Ngày mồng 8 tháng Tư Âm lịch là ngày đức Thích Ca giáng sinh, khắp các chùa ở hạt Bắc Kỳ cách đây 2 năm trở về trước. Đến ngày ấy tuy có làm lễ kỷ niệm song cũng chỉ như các lễ thường khác thôi, không có gì là vẻ sang trọng cho lắm.
Kể từ khi Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập tới nay (ngày 6 tháng 11 năm 1934), ở Trung ương cũng như các Chi hội các nơi đâu đấy đều làm lễ rất long trọng, mỗi nơi có tới hàng nghìn, hàng vạn người đến lễ bái, quang cảnh ngày lễ kỷ niệm Phật Đản đối với xưa kia, nay đã khác hẳn.
Tỉnh Hòa Bình là một tỉnh ở về mạn thượng du, tuy chưa lập thành Chi hội, nhưng cũng đã có nhiều người vào Hội và mua báo Đuốc tuệ. Tuần phủ hưu trí là Đinh Công Xiển ở xã Phương Lâm, châu Kỳ Sơn, Hòa Bình cũng đã vào Hội Phật giáo, có sửa sang một ngôi chùa ở xã ngài, chùa trước kia làm rất đơn sơ, ngài hết sức tu bổ, nay đã thành một cảnh rất trang nghiêm.
Ông Tuần Đinh xem báo Đuốc tuệ thấy nói Hội Phật giáo đã lập một Ban thường xuyên diễn giảng, lập tức viết thư về xin với Trung ương cử người lên làm lễ và diễn giảng cho nhân dân nghe, vì ở trên ấy chùa chưa có sư ở.
Cụ Chánh Hội trưởng tiếp được thư ngài liền đưa sang bên Ban Đạo sư thì các cụ cử sư cụ Tâm Nhiên và Thượng tọa Trí Hải đi, trong thư ngài mời rất khẩn khoản: lên từ mồng 6 để nghỉ ngơi rồi chiều mồng 7 bắt đầu làm lễ.
Hai vị đáp chuyến xe từ 6 giờ sáng ngày mồng 6 ở Hà Nội đi qua Hà Đông lên Hòa Bình, đường đi hơn 70 cây số, chỉ được có ít đường dễ đi, còn thuần là đường núi, đi rất nguy hiểm, nhiều chỗ khuất khúc lên xuống dốc rất khó khăn, mãi tới 9h30 mới tới tỉnh Hòa Bình, xuống xe sang đò Phương Lâm thì có người đưa vào, ở đấy không có xe kéo, phải đi bộ 5-6 cây số mới tới nhà ngài, phải đi qua mấy cánh đồng với một cái suối nước chảy xiết, những người đi không quen thì hơi run run sợ sợ không dám đi mạnh, cứ phải rò rò mãi mới sang qua được.
Đến nơi, người nhà vào báo trước, Đinh Tuần phủ liền ra đón các sư rất long trọng vui vẻ; ngài rất cảm ơn Hội đã làm cho ngài được như nguyện.
Chiều ngày mồng 7 ngài sắp sửa lễ vật đem ra chùa, với hai ông bà cùng ra. Từ nhà ra chùa xa ngót 2 cây số. Chùa làm trên một quả núi ngay bên con đường đi chợ Bờ; chùa tuy nhỏ nhưng coi có vẻ tôn nghiêm tĩnh mịch, cây cối um tùm, suối khe mát mẻ, thật là một cảnh thiên nhiên.
6 giờ tối, các sư vào khóa lễ. Đối với việc lễ, ông Tuần Đinh rất thành kính, tự ngài thân hành đèn hương tiến lễ lấy, xong, mặc áo vào lễ, suốt khóa lễ không ngơi lúc nào. Tối hôm ấy ngài túc trực ở chùa, đèn nến tưng bừng, hương hoa bát ngát. Sáng sớm ngày mồng 8, chuông trống vang lừng cả một khu rừng núi.
