Nét nhân bản đặc thù của đạo Phật, dù được hiểu dưới bất cứ danh xưng nào đều là do một con người tạo lập. Giáo lý Phật giáo là kết tinh từ những nỗ lực và trí tuệ của chính con người, không phải là mớ lý thuyết kinh viện phát xuất từ tháp ngà, hoặc là sự mặc khải từ các bậc toàn tri, toàn năng siêu hình.
Hạnh Hiếu (Văn Thị Ngọc Ánh) Chùa Vương Xá, 60 Ngô Huy Diễn, P.5, Đà Lạt, Lâm Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024
Mở đề: Nhắc đến tôn giáo, người ta thường nghĩ đến tâm linh hay khía cạnh cứu rỗi, dưới lăng kính tín ngưỡng, hình ảnh giáo chủ của tôn giáo đầy uy nghiêm, cao vời vợi.
Đạo Phật trong mắt của tín đồ cũng vậy, họ cho rằng đức Phật có thể ban phước giáng họa nếu họ làm sai một điều gì đó, vô tình họ đã “quảng bá” đạo Phật một cách sai lệch. Giáo chủ đạo Phật không phải chỉ ngự trên đài sen trong những ngôi chính điện lộng lẫy, sơn son thếp vàng, đèn hoa tráng lệ, hay giữa hư không đầy màu sắc huyền bí giám sát chúng sinh để phán xét, đợi chờ lời cầu nguyện để ban cho!
Qua đời sống của đức Phật, chúng ta thấy, Ngài không phải là một vị thánh siêu nhiên, bất khả tiếp cận. Ngài không phải là một vị thần để thờ cúng, vái lạy. Ngài cũng không phải đấng sáng thế có quyền thưởng phạt sinh linh. Ngài vốn là con người, nhưng là con người đã giác ngộ, biết rõ từng nỗi đau của mỗi chúng sinh trong cuộc đời.
Như Rabindianmath Tagone, nhận định: “Đức Phật là người đã thánh hóa cuộc đời bằng một lần thị hiện, tại mảnh đất trần thế, qua hình ảnh bằng xương bằng thịt của ngài”.
Từ khóa: Đức Phật, đạo Phật, siêu nhiên, đời sống, tôn giáo ..vv...
1. Cuộc đời đức Phật từ đản sinh đến Niết Bàn theo kinh Nikaya
“Giáo chủ của đạo Phật là một con người lịch sử! Ngài tên là Siddhattha con vua Suddodhana và hoàng hậu Maya của nước Sakya thuộc đất nước Nepal ngày nay. Thái tử Sirddattha sinh ra và lớn lên, được dạy dỗ như bao đứa trẻ khác(1). Trong khi đi dạo quanh ba cửa thành, Thái tử đã suy niệm: “Sỉ nhục thay cái gọi là sinh! vì ai sinh ra cũng phải già, cũng phải bệnh. Cũng phải chết như vậy!(2)”.
Từ đó, ngài thấu hiểu được tâm trạng của con người và cảm nhận được giá trị thật của kiếp người. Thật vậy, chỉ khi là con người, đức Phật mới hiểu được sự mất mát to lớn giữa những người thân trong gia đình, như câu chuyện nàng KisaGotami(3). Thực chỉ có ai đang cưu mang thân phận kiếp người mới biết được con người đang thiếu gì, đang cần gì và đang muốn gì!
Thậm chí ngay cả đồng loại của nhau nhưng chưa chắc người giàu đã cảm nhận được niềm hạnh phúc to lớn mà người nghèo mơ ước. Giai cấp thống trị có lẽ không bao giờ cảm thông được nỗi thống khổ của tầng lớp bị trị, dù họ ý thức rằng quyền lực, lợi danh của họ được xây dựng trên mồ hôi, nước mắt và máu của kẻ khác; huống gì là những nhân vật đến từ cõi khác.
“Đời sống của ta thật là tế nhị, tinh vi trong nhà phụ vương Ta, các hồ được xây lên, trong một hồ có hoa sen xanh, trong một hồ có hoa sen đỏ, trong một hồ có hoa sen trắng, tất cả phục vụ cho ta. Không một hương chiên đàn nào ta dùng là không từ Kasi đến. Bằng vải Kasi là áo cánh, bằng vải Kasi là nội y, bằng vải Kasi là thượng y. Đêm và ngày, một lọng trắng được che cho ta để tránh xúc chạm lạnh nóng, bụi, cỏ hay sương... Ba lâu đài được xây dựng cho ta, một cái cho mùa đông, một cái cho mùa hạ, một cái cho mùa mưa…
Trong nhà Phụ vương ta, các người đầy tớ, làm công được cho ăn gạo thịt và cơm nấu”(4). Như thế, cuộc sống của Thái tử ở hoàng cung nguy nga, tráng lệ, có đầy đủ những điều mà người thường đang muốn tìm cầu. Sau khi thái tử kết duyên cùng nàng Yasodhara thì đã hạ sinh một đứa bé trai đặt tên là Rahula.
