Hằng năm, vào mùa Xuân, các chùa lại tổ chức lễ hội để mỗi người con Phật tỏ lòng tri ân tới đức Phật đại từ đại bi, vì lòng thương xót chúng sinh đã chịu trăm ngàn khổ nạn để tìm con đường giải thoát, chứng đắc Niết Bàn. Người phật tử nói riêng và du khách nói chung luôn nô nức đến ngày trẩy hội tại các chùa với ước muốn được dâng lên bậc Tôn trí một nén tâm hương, một lời nguyện cầu bình an, hạnh phúc.
Tuy nhiên, bên cạnh giá trị truyền thống tốt đẹp, vẫn còn đó sự huyên náo ồn ào, những hình ảnh vô cùng phản cảm diễn ra giữa chốn thiền môn thanh tịnh.
Tâm lý hám “lộc”
Theo lời Tiến sĩ Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Khảo sát nhiều lễ hội truyền thống thì thấy ngày xưa họ tung lộc lên thì mọi người xúm vào nhặt lộc, không bao giờ có cảnh tranh cướp. Ngày xưa là “hứng lộc”, ai được cái gì thì hứng cái đó đến với mình, tự nhiên đến chứ không phải “cướp lộc” như bây giờ. Người ta tin rằng tự nhiên như thế thì lộc đến đầy đủ. Còn bây giờ muốn có thì phải cướp. Sự tranh cướp này có sẵn trong tâm lý của người đi hội, vì ngoài đời thường người ta cũng chạy nhanh rồi vượt đèn đỏ… Tâm lý tranh cướp, giành giật, muốn mình được phần hơn từ cuộc sống đời thực đang tác động vào tâm lý của những người đi lễ hội.
Cha ông ta vẫn quan niệm: Lộc sẽ tự đến với ta, người may mới được lộc. Chắc chắn lộc mà người nào đã tranh cướp mới có được như vậy sẽ không bền vững. Lộc có được từ việc tranh cướp dân gian gọi là “lộc bẩn” và hành vi cướp như vậy là méo mó, phản cảm, đáng bị lên án”.(1)
Đạo Phật vốn hướng con người đến sự bình an, thanh tịnh và “lộc chùa” chỉ là phương tiện để hóa độ chúng sinh, tạo duyên thiện lành cho mỗi người tham dự lễ hội góp phần xây dựng và phát triển thiện tâm. Nhưng vì tâm lý đám đông, người ta giật mình cũng giật, sợ tới mình sẽ mất phần nên ngay giữa chốn thiền môn trang nghiêm đã xuất hiện những cảnh “cướp lộc” vô cùng phản cảm. Hành động này xuất phát từ lòng tham và sự ích kỷ của con người. Ai cũng tham có “lộc”, muốn bản thân có được nhiều “lộc” mà đang tâm chèn ép, dẫm đạp lên nhau. Thật đáng thương thay?!
“Lệch lạc” về lòng tin
Trong đời sống xã hội khi có quá nhiều sự việc tiêu cực xảy ra, con người sẽ mất đi lòng tin chân chính vốn có và cố gắng chạy theo niềm tin “ảo” về một thế lực siêu nhiên, thần thánh. Điều này dẫn đến hiện tượng hàng nghìn người đổ về các lễ hội văn hóa Phật giáo vào dịp đầu năm để vái Phật lạy Phật, cầu xin thăng quan, tiến chức, tài lộc, sức khỏe... Vậy đức Phật có chứng giám cho những điều này không?
Phật giáo là một tư tưởng triết học nhân sinh, do đức Thích Ca Mâu Ni là người khởi xướng. Vì vậy hình tượng đức Phật chính là đại diện cho những tư tưởng triết học và giáo lý mà bản thân Phật giáo muốn đem đến cho người dân. Đó là những lời dạy về việc hướng thiện, về luật nhân quả và cội gốc của khổ đau.
Việc mỗi người tìm về cửa chùa với những lời ước nguyện đã phần nào thể hiện nguyện vọng chân thành của họ. Nó phản ánh khát vọng, nhu cầu của mỗi người trong đời sống thực tiễn, rất đáng được khích lệ. Bởi nó sẽ trở thành chất xúc tác giúp họ nỗ lực, phấn đấu để thành công hơn trong đời. Tuy nhiên, theo quan niệm của nhà Phật, một ước nguyện muốn trở thành hiện thực thì mỗi người phải hiểu được quy trình nhân – duyên – quả. Nhân là những nỗ lực đúng phương pháp, duyên là hỗ trợ thuận lợi để chứng nhân đó có cơ hội thành một kết quả.
Hơn nữa, Phật giáo không khích lệ sự cầu nguyện mà tập trung vào sự phát nguyện. Cầu nguyện là đặt nặng chữ “tôi”, phản ánh một phần ích kỷ của con người. Còn Phật giáo dạy phát nguyện là mở tâm từ bi của mình ra để hướng về tha nhân. Phát nguyện không vì lợi ích của riêng bản thân mà hướng tới cái chung, cao quý hơn. Do vậy, người mới học Phật sẽ thiên về sự cầu nguyện. Với phật tử thuần thành thì chú trọng tới sự phát nguyện.
