Một số quan niệm của Phật giáo về vấn đề nữ giới - lịch sử và hiện tại
ISSN: 2734-9195
09:10 18/08/2024
Với hiểu biết hạn hẹp của bản thân, người viết chỉ xin nêu lên hình thái cơ bản dựa trên cơ sở cho hoặc không cho người nữ giới xuất gia trở thành nữ tu sĩ Phật giáo ở một vài quốc gia...
Tác giả: Tỳ kheo Thích Quảng Định (Đoàn Văn Được)
Phật giáo là tôn giáo được thành lập khá sớm vào khoảng những năm 590 của thế kỉ thứ VI trước công nguyên, Phật giáo ra đời tại đất nước Ấn Độ với nền văn hóa sông Hằng cực kì phong phú.
Tại thời điểm đó, Ấn Độ là đất nước với sự phân chia giai cấp một cách triệt để và có hơn mười tôn giáo đang tồn tại hoạt động chi phối tinh thần của các tầng lớp trong xã hội.
Những nhà hoạt động tôn giáo được xếp vào tầng lớp Bà-la-môn(1)(Brahaman) họ là những người thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội, đại diện cho tin thần của toàn xã hội, họ có nhiệm vụ nghiên cứu, giải dạy kinh Vệ-đà (Veda) và chủ trì tất cả các nghi thức cúng tế thần linh, họ là tầng lớp cao quý duy nhất có thể giao tiếp với thần linh.
Xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, người phụ nữ gần như không có bất kì một quyền hành gì thậm chí là với chính cuộc đời của họ, mọi quyết định thuộc về người cha, sau khi lấy chồng thì thuộc về người chồng của người phụ nữ đó, họ không được phép tham dự trong các lễ cúng, trong các nghi lễ cúng tế và lý dĩ nhiên họ không được phép trở thành người tu hành.
Sau khi thái tử Sĩ-đạt-ta thành đạo (khoảng những năm 589 trước công nguyên theo Phật giáo Nam Tông và 593 trước công nguyên theo Phật giáo Bắc Tông) Ngài được mọi người gọi là Phật Cồ-đàm (Gotama Buddha) sau này thường gọi tắt là Phật, Ngài truyền trao lại giáo lý giải thoát mà mình đã ngộ được cho những người bạn đồng tu thân cận và dần thành lập lên Tăng đoàn đầu tiên. Trong một khoảng thời gian khá ngắn, đạo Phật phát triển rộng khắp trên mọi miền Ấn Độ bấy giờ, thu hút và cho phép tất cả các tầng lớp trong xã hội xuất gia tu học theo giáo lý giải thoát, điều đó lần đầu đã phá vỡ quy luật hàng ngàn năm về giai cấp của xã hội Ấn Độ bấy giờ.
Đối với xã hội Ấn Độ tại thời điểm đó quan niệm về giai cấp cực kỳ triệt để, việc một giai cấp thấp chạm vào tay hay chân một giai cấp cao hơn đã là điều không được phép, trong các tích truyện của Phật giáo có câu truyện liên quan đến người thợ hót phân khi ông nhìn thấy Phật đi ngang qua ông lánh mặt, chạy đi trốn chỉ vì sợ Phật nhìn thấy mình làm ô uế Ngài điều đó cho thấy sự phân chia giai cấp một cách triệt để ở đây, bởi theo quan niệm của xã hội bấy giờ đó là những người thuộc giai cấp thấp là Thủ-đà-la không có quyền theo tôn giáo, lễ thần và bị các giai cấp bên trên đặc biệt là Bà-la-môn và Sát-đế-lị khinh miệt là dân hèn hạ, không có đời sau huống gì là người thợ hót phân còn không được xếp vào giai cấp (thường gọi họ là Chiên-đà-la), họ còn thấp hèn hơn cả giai cấp thấp hèn nhất trong xã hội. Việc Phật đồng ý cho tất cả các tầng lớp, giai cấp trở thành một người tu sĩ đã là một đả kích không hề nhỏ tới xã hội thời bấy giờ, bởi những người thuộc tầng lớp Bà-la-môn hoặc Sát-đế-lị. Họ luôn cho rằng họ là những người cao quý của xã hội được sự bảo trợ của thần linh, họ không biết phải đối diện, cư xử như thế nào với những người thuộc tầng lớp được cho là hạ đẳng mà nay lại được trở thành một người tu sĩ, tầng lớp cao quý nhất của xã hội.
Sau khi vua Tịnh Phạn (Suddhodana: người cha của Phật) qua đời, vào khoảng đầu năm 584 trước công nguyên, di mẫu của Phật là bà Kiều-đàm-di (Gotami) cùng với phu nhân Da-du-đà-la (Yaśodharā: là vợ của Phật lúc Ngài còn là Thái tử, chưa xuất gia trở thành tu sĩ) cùng với 500 công nương từ bỏ đời sống cô đơn buồn chán ở nội cung họ tự xuống tóc, bỏ hết đồ trang sức, từ bỏ hết mọi tiện nghi vật chất mặc áo giống như những vị tu sĩ trong tăng đăng của Phật, đi chân không tới rừng Đại Lâm (Mahàvana) xin Phật xuất gia vì chỉ mong được sống đời thanh nhàn cao thượng của người trí, nhưng Phật đã từ chối yêu cầu của di mẫu cùng 500 công nương. Tới khi Tôn giả A-nan (Ànanda: Ngài là một trong mười đệ tử lớn của Phật) vì di mẫu và 500 công nương mà nhiều lần khẩn cầu, cộng với việc Ngài thảo luận với các tôn giả lớn trong tăng đoàn mà cuối cùng Phật đã cho phép người nữ xuất gia nhưng với điều kiện tiên quyết phải thực hiện “Bát Kính Pháp”(2).
