Tác giả: Trang Dinh Số 10/3 đường 46, KP Khánh Thạnh, Tân Phước Khánh, Tân Uyên, Bình Dương
Hôm cuối tuần tôi có dịp về với cửa Phật tham dự khóa tu một ngày. Tôi đắm mình trọn vẹn trong từng lời giảng của Viện trưởng Thích Giác Dũng tại tu viện Vĩnh Nghiêm. Tôi lắng lòng lại với chính mình, yên tĩnh học cách thiền, hòa vào không gian và năng lượng lành của cộng đồng. Một cảm giác bình an nở đầy tâm trí, tôi gửi lại sự vội vã và náo nhiệt ở bên ngoài bậu cửa tam quan.
Buổi nghỉ trưa, sau mười lăm phút kinh hành, tôi dạo viếng cảnh chùa mà cứ như đang trở về chốn trú ngụ thân quen. Tôi cảm nhận sự an yên khi rảo nhẹ bước chân ngắm từng bức hoành phi chạm trổ tỉ mẩn. Viện trưởng mong muốn tu viện Vĩnh Nghiêm này ghi đậm dấu ấn văn hóa Đại Việt, kiến trúc thuần Việt, chạm trổ chữ Việt, để ai một lần ghé đến cũng có cảm giác thân thuộc như được về nhà.
Khắp mọi nơi là hàng trăm bức hoành phi đậm nét Trúc Lâm Yên Tử. Mỗi câu trích dẫn được chọn lọc tỷ mỉ từ kinh kệ, từ lời hay ý đẹp của các vị danh nhân trong nước và quốc tế. Từng câu chữ trang trọng khắc bằng chữ quốc ngữ với mong muốn “văn dĩ tải đạo” để người Việt ngày nay đều có thể đọc hiểu và cảm. Nhiều câu đơn nghĩa dễ tiếp thu, nhiều câu cần thời gian suy ngẫm mới thấu hiểu. Một vài đoạn ở chỗ này lại là bổ xung, diễn giải cho một câu khó hiểu mà tôi đã đọc trước đó.
Dạo một vòng, ánh mắt tôi bị hút vào một câu thơ trích trong Kinh Tâm Địa Quán:
“Vào biển Phật pháp, tín là căn bản Qua sông sinh tử, giới là thuyền bè”
Bước chân tôi dừng thật lâu để ghi nhớ hai câu thơ, tôi cảm nhận thời khắc đó lời dạy là dành cho mình. Đầu óc tôi lóe sáng, tập trung kỹ vào hay từ “tín” và “giới” để có thể hiểu và biết rằng tôi có thể vận dụng vào chính cuộc sống của mình. Mặc dầu nguồn gốc Kinh Tâm Địa Quán này là lời đức Phật dạy người xuất gia phải quán xét tâm địa như thế nào để diệt vọng tưởng mà thành Phật đạo nhưng tôi cũng nhớ một lần được nghe diễn giải rằng từng lời đức Phật dạy, mỗi người đều có thể dùng tâm mà vấn, ngẫm, thông. Vậy nên việc áp dụng một câu Kinh vào trong đời sống tạp trần hằng ngày cũng không có gì quá khác lạ.
Trong đạo Phật có ngũ giới và ngũ căn. Giới trong “giới định tuệ”. Với một người chưa vào đường tu tập chính thống, tôi chấp nhận bản thân chưa thể theo trọn vẹn ngũ giới với những tham sân si còn lởn vởn trong tâm. Nhưng tự tôi có thể thiết lập một giới của riêng mình, trong khả năng của mình. Từ đó tôi đưa bản thân dần dần tiến đến con đường thiểu dục, tri túc. Lúc đó, trục suy nghĩ của mình đã được định hướng rõ ràng cái gì không được làm, cái gì phải làm. Đó chính là việc giúp tôi đi đúng hướng đã vạch ra, vẫn ở trên thuyền của “giới” để chèo chống qua giai đoạn khó khăn trong công việc.
Tín trong “ngũ căn”. Đây là đức tin, tin vào con đường mình chọn, tin với giới và luật tôi đã vạch ra, tin vào đồng đội, vào người dẫn dắt khi mình lên “thuyền” và hơn hết là cần một đức tin vào năng lực của bản thân. Khi tôi đủ lý do để “tín” thì tôi chỉ cần vững vàng mà tiến bước, tôi kiểm soát cái tâm chao động của mình khi tôi lần theo giới và luật. Con đường phía trước có khó khăn gian khổ hay kết thành quả ngọt lúc này không quan trọng bằng việc, ta xây đắp từ gốc, từ cái căn bản để “tín” đủ mạnh mà tiến bước.
Giai đoạn này, tôi gặp khó khăn trong việc cân bằng cảm xúc, gập ghềnh trong sự nghiệp. Vậy mà đơn giản chỉ cần lặng đi một ngày với lời giảng của thầy, đắm mình trong từng câu kinh trích dẫn, tôi như lần theo từng sợi tơ mành. Tôi hiểu rằng khi tôi đủ tĩnh lặng nhìn thấy cái neo “thiểu dục tri túc” rồi, thì tôi chỉ cần chuyên tâm giữ “giới”, hành “luật” và kiên trì với “đức tin”.
Tôi nhận ra và biết ơn những gì tôi đang có, tôi từ bỏ những cuộc chiến mong cầu nỗ lực không có ý nghĩa. Tôi có trục hành động của mình (giới), tôi có điểm tựa (đức tin), tôi có cái neo (tri túc) để vững vàng đi tiếp.
Tác giả: Trang Dinh Số 10/3 đường 46, KP Khánh Thạnh, Tân Phước Khánh, Tân Uyên, Bình Dương
Bình luận (0)