Tuy ngài có vợ đẹp con khôn, nhưng đối với Thái tử tất cả cũng chỉ là trói buộc. Hình ảnh một thanh niên nhìn vợ và con đang yên giấc với một tấm lòng từ ái nhưng bình thản, không dao động, không trìu mến phần nào thể hiện sự quyết tâm từ bỏ tất cả của Ngài. Ngài đi với sự không tiền của, không nhà cửa, nay đây mai đó. Ngài bắt đầu đi tìm chân lý và an tĩnh. Thế là Ngài từ bỏ nhân gian.
Một sự kiện từ bỏ vĩ đại, một sự kiện mà ngoài đức Phật, trước đó chưa có ai có thể làm được. Vì đây “là sự khước từ của một hoàng thái tử vinh quang giữa thời niên thiếu, trong cảnh ấm no, sung túc và thịnh vượng. Một sự thoát ly chưa từng có trong lịch sử”(5).
Với tinh thần bất khuất, nay đây mai đó để tìm trạng thái thanh bình, an lạc và chân lý tối thượng. Đạo sĩ Gotama với tâm tinh tấn, kiên định, Ngài dùng nhiều phương pháp từ cầu học hai vị là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta đến nín thở, tuyệt thực khổ hạnh ép xác nhưng tất cả đều không thu hoạch được gì.
Ngài nhớ đến có lần ngài ngồi thiền và đắc sơ thiền lấy đó thực tập. Cuối cùng, vào lúc canh một, Ngài liền chứng tuệ giác đầu tiên và lần lần đến các tuệ giác cuối cùng(6). Khoảnh khắc này chứng minh rằng không phải khi sinh ra ngài là Phật mà ngài trở thành Phật do sự tinh tấn nỗ lực của chính mình.
Đời sống hằng ngày của đức Phật càng giống với một con người, Ngài được xem là vị giáo chủ hoạt động tích cực và nhiệt thành nhất thế gian. Buổi sáng, ngài ngồi thiền quán sát ai sẽ là người tế độ hôm nay, hoặc đức Phật sẽ đi trì bình khất thực, dùng cơm trước ngọ và thuyết một bài pháp ngắn. Buổi trưa, ngài nằm nghỉ một lát và dùng Đại Bi tâm quan sát giúp đỡ để tế độ người, chiều ngài thuyết pháp cho hội chúng nghe.
Đến đêm, canh đầu, đức Phật dành riêng cho các vị Tỳ kheo đến thỉnh cầu Ngài rọi sáng những hoài nghi của mình; canh giữa, đức Phật dành cho các vị chư thiên và chư Phạm thiên; canh cuối, Ngài đi kinh hành, nằm định thần và nhập Đại Bi định để làm êm dịu tất cả chúng sinh. Mỗi ngày, Ngài chỉ ngủ một tiếng, Ngài luôn bận rộn với nhiệm vụ đạo đức, Ngài không ngừng gia công để đem lại điều tốt đẹp, hạnh phúc đến cho tất cả, ngay cả đến ngày nhập Niết Bàn vào năm 80 tuổi.
2. Đức Phật không phải là đấng sáng thế hay cứu thế.
Phật theo đúng nghĩa của từ ngữ là bậc giác ngộ. Ai giác ngộ được như ngài đều gọi là Phật. Trước và sau Phật đều có Phật. Sự vĩ đại của đức Phật là người chỉ dạy con đường và ai đi theo con đường này sẽ đoạn tận mọi khổ đau.
Thay vì đặt trên con người một thần linh vạn năng vô hình và cho con người một địa vị khép nép rụt rè, đức Phật chứng minh rằng con người có thể thành đạt trí tuệ cao siêu và đạo quả tối thượng do sự cố gắng của chính mình. Một hình ảnh thật đẹp khi một vị giáo chủ chăm sóc những người đệ tử của mình.
Câu chuyện tôn giả Đại Ca Diếp bị bệnh nặng, Thế Tôn đích thân đến thăm và mời tôn giả về ở cùng với mình, hay Ngài thấy Tỳ kheo Putigatta Tissa Thera thân thể lở loét đang nằm trong thất mà không một ai chăm sóc, Ngài đến bên ân cần hỏi thăm và dùng khăn lau người cho vị Tỳ kheo đó.