Như vậy, giáo đoàn ni được thành lập ngay thời đức Phật còn tại thế và vào khoảng đầu 584 trước công nguyên tức là hạ thứ 5 sau khi Ngài thành Phật. Giáo đoàn ni được thành lập, một lần nữa lại là đả kích vô cùng lớn tới xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, bởi thời điểm đó xã hội hoàn toàn không cho phép người nữ tham dự vào những buổi cầu khấn, tế tự huống chi là những đặc quyền như vậy. Qua hai câu truyện nêu trên có thể nói, ngay từ lúc xã hội còn những định kiến bảo thủ cự kì nặng nề về giới và về giai cấp, đức Phật đã có những tư tưởng và thực hành hoàn toàn tiến bộ vượt bậc trước xu thế của nhân loại mà cho tới khoảng 2400 năm sau nhân loại mới manh nha những tư tưởng tiến bộ về giới và giai cấp đó.
Theo các tư liệu lịch sử Phật giáo để lại cũng như các giáo lý Phật giáo được lưu truyền cho tới ngày nay, thì ta có thể thấy rằng đối với đức Phật và đạo Phật lúc bấy giờ không có sự phân biệt về giai cấp và về giới bởi những tuyên ngôn bất di bất dịch của Ngài mà bất kì tín đồ Phật giáo nào cũng biết “ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” hay “máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn” hay “tất cả chúng sinh đều có phật tính”,…, minh chứng là tất cả các giai cấp của xã hội và cả người nữ đều được đức Phật đồng thuận cho xuất gia vào trong các giáo đoàn.
Tuy nhiên, việc cho người nữ xuất gia lúc bấy giờ với những tư liệu để lại cho nên vẫn có nhiều trăn trở và những luồng ý kiến trái chiều nhau trong nội tại của Phật giáo. Bởi lúc đầu Phật từ chối cho người nữ xuất gia mặc dù tôn giả A-nan đã thỉnh cầu tới ba lần và biện giải cho lý do đó trong cuốn “Đức Phật Lịch Sử”, có đề cập đến: “Chính pháp có thể tồn tại một ngàn năm, nhưng nay vì nữ giới đã được xuất gia, đời phạm hạnh sẽ không tồn tại lâu dài và Chính pháp sẽ chỉ tồn tại năm trăm năm, giống như những gia đình nào có nhiều phụ nữ và ít nam nhân, dễ trở thành mồi ngon cho bọn đạo tặc cướp tài sản.
Cũng vậy, Giáo hội có nữ giới xuất gia giống như một ruộng lúa chín có bệnh dịch trắng như xương và ruộng mía chín bị bệnh rỉ sét đỏ phải tàn tạ”. Ngài đã cảnh báo sự tai hại của việc cho nữ giới xuất gia nhằm mục đích khuyên tôn giả đừng có xin, hay nói thêm thay cho lời của nữ giới. Nếu chúng ta nhìn nhận theo lý giải trong sách “Đức Phật Lịch Sử” thì có thể thấy được trí tuệ của Phật hoàn toàn vượt xa người thường, thực tế nói lên rằng nữ giới có quá nhiều trở ngại về bản thân so với nam giới, hơn nữa bản tính của người nữ thường không được mạnh mẽ, kiên định như nam giới họ dễ cảm xúc hơn, dễ buông lung và dễ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh, bởi xã hội hơn rất nhiều so với nam giới. Vậy việc đồng ý cho nữ giới xuất gia giống như mang bệnh dịch vào trong nhà Phật giáo, điều đó sẽ làm Phật giáo nhanh lụi tàn hơn 50%, chính vì điều đó mà Ngài không đồng ý cho nữ giới xuất gia chứ không phải nữ giới không có khả năng thành Phật.
Còn theo sách Đại Phật Sử lại ghi: “Lý do từ chối vì đức Thế Tôn đã quyết định không phải cho phép nữ giới xuất gia một cách dễ dàng mà chỉ sau khi họ đã thể hiện nhiều nỗ lực cố gắng để xin phép xuất gia. Chỉ khi ấy họ mới nhận ra rằng để trở thành một vị tỳ kheo ni trong giáo pháp là điều khó đạt được và họ sẽ gìn giữ phẩm hạnh tỳ kheo ni bằng sự tinh tấn không ngừng nghỉ. Đức Thế Tôn muốn họ quý trọng cơ hội được xuất gia sau khi đã thể hiện nhiều cố gắng”, theo đây thì việc ba lần khước từ một cách thẳng thừng việc cho nữ giới xuất gia không phải là Ngài không đồng ý cho nữ giới xuất gia. Lý do là Ngài nhìn nhận được những chướng ngại trùng trùng của người nữ, cộng với những quan điểm của xã hội lúc bấy giờ, nếu dễ dàng cho nữ giới xuất gia thì họ sẽ không chân quý, không lỗ lực hết mình trong việc trở thành những nữ tu sĩ đầu tiên của xã hội cũng như hết mình cố gắng trong việc học và thực hành giáo lý giải thoát của Ngài. Cũng như việc Ngài đưa ra “Bát Kính Pháp” là điều kiện bắt buộc để nữ giới xuất gia, nhằm ngăn ngừa và một phần thuận theo, để đối trị lại với định kiến của xã hội về giai cấp và về người nữ giới thời bấy giờ.