“Nhân” tham dẫn tới “quả” khổ đau
Phật dạy: “Ba nỗi khổ cũng là ba nguyên nhân dẫn tới khổ đau của con người là tham, sân, si. Trong đó chữ tham đứng hàng đầu, vì lòng tham nên mới sân hận, vì tham nên mới si mê, u tối. Dục vọng từ tham mà ra, cũng vì tham mà lớn lên thành nghiệp ác”. Tham lam thực ra không phải là bản chất của con người, bất kể ai sinh ra đều như tờ giấy trắng, có trái tim thiện lương và thuần hậu. Nỗi tham lớn dần theo năm tháng, theo những điều mà con người muốn sở hữu và đang sở hữu. Càng có nhiều càng tham nhiều, càng mong nhiều lại càng tham nữa.
Tranh giành, cướp đoạt “lộc chùa” cũng bởi lòng tham. Tìm về cửa chùa, vái lạy Phật với cương vị là một đấng thánh thần cũng là quả của tham dục. Do tham vọng trong con người quá lớn, họ không có cách nào thỏa mãn được lòng tham đó nên mới cầu xin, nương theo những thứ niềm tin huyễn hoặc, mộng ảo. Họ giống như con thuyền giấy đang loay hoay, ngụp lặn trong vòng xoáy của con sông tham vọng, si mê, luẩn quẩn không tìm thấy lối thoát? Đây là điều hoàn toàn sai trái, đi ngược lại giáo lý của đạo Phật.
Đức Phật dạy mọi việc do chính mình quyết định. Phật giáo tin ở luật nhân quả vì vậy cần cố gắng phát triển năng lực ngay tại bản thân mình. Phải nhìn đúng sự thật, sống đúng với sự thật thì lúc nào ta cũng thấy an lạc. Những người đi cầu xin phần lớn là tham muốn những cái ngoài sức của mình nên mới đi cầu khấn, vái tứ phương. Còn phật tử chân chính chỉ làm những điều trong tầm tay của mình. Điều đó sẽ đem tới sự an lạc.
“Tâm” và “tín”
Đa phần mọi người tham dự lễ hội văn hóa Phật giáo đều có chung cái “tâm” và “tín”. Sự thành tâm đến chùa là giống nhau nhưng chữ “tín” của mỗi người lại có sự sai khác. Có người cho rằng “mình ăn ở phúc đức thì trời Phật sẽ phù hộ”, nhưng cũng có người lại mê muội tin “mâm lễ của mình to thì cầu gì sẽ được nấy”
Người có sự hiểu biết thì tin răng nếu mình có tâm sẽ được sự gia trì của chư Phật, chư Bồ tát. Nhưng quan trọng là người cầu nguyện Phật và Bồ tát gia hộ trước nhất phải có tâm tốt thì cầu nguyện mới hiệu quả.
Ví dụ như nói đức Phật thương hết tất cả chúng sinh, nếu chúng ta cũng có tâm thương chúng sinh như đức Phật thì đức Phật sẽ gia bị cho chúng ta làm cho tâm ta sáng suốt lên, làm cho chúng ta tăng thêm nghị lực để có thể làm những việc tốt.
Kinh Đại Bát Niết Bàn nói đến 7 pháp thiện là: Biết đủ, biết thời, biết nghĩa, biết mình, biết chúng sinh, biết tôn kính người trên, biết người dưới. Cổ nhân từng khuyên “tri túc tâm thường lạc” hay “tri túc tri chỉ” – Biết đủ là vui, biết đủ là dừng. Có lẽ quan trọng nhất là đừng tham, phải biết đủ. Cho nên, trước hết phải tin vào chính mình. Chọn hướng đi đúng, chọn cách làm đúng và làm việc với tất cả cái tâm của mình. Có như vậy mới được người tốt giúp đỡ. Còn nếu lười biếng, không làm gì chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của thế lực siêu nhiên, vào thần linh thì chẳng khác nào “nấu cát thành cơm”!
Như vậy, để không còn tình trạng “tả tơi xem hội” và đưa lễ hội trở về đúng giá trị văn hóa, không bát nháo, không buôn thần bán thánh, không chỉ đơn thuần là cải tiến hoạt động của bản thân lễ hội. Quan trọng, cần có tầm nhìn và biện pháp rộng hơn là chấn chỉnh, cải biến xã hội căn cơ hơn từ tư duy quản lý đến tư duy lối sống của cộng đồng để người dân có thể tự tin vào khả năng của mình, vào sự công bằng xã hội. Khi ai cũng tin rằng họ có thể thăng tiến, sống sung túc bằng chính khả năng lao động của mình thì chẳng ai dại gì bỏ tiền, bỏ công, bỏ cả nhân phẩm để buôn thần bán thánh.
Tự do tín ngưỡng là một quyền của công dân được Nhà nước bảo vệ. Tuy nhiên người dân cũng nên trang bị cho mình kiến thức về tôn giáo mà mình tín ngưỡng. Có như vậy mới không rơi vào mê tín dị đoan. Hiểu và trân trọng các giá trị văn hóa của việc đi chùa lễ Phật góp phần nâng tầm văn hóa, giá trị của các lễ hội gắn với chùa chiền. Đó cũng là cách để mỗi người dân Việt giữ gìn và phát huy nền văn hóa đặc sắc, đa dạng của mình trong xu thế hội nhập hiện nay.
Tác giả: Diệu Âm Minh Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 3/2017 ----------------------------Nguồn tham khảo: (1 http://baophapluat.vn/rubic- cuoc-song/nguoi-di-le-hoi-dang- dat-nang-chu-loc-319169.html)
Bình luận (0)