An cư kiết hạ, không phải là một hình thức tụ hợp lại, ở một chỗ, sống an nhàn hưởng thụ, không phải là sự suy nghĩ “lệch lạc” của một số người có quan niệm “không thân thiện” với Phật giáo, mà chúng ta phải hiểu rằng những giá trị nội tại của việc an cư tu tập được đức Phật chế định, thể hiện những mục đích, ý nghĩa cao cả đối với lợi ích của chư tăng, ni Phật giáo

Tác giả: Thượng tọa Ts Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

Tóm tắt: Trong hơn 20 thế kỷ, nhân loại đã loay hoay đi tìm bản chất và đặc trưng của đời sống thẩm mỹ và các hiện tượng có liên quan đến đời sống đó. Nhiều câu hỏi đặt ra trước con người về các hiện tượng thẩm mỹ hình như phức tạp và tế nhị hơn. Vấn đề ở đây đã đụng chạm đến không chỉ trí tuệ hay lương tâm, mà còn có liên quan đến phần tinh tế nhất trong tình cảm, trực giác, sự rung động cả bề sâu tiềm thức của vô số con người.

Điều đó, dường như đã tìm thấy trong phần hồn của tôn giáo với mối quan hệ của nghệ thuật. Cái đẹp trong tôn giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đã đem đến cho con người các giá trị, đạo đức, cái chân – thiện – mỹ, cái thiêng liêng là mục đích, lý tưởng siêu việt mà tất cả các giá trị đều nhất thiết phải hướng tới.

Trong chuỗi giá trị đó, hình ảnh của chư tăng, ni trong ba tháng an cư tu tập đã góp phần thể hiện cái nét đẹp, cái lý tưởng tu hành của tu sĩ Phật giáo Việt Nam trong thời đại ngày nay. Bài viết tập trung trình bày về nét đẹp trong tinh thần truyền thống an cư kiết hạ của chư tăng, ni Phật giáo. Đó là một nét đẹp của tinh thần hoà hợp, đoàn kết trong Tăng già, một lý tưởng đẹp mà con người cần hướng đến trong một xã hội phức tạp như hiện nay.

Từ khoá: Nét đẹp, chư tăng, an cư kiết hạ, tinh thần hoà hợp trong Tăng già.

Nhà lý luận người Đức sống ở thế kỷ XVIII là Herder cho rằng: “Cốt lõi của toàn bộ cái đẹp là chân lý, bất kỳ cái đẹp nào cũng cần dẫn tới chân lý và điều thiện”. Thật vậy, trong hơn 20 thế kỷ, nhân loại đã loay hoay đi tìm bản chất và đặc trưng của đời sống thẩm mỹ và các hiện tượng có liên quan đến đời sống đó. Nhiều câu hỏi đặt ra trước con người về các hiện tượng thẩm mỹ hình như phức tạp và tế nhị hơn.

Vấn đề ở đây đã đụng chạm đến không chỉ trí tuệ hay lương tâm, mà còn có liên quan đến phần tinh tế nhất trong tình cảm, trực giác, sự rung động cả bề sâu tiềm thức của vô số con người. Con người luôn luôn đi tìm cái chân – thiện – mỹ để hoàn thiện cho con người và đem đến sự hoàn hảo cho đời sống của nhân sinh. Bởi cái thánh thiện phải được tìm thấy và duy trì trong mỗi người chúng ta để dẹp tan những mầm mống xấu ác, những cái chưa tốt đẹp, hướng đến điều tốt đẹp nhất.

Để trả lời cho câu hỏi “bản chất của cái đẹp là gì?”, con người đã trải qua một chặng đường dài từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ cụ thể đến khái quát về cái đẹp; đồng thời người ta cho rằng nó được tạo ra trên các quy tắc của nghệ thuật, các quy luật của cái đẹp và của sở thích, nó hoàn toàn phù hợp với những quy tắc của hành động và của khoa học, với các quy luật của cái thiện và cái chân.