Dù chúng ta có giải thích theo phương diện nào đi chăng nữa thì cũng không thể phủ nhận, đối với Phật giáo người phụ nữ cũng có đầy đủ khả năng chứng đắc các quả vị mà Phật đã thuyết giảng như người nam giới, nếu họ tu tập và hành trì theo đúng phương pháp. Điều này cũng được minh chứng trong các sách bàn về lịch sử Phật giáo, không ít những nữ đệ tử của Ngài chứng thánh và có quả vị thần thông không khác gì người tăng. Ni giới cũng có mười vị đệ tử ni kiệt xuất, đứng đầu các danh mục được Phật ấn chứng như bên đệ tử tăng như nữ Tôn giả Khema là vị có trí tuệ đệ nhất trong ni đoàn, nữ Tôn giả Uppalavanna có thần thông đệ nhất bên ni đoàn, nữ Tôn giả Dhammadinna là vị ni thuyết pháp đệ nhất trong ni chúng,… Tại thời điểm đạo Phật ra đời chúng ta có thể thấy những quan niệm hoàn toàn đổi mới trong Phật giáo về cả phương diện giai cấp xã hội và cả nữ quyền, người viết chắc chắn rằng với xã hội đó chỉ đức Phật và Phật giáo có những quan điểm cởi mở và tiến bộ vượt bậc như vậy. Cũng trong thời điểm đó đối với Bà-la-môn giáo với nền tảng triết lý của bốn bộ kinh Vệ-đà, họ xem phụ nữ là nguồn cơ của mọi rắc rối và họ chính là ngọn đèn soi đường cho con người tới cánh cửa của địa ngục, cũng như quan niệm của họ về phân cấp giai cấp trong xã hội thời bấy giờ như đã nói ở trên (trang 1,2).
Sau khi đức Phật nhập Niết bàn(3) khoảng một tháng diễn ra cuộc kiết tập kinh điển lần đầu tiên tại chân núi Vibhara, gần thành phố Rajgir (Vương Xá), kinh đô của vương quốc Magadha - gần biên giới Ấn Độ và Nepal ngày nay với sự góp mặt của 500 vị Thánh đệ tử của Phật, 100 năm sau khi Phật nhập Niết bàn diễn ra cuộc kiết tập kinh điển lần hai và lần ba là 250 năm sau.
Theo toàn bộ kinh sách và các tư liệu Phật giáo để lại cho đến ngày nay, đều không nhắc đến sự có mặt của những nữ tu sĩ đệ tử của Phật trong cả ba cuộc kiết tập kinh điển. Có một điều người viết thắc mắc và vẫn chưa thể lý giải được, đối với lần kiết tập kinh điển thứ hai và thứ ba có thể không tồn tại các nữ tu sĩ thì ta có thể giải thích được hoặc tìm được lý do để giải thích cho vấn đề này. Bởi sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, quan niệm về giới trong Phật giáo thay đổi so với Phật còn tại thế, bởi sự lụi tàn sau đó đi lên của Phật giáo và cũng bởi Phật đã nhập diệt quá lâu để cuộc sống Giáo đoàn Phật giáo khác đi, quan niệm khác đi đối với người nữ giới….
Nhưng cuộc kiết tập kinh điển lần đầu tiên với sự góp mặt của 500 vị đệ tử chứng Thánh, lại không thấy dáng dấp của những nữ đệ tử Phật. Trong khi đó, ta có đầy đủ minh chứng để chứng minh sự tồn tại của ni đoàn, và trong giáo đoàn ni cũng không ít những nữ tôn giả chứng Thánh như giáo đoàn tăng, thậm chí theo các tư liệu để lại nếu bên tăng có mười đệ tử lớn với các quả vị chứng Thánh đệ nhất trong giáo đoàn tu sĩ, thì bên giáo đoàn ni cũng có mười vị chứng Thánh tương tự. Người viết hoàn toàn không hiểu và cũng không tìm được lý do cho câu hỏi: Tại sao không thấy những nữ tu sĩ xuất hiện trong cuộc kiết tập kinh điển này? Bởi nếu nói là do quan niệm xã hội, thì Phật giáo bấy giờ dưới sự dẫn dắt của Phật đã đi ngược lại những quan niệm truyền thống của xã hội, cho người nữ trở thành tu sĩ thì ngại gì việc cho họ tham gia vào công cuộc lưu giữ lại những lời Phật dạy. Còn nếu nói Phật không phân biệt nhưng đệ tử của Ngài có lẽ có cũng không thể đúng được, bởi đối với Phật giáo quả vị A-la-hán, quả vị mà 500 đệ tử kiết tập kinh điển lần đầu tham gia, tại quả vị đó họ đã vượt qua được sinh tử, vượt qua được cánh cửa của sống chết, đẹp xấu, phân biệt …, họ hoàn toàn trong trạng thái tĩnh lặng, hiểu thấu mọi sinh diệt của thế sự và đã hiểu thấu rồi thì việc nam hay nữ không còn nằm trong quan niệm sống của họ nữa. Vậy việc không có nữ tu sĩ xuất hiện nếu giải thích về sự phân biệt nữ giới của họ thì càng không đúng.
