương đầu với thử thách thì mấy ai trụ vững để đi tiếp con đường giác ngộ? Không giống như những người trung niên, những người từng trải đã nếm đủ mùi vị đắng cay của cuộc đời; đối với họ danh, lợi, tài, sắc có thể đã quá mệt mỏi. Còn với thanh thiếu niên, tâm hồn còn trong trắng, chưa hoen nhiễm mùi tục lụy, chưa có nhiều ràng buộc tình cảm nhưng lại rất khó kiểm soát thân tâm mình khi phải đối diện với nhiều ma lực quyến rũ trên đường tu. Có nhiều người cứ ngoái cổ ra nhìn thế tục đầy màu sắc với lòng thắc mắc bâng quơ. Hoặc khi tiếp cận với ngũ dục thì họ dễ sinh tâm tham đắm bởi trước đây chưa từng có ý niệm nhàm chán xa lìa thật sự.
Người bạn của tôi, cho dù xuất gia hay đã xả giới hoàn tục, nếu như ở vai trò nào cũng hoàn thành trách nhiệm thì vẫn đáng được trân trọng. Bởi dưới hình tướng một người tu bạn đã làm tròn bổn phận, khi thấy không thể tiếp tục, bạn cởi bỏ y áo, trở về đúng hình tướng của người cư sĩ tại gia. Không dối mình, gạt người, dám đương đầu với dư luận là bạn đã dũng cảm lắm rồi!
Tác giả: Hồng Yến Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2017
Bình luận (0)