Điều đó tất nhiên, không thể thiếu được từ sự tập hợp quy tắc mà đời sống tinh thần buộc phải có.  Đời sống tinh thần của con người và đặc biệt là tinh thần tôn giáo, là một phần không thể tách rời của đời sống xã hội, con người không thể thiếu đi phần hồn của đời sống tôn giáo của chính mình.

Chính vì vậy, tôn giáo đã đem đến cho nghệ thuật từ điểm đầu (alpha) cho đến điểm kết thúc (omega) ở cái thiêng liêng, cao cả của sự tuyệt đối, chí thiện nhất, mà con người hướng tới lý tưởng trong cái hiện thực và cái thần thánh trong thế giới trần tục này.

Trong chuỗi giá trị đó, Phật giáo đã thể hiện, phản ánh cái chân – thiện – mỹ một cách hoàn hảo trong đời sống tâm linh của con người, một điển hình cho nét đẹp đó, là hình ảnh về truyền thống an cư tu tập của tu sĩ Phật giáo đã góp phần kiến tạo nên nét đẹp hài hoà, cái lý tưởng tu hành của tu sĩ Phật giáo Việt Nam trong xã hội ngày nay.

Chư Tăng hành giả

Nét đẹp trong tinh thần truyền thống an cư kiết hạ

Con người từ khi đứng trên đôi chân của mình, con người luôn luôn cảm thấy đòi hỏi về cái đẹp như một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Bởi, không chấp nhận sự dừng bước trước sự thiếu cái đẹp hoàn hảo trong cuộc sống, con người tiếp tục vươn lên để tìm ra sự thật và những giá trị đạo đức, những đức tính chân – thiện – mỹ.

Cho nên Paul Valery trong một bài diễn văn khai mạc Đại hội quốc tế về mỹ học và khoa học nghệ thuật ở Paris năm 1937, đã phát biểu: “Mỹ học sinh ra vào một ngày nào đó từ một nhận xét và một sự thích thú của triết gia” [1].

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển mỹ học, người ta đã phấn đấu, nâng tầm của mỹ học thành một bộ môn độc lập với triết học và trở thành một khoa học. Triết gia người Đức Baumgarten – một giáo sư trường đại học Frankfurt, ông định nghĩa rằng: “Mỹ học là khoa học về cái đẹp”. Do đó, khi nói đến cái đẹp là chúng ta liên tưởng đến những giá trị của thẩm mĩ của nó, không chỉ tồn tại trong thiên nhiên, trong xã hội, con người của chúng ta, mà còn tồn tại trong các sản phẩm vật chất và tinh thần của con người và nghệ thuật.

Maksim Gorky, một nhà văn, nhà hoạt động chính trị người Nga đã xem cái đẹp như một nghệ thuật của một tác phẩm: “Cái đẹp là sự phối hợp các chất liệu khác nhau cũng như các âm, màu, từ ngữ - sao cho tác phẩm tạo ra có được một hình thức có thể tác động lên tình cảm và lý trí một sức mạnh khơi dậy ở con người sự ngạc nhiên, lòng kiêu hãnh và niềm sung sướng trước khả năng sáng tạo của mình”.

Nhưng cái đẹp không chỉ là một phạm trù của nghệ thuật, mà ngay trong thực tiễn của đời sống xã hội, quan niệm về cái đẹp gắn liền với sự phù hợp với quan niệm của con người về những đức tính thiện, những giá trị đạo đức, sự hoàn thiện, hài hoà trong cuộc sống.

Cho nên, sự cảm thụ của cái đẹp trong hiện thực nó không chỉ tồn tại cái khách quan, mà còn chứa đựng những nhân tố chủ quan của thế giới tinh thần, những tình cảm của con người được bọc lộ qua sự cảm nhận của cái đẹp. Vì vậy, phạm trù cái đẹp được nhìn nhận trong sự thống nhất biện chứng giữa cái khách quan và chủ quan. Chính trong cái khách quan đã hàm chứa sự đánh giá chủ quan của con người và ngược lại.