Sau khi Phật nhập diệt các dấu tích để lại không thấy sự truyền thừa của giáo đoàn ni cho đến những năm giữa của thế kỉ thứ III trước công nguyên, con trai của vua Asoka là Thầy Mahinda vâng lời Vua cha qua Sri Lanka truyền giáo. Lúc này vua Devanampiya Tissa muốn Thầy Mahinda truyền giới cho những người nữ trong hoàng cung nhưng Thầy nói rằng mình không thể truyền giới cho những người nữ, và khuyên nhà vua viết thư cho Vua cha của mình thỉnh người em gái của mình là Tỳ kheo (4) ni Sanghamitta (282 – 203 trước công nguyên) qua truyền giới. Vua Asoka đồng ý cho Sanghamitta cùng một số tỳ-kheo ni khác qua Sri Lanka truyền giới, chính thức thành lập tăng đoàn ni tại đây, đây cũng chính là dòng thừa sau này truyền qua Trung Quốc. Như vậy thì cho tới giữa thế kỉ thứ III trước công nguyên ta mới thấy có sự xuất hiện trở lại của người tu sĩ ni.
Hai quan niệm tạm gọi là trái chiều nhau của Phật giáo về việc đồng ý cho nữ giới có hoặc không được xuất gia trở thành nữ tu sĩ Phật giáo, diễn tiến của nó trong lịch sử ở một vài nước có Phật giáo Theravada hay Phật giáo Nguyên thủy (giống Phật giáo Nam truyền ở Việt Nam, thực ra gọi Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Đại thừa theo người viết chỉ nên dùng trong giai đoạn Phật giáo Bộ phái, tới ngày nay hai tên gọi đó không còn phù hợp nữa, nhưng trong giới hạn bài viết người viết vẫn sử dụng hai tên gọi này để người đọc dễ hình dung) cũng có chiều hướng quyết định không giống nhau trong việc này. Với hiểu biết hạn hẹp của bản thân, người viết chỉ xin nêu lên hình thái cơ bản dựa trên cơ sở cho hoặc không cho người nữ giới xuất gia trở thành nữ tu sĩ Phật giáo ở một vài quốc gia mà bản thân người viết biết và có tìm hiểu chứ xin không đánh giá về quan niệm xã hội, quan niệm của giáo đoàn hay Phật giáo tại đất nước đó, để thấy được cái nhìn chung và khách quan về vấn đề, cuối cùng mới xin nhắc đến vấn đề này trên tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Đất nước Thái Lan: Phật giáo ở Thái Lan là Phật giáo Theravada, được hình thành và phát triển từ thời kì nhà nước Sukhothay(5), các vị vua của Thái Lan hầu hết đều là những Phật tử tại gia của Phật giáo cho tới ngày nay. Phật giáo ở Thái Lan có thể coi là tôn giáo phát triển mạnh nhất với 95% dân số là tín đồ. Năm 1928, theo một quy định của nhà nước cũng như Giáo đoàn Phật giáo tại Thái Lan không cho phép người nữ xuất gia trở thành nữ tu sĩ, chỉ đàn ông mới được phép trở thành nhà sư hoặc tu sĩ và quy định này vẫn được thực thi cho đến ngày nay. Thực tế quy định này trong quá khứ nhiều lần được phái nữ thúc đẩy xin xóa bỏ, tuy nhiên Hội đồng Tăng già tối cao (cơ quan quyền lực cao nhất của Phật giáo tại Thái Lan) đã bác bỏ đề xuất này vào năm 2002 và gần đây nhất là năm 2014. Để đối phó lại với quy định này, những phụ nữ sùng đạo ở Thái Lan họ tìm cách xuất gia ở nước ngoài (thường là Sri Lanka hoặc Ấn Độ) sau đó mới trở về nước để tu tập và sinh hoạt. Các nhà chức trách cho biết lệnh cấm phụ nữ ở Thái Lan xuất gia không phải là vì phân biệt giới mà chỉ để duy trì một truyền thống lâu đời.
Narong Songarom, phát ngôn viên của Văn phòng Phật giáo Quốc gia Thái Lan nói rằng “Phụ nữ không được xuất gia ở Thái Lan, nhưng họ không bị cấm xuất gia ở nước ngoài. Họ sẽ không được tấn phong bởi các nhà sư Thái Lan, tất cả chỉ có vậy”, như vậy thì có thể nói họ không được phép thọ giới tỳ kheo trong nước, nhưng không cấm họ làm điều đó ở nước ngoài, sau khi họ thọ giới tỳ kheo ở nước ngoài xong trở về quê hương họ vẫn được hành trì, giữ giới và giữ hình hài tu sĩ giống nước họ đã thọ giới. Hiện nay tại Thái Lan có khoảng 270 nữ tu sĩ Phật giáo, tất cả họ đều xuất gia và thọ giới ở nước ngoài và tất cả các nam tu sĩ Phật giáo bị cấm tham gia vào nghi lễ thọ giới của phụ nữ.
Đất nước Campuchia, Lào, Myanmar, Miến Điện cũng giống như Thái Lan, cá tất cả nước trên đều có tuyền thống Phật giáo Theravada tức Phật giáo Nguyên thủy.
Ở các nước này, cũng giống như Thái Lan, Giáo đoàn tối cao của Phật giáo không cho phép người nữ chính thức trở thành một tỳ kheo ni, họ chỉ có thể ở hình thái là một nữ tu. Có nghĩa là, họ được sống trong các ngôi chùa giống như chư tăng, nhưng sống trong một góc riêng biệt trong khuôn viên chùa. Họ cũng có thể cạo tóc, mặc y nhưng không được được phép mặc y vàng như chư tăng, có thể là y trắng hoặc hồng phấn tùy vào quốc gia, và các nữ tu ấy chỉ được thọ 8 giới chứ không phải thọ tỳ kheo giới như các vị tăng.
