Tác giả: Nguyễn Thành Công

...Vị tăng có bệnh (K), đã hóa trị, theo hẹn đến bệnh viện ung bướu tái khám kiểm tra, và mỗi lần chuẩn bị đuối do bao nhiêu thứ đều khó với bậc xuất gia ở một ngôi chùa hẻo lánh. “Sư lên thành phố luôn phải chú ý mang theo cái này” - bậc xuất gia nói, và mở ra “chứng điệp xuất gia”.

Giả sư hoành hành, thân phận tu sĩ lắm khi bị nghi ngờ, chứng điệp thành “bùa hộ mạng”.

Chuyện giả sư không có gì mới, bởi cái gì thực cũng có giả: giả bác sĩ, cảnh sát, nhân viên ngân hàng…Hàng hóa giả nhãn mác, giấy tờ giả tùm lum khiến “vàng thau lẫn lộn” được nhắc nhiều.

Sư giả khất thực, vận động xây cất chùa hay làm từ thiện xuất hiện khắp nơi khiến nhà nước và giáo hội liên tục có văn bản cảnh báo. Song, theo thiển ý người viết, về bản chất sư không thể giả.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Khong The Gia Su 1

Giả chỉ đạt mục đích trong tình huống, hoàn cảnh nhất định, với các đối tượng nhất định.

Ví như vàng giả, dù chế tác tinh vi đến đâu để có trọng lượng màu sắc cùng các đặc điểm tương tự vàng thực (kể cả mạ vàng thực bên ngoài), chỉ đạt mục đích trao đổi mua bán lừa đảo chụp giựt tranh tối tranh sang, với qui trình kiểm tra mua bán chặt chẽ bằng mắt thường của dân có nghề, khi kiểm tra qua hóa chất hay lửa đúng độ nóng, bằng công cụ điện tử hiện đại, vàng giả ngay lập tức bị lật tẩy.

Bằng cấp giả cũng vậy, đối tượng gắn danh tính với bằng, qua trắc nghiệm bởi người có trình độ khó giấu mình, chưa nói kỹ thuật soi chiếu, giám định chữ ký và dấu, kiểm tra hồ sơ lưu trữ ngày càng nhanh và tin cậy, do vậy bằng giả chỉ đạt mục đích khi rơi vào chỗ yếu kém, có sự đồng lõa tiếp tay của những người trách nhiệm kiểm tra hay tắc trách.

Một sĩ quan cảnh sát giả xét về bản chất cũng tức cười và không khác những dẫn dụ vừa nêu; tác phong, nghiệp vụ, trình độ, những đặc điểm mang tính riêng của ngành… kẻ giả danh rất khó hay không thể giả.

Một bậc xuất gia Phật giáo, chư tăng ni, lại càng khó khăn hay không thể giả, vì về bản chất người tu huân tập giáo lý, hành trì miên mật, ngôn phong tâm tính khác phàm, không nói đến hàng giáo phẩm, với bậc tu sĩ thọ giới tỳ kheo với bao nhiêu giới phải giữ ngày đêm, kẻ xấu ác làm sao giả cho được?

Sự tu không bao giờ đơn giản nếu bạn trải nghiệm gián tiếp qua quan sát đời sống tu sĩ ở một nếp chùa, một thiền đường, ở giới đàn hay bất kỳ không gian nào tu sĩ xuất hiện.

Tu phục như thế nào, qui cách ra sao, nghi thức cho từng bước đi, sự ái ngữ, và hết thảy phải từ tâm chứ không hình thức vốn là cái dễ bắt chước để “diễn”. Như vàng vậy, với một giả sư, mọi thứ từ lý luận kinh điển đến trang phục đều chuẩn, bạn hãy thử tạo một tình huống thực tế để kiểm tra tâm từ bậc xuất gia xem vị ấy có khởi lòng thương xót - một đặc tính mặc định trong lòng kẻ xuất gia?

Mọi thứ về hình thức có thể hay dễ giả, từ cà sa đến giọng tụng niệm, nhưng đạt ngộ của bậc tu hành, phẩm chất đạo đức giác ngộ của hành giả, làm sao giả?

Nếu kẻ ấy giả được những phẩm chất kia thì …tuyệt vời, vàng giả mà hiển thị qua kiểm tra đủ tính chất vàng thực thì thành vàng thực chứ sao?

Không ít lo âu của những bậc có trách nhiệm trong Giáo hội và dư luận xã hội, càng lo hơn ở hàng triệu phật tử khi hình ảnh thiêng liêng bị giả, nhưng - như đã viết- xét về bản chất, sự giả kia cũng không đáng lo đến như thế.

Vì, sư không thể giả chỉ có giả sư!

Tác giả: Nguyễn Thành Công