Khi chúng ta đánh giá một sự vật là đẹp thì sự đánh giá này đã gợi ý là ở đâu đó có một tiêu chuẩn cho cái đẹp, nhưng tiêu chuẩn này không phải chính là sự vật chúng ta đánh giá mà là tiêu chuẩn phần nào biệt lập với ý thức con người. Do vậy, so với các sự vật đẹp thì Plato cho rằng chỉ có ý niệm đẹp là vĩnh hằng, một sự vật được gọi là đẹp là bản sao của ý niệm đẹp.

Quá trình đi tìm cái ý niệm đẹp, được biểu hiện qua bốn phương thức của cái đẹp: thân thể, đạo đức, trí tuệ và cái tuyệt đối. Song, cái đẹp được cho là cao nhất là trùng với cái thiện cao nhất; bởi vì, “người ta không thể nhìn thấy cái đẹp mà người ta lại không hiểu được cái gì là thiện”.

Sự khao khát của con người về cái đẹp trong nghệ thuật lẫn trong đời sống thường ngày, đó chỉ là những ham muốn, những thích thú của con người một cách tự nhiên và tất cả chúng ta ai cũng có quyền hưởng thụ và khao khát chiếm hữu, cảm nhận cái đẹp tự nhiên đó.

Tuy nhiên, con người không hoàn toàn thoả mãn khát vọng tìm về cái đẹp của một thân thể xinh đẹp, mà cái đẹp được biểu thị bằng những hình thức cao hơn, hoàn mỹ hơn của lý tưởng, chân lý trong cuộc sống. Nói khác hơn, ngoài những khát vọng tìm kiếm những cái đẹp đời thường, con người còn tìm đến một lý tưởng cao cả, cái chân - thiện – mỹ trong đời sống tinh thần.

Phải chăng cái đẹp đó, được bọc lộ, phản ánh trong phần hồn của các tôn giáo, mà ở đó, chúng ta thấy được nét đẹp vĩnh cửu của nó thông qua những giá trị mà tôn giáo đã cống hiến cho nhân loại.

Đặc biệt là Phật giáo, đã cống hiến cho nhân loại những giá trị cao quý về mọi mặt của đời sống tinh thần, những giá trị đạo đức, tư tưởng, văn hoá, những nét đẹp của nghệ thuật, mỹ thuật của Phật giáo trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc và thế giới.

Một nét đẹp có thể là một điển hình cho nét sống đạo vị, lấy hình ảnh con người làm trung tâm cho nét đẹp cao quý, được biểu hiện thông qua quá trình tu tập của Tăng đoàn Phật giáo trong mùa an cư kiết hạ. Đó là nét đẹp truyền thống của Phật giáo, được đức Phật chế định cho chư Tăng trong ba tháng mùa mưa tại xứ Ấn Độ.

Song, trải qua hàng ngàn năm trong lịch sử thăng trầm, biến động, đổi thay của xã hội, sự biến động chính trị của các thể chế, nhưng truyền thống an cư kiết hạ của chư Tăng, Ni Phật giáo luôn luôn duy trì và giữ vững nét đẹp tinh hoa đó một cách bền vững với thời gian.

Mặc dù, Phật giáo có phân chia thành Nam truyền Phật giáo hay Bắc truyền Phật giáo, thì truyền thống tác pháp an cư kiết hạ của chư Tăng, Ni vẫn giữ được những giá trị cốt lõi của Phật giáo.

An cư kiết hạ, không phải là một hình thức tụ hợp lại, ở một chỗ, sống an nhàn hưởng thụ, không phải là sự suy nghĩ “lệch lạc” của một số người có quan niệm “không thân thiện” với Phật giáo, mà chúng ta phải hiểu rằng những giá trị nội tại của việc an cư tu tập được đức Phật chế định, thể hiện những mục đích, ý nghĩa cao cả đối với lợi ích của chư tăng, ni Phật giáo; nó còn thể hiện sâu sắc độ tin cậy của niềm tin vào chư Tăng, những người có đủ khả năng để thay thế đức Phật làm công tác lợi sinh.