Nhìn chung, những đất nước Phật giáo theo Theravada hay Nguyên thủy Phật giáo đều không cho phép người phụ nữ xuất gia trở thành những tỳ kheo ni, điều này có thể thấy xuất phát từ nguồn gốc truyền thừa của Phật giáo Nguyên thủy, và các nước kể trên đều là những nước có Phật giáo là tôn giáo chính, gần như toàn bộ người dân của đất nước đều theo Phật giáo. Các nghi lễ vòng đời của họ gần như đều được thực hiện ở trong chùa, họ được sinh hoạt học tập từ khi có nhận thức đến khi trưởng thành và cho tới lúc mất đi ở trong chùa cho nên nghiễm nhiên tư tưởng truyền thừa được in sâu vào tâm trí của họ, ngấm sâu vào từng hơi thở của họ. Theo quan điểm riêng người viết thấy, việc để các nữ tu ở những nới đây có được sự công nhận của xã hội, có được những quyền lợi và địa vị giống như những vị nam tu sĩ cần phải mất thời gian rất dài đâu tranh và tự khẳng định bản thân của người nữ. Bởi nó không chỉ đơn thuần làm mặt chấp nhận cho nữ giới thành nữ tu sĩ trên mặt giấy tờ của nhà nước, của giáo hội mà nó còn là thay đổi cả một hệ thống quan niệm, tư duy xã hội về vấn đề này.
Việt Nam cũng là quốc gia có sự góp mặt của Phật giáo từ khá sớm, khoảng thế kỉ thứ nhất trước dương lịch theo đường bộ và đường biển. Câu truyện về Chử Đồng Tử học đạo với một nhà sư Ấn Độ chính là những vết tích đầu tiên minh chứng cho điều đó. Phật giáo nhanh chóng hòa nhập được với văn hóa bản địa của dân tộc Việt Nam và phát triển mạnh vào thời nhà Đinh, Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần đặc biệt là nhà Lý, nhà Trần. Có thể nói Phật giáo nhà Trần phát triển cực thịnh, được coi là Quốc giáo, Phật giáo tại thời điểm đó ảnh hưởng tới mọi mặt trong đời sống xã hội. Từ thời Hậu Lê cho đến cuối thế kỷ XIX thì Phật giáo bắt đầu và dần bị suy thoái, tới đầu thế kỉ XX Phật giáo Việt Nam mới bắt đầu sinh khởi lại với các phong trào chấn hưng. Dáng dấp của người tu sĩ Phật giáo nữ đầu tiên ở Việt Nam có lẽ là Ni sư Bát Nàn, bà là một vị tướng dưới chướng của hai Bà Trưng. Tháng 4 năm 43 sau công nguyên, sau khi hai Bà Trưng bại trận dưới Mã Viễn, một số tướng sĩ dưới chướng hai Bà Trưng rút về làng quê, sống trong các ngôi chùa, trong đó có Bát Nàn, bà về chùa tại xã Tiên La (hiện còn đền thờ ở xã Tiên La, huyện Diên Hà, nay là huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) tu tập và mất tại đó. Tới triều nhà Lý, dưới thời Lý Thái Tông cai trị (1028-1054) có sự xuất hiện hình ảnh Ni sư Diệu Nhân (1042-1113) đi tu, lịch sử chỉ nói bà xuất gia thọ giới Bồ-tát với Thiền sư Chân Không. Thời Nhà Trần thì có công chúa Huyền Trân xuất gia thọ Bồ-tát giới ở núi Trâu Sơn (Bắc Ninh), được ban pháp danh Hương Tràng. Ngoài ra, đời Trần Nghệ Tông (1370-1372), có người con gái họ Phạm xuất gia ở núi Thanh Lương, gọi là Ni sư Thanh Lương (Ni sư Đức Hạnh), được vua ban đạo hiệu là Tuệ Thông đại sư bà viên tịch năm 80 tuổi,…
Từ dữ liệu lịch sử trên cho ta thấy rằng hình ảnh người nữ tu Phật giáo có mặt từ rất sớm tại Việt Nam, chỉ sau hình ảnh của tu sĩ nam khoảng hơn 200 năm và Phật giáo truyền thưa vào Việt Nam theo dải miền Bắc này được gọi là Phật giáo Bắc Truyền hay Đại thừa Phật giáo mà chúng ta vẫn thường biết đến.
Hình ảnh chư ni trong Phật giáo Bắc truyền Việt Nam không xa lạ gì với văn hóa và với người dân Việt, bởi hình ảnh này đã có từ lâu đời và cũng xuất hiện nhiều lần trong lịch sử dân tộc chứ không chỉ ngày nay. Cho tới ngày nay, đối với Phật giáo Bắc truyền tại Việt Nam, người tu sĩ nữ được nhà nước, xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận và cũng có đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ giống như chư tăng. Điều này càng được minh chứng trong các tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ Trung ương tới địa phương, từ Nam ra Bắc đều có sự tham gia góp mặt, góp công của các nữ tu sĩ. Các chùa, các tự viện của Chư ni ở Việt Nam cũng không hề ít, cũng được các tín đồ Phật tử kính mến và hỗ trợ tất cả các công tác phật sự tại đó không thua kém gì các cơ sở tự viện của chư tăng.
