Cư sĩ Minh Mẫn
Chủ đề khá nhạy cảm đã dẫn dắt vô số người trong quá khứ cũng như hiện tại; Phật tử cũng như tín đồ các tôn giáo hiện nay mang trong tâm tưởng một ấn tượng để khi phát ngôn gặp phải nhiều đụng chạm không nên có.
Cái gì mình thích thì những cái khác đều không tốt hoặc vô bổ, hoặc không đúng, không chính đáng. Chính quan điểm như thế, trong cuộc sống xảy ra quá nhiều mâu thuẫn, xúc phạm, tranh chấp lẫn nhau. Một clip thiếu thực tế vội cho là huyễn hoặc, tà đạo, vì không thích hợp với nhận thức của ta. Từ đó suy ra những vấn đề quanh ta trong cuộc sống được đánh giá, nhận định đều như thế.
Tất cả những hiện tượng từ con người đến động vật, thảo mộc; từ ý thức hệ siêu thực đến thực dụng, từ tôn giáo đến triết thuyết… như một biểu đồ trên bức tranh tổng thể trong sự vận hành của vũ trụ.
Sự có mặt những gì trên hành tinh đang tồn tại dù tốt hay xấu, đều là điều tất yếu của hiện thể nghiệp thức biểu hiện. Đã là nghiệp thức tất không đồng nhất; do căn cơ bất đồng mà sản sinh những phụ thể bất đồng.
Trong phạm vi nhỏ đề cập là tín ngưỡng, tôn giáo. Từ khi con người có mặt thì niềm tin xuất hiện. Đời sống bộ tộc có thần linh của bộ tộc; một dân tộc có tín ngưỡng bản địa của dân tộc; thế thì tôn giáo cũng là điều tất yếu xuất hiện từ một cộng đồng xã hội. Một tôn giáo mang tính từ bi như đạo Phật, bác ái như Thiên Chúa giáo hay cực đoan sát phạt như một số thành phần cực đoan của Hồi giáo... đều là tính tương quan của hai mặt trong một cộng thể. Có tốt tất phải có xấu, không thể đòi hỏi tuyệt đối. Do tính cố chấp bảo thủ đã xảy ra những cuộc chiến giữa tôn giáo với tôn giáo suốt nhiều thế kỷ mà lịch sử gọi là “thập tự chinh” giữa năm 1095 và 1291. Các chiến dịch tương tự ở Tây Ban Nha và Đông Âu tiếp tục vào thế kỷ XV. Các cuộc Thập Tự Chinh giữa người Công giáo Rôma chống lại người Hồi giáo và các tín hữu Kitô giáo theo Chính Thống giáo Đông phương trong Byzantium, với các chiến dịch nhỏ hơn tiến hành chống lại người Slav ngoại giáo, Balts ngoại giáo, Mông Cổ, và người Kitô giáo ngoại đạo. Chính Thống giáo Đông phương cũng tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Hồi giáo trong một số cuộc Thập Tự Chinh.
Trong khi đó, Hồi giáo, từ tiếng Ả Rập là Islam, bản chất phi bạo lực. Islam ngoài ý "phục tùng Chúa Trời" còn có nghĩa là "hoà bình". Thiên Chúa giáo cũng vinh danh Thiên Chúa là tình yêu và ánh sáng, bình an cho người dưới thế. Cũng vậy, một quốc gia được xem đạo Phật là quốc giáo, vẫn xảy ra xung đột đẫm máu giữa quân đội Myanmar với cộng đồng sắc tộc Rohingya ở Rakhine.
Bạo lực là hạt giống sân cộng với lòng tham và bảo thủ ẩn tàng trong thập kiết sử... Nhà Phật dạy rất kỹ về “tam độc” và lòng từ bi, nhưng hầu như đa phần đều phạm phải tính bảo thủ, cố chấp, bài xích.