Mục đích chính của ba tháng an cư kiết hạ được biểu hiện: Thứ nhất, vào mùa mưa, cấm túc an cư để không dẫm đập côn trùng, tránh sát hại loại vật nhỏ bé dưới mặt đất; thứ hai, nhằm tập trung cho việc trao dồi kiến thức Phật học và huân tu, phát triển tuệ giác; thứ ba, thể hiện tinh thần hoà hợp của chư Tăng khi sống trong cùng một trú xứ; thứ năm, tạo điều kiện thuận lợi cho tín đồ Phật tử gần gũi chư Tăng để học tập giáo lý và gieo trồng thiện căn.

Sống trong tinh thần Lục hòa

Thật vậy, hình ảnh đẹp của chư Tăng, Ni không những thể hiện ở những bước chân chậm chậm, nhẹ nhàng từng bước khất thực trên các con đường, làng, phố, mà nó còn phản ánh cái nét đẹp trong những ý nghĩ, hành động, tâm tư của người xuất gia về những trách nhiệm cao cả, những nhiệm vụ to lớn đối với một người đệ tử khi khoác lên mình chiếc “y vàng thánh thiện” của Phật giáo.

Chất liệu, màu sắc của chiếc y, không nói lên được bản chất của nó, mà cái nét đẹp thánh thiện của “y vàng” chứa đựng những giá trị về mặt trí tuệ, đạo đức, phẩm chất, nhân cách, giá trị giải thoát của Phật giáo.

Do đó, khi ăn cơm quả đường, chư tăng, ni không giống như những người bình thường, đói thì ăn, còn tâm thì cứ nghĩ lung tung vô bờ bến, muốn nói, muốn cười tuỳ sở thích; ngược lại đối với một tu sĩ chân chính, điều mà phải suy ngẫm cho kỹ trong lúc ăn đó là phải biết quán chiếu sâu sắc về năm điều quan trọng trong cuộc sống của mình.

Một là, phải xem cơm của mình ăn nhiều hay ít, có xứng đáng với người đem đến cho mình; hai là, quán xét lại đức hạnh của bản thân có đủ thọ nhận việc cúng dường của đàn na, thí chủ hay không; ba là, ngăn chặn tâm tham lam khi ăn cơm; bốn là, hãy xem thức ăn như là một vị thuốc để trị bịnh thân;

Năm là, ăn cơm là vì mục đích hướng đến thành tựu đạo quả Bồ đề, chứ không phải ăn cơm để thoả mãn những ham muốn. Đây là một trong những phương pháp quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, mà Thiền sư Bách Trượng đã sáng chế ra nghi thức cúng quả đường cho chư Tăng, Ni trong lúc thụ trai và được áp dụng rộng rãi ở Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan.

Cùng với đó, tinh thần hoà hợp của chư tăng, ni khi sống trong cùng một trú xứ, một tổ chức, một đoàn thể Tăng già, là một hành động mang nhiều ý nghĩa, mục đích hết sức sâu sắc, một nét đẹp truyền thống trong tinh thần đoàn kết hoà hợp của Phật giáo. Tinh thần hoà hợp, đoàn kết là sức mạnh để bảo vệ chính mình và vượt qua những chặng đường khó khăn trong cuộc sống, trước những biến cố xảy ra và sự tác động không mong muốn của một xã hội còn nhiều phức tạp.

Do đó, tinh thần hoà hợp lấy lục hoà cộng trụ làm cơ sở cho sự đoàn kết của chư Tăng trong một trú xứ an cư, để cùng nhau hướng đến những mục tiêu quan trọng hơn của quá trình tu tập giải thoát.