Với nhãn quan thế gian, những việc làm trên là bình thường, nhưng trong tâm linh, hành động ấy lại vô cùng ý nghĩa khi nó được đức Phật, bậc giác ngộ thực hiện, thật khó để thấy cách hành xử đầy lòng nhân ái và tính nhân văn như thế trong cuộc đời của vị giáo chủ nào.
Những biểu hiện từ ái, bao dung trong một chút sức tàn còn lại của một người thầy khi lo lắng người đời sau mắng Cunda, Người sợ Cunda hối hận về sự bất cẩn của mình, dặn dò A Nan rằng bữa ăn này là bữa ăn cuối cùng và có công đức lớn nhất(7).
Mặt khác, theo người viết, đức Phật đã thị hiện là một con người, sinh ra là một con người và Ngài cũng chịu sự chi phối của quy luật sinh, lão, bệnh, tử, để cho chúng ta thấy được Ngài là một con người nhưng Ngài đã thành Phật- một bậc giác ngộ. Chúng ta cũng sẽ giác ngộ như Ngài. Ngài không ban ơn, hay giáng họa một ai càng không phải là đấng sáng thế hay cứu thế.
Không bao giờ đức Phật cưỡng bách tín đồ phải làm nô lệ cho giáo lý của mình hay cho chính mình. Những ai bước theo dấu chân Ngài đều được tự do tư tưởng. Ngài khuyên dạy hàng môn đệ không nên nhắm mắt chấp nhận những lời của Ngài chỉ vì kính nể, tôn trọng, nhưng phải xem xét, nghiên cứu, suy niệm cẩn thận cũng như người trí tuệ muốn thử vàng, phải đốt, cắt và chà vào đá.
3. Đạo Phật là tôn giáo
Trong lịch sử nhân loại, khi đề cập đến tôn giáo, người ta thường bàn đến lĩnh vực tâm linh của tín đồ. Phần lớn triết lý tôn giáo hữu thần thường đề cập đến kiếp sau của con người, giảng dạy cho họ phương pháp để thọ nhận được ân sủng của Thượng đế hay đấng sáng thế qua việc phục tùng những tín điều, giáo điều đã được giáo chủ mặc định. Trái lại, đạo Phật không tách rời cuộc sống hiện tại với mục đích tu dưỡng tương lai.
Theo giáo lý nhân quả của Phật giáo, kiếp sau hay tương lai chỉ là kết quả của chính đời sống hiện tại. Cuộc sống đạo đức, vị tha... hay đời sống đầy dục vọng, sân hận, ích kỷ chính là nhân tố quyết định cái mà bạn sẽ trở thành. Nhiều bản kinh điển Phật giáo đã chứng minh rằng tín đồ hay cư sĩ tại gia có thể đạt được thánh quả ngay hiện đời này nếu họ áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày của mình. Vì thế, chính con người là người quyết định mình là ai mà không phải là một đấng sáng thế, hay một giáo chủ nào quyết định điều này(8).
Sự kiện đức Phật Thích Ca sinh ra trong thế giới này với một vị thế của một con người và trở thành bậc thầy tôn quý của trời người thật sự vô cùng ý nghĩa; mở ra một chương mới trong lịch sử tư tưởng nhân loại: Con người là chủ nhân của tôn giáo chứ không phải là nô lệ của thánh thần. Theo quan niệm của người phương Tây, không có khổ đau nào khốn khổ bằng sự nô lệ tư tưởng. Do vậy, sự giác ngộ và giải thoát khỏi sự nô lệ thần linh của đức Phật có thể xem là cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại nhất.
Tóm lại, Đạo Phật là một tôn giáo, vì đạo Phật có giáo chủ, hệ thống giáo lý, tổ chức tăng đoàn, nhưng đạo Phật không chấp nhận vai trò thượng đế cứu thế, đề cao vị trí của con người và vai trò tình thương trí tuệ. Trong đạo Phật, tinh thần trách nhiệm cá nhân được xem trọng. “Tự mình làm điều ác, tự mình làm nhiễm ô, tự mình ác không làm, tự mình làm thanh tịnh”.