Phật giáo Nam tông (Nguyên thủy, Nam truyền) tại Việt Nam: Phật giáo Nam tông truyền vào Việt Nam từ rất sớm do các tổ sư Ấn Độ truyền vào, đến khi Phật giáo Đại thừa truyền vào thì dần dần bị thay thế. Mãi đến những năm 1930 Phật giáo Nam tông mới trở lại Việt Nam, trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo qua sự truyền bá của các sư Hộ Tông, sư Bửu Chơn, sư Thiện Luật,…. Hiện nay Phật giáo Nam tông phát triển khá mạnh ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, một số ở thành phố Hồ Chí Minh, một số ở miền Trung Việt Nam.
Tu sĩ và phật tử của Phật giáo Nam tông chủ yếu là đồng bào người Khmer, một số là người Kinh (chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh và miền Trung). Phật giáo Nam tông của Việt Nam trong những năm này chủ yếu là xâm nhập từ Camphuchia, có lẽ do vậy mà cũng mang sác thái của Phật giáo Campuchia rất nhiều cả về kiến trúc xây dựng chùa chiền lẫn hình thức sinh hoạt cũng tựa tựa như vậy.
Cho đến ngày nay, chùa vẫn là điểm sinh hoạt chung của người Khmer tại Việt Nam, các nghi thức vòng đời của họ gần như đều được tổ chức trong chùa và cũng giống như các nước Phật giáo Nam tông phát triển khác, họ vẫn không đồng ý cho người nữ trở thành những tỳ kheo ni.
Theo Phật giáo Nam tông tại Việt Nam, việc không cho phụ nữ trở thành những tỳ kheo ni ở đây không phải vì các định kiến của xã hội, cũng không phải vì nạn phân biệt nam nữ mà nguyên nhân chủ yếu là hệ phái Phật giáo căn cứ vào đường hướng tu hành lúc Phật còn tại thế, y theo những giới luật thời đức Phật còn tại thế đã đề ra nên không chấp nhận có nữ tu, không chấp nhận ni đoàn. Điều này được nhắc đến trong Luật Ngũ Phần “Xưa kia các đức Phật đều không có người nữ xuất gia. Các người nữ tự mình nương theo đức Phật, tu tại gia, cạo đầu, mặc áo cà sa, siêng năng tinh tấn tu hành, được đắc đạo quả. Các đức Phật vị lai cũng như vậy. Nay ta cho phép người nữ dùng điều này làm phương pháp.” (Luật Ngũ Phần, tập II trang 158, Thích Đồng Minh biên dịch).
Theo sư Giác Dũng nhận định, viết trong sách Phật Việt Nam, Dân tộc Việt Nam “Luật Ngũ phần nói rằng vào thời chư Phật quá khứ không có Ni đoàn. Những người chỉ tu tại gia và cũng đắc đạo quả. Như vậy, rõ ràng, về mặt bản thể tuyệt đối, người nữ đều có khả năng giác ngộ như nam giới, hoàn toàn không có sự khác biệt. Nhưng chư Phật quá khứ vẫn không cho người nữ xuất gia, không cho thành lập giáo đoàn Ni rõ ràng có vấn đề thuộc về tương đối, về hiện tượng xã hội.”. Như vậy ta có thể nhận định việc Phật giáo Nam tông Việt Nam không cho người nữ xuất gia nguyên nhân chính là do truyền thống hệ phái, chứ hoàn toàn không liên quan đến quan niệm xã hội, quan niệm về giới, càng không có câu chuyện định kiến về giới tồn tại trong Giáo đoàn Phật giáo Nam tông.
Hệ phái Khất sĩ Việt Nam: Đạo Phật Khất sĩ của Việt Nam được thành lập năm 1944 do Tổ sư Minh Đăng Quang sang lập với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chính Pháp”. Tổ sư phác họa và phát triển Phật giáo Khất sĩ trên tư tưởng dung hòa giữa Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông, điều này được thể hiện qua đời sống của các Tăng đoàn Khất sĩ thực thành Cụ túc giới (Tỳ kheo giới) và Tứ y pháp Trung đạo. Tư tưởng của tổ sư đươc thực hành trong thời kì xã hội quá nhiều rối ren, khi đó Việt Nam là thuộc địa của thực dân Pháp, văn hóa cũng như các luồng tư tưởng tôn giáo phương Tây được truyền bá vào Việt Nam trong giai đoạn này, đây cũng là giai đoạn gần như đầu của các cuộc cải cách, chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam.
Trong tình hình xã hội, tôn giáo phức tạp như vậy, tư tưởng của Tổ sư giống như một luồng gió mới, mát mẻ, dễ chịu và phù hợp nên rất nhanh được tín đồ Phật tử đón nhận.