Sáu pháp lục hoà bao gồm: 1. Thân hoà đồng trụ; 2. Khẩu hoà vô tranh; 3. Ý hoà đồng duyệt; 4. Giới hoà đồng tu; 5. Kiến hoà đồng giải; 6. Lợi hoà đồng quân. Sáu phương pháp của lục hoà, thể hiện nhân cách sống của con người về những giá trị đạo đức, hướng đến mục đích cao đẹp, đem lại sự hoà thuận, chia sẻ, yêu thương nhau, đùn bọc lẫn nhau từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói cho đến hành động cụ thể trong cuộc sống.

Sáu phép hoà hợp nó phản ánh một nét đẹp toàn thiện toàn mỹ của con người tu sĩ chân chính với những giá trị thật, chứ không phải là những “giá trị ảo” và theo số đông, ai nói sai cũng ừ, ai nói phải cũng gật, hoà mình một cách thụ động, nhu nhược.

Tuy nhiên, hiện nay có một số người đang lo lắng cho hình ảnh đẹp của chư tăng, ni tu hành chân chính, giới đức trang nghiêm, chùa chiền, Giáo hội bị tác động, bị công kích, làm mất niềm tin của giới cư sĩ vào Phật giáo, họ không muốn đến chùa quy y, nghe pháp, công quả…thậm chí còn cho rằng Đạo Phật sẽ bị diệt vong.

Sự lo lắng đó xuất phát từ tận đáy lòng của những con người tín tâm với Phật giáo và lo cho sự an nguy của một đoàn thể Tăng già trong tương lai. Song, chúng ta nên hiểu rằng, đạo Phật là một tôn giáo có quá trình phát triển lâu đời và bản thân của đạo Phật chứa đựng những giá trị cốt lõi về giá trị đạo đức, tư tưởng hoà bình, văn hoá, đoàn kết và trở thành một nền tảng đạo đức quan trọng không thể thiếu ở con người xã hội phương Đông lẫn phương Tây ngày nay.

Ngày 15.12.1999, trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hoá, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Một chương mới mở ra cho tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Phật giáo nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng trên con đường phát triển Phật giáo. Những giá trị đóng góp của đạo Phật cho nhân loại và những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho xã hội hiện nay là không thể phủ nhận được.

Một trong những yếu tố làm nên giá trị thiêng liêng đó, có thể khẳng định hình ảnh những người tu sĩ chân chính Phật giáo đã cống hiến sức lực, trí tuệ và đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Nếu một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta ngồi lại suy nghĩ thật kỹ, hiểu thật sâu về những giá trị, hành động thiết thực của chư tăng, ni Phật giáo Việt Nam đã trải lòng cùng với người dân trên khắp vùng quê hương của Tổ quốc như là: nuôi dưỡng các cụ già neo đơn, trẻ em mồ côi, hỗ trợ nước uống cho bà con nghèo vùng nước bị ngập mặn Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà mau…

Các việc làm từ thiện ở địa phương, thì chúng ta sẽ cảm nhận được những nét đẹp của chư Tăng, Ni với những hành động cụ thể trong từng việc làm tốt đời, đẹp đạo mà họ đã cố gắng vun trồng, nó thật sự xứng đáng với những phẩm chất đạo đức mà xã hội ngày nay cần phải xem xét một cách nghiêm túc.

Trong số chúng ta thường có quan niệm nhìn đối tượng với nét đẹp hình thức bên ngoài, như nhìn một cô gái có nét đẹp xinh xắn, nhan sắc mỹ miều, thướt tha, có “độ cong” của cơ thể, nhưng chúng ta ít ngấm nhìn cái nét đẹp bên trong của nó như thế nào, chính điều đó đã làm hạn chế tầm nhìn, nhận thức của con người trong một trật tự xã hội, thế giới có nhiều biến động như hiện nay.

