Trịnh Chu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023

Tất cả mảng màu, khối nét và bố cục trong 1.012 tác phẩm Tổ sư Đạt Ma của Hòa thượng Thích Viên Thanh, Viện chủ Thiền viện Vạn Hạnh (phường 8, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), chỉ như phương tiện mà vị Thiền giả này mượn từ trần duyên để hướng tâm đến con đường Phật đạo, liễu ngộ chân nguyên diệu pháp Hoa Nghiêm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Mau Cua Su Tinh Lac 1

Ông đã tự khai phá, mở ra con đường hội họa cho riêng mình bởi những ẩn thức Phật tính, kịp biến các yếu tố vô thể mang cảm thức tôn giáo trở thành những hình tượng có cấu trúc, màu sắc, không gian, tư tưởng. “Cũng có thể coi hội họa như một pháp tu để tu Thiền và ngộ Thiền. Nó như một phương tiện hữu vi dùng trong việc biểu đạt các nội dung Phật pháp. Qua sự lĩnh nhận, khả kiến ngôn ngữ hội họa, người tu Thiền và hành Thiền còn có thể hoằng dương phật pháp một cách hữu hiệu”, Hòa thượng Thích Viên Thanh chia sẻ.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Mau Cua Su Tinh Lac 2

Ý niệm hoằng pháp và hành Thiền đã giúp ông soi chiếu hình tượng Tổ sư Đạt Ma đủ mọi chiều kích, kỹ hơn trong lựa chọn phương pháp biểu hiện, sâu hơn trong suy niệm lý tính để vẽ, cẩn trọng cân nhắc cái gì giữ lại và cái gì lược bỏ. Mỗi bức tranh Tổ sư Đạt Ma là một cái tôi khác của tác giả. Mỗi sắc vàng, sắc lam, sắc nâu... là một cuộc tu sửa để chuyển hóa bản thân. Mỗi ý niệm là một ẩn dụ về giải thoát tối thượng, một dự ngôn quay về cội nguồn tỉnh thức tự tánh vô ngại của mọi hiện tượng, an tĩnh thể nhập chân trời Bát Nhã: tự do, tĩnh lạc, an nhiên nở đóa tâm hoa.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Mau Cua Su Tinh Lac 3

Hòa thượng Thích Viên Thanh đã thiết lập, tạo cho hình tượng Tổ sư Đạt Ma một đời sống khác, khởi từ nội tâm của tác giả. Chính vì thế, các tác phẩm Tổ sư Đạt Ma không chỉ mang đến cho người xem những cảm quan trực giác, còn đánh thức những tâm lý ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi người. “Nhiều đêm đang ngủ, tôi chợt thức giấc, lại cầm cọ vẽ Tổ sư Đạt Ma. Mỗi ngày tôi thường vẽ 1 - 2 bức tranh Tổ sư Đạt Ma. Cũng có ngày tôi vẽ 3 - 4 tác phẩm, vẫn là vẽ Tổ sư Đạt Ma. Tuy vậy, nhiều khi 3 - 4 ngày, tôi mới vẽ được 1 bức tranh Tổ sư Đạt Ma”, Hòa thượng Thích Viên Thanh cho biết.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc So Thang 1.2023 Mau Cua Su Tinh Lac 4

Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã có trên 10 năm kiên tâm giãi bày mình, cùng hình tượng Tổ sư Đạt Ma. Mỗi bức tranh mang một nét riêng, khi dữ dội, lúc bừng sáng, nhiều khi trầm tưởng, cũng lắm lúc thảnh thơi, không bức nào giống bức nào, đa dạng mà vẫn nhất quán đến lạ lùng. Ấy là bởi mỗi tác phẩm Tổ sư Đạt Ma của Hòa thượng Thích Viên Thanh đều là sự ngộ đạo theo từng mức độ khác nhau. Mỹ thuật Phật giáo khởi từ tâm Như Lai, cộng thêm trái tim mẫn cảm của người nghệ sĩ, trỗi dậy cùng trần duyên, khơi dậy tâm trí con người cùng hướng tâm đến nguồn mỹ cảm tĩnh lạc, liễu trừ tham, sân, si. Bằng khả năng truyền cảm sâu thẳm cái thấy và cái biết của trí tuệ Như Lai, nét đẹp trong những bức tranh Tổ sư Đạt Ma là nét đẹp của một bậc Thiền giả thấy rõ cuộc đời là huyễn mộng, đã vượt qua những tạp niệm đời thường, dẫn dắt con người trở về vẻ đẹp của tự tính, hoan hỷ đón nhận tâm từ bi và trí tuệ. Bấy giờ, mọi sắc - âm xung quanh cũng đã chìm vào thinh lặng, hữu hạn mà vô biên, tĩnh thức và an lạc.

Trịnh Chu Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2023