Tứ Phủ công đồng, dịch lý bói toàn và nhiều hình thức nặng phần tín ngưỡng tâm linh đã tồn tại trong dân tộc Việt Nam, có mặt trước khi Phật giáo đến Việt Nam, đã chung sống hòa bình với Nho - Thích - Lão, chứng minh được tính hài hòa, bình đẳng và từ bi của người tin Phật. Mãi đến khi phương Tây xâm nhập vào xã hội Việt Nam, đem theo nền văn hóa mới, dân tộc tiếp nhận được nếp sống tiên tiến, học được tính minh triết của triết học, biết nhận xét phân tích ”nhận thức luận, siêu hình học, luận lý học”… con người bắt đầu phát triển những tiềm năng thiện và bất thiện rõ nét. Nhất là những kiến thức được tiếp nhận khá cởi mở, ngã chấp cũng phát triển song song, dùng kiến thức học vị để soi xét từng ngóc ngách của tín ngưỡng tôn giáo, xem cổ nhân là lỗi thời. Lý trí đã vượt trội lấn lướt tâm linh và tình cảm, chả trách Âu Mỹ có cuộc sống thực dụng, xem nhẹ tình cảm, đáng ra lý và tình cần song hành.
Do tính ngã chấp bảo thủ của những người theo tôn giáo, xem đạo mình là chính thống, tất cả không phải của mình là tà, là ngoại đạo; ngay cả cùng một tôn giáo, tông môn này xem tông môn khác là không đúng. Phật giáo Nguyên thủy xem Phật giáo Đại thừa là tà giáo, Thiền coi Tịnh độ của Phật Di Đà là ngoại đạo… Tất cả hiện thể trong cuộc sống như cơ quan nội tạng, mỗi lĩnh vực có một chức năng cung ứng nuôi cơ thể, cũng thế, mỗi tôn giáo, mỗi tông phái đều có chức năng hướng thiện, nếu bất thiện là do chính lòng người bảo thủ, cố chấp (chung một bàn tay mà các ngón không đồng nhau, chính không đồng đều đã giúp bàn tay cầm nắm được vật, thế tại sao buộc tất cả đều cùng một tổ chức, một hình thái, một bản chất giống nhau, thì hà tất chỉ trích phê phán những tổ chức các tôn giáo khác là tà giáo, ngoại đạo?).
Phê phán, chỉ trích khi đối tượng cùng một chiến tuyến, chấp nhận mẫu số chung mới đủ tiêu chuẩn phê phán đúng sai; muối và đường khác bản chất làm sao so sánh cái nào ngon hơn, cần thiết hơn. Cùng trên sàn trình diễn mới đủ chuẩn so sánh ai là người mẫu; không thể đem A so sánh với B. Thế thì không thể lấy tôn giáo mình, tông phái mình để xét đoan tôn giáo khác, tông phái khác. Do sai lệch nhận thức đưa đến chỉ trích phê phán những tôn giáo, hệ phái không thuộc lĩnh vực của mình, mâu thuẫn, bất hòa tất yếu xảy ra.
Người tu Phật cần có tâm thái ôn hòa, bình đẳng, bao dung vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính; Mọi hiên tượng đa sắc trong cuộc sống là sắc hoa tô điểm cho cuộc đời. Ta còn thở, còn nhìn thấy mọi hiện tượng là phải chấp nhận mọi sai biệt, làm gì có ngoại đạo, tà giáo trong cái nhìn của chúng ta. Giáo lý nhà Phật không hề khuyến khích bài bác bất cứ ai, Lục Tổ Huệ Năng từng khuyên hãy nhìn lỗi mình, đừng nhìn lỗi người. Chúa Giê Su dạy: “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” (Ma Thi Ơ 7:1)
Qua lịch sử chứng minh, bạo lực, cố chấp, bảo thủ là hạt giống tiềm ẩn trong mỗi người, khi tôn giáo có thế lực kết hợp chính trị bị khích động thường bộc lộ bản chất bất thiện, tàn độc. Chính trị và Tôn giáo luôn là mảnh đất màu mỡ dễ phát tán bạo lực nếu người tu Phật không nhận rõ và kiểm soát tâm mình.
Cư sĩ Minh Mẫn
Bình luận (0)