Trong 10 năm ngắn ngủi Tổ sư Minh Đăng Quang truyền đạo đã xây dựng nên Giáo đoàn Phật giáo Khất sĩ với hơn 100 tăng, ni và khoảng 20 ngôi tịnh xá. Số lượng 100 tăng, ni nghe qua thấy có vẻ ít và đơn giản, nhưng phải xét nghĩ trong tình hình đất nước chiến tranh loạn lạc. Như đã nói ở trên văn hóa, tư tưởng tôn giáo phương Tây được truyền bá vào Việt Nam lại cộng thêm nhiều hiện tượng tôn giáo tại Nam Bộ cũng ra đời trong thời gian này, với số lượng dân số và các tôn giáo tín ngưỡng tồn tại lâu đời cũng như mới khởi phát tại thời điểm đó thì đây là một thành công không hề nhỏ. Những năm từ 1954 đến 1964 là giai đoạn phát triển mạnh mẽ và sáu giáo đoàn của Phật giáo Khất sĩ Việt Nam cũng được hình thành trong giai đoạn này. Ngoài ra có một điểm đáng chú ý đó là ngoài sáu Giáo đoàn Tăng, còn có Giáo đoàn Khất sĩ ni do Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên đứng lên thành lập, Giáo hội Ni giới Khất sĩ Việt Nam, đặt trụ sở tại tịnh xá Ngọc Phương, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1965 khi sư Giác Nhu và sư Giác Thường đứng ra vận động thành lập Giáo hội Tăng già Khất sĩ Việt Nam, thì bên Ni ni chúng cũng có 5 đoàn do các sư ni Huỳnh Liên, Ngân Liên, Trí Liên, Diệu Liên và Tang Liên làm trưởng đoàn, các đoàn đã du hóa khắp miền Nam và duyên hải miền Trung. Như vậy, có thể thấy rằng ngay trong buổi đầu thành lập những Giáo đoàn của hệ phái Khất sĩ, đã có sự tham gia của ni chúng, điều này cho thấy quan niệm về giới của hệ phái Khất sĩ khá rộng mở. Đặc biệt, trong giai đoạn du hóa và truyền bá khắp miền Nam và miền Trung, cũng không thiếu đi hình ảnh của Khất sĩ Ni.
Qua quá trình tìm hiểu sơ khai các hệ phái Phật giáo tồn tại ở Việt Nam người viết cho rằng, Phật giáo Việt Nam không tồn tại định kiến về vấn đề giới. Đối với hai hệ Phái Bắc truyền và Khất sĩ của Việt Nam thì điều này dễ dàng ta có thể thấy được. Từ khi du nhập, hình thành và phát triển đều có sự hiện diện của người nữ giới, họ được quyền trở thành những nữ tu sĩ mà không chịu sự chi phối hay cấm cản của xã hội, của Giáo đoàn Tăng. Họ được hỗ trợ trên lộ trình tu học của bản thân, được góp mặt, góp sức trong các công cuộc xây dựng Giáo hội, trong công việc Phật sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một vài người cho rằng, nữ giới khi đi xuất gia chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới, vì đối với nam giới chỉ trải qua ba nghi lễ lớn của cánh cửa xuất gia trong khi nữ giới là bốn, trong khi nam giới thọ tỳ kheo chỉ lãnh thọ 250 giới thì nữ phải lãnh thọ đến 348 giới.
Điều này theo hiểu biết nông cạn của người viết thì hoàn toàn không đúng, bởi vì người nam người nữ cấu trúc cơ thể khác nhau, tâm sinh lý khác nhau. Giới luật được chế ra là để người tu thực hành, nhằm ngăn ngừa hay đề phòng những tội lỗi của thân và tâm phát sinh.
Trong khi đó người nam, người nữ khác nhau về tâm lý, sinh lý thì nguy cơ phát sinh tội lỗi về thân và tâm cũng không giống nhau hoàn toàn. Vậy giới luật đặt ra cho người nam và nữ chắc chắn cũng phải có những điểm không giống nhau. Một điều nữa người nữ như đã phân tích rất nhiều ở trước, các chướng ngại của họ trên con đường tu tập nhiều hơn, thì giới luật đặt ra cho họ tất nhiên là nhiều hơn và cũng chỉ để ngăn ngừa những tội lỗi do thân và tâm phát sinh mà thôi.
Người viết xin lấy một ví dụ: Người nam sau khi thọ Sa di hai năm thì có thể thọ giới tỳ kheo, trong khi người nữ sau khi thọ Sa di hai năm, phải thêm một lần thọ thức Xoa-ma-na cho ni giới thêm hai năm nữa mới được chính thức thọ tỳ kheo trở thành tỳ kheo ni. Người viết khẳng định không có sự phân biệt về giới mà gây khó khăn thêm cho người nữ ở đây: Nguyên do của vấn đề này xuất phát từ Phật còn tại thế, có tỳ kheo ni trước khi dời bỏ gia đình trở thànhnữ tu sĩ đã có thai. Sau khi thọ giới trở thành tỳ kheo mới phát hiện ra, và người tỳ kheo ni đó vẫn giữ trọn giới luật từ ngày thọ giới, nhưng việc một tỳ kheo ni phải nuôi và chăm con thơ để lại nhiều nghi vẫn cho tín đồ Phật tử lúc bấy giờ. Bởi vậy, Phật mới chế ra cho Ni ni chúng thêm hai năm thọ Xoa-ma-na cốt chỉ để ngăn ngừa việc này. Còn đối với Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam, việc không cho người nữ xuất gia trở thành những tỳ kheo ni không xuất phát từ sự phân biệt, hay định kiến về giới mà đó đơn giản là vì họ muốn giữ gìn truyền thống Phật giáo Nguyên thủy như trong “Luật Ngũ phần” đã nói mà thôi.