Ông Tuần Đinh có sức cho các hàng Thổ đạo (chức sắc) khắp châu Kỳ Sơn đến lễ, trời mới tang tảng đã thấy nhân dân lục tục đến; mỗi người đến đều mang theo áo thụng xanh để vào lễ, ngài lại có mời cả quan Tuần bản tỉnh (Hòa Bình) vào dự lễ, song quan Tuần mắc bận chỉ có quan bà và thân quyến vào lễ thôi. Đúng 7 giờ mùng 8, các sư vào làm lễ mộc dục và thay áo cúng Phật, rồi lên tuần cúng Phật, lúc vào cúng thì tất cả mọi người đều vào lễ la liệt cả trong chùa ngoài sân. Lễ xong, ngài lại đứng ra hiểu dụ cho nhân dân đâu đấy ngồi yên để nghe diễn về sự tích Phật. Mọi người ngồi yên ổn rồi, thì sư Trí Hải lên ghế nói về sự tích đức Thích Ca lúc giáng sinh và nói qua về giáo lý của Phật dạy cùng tôn chỉ của Hội Phật giáo cho mọi người nghe; ai nấy xem ra có ý hoan hỷ lắm, vì xưa nay chưa từng nghe bao giờ; tuy dân xứ ấy là người Thổ, người Mường song hiểu rõ tiếng Trung chấu (tiếng Kinh) lắm, chỉ có họ nói thì người Kinh nghe hơi khó hiểu. Xem sách lễ bái thì người đất Mường lại tỏ vẻ rất kính cẩn; lúc diễn thuyết các người ngồi nghe rất yên tĩnh, không có tiếng ồn ào nào cả.
Các việc xong lại về trong nhà của ngài nghỉ, đến 5 giờ chiều thì có xe của quan Tuần ở tỉnh vào đưa các sư ra nghỉ ở dinh, đến 6 giờ sáng ngày mồng 9 hai sư ông lại đáp xe về Hà Nội. Thượng tọa Trí Hải cho biết: Đây là lần thứ nhất tôi lên Hòa Bình, những phong tục của dân trên ấy, tuy không hỏi được kỹ cho lắm, xong, xem cách sinh hoạt thì có vẻ giản dị hơn dưới Trung châu nhiều. Người nào người ấy tự làm lấy lúa ăn, tự trồng lấy bông mặc, không dùng đồ gì xa hoa cho lắm, không ai trộm cắp của ai, tính hạnh rất thật thà, mà lại có tính hợp tác với nhau, như một người muốn làm nhà thì chỉ mất công đi lấy tre, gỗ, nứa, tranh, rồi làng xóm lại giúp một hai hôm là được nhà ngay, không có gì là khó khăn cả. Thật là một tỉnh hòa bình.Khóa lễ Đồng Ấu ngày Phật Đản chùa Trăm năm 1937
Cuối tháng 5 năm 1937, tòa soạn báo Đuốc Tuệ - cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ nhận được phong thư của ông Đinh Công Xiển, nguyên Tuần phủ Hòa Bình, hội viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ gửi về cho cụ Chánh Hội trưởng là Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc nói về lễ Phật Đản ngày 8-4 Đinh Sửu (1937) vừa rồi mà ông Tuần Đinh đã cử hành tại chùa Trăm, xã Phương Lâm, châu Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình về xứ Mường thượng du Bắc Kỳ. Chùa Trăm là chùa làng ngài, lễ Phật Đản này có một đặc sắc là mới có khóa lễ đồng ấu.
Tuần phủ trí sĩ Đinh Công Xiển năm 1936 về dự lễ ở Hội quán Trung ương Hà Nội (chùa Quán Sứ), ngài rất lưu ý về một khóa lễ của Hội mới đặt ra là Ban Đồng ấu lên làm lễ Phật. Hồi tháng 3 mới rồi (1937), ngài về Hà Nội thỉnh những sách dạy về khóa lễ ấy. Ngược lên Hòa Bình, ngài kén 14 cậu đồng sinh người Mường, tổ chức thành một Ban Đồng ấu và cử một thày (sư) cứ theo như trong sách mà huấn luyện, chỉ trong tuần nhật là thành thuộc cả. Đến mồng 8 tháng 4 ngày Phật Đản bèn đem cử hành lễ ấy ở chùa Trăm làng ngài.
14 cậu đồng sinh Mường lên khóa lễ rất thông thuộc đều nhịp, không kém gì những Ban Đồng ấu ở Trung ương. Lại thêm có một bài chúc bằng tiếng Kinh (tiếng Việt) thể văn vần và viết bằng chữ Nôm. Chúc văn, trên thì chúc Hội Phật giáo Bắc Kỳ và cụ Chánh Hội trưởng, dưới chúc cụ Tuần Đinh lập nên Ban Đồng ấu và chúc tứ dân sĩ công cổ trong toàn Hội. Ý nghĩa rõ rệt, lời văn nhiều câu rất du dương.