Mặt khác, chúng ta nên hiểu rằng xã hội ngày nay là một “xã hội mở”, một xã hội hội nhập quốc tế, không phải là một xã hội với những quan điểm giáo điều, cố chấp, thì tất nhiên đi theo đó là sự phát triển năng động về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá… trong đó có sự phát triển của tôn giáo, các trường phái, các quan điểm, tư tưởng mới cho đến các hình thức, hiện tượng “mới lạ” xuất hiện, là điều không thể tránh khỏi.

Trật tự của thế giới có nhiều biến động, kéo theo trật tự xã hội của một quốc gia theo đó cũng chịu tác động, ảnh hưởng không nhỏ, dẫn đến nhiều “hiện tượng lạ” xuất hiện và những hiệu ứng đám đông (informational social influence) bởi những hành vi của cá nhân có tác động lan toả đến nhiều người.

Tuy nhiên, những hiệu ứng đó có thể mang đến những yếu tố tích cực cho xã hội, tôn giáo và cũng có thể mang đến nhiều vấn đề tiêu cực cho xã hội, tôn giáo. Vấn đề là ở chỗ chúng ta xem xét nó dưới giác độ nào, quan điểm nào, trường phái tư tưởng nào và tôn giáo nào để chúng ta có một cái nhìn hết sức toàn diện, đừng để giống như những “con nai vàng ngơ ngác” rơi vào “cạm bẫy” của người thợ săn, mà mạng xã hội là một mạng nhện, chúng ta phải hết sức cẩn thận.

Sự xuất hiện của một hiện tượng mới, lạ trong xã hội đang trong  một thời điểm “cận giới hạn” và khi nó đạt đến điểm “giới hạn” của nó tất yếu sẽ bùng nổ, đưa đến các khuynh hướng: Một là khuynh hướng tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, làm đảo lộn trật tự xã hội, làm nguy hại đến lợi ích của một quốc gia, thì tất yếu sẽ bị loại trừ, không tồn tại trong cộng đồng, đó là quy luật tự đào thải;

Hai là, khuynh hướng tích cực, mang đến cho xã hội những giá trị thiết thực, những hiện tượng đó có những tác động, làm thay đổi những suy nghĩ lệch lạc và đổi mới những cái cũ, không còn giá trị, không còn đủ sức cho một nền tảng sức sống mới, thì tất nhiên nó sẽ được xã hội công nhận, tồn tại. Song câu hỏi được đặt ra là quan điểm của Nhà nước nhìn nhận về những hiện tượng mới lạ đó như thế nào?

Chư Tăng quá dường

Câu chuyện của chúng ta là làm sao để phát huy những giá trị nội tại, duy trì những nét đẹp truyền thống của Phật giáo, mà hình ảnh Tăng, Ni đã góp phần tạo nên nhũng giá trị chân – thiện – mỹ. Do vậy, đừng để vấn đề đi quá xa, trước khi chúng ta không còn đủ sức lực để kéo “cổ xe” đang bên bờ vực thẳm của sự mất niềm tin vào hình ảnh “người đại diện” của đạo Phật.

Tuy nhiên, những tín đồ Phật giáo, mặc dù có những phút giây “rung động” trước những hình thức của “cái đẹp” bên ngoài, nhưng xét cho cùng bên trong họ vẫn chứa đựng những “cái đẹp tuyệt đối” của Phật giáo, hình ảnh chân thật của chư Tăng, Ni đã in sâu trong lòng họ không phải một sớm một chiều, mà nó đã cố kết từ thế hệ này sang thế hệ khác; không phải ngẫu nhiên người ta nói rằng “mái chùa che chở hồn dân tộc”, không phải vô cớ, người ta cho rằng “đó là nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Tất cả đều có nguyên nhân của nó. Chúng ta đừng vì sự “rung động” nhất thời, mà đánh mất những giá trị cao quý của đạo Phật, những nét đẹp của Tăng, Ni Phật giáo.