Tác giả: Tỳ kheo Thích Quảng Định (Đoàn Văn Được)
***
CHÚ GIẢI
(1) Bà-la-môn: Thời đức Phật còn tại thế, xã hội lúc bấy giờ phân chia là 4 giai cấp chính và một giai cấp không được xếp trong giai cấp:
- Bà-la-môn (Brahman): gồm những giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo, tức là những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp cao thượng nhất, sinh từ miệng Brahma thay ông cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng. Dân chúng Ấn Độ rất tôn sùng đẳng cấp này.
- Sát-đế-lỵ hay Sát-đế-lợi (Kshastriya): là hàng vua chúa quý tộc, quan lại, võ tướng. Ấn Độ giáo coi họ sinh từ cánh tay Brahma, thay mặt cho Brahma nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.
- Vệ-xá (Vaisya): là những người bình dân, thương gia, nông dân. Ấn Độ giáo coi họ sinh ra từ bắp vế Brahma, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước (mua bán, trồng trọt, thu hoa lợi cho quốc gia).
- Thủ-đà-la (Sudra) là hàng tiện dân. Ấn Độ giáo coi họ sinh từ gót chân Brahma, phải thủ phận và phải phục vụ các giai cấp trên.
- Chiên-đà-la (Ba-ri-a, Pariah, Dalit) là giai cấp người cùng khổ. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp hạ tiện nhất. Họ phải làm các nghề hạ tiện nhất (gánh phân, dọn nhà vệ sinh, giết mổ gia súc), bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, bị coi là thứ ti tiện, vô cùng khổ nhục, tối tăm, không được chạm tay vào người thuộc các đẳng cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của những người thuộc đẳng cấp cao như Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ.
(2) Bát Kính Pháp: Bát kính pháp hay còn gọi là bát kính giới hoặc bát trọng pháp, gọi tắt là bát kính. Đây là tám pháp mà Phật dạy tỳ kheo ni phải cung kính tôn trọng Tỳ-kheo tăng. Bát kính pháp gồm có:
1. Một tỳ kheo ni, dù có trăm tuổi hạ khi gặp vị tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị tỳ kheo.
2. Một tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng lời đối với một vị tỳ kheo trong bất kỳ trường hợp nào.
3. Tỳ kheo ni không được ngăn tỳ kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của tỳ kheo. Trái lại, tỳ kheo được quyền cử tội tỳ kheo ni.
4. Tỳ kheo ni muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và tỳ kheo.
5. Nếu tỳ kheo ni phạm tội hữu dư (Tăng tàn) thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ý hỷ (Ma na đỏa) trong thời gian nửa tháng.
6. Mỗi nửa tháng, tỳ kheo ni phải đến tỳ kheo tăng cần cầu dạy bảo.
7. Tỳ kheo ni không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có tỳ kheo ở.
8. Khi an cư xong, tỳ kheo ni phải đếntỳ kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và nghi.
(3) Niết Bàn: Niết Bàn hay còn có ý nghĩa là chấm dứt nghiệp báo luân hồi, thoát khỏi vòng sinh tử. Những tham sân hận trong cõi này sẽ chấm dứt và chuyển sang trạng thái thanh thản, yên tĩnh và sáng suốt, chấm dứt mọi phiền não và sầu đau. Nói Phật nhập Niết Bàn tức là nói Phật đã qua đời ở hình thức thân thể máu thịt và trở về với trang thái tĩnh lặng như trên.
(4) Tỳ-kheo: Một tu sĩ Phật giáo khi rời bỏ gia đình trở thành người xuất gia sẽ tải qua ba nghi thức chính với người nam và bốn với người nữ
Lễ xuất gia
Thọ giới Sadi: lãnh thọ 10 giới của Sadi
Thọ giới Thức Xoa-ma-na với người nữ
Thọ tỳ kheo giới: 250 giới với nam và 348 giới với nữ
(5) Sukhothay: à một vương quốc cổ của người Thái ở nửa phía Nam của vùng Bắc Thái Lan hiện đại. Vương quốc này tồn tại từ năm 1238 đến năm 1438
Mỗi con người dù là nữ hay nam, đời sống đạo đức luôn là thước đo giá trị nhất, bởi: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh, giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Chỗ nào có giới hạnh chỗ đó có trí tuệ. Chỗ nào có trí tuệ chỗ ấy có giới hạnh - giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời.”
Thế Tôn dạy cho Rahula phải biết quán xét, suy ngẫm tường tận điều nào đưa đến tự hại, hại người, hại cả hai thì hãy buông bỏ để giữ cho mọi hành động của ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh trong sạch đưa đến sự an lạc giải thoát trong đời sống.
Phật giáo thời Lý có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực giáo dục, văn học và phong tục tập quán của người Việt góp phần tạo nên bản sắc dân tộc ta trong giai đoạn nhà Lý trị vì.
Các chùa sắc tứ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền chúa Nguyễn, mặt khác, thông qua các hoạt động và thực hành nghi lễ Phật giáo với quy mô lớn, thời kỳ này các ngôi chùa sắc tứ đã tỏ rõ vai trò quan trọng trong việc xiển dương Phật giáo.
Tư tưởng, giáo lý Phật giáo thời kỳ này đã tạo tiền đề nhập thế giúp dân chống lại ách đô hộ của nhà Lương nói riêng và tiếp tục duy trì truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự chủ có từ trước đó
Nhờ tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, người đó dẫn tâm, hướng tâm đến chính trí, chính kiến, biết vô thường, vô ngã. Tuệ tri biết rõ “Đây là khổ”, “Đây là khổ tập”, “Đây là khổ diệt”, “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”.
Bình luận (0)