Dự lễ có đầy đủ Kỳ Mục Thân Hào và nhân dân vùng ấy, đứng thị lập hai bên trước Tam bảo xem nghe Ban Đồng ấu làm lễ tụng niệm và đọc chúc văn, ai ai đều hoan hỷ vỗ tay khen ngợi râm ran, lấy làm cảm động lắm. Kế đó lại được bà Tuần phủ trên tỉnh Hòa Bình đưa các cô, các cậu về lễ Phật và chứng lễ đồng ấu này.
Đối với lễ đồng ấu chùa Trăm này, Trung ương Hội Phật giáo rất lấy làm mừng. Một là mừng rằng Hội Phật giáo Bắc Kỳ có được vị hội viên danh vọng như cụ Tuần phủ trí sĩ Đinh Công Xiển mà sốt sắng về việc truyền bá đạo Phật cho dân, khiến cho giáo hóa của Hội đã đạt đến tận nơi dân Mường ở thượng du của ngài; hai là mừng rằng ở một nơi Mường thượng du mà có được một bài chúc văn vần bằng tiếng Việt (Kinh) dịu dàng như thế thì sách báo của Hội truyền bá lên đấy cũng không lo gì ít người hiểu.
Nguyên văn bài chúc của Ban Đồng ấu chùa Trăm như sau:
Hoàng Bảo Đại kỷ niên thập nhị1
Chốn chùa Trăm ngày Phật Đản sinh
Thuộc về bản xã Phương Lâm
Cao tăng sư trưởng khi thường tới nơi.
Nay cụ lớn2 rất lòng thành kính
Tâm nguyện cầu làm lễ thỉnh nghinh.
Vừa ngày đức Phật giáng sinh,
Chúc mừng cụ lớn thịnh đinh khang cường.
Sau mừng dân xã Thọ Xương,
Nhân khang vật thịnh, thái bường (bình) âu ca.
Vui vầy già trẻ một nhà,
Lão đồng an lạc, nước nhà hiển vinh.
Chúng con đồng ấu hậu sinh,
Xin bày câu chúc kính trình một chương.
Một chúc Hội Trung ương liệt hiến,
Đạo từ bi tinh tiến thịnh hành.
Mong cho quả phúc viên thành
Mừng quan Chủ hội3 hiển vinh thọ tràng.
Dựng nên hội Phật rỡ ràng,
Cành vàng lá ngọc ngày càng thêm tươi.
Hai, chúc Tổ Vĩnh Nghiêm tạ thế,4
Quyền chủ trương khắp cả Thiền môn.
Một ngôi Pháp chủ rất tôn,
Dẫn đường giác ngộ tiếng đồn Tây Đông.
Ba, chúc Hội sĩ nông, công, cổ,
Nhờ ơn trên tế độ mọi bề.
Bè từ vượt khỏi bến mê,
Cùng lên cõi giác trăm bề tinh thông.
Thế mới biết, mới thành lập được hơn hai năm mà Hội Phật giáo Bắc Kỳ đã hướng dẫn cho Phật giáo tỉnh Hòa Bình thực hiện nghi lễ ngày đức Phật Đản sinh có nội dung mới, hình thức phong phú, hấp dẫn nhiều người tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo ở đất Mường. Tác giả: Nguyễn Đại Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 5/2019 ---------------------CHÚ THÍCH: 1. Tức năm Đinh Sửu (1937) niên hiệu Bảo Đại thứ 12. 2. Cụ lớn; Chỉ Tuần phủ trí sĩ Đinh Công Xiển (cụ Tuần Đinh, hội viên Hội Phật giáo Bắc Kỳ). 3. Chủ hội: Chỉ Tổng đốc trí sĩ Nguyễn Năng Quốc - Chánh Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kỳ. 4. Tổ Vĩnh Nghiêm tạ thế: chỉ Hòa thượng Thích Thanh Hanh tức Tổ Vĩnh Nghiêm sinh năm 1840 tại Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Được lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Phật giáo Bắc Kỳ tháng 1 năm 1936, viên tịch tháng 1 năm 1937 (mùng 8 tháng chạp năm Bính Tý).
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Báo Đuốc tuệ, số 24 ra ngày 9 tháng 6 năm 1936. 2. Báo Đuốc tuệ số 66 ra ngày 1 tháng 8 năm 1937. 3. Sách Danh bạ những ngôi chùa Việt Nam, do tạp chí Khuông Việt thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội xuất bản năm 2011.
Bình luận (0)