Tóm lại, trong suốt nhiều thế kỷ con người mãi đi tìm để khám phá những cái đẹp, nghệ thuật trong thiên nhiên, trong xã hội và trong chính bản thân của con người; nhưng con người đã nhận thức được rằng, cái đẹp không chỉ là hình thức bên ngoài, mà nó chứa đựng những giá trị của đạo đức, cái lý tưởng siêu việt tuyệt đối, mà mọi giá trị cần phải hướng đến.

Do đó, trong đời sống hiện thực, quan niệm về cái đẹp không chỉ là cái đẹp được tìm thấy ở thân thể, vật chất, thiên nhiên, xã hội, mà cái đẹp được nhìn nhận và phù hợp với quan niệm của con người về những đức tính thiện, những giá trị đạo đức, sự hoàn thiện, hài hoà trong cuộc sống.

Đời sống tinh thần của tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, nó là đỉnh cao của nghệ thuật, mà con người luôn luôn hướng về cái đẹp tuyệt đối, cái thiêng liêng, chí thiện, đạo đức, lý tưởng siêu việt trong thế gian trần tục. Khi chúng ta nhìn về hình ảnh của chư tăng, ni an cư trong ba tháng với từng bước chân đi kinh hành nhẹ nhàng, khoan thai, sắc vàng rực rỡ trong tiếng tụng kinh cúng quả đường, những tiếng tụng kinh cầu nguyện mỗi buổi chiều khi hoàng hôn vừa buông xuống…

Chúng ta sẽ cảm nhận được nét đẹp tuyệt vời, một nghệ thuật siêu việt của cái thiêng liêng được toát ra từ sâu thẳm trong tâm hồn của chư Tăng, Ni. Nét đẹp đó, được phát ra từ nội tại của những con người mang những hoài bảo, những lý tưởng hướng thiện và vì lợi ích của con người. Sở dĩ, chúng ta chưa cảm nhận được cái đẹp, cái nghệ thuật tuyệt vời trong chiếc huỳnh y, là vì trong tâm hồn chúng ta còn ẩn chứa những quan điểm định kiến, chấp ngã, sân hận, suy nghĩ phiến diện…

Chúng ta chưa thoát được ngã chấp và suy nghĩ, nhận thức của chúng ta còn biểu hiện của sự phân biệt, đối đãi, bị tác động bởi mật ngọt và phù phép của một quan niệm đả phá từ bên ngoài. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng có những “lá cây” bị sâu, bị hư hoại, nhưng đó không phải là toàn bộ của một thân cây đại thụ, mà lợi ích của thân cây đại thụ đã đem đến cho cộng đồng, xã hội và nhân loại những giá trị thiết thực trong cuộc sống con người.

Tác giả: Thượng tọa Ts Thích Lệ Quang Trưởng ban Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM Ảnh: FB Thích Nhật Từ ***

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bùi Văn Nam Sơn (dịch và chú giải), Immanuel Kant, Phê phán lý tính thuần tuý, NXB. Văn học, 2004.

2. Huyền Giang (dịch), Mỹ học, NXB. Thế giới, 2003.

3. Lê Ngọc Trà (chủ biên), Mỹ học đại cương, NXB. Văn hoá thông tin, 1994.

4. Thích Đổng Minh (dịch), Trùng trị Tỳ ni sự nghĩa tập yếu, tập 1-2, Nxb. Tôn giáo, năm 2011.

5. Thích Minh Thông, Theo dấu chân xưa, NXB. Tôn giáo, 2003.

6. Thích Nguyên Chơn (dịch), Tam thiên oai nghi – hành hộ luật nghi, NXB. Hồng Đức, năm 2014.

7. TS. Trần Kỳ Đồng, Tài liệu lịch sử tư tưởng Mỹ học.

CHÚ THÍCH:

[1] Diễn văn khai mạc Đại hội quốc tế về Mỹ học và khoa học nghệ thuật lần II, Paris, 1937.