4. Đạo Phật nương tựa chính mình
Đạo Phật luôn khuyến hóa con người phải tin vào khả năng giác ngộ của mình, không nô lệ tha nhân; nương tựa mình và nương tựa pháp là tuyên ngôn của đạo Phật. Phật giáo không áp đặt quyền lực nào lên con người, không cường điệu tính yếu hèn, tội lỗi của con người. Phật nhấn mạnh con người có đầy đủ khả năng để hoàn thiện cá nhân. Tự cố gắng và phấn đấu sẽ giác ngộ.
Đặc biệt hơn, càng khó lòng tìm thấy được một người thầy tâm linh vĩ đại nào lại quan tâm và thương yêu người đã “giết” mình như thế. Với Devadata người mà ngài Narada xưng là “Người nguy hiểm nhất của đức Phật” cũng được Ngài cảm hóa. Không những thế, đức Phật còn thọ ký cho Devadata sau sẽ thành Phật hiệu là Thiên- Vương Như-Lai(9). Một người bình thường khi thấy oan gia của mình sẽ đem tâm ghét bỏ, hoặc sân giận.
Trong khi đó, Ngài dùng tâm thương yêu và biết ơn để đối lại tâm hận thù, sân giận của Devadata. Qua đó cho thấy, đức Phật với lòng từ bi vô lượng, Ngài cho tất cả mọi người trên thế gian biết rằng, Ngài là một con người, bắt đầu từ một con người và Ngài đã thành Phật, mọi người, ai ai cũng sẽ có thể trở thành Phật như Ngài. Bởi “Điểm giáo lý đặc thù của Phật giáo là chủ trương…khả năng giải thoát giác ngộ của con người chính ngay đời sống này”(10).
5. Quan điểm xã hội của đạo Phật.
• Đức Phật không tán thành chế độ đẳng cấp xã hội, không phân biệt giới tính
Đức Phật dạy các đệ tử rằng “Như các con sông lớn, Hằng hà, Yamuna, Aciravati... khi đổ vào biển thì chúng mất tên gọi... cũng vậy, bốn đẳng cấp sát đế lợi, bà la môn, vệ xá, thủ đà la khi đến với đạo Phật đều được gọi là Phật tử”(11). Trong hàng đệ tử Phật có đủ hạng người từ Bimbisara, Pasenadi, Ajatasattu, các bà la môn Kassapa, Sariputa, thợ cạo tóc Upali, kỹ nữ Ambapali, tên cướp khét tiếng Angulimala... đều được Ngài hóa độ như nhau, đều chứng đắc Thánh Quả, như nhau.
“Đức Phật hiện ra nơi đời không chỉ lợi ích cho nam giới mà còn cho cả nữ giới chúng tôi”. Như cỗ xe chở người, bất luận nam hay nữ. Cũng thế, chiếc xe chánh Pháp chờ đón họ thẳng tới Niết Bàn”(12). Ngài nâng đỡ hoàn cảnh của người phụ nữ - lúc bấy giờ bị xã hội khinh thường, không những bằng cách nâng phẩm giá của người đàn bà lên đúng tầm quan trọng, mà còn sáng lập giáo hội đầu tiên trong lịch sử cho hàng phụ nữ.
Qua đó cho thấy, tổ chức tăng già Phật giáo xem trọng tính dân chủ, không giáo quyền, dựa trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp, tương thân tương ái gọi là lục hòa. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Ngài đứng lên cố gắng đánh đổ chế độ mua bán người làm nô lệ. Ngài bãi bỏ phong tục đem những con vật xấu số ra giết để cúng tế thần linh, mở rộng tâm từ, bao trùm luôn cả muôn loài.
• Người cao quý không phải do sinh đẻ mà do hành động của bản thân.
Ngài không nương vào dòng họ cao thấp để định giá con người, mà chỉ nương vào phẩm hạnh đạo đức. Đặc biệt, Ngài phủ nhận giai cấp, đem chế độ bình đẳng để đãi ngộ mọi hạng người trong xã hội. Cho nên Ngài chỉ căn cứ vào phần trí tuệ nông sâu, đức hạnh và phẩm giá để định vị con người. Dù là ai khi vào đạo Phật cũng chỉ lấy đạo đức làm căn bản.
