Qua lăng kính Phật giáo, người nữ luôn được đức Phật tán thán và Tăng đoàn coi trọng, bởi họ có những điều phi thường mà khó ai có thể làm được.

Từ thuở khai nguyên, vị thế phụ nữ luôn có vẻ yếu thế hơn người nam. Nhưng vấn đề này chỉ đề cập trên phương diện thể chất. Còn về tâm linh thì không như vậy. Cách đây hơn 2.500 năm, Đức Thế Tôn đã đản sinh, đến với thế gian, Ngài đã khai mở chân lý giác ngộ để cứu vớt mọi loài thoát vòng trầm luân. Trong số đó, thân phận người nữ cũng được quan tâm. Học thuyết của Đức Phật đề cao khả năng chứng đạo của phụ nữ cũng như người nam đã một thời làm rúng động và đánh đổ định kiến bấy giờ: “Này A-nan, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, nữ nhân có thể chứng được quả Dự lưu, Nhất lai quả, Bất lai quả hay A-la-hán quả”[1].

Số phận người nữ được đăng quang từ thuở đó. Mọi ánh nhìn miệt thị về người nữ cũng dần chuyển hướng. Đặc biệt là giáo đoàn Ni, những con gái của đức Phật đã khiến cho nhiều người phải kinh ngạc bởi đạo lực mà họ đạt được. Vai trò của nữ giới bình đẳng với nam giới được khẳng định trong đạo Phật. Ni giới có thể làm được những gì mà họ ao ước, thậm chí vươn đến Thánh quả, bởi tố chất người nữ không những giàu đức hy sinh, siêng năng, nhẫn chịu mà còn giàu lòng từ hòa[2]. Nếu được bồi dưỡng tri thức hoàn thiện, họ vẫn có thể trở thành vĩ nhân như bao người, do đó, đức Phật từng khen ngợi: “Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỳ kheo Ni đệ tử của Ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát và tự giải thoát”[3]. Đức Tổ Kiều Đàm Di và các nữ Tôn giả A-la-hán chính là minh chứng cho lời nói đó.

Qua lăng kính Phật giáo, người nữ luôn được Đức Phật tán thán và Tăng đoàn coi trọng.

Ngoài ra, trên đà phát triển, được sự khích lệ của Tăng già, hiện tại, Ni giới không dừng lại ở mức độ tu dưỡng phạm hạnh mà còn là trụ cột vững chắc cho quá trình nhập thế, an sinh. Tuy còn gặp một số trở lực khách quan nhưng họ luôn sống trong niềm tự hào và phấn khởi.

Đức Phật dạy rằng, phụ nữ cũng có khả năng chứng quả giải thoát như nam giới. Một lần nọ, Ngài đã trả lời về câu hỏi có liên quan đến phụ nữ của vị thị giả Ānanda: Này Ānanda, chư Phật ra đời không chỉ đem lại lợi ích cho nam giới mà còn đem lại lợi ích cho nữ giới. Khi Ta thuyết kinh Tiro Kudha, đã có nhiều phụ nữ chứng ngộ đạo quả. Hay khi nói kinh Adhidhamma ở Tantía, có nhiều phụ nữ thuộc giai cấp cùng đinh chứng quả, chứ không phải những phụ nữ thuộc giai cấp cao hơn như thương gia hay Sát đế lợi. Cánh cửa giải thoát rộng mở cho nam lẫn nữ giới mà không có bất cứ sự phân biệt nào.

Cả nam và nữ đều có thể chứng đắc thánh quả khi thực hành theo lời Phật dạy. Giải thoát tối hậu không là đặc quyền cho bất kỳ giới tính nào. Như cỗ xe chở người, bất luận nam hay nữ. Cũng thế, chiếc xe chánh pháp chờ đón họ thẳng tới Niết bàn.

Người phụ nữ là một thành viên dễ mến trong gia đình, nắm giữ nhiều mối quan hệ, và được các đứa con yêu quý của mình kính trọng và thương yêu. Đức Phật cho rằng giới tính không quan trọng trong các vấn đề như nhân cách và vai trò trong xã hội, thậm chí, người phụ nữ có thể cạnh tranh được với đàn ông.

Thiện Minh (T/h)

***

Chú thích & Tài liệu tham khảo [1] HT. Thích Minh Châu (dịch, 2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Chương VIII, Tám Pháp VI, Phẩm Gotami, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.653. [2] Minh Đức Triều Tâm Ảnh (2012), Con gái Đức Phật, Lời thưa, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.7 [3] Tỳ kheo Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ tập II, Đại Kinh Vacchagotta, Đại Tạng Kinh Việt Nam, PL.2556 – DL.1992, tr.374.