Theo thiển ý của người viết, sở dĩ đạo Phật đạt được những thành quả như thế, bởi vì, nét đặc thù về Triết lý, xã hội của đạo Phật nằm ở chỗ Phật giáo không tồn tại cái tự ngã hay cái danh xưng của mình, mà đến với thếgiới nàyvì an lạc cho mọi loài chúng sinh. Đây là những gì mà thế giới Phương tây đã tìm thấy ở đạo Phật và đức Phật như lời văn hào Hermann Hesse, giải Nobel Văn chương năm 1946, phát biểu:
“...Những nội dung tri thức của lời Phật dạy chỉ là một nửa của đóng góp của ngài. Nửa còn lại là đời sống của ngài, đời sống thực mà ngài đã sống. Thực vậy, đức Phật đã hoàn tất việc rèn luyện chính mình và đem ra áp dụng cho các đệ tử. Ngài đã xác định một mục tiêu và đã được các kết quả mà các nhà hành động chân chính nổi danh của Phương Tây phải ngả mũ kính phục” và” đức Phật là hiện thân của tất cả những đức hạnh mà Ngài giảng dạy. Trong suốt 45 năm thuyết giảng thành công và sinh động, đức Phật đã thể hiện lời nói của mình bằng chính hành động”(13).
Kết luận
Nét nhân bản đặc thù của đạo Phật, dù được hiểu dưới bất cứ danh xưng nào đều là do một con người tạo lập. Giáo lý Phật giáo là kết tinh từ những nỗ lực và trí tuệ của chính con người, không phải là mớ lý thuyết kinh viện phát xuất từ tháp ngà, hoặc là sự mặc khải từ các bậc toàn tri, toàn năng siêu hình. Có lẽ, thế giới hữu thần bị tê liệt, quyền năng truyền thống siêu nhiên trở nên vô hiệu khi sự thật về vạn hữu và số phận của con người được phơi bày qua sự khám phá, chứng nghiệm của một con người lịch sử.
Nói cách khác, từ vị thế nô lệ của thần linh, con người đã được đạo Phật trả về đúng với cương vị của mình qua lời tuyên bố sau: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Theo Robindranath Tagore, “đức Phật đã Thánh hóa Cuộc Đời” bằng chính sự giác ngộ chân lý tự thân, hiển bày năng lực phi thường của con người.
Nguồn trí tuệ từ sự giác ngộ của đức Phật Thích Ca, được con người xưa và nay biết đến với tên gọi là đạo Phật (Buddhism), đã cống hiến cho nhân loại một nghệ thuật sống. Gần 26 thế kỷ tồn tại và phát triển, những lời dạy về từ bi, trí tuệ vô ngã, vị tha bắt nguồn từ sự chứng ngộ ấy đã chứng tỏ được giá trị đích thực của nó đối với cuộc đời.
Bởi lẽ, giá trị cao nhất của hệ triết lý tư tưởng hay tôn giáo chủ yếu được đo lường bằng hiệu quả hạnh phúc, như Aristotle, một trong những triết gia vĩ đại phương Tây, đã quan niệm “mục tiêu của cuộc đời không phải là cái hay, cái đẹp mà chính là hạnh phúc”. Đây chính là mục đích ra đời của đức Phật: “Ta ra đời là vì lợi ích và an lạc cho số đông, cho chư thiên và loài người” và “xưa và nay Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”.
Lời tuyên bố này của đức Phật không phải là lý thuyết suông, cũng không phải những mỹ từ để làm đẹp đạo Phật, mà đã được chính đức Phật nói và làm trong suốt cuộc đời của ngài.
Hạnh Hiếu (Văn Thị Ngọc Ánh) Chùa Vương Xá, 60 Ngô Huy Diễn, P.5, Đà Lạt, Lâm Đồng Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***
CHÚ THÍCH:
(1) Thích Minh Châu (2020), Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bổn, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, tr.209-236.
(2) Sđd, tr. 220.
(3) https://phatphapungdung.com/phap-bao/kinh-tieu-bo-tap-9-truong-lao-ni-kệ, kinh kisa gotami.
(4) Thích Minh Châu (2020), Kinh Tăng Chi Bộ, kinh nuôi dưỡng tế nhị, Nxb. Hồng Đức, Tp.HCM, tr. 132.
(5) Narada Maha Thera (2013), Đức Phật và Phật pháp, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM, TP.HCM, tr. 30.
(6) Sđd, tr. 52-58.
(7) Xem “Thích Minh Châu (2020), Kinh Trường Bộ, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, tr. 287-288”.
(8) Viên Trí (2018), Phật giáo qua lăng kính xã hội, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, tr. 47-8.
(9) https://thuvienhoasen.org/a586/12-pham-de-ba-dat-da
(10) Viên Trí (2018), Phật giáo qua lăng kính xã hội, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, tr. 46.
(11) Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Tám pháp, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, tr. 962.
(12) Viên Trí (2018), Phật giáo qua lăng kính xã hội, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, tr. 78
(13) Viên Trí (2018), Phật giáo qua lăng kính xã hội, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, tr. 35.
Bình luận (0)